Wednesday, June 25, 2014

Một góc nhìn cho sự xấu xí của người Việt

image



Một trong những câu chuyện được bàn tán trên các trang mạng những ngày cuối tháng 06/2014, là sự kiện một phụ nữ Việt Nam bị bắt vì tội móc túi trên đường phố Malaysia. Bà ta bị trói, bị bắt đứng giữa chợ Kepong Baru cho những người qua lại sỉ vả, đánh và đeo bảng có chữ tiếng Hoa “kẻ cắp”.

Các bản video cũng như hình ảnh, cho thấy một sự sỉ nhục cố ý của cảnh sát Malaysia khi buộc người phụ nữ Việt Nam này phải đứng chịu đựng giữa chợ rất lâu, để cho đám đông – hầu hết là những người nói tiếng Hoa – mắng nhiếc. Không ít người với bộ dạng khá giả, sang trọng đã dừng lại cười cợt và xem đó là một trò vui.

Chuyện xảy ra từ ngày 14/06, sau khi lan tràn trên các trang báo của Singapore và Malaysia, nay đã đến Việt Nam. Rất nhiều cảm xúc trái ngược đã xuất hiện trên mạng về sự kiện này, nhưng rõ ràng nó làm đau lòng con người Việt Nam vô cùng, ở mọi góc độ. Trong những ý kiến mà tôi nhận được, khi tôi giới thiệu bản tin này ở trang facebook của mình, có hai lời nhắn phản hồi, nổi lên trong những lời bình luận, làm tôi chú ý. Một là đề nghị đừng tiếp tay đưa những tìn này vì có hại cho người phụ nữ đó, cũng như bộ mặt Việt Nam. Một lời nhắn khác thì không tin nổi đó là người Việt Nam và nghi ngờ đó là một sự nhầm lẫn. Tâm trạng chung của hai lời nhắn đó đầy xót xa, phản ánh rõ một tâm thức của người Việt đầy bối rối trước những biến động của con người, thế hệ và thế giới mà họ quá sức tổn thương trước những điều không lý giải nổi.

Đâu phải bây giờ, hơn một năm nay, hai chữ Việt Nam đã rộ lên, là vấn đề của các quốc gia đón khách du lịch đến. Từ Nhật đến Hàn, từ Thái đến Đài… ở đâu cũng nhìn thấy điều làm chạnh lòng người Việt, chạnh lòng nghĩ đến nếp nhà từng có, và cũng tự vấn “Vì sao? Vì sao chúng ta trở thành xấu xí trong mắt mọi người?”. Từ chỗ ngại ngùng nhắc nhở, thì rất nhiều nơi, nay đã công khai cảnh báo, ghi rõ tên gọi và cân nhắc khi thấy người cầm hộ chiếu quốc tịch Việt. Chuyện ở Kepong Baru, Malaysia, có thể được coi là giọt nước làm tràn ly, nhắc rằng sự có mặt của người Việt ở bên ngoài biên giới đang bị đặt vào vòng kỳ thị, một cách đáng lo ngại.

Hai lời nhắn xót xa nói trên, phản ánh một tư thế chưa chuẩn bị kịp để đối diện trước đột biến của thời cuộc, và có thể thấy nó là tâm trạng chung của rất nhiều người Việt Nam.

Với ý kiến nên giữ im thông tin đáng buồn này, cho thấy do trãi qua một giai đoạn dài đất nước không mở cửa, việc né tránh thông tin đã ám ảnh rất nhiều người. Kể từ khi internet là sấm động trong đời thường, không câu chuyện nào là scandal lại không dịch chuyển với tốc độ ánh sáng, đến trước cửa từng ngôi nhà. Từ chối tiếp nhận để yên lành trong thế giới vô trùng là một lựa chọn, nhưng đó cũng là cách tự làm yếu mình trước những điều biến động sẽ đến trong tương lai mà mình không thể tránh khỏi. Từ chối biết và suy nghĩ, có thể biến mình thành kẻ vị kỷ và không dám nhìn thấy sự thật.

Với ý kiến khác, không chịu nổi những điều xấu xí thuộc về dân tộc mình, cũng là một khía cạnh của nỗi xót xa. Việc không chịu nỗi và nghi ngờ trước sự thật, cũng có thể được coi là một cách từ chối đồng bào của mình, khi cảm thấy xấu hổ về họ. Lâu nay vẫn có những chuyện kể người Việt khi ra nước ngoài, khi được hỏi từ đâu đến, thường nói dối mình là người Trung Quốc, Đài Loan, Lào… để tránh bị phân biệt đối xử. Nghe qua tưởng chừng như là chuyện cười vô hại, nhưng thực tế đó là một sự chối bỏ đáng buồn giữa nghịch cảnh của đồng bào mình. Nhưng lâu nay, dường như người càng học cao, tự cho mình là đẳng cấp trong xã hội, lại rất hay vướng vào điều này.

