Tuesday, August 12, 2014

Nhân 80 năm, tạ ơn tiếng hát khai tâm

"Thái Thanh, tiếng hát đã khai tâm cho thế hệ tôi tình dân tộc"



Trong những món quà mà tạo hoá đã ban tặng riêng cho người Việt, thật không thể không nghĩ đến tiếng hát Thái Thanh. Gần một thế kỷ của đời nghệ sĩ, Thái Thanh có lẽ là người duy nhất xứng danh diva trong âm nhạc Việt Nam. Tiếng hát của bà không những là những bài học về thưởng thức tinh tế cho nhiều thế hệ, mà còn là lời khai tâm cho tình dân tộc, đủ sức âm vang đến tận mai sau.

Dịu dàng và kín đáo thu hút như trang sách hay còn phía trước, bức ảnh mừng thọ bà năm 80 tuổi bật lên vẻ đẹp như một điều không có thật. Đẹp như ngàn bài hát mà bà đã ghi âm lại, đủ vẽ nên một chương lịch sử âm nhạc của quê hương qua bao cuộc nổi trôi, qua bao phận người Việt với yêu thương và khốn khó. Nhưng nghe và cảm nhận được tiếng hát Thái Thanh không dễ dàng, cũng tương tự như để sống là một người Việt đủ nghĩa chưa bao giờ là chuyện đơn giản.

Ngay cả trong giới sinh viên Nhạc viện, thậm chí là sinh viên thanh nhạc, cũng không phải ai cũng tiếp nhận được tiếng hát Thái Thanh. Để thưởng thức nhanh, những người học nhạc chúng tôi thường chia nhau giọng hát của những người thuộc hàng con cháu của bà như Thái Hiền, Duy Quang, Khánh Hà hoặc Ý Lan... chứ không thể bước ngay vào thánh đường âm nhạc của bà. Giọng hát của Thái Thanh kiêu hãnh như vậy đó. Hoặc để người tìm tới và chiêm ngưỡng, hoặc là cứ bước qua vô tình chứ không thể nhận mình tiếng hát giải trí đơn giản.

Nhiều lần ở Mỹ, tôi tìm cách xin gặp bà để trò chuyện cho một bài viết, cũng nhằm vào ngày kỷ niệm 80 năm đại thọ này, nhưng đều chưa đủ duyên để diện kiến, vì bà đang trong thời gian chữa căn bệnh alzheimer, lúc thì làm hao mòn sức khoẻ, lúc thì nhớ nhớ quên quên những vui buồn đã qua trong một đời người. Trong một thế kỷ phai tàn cùng ký ức đẹp nhất mà người Việt từng có, nụ cười của bà còn xuất hiện với khán giả là điều trân quý.

Thái Thanh là một trong những ca sĩ kín đáo và làm thất vọng không ít giới báo chí săn tìm tin tức giật gân, vì ngoài ngợi ca tiếng hát, người ta không thể biết viết gì thêm. Thế nhưng đời của bà đã trãi qua không ít thăng trầm. Vì sự hâm mộ mà nhà văn Mai Thảo đã tạc nên tên gọi lừng danh cho bà, là một "tiếng hát vượt thời gian". Nhưng cũng vì lời yêu dấu đó mà chồng bà, diễn viên điện ảnh Lê Quỳnh đã không dằn được buồn giận mà xảy đến chuyện bà phải chia tay chồng sau 10 năm chung sống, có với nhau 5 người con, 3 gái và 2 trai.

