Friday, April 29, 2022

Tâm tình Phạm Duy, những ngày đầu tỵ nạn ở Mỹ (p.2)

Như đã kể, nhạc sĩ Phạm Duy chọn cuộc sống mới ở tiểu bang Florida. Mọi thứ đều chán chường đối với ông và ông thấy mình luôn có cảm giác là người khách lạ. Ông không ngờ rằng ông gắn một phần đời khá dài (suốt 15 năm) của mình ở nơi này. Như một phần trong bài hát mà ông viết:


“Một ngày bảy lăm, con bỏ nước ra đi

Hai mươi năm là hai lần ta biệt xứ

Giờ cha lưu đày ở ngay trên đất ta

Và giờ con lưu đày ở đây trên xứ lạ!”


Nhạc sĩ Phạm Duy kể rằng những ngày đầu định cư, ông gửi gắm suy nghĩ và sự gắn bó của mình với bưu điện gần nhà, nơi ông hàng ngày nghĩ sẽ viết gì, hỏi gì… với những đứa con đang bị kẹt ở Việt Nam. Với bốn đứa con đi cùng sang Mỹ với ông, duy có Thái Hiền là tham gia văn nghệ. Thiếu vắng Duy Quang (lúc đó Duy Cường chưa tham gia văn nghệ), ông mất một phần nội lực quan trọng trong việc trình bày những ca khúc của mình.

 

Mãi đến năm 1979, Duy Quang mới hội ngộ cùng ông ở Mỹ, và tự mình thu bài hát Một Ngày 54, Một Ngày 75. Năm 2005, sau khi chính thức về Việt Nam, Phạm Duy kể với đôi mắt nheo, đầy hài hước: Khi nhân viên nhà nước đến “làm việc” với ông, họ kể rằng nhiều năm trước, câu hát “Giờ nơi nước mình, niềm đau thay nỗi vui. Sài Gòn đã chết rồi, phải mang tên xác người” chính là một trong những điều gây khó nhất cho ông, chứ không phải là tổng thể tập Ngục ca hay Tỵ nạn ca gì cả.


Rất nhiều người Việt ở Mỹ, như Phạm Duy lúc đó, ngày ngày trông chờ những lá thư hồi âm từ Việt Nam để biết quê mình và gia đình mình ra sao. Phạm Duy nói, ông sống thẩn thờ như người mất hồn, và mỗi khi gửi thư đi, chỉ ngóng xe phát thư ghé qua. “Chỉ có một người tình mà ngày ngày tôi mong đợi, đó là người đưa thư vào mỗi buổi sáng”, ông kể.


Tâm trạng buồn chán và cảm thấy mình chỉ là một người tạm dung trên đất Mỹ, được biết đến kèm theo sự thương hại, khiến nhạc sĩ Phạm Duy mất đi cả sự kiêu hãnh ngày thường. Cho nên, ông cũng không thấy vui thú gì khi người ta nhận ra mình, như có lần một giáo sư dạy nhạc của Trường trung học Fort Walton tại Florida tìm đến ông để xin được trình diễn bài Giọt Mưa Trên Lá. Bản chép lời Mỹ bài hát đó có tựa The Rain On The Leaves, từng được Phạm Duy trình bày vào năm 1966 trên chương trình truyền hình Rainbow Quest, hát lời Việt và Anh cùng với các nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ là Pete Seeger, Steve Addiss và Bill Crofut.


Suốt những ngày đầu ở Mỹ, Phạm Duy quên mình là một nhạc sĩ. Ông gần như cắt đứt với âm nhạc mà chỉ nghĩ đến việc đánh điện tín và viết thư cho các con. Tin tức lan đi từ những người vượt biển đến sau cho biết, đủ mọi giới đều bị bắt đi tù cải tạo, bị đuổi khỏi nhà, bị đưa đi lao động… làm cho ông và bà Thái Hằng sầu muộn không dứt. Thư từ lúc đó gửi từ Mỹ về Việt Nam hay ngược lại – nhanh thì một tháng, lâu thì hai tháng – là sự mong mỏi ngày đêm của ông.


“Trầm mình trong đau khổ khi ngồi im trong sáu tháng (từ Tháng Năm tới Tháng Mười Một 1975), từ đầu 1976 trở đi, hạnh phúc của tôi là ngồi viết thư cho con hay nằm đọc thư của các con. Và từ đó, sự thống khổ chống gậy ra đi dần dần, niềm tin yêu từ từ khập khiễng trở về lòng tôi… cho tới ngày tôi thét to như vỡ tung lồng ngực (chữ của Hoàng Cầm) khi ôm các con vào lòng, đầu tháng ba năm 1979”, Phạm Duy kể lại.

 

Khi chạy hối hả đến máy bay ra khỏi Sài Gòn, gia đình nhạc sĩ Phạm Duy bị thất lạc hành lý. Ông kể khi đến Mỹ, ông chỉ có vỏn vẹn $20 trong túi và phải nghĩ đến chuyện đi làm để nuôi gia đình. Ở Việt Nam ông có thể dễ dàng sống với âm nhạc nhưng nơi đây thật bế tắc. Chính vì vậy mà ông đành phải cho đứa con gái cưng là Thái Hiền đi làm thêm ở một quán ăn, từ 11 giờ đêm đến 4 giờ sáng.


Phạm Duy nhớ lại, thời gian đó, nước Mỹ tỉnh giấc với chiến thắng của quân Bắc Việt. Khắp nơi báo chí đều đánh giá lại cuộc chiến Việt Nam. Đặc biệt là vấn đề tị nạn Đông Dương đang nóng bỏng. Phóng viên báo chí, truyền hình tới tấp đi tìm người tỵ nạn làm phóng sự. Vốn là cái tên quen thuộc với làng văn nghệ Hoa Kỳ, Phạm Duy cũng được nhiều tờ báo tìm đến. Một trong câu nói nổi tiếng của ông sau này được nhiều người nhắc lại: “Tôi sinh ra để hát về nước tôi! Nước tôi đâu rồi?”. Nhắc lại chuyện này, nhạc sĩ Phạm Duy nói ông đã thốt ra với sự buồn bã tột cùng. Là một nghệ sĩ tự do nhưng giờ đây Phạm Duy cảm thấy, có hát hay mơ về tự do cũng vô nghĩa, khi ông cùng hàng triệu người Việt Nam khác đã bị bứng khỏi gốc rễ của mình.


Muốn gửi tiền về cho bốn đứa con đang kẹt trong nước cũng như trang trải cho đời sống gia đình ở Mỹ, Phạm Duy dù không muốn dính líu âm nhạc nhưng cuối cùng phải quay lại. Đó là nghiệp, là đời của ông, dù có lúc ông nghĩ đến chuyện lưu ẩn và chọn nghề bán nhà hàng kiếm sống. Khởi đầu với số vốn nhỏ $200 do một người Mỹ gửi tặng, nhạc sĩ Phạm Duy in các album nhạc của mình ra băng cassette và quảng bá bán trên báo.


