Monday, January 31, 2022

Lời nguyện cầu cho xuân 2022

Một năm nữa đã qua đi. Thời gian đã lấy đi không biết bao nhiều điều quý giá, cũng giúp xóa mờ những dị thường trong đời mỗi người. Có rất nhiều người quen biết với tôi trên trang facebook này đã để lại những khoảng trống vĩnh viễn bởi bệnh tật, vì đại dịch trong hai năm qua. Lời chào nhau cũng thưa vắng, vì nhìn quanh đã trống những chỗ ngồi.

Một năm mới đến, mong không lại phải ghi chép về cuộc đời và thế giới của người Việt vẫn tràn ngập những khốn khó, cam chịu, thù ghét và hỗn loạn.
Năm mới đến, để ngỏ cuộc đời chúng ta với ngày tháng rồi cũng sẽ cạn dần, nhưng không ít người nhìn viễn cảnh đất nước mình trong tâm trạng của bậc tiền nhân như Tản Đà, Phạm Quỳnh... Dù đã hơn trăm năm mà bình an vẫn còn rất cạn.
Thôi thì hãy gọi đó là số phận Việt Nam. Và lại gửi hy vọng cho những tháng ngày về sau, để mong quá khứ cay đắng được có lúc ngọt ngào nhìn về, từ tương lai mới.
Xin hãy dành những giờ phút thiêng liêng nhất để gửi một lời nguyện cầu cho những người khốn cùng, những oan khiên, những người đang chịu tù đày, ngay khi họ đang còn tồn tại cùng chúng ta... và cho cả những kẻ ác có được phút may mắn nào đó được làm người trong trái tim họ.
Xuân, trong niềm vui bao giờ cũng xen lẫn những ngậm ngùi.



Friday, January 28, 2022

Keanu Reeves bị giới "cực đoan đỏ" ở Trung Quốc đấu tố

 


Tin đang lan khắp các trang mạng của Trung Quốc, cũng như nhiều tờ báo của nhà nước, cho hay những người theo chủ nghĩa dân tộc quá khích Trung Quốc – thành phần bị gọi là “cực đoan đỏ” - đang kêu gọi tẩy chay phim The Matrix Resurrections, sau khi Keanu Reeves xác nhận sẽ tham gia buổi hòa nhạc gây quỹ từ thiện có liên quan đến Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng bị chính phủ Trung Quốc coi là một kẻ ly khai nguy hiểm, luôn bị truyền thông của Bắc Kinh bôi nhọ, can thiệp ngoại giao, thậm chí là tổ chức ám sát.

Lời kêu gọi chống Keanu Reeves và bộ phim do anh thủ vai đã bùng nổ ra vào cuối tuần qua - khoảng một tuần sau khi phiên bản phim Matrix mới nhất ra rạp Trung Quốc - khi có tin tức rằng Reeves sẽ là một trong những nghệ sĩ có mặt và trình diễn tại 2022 Tibet House US Benefit Concert, dự kiến ​​diễn ra vào ngày 3 Tháng Ba.

Được tổ chức hàng năm nhân dịp Tết Tây Tạng, chương trình hòa nhạc gây quỹ này được tổ chức bởi Tibet House US (THUS), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại New York được thành lập theo yêu cầu của Đức Đạt Lai Lạt Ma vào năm 1987 nhằm bảo tồn văn hóa Tây Tạng. Trên trang web chính thức của mình, sự kiện này được THUS giới thiệu như là một cách để gìn giữ phong tục truyền thống Lễ hội Cầu nguyện Monlam, kéo dài từ ngày thứ tư đến ngày thứ mười một của tháng đầu tiên theo lịch Tây Tạng. Lễ hội này đã bị Cộng sản Trung Quốc nghiêm cấm kể từ năm 1959.

Để tôn vinh truyền thống này, được coi là điều quan trọng đối với cộng đồng người Tây Tạng lưu vong trên toàn thế giới, THUS đã bắt đầu tạo ra buổi hòa nhạc gây quỹ từ năm 1993. Trong suốt lịch sử của mình, sự kiện này đã có một danh sách nghệ sĩ nổi tiếng tham dự ủng hộ, bao gồm cả David Bowie và Iggy Pop, và điều mà Bắc Kinh căm ghét nhất, là chương trình này nhận được dự bảo trợ từ các nhà hoạt động tôn giáo, xã hội và nhân quyền nổi tiếng, bao gồm cả Đức Đạt Lai Lạt Ma. Để chuẩn bị cho lễ hội này, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã có thông điệp video cá nhân phát đi vào đầu buổi hòa nhạc năm ngoái. Ngoài sự tham gia của Keanu Reeves, danh sách tham gia chương trình thứ 35 THUS còn có Patti Smith, Laurie Anderson và những người khác, do người phụ trách kiêm giám đốc nghệ thuật Philip Glass lựa chọn.

Mặc dù các chi tiết cụ thể về màn trình diễn của Reeves chưa được tiết lộ và không rõ liệu Đức Đạt Lai Lạt Ma có đủ sức khỏe để xuất hiện trong buổi hòa nhạc năm nay hay không, nhưng tin tức đã gây ra phản ứng giận dữ từ giới “cực đoan đỏ” trên các trang mạng Trung Quốc. Đám đông kích động này tin rằng sự tham gia của nam diễn viên trong sự kiện là một dấu hiệu ủng hộ nền độc lập của Tây Tạng và sự ngưỡng mộ đối với Đạt Lai Lạt Ma.

“Tôi từng là một fan hâm mộ của Reeves không chỉ vì anh ấy là một diễn viên tuyệt vời mà còn vì anh ấy có mang dòng máu Trung Quốc trong người. Nhưng rõ ràng là chúng tôi có những quan điểm khác nhau về các vấn đề Tây Tạng và tôi không có lý do gì để ngừng thích anh ấy vì điều đó, ”một người dùng mạng xã hội Weibo (bằng tiếng Trung) hiếm hoi ủng hộ Keanu Reeves viết.

