Hòa thượng Thích Thanh Tịnh viên tịch ngày 30-1-2020, mang
theo mình một phần lịch sử của Phật giáo chân chính Việt Nam, cũng như mang
theo một phần đời biểu trưng cho rất nhiều người, trước một bước ngoặt trầm
luân của người dân miền Nam Việt Nam. Tại ngôi chùa Phước Bửu tại Bà Rịa – Vũng
Tàu, nơi mà ngài đã tìm đển để nương náu, chọn cho mình một cuộc sống lặng lẽ từ
năm 2002 đến nay, ngài chống chọi với đủ các vết tích hằn thù trên thân thể
mình, và cả những âm mưu hiểm độc của một thời kỳ đen tối sau năm 1975 mà nhà
nước cộng sản Việt Nam nhắm vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất và các
nhân sĩ, tăng sĩ Phật giáo.
Lần cuối cùng mà hòa thượng Thích Thanh Tịnh lên tiếng, xuất
hiện trước truyền thông đại chúng là vào năm 2006, lúc đó, chùa Phước Bửu, một
trong những chùa hiếm hoi còn lại, trung kiên và sừng sững với danh hiệu cơ sở
thuộc Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Sự tồn tại của nơi này, và cả việc
cho hòa thượng Thích Thanh Tịnh nương nhờ đã là cái gai trong mắt nhiều người
có quyền thế. Hai lần trong đêm của năm 2006, chùa Phước Bửu bị đốt nhưng may
sao cứu được. Là người luôn thức từ 2 giờ sáng để tụng kinh, hòa thượng Thích
Thanh Tịnh nhận biết rõ sự kiện nên đã tham gia lên tiếng tố cáo âm mưu này,
thành một trong những hồ sơ quan trọng được chuyển ra thế giới.
Cũng như nhiều tu sĩ, trí thức, thương gia… của miền Nam, mà
cho đến nay vẫn chưa ai giải thích được là vì sao mình phải chịu kiếp nạn, phải
chịu tù đày, hòa thượng Thích Thanh Tịnh cũng đã bị biệt giam nhiều năm, rồi bị
kết án 15 năm tù vì tội danh chống chính quyền. Nhưng năm 2000 rồi ông được thả
ra sớm vì lúc đó ngài sống như đã chết, thương tật và yếu ớt. Nhưng may sau,
ông lại hồi sinh với đời.
Năm 1981, sau khi Giáo hội Phật giáo nhà nước, hay được người
dân gọi là Phật giáo quốc doanh, được thành lập, các chuỗi kế hoạch nhằm xóa sổ
các nhân sĩ, tăng già diễn ra quyết liệt. Trước tháng 9/1988, ngày mà nhà nước
cộng sản Việt Nam kết án tử hình với các ngài Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát… đã có hàng
loạt các cuộc bắt bớ, tra tấn và ép cung để ngụy tạo chứng cứ Giáo hội Phật
giáo Thống nhất âm mưu lật đổ chính quyền. Hòa thượng Thích Thanh Tịnh là một
trong những đích ngắm cho việc tra tấn, ép cung như vậy. Có lẽ những kẻ chủ mưu
thấy sự hiền lành và cam chịu của ngài là một yếu tố dễ hoàn thành hồ sơ. Thế
nhưng nhiều tháng liền, với hình thức tra tấn hàng đêm, treo đèn cao áp cách đầu
có vài mươi phân, đánh đập để buộc nhận rằng Giáo hội Phật giáo Thống Nhất có
tàng trữ vũ khí, âm mưu liên kết các nhóm phục quốc để lật đổ chính quyền cộng
sản, hòa thượng Thích Thanh Tịnh vẫn nhất định không chịu khai gian. Dẫn đến
khi ngài được trả tự do, mắt đã lòa, mọi hoạt động cần đến hệ thống thần kinh đều
khó khăn.
