Trong phim Forbidden Dream (2019), được
các nhà làm phim ghi rõ là kể lại từ câu chuyện lịch sử có thật, đã mô tả triều đại Joseon của Đại Hàn xoay sở
khổ nhục ra sao, để phát triển các ngành khoa học trước sự theo dõi của nhà
Minh (Trung Hoa). Câu chuyện xoay quanh chi tiết vua tôi của Cao Ly ngày ấy (thế
kỷ 15) bí mật cố gắng tìm ra múi giờ riêng của quốc gia, không muốn bị ép buộc
sống theo giờ quy định tập quyền của phương Bắc. Những nỗ lực đầu tiên ấy, bị
coi là phản nghịch, sách vở thiên văn bị đốt bỏ, các nhà khoa học bị luận tội,
các trụ định hướng sao trên trời bị kéo sập trong sự giám sát của sứ giả Trung
Hoa.
Cũng cùng thời gian ấy, tại Việt Nam, cuộc
hủy diệt văn hóa thư tịch của người Việt cũng bị nhà Minh áp đặt lên nhà Lê. Theo Đại Việt sử ký, năm Vĩnh Lạc thứ 16 thời Minh (1418), vua nhà Minh nhiều lần
chính thức cử học sĩ sang An Nam để vừa tịch thu, vừa hủy diệt, mục đích là
không để người Việt phát triển văn hóa riêng, ghìm chặt việc thiếu ý thức tự chủ
để không thể lớn mạnh. Căn cứ vào
các chiếu dụ từ năm Vĩnh Lạc thứ 4 đến thứ 5 được chép trong Việt kiệu
thư thì có khá nhiều lần đề cập đến việc hủy diệt văn hóa phương Nam,
trong đó có một đạo sắc cho Trương Phụ đề ngày 21 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 5: “Trước đây (trẫm) từng nhiều lần chỉ dụ cho
các khanh rằng phàm là văn tự sách vở của An Nam, từ những loại sách học vỡ
lòng quê mùa vụn vặt như Thượng đại
quan nhân, Khâu Ất Kỉ cho đến các loại bia khắc do họ tự lập hễ
trông thấy là phá huỷ ngay lập tức, không được để lại. Nay trẫm nghe nói trong
quân khi thu được văn tự sách vở đã không ra lệnh cho quân lính thiêu hủy ngay
lập tức, mà để lại đọc qua sau đó mới đốt. Quân lính nhiều người không biết chữ,
nếu duy trì lệnh đó tất sẽ để lại nhiều thiếu sót. Nay các ngươi phải nên thực
thi theo sắc trước, ra lệnh trong quân hễ gặp bất cứ vật gì có văn tự thì lập tức
thiêu huỷ ngay, không được lưu lại”. (Tạp chí Văn hiến số 2,
năm 2003)
Đọc lại
lịch sử xưa, đối chiếu, mới thấy Trung Hoa ngàn năm trước và hiện tại không có
gì khác biệt, mặc dù vỏ bọc lúc là phong kiến, lúc là cộng sản, nhưng căn cơ vẫn
là độc tài và mê cuồng bá quyền, sẵn sàng chà đạp bất kỳ ai ngăn cản tham vọng
của họ.
Chính
sách viễn giao cận công của Trung Hoa, có từ năm 230 trước Công nguyên, được
nhà Tần áp dụng, cho đến nay vẫn là một trong những mạch chính của nhà nước
Trung Hoa cộng sản, chỉ có khác là sự linh hoạt uyển chuyển hơn, lúc đánh, lúc
đàm, lúc đấm, lúc xoa. Chính vì sự giảo hoạt vậy, Trung Hoa không thể có bạn. Họ
chỉ có giả làm bạn và thâu tóm, để biến bạn thành thủ hạ, tay sai hoặc để thao
túng.
Bạn hay
thù chỉ như trở bàn tay. Đó là lý do năm 1979, ngày 17-2, Bắc Kinh huy động một
lực lượng lớn quân, hơn cả tổng số quân đồng minh tương trợ của Việt Nam Cộng
Hòa, để tấn công các tỉnh phía Bắc Việt Nam, tàn phá, đốt, giết… Hình ảnh của
những cuộc xâm lược từ ngàn năm trước hiện lại mồn một. Tên gọi của cuộc chiến
huynh đệ cộng sản tương tàn đó, được Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo tối cao của
Trung Quốc khẳng định “dạy cho Việt Nam một bài học”.
Bài học
đó là gì? Là Hà Nội sẽ bị tấn công tàn khốc, nhưng không hề có được sự can thiệp
nào của đàn anh cộng sản Liên Xô. Khó chịu vì đàn
em Khmer bị Việt Nam đánh đuổi, và khó chịu Việt Nam có vẻ nghiêng về Liên Xô
hơn trong thời điểm đó. Và dù tất cả đều là những người bạn của mặt trận vô sản,
nhưng không cần làm bạn nữa thì Bắc Kinh sẽ ra tay tức thì.
