Sunday, October 30, 2016

Trở về, đi tới


Trong một chuyến đi quốc nội, vô tình đoàn người đang xếp hàng lấy vé ra máy bay bỗng xuất hiện vài người khách Trung Quốc. Đó là những người khách hết sức ung dung. Họ ăn nói lớn tiếng, cười to và tự nhiên, không khác gì dân bản xứ. Hàng dài người Việt đang xếp hàng im lặng nhìn. Mỗi người một suy nghĩ.
Bất chợt 2 người khách Việt nói với nhau “Không biết mình qua Trung Quốc có tự nhiên được vậy không?”. Lời tán gẫu nhỏ, nhưng lại đủ cho vài người chung quanh nghe. Đột nhiên ai nấy đều cười. Những nụ cười khôn cùng ý nghĩa. “Thì tụi nó qua đây, tự nhiên như nước nó rồi còn gì”, một người khác nói bâng quơ, nhưng như muốn tất cả những người Việt còn lại cùng nghe. Trên mỗi gương mặt Việt lại có một nụ cười. Cũng thật khó tả.
Một người đàn ông lớn tuổi,đầu bạc trắng, cắt ngắn, đi dọc với tôi, kể rằng vừa rồi ông gặp một người khách Trung Quốc. Câu chuyện về ranh giới quốc gia, khác biệt dân tộc, chiến tranh… lại nổ ra. Người Trung Quốc rất tự tin, nói rằng từ nhỏ, ông ta đã được học về lịch sử, nói rằng Việt Nam thuộc về Trung Quốc từ ngàn năm, nhưng sau đó làm phản và tách ra. Vì vậy chuyện phải quay trở về mẫu quốc là điều tất nhiên. “Tụi tao có một tỷ người học thuộc điều đó, tụi mày chỉ có một trăm triệu, cãi không lại tụi tao đâu”, người khách Trung Quốc này cười lớn. Dù không ác ý, nhưng sự diễn đạt rất thật của ông làm tôi lẫn người đàn ông Việt tóc bạc khi kể cho nhau nghe, đều nao lòng.
Nếu như quả có một cuộc trở về định mệnh như vậy, thật xót xa cho lịch sử hàng ngàn năm của cha ông Việt đã chống chọi, bứt xiềng gông cho con cháu hôm nay. Một cuộc trở về như vậy, có lẽ chỉ có một ít người muốn, còn tất cả còn lại đều đau đớn, căm gan. Nhưng hôm nay, dường như mọi thứ đang “đi tới” chứ không phải “trở về”.
Cuối tháng 10, ba chiếc tàu chiến Trung Quốc ghé cảnh Cam Ranh. Chính quyền tỉnh Khánh Hòa huy động người dân và đoàn thể ra phất cờ tiếp đón binh lính Trung Quốc. Chiếc tàu dẫn đầu là Tương Đàm 531, tên gọi của chiếc chiến hạm đã tấn công Gạc Ma năm 1988, thảm sát 64 binh sĩ quân đội nhân dân Việt Nam khi không có khả năng kháng cự. Nhiều năm sau cuộc chiến Gạc Ma, chiến hạm này đã được bán cho Bangladesh, nhưng vì cái tên Xiangtan/Tương Đàm gợi nhớ về chiến công hiển hách năm 1988, nên khi đóng tàu mới, chiến hạm Tương Đàm lại ra đời như niềm kiêu hãnh của ngành hải quân Trung Quốc. Điều khác nhau duy nhất là chiếc Tương Đàm cũ, có số hiệu 556, còn chiếc mới có số hiệu 531.
Khi ca sĩ Khánh Ly hát ở Sài Gòn, mọi sự ngăn cấm của các quan chức đều dựa trên ý rằng “không muốn gợi nhớ về một quá khứ không tốt”. Sau năm 1975, hơn 15.000 đầu sách của hai nền Cộng hòa miền Nam Việt Nam bị đốt, bị cấm và bị truy lùng vì cho là “gợi lại hình ảnh và văn hóa đồi trụy”. Hàng chục ngàn bài hát cùng các văn nghệ sĩ miền Nam bị cấm, cô lập như kẻ thù. Thậm chí có người đã phải vào tù vì có “tội lỗi với nhân dân”… Ấy nhưng Tương Đàm, cái tên đẫm máu người Việt ngang nhiên mang quá khứ đi vào hiện tại, từ Gạc Ma vào nơi quan yếu của Việt Nam, Cam Ranh, lại được chính quyền mở champagne chào đón.
