Thursday, March 29, 2018

Giải thưởng 2017 của Văn Đoàn Độc Lập: "cứ làm việc mình cho là đúng"


Cuối tháng 3/2018, Văn Đoàn Độc Lập, một tổ chức tập hợp trí thức, thuần túy về văn học nghệ thuật đã tiến hành phát giải thưởng, lần thứ 3, kể từ khi thành lập đến nay.
Theo thông báo, thì giải thưởng cho năm 2017 có những điều rất thú vị. Nhưng thú vị hơn cả là những cuộc ngăn chận thô bạo đối với những người cầm bút. Có người bị an ninh đe dọa phải quay trở về nhà, có người thì bị đâm lủng bánh xe, rồi có người thì bị lùng nhùng đeo đám - công khai đến trơ trẽn. Thậm chí ban tổ chức 3 lần đổi địa điểm phát giải, có nơi lần lượt bị cúp điện, cúp nước...
Nhưng rồi giải thưởng 2017 của Văn Đoàn Độc Lập vẫn tuyên bố xong. Dù ngay thời điểm đó, Ban Tuyên giáo công khai nói có ý định rút toàn bộ tác phẩm ra khỏi sách giáo khoa, với những ai là thành viên của Văn Đoàn Độc Lập. 
Nhà văn Hoàng Hưng, thành viên ban tổ chức giải của Văn Đoàn Độc Lập, có cho biết thêm về tình hình .
-----------------

