Sunday, July 27, 2014

Chuyện chưa kể của Hồng Nhung

Một buổi sáng vô tình nghe lại tiếng hát của Hồng Nhung trong quán nhỏ. Lời hát của Trịnh Công Sơn “em đi đâu mà vội, nắng vàng ơi…” kéo theo nhiều ký ức lạ lùng. Ai đó đã chợt nhắc, rằng tiếng hát đó, mới đây mà đã quá mười năm. Âm thanh ấy băng qua thời gian, mang lại biết bao nhiêu điều để nhớ.


Tiếng hát của Hồng Nhung là bánh xe lăn dài, kéo người nghe quay về những ký ức diệu vợi. Tiếng hát của một cô gái đến từ Hà Nội, ở tuổi đôi mươi và dựng nên một kỳ tích sân khấu, mà trãi qua rất nhiều năm, những người yêu âm nhạc bất chợt nhận ra rằng không phải ở thế hệ nghệ sĩ nào cũng có được.

Hồng Nhung sinh năm 1970, tức theo quan niệm của ông bà, thì đã bước qua một nửa đời người. Một nửa đời của một người nghệ sĩ, là đủ thời gian để tạo nên những tiếng vọng của quá khứ để phản chiếu rõ hiện tại và tương lai. Những gì của từng thập niên mà Hồng Nhung dựng nên trong hành trình nghệ thuật của mình, cho thấy cô vẫn đang miệt mài và mỗi lúc lại chắc chắn hơn, sâu sắc hơn trong điềm tĩnh.

Một giọng hát "dynamic"

Nhiều năm trước, khi được hỏi về Hồng Nhung, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn im lặng ít lâu, rồi nói thận trọng. “Dynamic. Đó là một giọng ca dynamic (tạm dịch: năng động)”. Với Trịnh Công Sơn, chữ nghĩa không là điều khó với ông, nhưng để diễn tả một cô gái trẻ và giọng hát đầy năng lượng, biểu đạt một phong cách khác mới mẻ trên nền âm nhạc tưởng chừng như bất di của ông, thì quả không dễ. Nếu hiểu đúng ý của ông, có lẽ đó là sự miêu tả về một dòng năng lượng trong tiếng hát, chuyển động và trẻ trung. Và riêng với ông, đó là là cánh cửa hé mở đầy những bất ngờ.

Hồng Nhung xuất hiện như vậy đó, giữa Sài Gòn, thách thức những lối thưởng thức đã định hình và chấp nhận những phản bác để tạo ra một không gian mới trong nhạc Trịnh. Và nhiều năm sau. Khi ngồi lắng nghe lại, chẳng hạn như cùng một Đóa Hoa Vô Thường của Khánh Ly (1973) cho đến Hồng Nhung (2004) là cả một sự khác biệt thú vị. Những người quen lối thong thả với Khánh Ly ắt sẽ khó chịu với bản ghi âm nhiều nhịp điệu của Hồng Nhung, nhưng rõ ràng đó là một cánh cửa khác, đi vào một thế giới khác. Và trãi qua hơn một thập niên, Hồng Nhung đã đứng vững và có một lớp khán giả nhìn nhận và yêu mến mình từ những sự cách tân trình bày đó.


Hai tiếng hát cùng cung bậc

Có hai giọng hát trong cuộc đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đã mở ra hai thế giới, mở ra hai cánh cửa âm nhạc rung động xuyên qua thế kỷ, đáng để ghi vào trong đời ông: Đó là Khánh Ly và Hồng Nhung. Kho tàng âm nhạc của nhạc sĩ họ Trịnh đã có rất nhiều người đến, thử mình đắm trong đó, nhưng cuối cùng thì ấn tượng dài lâu, có lẽ vẫn là hai cái tên Khánh Ly và Hồng Nhung.

Ngược lại, cả ca sĩ Khánh Ly và Hồng Nhung cũng không thể tách rời những tình khúc đầy mộng mị đó. Suốt hành trình âm nhạc của cả hai người, dù nhiều lần trình bày các tác phẩm của nhiều nhạc sĩ khác, nhưng họ cũng vẫn được khán giả nhớ nhiều nhất là với những giai điệu của Trịnh Công Sơn.

Khánh Ly sau khi đoạt giải ở đài Pháp Á (1956) cũng khởi đầu sự nghiệp bằng những bài nhạc Pháp như Domino, Adieu mon pays... Nếu như bà không gặp Trịnh Công Sơn vào năm 1964, có lẽ Khánh Ly đã trở thành một ca sĩ kiểu khác, chẳng hạn như một nữ hoàng về trình diễn nhạc tango. Hồng Nhung thì bắt đầu nổi danh trong cả nước với ca khúc Papa, và nếu không gặp Trịnh Công Sơn vào năm 1991, có lẽ cô cũng đã là một ca sĩ khác, một ca sĩ dân ca Bắc Bộ hoặc world music chẳng hạn.

Trong trái tim khán giả, sau 1975, ít người chấp nhận việc có một giọng hát mới ngoài Khánh Ly, với nhạc Trịnh Công Sơn. Và Hồng Nhung bước vào cuộc thử thách này không chỉ với khán giả, mà với cả người đi trước trong nghề nghiệp.

Hồng Nhung kể rằng lần đầu tiên cô trực tiếp nói chuyện với ca sĩ Khánh Ly là vào năm cô 23 tuổi. “Lúc đó tôi đang ở nhà anh Sơn, và chị gọi điện về từ Mỹ để trò chuyện với anh, và anh giới thiệu tôi với chị. Anh gọi chị thân mật là Mai. "Mai có biết Hồng Nhung không?". Anh đưa điện thoại cho tôi. Tôi chẳng nói được gì nhiều ngoài mấy lời thăm hỏi chị, vì quá xúc động, lần đầu được nghe giọng nói của người ca sĩ với tôi là huyền thoại âm nhạc của Việt nam”, Hồng Nhung kể lại một cách chân thành.

Có lẽ khoảng cách tuổi tác và độ vững chãi trong nghề nghiệp đối với ca sĩ Khánh Ly đã khiến Hồng Nhung im lặng nỗ lực vượt bực để tạo nên một phong cách âm nhạc riêng của mình, trong thế giới Trịnh Công Sơn. Giờ đây ngồi nghe lại Hồng Nhung, ngẫm lại những gì trong quá khứ cô đã trình bày: Có những thứ đôi khi còn thiếu một chút để thật sự là một người đàn bà hát tình ca, Có những thứ dư một chút để điềm tĩnh của một nghệ sĩ với hymn, hát chỉ cần linh hồn mà không cần ngôn ngữ. Nhưng tất cả những thứ đó rõ là đã được chắt lọc, đã được trãi nghiệm để có một Hồng Nhung khác ngày hôm nay. Một Hồng Nhung đã chín muồi trong cảm nhận và sâu hơn trong diễn đạt – dĩ nhiên, đó là một hành trình có đủ buồn vui, chạnh lòng hay ngại ngùng.


"Tôi không sinh ra với chiếc thìa bạc"

Khi sinh thời vào 1996, có lần trả lời phỏng vấn, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã thoáng nghĩ vài giây, khi nghe tôi hỏi rằng cho tới giờ phút này, ông thấy ai là người hát những bài hát của mình thành công nhất, vẫn làm ông hài lòng nhất. “Vẫn là Khánh Ly, đó là giọng ca khi từ đầu gặp nhau, cô đã am hiểu một cách tường tận những gì mình viết”, Trịnh Công Sơn nói.

Bài báo sau đó được viết và đưa thẳng vào nhà in. Ngay sau khi báo ra, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tìm đến, giọng bối rối. “Mình thấy Nhung đọc bài báo mặt có vẻ buồn. Mình cũng sơ suất quá khi không nhắc gì đến Nhung cả”, ông nói.

Chẳng còn cách nào khác, báo đã ra. “Chúng ta nói về câu chuyện của những gì đã có, còn Nhung là câu chuyện của hôm nay và ngày mai. Rồi sẽ đến lúc Nhung là đề tài chính của câu chuyện mới”, tôi nói và an ủi ông. Tuy vậy, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng xao xuyến một lúc lâu. Mặt ông như một đứa trẻ ân hận, bất ngờ khi thấy mình đã làm mất lòng một ai trong ngõ nhà.

Nhưng thử nghĩ lại mà xem, cũng đáng buồn, khi mọi nỗ lực của mình không được nhắc đến. Trịnh Công Sơn đã rất tâm lý và nhạy cảm để thấy được điều này. Với một cô gái trẻ, đang làm tất cả để chứng minh mình, đang cần những bàn tay nâng đỡ vào những lúc đầy thách thức và khó khăn nhất, hoàn toàn không lạ nếu như cô hụt hẩng như vậy. Đặc biệt, ngay lúc ấy, không ít những lời đồn đoán ác miệng rằng Hồng Nhung có thể không thích Khánh Ly vì cái bóng của người nghệ sĩ ấy quá lớn, nhất là trong hành trình mới của Trịnh Công Sơn, dường như đang chỉ cần một ca sĩ và một nhạc sĩ.