Duyên nghiệp của bà Phạm Thị Băng Thanh, tên thật của ca sĩ Thái Thanh, với nghiệp ca hát như được ơn trên sắp đặt. Từ năm 13 tuổi, khi vừa vỡ giọng theo tuổi học thanh nhạc, bà đã hát nhuần nhuyễn các thể loại dân ca Bắc Bộ, trình diễn ở nhiều nơi như một người ca hát nghiệp dư nhưng đủ sức làm sửng sốt những ai nghe được. Thật khó mà tưởng tượng được một cô gái nhỏ xuống tàu vào Nam sau hiệp định Genève 1954, lại bí mật mang theo mình một kho tàng dân nhạc vĩ đại trong máu, trong hơi thở rồi viết thành lịch sử qua từng câu hát. Sau 1975, nhiều ca sĩ được đào tạo theo trường phái thanh nhạc của Bulgaria và Liên Xô cũ hay nói rằng ca sĩ Thái Thanh trình diễn nhiều kỹ thuật, nhưng sự thật là người ca sĩ này chưa bao giờ qua bất kỳ trường lớp nào, kể cả ở Việt Nam. Những gì bà biết được là thiên phú và bản năng hoà hợp những làn điệu của tổ tiên, cộng vào một chút hiểu biết mà bà tự mua sách âm nhạc của người Pháp để học hỏi. Những thanh âm cao vút như opera cộng với lối luyến láy, nhả chữ độc đáo của bà trở thành bộ sách giáo khoa tự nhiên cho thanh nhạc Việt Nam hiện đại, thậm chí mở ra một trường phái riêng của bà và cho âm nhạc Việt.

"Ai lướt đi ngoài sương gió...", tìm được người có thể diễn tả được chữ "lướt" đi ai oán như một hồn ma, lướt đi mong manh vô định... như tiếng hát Thái Thanh trong Buồn Tàn Thu của Văn Cao có lẽ không dễ trong thế kỷ này. Hoặc lời hát làm thắt tim người trong Phượng Yêu của Phạm Duy, có thể chỉ còn là nuối tiếc trong nửa thế kỷ về sau. Thái Thanh chỉ có một, và tâm tình như Thái Thanh cũng chỉ có một.

"Nếu ta nghiêng mình lệch đi một tí, bình diện với thời gian thay đổi, thì cô Thái Thanh đã ở bên kia tự bao giờ rồi, ví dụ năm ngàn năm về trước hoặc năm ngàn năm về sau", thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nói về bà như vậy. Đây có lẽ là một nhận xét đủ để thấy tiếng hát của bà trở thành nhiệm ý phi không gian trong cảm nhận của con người, ngoại trừ những kẻ ganh tị, hoặc kẻ không đủ sức để dung nhận giọng ca Thái Thanh trong âm nhạc Việt Nam.

Thái Thanh không làm chính trị, không tuyên xưng, nhưng luôn có một thái độ rất rõ, một cách đáng trân trọng, so với nhiều người coi mình là một nhân vật chính trị. Năm 1975, khi không kịp di tản và kẹt lại Sài Gòn. Có những ngày bà dọn ghế bàn, bán cà phê cóc vỉa hè để sinh sống. Chính quyền miền Bắc nhiều lần nhờ các nhạc sĩ nằm vùng từng quen biết cũng như các quan chức văn hoá đến kêu gọi bà tham gia hát các bài hát tuyên truyền cho chính quyền Cộng sản, nhưng bà nhất quyết thoái thác. Chính vì vậy, mà bà bị cấm trình diễn, cấm xuất hiện trên báo chí, truyền hình, phát thanh... trong suốt 10 năm liền.

Năm 1985 Thái Thanh rời Việt Nam, định cư ở Hoa Kỳ, bà nối lại sự nghiệp trình diễn cho đến năm 2002 thì tuyên bố chính thức từ giã sân khấu, tương ứng với cột mốc 55 năm của một đời nghệ sĩ trình diễn. Mặc dù thỉnh thoảng bà cũng xuất hiện theo yêu cầu của khán giả nhưng không nhiều, và mỗi lần như vậy đều làm khán phòng nín lặng. Ca sĩ Tuấn Anh, người lừng danh với bài hát Trái Tim Ngục Tù của nhạc sĩ Đức Huy, cũng lừng danh vì luôn khắt khe trong mọi nhận xét về âm nhạc, đã từng phải thốt lên rằng "ngay khi bà cất tiếng giới thiệu, đó đã là một bài hát".

