Friday, October 20, 2017

“Họ từng hăm dọa là tiêu diệt tôi”.


Tìm đến chị Phạm Trần Thanh Long, nhân ngày 20/10/2017, được gọi là ngày vinh danh Phụ nữ Việt Nam để nghe thêm nhiều chi tiết từ vụ án kỳ lạ: kẻ gian đột nhập gia cư và cưỡng hiếp chị Long mà công an tỉnh Long An thì nhất mực từ chối khởi tố tội phạm.
Tóm tắt sự việc: Vào một đêm của sự cố, mà mọi thứ diễn ra như kịch bả
n hoàn hảo tính trước, một người đàn ông 29 tuổi xông vào nhà chị Phạm Trần Thanh Long, ngụ tại thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh, Long An và cưỡng hiếp chị ngay trước nơi có 2 đứa con gái đang nằm. Vì sợ tên tội phạm có thể làm hại đến hai đứa con nhỏ, do chị biết mặt hắn, nên chị Long đã phải tìm cách hòa hoãn và cam chịu.
Thế nhưng ngay sau khi nộp đơn lên công an địa phương để tố cáo, thì lại bị coi là chuyện thông dâm, và công an không khởi tố.
Người phụ nữ đơn thân này tức giận đến mức đã làm đơn xin đi tù vì không chịu nỗi kết luận nhục nhã mà công an huyện và tỉnh Long An áp cho chị. Dù là nạn nhân, ngay sau khi chị nộp đơn tố cáo, cuộc sống chị bị truy bức liên tục bằng việc công an cô lập chị, điều tra, tới tấp gửi giấy kèm dân quân cầm gậy canh trước nhà, buộc chị phải lên làm việc.
Câu chuyện thật kỳ lạ. Ắt phải có điều gì đó khác hơn trong các dữ kiện thô và hời hợt mà người ta được nghe thấy, từ báo chí nhà nước. Bài phỏng vấn nạn nhân Thanh Long (34 tuổi) dưới đây, hy vọng sẽ cho người đọc thêm đôi điều và nhận định về một miền quê không yên tĩnh của Việt Nam hôm nay.
Đặc biệt cuộc trò chuyện được thực hiện ngày 20/10/2017, nhân ngày vinh danh phụ nữ Việt Nam, vào lúc những tiếng cười nói và chúc tụng náo nhiệt nhất.
Sau khi bị gọi tên vụ án của mình một cách như diễu cợt là “thông dâm” bởi Cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An vào ngày 29-9, với tư cách là người bị nạn, chị đã làm gì?
- Em đã tiếp tục làm đơn gửi ra VIện kiểm sát tối cao ở Hà Nội và bây giờ thì chờ sự trả lời từ ngoài đó. Còn ở Long An, thì họ tỏ rõ thái độ: Huyện bác đơn khiếu nại, tỉnh cũng bác đơn khiếu nại. Rồi họ cứ liên tục gửi giấu mời để buộc em phải lên làm việc về đơn tố cáo cũ của em. Khi gặp những lúc như vậy, em nói rằng “giờ này còn làm việc gì nữa khi chính các ông đã bác đơn của tôi? Chính vì vậy tôi phải gửi đơn ra Hà Nội, và tôi giờ chỉ còn chờ phía Viện Kiểm Sát Hà Nội trả lời mà thôi”. Công an huyện gửi giấy mời liên tục với mục đích buộc em phải gỡ bỏ những thông tin về vụ án của em, mà em để trên facebook. Nhưng em nói đó là sự thật, nên không phải việc gì phải gỡ xuống. Họ gửi giấy mời tới tấp, hơn chục lần rồi.
Phía công an huyện Tân Thạnh cũng như của tỉnh Long An đã nói gì về yếu tố chị là một phụ nữ đơn thân có 2 con nhỏ, và bị xâm nhập gia cư bất hợp pháp và tấn công chị?
- Dạ, phía công an cố tình không khởi tố anh à. Chuyện dài lắm. Bởi vì trước đó do em biết nhiều chuyện ẩn khuất của các cá nhân lẫn cơ quan công an huyện nên họ từng hăm dọa là tiêu diệt em, khi họ thấy em ghi lại trên facebook, thế là đêm 20/6 đã xảy ra chuyện với em. Với những gì xảy ra, em tin rằng thủ phạm là phía gần với họ, và việc ra thủ đoạn với em nhằm em sợ hãi hay nhục nhã mà phải đi chỗ khác ở, và như vậy mọi chuyện xấu em biết sẽ không có cơ hội để nói ra.