Hồng Nhung chẳng bao giờ tìm cách thanh minh về những điều đó. Như lời tâm sự của mình, Nhung nói “Tôi không được ‘sinh ra cùng với cái thìa bạc’, và học cách sống tự lập từ nhỏ”. Mỗi lúc như vậy, Hồng Nhung lại lớn lên, lại vững hơn. Bản năng nghệ sĩ trong con người Nhung giúp cô hấp thu mọi chướng ngại trên cuộc đời, khiến cô sâu sắc hơn trong từng con chữ hát ra về sau. “Tôi không trở thành người khác, mà chỉ trưởng thành dần cùng kinh nghiệm sống”, Hồng Nhung nói.


Tìm nhau trong câu hát

Những lần lưu diễn sang Mỹ, sau khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất, là dịp để Hồng Nhung gặp mặt ca sĩ Khánh Ly. Hai con người – một dòng nhạc. Họ nhìn nhau và cảm nhận được rất nhiều thứ, nhất là khi chỗ dựa lớn trong tinh thần của họ là người nhạc sĩ đã không còn.

Nhung nói rằng khi gặp ca sĩ Khánh Ly, thầm lặng quan sát, Nhung hiểu hơn nhiều thứ, về cả con người, về cuộc sống và chia sẻ. Hai con người – hai thế hệ đã cùng trình bày âm nhạc Trịnh Công Sơn trên một sân khấu. Vào lúc đó, Nhung kể rằng trước khi ra hát, “chị còn ân cần cho tôi những lời khuyên về cách chọn bài hát của anh Sơn ra trình diễn sao cho hiệu quả”.

Nhung nói cô thú vị khi phát hiện thói quen mỗi ngày của chị Khánh Ly là đọc sách, tương tự như Nhung vậy. Mọi thứ rút ra được trong cuộc đời con chữ và suy gẫm. Cả hai, họ còn gì đâu, ngoài thời gian ngập đầy xa vắng và âm nhạc?

Nếu chỉ vậy thì là chuyện xã giao chẳng đáng nói. Hồng Nhung kể rằng ít lâu sau, ca sĩ Khánh Ly gọi Nhung đến nhà chơi cho biết. Khánh Ly thì trổ tài nấu món riêu cua, còn Nhung thì xách một lô thứ đến để trình diễn tài nấu món cơm gà. “Cuộc sống vốn giản dị. Tôi nghĩ âm nhạc cũng vậy thôi. Điều may mắn của tôi là được gặp gỡ những con người, mà theo từ của anh Sơn là "vô thường", mà chị Khánh Ly là một trong số họ”, Nhung kể lại.


Hành trình đến vô cùng

Khi hỏi về những bài hát của mình đang trình diễn gần đây, Hồng Nhung cho biết trong 5 bài hát mà cô trình bày, chỉ có 2 bài của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Còn lại là những bài khác. Cuộc sống vẫn trôi và Hồng Nhung như đang mở ra một ngã khác cho đời mình, đa dạng hơn và rộng hơn. “Tôi ở giai đoạn của người phụ nữ sống cho gia đình và các con nhỏ. Với sự nghiệp, tôi tiếp tục học hỏi và hy vọng cho ra được những sản phẩm âm nhạc mà mình tâm huyết. Trong năm nay, tôi cùng Thanh Bùi sẽ ra single mà chúng tôi đang dành nhiều thời gian xây dựng”, Hồng Nhung kể.

Bản năng nghệ sĩ với hành trình vô tận của mình đang thúc đẩy Hồng Nhung làm mới mình, làm những điều khác, có thể là chấp nhận những thách thức mới, cô đơn hơn nhưng bản lĩnh hơn so với lúc cô ở tuổi đôi mươi.

Hồng Nhung trả lời không do dự, khi được hỏi rằng, giả như cô không gặp Trịnh Công Sơn, thì Hồng Nhung ngày đầu sẽ ra sao. Liệu có khi nào cô đã lẫn lộn việc chọn lựa âm nhạc Trịnh Công Sơn giữa một cứu cánh của sự nghiệp và tình yêu không? “Tôi chỉ biết mình rất yêu âm nhạc và quyết sống với nó, nên không còn sức hay thời gian để nghĩ xem đó là cứu cánh hay là tình yêu, và dù sao, nơi đó cũng đem lại nhiều niềm vui cũng như nỗi buồn”, Nhung nói.

Chỉ có những trái tim đầy nghệ sĩ, mới liều lĩnh lao vào định mệnh mà không cần suy xét vì sự đam mê của mình. Hồng Nhung cũng vậy. Một trái tim âm nhạc đầy “dynamic” – như cách nói của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói – vẫn không thôi tìm mở những cánh cửa mới cho hành trình về vô cùng của mình, bất chấp đó là hạnh phúc hay khổ đau, thành công hay thất bại. Trãi qua rất nhiều năm tháng, ngay khi sân khấu buồn tẻ, những kẻ bất tài chiếm trọn chương trình, cũng là lúc để khán giả lắng mình nhìn lại, rồi chợt nhận ra những nghệ sĩ đích thực. Đi ngược chiều với sự ồn ào cố ý, với những tiểu xảo thay khả năng, những người nghệ sĩ đó vẫn thầm lặng làm công việc của mình, ý thức rõ một cuộc đời là gì hơn là ít phút giây của hư ảo.

Hôm nay, với những điều đã trãi qua, Hồng Nhung cảm thấy như thế nào về cuộc đời nghệ sĩ của mình? “Tôi yêu âm nhạc và may mắn có thể sống được bằng việc ca hát, và vì thế được gọi là một ca sĩ chuyên nghiệp. Cuộc sống của tôi gắn liền với sự nghiệp ca hát”, cô ca sĩ ngơ ngác đến từ đất Bắc và chiếm trọn nhiều trái tim miền Nam, đã đơn giản trả lời, chỉ vậy thôi.

Sài Gòn run rẩy trong tiếng máy cưa

Tặng tất cả những ai nhớ về một Sài Gòn thơ mộng


Này, tôi tin là bất kỳ ai trong số các bạn, kể cả tôi, những người đang nhớ về Sài Gòn trong những ngày buộc phải rũ chiếc áo xanh thay vào một bản vẽ tương lai, đều có quyền đặt ra một vài câu hỏi, dù là thì thầm hay hỏi thật to.

Vì sao phải thương nhớ một hàng cây, thương nhớ một hình dáng cũ?

Trong những bức ảnh thời sự cuối tháng 7/2014, có thể thấy rất nhiều người đứng lại, tần ngần ngắm nghía Sài Gòn, chụp ảnh kỷ niệm với những chiếc lá xanh không quen biết. Chắc họ cũng đã không thể trả lời được rõ ràng cho câu hỏi này, vì ít có ai chuẩn bị đủ tâm lý cho một cuộc chia ly như vậy.

Sài Gòn tháng 7 bỗng không nóng bức như thường lệ. Cái lạnh đến sớm một cách khó hiểu, từng chiều, làm hiu hắt thêm một thành phố toác rộng, nhấp nhô với bê-tông. Tại vòng xoay phun nước, hai cụ già đang lóng ngóng thay phiên chụp ảnh nhau làm kỷ niệm. Trước đây, nơi này nhộn nhịp người qua lại bên hàng liễu xanh, giờ hoang vắng lạ. Chụp giùm cả hai cụ một tấm ảnh, nhân tiện hỏi vui “Chỗ này có kỷ niệm riêng của hai bác?”. Ông cụ cười, không trả lời mà lại hỏi “Người ta không chọn được một nơi nào khác để làm nhà ga sao cậu?”.

Câu hỏi đó tôi lại không thể trả lời, cũng như hàng triệu người thương mến thành phố của mình cũng không thể trả lời. Thậm chí, nhà ga hiện đại, to đẹp tương lai sắp tới, hầu như cũng không ai nhìn thấy được mô hình hay một bản vẽ giới thiệu về nó rõ ràng ở đâu, để mọi người có thể hình dung về sự đánh đổi này. Đây là điều tối thiểu mà bất cứ một cuộc làm mới nào ảnh hưởng đến con người, trên mọi quốc gia văn minh đều phải thực hiện.

Thành phố hơn 300 năm tuổi, được liệt vào hàng kỷ vật của cả thế giới đã đột ngột biến dạng trong mắt nhiều người. Nhìn những chiếc cưa máy gầm rú vật ngã từng cái cây đã đứng đó, lá cây rơi vãi như những trang nhật ký của đời, từng ghi lại bao thăng trầm của thành phố này mà lòng khó tả. À, vì sao chúng ta không thể chọn một vài phương án, và người dân ở thành phố này sẽ cùng bỏ phiếu chọn lựa cho con đường phát triển của chính mình? Chắc chắn London, Paris hay Moscow… hay bất cứ đâu, khi xây một ga xe điện ngầm ở ngay một di tích nhiều tuổi của họ, người dân chắc cũng sẽ muốn được bỏ phiếu, thể hiện tâm nguyện như vậy. Và thôi, đừng nói với tôi về biểu quyết Hội đồng Nhân dân TP, tôi không biết gì về họ, ngoài những hình ảnh vỗ tay nhiệt liệt và chơi game khi nhấn nút biểu quyết.