Chắc những người được lệnh chào đón ba chiếc tàu chiến Trung Quốc cũng không biết rằng, vào lúc này, Bắc Kinh đã hoàn thành xong vành đai chiến lược để bao vây đảo Trường Sa của Việt Nam. Phi đạn và chiến đấu cơ của Trung Quốc tạo nên một vòng hỏa tuyến từ đảo đá Chữ Thập, Su Bi, Châu Viên, Vành Khăn, Gaven, Tư Nghĩa, nối đến Gạc Ma. Từ đây, Trung Quốc có khả năng uy hiếp trực tiếp Sài Gòn, Cam Ranh và Trường Sa. Tờ Focus Taiwan đưa tin này, mới đây, vào ngày 18/10/2016.
Người Trung Quốc chắc không còn nói chuyện Việt Nam trở về, mà hình như họ chọn cách đi tới, vì mọi thứ đều đã thuận lợi. Hôm nay thì chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã chính thức có chính sách mỗi ngày cho 100 xe Trung Quốc lái thẳng vào Việt Nam. Một sự ưu ái khá lạ lùng và sẽ sớm là chuyện của các cửa khẩu ở những vùng khác noi theo, mà chắc con số 100 xe mỗi ngày sẽ dần chỉ là thông báo ước lệ.
Không lâu nữa, năm 2018, bởi những ràng buộc bởi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), một loại thỏa ước thương mại mà Bắc Kinh lập ra để đối đầu với TPP của Mỹ, từ Trung Quốc, các loại động vật sống dùng để nhân giống; nhiều loại thịt, nhiều loại thuỷ hải sản đông lạnh và hoa quả sẽ được miễn thuế 0% khi vào Việt Nam. Thật đúng lúc, giữa lúc bốn tỉnh miền Trung chịu nạn biển nhiễm độc, lũ lụt tàn phá hoa màu, nhà cửa, giới chăn nuôi khánh kiệt… thì ngay lúc họ chuẩn bị hồi phục, đã bị nhấn chìm trong cơn đại hồng thủy nhập khẩu 0% từ Trung Quốc.
Tôi có kể với bạn về chuyện người Trung Quốc học lịch sử rằng Việt Nam phải trở về mẫu quốc? Có một sự thay đổi nhỏ, có màu máu và nước mắt, là chính quyền Cộng sản Trung Quốc đang sốt ruột đi tới thật nhanh, chứ không đợi ai đó trở về. Cuộc đi tới này lộng lẫy và man rợ không kém gì các đạo quân của Thành Cát Tư Hãn tràn tới: cỏ không thể mọc, con người chỉ còn biết quỳ xuống và ngửa mặt khóc than vì sao đất nước chúng ta lại đến nông nỗi như vầy.
Trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tháng 9 năm nay, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hứa là sẽ sớm quyết việc thanh toán thương mại Việt Nam - Trung Quốc bằng đồng Nhân dân tệ. Còn bà phó Thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Nguyễn Thị Hồng, người tháp tùng thủ tướng, thì hân hoan nói rằng chuyện này không khó, vì lâu nay các tỉnh phía Bắc đã “thử” làm như vậy rồi. Không biết Quốc hội Việt Nam có biết về việc này không? Liệu Quốc hội mới có ít hơn những kẻ ngủ gục, chơi game và xin nghỉ sớm để lên tiếng về những hiểm họa như vậy? Bất kỳ ai có một học vấn tối thiểu cấp trung học, cũng đều hiểu việc Nhân dân tệ hóa nền kinh tế Việt Nam mang đến nguy cơ lệ thuộc như thế nào. Đặc biệt, Trung Quốc đang “đi tới” rất ào ạt trong sự hân hoan của những kẻ như bà Nguyễn Thị Hồng, và trong với bối cảnh vô cùng thuận lợi khi hệ thống Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đồng bộ hô to chương trình chống đô-la hóa bằng quyết định 2589/QĐ-NHNN, hạ lãi suất tiền gừi bằng đô-la.
