Người Việt
Nam vẫn luôn có một đời sống sinh hoạt bất hợp pháp rất tự nhiên từ hàng chục
năm nay, đó là một hiện trạng ai cũng thấy, cũng biết. Và đó cũng là một hình ảnh
về sự bất lực của nhà cầm quyền trong việc muốn thống nhất mọi thứ theo một
tiêu chuẩn duy ý chí.
Sự sụp đổ của
miền Nam Việt Nam vào năm 1975, được mở ra bằng một khái niệm khác là thống nhất
địa lý, nhưng chỉ vậy mà thôi. Bởi sau nhiều năm, những gì thuộc về văn hoá của
hai nền cộng hòa tự do vẫn tiếp tục lưu hành, bất chấp các biện pháp cấm đoán
hay trừng phạt không được ghi trong luật của chính quyền trung ương phía Bắc. Vẫn
có một vương quốc tinh thần khác, âm thầm ngự trị trong trái tim hàng chục triệu
người: đó là quyền tự do chọn lựa và tiếp nhận.
Hơn vậy, những
gì thuộc về một tinh thần tự do và không chịu kiểm duyệt – thứ mà các nhà nước
độc tài luôn ghét cay ghét đắng – lại vẫn âm thầm phát triển theo thời gian: từ
một bản sao chép một cuốn sách cũ, cất giữ một bài báo nước ngoài bị kiểm duyệt,
cho đến sở hữu những tác phẩm mới in ở ngoài nước hoặc tự in trong nước. Người
dân vẫn cứ chọn thứ mình thích, và khung cảnh rượt đuổi, theo dõi, chụp bắt… giữa
nhà cầm quyền và con người vẫn cứ diễn ra thường xuyên.
Những ai đã
sống qua những năm 80, 90… ở Việt Nam, chắc vẫn còn nhớ hình ảnh công an xộc
vào nhà người dân, ôm hốt những sách vở tiếng Anh, tiếng Pháp, kể cả tiếng Việt
của miền Nam đem ra đốt, đấu tố. Những bài hát tình yêu đơn giản cũng bị buộc
phải nghe nho nhỏ và chuyền tay nhau như một loại hàng quốc cấm.
Thậm chí,
nhiều năm trước, việc sở hữu một radio làn sóng ngắn, có ăn-ten parabol… cũng
có thể bị coi là tàng trữ, hay âm mưu tiếp nhận các luận điệu chống chính quyền
từ các thế lực thù địch bên ngoài.
Cho đến hôm
nay, mọi thứ trong xã hội có thể khác đi về biểu hiện, nhưng bản chất độc quyền
văn hóa và tư tưởng của nhà cầm quyền thì không hề thay đổi. Những tin tức từ
truyền thông nhà nước loan đi, tố cáo về việc ai đó bị bắt, bị nghi ngờ “tàng
trữ các tài liệu phản động” luôn bộc lộ cho thấy sự bối rối của chính quyền về
một loại quyền của người dân được ghi trong hiến pháp, nhưng vẫn luôn bị bẻ
cong thành một tên gọi khác, vô nghĩa.
Rồi 45 năm
sau, kể từ ngày thống nhất địa lý, nhà cầm quyền Việt Nam có vẻ như đã tìm ra một
giải pháp cho việc hợp thức hóa các chi tiết quen hành xử độc tài của mình. Rất
nhiều điều khoản được cài cắm trong Nghị định số 15/2020 dành cho lĩnh vực bưu
chính, viễn thông. Nghị định này, có thể coi như là một phần Luật an ninh mạng
bổ sung, tạo sự hợp pháp cho việc bẻ cong quyền của người dân được hiến định,
như đã nói trên.
Hãy hình
dung, mọi điều rất đơn giản như thế này.