Tôi nhìn thấy những cái cây được bọc rễ cẩn thận, khi được nhổ ra nơi cư trú của nó giữa Sài Gòn. Chắc chắn đã có ai dặn dò việc chuyển giao nó về một nơi nào đó để giữ lại trong tiếc nuối. Nhưng tôi cũng nhìn thấy những cái cây được kéo xuống, cưa nhỏ và mang đi. Cây và củi là hai ý nghĩa khác nhau, nhưng củi có tuổi 100 năm lại là một khái niệm khác. Đại lộ Lê Lợi, một trong những đại lộ đẹp nhất Việt Nam với gió, nắng và lá… được thay vào đó bằng điện, sắt và hầm ngầm, dù gọi là để phát triển, thì dĩ nhiên cũng phải có chút chạnh lòng.

Ai cũng muốn đất nước mình đẹp hơn, hiện đại hơn. Việc xây dựng và buộc phải hy sinh một điều gì đó, đôi khi là điều cần thiết, không thể chối cãi. Nhưng với những gì lâu nay mà từng người dân Việt được biết, thì việc tiếc nuối pha lẫn sự lo âu là một điều có thật.

Ai cũng nhớ rằng Sài Gòn là một vùng đất lún, cần hàng ngàn tỉ để phục hồi nhưng vẫn chưa làm được. Ai cũng nhớ rằng cả nước đã có những công trình kéo dài ngày này qua ngày khác và xuống cấp do thiếu tổ chức và đồng bộ. Nhưng điều đó không quan trọng rằng, ai ai cũng nhớ rằng trên đất nước này, đã có rất nhiều công trình được gắn mác hạng mục quốc gia, quan trọng hơn cả ga xe điện ngầm này, được ca ngợi hết mực, nhưng bị đục ruỗng, chỉ vài tháng, hoặc một năm đã hư hỏng, đã rời rã. Thậm chí những con đường sinh lộ của cả quốc gia được tìm thấy cốt tre pha xi-măng dỏm. Một cái cầu vừa xây xong, tháng sau đã không dùng được nữa…v.v nhưng không hề thấy có ai phải chịu trách nhiệm. Những câu chuyện có thật và liên tục như vậy đã hoang phí ngân khố và niềm tin của cả quốc gia đến tận cùng.

Tất cả những điều đó xảy ra, buộc người dân có quyền bồi hồi và lo sợ cho cái sẽ đến, đánh đổi, rằng liệu có thật sự đáng giá hay không? Họ cũng cần được nghe một ai đó nói cho họ, quả quyết về tương lai hoặc có ai đó chịu trách nhiệm rõ ràng cho những bất cập sẽ tới. Đơn giản vì họ là cư dân, là chủ nhân của thành phố này. Nhưng tiếc là, chỉ có tiếng gầm rú của cưa máy, của những công nhân hò nhịp thay cho tiếng nói của họ, hạ gục từng cái cây quen thuộc và tin cậy của họ gục xuống.

Cây có linh hồn không? Thật ngớ ngẩn cho câu trả lời, nhưng nếu như hàng cây đã từng ngắm nhìn thành phố qua bao thế hệ, chắc chắn đã chia sẻ cùng con người nơi này những điều bí ẩn, nhưng đủ để hồi sinh nhau qua nhiều khốn khó.

Nếu nhắc lại, có thể chúng ta sẽ bật cười khi nhớ đến nhiều bài báo lo về sinh mạng của một con rùa già ở Hồ Gươm, Hà Nội. Thậm chí đã có các báo cáo khoa học đòi cải thiện tình trạng ô nhiễm của nước hồ để cứu con rùa đó. Người ta ca ngợi đó là di vật, là niềm tin. Nhưng hạ gục thật nhiều hàng cây trăm tuổi, lấy đi lá phổi của hàng triệu người thì đã chẳng có một sự chất vấn nào xứng đáng cho di vật hay niềm tin.

Một người bạn trên Facebook, anh Alvin Tango, nhắc tôi về câu chuyện được đăng trên báo Trung Quốc, rằng có người đàn ông đã bán một trái thận để mua Ipad, để sống với đời hiện đại của mình. Người Sài Gòn khi chịu cắt đi hơi thở quen và lịch sử của mình, chắc cũng cần nghe một lời giản thích chân tình hơn là một mệnh lệnh.

Tất cả mọi người hiện chỉ nhìn thấy những tiếng thở dài về một Sài Gòn quen thuộc. Phải chăng thói quen nhẫn nại chịu đựng và chấp nhận mọi thứ, việc tăng liên tục xăng, điện... cho đến những cuộc tấn công máu lạnh của công an vào dân thường ngay trên đường phố, mỗi ngày nhìn thấy trên báo chí, đã khiến mọi người chỉ còn khả năng đóng kín cửa, thì thầm và sụp đổ khả năng tư duy phản biện về điều thiết thân của mình?

Và có thể vì vậy, lặng lẽ thương nhớ những hàng cây cũ giữa tiếng máy cưa, là điều duy nhất những người yêu Sài Gòn có thể thấy được vào lúc này.


20140727-115129-42689750.jpg

Thursday, July 24, 2014

Di chúc Bắc Kỳ tự do

BKDC54_042

Cho C. và những người bạn đất Bắc của tôi

 

Câu chuyện kỷ niệm 60 năm về hành trình đến miền Nam của hơn một triệu người trôi qua lặng lẽ. 20 tháng 7, 1954 trở thành lịch sử thế giới, nhưng chưa bao giờ đủ với những câu chuyện kể về số phận và suy nghĩ của riêng người Việt. Tôi chờ đọc một áng văn nào đó, nói về suy nghĩ của những người miền Nam khi nhìn thấy dòng người Bắc Kỳ này, khi họ đến đồng bằng, chảy về thành phố, nhưng không thấy. Tràn ngập những bài viết chỉ là nỗi nhớ tha hương, là ký ức và lòng kiêu hãnh của những người tìm tự do từ phía Bắc. Vì vậy, tôi muốn ghi ra chút ít ở đây, về cái nhìn của một người miền Nam, về cha mẹ, ông bà của bạn bè Bắc Kỳ, dù họ còn hay đã mất.

Hai tiếng “Bắc Kỳ” xuất hiện trên miệng trẻ con miền Nam, và cả của tôi, suốt một thời gian dài, chỉ là sự trêu chọc ban bè cùng lứa, vì một kiểu ngữ âm rất khác mình. “Bắc Kỳ” trong ký ức từng là một tâm cảm bị ám thị, thiếu thiện cảm hơn cả khi so sánh với “Ba Tàu”. Chỉ khi tạm đủ chữ trong đầu, biết thêm về đất nước này, hai chữ “Bắc Kỳ” trong tôi mới thật sự thay đổi. Có lẽ cũng giống như tôi, nhiều người miền Nam hời hợt kỳ thị đã tự làm cho mình bớt xấu hổ bằng cách lập ra những hạng mục khác như Bắc kỳ 9 nút (54), Bắc kỳ 2 nút (75)… để bày tỏ rõ hơn trong nhìn nhận.

Nhưng không đủ.

Phải mất đến hơn nửa đời người, tôi mới nhận ra rằng không hề có một giai cấp nào trong đồng bào miền Bắc của đất nước mình, mà chỉ có một cuộc sống không được chọn lựa nào đó đã phủ chụp lên từng miền, từng vùng đã ảnh hưởng cùng cực đến họ, tạo ra những điều khó tả nhưng vậy. Ở mọi miền, Nam hay Trung hay Bắc, người ta cũng đều có thể nhìn thấy kẻ vô lại trong giống nòi, nhưng sự khó khăn nhìn nhận luôn thường dành cho phía Bắc, như một ám chỉ về một vùng đất phải chịu sự khác biệt về chính trị trong nhiều năm, như đã ám toán mọi sinh lực sống bình thường của con người.

Tôi nhận ra điều đó, ở một ngày khi thấy chung quanh mình có rất nhiều bạn, kể cả thầy cô, là những người Bắc mà tôi tin cậy. Họ đại diện cho những người “Bắc kỳ” mạnh mẽ, vượt qua số phận và hoàn cảnh của mình để không bị đè bẹp, không hèn hạ hoặc chết, như F. Nietzsche đã viết “những gì không giết được chúng ta, sẽ làm chúng ta lớn mạnh hơn” (That which does not kill us makes us stronger).

60 năm của những người Bắc di cư vào Nam, cho tôi và thế hệ của mình được nhìn rõ họ hơn, nhắc tôi phải nói về một bản di chúc lớn, một bản di chúc vĩ đại mà hơn một triệu người từ bến tàu Hà Nội, Hải Phòng… mang đến cho cả đất nước. Bản di chúc cũng được lưu giữ trong mắt, trong lời nói của từng người Việt tha hương khắp thế giới: bản di chúc về tự do.

Cả miền Nam sau 1954 cần phải có một lời cám ơn văn chương Bắc Kỳ, âm nhạc Bắc Kỳ, báo chí Bắc Kỳ… đã góp tay dựng lên một nền văn hóa của cả đệ nhất và đệ nhị cộng hòa của miền Nam. Nền văn hóa ngắn ngủi nhưng đủ trường tồn và mạnh mẽ vượt qua một chướng ngại, tồn tại trong lòng người từ sau 1975 đến nay, ở Việt Nam và trên cả thế giới. Cùng với những người anh em từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mau, những người Bắc đó đã làm tất cả để bù đắp, để dựng xây… cho thỏa sức, việc họ phải rời bỏ rất xa quê nhà, thậm chí trơ trọi, chỉ để đổi lại hai chữ tự do.