Thưa nhà thơ Hoàng Hưng, giải văn chương của Văn Đoàn Độc Lập 2017 có gì đáng chú ý, xin ông nói sơ qua cho mọi người được biết
Các thành viên Hội đồng Giải Văn Việt năm nay nhất trí khá cao về chất lượng các tác phẩm đoạt giải. Nhất trí tuyệt đối đối với 3/5 tác phẩm đoạt Giải: tiểu thuyết “Những tháng năm cuồng nộ” của Khuất Đẩu, thơ Phapxa Chan, và dịch phẩm “1984” của Phạm Nguyên Trường (nguyên tác của G. Orwell). Phát hiện mới là tác giả đoạt giải Thơ, Phapxa Chan, một người rất trẻ, đang ở độ tuổi 20, mới cầm bút từ 2016. Anh đã gửi gắm cho Văn Việt những bài thơ đầu tay của mình, và ngay lập tức đã gây được ấn tượng mạnh vì chất lượng nghệ thuật và phong thái riêng biệt, mới mẻ; rồi tiếp tục với những chùm thơ cho thấy tiềm năng mở rộng, phát triển thế giới thơ của mình một cách đầy hứa hẹn.
Thưa ông, đâu là sự khác biệt giữa tiêu chí của Văn Đoàn Độc Lập và hệ thống văn hóa chịu kiểm duyệt của nhà nước hiện tại, khi có người nói rằng hầu hết cũng là những tác phẩm không quá khác biệt với dòng văn chương được chấp nhận?
Tiêu chí lựa chọn tác phẩm của chúng tôi là căn cứ hoàn toàn và chỉ căn cứ vào chất lượng nghệ thuật của tác phẩm, không có “định hướng” về quan điểm triết-mỹ học, tư tưởng chính trị xã hội. Chúng tôi từng trao giải cho các tác phẩm đã bị nhà nước thu hồi, nghiền thành bột giấy (Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn) hay không thể in ở bất cứ nhà xuất bản nào trong nước như Thời biến đổi gien của Bùi Ngọc Tấn, Cửu Long cạn dòng, Biển Đông cuộn sóng; Mekong, dòng sông nghẽn mạch của Ngô Thế Vinh, tản văn của Tuấn Khanh, tiểu thuyết Nhảy múa để chết của Nguyễn Viện. Trong 5 giải của năm nay, có 3 giải cho các tác phẩm không thể được hệ thống kiểm duyệt của nhà nước chấp nhận: tiểu thuyết và truyện ngắn của Khuất Đẩu, truyện ngắn của Mai Sơn, bản dịch tiểu thuyết “1984” của G. Orwell. Vậy chắc là khó nói rằng “hầu hết cũng là những tác phẩm không quá khác biệt với dòng văn chương được chấp nhận…”  
Với quan điểm cá nhân của mình, ông có đặc biệt muốn nhấn mạnh đến tác phẩm nào trong kỳ giải thưởng lần này?
Thoả mãn cả nhu cầu thông điệp xã hội và sáng tạo nghệ thuật là điều rất khó thấy trong hiện tình văn chương tiếng Việt. Tiểu thuyết Những tháng năm cuồng nộ của Khuất Đẩu đã phần nào đạt được. Nó làm tôi cười ra nước mắt vì số phận người dân nước mình trong cuộc chiến kéo dài không chỉ 30 năm trên chiến trường từ 1945, mà còn đến tận bây giờ trong lòng người Việt khắp thế giới.
Một số khách mời của Văn Đoàn độc lập trong giải thưởng lần ba như nhà văn Khuất Đẩu, nhà thơ Nguyễn Duy, nhà văn Dạ Ngân, nhà văn Phạm Đình Trọng, nhà báo Lê Phú Khải, nhà thơ Đỗ Trung Quân, dịch giả Mai Sơn, nhà báo Sương Quỳnh... đều gặp những rắc rối khi có ý định đến tham dự. Còn về ban tổ chức thì như thế nào, ông có thể mô tả lại cho những người quan tâm?
Nhiều thành viên Hội đồng Giải Văn Việt đã bị an ninh ngăn chặn thô bạo ngay trước cửa nhà. Nhà thơ Bùi Chát bị khoảng 15 người chặn ngay từ tối hôm trước ngày trao Giải. Nhà văn Kim Cúc, nhà thơ Ý Nhi lần đầu tiên trải nghiệm quyền tự do đi lại của mình bị tước đoạt. Nhà văn Đặng Văn Sinh năm nào cũng bị an ninh Hải Dương tới nhà đe doạ để không vào Sài Gòn dự trao Giải, đã phải bỏ vé máy bay khứ hồi đã mua.
Ban tổ chức đã rất vất vả vì phải đổi địa điểm họp mặt tới 3 lần trong một buổi sáng vì bị cắt điện, cắt nước. Có đông an ninh bám sát ở cả 3 nơi, nhưng ghi nhận là họ không xông vào hành hung hay phá phách gì, chỉ ngồi gần quan sát và liên tục điện thoại báo cáo… Có chi tiết vui là một khách mời vừa “live stream” khen “nhà hàng rất kiên gan, vẫn cố gắng nấu ăn cho khách dù bị cúp điện” thì… 3 phút sau, nhân viên nhà hàng đến xin lỗi là “không còn cả nước để nấu”. 30 con người, nhiều bậc “lão thành cách mạng”, phải vác bụng đói meo đi tìm chỗ ăn tạm buổi trưa. Họ “chỉ đạo chiến dịch” sát sao từng phút, cả trên trận địa thực lẫn trận địa ảo!
Riêng tôi đã bị châm 6 lỗ kim vào bánh xe, ông già 76 được dịp luyện công dắt chiếc xe xẹp bánh đi vài cây lô mếch giữa trưa nắng Sài Gòn mới thay được ruột xe. Chắc đó là lời cảnh cáo đầu tiên! Lần sau rất có thể là 1 cú tông xe, nhỉ!
Về phần mình, ông lý giải như thế nào thái độ của nhà cầm quyền hết sức khắc nghiệt với một sinh hoạt văn chương bình thường như vậy?
Ngay từ những ngày đầu ra đời Ban Vận động Văn đoàn Độc lập, tôi đã có không ít lần “làm việc” hoặc “trò chuyện” với an ninh. Hỏi: “Văn Việt chỉ làm văn chương, đâu có đi sâu về chính trị mà các anh quan tâm thế?” Trả lời: “Vì các bác CÓ TỔ CHỨC”. Còn Hội Nhà văn VN và Tuyên huấn Đảng thì đã nhiều lần nêu quan điểm rõ ràng: không chấp nhận một tổ chức văn hoá đứng ngoài hệ thống, một tổ chức khác với Hội Nhà Văn do Đảng Cộng sản lãnh đạo và kiểm soát.
Văn đoàn Độc lập cố xê dịch - nghĩa đen lẫn nghĩa bóng - để tìm một không gian riêng trong xã hội độc tài, nhưng với hiện trạng thì ông nghĩ Văn đoàn đang tự cô lập mình trong xã hội, hay thành công trong việc nhẫn nhịn và chờ đợi một giai đoạn mới?
Việc của nhà văn là sáng tác. Việc của Văn Việt là thúc đẩy sáng tác của nhà văn bằng một diễn đàn tự do công bố tác phẩm. Diễn đàn cho cả các nhà văn đang ở nước ngoài muốn đến với bạn đọc trong nước (hiện có khoảng 150 tác giả ở nước ngoài có mặt trên Văn Việt). Không kể các chuyên đề giới thiệu một cách hệ thống Văn học miền Nam trước 1975 (tới nay đã có gần 470 kỳ), Thơ Hải ngoại sau 1975 (53 tác giả), Truyện ngắn Hải ngoại (đã có 24 kỳ), và bắt đầu “Dòng nhạc kỷ niệm” (ca khúc miền Nam trước 1975). Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục và mở rộng thêm những công việc như thế.
Văn đoàn Độc lập đã có những bước liên kết xuất bản với các nhà xuất bản bên ngoài VN chưa?
Đã liên kết xuất bản ở Mỹ 3 cuốn sách: Truyện ngắn Văn Việt 1 và 2, 40 năm Thơ Việt Hải ngoại (ra mắt tại báo Người Việt tháng 9/2017).
Mới đây, ban Tuyên giáo có công khai ý định về việc khai trừ sự hiện diện của nhà văn Nguyên Ngọc và các thành viên Văn đoàn ĐL trong xã hội, qua việc muốn rút tên trong sách giáo khoa. Ông nghĩ sao về việc này? Đó có phải là một cách “tuyên chiến” với Văn đoàn Độc lập không?
Ngay từ ban đầu, họ đã chỉ đạo vu khống Ban Vận động VDĐL là “phản động”, nhận tiền của bọn phản động từ nước ngoài, họ cấm tối đa việc các thành viên xuất hiện trên báo chí, truyền hình, không cho đi dự Đại hội Hội Nhà văn, sách nhiễu nhiều tác giả xuất hiện trên Văn Việt, kể cả phá việc làm ăn sinh sống… Cái mới lần này là có 1 văn bản chỉ thị giấy trắng mực đen được phơi bày trên mạng. Thế thôi!
Hãy thử đặt mình vào vị trí của một người cộng sản từng cống hiến cả đời, và nay bị đối xử thô bạo như vậy với những hoạt động phát triển văn hóa ôn hòa, ông sẽ cảm nhận như thế nào, và ông nghĩ nhà văn Nguyên Ngọc sẽ như thế nào?
Tôi may mắn chưa bao giờ là “người cộng sản”, nhưng rất cảm thông với nỗi đau của những người như nhà văn Nguyên Ngọc, luật gia Lê Hiếu Đằng, tướng Trần Độ… và cho rằng việc họ dứt bỏ các danh lợi mà Đảng ban cho thật đáng khâm phục, tương tự những trí thức, nhà giàu thời Pháp quay ra chống Pháp vậy. 
Hãy hình dung Văn đoàn Độc Lập vào năm tới, ông lạc quan hơn hay bi quan hơn bối cảnh hiện tại?
Lạc quan cũng sai, bi quan cũng sai, chỉ “cứ làm việc mình cho là đúng” là đúng.