Theo thói quen của các cuộc tấn công kiểu cộng sản trên các hệ thống trực tuyến, giới “cực đoan đỏ” bắt đầu sục tìm quá khứ, chi tiết đời sống và bịa đặt để mạ lỵ Keanu Reeves. Thậm chí tín ngưỡng cá nhân cũng bị kéo ra để chửi bới. Nhưng cũng từ những liệu này, chẳng hạn qua bài phỏng vấn trên tờ Rolling Stones đã chỉ ra, người ta thấy rõ nam diễn viên này “có truyền thống lâu đời gắn bó với tâm linh và triết học”. Trong Little Buddha, một bộ phim truyền hình năm 1993 kể về câu chuyện của một nhóm các nhà sư Tây Tạng đang tìm kiếm sự tái sinh của vị thầy Phật giáo của họ, Reeves đã vào vai Thái tử Siddhartha, Đức Phật trước khi giác ngộ. Giới “cực đoan đỏ” lôi các sự kiện liên quan về giai đoạn này như một chứng cứ - mặc dù bản thân bộ phim là phi chính trị - nhưng chi tiết Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tham dự buổi ra mắt của nó tại Paris, nơi ông được cho là đã nắm tay đạo diễn trong suốt bộ phim và tuyên bố rằng nó “tuyệt vời”, đã  trở thành đề tài chỉ trích Keanu Reeves và Đức Đạt Lai Lạt Ma không ngớt.

Phải đào thoát khỏi quê hương của mình, lưu vong ở Ấn Độ sau cuộc nổi dậy thất bại chống lại sự cai trị của Bắc Kinh vào năm 1959, Đạt Lai Lạt Ma - người đoạt giải Nobel hòa bình - từ lâu đã bị các quan chức Trung Quốc coi là một người theo chủ nghĩa độc tôn, người mà họ cho rằng đang âm mưu phá hủy chủ quyền của đất nước bằng cách thúc đẩy độc lập của Tây Tạng. Trong những năm qua, Bắc Kinh đã công khai một danh sách dài trừng phạt những người nổi tiếng và chính trị gia phương Tây, bao gồm cả cựu Thủ tướng Vương quốc Anh David Cameron và ca sĩ Iceland Bjork, vì mối quan hệ của họ với Đạt Lai Lạt Ma và vì sự ủng hộ đối với quyền tự trị và tự do tôn giáo của người Tây Tạng.

Sự phẫn nộ của thành phần “yêu nước” Trung Hoa đang ngày càng tăng đối với Reeves trên mạng xã hội Trung Quốc có thể làm tổn hại thêm đến thu nhập phòng vé của The Matrix Resurrections, bộ phim đã được quảng cáo rầm rộ ở Trung Quốc khi công chiếu, nhưng hiện mới chỉ thu về 7,5 triệu USD. Trên mạng, một số tay hacker Trung Quốc còn hăm dọa là tin tức “đáng thất vọng” về Reeves khiến họ muốn ăn cắp bản quyền bộ phim thay vì xem tại rạp.

The Matrix Resurrections không phải là bộ phim phương Tây đầu tiên đối mặt với sự phẫn nộ của chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Trung Quốc do những tranh cãi chính trị xung quanh đạo diễn hay diễn viên của nó. Ví dụ, Nomadland, một bộ phim phi chính trị ở Mỹ năm 2020 đã đưa đạo diễn gốc Bắc Kinh Chloé Zhao (赵 婷 Zhào Tíng) trở thành người phụ nữ gốc Á đầu tiên giành giải Quả cầu vàng cho Đạo diễn xuất sắc nhất, đã không thể ra rạp ở Trung Quốc sau khi Người dùng internet đã tìm thấy một cuộc phỏng vấn cũ nhiều năm trước của bà, trong đó Zhao mô tả Trung Quốc là “một nơi mà sự dối trá ở khắp mọi nơi”. Phát hiện này đã dẫn đến phản ứng dữ dội của chủ nghĩa dân tộc và sự kiểm duyệt đối với nhà làm phim và bộ phim đoạt giải của cô trên mạng xã hội Trung Quốc.

Các nhà bình luận điện ảnh nói cuộc tranh cãi xung quanh Reeves đã bắt đầu thu hút sự chú ý từ các trang tin lớn như Huanqiu.com (bằng tiếng Trung), ấn bản trực tuyến của tờ Thời báo Dân tộc chủ nghĩa quá khích, thì có khả năng phản ứng đấu tố sẽ chỉ ngày càng dữ dội và độc hại hơn. Nhưng có người nói vẫn có chỗ để chuộc lỗi, nếu Reeves đi theo cách của những ngôi sao đã làm: Năm ngoái, John Cena đã chứng minh rằng một lời xin lỗi và tuyên bố tình yêu dành cho Trung Quốc có thể đủ để khiến những tranh cãi như vậy tạm dừng. Năm 2014, nghệ sĩ saxophone Kenny G cũng đã phải lên tiếng và hủy bỏ những nhận xét mang tính ủng hộ phong trào tranh đấu Dù Vàng ở Hồng Kông để có thể được tiếp tục vào biểu diễn ở đại lục.

 

G
M
T
Y
Text-to-speech function is limited to 200 characters

Monday, January 24, 2022

Ba điều đồn đãi về Thiền sư Thích Nhất Hạnh phải kiểm chứng bằng sự thật lịch sử

 


Vào ngày thiền sư Nhất Hạnh qua đời, đã có nhiều cuộc tranh cãi về cuộc đời và hoạt động của ông ở các cộng đồng người Việt trong và ngoài nước. Vốn là một người chủ trương hòa bình và có những ngôn luận chống chiến tranh với cả hai chế độ Việt Nam Cộng Hòa (miền Nam) và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (miền Bắc), và như hãng tin AP đưa tin, có bình luận rằng, dù chủ trương kêu gọi các giải pháp hòa giải, ông vẫn phải trả giá cho quan điểm riêng của mình.

Sau năm 1975, khi miền Nam sụp đổ, thì sự oán hận của những người đứng về phía miền Nam VNCH vẫn kéo dài suốt nhiều thập niên. Nhiều nhân vật được cho làm lợi cho cộng sản hay đứng về phía cộng sản vẫn bị đưa ra làm đề tài để chỉ trích. Mặc dù không chọn phe, nhưng thiền sư Thích Nhất Hạnh vẫn bị coi là “đi đêm” với cộng sản, tương tự như hòa thượng Thích Trí Quang – mặc dù sau khi thống nhất địa lý đất nước, nhà nước Cộng sản vẫn có những đối xử phân biệt khắc nghiệt với cả hai vị này.