Rất nhiều năm sau đó, con cháu của những người Bắc 54 cũng lớn lên ở miền Nam hay vượt đại dương đến nơi nào đó, không ít người trong họ vẫn âm thầm mang theo một bản di chúc có thể sống mãi đến nhiều thế hệ sau về tự do, và chọn lựa vì tự do. Trong một lần ở Mỹ, tôi nghe phát thanh viên của một đài radio người Việt bình luận về một nỗi nhớ quê nhà Hà Nội. Nhớ con đường quanh Hồ Gươm, nhớ con hẻm có bán canh bún nhỏ… Giọng Bắc của anh ta trầm buồn như mới ngày hôm qua còn nhìn thấy những thứ đó, trong khi tôi biết rõ anh chưa về Việt Nam một ngày nào, kể từ tháng 4/1975. Sau lần phát thanh đó, gặp anh, tôi trêu là sao anh nói cứ như là cứ vừa ở Việt Nam về. Đột nhiên giọng anh trầm lại “Phải cố gắng nhớ dù chỉ là tưởng tượng lại. Phải nhớ như nhớ lời của ông bà mình xua mình xuống tàu, trối dặn mình phải sống với tự do”. Tim tôi như thoáng ngừng đập trong tíc tắc. Dòng người mờ ảo trong những cuốn phim tài liệu trắng đen về số phận Việt Nam chia cắt ập về. Tôi cũng nhận ra rằng bản di chúc tự do đó, không phải những người Bắc Kỳ chia cho nhau, mà còn chia lại cho tôi, cho bạn, cho cả dân tộc này. Từng người chúng ta đã được nhận. Chọn lựa mình hôm nay khốn nạn hay tử tế, là do mình đã không chịu nhìn thấy di sản của cha ông gửi lại, qua bản di chúc không thành văn này.

Tôi nhìn thấy người bạn trẻ của tôi, con một người Bắc di cư, nay sống ở Biên Hòa. Anh đưa lên facebook một tấm ảnh kỷ niệm 60 năm người Bắc xuống tàu vào Nam. Khi bên ngoài người ta nói về những điều lớn lao như hiệp định Genève và các chính quyền, thì cũng có một dòng người không nhỏ đưa lại những hình ảnh thuộc về con người như vậy. Có những tấm ảnh khiến mình phải lặng đi khi thấy cụ già bước gấp vào Nam, hành lý trên tay quý nhất chỉ là tấm hình Đức Mẹ. Người bạn trẻ của tôi đưa lên tấm ảnh người ta chen chúc chia tay nhau ở một bến tàu. Khó mà biết được ông bà hay cha mẹ của anh đã có mặt ở đó hay không, trong những chấm li ti như cát bụi. Bản thân người bạn trẻ đó thì giờ cũng là phần li ti trong hàng triệu người Bắc 54 đã lớn lên, đã thành đạt ở miền Nam này hôm nay.

Và tôi nhận ra rằng, bản di chúc tự do đó cũng vẫn đang âm thầm trong anh, như bao phần li ti khác đang trỗi lên, trên đất nước này.

6jle06

image014 dicu1954_2

Tuesday, July 22, 2014

Người chết nối linh thiêng vào đời

image

Thế giới như đang bước vào thời đại của những bữa tiệc về cái chết. Mỗi ngày, người ta nhìn thấy chết xuất hiện ở phía Đông, hướng Bắc, đâu đó trên hành tinh này và cũng xảy ra ngay chính ở nơi cư trú của mình. Sự kiện MH17 của Malaysia bị bắn rơi và 298 người chết vào giữa tháng 7/2014 này, lại vừa mở ra một thảm kịch mới. Trong một câu hát cũ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, những cái chết được mô tả rằng “người chết nối linh thiêng vào đời” lại gợi ra những suy nghĩ mới: Liệu những người chết đang nối nhau trên thế gian này, sẽ mang điều linh thiêng nào vào thế giới?

Hãy tưởng tượng rằng mình đang ngồi trên một chiếc máy bay, êm ả băng qua một vùng mây trắng, đột nhiên mọi thứ bùng nổ, bốc cháy. Có những người kịp nhận ra mình chết và những người nhận ra mình sẽ chết. Tíc tắc đó, người ta sẽ mang điều linh thiêng nào vào đời mình và cõi người? Có thể là sự ngây thơ, có thể là tiếc nuối… nhưng rất nhanh. Sự đau đớn đến rất nhanh và vụt tắt. Điều thiêng liêng nhất còn lại, là họ sẽ mãi mãi trở thành chứng cứ để tố cáo tội ác giữa con người và con người trong những toan tính dã thú.

Không phải ai cũng muốn chuẩn bị cho mình một cái chết, nhưng khi đã quyết chọn cho mình một cái chết, tức chọn một mối nối cho sự ra đi của mình vào chốn linh thiêng nào đó, trong ước muốn vĩ đại có thể còn hơn cả cho bản thân mình. Tôi nhớ đại sư Thích Quảng Đức. Tôi nhớ những người Tây Tạng tự biến mình thành lửa, hóa thân như phượng hoàng bay lên từ tro tàn để dự báo cho một nỗi đau của nhân loại trước ngàn biến động của trần thế.

Trong những câu chuyện gần đây về cái chết, tôi vẫn tự hỏi vì sao câu chuyện 7 người nông dân ở tỉnh Giang Tô uống thuốc trừ sâu và nằm chờ chết trước cửa tòa soạn báo Thanh niên Trung Quốc để đòi công lý, sao lại có thể đi qua lặng lẽ một cách đáng buồn như vậy với nhiều người.

Cũng là những cái chết nối nhau vào đời, nhưng các hành khách MH17 hồn nhiên chết đáng thương trong tíc tắc, vì sao lại được lưu tâm nhiều hơn những con người khốn khổ, mang oan ức của ruộng đồng, đã chọn một cách chết khốc liệt và nằm chờ điều đó xảy ra, như để mang một nỗi linh thiêng hiến dâng cho loài người về công lý. Những người dân quê chống áp bức bằng chính mạng sống của mình, liệu sẽ có “và nụ cười nở trên môi” sau cái chết của họ hay không? Những người dân quê có gương mặt và nỗi niềm, vốn không nhiều khác biệt với gương mặt, số phận của những người nông dân Việt Nam bị mất đất mà bạn đã nhìn thấy ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng, Hà Nội hay lề đường Võ Thị Sáu, Sài Gòn.

Cái chết không có giai cấp, nhưng cái chết chỉ ra số phận của cá nhân, và cả nhân loại. Trong bản tin truyền hình của một đêm, tôi nhìn thấy các quốc gia thề sẽ làm ra lẽ cho cái chết của 298 hành khách trên chuyến bay MH1. Rồi có cả hình ảnh của những đứa bé Palestin chết vội vàng, chết lạnh lùng, mình cháy như than từ phi đạn lạc đường của nhóm khủng bố Hamas, nhưng lời bình chỉ có thể là một tiếng thở dài.

Tôi cũng tự hỏi khi nào, 63 người thanh niên trong quân phục của Việt Nam đã chết trên đảo Gạc Ma năm 1988 rồi sẽ có ai thề viết lại cho họ đầy đủ bằng lẽ phải và công chính cho những con người yêu hòa bình và chết tíc tắc hồn nhiên, không khác gì những hành khách trên MH17? Hay đã 30 năm cuộc chiến Vị Xuyên, hàng ngàn người lính rất trẻ đã chết trong sự chọn lựa trung chính – khác với những nông dân ở Giang Tô, Trung Quốc – với niềm tin là chết cho tổ quốc, họ gợi nhớ cho chúng ta những mối nối vĩ đại và bi thương. Những anh linh đã mất đó, đã mang được điều linh thiêng nào vào cho nước Việt ngàn đời sau?

Họ, những con người ấy có đang mỉm cười – và nụ cười nở trên môi không? – tôi tự hỏi.

Hàng triệu năm rồi, con người đã chết. Có những cái chết xô loài người vào hố sâu của thù hận, nhưng cũng có những chết đến để cứu chuộc, để chắt chiu cho mầm bác ái của nhân loại. Và nếu những cái chết, nếu không đem lại cho chúng ta những bài học nào, một phút suy niệm xa hơn là những thông tin tò mò, những tuyên bố để chứng tỏ mình thông minh, những dối trá né tránh sự thật… thì cái chết dù có nối nhau, sẽ không thể nào mang nổi linh thiêng vào đời. Hay khi tin tức đó đến, chỉ còn có thể biến chúng ta thành bầy kên kên không ký ức, reo hò quanh bàn tiệc của tử thần, với cái chết mới mỗi ngày.

Trên bàn, khi tôi viết xong những dòng này, bỗng rơi ra tờ báo cũ, đăng bản tin trong năm về một ngư dân bị tàu của Trung Quốc đâm chìm, đã thiệt mạng. Có lẽ, vài người nhớ và nhiều người đã quên. Cũng là một người chết nối, hiển linh thiêng nhắc về biển quê hương đầy máu và bị chiếm đoạt, họ đã chết trong số phận nào?