Mỗi cuốn băng giá $5 ông gửi bán qua bưu điện đã giúp ông có những đồng tiền dư dả đầu tiên. Nhờ vào số người Việt tỵ nạn ngày càng nhiều, cùng với nỗi nhớ nhà muốn nghe lại những âm điệu quen thuộc, Phạm Duy bắt đầu có thể sống bằng nghề nhạc. Đó là thời gian ông soạn tập tự học guitar, kèm băng cassette hướng dẫn, được nhiều người Việt gửi thư đặt mua.


Nhạc sĩ Phạm Duy gọi cuộc đời ở Mỹ là tạm dung. Những chương trình lưu diễn của ông sau này cũng được đặt tên là “Hát trên đường tạm dung”. Trong trái tim ông, nước Mỹ bình yên và tự do vẫn là nơi để ngồi chờ một ngày được thấy lại quê hương, được thấy lại Sài Gòn và những kỷ niệm yêu dấu. Sau khi gia đình người Mỹ bảo trợ cho nhạc sĩ Phạm Duy tổ chức vận động với chính quyền để ông được trả tiền cho các buổi diễn phục vụ tại các trại tỵ nạn người Việt, Phạm Duy bắt đầu ôm đàn hát, và dần dà lấy lại cảm hứng sáng tác để cho ra đời nhiều tập ca khúc lưu danh. Ông vẫn là ngọn cổ thụ kiêu hãnh của âm nhạc người Việt, vẫn vươn cao ở vùng đất mới, vẫn là “Bố già” – từ mà nhà báo Trường Kỳ đặt cho ông – được kính trọng và mến yêu…

Tâm Tình Phạm Duy, những ngày đầy tỵ nạn ở Mỹ (p.1)

 


Nhạc sĩ Phạm Duy đã dành nhiều sức sáng tác, nghĩ suy của mình để lại, đặc biệt là với những tháng ngày sau năm 1975, khi ông đến và sống cuộc đời khác trên đất Mỹ, trải qua một chuyến dạ hành bàng hoàng.

 

Dạ hành là cách nói của ông để mô tả về những ngày tháng ra biển, ở trại tỵ nạn và sau đó được tạm cư khởi đầu tại Florida. Dạ hành, bởi theo ông, với những điều của gia đình mình thấy, và của những những người Việt khác là:

 

“Bất cứ ai trong chuyến ra đi này cũng có thể nói rằng đây là đêm đen nhất, dài nhất của đời mình. Những phi vụ chở người tị nạn từ Saigon qua căn cứ không quân Clark ở Phi Luật Tân rồi lại bay ngay đi đảo Guam hay đảo Wake, đó là những chuyến bay đêm. Đúng ra, vì sự khác nhau của thời khắc ở những vùng cách nhau vài kinh tuyến, đêm phải ngắn chứ? Vậy mà phi cơ bay hoài cũng chỉ gặp toàn đêm và đêm thôi. Mặt Trời đâu rồi? Đêm hôm nay không phải là đêm 12 tiếng đồng hồ, thời gian thực tại của đêm ngắn đi vài ba tiếng nhưng thời gian tâm lý thì dường như kéo dài dằng dặc…”

 

Gia đình của nhạc sĩ Phạm Duy vừa may mắn, vừa xui rủi trong những ngày rời khỏi Việt Nam vào Tháng Tư 1975. May mắn, vì ông ra đi rất êm đềm vào rất sớm. Ngày 28 Tháng Tư, một nhân viên CIA của Tòa Đại Sứ Mỹ tên Ed Jones đã cho ông và một số ít trí thức, thành phần đặc biệt – vốn không thể ở lại Sài Gòn vì sợ Bắc Việt trả thù – một địa chỉ bí mật tập trung ở đường Kỳ Đồng, Quận 3, để được đưa đi. Nhạc sĩ Phạm Duy cùng vợ và con gái Thái Hiền đi trước, cùng nhiều đồ vật kỷ niệm – mà cũng là niềm cảm hứng sáng tác của ông suốt nhiều năm tha hương về sau. Nhưng xui rủi là có bốn đứa con của ông đi sau và kẹt lại. Cảnh hỗn loạn vào giờ cuối đã khiến cả bốn người không đến được điểm trực thăng đưa di tản. Điều đó làm Phạm Duy khốn khổ vô cùng, tận cho đến khi gặp lại mọi người đầy đủ, sau này ở Mỹ.

 

Nhạc sĩ Phạm Duy kể, vào ngày 30 Tháng Tư, khi còn trên đảo Guam, ông nghe người kế bên mở cái radio chạy pin, phát bản tin về quân Bắc Việt đã vào đến Sài Gòn. Nhiều người vây quanh nơi có tin tức này sầu lặng nghe. Nhưng không đợi hết bản tin, nhạc sĩ Phạm Duy vì tâm tình dồn nén, không chịu nổi nên bỏ chạy ra ngoài, đi thẳng ra bờ biển gần đó. Trong hồi ký của nhạc sĩ Phạm Duy, ông kể lại giờ phút đó, với sự tuyệt vọng của mình, rằng “Tôi đã không còn là tôi nữa rồi”. Câu nói đó cũng giống như niềm tuyệt vọng của rất nhiều người tại miền Nam lúc đó, những người sống và tin vào xã hội, đất nước của mình và cảm thấy mọi thứ mất hết, không còn gì kể cả bản thân. Đó là số phận chung của hàng triệu người miền Nam bị mất căn cước công dân tự do, sau Tháng Tư đó.

 

Nhạc sĩ Phạm Duy kể lại sự giày vò cứ dội lên trong từng khoảnh khắc, mỗi khi nghe về những đổi thay đang diễn ra tại Việt Nam qua giọng đọc của cô Kim Vui trên Đài phát thanh Sài Gòn.


“Trong suốt Tháng Tư này, kẻ trước người sau bỏ nước ra đi nhưng Saigon và vùng Hậu Giang hãy còn, nay nghe tin Việt Nam đã hoàn toàn rơi vào tay Cộng Sản, mặt ai cũng sa sầm, mắt ai cũng rớm lệ, đầu ai cũng cúi gằm. Khi cô Kim Vui đọc xong bản tin và bản thông cáo, mọi người lủi thủi bước đi trong sự lặng lẽ tột độ. Người mình xưa nay vốn rất ồn ào vì thích nói nhiều, nói to. Chưa bao giờ tôi thấy hình ảnh lạ lùng là một đám rất đông người Việt đi đi lại lại mà không có một tiếng động nào cả. Trông chẳng khác chi những bóng ma trong một khúc dạ hành…”, nhạc sĩ Phạm Duy kể lại.


