Sunday, September 5, 2021

Sau "giải phóng", giới nghệ sĩ Afghanistan lo âu chờ số phận của mình

 


Âm nhạc đã câm lặng sau khi tiếng súng của Taliban vang lên trên đường phố Kabul. Những gì được gầy dựng và nuôi dưỡng từ năm 2001, sau khi nền chính trị khủng bố này sụp đổ, giờ tiếp tục trở lại câm nín. Mỗi nghệ sĩ Afghanistan đều đang phập phồng về số phận của mình. Giữa những biến động trên khắp đất nước chưa hoàn toàn dứt, vẫn chưa rõ liệu chính quyền mới có cấm âm nhạc như cách đây 25 năm hay không.

Đã có tin những nghệ sĩ hài, ca sĩ… bị mang đi xử tử mà không qua tòa án nào. Họ bị kết tội là đã phục vụ cho chính quyền thân Mỹ, và sống với thứ văn hóa đồi trụy.

Các cánh cửa đã khép kín dọc theo Phố Kharabat, nơi từng được coi là trung tâm của đời sống âm nhạc Afghanistan. Từ giữa Tháng Tám, khi Taliban tràn vào Kabul, không ai bảo ai nhưng sự ẩn náu, ít bị để ý nhất đang là điều cần thiết với các nghệ sĩ. Ở những thùng rác tại Kabul, người ta nhìn thấy những đĩa nhạc hoặc sách vở dạy học nhạc được vứt trong đó.

Ở thành phố từng nhộn nhịp vui vẻ này, các nhạc sĩ đã mang nhạc cụ của họ về nhà, hoặc giấu chúng vào phòng, chờ xem liệu lực lượng “giải phóng” có làm lại cái điều không tưởng là cấm âm nhạc, như cách họ đã làm cách đây 25 năm hay không. Dẫu sợ hãi mũi súng và ánh mắt của Taliban, nhưng giới nghệ sĩ vẫn rón rén tụ tập trên con phố, là nơi sinh ra, quê hương và bảo tồn không chính thức cho nhiều thế hệ các ngôi sao ca nhạc của đất nước này.

Tụm năm, tụm ba…, họ xì xào thảo luận về những bức ảnh được chia sẻ bởi ca sĩ nổi tiếng Aryan Khan, về hình ảnh chiếc đàn piano bị đập phá trong chỗ làm việc của anh ta. Mới đây là vụ sát hại nhạc sĩ dân gian Fawad Andarabi tại nhà riêng ở vùng nông thôn. Nghe rằng Fawad Andarabi bị bắn vào đầu sau khi một toán lính Taliban vào nhà, và bắt anh ta hát cho họ nghe. Giới nghệ sĩ Afghanistan đang tự hỏi, liệu ai trong họ sẽ là người tiếp theo.

“Chúng tôi đã xem ảnh trên mạng. Rồi ai đó sẽ gặp phải vấn đề tương tự, nếu không phải hôm nay thì ngày mai thôi”, Zabir, người chơi rubab, một loại đàn dây cổ truyền của Afghanistan cho biết. “Taliban vẫn chưa hoàn thành công việc thành lập một chính phủ mới, nhưng sau đó tôi biết chắc là họ sẽ nhắm mục tiêu vào âm nhạc”.

Zabir đã chờ ba ngày ở cổng sân bay vào tháng trước, trong sự cố gắng tuyệt vọng để mong có chỗ trong chuyến bay rời Afghanistan đến bất cứ đâu. “Âm nhạc nuôi sống tâm hồn bạn. Tôi không muốn sống ở đây nữa nếu không có nó”.