Trước đây, khi em viết và tố cáo trên facebook của mình, thì an ninh của huyện đã đến và nói em phải gỡ xuống. Đó là thông tin về chuyện con ông cháu cha chỗ của em được sắp đặt để ngồi vị trí cao, nhiều tiền của. An ninh buộc em phải giải trình là chi tiết em nói đến cụ thể là ai. Khi em kể ra từng tên và sự kiện thì họ đành phải xác nhận rằng chuyện đó là có thật, nhưng truy em rằng còn ai khác ngoài em biết những chuyện này hay không? Thế nhưng đó là chuyện ai cũng biết mà không dám nói vì lo sợ thôi. Trước đó, em đã từng nói với một nhân viên công an huyện về chuyện ông ấy có nhiều bồ bịch với địa chỉ cụ thể, ngay sau đó ông ấy đã tỏ thái độ bằng cách cắt các liên hệ với em.
Trước khi thủ phạm xâm nhập gia đình em vào ngày 20/6 thì đã có nhiều chuyện xảy ra, nhưng sau ngày đó thì em liên tục bị hăm dọa. Công an huyện còn liên kết với ủy an huyện, cấm tất cả công nhân viên chức trong vùng, kể cả dân đến gia đình em để may đồ, vì em sống bằng nghề may. Ai đi đến thì bị công an gọi lên làm khó dễ. Đã vậy họ cho truy em là tiền ở đâu em sống? Làm với ai? Công an cho người đi điều tra những người đặt hàng hay phụ việc với em từ 4 năm trước để điều tra em có nhận tiền của ai, sống bằng cách nào, đời tư ra sao… mà không hiểu nổi, người đứng ra thực hiện các cuộc chất vấn này lại là ông Phạm Công Bô, đại tá, trưởng công an huyện Tân Thạnh.
Nhân vật gây án là người không lạ, sống ngay trong vùng. Công an đã ứng xử như thế nào với người này?
- Họ bênh vực người này ngay từ đầu, bất chấp thực tế. Khi tên này đến gây án thì hai đứa con em ở ngay trong nhà. Đứa lớn thì mắc bệnh tăng động nên đêm phải uống thuốc ngủ, nó không hay biết gì. Còn bé nhỏ, tên Ngọc Hân chỉ mới 3 tuổi thì thấy tất cả mọi thứ và hết sức sợ hãi. Đến hôm nay nó vẫn mang di chứng khủng hoảng. Nó chơi hai búp bê và tự đối thoại một mình “mẹ đi công an, con ở nhà ngoan nha, đừng để công an bắt nha”. Nó cứ chơi như vậy cho đến bây giờ mặc dù em cố tìm cách để nó quên những điều như vậy. Công an thì nói con nít 3 tuổi không có tư cách làm nhân chứng.
Khi biết chị không chấp nhận kết quả vụ án hiếp dâm mà công an chỉ xét là thông dâm, rồi tiếp tục gửi đơn lên cao hơn, công an huyện Tân Thạnh, Long An, đã ứng xử ra sao với chị?
- Họ liên tục gửi giấy mời em lên công an huyện làm việc. Lần này họ không nói là chuyện em viết những tố cáo trên facebook nữa, mà nói rằng làm việc về chuyện đơn khiếu nại tố cáo em gửi ra Hà Nội. Em từ chối và nói là họ đã bác đơn thì hôm nay không nói nữa. Em cũng ghi vào giấy mời mà em trả lại cho họ rằng nếu muốn làm việc nữa thì phải cho em ghi âm nội dung.
Cho đến nay, chị đã tìm đến cậy nhờ các trợ giúp pháp lý ở nơi nào hay của ai chưa?
- Dạ, đến lúc này thì em có nhờ ba luật sư của văn phòng luật Hoa Sen. Đó là anh luật sư Trần Văn Học, Lê Minh Nhân và cô luật sư Ngân. Riêng anh luật sư Học thì nói rằng phải làm cho ra lẽ vụ này.