Trung Quốc đang biến nhiều quốc gia Châu phi trở thành những chư hầu kinh tế, cũng bằng cách dùng nhân dân tệ hóa như vậy. Hiện tại Zimbabwe, Angola và Nam Phi đã trở thành những quốc gia lệ thuộc kinh tế nặng nề vào Trung Quốc khi áp dụng thanh khoản bằng đồng Nhân dân tệ. Bạn nghĩ rằng chỉ là vấn đề thương mại? Áp lực kinh tế này, cũng đã trở thành áp lực chính trị khiến Nam Phi 3 lần từ chối cấp visa cho Đức Đạt Lai Lạt Ma, chỉ vì muốn ve vuốt Bắc Kinh. Đại hội những người đoạt giải Nobel Hòa Bình tại Cape Town ở Nam Phi vào năm 2014, kể cả thị trưởng của thành phố cũng đã tuyên bố hủy hội nghị, nhằm tố cáo vì Pretoria đã cúi đầu trước Trung Quốc. Campuchia cũng vậy, trong vòng xoáy trở thành chư hầu của Bắc Kinh để chống lại Việt Nam, chính quyền này cũng đã ướm việc chính thức thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ, khởi đầu bằng du lịch.
Trong câu chuyện mà người đàn ông nói giọng Bắc, tóc bạc, kể với tôi về cuộc trò chuyện với người Trung Quốc. Giọng cười của ông rất sảng khoái. Một người biết ông, nói nhỏ với tôi rằng ông đã cùng gia đình tim đường định cư ở nước ngoài rồi. Có lẽ, vì vậy mà giọng cười của ông rất nhẹ nhàng, tiếng cười của một người đứng ngoài một nồi nước sôi sùng sục, hé nắp nhìn vào.
Nhưng tôi và hàng triệu con người khác – những người ở trong nồi – chắc không thể an nhiên được như ông. Vì bởi chúng ta là những người ở lại, là những người không có khả năng ra đi hay đã quyết chọn sống còn trên mảnh đất này. Tôi chắc rằng sẽ không có nhiều những kẻ muốn “trở về” trong chiếc nồi đóng kín nắp ấy. Nhưng chúng ta lại chứng kiến một cuộc đi tới, chà xát mọi thứ, không có sự xót thương di sản cha ông để lại. Cuộc đi tới của những chiến hạm Trung Quốc, của những đoàn xe tự do đi lại trên đất nước này, những đợt cuồng phong áp thuế 0% dẫm nát nông dân Việt Nam, và có thể có cả những đồng Nhân dân tệ mà chúng ta sẽ cầm trên tay để làm quen, không còn xa nữa.
Tôi vừa leo ra khỏi nắp nồi ấy, bằng hy vọng và sự thật về quê hương của mình. Và tôi nhận thấy mình có một niềm tin mới, rằng sẽ không có một sự “trở về” hay “đi tới” nào cả. Dân tộc này, đất nước này không thể đi vào khốn khó, nếu người người cùng nuôi hy vọng và nhìn bằng sự thật về đất nước mình, dân tộc mình, và cùng nhau leo ra khỏi nắp nồi đóng kín đó, trước khi quá muộn.

Wednesday, October 26, 2016

Từ đôi mắt bò



Trong hầu hết các vụ quan chức địa phương đến từng nhà tịch thu tiền cứu trợ, với lý do để chia đều cho tất cả mọi người, có một tình tiết đáng chú ý: hầu hết những người bị thu tiền đều bất bình nhưng đành im lặng chấp nhận. Tình tiết này gợi lên nhiều suy nghĩ, đặc biệt rằng quan chức địa phương ở Việt Nam đã trở thành loại cường hào ác bá từ bao giờ, mà không ai dám phản đối công khai.
Hai tiếng nhân dân giờ âm vang xót xa và chịu đựng. Họ là tầng cuối cùng trên đất nước này, bị dẫm đạp, bị tước đoạt mà không hề dám cất lên một lời phản kháng. Số phận con người hèn mọn như ngọn cỏ trong đất nước mà nơi nào hai tiếng nhân dân cũng được đọc lớn, kẻ hoa. Tự nhiên, tôi nhớ đến con bò thoi thóp sống trong mùa bão lụt vừa qua ở miền Trung.