Cũng như bao người Việt Nam khác. Tôi lớn lên với hình ảnh Việt Nam ngổn ngang các ý thức Quốc - Cộng. Hận thù và thương đau không đủ vẽ nên trong tôi hình ảnh một Việt Nam mến thương để sống, để nói vì. Nhưng trong run rủi, tôi nghe được Thái Thanh, khi bà hát về thân phận từ Trịnh Công Sơn hay bao la và vĩ đại từ Phạm Duy. Tiếng hát của bà vang vọng trong chia ly, mất mát, mà cũng quyện quanh trong hạnh phúc, sum vầy. Tiếng hát của bà là phần không nhỏ, dạy cho tôi biết yêu đất nước này, dù cùng quẩn trong khổ đau hay hạnh phúc trong giả tạo lăng trì.

Thỉnh thoảng, tôi cũng cũng giả định rằng liệu một nghệ sĩ xuất sắc như bà để có thể sống thật trong từng bài hát hay không, hay chỉ nức nở giả tạo như những bài hát tôi vẫn nghe mỗi ngày trên truyền hình, trên băng đĩa hiện tại? Nhưng khi nghe được chuyện bà vất vả thu hàng chục lần bài hát Bà Mẹ Gio Linh chỉ vì cứ ngừng vì khóc giữa bài, tôi hiểu được rằng tiếng hát của Thái Thanh không hát chỉ cho hôm nay, mà hát cho hôm qua và cả mai sau. Bà Mẹ Gio Linh của nhạc sĩ Phạm Duy là một trong những ca khúc mà Thái Thanh trình bày xuất sắc nhất, nhưng bà cũng ít khi trình bày bài hát này nhất vì quá đau thương khi phải gánh những hình ảnh khốn khổ của quê hương một thời đến với công chúng.

"Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời"... Nhạc sĩ Phạm Duy và tiếng hát Thái Thanh in trong trí nhớ tôi hơn ngàn bài học hay sáo ngữ tuyên truyền. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến đất nước mình nhiều từ khi mẹ cho ra đời đến khi cắp sách đến trường, nhưng lời hát đó dìu tôi vào ý thức hệ dân tộc máu đỏ da vàng. Nếu không có nó, biết đâu có thể hôm nay tôi có thể là một tên khủng bố của chủ nghĩa thánh chiến toàn cầu hoặc là một tín đồ cộng sản quốc tế không quê hương.

Tôi chỉ có thể viết những lời vặt như vậy, nhân dịp mừng thọ 80 tuổi của người nữ danh ca này, như một lời cảm tạ một người nghệ sĩ đã thầm lặng cho tôi - và rất nhiều người như mình - những điều làm tôi thương mình là người Việt, thương giống nòi mình là người Việt. Đời người nghe thì rất gần ở đó nhưng là rất xa, tiếng hát hôm nay, mai có thể kỷ vật. Mến yêu một nghệ sĩ, không gì hơn ngồi lại để ngắm những gì họ đã góp nhặt cho đời. Và để nói một lời cảm tạ khi người còn có thể nghe thấy.



---------------------

IMG_1045.JPG



Thái Thanh sinh ngày 5 tháng 8 năm 1934 tại Hà Nội, là một trong những giọng ca tiêu biểu nhất của tân nhạc Việt Nam. Bà đi hát từ thuở thiếu niên, cùng với Thái Hằng, Hoài Bắc, Hoài Trung, Phạm Duy, Khánh Ngọc (vợ nhạc sĩ Phạm Đình Chương) lập nên ban hợp ca Thăng Long nổi tiếng, thành danh từ thập niên 1950.

Tên tuổi Thái Thanh trở nên lẫy lừng từ đó cho đến những ngày cuối của miền Nam Việt Nam. Tiếng hát của bà ngự trị trên khắp các chương trình ca nhạc truyền thanh cũng như truyền hình. Sau 1985, dù chỉ hát và phát hành băng đĩa ở Mỹ, bà vẫn là giọng ca có vị trí hàng đầu, mệnh danh là "Đệ Nhất danh ca" của dòng nhạc tiền chiến cũng như nhạc tình miền Nam. Tên tuổi của bà cũng đặc biệt gắn liền với các nhạc phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy.

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.