Tuấn Khanh (ghi)

Sunday, March 4, 2018

Những gì còn lại



Trong đám tang của  Chris Kyle, tay bắn tỉa lừng danh nhất nước Mỹ, qua đời năm 2015 ở Texas, người ta nhìn thấy chiếc xe tang đi qua một đoạn đường dài hơn 300 cây số mà suốt hai bên đường, luôn có người dân đứng vẫy cờ hoặc nghiêm chào tiễn biệt.

Đó là một hình ảnh xúc động hiếm có về cái chết của một con người. Chris Kyle làngười lính SEAL được ca ngợi như một thiên thần hộ mạng vì đã cứu cả trăm đồng đội của mình trên chiến trường Trung Đông nhờ tài bắn tỉa. Anh giải ngũ, trở về nhà và sau đó chết như một người lính.

Rằm tháng Giêng Mậu Tuất, tức ngày 2/3/2018 tại Sài Gòn, đám tang của nhạc sĩ, đại tá Nguyễn Văn Đông cũng xuất hiện một cảnh tượng xúc động tương tự. Khi lễ di quan diễn ra, nhiều người đàn ông mặc thường phục, không ai bảo ai, đã bất ngờ đưa tay lên chào theo kiểu nhà binh. Thấp thoáng trong những hàng khác, cũng có những cá nhân im lặng đưa tay chào, không cần hiệu lệnh. Hầu hết đó là những cựu thiếu sinh quân VNCH cùng trường với ông, và những người khác là cựu quân nhân đã chào tiễn biệt ngài đại tá Chánh Văn phòng của Tổng Tham mưu Phó quân lực Việt Nam Cộng Hòa về nơi an nghỉ cuối cùng.