Trong trận lụt kinh hồn táng đởm trung tuần tháng 10/2016, Quảng Bình gánh chịu những đau thương không bút mực nào tả xiết. Những con số đếm giản đơn cho biết cả ngàn ngôi nhà ngập đến nóc, ruộng vườn hoa màu chìm trong biển nước. Gà vịt trâu bò chết lặng theo con nước dâng. Những con số đếm nhạt nhẽo nhưng căng phồng hàng ngàn câu chuyện về sống chết và phận người quẫy đạp để sinh tồn.
Trên các trang mạng xã hội. Người ta chuyền tay nhau bức ảnh vể một con bò, được chủ nuôi treo đầu cao khỏi mặt nước để không chết chìm, nhưng nước thì đã ngập đến mũi. Đây có thể là bức ảnh bao quát nhất, chỉ có cái đầu và đôi mắt tuyệt vọng, mệt mỏi của con vật, nhưng lại như nói hết, gào thét hết được trong thinh không về con người, về quê nhà, về nỗi đau và tương lai.
Không biết bức ảnh mờ nhạt, hay ánh mắt của con bò đã đục dần trong giờ phút hiu hắt của sự sống. Đôi mắt là người ta nhớ đến nhân vật phu kéo xe của Nguyễn Công Hoan. Người đàn ông mệt mỏi, kéo xe kiếm cơm qua ngày, thở dốc với từng ngày sống, mà nhà văn xứ Bắc Ninh mô tả rằng đôi mắt mờ đục, gượng sống như trái nhãn, không còn nhìn thấy tương lai.
Cũng cùng trong ngày tháng đó, thế giới chứng kiến một giải Nobel Văn Chương đến lạ, vì giải được trao cho một người chọn một đời hát rong ở Mỹ. Có không biết bao nhiêu là bất bình cũng như hân hoan trước sự kiện này. Thậm chí những người bảo vệ giá trị văn học, coi việc trao giải thưởng này như một sự sỉ nhục đối với giới cầm bút.
Vì sao Viện Hàn Lâm Thụy Điển lại có một quyết định bất thường như vậy? Tổng thư ký thường trực của Viện Hàn Lâm Thụy Điển là bà Sara Danius nói rằng Bob Dylan đã là người gợi nhớ lại thời kỳ thi ca Hy Lạp cổ, với những cách sáng tác và phổ biến thơ không khác gì các thi sĩ Homer và Sappho từ hơn 2500 năm trước”. Tạm gác lại các điều tranh cãi về đúng-sai. Điều mà Viện Hàn Lâm Thụy Điển quyết định, cho thấy những cái nhìn đột phá và ngẫu hứng. Nó xác định về các giá trị của nghệ thuật trí tuệ không có lằn ranh và định kiến. Sự sửng sốt của những người chứng kiến giải Nobel Văn Chương 2016, không chỉ là kết quả lạ lùng, mà có cả sự phát hiện về quan điểm của Ban tuyển chọn giải Nobel, mà tường chừng đã quá cũ mòn và bị câu nệ bởi các nguyên tắc, cũng như danh tiếng của chính mình.
Cùng một thế giới, cùng một thời gian. Con người ngoài kia mở ra những thách thức và tranh cãi về trí tuệ. Mở ra những lý luận mới về giá trị tinh thần và tương lai. Còn ở nơi đây, Quảng Bình quê chúng ta, người ta chỉ còn loay hoay và cuống cuồng nghĩ ra cách dùng một sợi dây để treo đầu, cứu sống một con bò.
Thật nghiệt ngã. Nước dâng cao ngập mái nhà. Ngập ruộng vườn và cuộc sống, lại khiến người Việt nghĩ nhiều hơn về số phận của mình.
Không phải thiên tai cố “cực đoan” mà mỗi ngày mưa lũ càng nhiều. Ngay trong các thành phố lớn, mưa chỉ cần kéo dài vài tiếng, nội thành đã không khác gì phố biển. Quảng Bình, Hà Tĩnh, Lào Cai, Cần Thơ, An Giang… khắp nơi đang đối diện với lũ lụt, sạt lở như chuỗi tin dữ của ngày phán xét.
