(Clay Phạm với kỷ niệm bị bắt và tra tấn trong công viên Tao Đàn, ngày 17/6/2018)
Chỉ trong một thời gian ngắn cuối năm 2019, người ta chứng
kiến những cuộc ra soát và trừng phạt khắc nghiệt của nhà cầm quyền đối với giới
văn nghệ sĩ độc lập. Sau khi nhận được giải thưởng ở hạng mục New Currents ở
liên hoan phim Busan, ngày 14 tháng 10, bộ phim ngắn Ròm của đạo diễn Trần
Thanh Huy bị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phạt 40 triệu đồng và ra lệnh
phải hủy “tang vật” vì dám gửi dự thi phim mà không xin phép. Đơn giản, bộ phim
mô tả về những cậu bé bụi đời, bán vé số trên đường phố Sài Gòn với những hình ảnh
chân thật về Việt Nam hôm nay.
Một ngày sau đó, những người đặt mua cuốn sách xuất bản tự
do từ Hà Nội có tên “Thế thiên hành đạo hay đại nghịch bất đạo” của tác giả Phạm
Thành bị công an chận bắt ở một quán cà phê tại quận 3, Sài Gòn. Nguời shipper
giao sách cũng bị bắt và bị đánh. Nhiều ngày sau, nhiều người vẫn còn bị an
ninh thường phục canh giữ nhà để theo dõi.
Đến 25 tháng 10, nhà làm phim độc lập Thịnh Nguyễn ở Hà Nội
bị công an bắt giữ và lục soát nhà, mà không trưng ra được bất kỳ một loại giấy
tờ hợp pháp nào, mà mục đích là tìm chứng cứ và thẩm vấn Thịnh Nguyễn xem có phải
là người thực hiện bộ phim tài liệu Đừng Sợ, về thảm nạn Formosa hay không.
Không khí nặng nề bao trùm lên giới văn nghệ sĩ ở Việt Nam. Thời
điểm này nhắc đến những ngày tháng mà vì một bài hát, Việt Khang có thể đi tù,
Trần Vũ Anh Bình có thể bị xem như là thành phần phản loạn. Thời điểm này làm
nhớ lại Văn Đoàn Độc Lập trao giải thì bị cắt điện, công an hăm dọa người đến
tham dự, và cả giám đốc xuất bản Chu Hảo bị đấu tố, trừng phạt vì đã in những
loại sách khai trí.
Không khí nặng nề này cũng nhắc đến Clay Phạm, nhà đạo diễn
trẻ, khi thực hiện bộ phim Mẹ Vắng Nhà, nói về những đứa con của Mẹ Nấm Nguyễn
Ngọc Như Quỳnh đã lớn lên, sống và chiu đựng như thế nào cùng bà ngoại khi mẹ của
chúng bị ghép một án tù. Clay Phạm với những hình ảnh mô tả đời sống rất bình
thường của mình, nhưng đã đưa cuộc đời anh vào một ngã rẻ khác: Anh không thể
quay về nhà, không thể sinh sống như mọi người khác, anh trở thành một nhân vật
bị đưa vào tầm ngắm của những hiểm nguy chực chờ.
May mắn có được cuộc trò chuyện với Clay Phạm qua điện thoại
internet – từ một nơi nào đó rất xa xăm – từ đó được anh kể rất nhiều về sự ẩn
thân của mình, về mơ ước thực hiện những dự án phim tài liệu mới, về chọn lựa của
mình… Clay Phạm nói anh vui mừng vì nhìn thấy hôm nay, nhiều nghệ sĩ, trẻ hơn cả
anh, đã chọn việc mô tả hiện thực, sống với lương tâm và trái tim nghệ sĩ. Anh
cảm thấy mình không cô đơn khi tiếp tục đi con đường của mình.
Xin ghi lại một ít, về cuộc trò chuyện với anh, như một cơ hội
giới thiệu thêm tiếng nói của một nghệ sĩ tự do và yêu thương con người, yêu
thương đất nước của mình.
Clay Phạm đã quan tâm đến thời sự và hiện thực xã hội từ khi
nào, và vì sao?