Thường thì một người dân bị công an chính quyền tìm đến liên tục, gửi giấy mời, điều tra qua hàng xóm… những chuyện này có khiến cho chị bị cô lập, hàng xóm tránh né không?
- Dạ đã có lần em nói lớn tiếng khi công an huyện đi cùng điều tra viên, rồi dân quân đến nhà em canh trước cửa, làm như em là tội phạm, sợ em trốn vậy. Em nói họ làm như vậy là làm phiền em. Nếu không giải quyết dứt điểm được thì đừng đến nữa. Em vừa nói vừa ghi âm lại làm bằng chứng. Họ thấy em ghi âm thì ai nấy im lặng, không nói gì hết. Đó là họ đến đưa giấy mời và buộc em phải trả lời là có lên cơ quan công an hay không, và có đi thì mới đưa giấy mời. Em nói phải đưa giấy mời cho em coi, thì họ từ chối. Rồi em nói không đi vì giấy mời hẹn gặp lúc 1g30 trưa, mà hơn 10g sáng công an mới đến đưa giấy.
Hàng xóm nói chung thì bình thường anh à. Nhưng nói cho đúng thì nhà em chung quanh là đất trống, mẹ con sống rất hiu quạnh. Gần nhất là nhà của mấy cô chú công nhân viên đi làm suốt ngày, ít có dịp tiếp xúc. Nhưng em thấy thái độ của các cô chú ấy vẫn bình thường.
Trên báo đài vẫn nói trân trọng phụ nữ, kêu gọi bình đẳng. Còn về xã hội thì lúc nào cũng nói sống theo pháp luật, công bằng văn minh… khi rơi vào hoàn cảnh hết sức mệt mỏi như vậy, chị có suy nghĩ gì?
- Dạ, nếu mà nói thật sự ra thì chỉ là những cái lời cho có thôi anh à, chuyện nói trên tin thời sự thôi. Lời nói và việc làm thì khác nhau. Ngay như Hội phụ nữ huyện không hề có ai trả lời cho em khi em gửi đơn cầu cứu. Không ai lên tiếng hay thăm hỏi nhưng trên thông cáo báo chí thì họ nói đã đến nhà em thăm hỏi sức khỏe, động viên và giúp đỡ mẹ con em. Chỉ là nói láo nói xạo. Ở ngoài Trung Ương, Hội Phụ nữ đến tận nơi, gọi điện yêu cầu đại diện Hội phụ nữ huyện đến nhưng cũng không ai đến. Đã vậy có tờ báo viết về em, lại viết sai sự thật. Chẳng hạn phóng viên Đình Hưng ở báo Phụ nữ TP.HCM đã viết 3,4 bài gì đó nhưng hoàn toàn viết sai sự thật. Khi em hỏi thẳng mặt rằng sao lại làm như vậy, biết rõ mọi thứ, thì Đình Hưng nói rằng chị thông cảm bởi Hội phụ nữ rất sỉ diện, cô Yến ở Hội phụ nữ buộc em viết như vậy. Hưng nói nếu cần thì sẽ chỉnh sửa nhưng không hề có.
Đã có lúc em quá mệt mỏi nhưng rồi nghĩ lại, nếu em buông xuôi thì tội ác này có thể lại xảy ra với em hoặc với người khác, rồi lại chìm xuồng, nếu em không làm cho tới nơi tới chốn. Em phải cố gắng. Khi các con ngủ hết, em vẫn phải ráng ngồi làm dù đang mệt và đau để có thu nhập mà sống. Do ban ngày em phải dành nhiều thời gian để chơi với các con để tâm lý của chúng không bị nặng nề. Bên cạnh đó, ban ngày em còn phải dành thời gian làm việc với luật sư, với giấy tờ, đi gửi đơn… về chuyện tố cáo này. Mọi thứ chỉ còn dồn vào ban đêm. Đã có lúc em mệt và kiệt sức đến mức tim như ngừng đập, hạ đường huyết nặng do sốc khi nhận được giấy mời của Viện Kiểm sát thị trấn Tân Thạnh.
Nhưng em tin là mình nói sự thật nên phải gắng sức. Có lúc em giận quá nên định liên lạc với các đài nước ngoài để lên tiếng giùm nhưng rồi kềm lại vì tránh không muốn bị vu khống là cấu kết với nước ngoài, là phản động…
(Tuấn Khanh ghi)