Lịch sử hiện đại Việt Nam, đặc biệt qua hai nền Cộng Hòa, và cuộc chiến tranh Nam-Bắc, chồng chéo muôn điều phức tạp. Để nhận định đủ và đúng, cần phải có đủ tư liệu và thời gian để quan sát. Tuy vậy, từ khoảng cuối thế kỷ 20 cho đến nay, những nhận định cá nhân và quan điểm phù hợp với sự tức giận của đám đông đã chiếm ưu thế, bất chấp các chi tiết không đúng, thậm chí là tin giả. Dưới đây là 3 lời đồn đãi tiêu biểu.

 

1. Thiền sư Thích Nhất Hạnh ủng hộ cộng sản, và “đi đêm” với cộng sản

Dĩ nhiên, trong cách nhìn của đám đông ủng hộ chính quyền VNCH, thì bất luận sự phản ứng nào chống lại, hoặc khác biệt quan điểm đều dễ dàng bị coi là “việt cộng”. Ngay sau sự ra đi của ông Thích Nhất Hạnh, đã có một bài viết trên facebook của một vị linh mục hiện sống tại Mỹ chỉ trích rất nặng lời. Bài đăng này nhận được nhiều sự ủng hộ của giới chống cộng và tín hữu công giáo. Tuy nhiên quan điểm chính của bài viết này nhận định ông Thích Nhất Hạnh là “tay sai của cộng sản” hay “đi đêm với cộng sản” từ những năm 60, là hoàn toàn phi lý, vì đó là một nhận định không có căn nguyên.

Để chứng minh điều này rất rõ, nhiều ngôn luận và nhận định của ông Thích Nhất Hạnh về việc bất đồng với chế độ cộng sản có thể tìm thấy dễ dàng bằng một cú click trên Google. Cụ thể, chẳng hạn trên The Newyork Review, bài đăng vào năm 1966, đã trích lời khẳng định của ông Thích Nhất Hạnh về cộng sản, qua bản dịch của giáo sư Hoàng Ngọc Tuấn (Úc) như sau: “Chúng tôi biết rất rõ về những sự cấm đoán đối với Phật giáo ở miền Bắc. Chúng tôi đã nghiên cứu những gì đã xảy ra ở Trung Quốc. Chúng tôi biết rằng tôn giáo không thể tồn tại trong chủ nghĩa Marx”. ("We are very well aware of the restrictions on Buddhism in the North. We have studied what has happened in China. We know there is no place for spirituality in Marxism”).

Nhiều người vẫn nói là trong khi vị thiền sư lên tiếng với báo chí về sự chỉ trích Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam, nhưng lại không lên tiếng nói gì với chính quyền Hà Nội. Tuy nhiên điều này không đúng, trong các lần trở về Việt Nam, ông Thích Nhất Hạnh đã nói trực tiếp và thậm chí vận động chính quyền Hà Nội về những cải cách chính trị, thả tù nhân lương tâm hay tự do tôn giáo. Những chi tiết này được ghi trong tập 1, bộ Wikileaks do báo người Việt ở Mỹ phát hành. Có thể xem thêm bài viết của nhà báo Vũ Quí Hạo Nhiên, viết cho người Việt, hoặc trên trang BBC.

Việc chọn lựa quan điểm thể hiện nhiều tính chất chính trị hơn trong trong thời cuộc là lựa chọn của ông Thích Nhất Hạnh, và sẽ nhiều năm nữa với những tư liệu đầy đủ hơn được tiết lộ thì có lẽ cái nhìn về ông sẽ rõ ràng hơn, định danh đúng hơn. Nhưng ở lúc này, để xác định ông là “tay sai cộng sản” hay “đi đêm với cộng sản”, hoàn toàn là võ đoán và vô căn cứ. Việc ghét bỏ dựa trên cách ông chống chính quyền Mỹ, vẫn được xem là khuynh hướng chung của những người theo chủ nghĩa dân tộc như hai anh em tổng thống Ngô Đình Diệm chẳng hạn.

 

2. Có vợ con nhưng che giấu

Sự kiện vô căn cứ này được rộ lên sau khi thiền sư ra đi. Ai đó đã tung một bức ảnh mơ hồ có ông vài một vài phụ nữ, trẻ em, và nhất định xác quyết đó là gia đình ông. Trong số những người đưa và tung những tin giả này, có cả một nhân vật từng làm trong bộ nội vụ của tổng thống Ngô Đình Diệm.

Tuy nhiên, rất nhanh là những ngôn luận này bị vạch mặt, bởi đó là bức ảnh của gia đình họa sĩ Võ Đình đi thăm ông Thích Nhất Hạnh và chụp làm kỷ niệm. Chính phu nhân của họa sĩ Võ Đình đã công khai tố cáo rằng bọn lưu manh đã nhặt, cắt xén và ghép thêm hình vào tấm ảnh gia đình do chính họa sĩ Võ Đình chụp thầy Nhất Hạnh và các con của họa sĩ Võ Đình. Tiếc thay tiếng nói thật vẫn đang chìm đắm trong sự loạn lạc của dòng tin thất thiệt.

 

3. Về tuyên bố Mỹ bỏ bom chết 300.000 dân Bến Tre

Đây là một trong những ngôn luận chính, dẫn theo vô số những lời chỉ trích và khẳng định ông Thích Nhất Hạnh là “việt cộng”. Theo những lời kể lan khắp các tranh mạng thì ông Thích Nhất Hạnh đã “bịa đặt chuyện Mỹ bỏ bom và giết 300.000 dân” để kêu gọi thế giới chống chiến tranh Nam-Bắc.

Thế nhưng câu chuyện lại hoàn toàn khác.