Nhạc sĩ Phạm Duy cũng nhắc lại thời khắc mà tiếng hát Nối Vòng Tay Lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vang lên trên radio của Đài phát thanh Sài Gòn kêu gọi tất cả mọi người hãy cùng bỏ súng và hợp tác với chế độ mới. Ông kể vào lúc đó, người chủ cái radio tức giận bật lên tiếng chửi thề rồi tắt máy ngang.

 

Trong lặng thinh sau đó, nhạc sĩ Phạm Duy nói ông suy nghĩ mông lung về tiếng hát nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vang lên kêu gọi hòa hợp với chế độ mới. Thậm chí ông còn tự hỏi rằng có cái gì vội vã hay ít thiết tha đến mức cây đàn guitar cho bài hát đó còn không lên được lên dây đúng? Trong giới nghệ sĩ vào Nam từ năm 1954, có lẽ Phạm Duy là người có đủ kinh nghiệm về cộng sản miền Bắc, do đó, có lúc ông cũng tự hỏi rằng nếu như mình còn kẹt lại Sài Gòn thì liệu, tiếng hát đó không phải của Trịnh Công Sơn mà là của mình thì sao? Trong cuộc chiến tranh vừa tạm dừng, súng vẫn giương cao nòng, và kèm sự cao hứng và kiêu ngạo của bọn chỉ điểm, của các thành phần vũ trang gọi là “cách mạng 30 Tháng Tư”, và cả những kẻ nằm vùng, thì liệu ông có cưỡng lại chuyện phải hát bài phục vụ nào đó không?

 

Nỗi đau khổ chất chồng, đặc biệt là về chuyện lo lắng cho số phận của bốn đứa con trai còn ở lại là Duy Quang, Duy Minh, Duy Hùng và Duy Cường khiến nhạc sĩ Phạm Duy rơi vào trầm cảm nặng. Lúc đó, bà Thái Hằng là chỗ dựa lớn trong đời ông.

 

“Tôi lao mình vào giường ngủ, gục mặt vào đống chăn, khóc rống như chưa bao giờ khóc như vậy. Không cần đối thoại, vợ tôi biết các con bị kẹt lại rồi. Dù cũng buồn khổ như tôi, nhưng vợ tôi vốn là người kín đáo, ít khi biểu lộ tình cảm một cách mạnh mẽ như tôi. Tôi vẫn cho rằng trong những năm tháng buồn rầu vì xa bốn đứa con, tôi không ngã quị xuống vì không bao giờ vợ tôi làm tăng thống khổ của tôi lên. Đúng thế, trong những năm xa con, nếu người mẹ này suốt ngày ngồi khóc thầm, oán trời, oán đất, oán chồng thì tôi phải chết từ lâu”, Phạm Duy kể.

 

Phạm Duy thú nhận rằng bên cạnh chuyện bốn người con, ông cảm thấy mình mất tất cả. Mất quê hương, mất thân phận một người Việt đã đi theo tiếng gọi của tự do, rong ruổi khắp đất nước Việt. Có lẽ đây là tâm tình lớn của ông, tạo nên tác phẩm Một Ngày 54, Một Ngày 75 về sau này. Giới truyền thông hải ngoại có thời gian coi bài hát này là Quốc ca Tháng Tư mỗi khi nhắc về miền Nam sụp đổ. Bài hát này được nói có lúc làm một số nhân vật cấp cao ở Việt Nam sau 1975 vô cùng khó chịu. Tuy nhiên đến 2005, bài này vắng tiếng hẳn, do theo mô tả từ một trung tâm ở Mỹ, đề nghị giấu tên, cho biết là có người đi nhiều nơi, xin không phát bài hát này để nhạc sĩ Phạm Duy được yên ổn trong việc xin mang hài cốt bà Thái Hằng về Việt Nam.

 

Không giản đơn để quyết định cuộc đời tha hương ở Hoa Kỳ, nói trên một chương trình phát thanh vào năm 1995, nhạc sĩ Phạm Duy tâm tình rằng ông biết sẽ phải mất một thời gian dài, ông mới bước qua được những thống khổ, hoặc nguôi ngoai dần. “Sự thống khổ vào lúc này còn giày vò tôi đến độ tôi muốn trở về Việt Nam ngay lập tức. Hay là nhảy ngay xuống biển tự tử cho rồi…”

 

Ngày 15 Tháng Năm 1975, nhạc sĩ Phạm Duy chấp nhận đối diện với khúc quanh nghiệt ngã của số phận. Gia đình ông lên máy bay rời đảo Guam để đi đến Eglin, Florida, bắt đầu một chặng đời mới. Lý do ông chọn một nơi thật xa và lạ của nước Mỹ là bởi quá buồn khổ. Ông muốn “ở một nơi nào càng xa quê hương bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu” để không phải nghe thêm gì về những mất mát đang đến ở Việt Nam, với con người Việt Nam.

 

Thursday, April 21, 2022

Nhạc sĩ Thanh Sơn – ông Hoàng của những tình khúc mùa Hè



Nói về những ca khúc mang dấu ấn mùa Hè, ông hoàng của những nỗi buồn mùa phượng nở, ít ai có thể sánh ngang với nhạc sĩ Thanh Sơn (1938-2012). Dân mê Bolero, hầu như ai cũng biết những bài hát tuổi hoa niên, ngập tràn những giai điệu thổn thức của ông như Nỗi Buồn Hoa Phượng, Hạ Buồn, Phượng Buồn, Ba Tháng Tạ Từ, Lưu Bút Ngày Xanh…

Dân trong làng âm nhạc coi nhạc sĩ Thanh Sơn là bậc đàn anh dòng nhạc về tuổi trẻ, nhớ thương và vụng dại. Nhiều năm sau 1975, ông thường ngồi trong một quán cafe nhỏ trên đường Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần, Quận 3) để trò chuyện với những người cùng thời như nhạc sĩ Hoàng Trang, Mặc Thế Nhân, Hàn Châu… và đồng thời để tìm bài vở, góp làm các album. Vốn từ năm 2000, nhạc sĩ Thanh Sơn nhận làm biên tập, tức vai trò thu thập bài vở, tổ chức các chương trình ca nhạc mới cho Trung Tâm Rạng Đông. Vào thời điểm những ca sĩ hải ngoại bắt đầu về Việt Nam, và một số bài hát cũ được duyệt để in vào CD, nhạc sĩ Thanh Sơn hay giúp cho anh em bạn bằng cách đưa những bài hát đã sáng tác từ thời trước năm 1975 vào chương trình.