 

Wednesday, July 16, 2014

Vô danh

photo-2

Câu chuyện về đôi song ca Ngọc Lễ - Phương Thảo quay về nước biểu diễn sau 10 năm, là một trong những câu chuyện thú vị của đời sống văn hoá Việt Nam, vốn đang buồn chán lúc này. Bẳng đi một thời gian dài, khán giả đã không nghe thấy gì về họ, không tìm thấy một tác phẩm mới nào. Thậm chí, một trong những người thân thiết của đôi song ca này, nhà thơ Đỗ Trung Quân, mới đây còn xao xuyến viết trên facebook rằng, không biết Ngọc Lễ - Phương Thảo, giờ đã ra sao rồi.

Câu chuyện của 10 năm quay lại của đôi song ca này, hôm nay với 2 đưa con gái nhỏ ngày nào, ẩn chứa thật nhiều điều để nói, mà đáng nói đến nhất, là những ngày tháng họ bất ngờ quyết định biến mình thành vô danh, giữa lúc có được sự thành đạt đỉnh cao trong thế giới sân khấu. Cả hai đã chọn cuộc sống vô danh để dành trọn thời gian cho một đời sống gia đình đúng nghĩa, để không bị chèo kéo của đời sống biểu diễn, của thị trường, khi mà của tên tuổi của họ vốn vẫn còn hấp dẫn khán giả.

Trong ngôi nhà nhỏ của Ngọc Lễ - Phương Thảo ở Mỹ, một trong những bức hình được đặt ở nơi dễ nhìn thấy nhất, tôi thấy cảnh cả gia đình đang cầm micro hát trên sân khấu. Một hơi ấm dịu dàng lan toả từ bức ảnh. Đó cũng là một trong những chương trình cuối cùng mà gia đình Ngọc Lễ - Phương Thảo tham gia, trước khi quyết định rời đi một cách bí ẩn.

“Lễ muốn dành nhiều thời gian cho gia đình hơn, nhìn Na - Nấm cứ bị bỏ ở nhà khi 2 vợ chồng đi diễn, thấy thương quá”, Ngọc Lễ nói. Từ khi có Na, rồi có Nấm (tên gọi ở nhà của hai cô con gái), tay rocker của Saigon đêm nay, Cafe một mình, Vì đâu... đột nhiên đổi thay, trở thành một cây viết nhạc gia đình. Giai điệu nhẹ nhàng, thương mến, khác hẳn với sự mạnh mẽ và dữ dội từng có. Cũng thật khác với những bài hát thiếu nhi thông thường vẫn có, Ngọc Lễ tạo ra một loại âm nhạc sinh hoạt gia đình rất độc đáo, và trở thành người thành công đến mức bất ngờ. Danh sách những bài hát gia đình êm ái này cứ thấm sâu vào lòng khán giả như Ba ngọn nến lung linh, Con heo đất... và dòng chảy nhỏ đó, như một loại phép thuật dân gian, làm trái tim con người mềm lại, yêu dấu hơn, sau khi mỗi sáng đọc đều đặn những bản tin ghê rợn bàng hoàng về tính cách người Việt thế hệ mới. Để có một cuộc sống gia đình thực tế và sống trọn tháng ngày êm ả cho con cái, cả 2 ngôi sao của sân khấu Việt quyết định bỏ lại mọi thứ, âm thầm chọn một nơi rất xa để theo dõi từng ngày học của con mình, từ chối các show diễn bất định, đổi lại bằng những ngày cuối tuần để ra công viên hay thư viện của cả gia đình.

Ngồi với Lễ - Thảo biết bao lần, và lần nào cũng vậy, cứ chốc lát lại thấy hai người thay phiên gọi về “con có cần ba (mẹ) mua gì không?” hoặc là một cuộc gọi không có ý nghĩa gì cả, chỉ để cho vui vì nghe tiếng con mình. Lễ nói những ngày đầu định cư ở Mỹ, các nhà tổ chức vẫn gọi mời đi diễn xa. Thoạt đầu thì cả hai cứ năn nỉ người mời cho cả trẻ em đi cùng vì nhớ con, sau thì thấy phiền mọi người quá, nên cả hai quyết định từ chối hẳn để dành thì giờ rong chơi với Na - Nấm, lúc thì ở biển, lúc thì leo núi. Chẳng ai biết họ là những ngôi sao ca nhạc ở Việt Nam, trừ một ít bạn bè, chung quanh chỉ biết đó là một gia đình luôn có nhau cùng tiếng cười và âm nhạc.

Lúc ở Việt Nam, có lần Ngọc Lễ khoe một bài hát mới, viết về cái bô của con. Ý tưởng thoạt đầu nghe buồn cười, nhưng khi hiểu hết, thì rất cảm động. Đó là lúc Na bị bệnh, cứ nằm suốt không dậy được. Lễ nhìn thấy cái bô mà hàng ngày Na vẫn ngồi đó, lúc mạnh khoẻ nói cười. Bài hát của Lễ ước gì con vẫn ngồi đó với cái bô chứ đừng nằm bệnh như vậy - ba buồn lắm. Ấy vậy mà khi bài hát chỉ mới có bản nháp ra đời, chỉ mới nhìn qua cái tựa đề đã có một nhà báo lén lút, giấu tên, viết bài gọi Ngọc Lễ là “vô văn hoá”, “sống sượng”. Nhiều năm sau khi nhắc lại chuyện này ở Mỹ, Ngọc Lễ và Phương Thảo cùng cười. “”Giờ thì chẳng ai biết mình, muốn viết, muốn hát cái gì trên đất Mỹ này cũng không sao”, Ngọc Lễ lắc đầu cười, nói. Sống trong chế độ kiểm duyệt ngu ngốc và những tay chỉ điểm văn nghệ, cũng là một thứ hành hạ tinh thần khác, mà mà tôi tin Lễ và Thảo cũng thầm ước những đứa con của mình không bao giờ phải đối mặt.

Đây không phải là lầ đầu tiên Ngọc Lễ - Phương Thảo về nước thăm nhà. Hầu như mỗi năm họ vẫn lặng lẽ về, không gặp nhiều người, thậm chí có năm chỉ ở trong nhà chơi với gia đình thôi. “Mình nhớ mẹ mình lắm”, Lễ nói khi nói về chuyến đi của năm nay. Đời sống ngày càng khó khăn, đời sống ngày càng chộn rộn, năm ngoái cả gia đình cũng định về Việt Nam nhưng rồi đành phải dời lại. Năm nay, vô tình báo chí bắt gặp và đẩy thành sự kiện nên Ngọc Lễ - Phương Thảo mới lại có dịp ra mắt mọi người.

10 năm rứt ra khỏi sân khấu là một nỗi tiếc nhớ vô cùng, nhất là khi đã định danh được trong tâm trí khán giả. Không làm gì với sân khấu, nhưng Phương Thảo vẫn theo đuổi khoa thanh nhạc của trường đại học Cypress, Ngọc Lễ thì cùng đi học với vợ nhưng lại học về guitar. Những buổi tối gia đình ngồi và hát với nhau, vẫn làm những người chứng kiến xao xuyến và trân trọng cho sự hy sinh của họ đối với gia đình, con cái. “”Mình không tiếc gì khi Na hay Nấm muốn chơi với âm nhạc”, Lễ tâm sự như vậy.

Có lần ngồi nói chuyện với Ngọc Lễ, Phương Thảo về việc âm nhạc có thể giúp cho người ta giảm nhẹ nỗi đau cô đơn, tôi đọc trong đó, họ đã có một nỗi cô đơn khác khi tạm rời âm nhạc, rời khán giả cho cuộc sống gia đình. Chưa bao giờ buổi nói chuyện nào khi gặp Lễ và Thảo ở Mỹ, trong suốt nhiều năm liền, mà không có âm nhạc trong đó.

Tạo dựng một tên tuổi trong nghệ thuật quả không dễ, nhưng tự biến mình thành vô danh từ ánh hào quang rực rỡ sẳn có, còn khó khăn hơn bao giờ hết. Nếu như đôi nghệ sĩ này không có một tình yêu cho nhau và con cái đến vô bờ bến như vậy, thì hẳn đã khác. Ngọc Lễ - Phương Thảo, những người bạn mà tôi biết là như vậy. Họ là một bài học lớn về tình yêu, về cuộc sống, mà tôi vẫn luôn muốn ghi lại cho mình, và cho nhiều người khác - như một bài học đáng giá - giữa một dòng đời Việt đang ngập ngụa những đường chạy điên cuồng về danh lợi, đến vô vọng.

-----------------------------------

TB: Chỉ mới 2 năm trước đây, tôi cũng viết một bài về Ngọc Lễ - Phương Thảo, với suy nghĩ tương tự, nhưng một nhà biên tập luôn vỗ ngực tự xưng là dân chủ và độc lập, đã im lặng bỏ bài, với một giải thích đơn giản “đôi này không còn ở trong nước, không rõ nhân thân bên Mỹ đang làm gì nên không thể đăng bài”. Tôi cũng không kể cho Lễ & Thảo nghe làm gì. Vì kiểm duyệt vẫn là cơn ác mộng của đời họ (cũng như bao con người sống với văn nghệ bình thường khác). Năm 2001, Lễ từng bị Sở và an ninh văn hoá hành hạ vì bài Sài Gòn Đêm Nay. Trong đó, câu hát “về tình yêu “”Sài Gòn đêm nay, em đi với ai...” bị suy luận là đầy phản động vì ở thành phố mang tên bác, mà sao lại thất vọng và hỏi là em đang đi với ai?".