Nhưng câu nói “dạy cho Việt Nam một
bài học” quả thật sự đau đớn, vì hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam lại
dùng đất nước và con người Việt Nam làm nơi để diệu võ dương oai với nhau, chứ không
hề có máu xương người già, em bé, thanh niên Việt Nam nào liên quan đến cái bài
học xung đột tình thân anh em cộng sản ấy cả.
Lịch sử đã qua, không chỉ để nhớ, mà
còn để học biết đủ về nó. Ngày 17/2 hàng năm, người Việt vẫn nhắc nhau về ký ức
đau thương và kinh hoàng, gây ra bởi một đế quốc hung tàn nằm cạnh đường biên
giới. Nhưng hôm nay, lịch sử còn là lý do để mọi người nhìn kỹ hơn những gì
đang đến, chuẩn bị cho những thảm kịch đang đến.
Những xung đột mới, có thể không đến từ
đất liền, mà từ biển, đặc biệt từ ngày 1/2/2021, khi Luật Hải Cảnh của Trung Quốc
có hiệu lực. Mơ hồ và bao trùm, luật này có 84 điều và 11 chương, cho phép các tàu
hải cảnh Trung Quốc có quyền bắn, truy đuổi, bắt giữ… tất cả những tàu thuyền bị
coi là vi phạm phía trong và trên vùng biển nằm trong quyền tài phán của nước Cộng
Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Nhưng cụ thể các nơi như vậy thì không được liệt kê.
Hay nói cách khác, Bắc Kinh đang hợp pháp hóa chủ quyền đường chín đoạn của họ
bằng vũ lực.
Cách nói mơ hồ này cũng đang gán cho
việc cảnh sát biển Trung Quốc có quyền hạn kiểm soát cả ADIZ (vùng nhận dạng
phòng không trên biển). Hơn nữa điều 12 của luật này còn tự cho phép các tàu hải
cảnh có thể kiểm soát và ngăn chận các vụ đánh bắt, thu hoạch hải sản. Đây quả
là cơn ác mộng của ngư dân Việt Nam, vì từ suốt nhiều thập niên qua, số tàu bị
đâm, bị bắt và người chết vì các lực lượng từ nước Trung Quốc anh em trên biển
Đông, dẫn đầu vẫn là ngư dân Việt.
Mọi thứ trong tương lai thật khó đoán,
khi hai đảng cộng sản vẫn được gọi là hữu nghị bền chặt, nhưng có nhiều dấu hiệu
rạn nứt gần đây – theo giới bình luận thời sự. Vẫn không biết được liệu có bài
học nào lại được Bắc Kinh tung ra trên biển để dạy dỗ Hà Nội trong thời gian tới
hay không?
Mà quả thật, không thể đoán, hay hiểu
nổi, khi cuộc chiến 1979 kết thúc, sách giáo khoa Trung Quốc dạy rằng họ đã chiến
thắng. Văn chương, kịch nghệ… của Trung Quốc được nhắc đến những chuyện này,
nhưng ở Việt Nam, nơi thật sự đã đẩy lùi được cuộc xâm lược, thì chỉ có chút ít
thông tin nơi sách giáo khoa, âm nhạc, hội họa… đề cập đến cuộc chiến tranh chống
xâm lược của người dân Việt Nam, luôn bị cắt gọt kỹ lưỡng hay từ chối. Đến nay
thì gần như xóa trắng.
Đặng Tiểu Bình, người chịu trách nhiệm
hai cuộc xâm lăng đẫm máu 1979 và 1988 (Gạc Ma) thì được chính thức dịch sách,
ca ngợi “Một trí tuệ siêu việt”, và lại còn tái bản. Còn tác phẩm Gạc Ma, Vòng
tròn bất tử, nói về đảo bị cướp, về những người lính Việt Nam chết tức tưởi, thi
hài không mang được về quê nhà, thì bị cắt, đình trệ, hơn mười năm chờ đợi rồi
được phát hành, nhưng thu hồi ngay sau đó.
Mới đây, trả lời tờ Korea Joongang
Daily (20-12-2019), nói về việc tham gia thực hiện cuốn phim Forbidden Dream, diễn
viên Choi Min-sik nói rằng với nền lịch sử 500 năm được ghi chép của nước Đại
Hàn xưa, ông khao khát mình được thể hiện những câu chuyện, những gương mặt của
quá khứ cho khán giả hôm nay. Đạo diễn Hur Jin-ho cũng có lần nói trên Yonhap
News Angency rằng ông bước qua những đề tài thương mại mà muốn nối dài câu chuyện
lịch sử, vì nghĩ rằng thế hệ mới cần có chúng hơn là ông cần tiền.
Chạnh lòng tự nghĩ. Có lẽ người Việt
Nam không thiếu những người khao khát được sống, hành động và nối dài sự thật lịch
sử, muốn không để cho máu xương cha ông bị đau tủi ở chốn vô danh. Nhưng điều
đơn giản đó, không chỉ có lòng yêu nước là có thể làm được, hôm nay.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.