Thanh Sơn tên thật là Lê Văn Thiện, ông sinh năm 1938 (có tài liệu ghi là 1940) tại Sóc Trăng. Thanh Sơn được sinh ra trong một gia đình có 12 người con, ông là người con thứ mười.

Năm 1955, nhạc sĩ Thanh Sơn lưu lạc ở Sài Gòn, và bắt đầu học nhạc với nhạc sĩ Lê Thương. Nhưng lúc đầu, ông không nghĩ mình sẽ trở thành một nhạc sĩ mà mơ đến chuyện được đứng trên sân khấu như một ca sĩ. Ngoài giờ học nhạc và làm việc, nhạc sĩ Thanh Sơn cứ mở đài phát thanh để nghe những bài hát mới và tập hát theo.

Và rồi đến năm 1959, Thanh Sơn ghi danh tham dự cuộc tuyển chọn ca sĩ của Đài phát thanh Sài Gòn. Lúc này ông trình bày nhạc phẩm Chiều Tàn của nhạc sĩ Lam Phương và đã đạt giải nhất trong cuộc thi. Tiếc là bây giờ không còn băng ghi âm lưu trữ để mọi người nghe lại, nhưng lúc đó, nhạc sĩ Thanh Sơn đã hát hay và vượt lên nhiều thí sinh, mà sau này đều trở thành những ca sĩ lừng danh như: Phương Dung, Chế Linh, Nhật Thiên Lan… Ban giám khảo trong cuộc thi đó là những người có tên tuổi như: Võ Đức Thu, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Nghiêm Phú Phi.

Sau khi đoạt giải nhất, Thanh Sơn được mời đi hát trong ban Tiếng tơ đồng của Hoàng Trọng. Ông được mời lưu diễn ở nhiều nơi, và mời ghi âm ở Đài phát thanh. Lúc sinh thời, nhạc sĩ Thanh Sơn kể lại chuyện này với nụ cười mỉm “hồi đó, mình nghe người ta hát trên đài mà mê, không biết chừng nào mới có dịp đến mình. Đến khi nghe Đài phát lại mấy bài hát của mình, mới ngạc nhiên sao đời như giấc mộng”. Chuyện ca hát của nhạc sĩ Thanh Sơn thành công đến mức được mời vào diễn trong đoàn Văn nghệ Việt Nam của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Năm 1960, ông tham gia hát ở vũ trường Maxim’s và được tham gia đi lưu diễn ở một số quốc gia như: Lào, Miên, Tân Gia Ba, Mã Lai, Nam Dương…

Năm 1965, Thanh Sơn gia nhập quân đội và phục vụ trong binh chủng Quân Vận, sau đó ông được chuyển về Tổng Tham Mưu và vẫn tiếp tục công việc sáng tác. Trong thời gian này, Thanh Sơn đã cho ra đời nhiều ca khúc nổi tiếng viết về đề tài người lính VNCH, nhất là ca khúc Mười Năm Tái Ngộ rất được mọi người yêu thích qua tiếng hát của nữ ca sĩ Phương Dung.

Chuyện sáng tác của nhạc sĩ Thanh Sơn bắt đầu từ việc ông xin nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ hướng dẫn cho mình, đọc thêm các sách vở âm nhạc khác. Năm 1960, khán giả bắt đầu biết cái tên Thanh Sơn qua nhạc phẩm Lưu Bút Ngày Xanh. Đó cũng là giai đoạn khởi đầu việc hình thành nhiều bài hát học trò, mùa Hè… nổi tiếng của ông. Thích thú với vai trò sáng tác, nhạc sĩ Thanh Sơn bắt đầu cho ra hàng loạt các ca khúc mới, được nhiều nhà xuất bản nhạc giấy chào đón. Đặc biệt trong chuỗi Nỗi Buồn Hoa Phượng của ông được coi như là một nhạc khúc đi liền với giọng hát Thanh Tuyền, trở thành một di sản đặc biệt của tình ca mùa Hè, nền văn nghệ Việt Nam.

Sau năm 1975, phải mất một thời gian dài, nhạc sĩ Thanh Sơn mới sáng tác lại. Lập tức ông được khán giả đón nhận nồng nhiệt qua các tác phẩm như Gợi Nhớ Quê Hương, Hình Bóng Quê Nhà, Hương Tóc Mạ Non, Hành Trình Trên Đất Phù Sa, Bạc Liêu Hoài Cổ…

Cũng như các nghệ sĩ của miền Nam, nhạc sĩ Thanh Sơn cũng phải chịu đựng nhiều điều khó khăn và kỳ thị của chế độ kiểm duyệt. Vào năm 2001, có lần ông bị gọi lên Sở Văn hóa Thông tin (lúc bấy giờ Phó Giám đốc là Phạm Minh Tuấn, nhạc sĩ của chế độ mới), để tra vấn việc ông dùng chữ “phu quân” trong một bài hát. Về sau khi bị buộc thay chữ đó, nhạc sĩ Thanh Sơn buồn bực than rằng “chẳng lẽ họ không biết chữ phu quân là người chồng sao?”. Hóa ra, bên kiểm duyệt nghi ngờ ông muốn cài cắm chữ “quân” là ám chỉ… quân (đội) VNCH trong bài hát.

Những câu chuyện như vậy thường được than vãn quanh bàn cafe của các nhạc sĩ Thanh Sơn, Mặc Thế Nhân, Hoàng Trang và Hàn Châu, lúc nhạc sĩ Thanh Sơn còn sống. Những người quen biết được kề cận, mới biết được nỗi niềm và cả những tâm sự nghề nghiệp của họ.

Khó mà tin được là những ngày tháng cuối cuộc đời ấy, những người nhạc sĩ vẫn đôi khi còn trách nhau về những nốt nhạc vụng dại đã từng viết ra hoặc vẫn chất vấn về một câu chữ không rõ nghĩa. Âm nhạc đối với họ không chỉ là nghề, mà là niềm vui, là trách nhiệm và sự đau đáu ước muốn được một lần quay trở lại thời của mình từng được sống tự do, để hoàn thiện nghiệp dĩ.

“Có những lúc nghĩ về một nốt nhạc đã lỡ viết ra, mình ân hận vì muốn sửa cho hay hơn nhưng tiếc là khán giả đã thuộc lòng cái sai của mình mất rồi” – trong một lần ngồi kể lại chuyện xưa, nhạc sĩ Thanh Sơn tần ngần nói như vậy.

Và bao giờ cũng vậy, khi nhắc về Nỗi Buồn Hoa Phượng, ánh mắt của ông bao giờ cũng lấp lánh niềm tự hào. Ca khúc tràn ngập tuổi trẻ, kỷ niệm và thổn thức riêng của mỗi người này vẫn được mọi người trong chiếc bàn ấy bình chọn vui là “quốc ca mùa Hè”.

Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn,
Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương,…
Màu hoa phượng thắm như máu con tim,
Mỗi lần hè thêm kỷ niệm,
Người xưa biết đâu mà tìm.

Với những khán giả không thuộc dòng nhạc vàng, những âm điệu và ngôn ngữ này dường như có vẻ là “sến”, nhưng không ai có thể chối cãi rằng những hình ảnh và âm giai của bài hát này đã âm vang trong trái tim nhiều thế hệ, thậm chí làm không ít người phải ngẩn ngơ thổn thức khi nghe bài hát này.

“Phải chi được sống lại ở tuổi 30” – nhạc sĩ Thanh Sơn từng trầm ngâm nói. Tuổi 30 của ông với những bài ca đã tạo nên tên tuổi của ông và tạo nên một vệt dài độc đáo trong di sản văn hóa đặc thù của miền Nam. Tuổi 30, ông đem lại một khung trời giai điệu của tuổi học trò, đẳng cấp và khó quên một khi đã nghe và chiêm nghiệm về nó như Ba Tháng Tạ Từ, Màu Áo Hoa Phượng, Lưu Bút Ngày Xanh, Hạ Buồn, Ve Sầu Mùa Phượng…

Và rồi một ngày, cơn đột quỵ vào năm 2012 khiến chỗ ngồi quen thuộc vắng đi một người. Chiếc bàn nhỏ như một ký ức sót lại của vàng son bolero ngày càng lặng và buồn hơn. Ðôi khi nhạc vẳng lên từ chiếc loa cũ lại làm những người còn lại thở dài. Tiếng hát “giã biệt bạn lòng ơi…” dường như càng thấm thía hơn bao giờ hết.

Và rồi một buổi chiều Tháng Tư năm 2012, khi tin nhạc sĩ Thanh Sơn bỏ cuộc chơi lan đi, dù biết nhưng vẫn làm hụt hẫng nhiều người. Sau dòng nhạc của Thanh Sơn, khó có thể tìm được ai tiếp nối, những giai điệu ngọt đến nao lòng của Hát Nữa Đi Em, hoặc dân dã đến mức lịm hồn như Bạc Liêu Hoài Cổ?

Nền âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là miền Nam, đã mỗi lúc mỗi vắng hơn những cái tên quen thuộc. Mọi thứ đang mất dần. Giờ thì “Mỗi lần Hè thêm kỷ niệm, người xưa biết đâu mà tìm…”

Về một bài hát ít được nhắc đến của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9


Sau năm 1975, mất khoảng gần 30 năm, giới nhạc sĩ thành danh của nền văn nghệ VNCH mới được dần dần trở lại và tỏa sáng trên sân khấu, trong đó, phải kể đến nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9…

Các sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tuy không rầm rộ về số lượng nhưng rất biểu trưng cho phong cách sáng tác của ông, không thể lẫn với ai. Phía truyền thông nhà nước đã nhiều lần viết về ông với sự trân trọng, liệt kê nhiều tác phẩm của ông với lời ca ngợi. Duy có một ca khúc thì luôn bị né tránh, không muốn nhắc đến, xem như là một điều tối kỵ. Đó là bài hát Mẹ Việt nam ơi, chúng con vẫn còn đây, phổ thơ của Hoàng Phong Linh. Đây là một trong những bài hát thường được sử dụng cho thể loại hợp ca, các phong trào sinh hoạt… cũng như được các ca sĩ lừng danh như Thái Thanh, Khánh Ly trình bày với giá trị biểu đạt như một dạng tâm ca.

Bài hát được nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cho ra mắt công chúng vào 20 Tháng Một năm 1975, trong bối cảnh lúc đó người dân miền Nam đang loay hoay với tình hình cuộc chiến đang có những chiều hướng xấu đi cho chính quyền miền Nam. Vào thời điểm đó hầu như các hoạt động âm nhạc đều đình trệ, nhưng nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 vẫn chọn cách tự mình in và phát hành bài nhạc này đến với công chúng.

Lời thơ trong bài hát này, được nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 phối hợp, dựng nên một giai điệu trầm hùng và bi phẫn.

Một đàn con rồi quên ơn Mẹ nuôi dưỡng
Súng đạn cày tan nát luống quê hương
Mẹ lòng đau thương xót cảnh lầm than
Xót xa nhiều phương Bắc chiếm phương Nam

Tháng Một 1975 là lúc có nhiều gia đình đã im lặng ra đi, rời khỏi nước vì cảm nhận thấy một miền Nam sắp không thể giữ vững được nữa. Súng đạn đã tràn vào tận miền Trung và ngấp nghé ở các tuyến đường trọng yếu vào Sài Gòn. Như tiên đoán trước điều sẽ đến, bài hát có đoạn cuối vô cùng quyết liệt:

Mẹ Việt Nam ơi chúng con vẫn còn đây
Không phản bội giòng sữa thơm nuôi dưỡng
Chúng con nguyện đi dựng lại Quê hương
Mẹ Việt Nam ơi.

Bài hát Mẹ Việt nam ơi, chúng con vẫn còn đây được phổ từ thơ của Hoàng Phong Linh. Tác giả này là ai?

Tên thật của nhà thơ Hoàng Phong Linh là Võ Đại Tôn, vốn là sĩ quan cấp tá trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, từng được biệt phái ngoại ngạch sang nhiều công vụ dân chính tại miền Nam trước 1975 (Phụ Tá Tổng Trưởng Bộ Thông Tin, Giám Đốc Công Tác Bộ Chiêu Hồi).

Sau năm 1975, ông vượt biển đến định cư tại Úc Châu. Năm 1981, ông bí mật trở lại Việt Nam để tham gia Kháng Chiến Phục Quốc (qua đường rừng Thái-Lào) nhưng rồi bị nhà cầm quyền mới bắt giữ vào Tháng Mười 1981, tại biên giới Lào-Việt.

Trong cuộc họp báo với giới phóng viên quốc tế về trường hợp của mình, do Hà Nội tổ chức, mà trước đó tưởng chừng như đã thuyết phục được ông công khai nhận tội và xin khoan hồng, nhưng Võ Đại Tôn bất ngờ cầm micro tuyên bố giữ vững lập trường “không đầu hàng Cộng Sản” trong cuộc họp báo quốc tế ngày 13 Tháng Bảy 1982 tại Hà Nội. Cuộc họp báo bị hủy bỏ ngay lập tức và sau đó ông Võ Đại Tôn bị nhà cầm quyền mới biệt giam hơn 10 năm tại trại tù Thanh Liệt (B-14), ngoại thành Hà Nội. Võ Đại Tôn trở thành trường hợp duy nhất và cuối cùng, đứng trước ống kính truyền hình trực tiếp và hô lời đả đảo. Đài NHK của Nhật đã ghi lại trọn vẹn và phát nhiều lần, như một sự kiện lịch sử có một không hai.