Chỉ mới mùa thu năm ngoái, khi ngồi nắm tay Hòa thượng Thích
Thanh Tịnh, hỏi về chuyện xưa, ông gật, và nói bằng tiếng nói đã bị vặn vẹo
không rõ do trải qua quá nhiều cơn thập tử nhất sinh “Đúng rồi, con”. Ông hướng
đôi mắt nhìn về một khoảng xa xăm nào đó của ký ức, rồi nói “buồn lắm”. Một giọt
nước mắt lăn dài trên gương mặt đầy những vết hằn, mà tôi tự hỏi không biết là
tuổi già hay những khổ nạn đã khắc dấu muôn lối trên mặt ông.
Chỉ thị số 20 của ông Lê Duẩn, dù được ký từ năm 1960, với sự
thù ghét tôn giáo và chủ trương tiêu diệt tín ngưỡng, nhưng vẫn là tinh thần nòng
cốt của các hoạt động thanh trừng, tiêu diệt sau 1975. Chùa chiền bị tịch thu,
kinh sách bị đốt, các hòa thượng như Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ bị bắt
giam, những người bất phục như Tuệ Sỹ thì bị tuyên án tử hình. Tương tự như hòa
thượng Thích Thanh Tịnh, nhưng kém may mắn hơn là hòa thượng Thích Thiện Minh,
đã bị tra tấn đến chết Trại thẩm vấn X4, đường Nguyễn Trãi, nay là Bộ Công An. Ông
Đỗ Trung Hiếu, người nhận nhiệm vụ giải quyết số phận của Giáo hội Phật giáo Việt
Nam Thống Nhất, theo lệnh của Xuân Thuỷ, Bí thư Trung ương Đảng kiêm Trưởng ban
Dân Vận, vì không chịu nổi gánh nặng này nên về sau, năm 1994, đã kể lại mọi thứ
trong cuốn “Thống Nhất Phật Giáo” của ông ta.
Như các hòa thượng Thích Quảng Độ hay Thích Không Tánh, việc
không có một mảnh giấy tờ tùy thân nào để chứng minh mình là một công dân trên
đất Việt, cũng là tình trạng của hòa thượng Thích Thanh Tịnh. Viện vào các chi
tiết pháp lý để gây khó, để không cấp cho bất kỳ loại giấy tờ nào cho việc an
sinh, vốn vẫn thường thấy ở các hệ thống chính quyền địa phương lẫn trung ương,
như một cách trả thù hèn mọn luôn dành cho các vị hòa thượng của Phật giáo
không muốn bị thế quyền giam cầm tinh thần. Ngày hòa thượng Thích Thanh Tịnh viên
tịch, việc chứng tử cho ngài khởi đầu đã gặp không ít khó khăn do toàn bộ chính
quyền địa phương nơi chùa Phước Bửu từ chối, bởi ngài không được cấp bất kỳ giấy
tờ tùy thân nào khi bị đẩy ra khỏi nhà giam với tình trạng thoi thóp.
Những lúc ngồi hầu chuyện hòa thượng Thích Thanh Tịnh, ông
hay rơi nước mắt, và cười khi nghe kể về bạn bè, ngày xưa, và cuộc đời khi chưa
phải qua kiếp nạn cộng sản. Tôi cứ hay nghĩ về một con người dễ mềm lòng và yếu
đuối như vậy, sao lại có thể chịu đựng ngày qua ngày, vô vọng với những đòn tra
tấn tàn bạo như vậy mà không ngã quỵ. Buổi chiều lần cuối cùng gặp ngài, sau
khi ngồi một lúc lâu im lặng ngắm nhìn, tôi từ biệt ra về. Chợt ông nắm tay
tôi, hỏi “cộng sản còn ác với dân không con?”. Không phải ông, mà tôi, nước mắt
cứ chảy xuống, mà tôi sợ ông biết.
Tôi cứ định viết về ông, và những lần gặp mặt hữu duyên đó,
nhưng không kịp. Khi nghe tin ông mất, thì chỉ còn biết viết vài dòng, kể lại
những gì mình biết về hòa thượng Thích Thanh Tịnh như một lạy chào. Mà không chỉ
lạy riêng ông, còn là lạy một phần lịch sử và khổ nạn của đất Việt, người Việt
đã bước qua những chương bất khả tư nghị không bao giờ cũ.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.