Monday, July 14, 2014

Bài hát: Cho Thời Gian Đã Mất

Sài Gòn là nơi tôi sinh ra. Cần Thơ là quê mẹ. Miền Nam Việt Nam là thế giới tôi lớn lên. Nhưng chỉ qua 2, 3 thập niên... mọi thứ đã đổi thay. Đổi thay như muốn xua những người từng mang ký ức đẹp nhất ra đi, như mang một sứ mệnh để loan tin về những huyền thoại đã chết.

----------------------------------
Cho thời gian đã mất
Nhạc và lời: Tuấn Khanh

http://soundcloud.com/nhacsituankhanh/cho-thoi-gian-da-mat

Có khi
Tôi
Sẽ không quay trở lại
Saigon
Linh hồn tôi
Đã bay theo quá khứ

Có khi
Tôi
Sẽ không quay trở lại
Ngày thuờng
Lối nhỏ
Mặt người
Đã mờ trong trí nhớ

Phố xá cứ xa xôi
Ký ức cứ xa xôi
Còn lại tôi với tôi
Cao ốc cứ cao hơn
Phận người cứ đau hơn
Saigon cứ lạ hơn

Có khi
Tôi
Sẽ không quay trở lại
Cần Thơ
Nơi tuổi thơ
Rất buồn khi đêm xuống

Có khi
Tôi
Sẽ không quay trở lại
Ngày thuờng
Phố nhỏ
Đời người
Vẫn nghèo như số kiếp

Phố xá cứ xa hơn
Ký ức cứ xa hơn
Còn lại tôi với tôi
Cao ốc cứ cao hơn
Phận người cứ cô đơn
Cần Thơ cứ lạ hơn

Có khi
Tôi
Sẽ không quay trở lại
Đời mình
Linh hồn tôi vẫn mãi
Nhớ thuơng
Quá khứ

Có khi
Tôi
Sẽ không quay trở lại
Ngày thuờng
Nỗi buồn
Nụ cười
Đã mờ trong trí nhớ

Năm tháng cứ trôi qua
Yêu dấu cứ trôi qua
Còn lại tôi với tôi
Ca hát cứ đêm đêm
Cay đắng cứ cao thêm
Người Việt cứ lạ thêm

Ca hát cứ đêm đêm
Cay đắng cứ cao thêm
Người Việt cứ lạ thêm

Có khi
Tôi
Sẽ không quay trở lại
Ngày thuờng

Sunday, July 13, 2014

Người Việt...

Từ một bản tin, đọc mà sửng sốt về thói háo danh của người Việt hôm nay đã lên đến tột đỉnh điên rồ.

Người ta có thể bỏ rất nhiều tiền ra ầm ĩ tô bóng cho khuôn mặt mình, thay vì dùng tiền đó để im lặng giúp đỡ biết bao đồng bào khốn khổ (như trong bức hình minh họa đi kèm), thậm chí một buổi no đủ của họ đã là niềm vui lớn.

Chuyện này chỉ là một trong hàng hàng điều cay đắng mà tôi được nhìn thấy trong lịch sử người Việt hiện đại. Một xu huớng đầy lạ lùng đang xuất hiện mỗi ngày, và ghi chú này đây chỉ đánh dấu việc giọt nước tràn ly. Đừng nói là tôi quá bi quan và đánh giá thấp sự "vĩ đại" của người Việt. Khi tôi viết những dòng này, không phải chúng ta đã ở rất thấp trong mắt nhiều dân tộc khác rồi sao?

Tôi đã từng nhận được những tin nhắn chỉ trích về ý kiến tương tự của mình, từ một bài viết trước, rằng "đâu có ai phải chịu trách nhiệm về người khác" hoặc "không thể vì một điều nhỏ như vậy mà làm lớn chuyện". Thật tiếc vì tôi đã không thể dành hết thì giờ cho những lời phản bác từ những người Việt đầy tự hào và hết sức rạch ròi về các số phận đồng loại. Chỉ đành nhắn qua đây rằng, để tìm hiểu lại, xin chỉ tìm đọc, nhớ những gì mà các môn học Công Dân-Đức Dục từ thời tiểu học mà người Việt đã có, đã học, để thấy chúng ta đang được-mất những gì.

"Để cả thế giới biết mình là ai", hình như đây là kim chỉ nam lý tưởng sống cho một thế hệ, dù phải quên, dù phải vô tâm hay trơ trẽn với phần thế gian còn lại.

Dân tộc Việt của tôi hôm nay. Hào nhoáng và nhộn nhịp đến đáng sợ làm sao!

image



image

Thursday, July 10, 2014

Người Việt không mến yêu

questioneverything

Năm 2011, trong một bài thơ đọc ở buổi tốt nghiệp tại đại học UC Davis, Mỹ, sinh viên Fong Trần đã làm nhiều người xôn xao khi anh mô tả trong đó một chặng đường dài những suy nghĩ về tính cách của cộng đồng Việt Nam. Bài thơ có tên “_Tôi ghét làm người Việt Nam”.

Fong Trần là một nhà thơ trẻ được nhiều người biết đến, và cũng từng được báo Sacramento Bee, California giới thiệu. Phóng viên Thiên An của báo Người Việt ở hải ngoại cũng có viết một bài về sự kiện này. Fong Trần viết trong bài thơ của mình anh phải mất nhiều thời gian lắm để vượt qua nỗi cay đắng tại sao mình lại là người Việt, và rất vất vả mới lấy lại được niềm tin về chủng tộc.

Không phải chỉ riêng Fong Trần, sự chán nản của người Việt với tính cách của người Việt ngay trong nước cũng bộc lộ ngày càng nhiều, qua việc nhìn thấy các câu chuyện trên internet, qua những điều được vẽ nên trên báo chí truyền hình... người Việt giờ đây dường như không còn mến yêu như trong ánh mắt của nhiều người, ngay cả cùng giống nòi.

Một người bạn hay sử dụng internet nói với tôi rằng, chưa bao giờ ông thấy việc nhắc lại, đăng lại, gửi cho nhau... những hình ảnh của Việt Nam xưa nhiều như lúc này. Những bức ảnh ghi lại từng con phố, dáng người, địa danh... kèm theo những câu tấm tắc chứa đầy những điều đáng suy nghĩ “người Việt xưa của mình sao hay quá vậy”. Ẩn trong những câu nói đó, có lẽ là một sự nuối tiếc đăng đẳng. Những cuộc trò chuyện hoài niệm như vậy thường kéo theo những điều so sánh về thế hệ hôm nay, Việt nam hôm nay, với những nhận định muộn phiền và nhiều tranh cãi.

Người Việt hôm nay có lẽ đã ăn ngon, mặc đẹp hơn. Nhưng trái tim giận dữ và khó lường. Trên các trang báo kể lại chuyện một người bị đâm chết chỉ vì dai dẳng đùa với hai chữ “đắng lòng”. Cũng có tin các thanh niên giết nhau chỉ vì bị “nhìn đểu”. Sự phập phồng bất an về tính cách người Việt hiện ra trong các bản tin. Những bài viết ngợi ca con người Việt Nam hiền lành, chất phác, dễ gần... như đang chỉ còn là trong kỷ niệm.

Fong Trần nói trong bài thơ rằng anh chán ghét người Việt khi còn bé, vì người Việt hay nhậu nhẹt, người Việt hay bỏ bê con cái... và anh mất một thời gian dài để tự cứu mình không mất đi ý thức chủng tộc khi tìm ra rằng quá khứ của người Việt rất đẹp, và người Việt vẫn có những điều sâu xa níu giữ anh, trước khi anh quá ngao ngán những biểu hiện hằng ngày trong cộng đồng. Fong Trần nói vì ở quá xa quê hương nên cú sốc đó đã xảy ra trước khi anh tìm về lại được cội nguồn trong tâm thức.

Hoá ra người Việt ở đâu cũng vậy. Nhưng nếu hôm nay Fong Trần đứng trên quê hương của mình, có thể anh sẽ “sốc” trở lại, nhiều hơn nữa. Bên cạnh những thói hư tật xấu nho nhỏ mà nhà văn Vương Trí Nhàn vẫn viết ra từng phần, người Việt hôm nay, dù được ở kề bên cội nguồn của mình cũng vẫn ngày càng lạ hơn, vô tâm hơn, thậm chí là đáng ghê sợ hơn.

Sách xưa Quốc văn giáo khoa thư có dạy rằng đi ngang đám tang nhớ nhường đường và cúi chào người đã khuất. Lúc còn bé, tôi vẫn nhớ những khi mẹ tôi giằng tay tôi lại khi đi đường và nhắc nhường lối cho một đám tang. Tôi mang sự tử tế nhỏ bé đó, được khắc ghi từ thế hệ trước vào lòng mình và sửng sốt ở ngày nhìn thấy đám thanh niên đi trên xe hơi, bóp kèn đi qua một đám tang, thậm chí có người còn thò đầu ra văng tục. Tôi và những thanh niên đó chắc ít khi nào viết sai chính tả, thậm chí tiện nghi và hưởng thụ hơn thế hệ trước biết bao lần. Chính bản thân tôi cũng đã phải ngẫm nghĩ nhiều về chuyện thân phận người Việt của mình. Mẹ tôi, một người phụ nữ Sài Gòn viết đầy những lỗi chính tả và ít hiểu biết về loài người, nhưng phải chăng bà đã có một đời sống đáng tự hào hơn trong một thế hệ Việt Nam bị phai nhạt, so với tôi bây giờ?