----------------------------- Tham khảo thêm:

Sunday, October 15, 2017

Trên tất cả đỉnh cao là lặng im (*)


Chứng kiến nhiều trận lũ lụt tang thương nơi xứ Việt, tôi vẫn hay tự nhắc mình phải viết một bài hát nào đó về những điều đã thấy, về những sinh linh đã tận. Ca hát thì chẳng để làm gì. Nhưng tôi mong mình cất lên được tiếng lòng như bài văn tế nhỏ cho những người cùng màu da, tiếng nói trên quê hương mình hôm nay, sao vẫn mang đầy khổ nạn. Có thể tôi chỉ hát khe khẽ thôi, vừa đủ cho những linh hồn oan khiên về quanh được chút ấm lòng.

Thế nhưng, nhiều năm trôi qua. Lũ lụt hết lần này đến lần khác. Mạng người lại vẫn chìm sâu. Tôi lại chất chồng trong ký ức của mình về ruộng vườn tan hoang, những tiếng khóc trôi dạt buồn tủi, và biết rằng mình sẽ không viết nổi một bài hát như vậy, mà chỉ còn im lặng. Sự im lặng khó tả nằm hoài trên trang giấy và suy nghĩ, như khoảng vô thanh điên loạn giữa rầm rộ ngôn từ.

Thống kê tạm của đài VOV trong ngày 15/10/2017, nói rằng đã có 60 người chết, 37 người mất tích và 31 người bị thương. Bên cạnh đó còn 189 nhà bị sập, 30.827 nhà bị ngập, 1.948 nhà phải di dời khẩn cấp, hàng chục ngàn gia súc, gia cầm chết ngập. Tháng trước, bão số 10 cũng làm 125 người chết và mất tích, thiệt hại tài vật cũng vô số.

Những con số thì vô hồn. Những nếu chỉ một lần nhìn thấy hình ảnh đứa trẻ co ro trần truồng chìm trong nước, bà cụ với đôi tay giơ lên như muốn níu lại phút giây sau cùng, bất kỳ ai cũng có thể cảm nhận khoảng lặng trong lòng mình. Khoảng lặng nhắc chúng ta cũng là con người, và phải biết xót xa cho đồng loại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng “Rừng là vàng, chặt 1 cây gỗ cũng phải thắp hương lạy cây”.  Nghe mà rưng rưng cho phận làm người Việt. Phải thắp bao nhiêu nén hương cho những người vừa chết đêm qua? Bao nhiêu hương thì mới ấm lại thịt da đã xanh tím của đứa bé giữa rong rêu? Bao nhiêu hương thì tiễn được nỗi niềm của cụ già khỏi dòng tức tưởi? Lời thủ tướng Phúc nói, vào ngày 14/10, cũng là những ngày tìm thấy từng xác người lây lất. Không nghe ông nghe nói gì về nạn nhân thiên tai và nhân tai, chỉ nghe ông nói bái lạy và vàng.

Ngày 13/10, đáp lại lời hò reo xúc động của cử tri về sức khỏe của mình, ông Trần Đại Quang cũng không nói gì về thảm nạn đang diễn ra suốt nhiều tỉnh miền Bắc và miền Trung, mà chỉ nhấn mạnh về thông tin xấu độc trên mạng. Không biết có liên quan gì, mà đến 15/10, các trang facebook đưa hình ảnh và thông tin đáng lưu ý về thiên tai lũ và nhân tai lụt đột nhiên đồng loạt khóa bài, ẩn các hình ảnh đã đăng, đồng bộ với các bản tin báo nhà nước hết sức chừng mực và tiết kiệm hình ảnh thực tế.

Nơi của ông thủ tướng và chủ tịch thật náo nhiệt. Điều đó thật tương phản khi tôi nhìn vào tấm hình người phụ nữ ngồi thắp một nén nhang vào hư vô. Gương mặt của chị ẩn trong đó ngàn bài ca mà tôi không viết nổi thành lời. Nén hương ân cần gửi vào gió, hát vào khốn cùng mà chỉ có những trái tim Việt Nam còn đủ nhân tính mới chia sớt cùng những số phận Việt Nam.

Cuộc sống hôm nay như một sân khấu hai mặt. Một mặt trình diễn những dị thường và một mặt giới thiệu từng giờ phút của đời thường. Mà phần dị thường, có cả tiếng các quan chức thời tiết, thủy điện… luôn phủi tay và nói mọi thứ đã đúng quy trình, đẩy phần còn lại là may rủi của nhân dân. 

Loại quy trình thô bỉ ấy vẫn diễn ra hết năm này qua năm khác không hề có kế hoạch đổi thay nào tốt hơn cho đời sống dân lành. Nhưng phần các quan chức thì luôn biết cách dời xa, dời cao để không cùng chung số phận với nhân dân.