Người dân Việt đang phải trả giá cho những gì mà họ không làm. Nỗi oan khiên này cay đắng biết dường nào. Từ năm 1993, người dân xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã kêu cứu khắp các nơi về chuyện Lâm trường Bố Trạch - do ai đó chống lưng, ban bệ nào bao che để cùng chia chác – đã tàn phá liên tục rừng đầu nguồn. Cả tỉnh Quảng Bình có diện tích tự nhiên 173,75km2, trong đó phần lớn rừng. Người dân đau xót kể lại rằng nơi đây ngày xưa chim muông khắp nơi, cổ thụ thì lớn đến mức 4-5 người chia nhau ôm mới hết vòng… nhưng Lâm trường Bố Trạch hủy diệt tất cả. Đến năm 2013 thì đợt lũ dầu tiên quét sạch mọi thứ do rừng không còn đã diễn ra. Thiên nhiên chết dần, mà con người đứng ra bảo vệ rừng cũng bị tấn công, bắt bớ. Tháng 12/ 2014, đã từng có những cuộc xung đột lớn giữa dân chúng và phía Lâm trường Bố Trạch, nhưng tiếng kêu của dân chúng không thấu được đến đâu cả.
Hôm nay lụt tràn về Hà Tĩnh, mà nguyên nhân chính là nhà máy thủy điện xả lũ vô trách nhiệm. Giải trình của chính Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Tĩnh cho biết, bởi mưa lớn cộng với nhà máy thủy điện Hố Hô xả lũ với lưu lượng từ 500 m3/s - 1.800 m3/s, hồ Bộc Nguyên xả 150-200m3/s... đã làm cho địa phương bị ngập lụt.
Chuyện nhà máy thủy điện xả lũ vô trách nhiệm, coi thường tài sản và mạng sống con người không còn là chuyện lạ. Ở Việt Nam, nơi đâu có nhà máy thủy điện là nơi đó có sự cố xả lũ. Lời trách yêu của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh với nhà máy thủy điện Hố Hô rằng “Xả lũ hết cỡ như thế dân không kịp trở tay”, cũng vô trách nhiệm không kém. Sống và chết của hàng ngàn con người ở Hà Tĩnh như vậy đó, chỉ được giải đáp bằng những lời vuốt ve nhau lấy lệ. Nỗi đau thì con người vốn đành cam chịu đã lâu. Có thể chôn kín trong lòng đến tận mộ sâu. May ra chỉ còn đôi mắt mờ đục và tuyệt vọng của con bò hôm nay, là để minh chứng cho cây độc đã đơm hoa kết trái, mà kẻ gieo xuống, không phải là dân lành.
Đôi mắt của con bò cố sống sót ở Quảng Bình hôm nay, sẽ đi vào lịch sử. Nó là bức tranh hiện thực đau nghiến, nhưng căng phồng những nỗi niềm mà người dân cũng đang loay hoay và cố sống sót như chính con bò của mình. Gần một thế kỷ sau, hình ảnh đôi mắt của một con người không tương lai của Nguyễn Công Hoan lại ám ảnh người xem, nhưng lần này còn thấp hơn nữa, qua số phận một con vật.
Con bò vô danh ấy thật may mắn. Vì nó có được người chủ tử tế và nghĩ đến nó. Còn hàng triệu con người Việt Nam khác đang đối diện với môi trường đang vào thảm họa, ai sẽ cứu họ trong một ngày mai đầy thảng thốt? Và tương tự những người dân sống sót qua thảm họa, lại bị tước đoạt cả phần cứu trợ của mình, sự chịu đựng của một dân tộc ngày càng sâu hoắm và khủng khiếp ấy, khi nào mới chạm đáy và người người tỉnh giấc?