-
Tôi không nghĩ mình quan tâm lắm đâu, mà thực sự
chỉ là muốn mô tả hoàn cảnh của 2 em nhỏ, con của chị Quỳnh, như một sự chia sẻ,
thông cảm về hoàn cảnh của một người phụ nữ phải chịu tù tội khi lên tiếng cho
chuyện chung. Thậm chí tôi nghĩ đó là một cuốn phim tình cảm gia đình hơn là ý
nghĩa chính trị. Nhưng khi hoàn thành, mọi thứ đã vượt ra khỏi suy nghĩ của
mình, tạo ra những biến động cho đời mình. Tuy vậy, phải nói là trong giai đoạn
làm phim, tôi phải gần như là cải trang như dân địa phương để không gặp khó
khăn, đặc biệt là trong sự bảo vệ rất chặt chẽ của mẹ chị Quỳnh. Cuối năm 2017,
tôi bị bắt tại sân bay khi định làm một chuyến ra nước ngoài. Công an không có
lý do gì để bắt tôi, nhưng qua camera theo dõi trước nhà chị Quỳnh, họ nghi ngờ
vì thấy tôi xuất hiện rất thường xuyên. Tôi bị ngăn không cho bay, bị thẩm vấn
và tịch thu tất cả máy quay, máy tính… mà không cần lý do gì cả. Tôi lang thang
từ đó. Có một thời gian tôi ở gần chỗ của chị Phạm Đoan Trang và giúp vài việc
lặt vặt cho chị ấy. Nhưng với công an, đó là chuyện không còn bình thường, và
tôi trở thành người bị đẩy vào thế không thể quay trở về cuộc sống bình thường.
Vậy cuộc sống hiện nay của Clay Phạm ra sao?
-
Tôi nhận ra mình đã chọn một hành trình của đời
mình, hết sức phức tạp nhưng tôi không hề tiếc nuối vì đã chọn. Từ tháng 6 năm
2018, khi tham gia biểu tình chống luật đặc khu và an ninh mạng và bị lôi vào
Tao Đàn tra tấn, đánh đập, tôi chưa gặp lại gia đình mình. Và tôi tiếp tục lang
thang và suy nghĩ về những dự án mới.
Với chuyện của phim Ròm, việc anh Thịnh Nguyễn bị bắt, Clay
Phạm có suy nghĩ gì?
-
Đã có rất anh em chịu những thứ còn nặng nề hơn.
Chẳng hạn như tôi muốn nhắc đến bạn Nguyễn Văn Hóa chẳng hạn, người dùng drone
quay cuộc biểu tình chống Formosa nhưng bị đến 7 năm tù. Do đó những điều đánh
đổi của tôi rất nhỏ. Nhắc về chuyện của anh Thịnh Nguyễn, tôi hiểu và tôi tin rằng
muốn là một người tốt, một người trung thực ở Việt Nam là một điều khó khăn,
nhưng đó là sự chọn lựa và phải chấp nhận cái giá của nó. Tôi tin là anh Thịnh
Nguyễn không nao núng trước điều này, và tôi cũng vậy, tôi cũng không thể từ bỏ
con đường của mình đã chọn. Rồi sẽ còn nhiều người nữa sẽ nối bước với anh Thịnh
Nguyễn hay với tôi, hay bất kỳ người nào khác đang lên tiếng bằng nghệ thuật và
ôn hòa. (…)
Ngừng cuộc nói chuyện với Clay Phạm, cảm giác trong tôi thật
khó tả. Cũng như nhiều người trẻ khác mà tôi chưa gặp mặt, họ nuôi trong mình sự
mạnh mẽ và lạc quan đến đáng ngưỡng mộ. Hỏi rằng họ có sợ hãi không có lẽ hơi
thừa. Vì sợ hãi là có thật, giống như cảm giác nóng, lạnh hay đói… họ có thể thản
nhiên đi qua đó và giữ nguyên vẹn một tinh thần tự cam kết với mình, rằng sẽ sống
với sự thật, sống với lẽ phải, sống và đứng về con người và không phục vụ cho bất
kỳ một loại thế lực đen tối nào.
Những người trẻ đó luôn mang trong mình niềm hy vọng vào sự
đổi thay tốt đẹp. Và họ cũng trao tặng niềm hy vọng cho chúng ta, hôm nay.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.