Nguyên văn của câu chuyện, là được tờ New York Times đăng tải vào năm 2001, trong một buổi thuyết pháp ở Mỹ vào ngày 25-9 ở Riverside Church, New York, khi đọc một bài thơ của mình, ông Thích Nhất Hạnh có kể là bài thơ ra đời khi ông nghe tin Bến Tre với dân số 300 ngàn người bị ném bom phá hủy vào năm 1968 khi quân đội Mỹ có tin là khoảng chục lính việt cộng đang ẩn nấp trong đó. Bất nhẫn hơn vì qua một bản tin của hãng thông tấn AP, một cấp chỉ huy quân đội Mỹ cho rằng "Đã là sự cần thiết để phá hủy thành phố này nhằm cứu nó" (It was nesscesay to destroy town to save it) trong bản tin tường trình chiến sự từ Việt Nam vào đầu năm 1968.

Con số về người dân ở Bến Tre lúc đó, chính xác chỉ khoảng từ 30.000-35.000 người, nên về số liệu thì ông Thích Nhất Hạnh đã trích dẫn sai, nhưng nội dung thì hoàn toàn không giống gì với những tin đồn về “tố cáo” và “phục vụ cho việt cộng” vẫn đang thao túng nhiều nơi.

Trên thực tế, yêu hay ghét thiền sư Thích Nhất Hạnh là chuyện bình thường. Mọi nhà lãnh đạo tinh thần trên thế giới đều phải trả giá cho sự độc lập về tư duy của mình. Như Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn bị phía chủ trương kháng chiến vũ lực chống Trung Quốc nói ông là phản bội. Đức Thánh Cha Francis vẫn bị nhiều giám mục, linh mục, tín đồ chống đối và ghét bỏ những cải cách của ông. Nhưng mọi thứ cần đặt trên sự thật. Sự ghét bỏ đơn thuần không làm nên nền văn minh, và chính sự hiểu biết và quan sát đủ, mới có thể tạo dựng được phát triển của một dân tộc hay thế giới này.

Thursday, January 20, 2022

Nhà thơ Trần Tiến Dũng: Bản bút ký đại dịch, gửi vào mai sau

 


Đại dịch đã kéo dài từ đầu năm 2020 cho đến tận hôm nay, nhưng ở Việt Nam, giai đoạn kinh hoàng với hơn 30.000 người thiệt mạng, hàng chục ngàn người bị đẩy vào trại cách ly, hàng trăm ngàn người đói ăn và khốn khó… nhưng số lượng các tác ghi chép xuyên suốt thời kỳ này không nhiều. Hầu hết mọi người đều bị tê liệt trước hoàn cảnh bất ngờ cũng như sự ứng phó đầy bất cập của nhà cầm quyền.

Đầy dẫy trên các trang mạng là những lời chỉ trích, kêu cứu, sự tức giận của người dân trước một hiện trạng tan hoang của đất nước và con người, bên cạnh những lời tuyên bố huênh hoang và ngu muội của nhiều kẻ có quyề

Nhà báo- nhà thơ Trần Tiến Dũng là một trong số ít trí thức của Việt Nam, công khai bày tỏ quan điểm của mình trong bối cảnh đó. Tập bút ký kèm theo sau đây để tặng các quý vị, là sự tập hợp những cột mốc sự kiện, được coi như là suy nghĩ chung của những người Việt có cái nhìn tỉnh táo trước thời cuộc, của những người miền Nam sống và trải qua, so sánh với những gì mà cuộc đời họ đã trải nghiệm với chế độ hiện nay. Một phần lớn những bài viết trong tập sách này, đã được đăng tải trên báo Saigon Nhỏ trong suốt thời kỳ phong tỏa Sài Gòn

*** Thưa ông, ghi chép các dữ kiện suốt 3 giai đoạn phong thành Sài Gòn, điều mà ông chưa nói hết được trong các bài viết, còn đọng lại cho ông đến ngày hôm nay là gì?
 

Tôi thuộc thế hệ thanh niên miền Nam Việt Nam, là gạch nối lịch sử giữa hai thể chế  Tự Do và Cộng Sản. Tôi trải qua biến cố 30-4-1975 và đinh ninh rằng đó là biến cố lịch sử quan trọng nhất tôi phải chứng kiến, vượt qua từ vị trí nạn nhân thường dân. Trong mọi cách nghĩ về năm tháng còn lại của mình, trong tôi, thật lòng mà nói chưa bao giờ tưởng tượng rằng cuộc đời mình, gia đình mình, cùng với hàng triệu đồng bào phải chịu cảnh thảm họa khủng khiếp đại dịch cúm Tàu trong năm 2021.
Trong hơn nhiều tháng Sài Gòn và các tỉnh miền Nam bị phong thành nghiêm ngặt, có thể nói, hiện trạng giới nghiêm, phong tỏa, barrier ngăn đường, kẽm gai, dây giăng bịt kín hẻm, nhà, tiếng còi xe cứu thương, cảnh người bệnh bị đưa đi rồi trở về với hủ tro cốt…

Nhớ lại tất cả các cảnh đó, tôi cho rằng khủng khiếp hơn cả các vùng chiến sự trong chiến tranh, và chính điều đó tạo ra từng cơn sợ hãi như sóng thần ập đến làm tê liệt ý thức- bản năng sinh tồn, làm cho hàng triệu người Sài gòn và một số tỉnh miền Nam rơi vào thảm trạng bị nhốt chung vào cái chuồng lớn, không thể chạy đâu cho thoát dù chỉ là chạy về quê nhà mình hay một nơi trốn trú nào đó; tất cả đều chung số phận chờ bị lây virus SARS-CoV-2, bị đưa đi trại cách ly và nếu không may là chết trong cô độc.

Giờ đây, trong ghi chép các dữ kiện suốt 3 giai đoạn phong thành Sài Gòn, điều mà tôi chưa nói hết được trong các bài viết, còn đọng lại cho tôi đến ngày hôm nay chỉ là: Từ thảm họa này, đó là minh chứng cho thấy không chỉ thảm họa đã diễn ra mà cả thảm họa sẽ tới, số phận thường dân trong chế độ chuyên chế khi gặp thiên tai dịch họa, họ chỉ có một thứ “quyền con người” duy nhất là phải gánh chịu hậu quả và tiếp tục chờ nhận mọi sai lầm, vô trách nhiệm của hệ thống cán bộ chỉ đạo chống dịch và lãnh đạo chế độ.
 