Cứ sau những thảm họa, nghe các ngôn từ chải chuốt ngụy biện và lẩn tránh trách nhiệm của họ, không khỏi buồn nôn. Loại ngôn từ trá ngụy mà W. Shakespeare từng mô tả “khi cần thì bọn ác quỷ có thể dùng cả kinh thánh để biện minh cho hành động của chúng”.

Thật khó biết còn bao nhiêu người phải chết trong nước lũ từ đây về sau. Và cũng thật nhục nhã cho một quốc gia luôn huênh hoang về bước đại phát triển 4.0 nhưng hàng năm vẫn phải tế sống dân mình cho nước dữ như thời man rợ.

Tôi xếp trang giấy trắng, xếp lại bài hát mà mình ôm ấp. Tôi cũng không nói gì được về những gì mình đã thấy, đã nghe. Không gian đã quá chật chội với những âm thanh chúc tụng và ca ngợi. Tôi chỉ còn đủ sức giữ lại cho mình sự im lặng. Loại im lặng như M. Heidegger từng mô tả rằng “Sự im lặng như sấm sét còn gây nên chấn động cho tâm thức còn hơn cả tiếng sấm sét trong cõi im lặng”.

Một ngày nào đó, nếu bạn cũng cùng im lặng với tôi trong ít phút giây, có thể chúng ta sẽ cùng nhận ra đất nước và con người Việt Nam đang huyên náo trên những nỗi đau như thế nào.



(*) tựa một tác phẩm của Phạm Công Thiện.


Sunday, October 8, 2017

Chuyện một bức ảnh



Những bức ảnh luôn ẩn sau đó là những câu chuyện dài. Bức ảnh hôn lễ đơn giản được nhìn thấy vào tháng 10/2017 của cô gái Nguyễn Thanh Loan cũng vậy.

Ít ai biết rằng trước một đám cưới ấm áp và đơn sơ này tại một khuôn viên nhà thờ nhỏ ở Quận 11, Saigon, Loan đã trãi qua biết bao sự kiện nhọc nhằn đến khó tin.

Vốn là thành viên của nhóm Vì môi trường, Loan luôn bị chính quyền địa phương gây khó khi trở thành người lên tiếng về các vụ ô nhiễm sông nước, chặt cây xanh... cuộc sống của cô giáo trẻ này không còn bình yên nữa. Cô không thể dạy trẻ được nữa nên quay về mở lớp kèm thêm ở nhà cho một vài gia đình quen biết.

Tháng 3/2017, sự kiện ấu dâm đầy tai tiếng và nhiều tình tiết mờ ám ở trường Lương Thế Vinh, Thủ Đức diễn ra. Ấu dâm cũng là một loại ô nhiễm của đời sống xã hội mà, nên Loan cùng vài người mẹ cùng đến giơ khẩu hiệu yêu cầu bảo vệ trẻ em trước cổng trường. Những người phụ nữ này bị công an Thủ Đức ập đến giải tán. Người thì bị bắt, người thì bị đánh và xé khẩu hiệu. Riêng Loan thì bị quẳng lên một chiếc xe tải nhỏ, bắt về đồn. Cú xô đẩy và ném thô bạo đến mức Loan bị đập đầu vào thành xe, hôn mê.

Ở đồn CA, khi lục túi, người ta tìm thấy một khẩu hiệu bằng giấy A4, in chữ Stop Formosa, công an đã thẩm vấn Loan trong nhiều giờ giữa tình trạng cô không còn đủ ý thức. Điều mà cô nhớ được và có lẽ mãi mãi không hiểu là hình ảnh viên công an giơ tờ khẩu hiệu trước mặt cô, nghiến răng quát “đm, mày phản bội tổ quốc à?”

Loan chưa bao giờ tự vấn đủ về loại lý thuyết bảo vệ tổ quốc hay phản bội tổ quốc. Cô chỉ biết mình hành động như một người dân bình thường có đủ lương tri và tấm lòng cho cuộc đời chung quanh. Cô thương con cá chết oan ức do bị đầu độc, và cũng sợ con cá vào bữa ăn của gia đình nào đó. Cô thương hàng cây xanh và cuộc sống hiền lành như ước mơ của một cô giáo nhỏ muốn truyền dạy yêu thương đến bọn trẻ quanh mình. Vì vậy, cụm từ kinh khủng “đm mày, mày phản bội tổ quốc à?” Là một điều cô không thể tưởng tượng nổi.