Nhiều lần, trên mạng internet, tôi đọc thấy những câu chuyện mà mọi người kể cho nhau nghe về sự tử tế của cảnh sát, của chính quyền hay con người từ quốc gia nào đó. Những câu chuyện mang tính so sánh với hiện thực Việt Nam kèm với những lời mỉa mai đủ để thức và trằn trọc vì sao dân tộc, tổ quốc mình với 39 năm thống nhất trong hành trình Cộng sản, luôn vỗ ngực tự xưng là “ưu việt”, lại đến nông nổi này.

Đúng là con người Việt Nam đang đổi thay, từ quần chúng ngu ngơ cho đến những người đại diện chính quyền. Thậm chí, trong rất nhiều sự kiện, công an, dân phòng, nhân viên hành chánh công quyền… đang đại diện cho một sự hỗn loạn của đất nước này. Cả thế giới đang nhìn thấy người Việt đang biến đổi dị hình qua nhiều năm tháng được giáo dục với tinh thần cộng sản chủ nghĩa. Dân Việt bị cảnh báo như kẻ xấu ở nhiều nước. Người Nhật nhìn các quan chức Việt Nam như “giòi bọ”, Charlie Pryor, một nhà sản xuất truyền thông kiêm nhà văn, viết trên trang blog của mình rằng cảnh sát giao thông là những cướp đường mạt hạng…

Cũng trên các trang báo, tôi nhìn thấy câu chuyện ở Phú Yên, với 4 công an viên đánh đập đến chết một người vô tội, mà các trang báo ghi lại rằng họ bất chấp lời van xin của nạn nhân. Lòng tôi quặn thắt khi nhìn thấy đứa con gái nhỏ hôn lên di ảnh của ba mình. Trái tim Việt Nam hồn nhiên đã rạn nứt ngay từ khi thơ dại. Cũng trên các trang báo, tôi nhìn thấy ở Gia Lai hình ảnh một người phụ nữ uất ức quỳ lạy xin hai chữ công tâm trước cửa toà án, cho một vụ án oan. Dáng người phụ nữ đó không khác gì một người mẹ của tôi, hay của bạn vậy. Những nhân viên nhà nước đó đã được giáo dục điều gì, đã thụ hưởng những gì khi tự mình cào xé hai chữ đồng bào ra khỏi tim mình và tự biến mình thành dã thú trước đồng loại?

Những chuyện như vậy dường như qua nhanh trong tâm trí người Việt, không gây được được quan tâm bằng chuyện một nữ diễn viên bước ra đường quên mặc áo lót. Người Việt còn nghĩ đến nhau trong tình đồng bào nữa không? Những thương tâm đó đã không còn chấn động lòng người nữa rồi? Nhất là ở những người có chức phận? Hay đã có một âm mưu tiêu diệt tình đồng bào nào đó, được dựng nên từ trong bóng tối, để hôm nay, người Việt không còn mến yêu. Người Việt hút máu nhau trên các ngã tư đường, người Việt được vỗ béo và được huấn luyện giỏi, để nhe nanh cắn đồng bào của mình, khi họ xuống đường chống ngoại xâm?

Tôi đọc đâu đó, người ta tạm lý giải rằng người Việt hôm nay giận dữ vì sự phân hoá giàu nghèo đã quá lớn, hoặc đã điên cuồng vì duy vật chất. Đời sống xa hoa của một lớp người bày ra trước mắt đám đông nghẹn ngào từng bữa khó khăn đang là bóng đen tiềm ẩn, xô con người vào những hỗn loạn không thể kiềm chế. Nhưng có phải vậy không? Lịch sử người Việt đã trải qua bao khốn khó, kể cả chiến tranh, hận thù... nhưng có là lạ lùng như hôm nay?

Câu hỏi này tự tôi không thể đủ sức trả lời. Tôi chỉ muốn sẻ chia một suy nghĩ, về nước Việt và người Việt tôi mến yêu trong kiếp sống không có quyền chọn lựa. Tôi muốn nhìn thấy, muốn được ôm chặt những gì mình đã biết và thương nhớ, nhưng mọi thứ đang dường như sụp đổ quanh tôi chầm chậm, rõ ràng. Và tôi cũng muốn hỏi bạn rằng, liệu có phải người Việt hôm nay, vì lẽ gì, đã không còn đủ phẩm chất để còn được mến yêu?

 

-----------------------------------

Tham khảo thêm

1.   http://tin8.vn/bai-viet/blogger-my-toi-ghet-csgt-viet-nam-4455

2.   http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:knc4I7pSX5QJ:www.conongviet.com/ChinhTri/web271208-chua%2520bao%2520gio%2520nguoi%2520viet%2520nam%2520mang%2520nhuc%2520voi%2520the%2520gioi%2520nhu%2520bay%2520gio.htm+&cd=1&hl=en&ct=clnk&gl=vn&client=firefox-a

3.   http://vietnamtourism.com.vn/news/vn/detail/112/23176/

 

Saturday, July 5, 2014

Ghi chép về một tấm hình

image



image



Nhanh quá, vậy mà đã mấy năm kể từ ngày cô Ngọc Minh, mẹ của Đỗ Thị Minh Hạnh, gặp mình lần đầu, để nói về Hạnh.

Đó là một người mẹ nhỏ nhắn nhưng gương mặt thì đầy sự mạnh mẽ và tự tin, mặt dù trong câu chuyện, đôi lúc giọng của bà nghẹn lại, nước mắt rơi dài bất chợt. Mình nắm tay cô Minh và nói rằng tất cả chúng ta sẽ cùng làm mọi thứ có thể, và mong ước Hạnh sớm trở về.

Cô Minh chùi nước mắt, nét mặt vui lắm, nói sẽ khoe với Hạnh bức ảnh chụp chung này, khi nào có dịp. "Chừng Hạnh về, mình cũng chụp chung như vầy với Hạnh để làm kỷ niệm nghe", cô Minh nói.

Và rồi, sau đó chỉ còn gặp cô trên điện thoại. Cô Minh đã âm thầm đi Châu Âu và nhiều nước khác để làm nên câu chuyện kỳ diệu về một người mẹ đi tìm công lý cho con mình. Câu chuyện sau này có một kết cục đẹp như cổ tích.

Cuối năm 2012, khi đi gặp nữ nhạc sĩ Nguyệt Ánh ở Washington D.C, được chị đưa đi gặp nghị sĩ Frank Wolf, ngay lúc ông hỏi về chuyện Việt Nam, mình đề nghị ông hãy lưu tâm đến trường hợp Đỗ Thị Minh Hạnh. Thật bất ngờ khi nghe ông ta nói là ông đã biết và đang quan tâm sự kiện này. Sau đó, mình tập hợp thêm tin tức cập nhật về Hạnh và gửi đến văn phòng của ông, lòng đầy hy vọng, dù mơ hồ.

Vài tuần trước khi Hạnh được về nhà, khi tham dự dạ tiệc ở Sài Gòn, do Lãnh Sự Quán Anh tổ chức, thật thú vị khi được một nhân viên tòa lãnh sự đến nói chuyện,  cho biết "rất chia sẻ quan điểm của anh về Hạnh". Quả là ngạc nhiên. Mình đã hỏi là vì sao lại biết, vì mình đã bao giờ tuyên bố hay viết một bài bày tỏ nào đâu? Rốt cuộc thì chính cái ảnh chụp chung với cô Minh đã làm một ít người chú ý. Trong đó, mình có ghi chú về Hạnh rằng "với tôi, em là người vô tội".

Và rồi bất ngờ có tin Hạnh về. Mình nghĩ là cô Minh và Trầm, chị của Hạnh đã khóc rất nhiều khi nghe tin này. Trớ trêu là khi gặp được Hạnh bằng xương bằng thịt, lại là lúc mình đi thắp nhang cho anh Huỳnh Anh Trí, một tù nhân lương tâm vừa mất.

Hạnh chụp chung một tấm ảnh với mình làm kỷ niệm. Cũng lạ, cuộc đời thật lại đầy những trớ trêu vì tấm ảnh giờ đây cũng lại thiếu một người. Cô Minh đang ở rất xa quê nhà để có thể nắm tay với Hạnh và mình, như đã tưởng tượng.

Ước mơ giống như một món quà xa xỉ mà Thuợng Đế chưa muốn tặng ngay một lần, để con người không bao giờ được dừng lại. Chăc sẽ còn lâu nữa, mình và cô Minh, và Hạnh mới lại có cơ hội đứng cùng nhau trong một tấm hình, và cùng mỉm cười mãn nguyện, ngay trên quê huơng mình.

Thôi thì chờ vậy. Thêm một điều chờ đợi nữa để mình được tiếp tục day dứt trong một kiếp sống của người Việt, trên đất Việt - có sao đâu? Khi nghĩ đến điều này, mình đã quay sang Hạnh và cười. Thật dài dòng để nói một suy nghĩ nào đó.