*** Đã có người nhận xét rằng có vẻ như dân tộc Việt Nam ít có thói quen ghi chép mang tính lịch sử. So với thời kỳ sinh hoạt văn hóa xã hội trước năm 1975, các ghi chép độc lập và phổ biến với công chúng thì lại ngày càng hiếm hoi trong gọng kìm kiểm duyệt hiện nay… điều gì đã thúc đẩy ông ghi chép và hình thành một chuỗi bài viết như vậy? 

Nếu có niềm tin cho là viết là một cách để nhớ, để có bài học, lưu lại… và nếu nghĩ người Việt Nam thời Cộng sản hiện nay ít viết hơn thời trước  biến cố 1975 thì chưa chính xác. Người Việt thời này dễ cho qua các sự kiện chính trị-xã hội-văn hóa ảnh hưởng trực tiếp tới số phận họ chớ không hẳn họ dễ quên; có khi đó cũng là cách phổ quát để thích nghi mà tồn tại dưới chế độ chuyên chế. Viết luôn luôn là ý thức được cá nhân-công dân chọn lựa thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình. Nhưng ngoại trừ viết để trở thành bồi bút hoặc viết theo ý chí áp đặt của hệ thống tuyên giáo, thì hầu hết người ý thức viết và đã viết vì niềm tin tự do ngôn luận, đó luôn là việc làm rất nguy hiểm cho cá nhân họ.

Không đáng kinh ngạc hoặc khó hiểu khi biết giáo dục-văn hóa ở trong nước ngày càng phổ cập, thông tin đa chiều toàn cầu ngày một dễ tiếp cận, ngoại trừ viết tám chuyện Facebook, Zalo… thì người viết với ý thức cộng đồng cần tiếng nói có chính kiến cá nhân lại càng ít, rất ít đến mức những tiếng chuông cảnh báo về ngày lụi tàn của tiếng nói phản biện, phản kháng… cũng không còn ai để ý nữa.

Tôi viết không phải do tôi là trí thức hay nghệ sĩ, và một cá nhân-công dân như tôi cũng không đa mang cho mình trách nhiệm phải viết. Tôi chọn văn bản viết là con đường ngôn ngữ lớn dẫn đến bên trong con người và mở ra ý thức và tâm hồn người; bởi con người dẫu u tối hay sáng đẹp đều là cái đẹp toàn phần không động vật nào có. Nhưng VN hiện nay chỉ có thứ chữ nghĩa là công cụ nô bộc cho chính trị độc đoán, nịnh bợ tán tụng giới cai trị hoặc trơ trẽn tự son phấn để xin xỏ được ngồi lê đôi mách…
 

*** Hôm nay, khi gửi tặng tập bút ký đến với mọi người, ông có nhắn gửi điều gì?

Trong các tập bút ký của tôi, nhất là trường hợp với tập” Sài Gòn Trong Vòng Vây  Cúm Tàu; tôi chọn viết vì tôi không biết ngày mai mình có nhiễm virus cúm Tàu, có bị hốt đi cách ly không, có còn sống không; và hơn hết người Sài Gòn và Miền Nam mà tôi kính yêu đang tuyệt vọng như tôi, mọi người có còn hy vọng vượt thoát nào cho họ không, ngày mai cho người Sài Gòn đang ở đâu? Có còn đến như hàng thế kỷ qua nữa không! Tôi tin văn bản viết không bao giờ là di sản của quá khứ cá nhân mà là ngôn ngữ, dù chỉ là từ ý thức một người, cũng là tiếng nói nếu hiểu là kêu cứu và nguyền rủa thì cũng vì hiện tại và tương lai.

-----------
Tải về bản PDF Bút ký ở đây https://bit.ly/3GSttFl

Sunday, January 16, 2022

Về ước mơ “một giải Nobel” từ nhà nước XHCN Việt Nam

 Được biết, vào ngày 9-1, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Lễ phát động cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi, trao giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất. Ông Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng dự có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Nói trong buổi lễ này, ông Phúc nói “Tôi luôn mong ước đến một ngày không xa Việt Nam ta sẽ có nhà văn đoạt giải Nobel văn chương, mang về niềm tự hào cho đất nước chúng ta. Tôi có niềm tin mạnh mẽ ở những nhà văn, những Tác giả trẻ hôm nay”.
Nhân ý tưởng này, xin phép được phỏng vấn nhà văn Nguyễn Viện về văn học và đời sống của nó chung quanh “ước mơ” này.

Tuấn Khanh: Nếu nghĩ đến một giải Nobel văn chương cho Việt Nam vào năm năm nữa, ông có đề cử tác giả nào trong nước? Nếu có hoặc không, xin ông lý giải thêm về điều này.

Nhà văn NGUYỄN VIỆN: Cứ như tình hình sáng tác và phổ biến văn học Việt Nam hiện nay, không chỉ năm năm mà còn rất nhiều năm nữa Việt Nam cũng chưa thể có giải Nobel.
Lý do:
– Các giám khảo ở Viện Hàn Lâm Thụy Điển không đọc được chữ Việt.
– Như chúng ta đều biết, chữ quốc ngữ xuất hiện chưa lâu. Hơn nữa, văn học chữ quốc ngữ xuất hiện còn trễ hơn nữa, chỉ mới hơn 100 năm. Và thật sự cái gọi là văn chương Việt đúng nghĩa chỉ hoàn chỉnh từ thời tiền chiến, tức trước 1945 mà tiêu biểu nhất thuộc về nhóm tác giả Tự Lực Văn Đoàn. Tuy thế vốn từ của chúng ta lúc đó cũng chưa nhiều. Phải kể từ hậu bán thế kỷ 20 đến nay, ngữ vựng các thể loại mới được cập nhật bổ sung từ lãnh vực triết học đến khoa học… tương đối đầy đủ. Như thế có thể nói tiểu thuyết hay văn học chữ quốc ngữ vẫn còn nằm trên đường tiến hóa không những về mặt ngôn từ mà cả văn hóa, chính trị, xã hội. Điều ấy cũng có nghĩa chỗ đứng của văn học Việt Nam còn cách giải Nobel khá xa.