Friday, October 7, 2016

Thời điểm để đứng lên hát lời công lý


Vũ Sinh Hiên, nhà Chép sử - Nghiên cứu lịch sử Công giáo

Trò chuyện với ông Vũ Sinh Hiên
Ông Vũ Sinh Hiên, một nhà chép sử và nghiên cứu Công giáo độc lập. Trước năm 1975, ông hoạt động trong Liên Đoàn Sinh Viên Công Giáo / Đại Học Sàigon, trong Phong Trào Trí Thức Công Giáo - PAX  ROMANA -. Một năm trước khi chế độ VNCH thất thủ, ông là Ủy Viên Tuyên Truyền - Nghiên Cứu - Huấn Luyện của Ban Chấp Hành Trung Ương Caritas Việt Nam"
Sau năm 1975, cùng hoàn cảnh với những người cùng thời với ông như Nguyễn Ngọc Lan, linh mục Chân Tín… ông Vũ Sinh Hiên bị công an theo dõi và ngăn cản suốt trong một thời gian dài, do các hoạt động nghiên cứu, hội họp trong giới tín ngưỡng của ông. Sau đó, ông tập trung vào nghiên cứu và ghi chép những đề tài lớn về Công giáo và xã hội, trong đó có đề tài “Những vấn đề giữa Công giáo và Cộng sản”, xuyên suốt từ năm 1945 cho đến nay.
Nhân sự kiện hàng trăm ngư dân miền Trung nộp đơn đòi Formosa và Nhà nước Việt Nam bồi thường sau thảm họa môi trường biển, đặc biệt là từ cuộc biểu tình của gần 18.000 người đòi công ty Formosa phải ngừng hoạt động và dọn ra khỏi Việt Nam, ông Vũ Sinh Hiên đã cho biết thêm nhiều chi tiết đáng lưu ý, liên quan đến cột mốc dân quyền lịch sử này.

Đã có hai lần, mỗi lần hơn 600 gia đình ngư dân ở miền Trung nộp đơn, đòi Formosa và Nhà nước phải bồi thường. Như ông đã nhận định đây là một cột mốc lịch sử của người Công giáo hành động vì xã hội, tổ quốc. Ông có nghĩ rằng mọi thứ rồi sẽ có một kết quả tốt?
Tôi muốn nhắc cho mọi người nhớ rằng, những gì đã diễn ra, chỉ có một lời giải, đó là chính quyền hiện nay đã quyết tâm che chắn cho công ty Formosa. Họ sẽ làm mọi cách. Mọi thứ là trùng trùng lớp lớp ngăn chận người dân tiến đến công lý. Công an đã chặn xe, đã làm khó người nộp đơn. Giờ thì họ sẽ nhân danh rằng Formosa đã sòng phẳng, đã giao 500 triệu đô-la, nên chính quyền sẽ tìm mọi cách bảo vệ công ty này. Và cách đối phó của họ - có thể đoán trước - là Formosa sẽ đẩy hết mọi trách nhiệm cho chính quyền, từ chối trả lời người dân.
Tự bản thân tôi, với những điều đã ghi nhận từ các bài bản đối phó của nhà nước cộng sản, tôi tin vụ kiện này có giá trị khởi đầu nhưng khó có được kết quả về sau. Nhưng quan trọng hơn hết, việc nộp đơn kiện là một hành động đẹp. Đẹp cho xã hội, đẹp cho dân tộc.
Điểm quan trọng mà bất kỳ ai cũng có thể thấy được, là tính đoàn kết và đùm bọc lẫn nhau giữa người công giáo và lương giáo. Ví dụ cụ thể nhất là cuộc biều tình ngày 2/10/2106 tại Kỳ Anh, được ước tính là có đến 18.000 người tham gia vừa qua. Dù chủ trương hoàn toàn vì công lý và minh bạch, nhưng liệu điều này có khiến phía chính quyền đáp trả từ sự lo ngại không?
Chắc chắn là họ lo ngại. Hiện nay, thống kê khá chính xác cho biết Công giáo thật sự chỉ có khoảng 6-7 triệu tín đồ, nhưng đó là một lực lượng không dễ xé nhỏ, bẻ gãy. Người Công giáo lúc này không còn dễ đàn áp.
Hãy nhớ lại những chuỗi sự kiện mà người Công giáo đã trãi qua và dần dần có kinh nghiệm thì sau các biến động ở giáo xứ Thái Hà, tòa Khâm Sứ Hà Nội,  thì các nơi đang đối đầu với những sự sách nhiễu như Dòng Phao Lô Hà Nội, Mến Thánh GIá Dòng Thủ Thiêm… đã có đủ kinh nghiệm để phản ứng mạnh mẽ. Đặc biệt là Dòng MTG Thủ Thiêm, vốn đang nằm trong tầm ngắm của chính quyền quận 2, đã có được bài học về việc chính quyền giải tỏa chùa Liên Trì.  Mọi thứ sẽ rất phức tạp nếu chính quyền chạm tay vào khu vực ấy.
