Sunday, November 29, 2020

BÀI GIÁO KHOA CŨ

BÀI GIÁO KHOA CŨ


Bài học cũ, giản đơn nhưng dạy trẻ con biết hoài niệm, biết nghĩ về những gì đã có. Đọc lại một trang giấy nhỏ, đã cũ, đã bị phế bỏ, mà nghĩ rằng người viết chẳng có chức phận hay quyền hành gì, nhưng họ hành động như một người Việt buộc phải cẩn trọng trách nhiệm với trăm năm sau. Chỉ tự tâm niệm mà cẩn trọng.

Không cần phải có một tôn giáo hay lý tưởng vĩ đại nào, chỉ cần một tấm lòng học làm người, biết thương nhớ mẹ cha, đã là một công dân tử tế trên nước Việt.

"Con không cần phải khấn, vì hồn mẹ lúc nào cũng phảng phất bên con". Thật ra, câu văn chỉ là một lời an ủi. Nhưng cảm động đến có thể rơi nước mắt. Lời dạy còn âm thầm nhắc rằng khi hành động bất kỳ điều gì, đều có một lương tâm truyền đời dõi theo và nhắc nhở. Nếu không có mẹ cha và người đi trước, thế hệ hôm nay dễ dàng trở thành hành động, suy nghĩ vô loài.

Chân thành với giáo dục không khó, nhưng cố gắng tạo dáng vẻ cho giống như giáo dục thì rất khó. Nhiều năm cải cách, gắng gượng thay đổi sách giáo khoa cho thấy một tương lai dân tộc rất mơ hồ: một hệ thống vật vã, gượng gạo tạo ra cái mới - rất giả tạo - bởi mang quá nhiều mặc cảm với cái cũ đã hoàn chỉnh từ một thể chế khác.

Sẽ chẳng ngạc nhiên, khi hôm nay, mọi thứ giả dối đang lên ngôi: Giả trí thức, giả văn bằng, giả học vị... và cuối cùng là giả làm một người yêu nước.

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.