Tuy nhiên, nếu cần đề cử một tác giả Việt Nam cho giải Nobel trong một hai năm tới, tôi nghĩ nhà văn Nguyễn Xuân Khánh có thể là một niềm hy vọng, với điều kiện hội đồng xét giải Nobel này cũng có tiêu chí “đậm đà bản sắc dân tộc” như tuyên giáo ở Việt Nam.

Tuấn Khanh: Theo ông, mơ ước của ông Chủ tịch nước, có thể hiện chung cho giới viết văn trong cả nước, không phân biệt các thế hệ và quan điểm tư tưởng, hay chỉ nhắm vào thế hệ mới, nhà văn xã hội chủ nghĩa?

Nhà văn NGUYỄN VIỆN: Không chỉ ông Chủ tịch nước, mà giới viết văn trong nước cũng mơ ước một giải Nobel, đặc biệt từ khi các nhà văn Nguyễn Huy Thiệp hay Bảo Ninh xuất hiện. Tuy nhiên, ông Chủ tịch nước chỉ đặt niềm hy vọng vào thế hệ mới.

Đấy là một ước mơ chính đáng, nhưng tôi nghĩ nó có thể sẽ hiện thực hơn nếu chúng ta biết đặt cho nó một lộ trình. Trước hết, cần tạo một không gian tự do cho sáng tạo. Cũng có nghĩa là nên để cho Ban Tuyên giáo hoàn thành nghĩa vụ lịch sử, chấm dứt mọi chỉ đạo hay đường hướng. Sau đó, cần có kế hoạch cho việc phổ biến tác phẩm ra thế giới. Như tôi đã nói trên, Hội đồng xét giải Nobel không biết đọc chữ Việt.

Nhân đây, tôi cũng mạn phép nói thêm một chút. Tôi không biết giới hạn của tùy viên văn hóa của ta ở nước ngoài thế nào. Nhưng tôi cho rằng, đối ngoại về văn hóa không chỉ là áo dài, múa quạt, phở hay đàn bầu, đàn T’rưng… mà còn là văn học, mỹ thuật…

Tuấn Khanh: Trong 10 năm đổ lại đây, cây viết nào – được phía nhà nước chấp nhận – là sáng giá và có khả năng nhất? Nếu có, xin mô tả ngắn về người được liệt kê. Và nếu không thì xin giải thích thêm theo quan điểm riêng?

Nhà văn NGUYỄN VIỆN: Thật ra, tôi đọc cũng không nhiều, chỉ vì mắt tôi sau này kém, đọc sách hay xem phim một chút là mắt bị mờ nhòe. Cho nên, nhận định của tôi ở đây sẽ rất chủ quan và hạn hẹp, nó không thể bao quát hết nền văn học đương đại.

Dẫu sao cũng có một tác giả trẻ tôi kỳ vọng, đó là nhà văn nhà thơ Vũ Lập Nhật, sinh năm 1990, hiện sống ở Sài Gòn. Cả thơ và văn của cô đều rất mới với những ý tưởng lạ và một cách diễn đạt thông tuệ. Cách đây hai năm, cô được giải thưởng thơ của Văn Việt (Văn đoàn Độc Lập). Rất tiếc, vì những áp lực phi văn hóa, cô đã phải từ chối nhận giải, thậm chí chấm dứt cộng tác bài vở với Văn Việt.

Vũ Lập Nhật, theo tôi là một hiện tượng hiếm hoi của văn học Việt Nam đương đại. Văn chương của cô từ bỏ mọi lối mòn, mọi truyền thống. Đó là một thế giới của riêng cô, được sản sinh từ một đời sống đô thị. Và tác phẩm biến thành một thứ game của cô, cả về mặt ngôn ngữ lẫn trạng thái con người. Nó không uốn éo kiểu cọ, làm dáng mà trong trẻo xuyên suốt qua các tầng ý thức như qua nhiều lớp gương phản chiếu lẫn nhau trong cách ứng xử của cô với đời sống. Đó là một thứ văn chương toàn cầu. Con người và chính nó thuần khiết, không đậm đà bản sắc dân tộc hay nghĩa vụ này nọ.

Nếu cần đề cử một tác giả Việt Nam cho giải Nobel trong một hai năm tới, tôi nghĩ nhà văn Nguyễn Xuân Khánh có thể là một niềm hy vọng, với điều kiện hội đồng xét giải Nobel này cũng có tiêu chí “đậm đà bản sắc dân tộc” như tuyên giáo ở Việt Nam.

Tuấn Khanh: Các giải thưởng văn học trong những năm dài do Hội Nhà Văn Việt Nam chủ trì thường gây tốn kém cho ngân sách quốc gia không it, nhưng hầu như ít có tác phẩm nào có thể đọng lại trong công chúng. Theo ông, hướng tập hợp và giới thiệu qua giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam có nhằm phục vụ tìm tài năng với tiêu chí của Nobel Văn Chương?

Nhà văn NGUYỄN VIỆN: Hẳn nhiên là không. Văn học Việt Nam hiện nay trong phạm vi “chính thống” hay “lề phải” là một thứ văn chương phải đạo, thậm chí với nhiều tác giả là thứ văn chương phục vụ chế độ như tiêu chí của Hội Nhà văn Việt Nam “Vì chủ nghĩa xã hội”. Một nền văn chương mang logo búa liềm tất nhiên không phải là một tiêu chí phổ quát của loài người, cũng có nghĩa không phải là tiêu chí của giải Nobel.

Tuấn Khanh: Kể từ năm 1991, khi tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh bị thu hồi sau khi được đề cử giải thưởng, văn học trong nước nói chung có vẻ bằng phẳng và không còn nhiều góc cạnh, sôi động như thời của Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp… Có phải đã có một rào chắn rõ ràng trong việc viết văn trong khung Nhà nước?