Nhờ sự vận động của quốc tế, ông được trả tự do trở lại Úc châu ngày 11 Tháng Mười Hai 1991.

Vài năm trước khi mất, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tạo nên một làn sóng dư luận, khi lên tiếng thẳng thắn nhận xét về việc khác biệt âm nhạc cũng như cách trình bày của hai miền Nam-Bắc, dù được gọi là một quốc gia thống nhất địa lý.

Ý kiến của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 lúc đó mở ra một cánh cửa mà lâu nay nhiều người nghĩ đến, nhưng không ai dám nói: Văn hóa âm nhạc miền Nam qua thời kỳ hai nền Cộng hòa, đòi hỏi sự thể hiện bằng thấu cảm và tâm hồn-rất khác, chứ không phải bằng kỹ thuật và bắt chước lại, và đó là thứ khó đạt được nhất. Đặc biệt khó thể hiện được với lối đào tạo ca sĩ hát hùng ca tuyên truyền của các trường thanh nhạc phía Bắc. Từ đó, ông gọi thẳng tên nhiều ca sĩ đương thời gọi là thành danh sau năm 1975, thời đại Việt Nam XHCN, là không có khả năng trình diễn thuyết phục trước công chúng. Thậm chí gọi là ca sĩ hạng B, so với thời sinh hoạt âm nhạc trước 1975 của ông.

Nói trên báo nhà nước, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 gần như phủ nhận khả năng trình bày của hầu hết lứa ca sĩ xã hội chủ nghĩa sau 1975. Ông nói trên tờ Thanh Niên rằng cảm thấy mệt mỏi và buồn chán, và kết luận “Tôi chỉ mong muốn duy nhất là có nhiều nghệ sĩ tử tế và người nghe nhạc tử tế”.

Có thể quan điểm này của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tạo nên sự khó chịu không ít với thị trường âm nhạc giai đoạn mới, nhưng ông cũng nhận được vô số lời tán thưởng và xác nhận đồng điệu với suy nghĩ trực diện này.

Cũng cần nói thêm là nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 có họ hàng với nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm, tác giả lừng danh với những ca khúc Tháng Sáu Trời Mưa, Lời Tình Buồn… hiện đang sinh sống tại Úc. Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm gọi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là cậu.

Friday, April 15, 2022

Sầu thiên cổ trong ca khúc Sài Gòn Ơi Tôi Còn Em Đó của nhạc sĩ Trường Sa



Sau khi định cư ở Canada, nhạc sĩ Trường Sa có cho ra mắt một loạt ca khúc như  Sài Gòn Ơi Giã Biệt Từ Đó, Trên Vai Em Nỗi Buồn Mấy Tuổi, Từ Một Ước Mơ… đặc biệt trong đó ca khúc Sài Gòn Ơi Tôi Còn Em Đó được ca sĩ Thùy Dương trình bày, đã ghi dấu giai đoạn sáng tác mới ở vùng đất tự do. Nhưng với những người quen biết nhạc sĩ Trường Sa thì ca khúc này còn chất chứa một nỗi buồn không thể nói cùng ai: Sự ra đi của người bạn đường đã cùng ông đi qua những ngày khốn khó ở Việt Nam, đặc biệt với những năm tháng sau ngày 30-4 ấy. 


Như mọi gia đình sĩ quan học tập của VNCH, nhạc sĩ Trường Sa với chức thiếu tá hải quân, bị lừa ra trình diện để “học chủ trương mới” của nhà nước CSVN trong hai tuần. Thế nhưng sau đó, ông bị đưa đi biền biệt, từ năm 1975 đến 1984 mới được thả về. Không có một phiên tòa nào, và cũng không có lời giải thích nào về số năm vật vã và đói khổ dưới nòng súng AK và thép gai. Trong thời gian đó, người vợ của ông, bà Mỹ Lan, đã cố gắng đến mức kỳ diệu để cho 4 đứa con có được miếng ăn, được đến trường, và quan trọng nhất là vẫn ngẩng cao đầu trong một xã hội chủ trương hạ nhục và kỳ thị những gia đình thuộc diện “Mỹ Ngụy”.


Không có tờ giấy nào thông báo là nhạc sĩ Trường Sa bị giam giữ ở đâu, mọi thứ như biệt tích. Bà Mỹ Lan cùng với cuộc đời của hàng trăm ngàn người mẹ, người vợ khác ở miền Nam đã tất tả chạy khắp nơi, tìm đủ mọi cách, từ gửi đơn đến van xin, thăm hỏi rồi đút lót để tìm biết về số phận người thân của mình. Cuối cùng thì bà được biết là chồng mình bị giam giữ ở Phú Khánh (tức vùng giữa Phú Yên và Khánh Hòa hôm nay), và sau đó bị đưa đi đến giam ở Nghệ Tĩnh, cách quê nhà cả ngàn cây số. Suốt chín năm nuôi tù cải tạo đó, là cơ cực và sự chung thủy của một người vợ luôn dõi theo chồng mình, tận lực nuôi dạy ba đứa con gái và một con trai để hy vọng, chúng có ngày gặp lại người cha.


9 năm ròng như vậy, cuối cùng thì nhạc sĩ Trường Sa được cho về nhà, đen đủi, gầy ốm, đau yếu nhưng quyết tâm tìm đường đến với tự do vẫn cháy bỏng không sờn.


Vào thời gian đó, người có nghề đi biển vẫn được săn tìm để ráp nối vào những chuyến vượt biên. Viên hạm phó tàu tuần duyên Trường Sa, tốt nghiệp khóa 12 Hải Quân tại Nha Trang được mời gọi đến một cuộc ra đi vào năm 1986, lúc đó ông và vợ bàn với nhau mang theo một đứa con gái lớn và đứa con trai.


Cũng cần phải nói là khi mãn tù cải tạo quay về nhà, một người của chế độ cũ như thiếu tá, nhạc sĩ Trường Sa không thể nào được xã hội cộng sản bình thường dung nhận. Ngay cả làm một người vá xe đạp hay chạy xích lô, đời cũng không yên với sự dòm ngó của công an địa phương. Ông đành chọn ở nhà làm việc nội trợ, để vợ mình bươn chải nuôi cả gia đình. Bà Mỹ Lan, vốn là một nghệ sĩ thiết hài và là người dẫn chương trình duyên dáng trước khi lấy ông, luôn được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ chú ý, mời tham gia biểu diễn trong đoàn ca vũ kịch của ông, nhưng nhạc sĩ Trường Sa vì cưng vợ nên không muốn bà rày đây mai đó để phục vụ sân khấu nữa. Cũng vì thương chồng nên bà Mỹ Lan đồng ý ngừng biểu diễn, và hai người chọn sống yên lặng cùng nhau, từ trước năm 1975, ở căn nhà nhỏ đường Nguyễn Duy Dương, gần chợ An Đông, quận 5, Sài Gòn.