Hàng người đứng chào theo kiểu nhà binh trước đám tang của nhạc sĩ – đại tá Nguyễn Văn Đông, đem lại niềm xúc động lạ thường, tương tự như hình ảnh tiễn xe tang của Chris Kyle. Nhưng có lẽ còn đặc biệt hơn với câu chuyện Việt Nam, khi mọi thứ về con người và hệ thống của chính quyền miền Nam bị săn lùng, giam giữ và hủy diệt nhiều năm, nhưng vẫn ẩn khuất đâu đó, rồi bất ngờ hiển lộ.

Nhưng ngoài âm nhạc, vẫn còn đôi chuyện về đại tá Nguyễn Văn Đông chưa được nói hết. Bài viết này là những gì còn lại, chưa kể, sau cuộc tiễn đưa đó.

Đọc tiểu sử cá nhân sau năm 1975, người ta chỉ biết ngắn gọn rằng nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đi trại tù của Nhà nước Bắc Việt trong 10 năm, và sau đó không đi Mỹ theo diện H.O (Humanitarian Operation). Đó là một chiến dịch nhân đạo do tổng thống Mỹ Ronald Reagan bật đèn xanh nhằm giải thoát hàng trăm ngàn quân nhân cựu quân nhân VNCH bị đưa đi tù, dưới danh nghĩa cải tạo (Special Release Reeducation Center Detainee Resettlement Program). Mọi thứ về đời của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, lâu nay vẫn được mô tả thoáng qua, y như cách mà báo chí Nhà nước đưa tin ông mất. Ấy vậy mà vài ngày sau đám tang, nhiều tờ báo vẫn còn bị khiển trách vì đã có thái độ trân trọng thái quá với một “sĩ quan ngụy”.

Năm 1975, ngay sau khi đại tá Nguyễn Văn Đông ra trình diện, dù được chính quyền quân quản tuyên bố là chỉ đi “học tập tư tưởng mới” trong vài tháng. Thế nhưng, sự thật sau đó là 10 năm dài tù đày ở trại Suối Máu, Biên Hòa. Cho đến sau năm 1980 thì đưa về Chí Hòa. Đại tá Nguyễn Văn Đông được trả về nhà vào năm 1985 để được chết ở nhà, theo chính sách khoan hồng của cách mạng. Bà Nguyệt Thu, vợ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông kể rằng khi chia tay ông 10 năm trước, bà vẫn còn nhớ hình dáng một người đàn ông gầy nhưng khỏe mạnh, để rồi khi nhận lại ông, thì lúc đó gần như chỉ là một cái xác, chỉ còn thoi thóp.

Bà Nguyệt Thu, vợ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông kể lại rằng gia đình lúc đó chỉ còn đợi ngày để chôn ông, vì do ông mang quá nhiều căn bệnh cũng như thuốc men lại quá đắt đỏ và khan hiếm vào thời đó.

Rồi nhiều năm sau, ông sống lại như một kỳ tích, khỏe mạnh. Hai người im lặng sống trong căn nhà nhỏ chỉ có đôi vợ chồng già, không con cái, không nhiều sinh hoạt với xã hội. Bà Nguyệt Thư nói rằng cho đến nhiều năm sau khi ông được thả về, bà vẫn còn khả năng sinh con nhưng ông không còn có thể. Vì vậy hai người đã chọn sống cô đơn cùng nhau đến ngày chung cuộc.

Lời của bà kể như tiếng chuông chùa xa xăm về một nỗi đau không lời. Về với ông được 2 năm, thì bà bị chia cắt với đại tá bởi 10 năm tù không hề tòa án, cũng như không hề có lời giải thích. Khi được trả về nhà, thì ông đã như một phế nhân.

Bà nói rằng không muốn sinh con vì ông quá yếu. Nhưng cũng có thể bà không muốn có một đứa con, bởi cuộc sống như ác mộng mà bà và ông trãi qua, nếu có đơm hoa kết trái thì chắc cũng không thể có được lúc tỏa hương.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông bị đưa đến trại Suối Máu ngay sau khi trình diện. Thực tế là trại này tên là trại Tân Hiệp, Biên Hòa, từng là nơi giam giữ các binh sĩ Bắc Việt chờ trao trả theo các thỏa ước. Tên Suối Máu là do các tù nhân sau năm 1975 gọi thành quen mặc dù bị quản giáo cấm. Bởi năm 1968, cuộc đột kích thất bại ở cứ điểm này, mà dân trong vùng mô tả máu dân thường và của hai bên Nam Bắc chảy như suối, từ đó mà thành tên.