Nhà văn NGUYỄN VIỆN: Vâng, một rào chắn cụ thể hữu hình nhất là sự có mặt của các nhà xuất bản hệ nhà nước. Mọi tác phẩm muốn được phổ biến phải qua sự cho phép của các nhà xuất bản này mới được lưu hành. Từ chối kiểm duyệt để in chui có nghĩa là một hành động phạm pháp được qui định rõ ràng trong Bộ Luật Hình sự.

Nhà tù và các bản án dành cho những người bất đồng chính kiến với các khung hình phạt dành cho tội “tuyên truyền chống chế độ” hay “lợi dụng quyền tự do dân chủ…” là nỗi ám ảnh của tất cả những người viết.
Nhà văn, ngoài nỗi sợ hãi phải tự kiểm duyệt, họ còn phải đối diện với dao kéo của các nhà xuất bản. Đó là một hiện thực của văn học nghệ thuật đương đại. Điều đó giải thích cho cái mà anh gọi là thiếu góc cạnh hay sôi động.

Tuấn Khanh: Còn về phía những nhà văn không hợp tác với hệ thống kiểm duyệt và tư tưởng phục vụ – như ông chẳng hạn – làm gì với nghề viết của mình? Ông có thể tâm tình với độc giả?

Nhà văn NGUYỄN VIỆN: Với những người viết văn tự do như tôi hiện nay ở Việt Nam cũng không thiếu. Chúng tôi phải làm gì trước cánh cửa đóng của hệ thống phát hành trong nước?

Rất may cho tất cả chúng ta, người viết và người đọc, internet đã cứu rỗi thế giới khỏi những lằn ranh của kiềm tỏa. Việc có tự tháo gỡ gông cùm hay không tùy thuộc vào ý thức cũng như phẩm giá của từng người viết. Không ai có thể ban tự do cho anh ngoài chính anh. Những bức tường lửa chỉ là vấn đề kỹ thuật.

Ngoài những trang mạng nổi tiếng như Tiền Vệ, Talawas trước đây và hiện nay là Da Màu, Văn Việt… chúng ta còn vô số cách để đưa tác phẩm của mình đến với công chúng, miễn là có chút can đảm.

Tâm tình của tôi? Tôi chỉ muốn nói một điều đơn giản, nếu chúng ta không dám thành thật với mình để viết như chúng ta muốn (không sợ đụng chạm đến hệ thống chính trị hay truyền thống văn hóa) thì cơ may trở thành một nhà văn như ý nghĩa của nó sẽ không hiện thực. Tài năng là chuyện khác.

Tuấn Khanh: Dù biết Việt Nam là một thể chế độc tài và kiểm duyệt, nhưng vẫn có không ít tác phẩm của các nhà văn Việt Nam ở hải ngoại về in lại, hợp tác phát hành và chấp nhận cắt bỏ những gì Nhà nước không thích. Tạm thời không bàn gì về lý do cá nhân của các tác giả ấy, nhưng ông nhận định gì về xu hướng này? Và điều đó có thể giúp cho Nhà nước Việt Nam tập hợp thêm được nhiều cây viết tài năng hơn cho ước mơ Nobel hay không?

Nhà văn NGUYỄN VIỆN: Trong khi ở trong nước, nhiều người viết từ chối kiểm duyệt để tồn tại như một người tự do, thì lại có những người viết ở xứ sở tự do tình nguyện quay về chui vào vòng kiềm tỏa. Sự khao khát được chia sẻ hay vinh quang gì đó được đánh đổi bằng phẩm cách. Dẫu sao thì đó cũng là chọn lựa của họ.

Tất nhiên, điều đó chẳng giúp gì “cho Nhà nước Việt Nam tập hợp thêm được nhiều cây viết tài năng hơn cho ước mơ Nobel” như anh nói. Vì đơn giản là hội đồng xét giải Nobel không đọc được tiếng Việt.

Tuấn Khanh: Trong lịch sử, Liên Xô cũng đã có Nobel cho Boris Pasternak hay Trung Quốc với Mạc Ngôn… đó có là niềm tin thầm kín cho nhà lãnh đạo Việt Nam khi nghĩ về một Nobel? Và theo ông, vì sao ông Phúc không nghĩ đến giải thưởng văn chương nào của Trung Quốc, Cuba hay Bắc Hàn… mà lại mơ đến một giải thưởng của thế giới tư bản?

Nhà văn NGUYỄN VIỆN: Vâng, “trong lịch sử, Liên Xô cũng đã có Nobel cho Boris Pasternak hay Trung Quốc với  Mạc Ngôn”. Và Việt Nam cũng có quyền đặt niềm tin vào các nhà văn trong nước. Tuy nhiên như tôi đã nói, hội đồng xét giải Nobel không biết đọc tiếng Việt. Tôi lập lại câu nói này nhiều lần trong bài trả lời phỏng vấn này cũng chỉ để muốn nhấn mạnh đến một việc thiết thực nhất là hãy nỗ lực giúp các nhà văn Việt Nam phổ biến tác phẩm ra thế giới bằng cách vận động hay tổ chức dịch thuật các tác phẩm ra tiếng nước ngoài (ít nhất là Anh-Pháp) và được phát hành bởi những nhà xuất bản uy tín. Nếu không, chúng ta chỉ còn cách phổ cập tiếng Việt cho các viện sĩ hàn lâm Thụy Điển.

“Và vì sao ông Phúc không nghĩ đến giải thưởng văn chương nào của Trung Quốc, Cuba hay Bắc Hàn… mà lại mơ đến một giải thưởng của thế giới tư bản?”

Làm thế nào tôi có thể đưa cái icon mặt cười haha của Facebook vào đây nhỉ? Nhưng thử tưởng tượng nếu ông Nguyễn Viện được một giải văn chương tự do hay phản kháng gì đó của đồng chí Kim Jong-Un thì chắc chắn sẽ “chấn động địa cầu” hơn cả giải Nobel. Cũng vui mà.