Mình sẽ giữ 2 tấm ảnh này trên blog để chờ ngày sẽ đến của tấm hình còn lại. Nằm yên ở đây nhé, một câu chuyện Việt Nam.

Mơ một tiếng đàn

image



05/07, Kỷ niệm ngày tặng món quà nhỏ cho ông cụ Tạ Trí Hải, để ông cụ có người bạn tâm tình, qua ngày tháng cô đơn, vì lỡ mang cái tình yêu nước.

Trước đó 2 tuần, ngồi nghe cụ kể chuyện, nửa chừng thì cụ mang đàn violon ra chơi một bản. Tiếng đàn nghe sao khô khốc, bow thì sột soạt như rơm cạ vào nhau.

Hỏi ra mới biết, khi ra Hà Nội, lừa lúc bác ngồi xem đội No-U đá bóng, mấy tay an ninh chìm rất trẻ, cố ý đạp nhiều lần vào đàn, vào bow, khiến cần gãy, đàn nứt. Bác Hải làm gì có tiền để mua được đàn mới, nên chỉ nhờ người quen giúp đắp vá tạm. Đàn mang hình S sứt sẹo, âm thanh chỉ còn là tiếng kêu thảng thốt, nghèn nghẹn. 

Vào Saigon, nhiều lần ra công viên trước dinh Độc Lập kéo đàn và nói chuyện nhân quyền với giới trẻ, bác bị xô đẩy, bị giật đàn... người bạn violon của bác Hải chỉ còn lại một hình hài yếu ớt. Âm thanh tự do đã bị bóp chết dần. Bác chỉ mong ngày nào đó có được một cây đàn mới. Người nghệ sĩ đường phố chỉ một giấc mơ đơn giản hiền lành vậy thôi.

Ngừng đàn, bác Hải hấp háy mắt, vuốt nhẹ qua mặt đàn với những vết xước "đôi lúc bác không biết phải nghĩ thế nào, mai đây". Chủ nhật trước đó, sợ bác đi biểu tình chống Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 trên biển Việt Nam, gần chục an ninh chìm chận bác trước cửa chung cư. Đến phút cuối thì không còn đủ kiên nhẫn, đứa hét lớn, đứa thì xốc nách xô vào nhà, đứa thì giằng đàn ra khỏi tay bác để nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ.

Nửa tháng sau, cuối cùng thì cũng tìm được cho bác một người bạn mới, vừa ý. Mang đàn đến tặng bác vào một buổi chiều. Giọng bác run run, nhìn vào cây đàn violon, thì thầm "vậy là tốt quá rồi".

Cuộc sống trên đất nước này, khi đã có quá nhiều người mơ về quyền lực, mơ vơ vét của cải, mơ một đẳng cấp đứng trên đồng loại của mình... thì ước mơ một tiếng đàn cho đời, có lẽ là điều ước thánh thiện nhất còn sót lại trên thế gian này để chúng ta chiêm ngưỡng. Nâng bow lên đi bác, đừng thèm nghĩ ngợi gì, vì ngay cả khi chúng ta đã chết đi, thì tự do cũng sẽ không bao giờ ngưng cất tiếng.

Wednesday, July 2, 2014

Xin lỗi "thuyền trưởng"!

det-66f87

Cuối tháng 6/2014, sự kiện một bài toán khó hiểu liên quan đến “cừu và thuyền trưởng” được bàn tán xôn xao khắp ở trên các trang mạng xã hội cũng như ở các quán cà phê. Bài toán như một nút thắt kịch tính cho vở kịch xã hội, và sau đó kết thúc với những suy gẫm khác nhau về xã hội Việt Nam.

Bài toán như sau "Trên tàu có 45 con cừu, 5 con bị rơi xuống nước. Hỏi ông thuyền trưởng bao nhiêu tuổi?". Rất nhiều tranh cãi diễn ra quanh bài toán này, bao gồm lời cười cợt, mỉa mai hoặc một ít suy nghĩ cho một cái gì đó bất thường. Chỉ sau vài ngày, khi câu chuyện bài toán “cừu và thuyền trưởng” này gây nên cơn sốt, tác giả của bài toán là giáo sư Phạm Đình Thực - nguyên Trưởng Bộ môn phương pháp dạy Toán Tiểu học của Trường ĐH Sài Gòn đã cho biết đó là một trong những bài toán cố ý nhằm tạo nên tính phản biện của học sinh, tránh cách học máy móc và lối mòn.

Khác với giai đoạn bùng nổ cười cợt, miệt thị vì đề toán này, hầu như sự yên lặng và quên lãng với câu chuyện đến rất nhanh. Tôi cũng là một trong những người bật cười trước đề bài, của ai đó đưa lên mạng, nhưng giờ này, khi tìm xem lại thì rất ít có phản hồi vể chuyện này, thậm chí là một lời tâm tình xin lỗi tác giả, khi biết được sự thật chỉ được giới thiệu một phân nửa.

Câu chuyện đơn giản này đang phác họa một xã hội Việt Nam rõ nét trong thời kỳ hiện đại: Con người đang dễ dàng chỉ trích, hạ thấp một ai đó, nhưng khi tìm ra điều đó là một sai lầm trong phản biện của mình thì né tránh đi qua. Con người đang hời hợt trong cuộc sống, nhanh nhạy tham gia những phong trào miệt thị đồng loại để chứng minh mình có lẽ phải, nhưng rồi quay mặt rất nhanh khi nhận ra là mình đã bước hụt chân.

Có phải con người Việt Nam hôm nay đã ích kỷ hơn, đã thiếu đi sự tử tế, chân thành khi không biết cất lên lời xin lỗi cho những gì mình gây ra? Trong vô số những lời miệt thị công việc lặng lẽ của vị giáo sư, sau đó, khi mọi chuyện được lý giải, hầu như tôi không tìm thấy một sự ân hận nào. Dĩ nhiên, trong muôn vàn cách nói, có thể lý giải rằng do việc bài toán “cừu và thuyền trưởng” đã được đưa ra thiếu một nửa sự thật ở phía sau khiến gây hiểu lầm, nhưng rõ ràng là có một sự thật hoàn hảo là đám đông chúng ta đã không buồn cất công tìm hiểu, và cũng rất sợ trễ chuyến tàu xu thời, nên vội góp ngay một bình luận cay độc, trước khi nhận biết đủ.

Tác giả bài toán đó lẽ ra phải được nhận một lời xin lỗi, vì giữa một xã hội lâu nay chỉ nhìn thấy vô số những sai lầm của sách giáo khoa, của phát ngôn từ ngành giáo dục… Con người Việt Nam có thể đã chai lì và quá ngán ngẫm trước hiện thực của đời mình, con cháu mình, thì chuyện giữa mênh mông hiện tại những điều đáng vứt đi, việc tìm thấy một tư duy tốt đẹp cho con người như vậy, dù nhỏ bé, điều đó cũng xứng đáng được cúi đầu kính trọng.

Cũng lâu lắm rồi, trên báo chí, truyền hình… người ta ngày càng thấy người Việt Nam đang biến dạng theo một hình mẫu nào đó thật đáng sợ. Người Việt tranh ăn giữa sảnh thượng lưu, cướp giật giữa phố khi gặp cảnh đánh rơi. Người Việt duy vật đến mức điên cuồng, khoe của và tự phân hóa nhau bằng vật chất. Thậm chí đền đài, thờ phượng cũng tràn ngập tiền bạc và mua vui. Giữa biển cả điên cuồng đó, bài toán lặng lẽ giải ước mơ, cho trẻ con có tính phản biện và logic của cuộc sống, quả là một món quà ẩn giấu kỳ diệu, khó tin trong một thời đại đầy công thức và chỉ biết lo bảo toàn bản thân.

Tôi muốn gửi đến giáo sư Phạm Đình Thực một lời xin lỗi. Vì tôi cũng đã cười khi nhìn bài toán đó, đã vô tâm không đi tìm lý do vì sao nó lại được in ra. Dĩ nhiên, tôi cũng giống như rất nhiều người đã mệt mỏi và ngao ngán trước nền giáo dục Việt Nam bấy lâu nay, nhưng đó không thể là lý do nếu tôi đánh đồng sai lầm với sự tận tụy – dù nhỏ bé – của một nhà giáo có lương tâm.

Đất nước đã ngàn năm tuổi, vì vậy người Việt cũng cần lớn lên để thoát khỏi trạng thái kỷ trẻ con, có thể vì một vấn nạn giáo dục nào đó đã hằn vào não nhiều thế hệ trên đất nước này, khiến đang ngày càng bùng lên như một khối u đau nhức. Lời xin lỗi trong suy nghĩ của người Việt cần phải được dựng lại từ hôm nay, vì xin lỗi một bài toán nhỏ có thể là khởi đầu cho những phục hưng lớn lao hơn. Để một lúc nào đó, chúng ta có thể mạnh dạn xin lỗi lịch sử, xin lỗi hiện tại và xin lỗi lẫn nhau. Để xin lỗi đất nước này vì chúng ta đã vui cười, tận hưởng trong vô tâm và không hề biết xấu hổ trước tiền nhân và đồng bào.

20140630091922-toan2_301014908

bai-giai-66f87