Tôi nghĩ những hành động vừa rồi của người Công giáo Kỳ Anh nói riêng, và người Công giáo Việt Nam nói chung là điều nên làm, cần làm. Nếu vào lúc này người Công giáo không hợp lực và hành động thì sẽ không có ai dấn thân cho người dân đang bị nạn ở miền Trung. Hãy nhìn từ sự kiện chùa Liên Trì sẽ thấy, đó là phần cô độc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong bối cảnh hôm nay. Lợi dụng điều đó mà chính quyền đã tàn phá ngôi chùa.
Trong các ghi ghép của tôi về việc giao tiếp của người Công giáo và chế độ Cộng sản, thì từ 1945 đến nay, lần đầu tiên người Công giáo đoàn kết và cùng đứng lên mạnh mẽ như vậy. Người Công giáo đã nhẫn nhịn để có những cuộc diễn tập qua các vụ ở Thái Hà, Tòa Khâm sứ… Tuy vui mừng nhưng tôi vẫn lo ngại, vì đảng Cộng sản đã chọn phía đứng che chắn cho công ty Formosa nên kết cục khó lường, thậm chí người dân có thể sẽ phải trãi qua những bách hại.
Thưa, ông vừa nói về sự đoàn kết là sức mạnh. Xin được hỏi ông rằng lịch sử của những người Công giáo đi cùng tiếng nói của nhân dân từ năm 1975 đến nay, vẫn có những trường hợp dường như rất cô đơn ngay trong chính giáo hội của mình. Chẳng hạn như trường hợp linh mục Nguyễn Văn Lý ở Huế, linh mục cha Ngô Quang Kiệt ở Hà Nội… Vậy thì các hoạt động vừa rồi của linh mục Đặng Hữu Nam hay linh mục Trần Đình Lai, thậm chí là với Đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp, đó là hành động tự phát hay đã có sự đồng thuận của Hội đồng Giám mục Việt Nam?
Tôi biết ở Giáo phận Vinh, chẳng hạn linh mục Đặng Hữu Nam, thì nhận được sự đồng thuận. Tin tức từ Vinh cho tôi biết, giáo phận có cả một bộ phận đặc trách nghiên cứu về các vấn đề pháp luật, xã hội, hướng lý… luôn gắn kết với Đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp.
Nhưng cô đơn là một ý nghĩa chính xác. Vì giáo phận Vinh cô đơn ngay trong Giáo hội Việt Nam. Hoạt động của Công giáo ở Việt Nam có những điểm đặc biệt: mỗi giáo phận đều hoạt động biệt lập và chỉ trực thuộc Vatican. Và đôi khi một giáo phận có hoạt động khác biệt thì thường chỉ nhận được sự im lặng từ các giáo phận khác. Có chăng thì có một vài tiếng nói của linh mục Nguyễn Văn Lý ở Huế, Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt, và có một vài tiếng nói của các vị đã nghỉ hưu như Tổng Giám Mục Hoàng Đức Oanh… Mà với kinh nghiệm của mình, thì tôi lo ngại rằng ngay trong Giáo hội cũng đã không có sự đồng thuận. Và tôi sợ rằng ngay trong hàng Giám mục của người Công giáo cũng không có nhiều những người can đảm.
Vậy thì rõ là trong Giáo hội cũng không thống nhất được về việc sống và đứng cùng hoạn nạn của nhân dân. Nhưng trong những ghi nhận của ông, thì loạt hành động vừa rồi của những giáo dân miền Trung, giáo phận Vinh có cô đơn trong chính những tín hữu Công giáo của mình hay không?
Tôi cũng đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về điều này, và nhận ra rằng giáo dân cả nước thì đồng thuận với những gì diễn ra ở Kỳ Anh, ở Giáo phận Vinh. Nhưng với hàng giáo phẩm nói chung từ Bắc chí Nam thì tôi không chắc. Vì hiện ngay cả với một vị Tổng giám mục ở Sài Gòn cũng là một người thích đi hàng hai, thích có địa vị về tín ngưỡng, nhưng cũng thích ve vuốt chính quyền. Đó là chưa nói đến nhiều linh mục vậy. Chính vì vậy mà tôi vừa kính trọng, vừa lo lắng cho những linh mục đang dấn thân cho con chiên của mình, cho nhân dân như linh mục Đặng Hữu Nam, linh mục Trần Đình Lai… vì họ cô đơn trên con đường của mình.