Cách đây 25 năm, khi đường phố đã trở nên hoang tàn bởi cuộc nội chiến, Taliban chính là lý do khiến các ca sĩ, tay trống và nghệ sĩ chơi nhạc cụ của họ đi lưu vong. Nhưng sau khi lực lượng khủng bố cầm quyền bị lật đổ vào năm 2001, các nghệ sĩ đã dần quay trở lại. 20 năm qua, cư dân Kabul, những người muốn nhạc sĩ mang lại niềm vui cho đám cưới, hoặc làm sôi động một bữa tiệc, đã tìm đến đây để mời các ban nhạc. Không những vậy, Kabul đã từng là nơi có các hội thảo lớn, nghiên cứu về nhạc cụ và phong cách âm nhạc. Giờ đây, những cánh cửa trên đường phố nghệ thuật này đang trước nguy cơ có thể phải đóng cửa vĩnh viễn.

Taliban vẫn còn nguyên hình là một đạo quân cưỡng chiếm, và dù lắm lời nhân nghĩa về thống nhất đất nước, hòa hợp dân tộc… nhưng các thông điệp mà các chỉ huy của họ gửi ra thì bất nhất. Ở phía bên kia thị trấn từ Phố Kharabat, Viện Âm nhạc Quốc gia Afghanistan (ANIM) chắc chắn sẽ là mục tiêu sớm và rõ ràng cho kẻ cầm súng bắn vào những nhạc cụ. Taliban có một quyết tâm rất rõ: Không chỉ ngừng phát nhạc mà còn phá hủy mọi khả năng chơi nhạc.

Tuy nhiên, để được nhìn nhận với thế giới, tạm thời âm nhạc, nghệ thuật đang được ‘bảo vệ’ bởi một lực lượng nghiêm ngặt của Taliban, với các biểu ngữ nhắc nhở các chiến binh của phong trào này rằng không có gì được để hư hại hoặc phá hủy. “Tôi lo lắng về sự an toàn của các nghệ sĩ và giảng viên trẻ của tôi, lo lắng về giáo dục âm nhạc và nền âm nhạc ở Afghanistan, nhưng đồng thời tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì tạm thời, chưa có gì lớn xảy ra chống lại trường âm nhạc và cộng đồng của nó cho đến bây giờ,” Giám đốc của Viện ANIM, ông Ahmad Sarmast, nói với The Observer. “Tôi hy vọng chúng ta sẽ không quay lại thời kỳ của 25 năm trước”.

“Họ bảo đảm với tôi rằng cơ sở hạ tầng, đồ đạc của ANIM được bảo vệ, và sẽ được bảo vệ cho đến khi có quyết định về tương lai của âm nhạc ở Afghanistan,” ông Ahmad nói. “Chúng tôi đang chờ đợi khi quyết định được đưa ra, về việc liệu âm nhạc có được phép hoạt động hay không”.

Sự tàn phá, và giết hại các nhạc sĩ đã diễn ra, nhưng được coi là ngẫu nhiên và không có tính hệ thống. Các lệnh cấm âm nhạc đã được báo cáo được thấy ở miền Nam Zabul và tỉnh Kandahar, vùng trung tâm của Taliban, nhưng đây có thể là quyết định của các chỉ huy địa phương.

Ban lãnh đạo trung ương thì khôn khéo hơn, tỏ ra mập mờ trong các tuyên bố trước công chúng và trong các bình luận về trường âm nhạc hàng đầu của đất nước. Người phát ngôn Zabihullah Mujahid của Taliban nói với tờ The Guardian rằng đạo Hồi cấm âm nhạc nơi công cộng, nhưng “chúng tôi hy vọng rằng chúng tôi có thể thuyết phục mọi người không làm những điều như vậy, thay vì gây áp lực cho họ”.

Số phận của những vùng đất bị cưỡng chiếm, thường sẽ phải chịu những áp lực chính trị và tính thể hiện quyền lực từ kẻ ‘thắng cuộc’ nhiều hơn là sự quan tâm thật sự về giá trị quốc gia, dân tộc. Và hiện nay người ta hình dung rằng nhiều nghệ sĩ ở Afghanistan sẽ sớm phải lặng lẽ lưu vong. Bởi khi quê hương không còn linh hồn, họ ở lại để làm gì?

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.