Một nghệ sĩ như bà Mỹ Lan, nhưng suốt nhiều năm dài như vậy, phải lê la đi lượm bao ny lon ở chợ để về cân ký bán, mua đi bán lại các món đồ cũ, kiếm chút tiền lời nuôi chồng và mấy đứa con nhỏ. Nhớ về kỷ niệm này, nhạc sĩ Trường Sa từng nói trên đài phát thanh rằng ông biết ơn vợ mình, người đã hy sinh mọi thứ cho cuộc sinh tồn mệt mỏi lúc đó.


Chuyến đi vượt biển đầu tiên của ông thất bại. Tàu xuất phát từ Nhà Bè, tưởng rằng êm xuôi nhưng cho đến gần hải phận quốc tế thì bị tuần duyên của bộ đội Bắc Việt chặn lại. Khi giải lên bờ làm giấy tờ để nhốt vào trại, nhạc sĩ Trường Sa khai mình là một thợ vẽ quảng cáo, tên là Trường Sa. Sau khi bị giải về Mỹ Tho, công an khám phá ông chính là thiếu tá hải quân VNCH Nguyễn Thìn nên thay nhau đã đánh đập tàn nhẫn trong nhiều ngày. Lần đó ông bị giam đến hai năm mới được thả. 


Đầu năm 1989, nhạc sĩ Trường Sa lại quyết định vượt biên một lần nữa cùng với 4 đứa con của mình. Khát khao sống như một con người và sống tự do cứ nung nấu, khiến ông chỉ muốn ra khơi. Chuyến đi đó may mắn trót lọt nhưng khi ông đến được trại Pulao Bidong vào ngày 17 tháng 4 năm 1989, mới biết trại tỵ nạn đã vừa đóng cửa gần một tháng trước đó. Chương trình trục xuất người tỵ nạn về Việt Nam cũng đã bắt đầu xúc tiến.


May sau, nhạc sĩ Trường Sa liên lạc được với một người em đang ở Canada, và nhờ bảo lãnh. Mất đến gần hai năm rưỡi, gia đình của nhạc sĩ Trường Sa mới đặt chân được lên đất Canada, và chuẩn bị hành trình làm lại đời mình. Trong thời gian chờ vợ đi qua Canada đoàn tụ cùng gia đình, nhạc sĩ Trường Sa đã làm rất nhiều việc để kiểm sống, nuôi con: từ thợ làm bánh mì đến làm nước mắm… cuối cùng thì khi dọn đến thành phố Tillsonburg, ông mới có được cuộc sống ổn định nhờ làm việc cho một hãng xe hơi.


Những ai biết nhạc sĩ Trường Sa đều mừng cho ông đã có được hạnh phúc sau những ngày khổ tận cam lai, nhất là khi bà Mỹ Lan bay sang Tillsonburg, Canada đoàn tụ cùng chồng và các con vào năm 1992.  Thế rồi trong một lần bà Mỹ Lan phải quay về thăm Việt Nam để lo việc gia đình, đột ngột ông được tin báo rằng vợ mình đã bị tai nạn xe trên đường và qua đời vào ngày 17 tháng 3 năm 1996. Lúc đó, bà vào tuổi 53. Xe của bà Mỹ Lan cùng một người bạn thuê đã đụng một chiếc xe hơi khác, vì người tài xế say rượu. Vào thời đó, liên lạc đường dài khó khăn, nên mất gần cả tuần sau, nhạc sĩ Trường Sa mới hay hung tin của vợ mình. Ông hoàn toàn suy sụp vào lúc đó.


Sài Gòn Ơi Tôi Còn Em Đó, là bài hát mà nhạc sĩ Trường Sa gửi vào đó những tâm tình tuyệt vọng của mình, đọc lại từng lời, có thể thấy được nỗi ngậm ngùi và bàng hoàng của ông.

Trên vai em nỗi buồn mấy tuổi

Kỷ niệm sắc son mấy thuở yêu người

Bùi ngùi theo từng tháng ngày trôi

Sài Gòn ơi, hương đời vẫn sống


Kể từ lúc đó, nhạc sĩ Trường Sa lặng lẽ sống với kỷ niệm đời mình, và niềm hạnh phúc không trọn vẹn. Đời sống âm nhạc vắng ông thật lâu cho đến năm 2007, khi ông gặp bà Võ Thị Nguyệt, một người phụ nữ hiền lành đã từng có một gia đình và cũng có 4 đứa con như ông, sống ở Montreal. Hai tâm hồn cô đơn và trĩu nặng những ngày tháng cũ đã chọn nương tựa vào nhau để đi hết cuộc đời tha hương nơi trần thế.


Hiện hai ông bà sống ở Toronto, yên ả tuổi già.

Nhắc lại ba vị đại tá Việt Nam Cộng Hòa từng là những nhạc sĩ tên tuổi

 Lịch sử âm nhạc của hai nền Cộng hòa miền Nam Việt Nam có nhiều người nhạc sĩ là quân nhân rất thành công và được nhiều người biết đến. Họ là những sĩ quan cấp đại tá. Những bài hát của các vị vẫn còn được vang lên ở bất kỳ nơi đâu có người Việt, thậm chí ở ngay trong nước, nơi vẫn có nhiều định kiến với “văn hóa chế độ cũ”. Dưới đây là tiểu sử tóm tắt của ba nhạc sĩ đại tá của quân lực VNCH.

Nhạc sĩ / Đại tá Nguyễn Văn Đông (1932-2018)

Ông là một nhạc sĩ lừng danh của di sản văn hóa VNCH. Nhắc đến ông là nhắc đến một kho tàng những bài hát về đời lính và tình ca thân phận trong cuộc chiến. Xuất thân từ Trường Võ bị Địa phương do Quân đội Pháp đào tạo, ông trải qua nhiều hoạt động. Đến Ngày Quốc khánh Đệ nhị Cộng hòa 1 Tháng Mười Một 1972, ông được thăng Đại tá, chuyển sang làm Chánh Văn phòng cho Tổng Tham mưu phó. Ông giữ chức vụ này cho đến ngày 30 Tháng Tư 1975.