Ở Việt Nam,
hàng ngàn bài hát bolero chưa bao giờ được cấp phép, vẫn được hát và trình diễn
ở các quán bar, phòng trà… với sự mặc nhiên cho qua của cơ quan quản lý nhà nước,
nhưng bất kỳ lúc nào – vì đó là những bài hát không phép – người hay nơi trình
bày các ca khúc như vậy, có thể bị phạt tiền rất nặng (đến hàng chục triệu đồng)
do bất chợt một ngày nào đó, từ một viên công an khu vực cho đến một cơ quan cấp
thành phố đổi giọng theo vui buồn, nói rằng không công nhận các bài hát của văn
hóa miền Nam cũ (chẳng hạn nằm ở điều 99, điều 100 hay 101).
Bạn muốn giới
thiệu một tập thơ, hay một cuốn sách có nội dung phi chính trị, nhưng nếu đó là
một ấn bản tự lưu hành riêng với bạn bè, hoặc đã in và phát hành với nước ngoài? Bạn
cũng có thể là nạn nhân của những điều luật nói trên, vì đơn giản chi tiết nghi
định có ghi rằng xử phạt ai dám “cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học,
nghệ thuật, xuất bản ấn phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu
trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch
thu”. Hãy tự hỏi, hàng ngàn đầu sách cũ trước năm 1975 vẫn được bày bán công
khai, đã được bao nhiêu cuốn được chính thức cho phép lưu hành?
Mơ hồ và ấu
trĩ hơn, ở điều 102, người dân có thể bị xử phạt khi nói yêu hay ghét theo quan
điểm của mình, nhà cầm quyền sẽ xử phạt, nếu “Tuyên truyền, kích động bạo lực;
truyền bá tư tưởng phản động” hoặc “xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu
cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc”.
Trên thực tế,
nhà cầm quyền thì chưa bao giờ đủ sức hay đủ minh bạch để chứng minh “tư tưởng
phản động là gì”, hay xa hơn là “phủ nhận thành tựu cách mạng”, “xúc phạm danh
nhân của dân tộc”.
Những “thành
tựu cách mạng” sẽ bị cấm mổ xẻ, chẳng hạn sẽ không ai được quyền phân tích thảm
sát Mậu thân 1968 ở Huế là một sai lầm, hay một tội ác, hay một thất bại của
chính quyền phía Bắc khi tự xé hiệp định tạm ngừng chiến?
Ai được gọi
là anh hùng và là danh nhân của dân tộc? Đó có phải là danh sách các ứng viên
được nhà cầm quyền chọn lựa và cho phép, hay lịch sử tự nhiên của dân tộc Việt
Nam quyết định? Ai cho quyền nhà nước Cộng sản Việt Nam phỉ báng Phan Thanh Giản,
phủ nhận Nguyễn Ánh, và tự tôn xưng những người được ưa thích theo quan điểm
chính trị của mình? Và tại sao người Việt phải phủ nhận tổ tiên của mình theo
quy định của nhà cầm quyền?
Đi vào đời sống,
Nghị định 15/2020 được âm thầm ban hành vào ngày 3/2/2020 sẽ lộ ra thêm nhiều lổ
hổng hun hút nữa, nhưng trơ trẽn nhất, những lổ hổng ấy, sẽ tạo ra nhiều sự vấp
ngã và đau đớn, thuộc về người dân.
Cuộc sống của
người dân Việt Nam, sau 45 năm thống nhất địa lý, lại tiếp tục chập chờn trong
sinh hoạt bất hợp pháp tự nhiên tất yếu của mình, bởi bản chất của luật lệ đưa
ra, là việc rào chắn và chống lại tự nhiên, nhằm phục vụ riêng cho ý chí độc
tài của một chính quyền.
Trong The God
Father, khi được hỏi về việc vi phạm pháp luật của mình, Bố già Vito Corleone
có nói rằng “bởi có những loại luật pháp được tạo ra để chỉ khiến con người phải vi phạm”.
Biến một dân
tộc thành những kẻ phạm pháp dự bị, cho mục đích bảo vệ tư tưởng chính trị của
mình, thì cũng không thể công chính hơn một ông trùm mafia trong tiểu thuyết.
--------------
Tham khảo về
Nghị định 15/2020, lưu ý từ điều 99 đến 102
https://bit.ly/3cHeoXV
https://bit.ly/3cHeoXV
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.