Trại Suối Máu giam giữ khoảng 5000 người, chia làm năm trại theo ký hiệu K. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông ở K5.

Chỉ một năm ở trại này, do điều kiện giam giữ và ăn uống khắc nghiệt, không chỉ đại tá Nguyễn Văn Đông mang bệnh, mà rất nhiều người cũng đổ ra đủ thứ bệnh từ nội khoa đến ngoại khoa. Mà thuốc thì chủ yếu là một loại dược phẩm dân tộc được bào chế ở miền bắc có tên là Xuyên Tâm Liên. Bệnh gì cũng uống một loại ấy.

Nhà văn Hà Thúc Sinh, tác giả của tác phẩm Đại Học Máu, đã kể rằng nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông vì bị mang bệnh ghẻ nhầy nhụa kỳ lạ, khiến cả mảng lưng của ông lở loét. Đã vậy nhiều chứng bệnh khác như đau bao tử, thấp khớp, huyết áp… ập tới hành hạ ông liên tục nhiều năm. Vào lúc thập tử nhất sinh, anh em khiêng lên trạm xá được ít bữa thì y tá ở đó đuổi về. Lý do là ở bệnh xá không có thuốc điều trị, cũng như cho về thì khỏi mang trách nhiệm.

Nhà văn Hà Thúc Sinh viết rằng mấy người bạn của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông khiêng ông ra hố nước để tắm lại sau nhiều ngày nằm liệt, như một cách giúp duy nhất có thể. Nhưng do phải đi lao động nên mọi người chỉ kịp nhìn thấy ông Nguyễn Văn Đông nằm sấp trên mặt đất, chứ không còn đứng nổi, cố múc nước rồi nằm quơ quào cố tắm rửa một mình như vậy.

Nói về sáng tác trong giai đoạn đó, đại tá Nguyễn Văn Đông đã cố giữ lại cảm hứng của mình trong những năm đầu bị tù, vì nghĩ rằng cùng lắm 2-3 năm gì đó sẽ ra. Nhưng rồi dần dần mọi thứ thui chột theo sức khỏe và niềm hy vọng. Ngay lúc bệnh đã nặng, nhưng phát hiện tù nhân Đỗ Văn Phúc là em họ của ca sĩ Duy Khánh cũng bị tù chung trại, ông đã vui đến mức sáng tác lại. Cảm mến giọng hát của người này mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông viết riêng một bài hát để tặng, có tựa đề là “Sài Gòn trong trái tim tôi”. Tác phẩm này, giờ chắc đã tuyệt bút, chỉ còn được nhắc lại với đôi ba câu với những ai từng nghe qua như “Sài Gòn tiếc nuối không thôi, Hà Nội héo hắt răng môi, cho nhớ thương vời vợi. Ôi, Sài gòn trong trái tim tôi…”

Năm 1985, khi khiêng ông về nhà, bà Nguyệt Thu nói rằng không nghĩ ông sống qua được năm đó. Sự tuyệt vọng tràn ngập đến mức khi nhận được hồ sơ ghi danh đi chương trình H.O ngay trong nhóm đầu, ông đã từ chối vì muốn được chết trên quê hương mình. Bà cũng thuận theo ý ông. Ấy vậy mà với sự chăm sóc nhẫn nại và yêu thương của người vợ hiền, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã chậm chạp sống lại một lần nữa, cho đến ngày buộc phải chia tay trần thế.

Khác với cuộc đưa tiễn người lính Chris Kyle, buổi chia tay nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông không có nhiều người khóc. Chỉ có những cánh tay đưa lên, im lặng chào đưa tiễn ông. Động tác rất quen thuộc khiến những người xa lạ nhau như gần lại. Có điều gì đó dâng lên trong suy nghĩ, đầy xúc động. Quả là có những triều đại nguy nga lộng lẫy, nhưng mọi thứ đã không còn. Nhưng cũng có những chế độ đã mất nhưng con người và tinh thần quốc gia thì còn sống mãi.