Loan phải nằm bệnh viện nhiều ngày sau cú quẳng thô bạo đó. Vì cô bị buồn nôn và hoa mắt liên tục nên bệnh viện giữ lại, theo dõi cú chấn thường đầu để xem có nguy hiểm đến tính mạnh không. Cô giáo trẻ vốn gầy guộc, lúc đó mỗi lúc lại càng tiều tuỵ đến xót xa. 

Chuyện không dừng ở đó. Việc biểu tình chống ấu dâm của Loan khiến công an khu vực ở quê cô, tận phía Bắc xa xôi được lệnh đến nhà điều tra, khiến cả gia đình cô sợ hãi. Đã vậy, ở Sài Gòn, cô bị công an đến yêu cầu chủ nhà đuổi cô ra khỏi chỗ thuê. Thậm chí các công an thường phục còn chận đường phụ huynh chở con đến học thêm, ra lệnh không được đến nữa. Một lần rồi hai, ba lần như vậy. Người con gái miền Bắc vào Nam lập nghiệp bị đẩy xa dần thành phố, bị bức bách để không còn cách mưu sinh. Tứ cố vô thân là sự mô tả ý nghĩa nhất đối với Loan lúc này. Loan trở nên cô đơn và lạc lõng với những gì mà nhà trường và xã hội chủ nghĩa vẫn dạy và nhắc cô truyền lại với lớp trẻ rằng hãy sống và yêu thương, bảo vệ cuộc sống chung quanh. Cô đã sống và làm đúng như vậy, nhưng sao cô lại bị viên công an nhân dân cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ mặt “đm mày”?

Điều mà tôi vùa sợ hãi và lo sợ, lại vừa kính trọng là ít lâu sau đó, trong thời gian nhắc lại một năm thảm hoạ Formosa, là tôi lại nhìn thấy Loan với khẩu hiệu Stop Formosa xuất hiện trên Facebook. Loan tươi cười nhưng gầy gò. Chiếc áo quen giờ trở nên quá rộng so với thể trạng của Loan.

Bất chấp mọi thứ trái ngang ập xuống thật tàn nhẫn, Loan vẫn vậy. Ngay khi người ta dần quên chuyện biển miền Trung chết hay vết đau bé gái bị ấu dâm ở trường Lương Thế Vinh đã thành sẹo trong tim của bé, cũng như chính cha mẹ bé, Loan - một người vô can nhưng không thể dửng dưng - vẫn tìm cách nhắc lại, vẫn muốn pháp luật, công lý là kim chỉ nam của xã hội.

Tháng 10/2017, không lâu sau đó, Loan nhắn tin vui mừng là đã vô tình tìm được người để cô có thể tựa vào, tìm được hơi ấm chia sẻ và yêu thương giữa cuộc sống mà cô bị từ chối quyền thể hiện lương tri của công dân, của một người phụ nữ muốn chia sớt khốn khó với cuộc sống quanh mình.
Nhưng Loan nói cô vẫn vậy, suy nghĩ và nhịp đập trong tim không thay đổi nên cô vẫn chân nguyên là mình. Nhưng hôm nay Loan mạnh hơn vì cô được yêu thương, vì có người chia sẻ. 

Tôi ghi lại ở đây câu chuyện nhỏ này, như một cách góp chút yêu thương cho Loan, để cô mạnh hơn, tự tin hơn. Và cũng là một cách một mà tôi muốn bày tỏ suy nghĩ của mình với những con người mà mình từng được nhìn thấy qua ảnh - những bức ảnh chứa đằng sau đó vô số câu chuyện dài - mà họ trãi qua biết bao khốn khó và bị chà đạp, vẫn chân nguyên và đi tới. Đó là những thanh niên cô đơn với khẩu hiệu một mình trên những con đường, những người nông dân yếu đuối đứng lên đòi đất đai bị chiếm đoạt, những người từ bỏ vị trí đắc lợi để cất tiếng nói vì lương tri kêu gọi... Đất nước này cần họ, dẫu có vô danh, nhưng hàng ngày họ vẫn lấp lánh như những vì sao nho nhỏ trong đêm tối, lúc tất cả chúng ta đều đang giữa đêm đen ngóng chờ ánh sáng bình minh tới. Và rồi khi ban mai, có thể họ sẽ bị lãng quên.


Tham khảo thêm
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/be-7-tuoi-bi-nghi-xam-hai-co-te-bao-nam-trong-dich-am-dao-362034.html

http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/nghi-an-be-gai-bi-xam-hai-tai-truong-con-dau-lam-me-oi-20170313211541925.htm