Nhạc sĩ / Đại tá Nguyễn Văn Đông

Đại tá Nguyễn Văn Đông được nhiều người biết đến với tư cách là một nhạc sĩ nổi tiếng qua các ca khúc như Chiều mưa biên giới, Sắc hoa màu nhớ… Một số bút danh khác của ông là Phượng Linh, Phương Hà, Hoài Phương, Vì Dân và Đông Phương Tử. Lý do là thời đó, do ông là chủ hai hãng băng đĩa nhạc Continental và Sơn Ca, nên đôi khi để làm liên tục các dĩa nhạc mới, ông muốn đặt nhiều bút danh để đa dạng và dàn trải không đơn điệu trên danh mục các bài hát.Vì những hoạt động đầy thành tích về hoạt động binh nghiệp cũng như văn hóa tâm lý chiến, sau năm 1975, ông bị đưa đi tù ở trại Suối Máu (Biên Hòa), sau đó được trả về nhà năm 1985 khi tình hình sức khỏe tồi tệ và cũng được cho là không còn sống bao lâu nữa. Thế nhưng khi được gia đình chạy chữa, ông qua khỏi và sống cuộc đời im lặng cho đến khi mất vào năm 2018.

Ngày ông mất, Sài Gòn diễn ra một sự kiện đặc biệt, khi những người từng làm việc trong quân đội VNCH, dù không quen biết, đã đến tiễn đưa ông và đứng chào theo tư thế của một quân nhân. Báo chí ở Sài Gòn đã phải né tránh tường trình về tang lễ đặc biệt và gây xúc động cho nhiều người như vậy

Nhạc sĩ / Đại tá Anh Việt (1927-2008)

Ông tên thật là Trần Văn Trọng, sinh năm 1927 tại Rạch Giá, Kiên Giang, xuất thân trong một gia đình công chức, song thân sành cổ nhạc và làm thơ. Ông bắt đầu viết nhạc khá sớm, từ những năm đầu thập niên 1940. Lúc bấy giờ truyền hình chưa có và hệ thống phát thanh còn thô sơ nhưng nhạc của Anh Việt cũng đã được phổ biến sâu rộng qua các đĩa 33 vòng, máy hát quay tay. Năm 1945, ông tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1950, ông bỏ chiến khu Việt Minh về thành; và năm 1951, ông tham gia Quân đội Quốc gia Việt Nam, theo học ngành quân cụ, tham gia binh nghiệp, thăng dần lên cấp bậc Đại tá Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Nhạc sĩ / Đại tá Anh Việt

Sau 30 Tháng Tư 1975, ông tị nạn tại California, được nhà thờ Saratoga Federated bảo lãnh, mời dạy ở trường Naval Post Graduate tại Monterey. Sau này ông mở Chợ Mekong cung cấp cho đồng hương các loại thực phẩm mang hương vị quê nhà. Đây là cửa hàng tạp hóa và hàng ăn đầu tiên của người Việt tại địa phương. Ông qua đời ngày 14 Tháng Ba 2008 tại California, thọ 81 tuổi.

Trong vườn âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Anh Việt được coi là đại thụ với các bài trải dài từ thời chống Pháp đến chiến tranh Quốc-Cộng. Từ thành thị đến nông thôn, khắp các nơi đều vang lên nhạc của ông. Ông cũng dùng nhạc để ca ngợi quân ngũ và quê hương, như các bài Quân Cụ hành khúc vào năm 1956, Nhảy Dù hành khúc năm 1968; và theo tài liệu của Trần Ngọc thì năm 1972, nhạc sĩ Anh Việt phổ một bài thơ hào hùng về cuộc hành quân Hạ Lào, do ông Phan Nhật Nam viết. Ngoài ra, Anh Việt vẫn viết nhạc tình và đóng góp những chương trình nhạc cho Đài Phát thanh Pháp Á, Đài Phát thanh Quân đội, Đài Phát thanh và Đài Truyền hình Sài Gòn. Ông từng là Chủ tịch Hội Văn Nghệ sĩ Quân đội.

Nhạc sĩ / Đại tá Nguyễn Thành Trí (1935-)

Ít ai biết Trang Thủy với những bài hát dịu dàng là bút danh của Đại tá Nguyễn Thành Trí (sinh năm 1935), người mà trong quân lực gọi ông với biệt danh Tango. Trong phần Lời Mở Đầu trong tác phẩm Can Trường Trong Chiến Bại, Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại có viết về Đại tá Thủy quân lục chiến Nguyễn Thành Trí như sau:

“Đúng một năm sau, anh hùng Nguyễn Thành Trí, cấp bậc Đại Tá, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến cùng bộ chỉ huy nhẹ trên một tàu đổ bộ LCM8, chuyện chỉ huy cuộc rút quân của các lực lượng trực thuộc tại mặt trận phía Bắc An Lỗ gồm Lữ Đoàn 147/TQLC, Liên Đoàn 14/BĐQ, lực lượng Địa Phương Quân Quảng Trị và Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh. Khi về tới Đà Nẵng, chiều ngày 27 Tháng Ba, điều hợp cuộc rút quân của 3 Lữ Đoàn 468, 369 và 258 Thủy Quân Lục Chiến phía Nam đèo Hải Vân để rồi sáng ngày 29 Tháng Ba, không tới 48 tiếng đồng hồ sau, ông phải bơi ra biển cùng Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Đoàn I để lên hải vận hạm Hương Giang (HQ 404).

Nhạc sĩ / Đại tá Nguyễn Thành Trí

Về trong Nam, Đại Tá Trí được lệnh chỉ huy hai Lữ Đoàn 258 và 468/TQLC cùng các chi đoàn Thiết Giáp tăng phái lập một phòng tuyến phía Đông Biên Hòa để bảo vệ thành phố này. Sáng ngày 30 Tháng Tư 1975, thi hành lệnh buông súng và chuẩn bị bàn giao cho địch theo lệnh Tổng thống Dương Văn Minh, Đại Tá Trí cùng hai Lữ Đoàn dưới quyền di chuyển về căn cứ Sóng Thần Thủ Đức. Đại Tá Trí chỉ thị quân sĩ trả súng vào kho và cho họ tự do về với gia đình. Đại Tá Trí đã làm tròn bổn phận của một cấp chỉ huy cho tới giờ phút cuối cùng” (Can Trường Trong Chiến Bại, trang 17).

Sau năm 1975, Đại Tá Nguyễn Thành Trí đi tù cải tạo 13 năm, và sau đó định cư ở Texas vào năm 1992. Trong thời gian ở tù, anh em trong trại biết ông là một cây văn nghệ nên hay hát các bài quen thuộc của ông. Nhạc sĩ Trang Thủy được biết đến với những bài hát như như Buồn Tím, Chiều Vương Tóc Mây, Sài Gòn Nắng Nhớ Mưa Thương, Trả Lại Em Thành Phố Này, Xuân Bên Này Biển Nhớ…