Công giáo đã từng rất cô đơn khi chính quyền Cộng sản cho ngang nhiên hạ thánh giá ở miền Bắc, một giám mục ở phía Nam đã quay lưng, nói rằng “chuyện của Giáo phận nào thì giáo phận ấy tự lo”. Hoặc ngay trong lúc cả nước, người Công giáo cùng toàn dân xuống đường phản đối ô nhiễm môi trường, cá chết và biển chết, thì cũng có một Tổng Giám mục từng lạnh lùng tuyên bố rằng “không nên đi biểu tình làm cản trở lưu thông”.
Cũng như những điểm yếu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Giáo hội Công giáo Việt Nam cũng có những điều ngặt nghèo tương tự như vậy.
Vậy thì, nếu như công việc đứng cùng nhân dân của giáo phận Vinh gặp khó khăn, Hội đồng Giám mục Việt Nam có khả năng sẽ làm ngơ?
Tôi không nghĩ đến lúc giáo phận Vinh gặp khó, mà ngay lúc này, người Công giáo Việt Nam đang chờ nghe tiếng nói của Hội đồng giám mục Việt Nam. Là một người Công giáo, tôi cũng chờ tiếng nói của Hội đồng Giám Mục Việt Nam đứng về phía lẽ phải, về phía công lý và con người Việt Nam.
Lúc này là lúc mà Hội đồng Giám mục Việt Nam cần chứng minh sự đoàn kết và tương ái của người Công giáo với nhau, của người Công giáo với dân tộc mình. Chúng tôi cần một tiếng nói đồng thuận và lời kêu gọi cầu nguyện cho giáo phận Vinh – nơi đó, đồng bào mình và dân tộc mình đang chấp nhận nguy khó để đến lẽ phải và tình thương.
Nhưng có lẽ, điều mà tôi cũng như nhiều giáo dân khác hy vọng, sẽ có thể từ Tân Hội Đồng Giám Mục Việt Nam vừa mới được bầu tại Hội Nghị lần thứ XIII của HĐGMVN họp tại Tp.HCM từ ngày 3 đến 7 - io - 2016. Ban Thường Vụ mới của HĐGMVN sẽ gồm các Giám Mục ;
Chủ Tịch : Đức Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, GM giáo phận Thanh Hóa
Phó Chủ Tịch : Đức Giám Mục Giuse Nguyễn Năng, GM giáo phận Phát Diệm
Tổng Thư Ký : Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm, GM giáo phận Mỹ Tho
Phó Tổng Thư Ký : Đức Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên, GM giáo phận Hải Phòng
Ba trong bốn vị giám mục trong Ban Thường Vụ mới này đang coi sóc các giáo phận miền Bắc. Hai Đức Cha Chủ Tịch và Phó Chủ Tịch đều đã long đong lận đận kể từ sau năm 1975 mới được lãnh sứ vụ Linh mục, rồi Giám mục. Đức cha Phó Tổng Thư Ký trẻ trung coi sóc giáo phận Hải Phòng thì ngay những năm tháng đầu của đời tận hiến của ngài, cũng đã từng chứng kiến những đắng cay của vị giám mục tiền nhiệm Khuất Văn Tạo và của Cây Đại Thụ Phạm Hân Quynh
Tôi biết rất nhiều linh mục muốn hành động với con tim chân chính của mình, nhưng họ bị trói buộc bởi những luật lệ và nguyên tắc. Mà một trong những trói buộc đáng sợ là những hàng giáo phẩm thích sống và chìu chuộng nhà nước thế quyền để tận hưởng vị trí của mình. Nhưng tôi tin là sự kiện ở Vinh sẽ tạo nên một làn sóng thức tỉnh. Thức tỉnh không chỉ với người dân nói chung, mà còn với những người chăn chiên ngủ quên nói riêng. Không có gì hơn lúc này, đây là thời điểm để đứng lên hát lời công lý.

Tuấn Khanh (ghi)