Saturday, January 1, 2022

Tài tử Myanmar được bình chọn là người đẹp trai nhất, khi đang trong lao tù

 

Nam tài tử người Miến Điện, Paing Takhon (25 tuổi) vừa được TC Candler bình chọn là gương mặt điện ảnh đẹp nhất trong danh sách 100 người được bình chọn của năm 2021. Điều đáng nói, là tổ chức này còn đặc biệt vinh danh và kêu gọi trả tự do cho Paing Takhon về việc anh đứng lên đấu tranh cho nhân dân mình, trước cuộc cướp chính quyền bằng bạo lực của quân đội. Tháng 4 năm 2021, Paing Takhon đã bị quân đội bắt giam vì ảnh hưởng quá lớn của mình trong phòng trào đòi dân chủ cho đất nước.

TC Candler, một trang web phê bình phim nổi tiếng, nơi vẫn luôn tổ chức thường niên về danh sách để xếp hạng những gương mặt điện ảnh. Đây là một trong những nơi được người hâm mộ điện ảnh tìm kiếm hàng đầu thế giới, kể từ năm 1990.

Theo bình chọn tổng kết 2021 của TC Candler, hai gương mặt Châu Á đang đứng đầu sự yêu thích của giới mộ điệu.

Ca sĩ Thái Lan Lisa của nhóm nhạc nữ Hàn Quốc Blackpink được bình chọn là Gương mặt đẹp nhất thế giới, theo danh sách 100 cái tên của Nữ giới năm nay do TC Candler tổng hợp và công bố vào thứ Ba (28-12). Người mẫu Israel Yael Shelbia, người đứng đầu danh sách năm ngoái, tụt xuống thứ sáu, trong khi Lisa 24 tuổi, người đứng thứ hai năm ngoái, nay đã vượt lên đứng ở vị trí số 1.

Trong danh sách Gương mặt đẹp trai nhất, người chiến thắng năm ngoái, ngôi sao YouTube Felix Kjellberg, cũng đã bị truất ngôi. Người Thụy Điển 32 tuổi, được biết đến với cái tên PewDiePie, tụt xuống thứ 9, trong đó người mẫu kiêm diễn viên người Myanmar Paing Takhon vượt lên đứng đầu danh sách năm nay. Chàng trai 25 tuổi này đã gây xôn xao mạng xã hội hồi tháng 1 năm nay, khi đăng ảnh cạo trọc đầu và mặc áo cà sa khi đón năm mới bằng cách đi tu trong 10 ngày.

Paing Takhon được thế giới biết đến qua các bộ phim mà anh tham gia như Bad Boy 2, The Clock: Red Wall, Midnight Traveller and Thaman Kyar.

Chính quyền Myanmar cũng có danh sách 100 của mình, nhưng đó là tên của những người bị đưa vào danh sách tuyên truyền chống chế độ, âm mưu lật đổ chế độ hay lợi dụng quyền tự do dân chủ… mà nam diễn viên Paing Takhon đứng đầu danh sách này. Anh đã bị kết án và bị bỏ tù trong ba năm. Tin này được nhóm pháp lý của diễn viên cho biết hôm thứ Hai (27-12-2021).

Paing Takhon, 25 tuổi - ngôi sao điện ảnh và thời trang ở cả Myanmar và Thái Lan - đã tích cực tham gia các cuộc biểu tình quần chúng làm rung chuyển đất nước sau cuộc đợt quân đội cướp chính quyền hồi tháng Hai. Chính quyền quân đội Myanmar đã theo dõi và tập hợp các hình ảnh của anh trong các cuộc biểu tình thông qua mạng xã hội có hơn một triệu người theo dõi của anh ấy. Paing Takhon bị bắt trong một cuộc đột kích rạng sáng tại nhà mẹ của anh ta ở Yangon vào tháng Tư, chị gái Paing đã kể lại chuyện này, khi quân đội mở chiến dịch săn lùng 100 người nổi tiếng ủng hộ phong trào phản kháng.

Paing Takhon bị án ba năm lao động khổ sai, tại một tòa án ở Yangon. Người cố vấn pháp lý Khin Maung Myint nói với AFP. Gia đình của Paing Takhon đang cân nhắc chuyện có kháng cáo hay không.

Nhiều người trong danh sách lùng bắt của quân đội Myanmar đã đào thoát hoặc vào chiến khu. Một trong những người đó nữ hoàng sắc đẹp nổi tiếng Myanmar, cô Htar Htar Htet đã đăng một bức ảnh trên Facebook và tháng 5-2021, cho thấy cô mặc trang phục chiến đấu màu đen và mang theo một khẩu súng tự động. Htar Htar Htet, người còn được biết đến như là huấn luyện viên thể dục dụng cụ viết: 'Đã đến lúc phải chiến đấu trở lại’.



Một trong những thứ được coi là chứng cứ để khép tội nam diễn viên Paing Takhon, mà tòa án đưa ra, là status của anh trên Facebook: 'Họ có bị điên không? Người trúng cử là do người dân chọn'.  Đây là phản ứng tức thì của Paing Takhon trước cuộc đảo chính quân sự ngày 1-2-2021 lật đổ chính phủ dân sự, do cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi lãnh đạo. Hai tháng sau, người mẫu, ca sĩ và diễn viên 25 tuổi này bị bắt trong chiến dịch trấn áp các cuộc biểu tình phản đối quy định của quân đội chính phủ. Và cuối cùng, anh bị kết án ba năm tù lao động khổ sai.

Giống như nhiều nhân vật nổi tiếng khác nhận thức được âm mưu của những kẻ cầm quyền độc tài đang lũng đoạn đất nước, Paing Takhon sử dụng quyền lực ngôi sao của mình để kêu gọi sự phản đối cuộc đảo chính, thường xuyên đăng tải những lời lên án trực tuyến cho đến khi chính quyền bắt đầu hạ bệ những nhà phê bình nổi tiếng như vậy.

Nam diễn viên đến từ vùng Tanintharyi ở miền nam Myanmar. Paing thường giới thiệu thân hình cân đối và thu hút của mình được xăm nghệ thuật, và mái tóc dài quyến rũ đã nhanh chóng nhận được sự chú ý của phụ nữ Châu Á. Tình yêu của anh ấy đối với động vật - bao gồm cả mèo và chó mà anh ấy thường được chụp cùng - đã cộng thêm vào sự hấp dẫn. Năm 2019, Paing được bổ nhiệm làm đại sứ du lịch của Myanmar tại Thái Lan.