Người Việt đã trãi qua nhiều khốn khó, sự kiện một phụ nữ Việt ăn cắp bị bắt, làm nhục tại Kepong, Baru nhắc lại những điều chúng ta đã đổ vỡ, nhắc những điều chúng ta cần làm nhưng chưa thể. Dùng một trạng thái tự ái dân tộc của hiện tại rực đỏ để che lấp những những ý thức cho tương lai là điều không nên: nó chỉ kéo người Việt thấp hơn trong nhân cách hay tư thế. Đôi khi tầm thường như những người Nhật dọn rác trên sân bóng sau trận đấu ở World Cup, có thể tỏa sáng hơn những người Malaysia gốc Hoa đứng lại và tát tai người đàn bà Việt giữa chợ.

Giờ phút chúng ta nhìn lại, giữ lại cho dân tộc mình đã đến. Giờ phút đó gõ cửa từng ngôi nhà và nhắc rằng chúng ta là một dân tộc có 4000 năm văn hiến. Giờ phút buộc chúng ta nhớ lại rằng lịch sử cha ông đã không hề xấu xí như hôm nay: Lịch sử của một dân tộc hiền hòa biết kính trên, nhường dưới, thương trẻ mến già.

Cuộc sống có đúng sai, nhưng không có chỗ cho cái ác, như chúng ta nhìn thấy ở đám đông người Hoa tại Malaysia. Việt Nam có thể có một người ăn cắp nhưng Việt Nam đã không tiếc sức để tìm kiếm những người Malaysia, người Hoa không quen biết trên chiếc máy bay MH-370 bị mắc nạn trên đại dương. Trong những dòng tin nhắn mà tôi nhận được, có một câu đáng nhớ, ghi rằng “Thật xấu hổ cho người phụ nữ Việt Nam này, nhưng còn xấu hổ hơn nữa cho đất nước Malaysia”.

Không có một dân tộc nào trên thế giới hoàn hảo đến mức không tì vết. Người Việt cũng vậy. Nếu chúng ta mở lòng, mạnh mẽ đón nhận mọi sự thật và tiến về tương lai theo mầm tử tế từ trái tim mình, mọi nỗi đau chỉ khiến chúng ta trở nên lớn hơn, cao cả hơn.

image

Sunday, June 22, 2014

Vì đời em cần một bình minh, nhỉ?

image



Ngày cuối tuần, vô tình gặp 2 đứa nhỏ bán vé số giữa đường. Thằng anh đi trước, thằng em lếch thếch theo sau. Những hình ảnh đó vẫn tràn đầy trên đất nước này, nhiều n mức mỗi ngày nhìn thấy mà không còn xúc cảm.

Hỏi chuyện mấy câu, rồi cho tụi nó ít tiền để đỡ chút khó nhọc. Lại thấy trong túi còn mấy viên kẹo, bèn móc đưa cho tụi nó. Hỏi rằng "con thích không?". Thằng cu nhỏ trả lời ngay "thích". Thấy vậy, nên dạy rằng "mai mốt trả lời người lớn, con phải nhớ dạ, thưa nghe". Thằng anh đứng sau, mặt đang sướng vì vô tình được quà, buột miệng nói "nó chưa biết đâu chú, nó mới 4 tuổi".

Miệng mình thì cười, nhưng lòng bấn loạn nhất thời. "4 tuổi?". Mình đã thấy rất nhiều trên FB hay báo chí hình ảnh các đứa bé 4 tuổi trắng trẻo, hồng hào, no đủ cùng với cha mẹ cười vui hạnh phúc. Cũng là trẻ con xứ Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhưng sao số phận cách biệt khó tả.

Thằng nhỏ nhìn dày dạn như đứa 6 tuổi, Thằng anh 7 tuổi thì nhìn như 9, 10 tuổi. Có lẽ chúng dày dạn nắng mưa và đã thất thểu hàng trăm cây số vào đời. Hàng trăm cây số chưa tìm thấy một bình minh nào.

Hình ảnh cuối cùng tôi còn nhớ là thằng bé 4 tuổi dùng răng cắn bao nhựa hối hả để ăn, như sợ mất đi chút vị ngọt hiếm hoi nhận được. Có thể quan sát gương mặt của đứa nhỏ trong loạt hình đăng kèm.

Làm sao để có một bình minh cho hàng chục ngàn đứa trẻ như vậy ở Việt Nam? Tự thân chúng vận động là một con đường, nhưng nếu chúng ta không nắm tay nhau dựng lại và thay đổi đất nước này, thì e rằng bình minh không những khó tìm ở cuộc đời của trẻ nhỏ, mà vô vọng ở con đường đời còn lại của chính chúng ta.

Chắc sẽ không còn gặp lại 2 đứa nhỏ này. Nhưng nó là một nhật ký buồn bã cần ghi lại, để sống và nhớ.

image



image



image

Wednesday, June 18, 2014

Khi nào bầy cừu biết xấu hổ?

Trong bộ phim Miracle at St.Anna (2008) của đạo diễn Spike Lee, có một đoạn gây nên nhiều xúc cảm trái ngược, nhưng điều đọng lại, đó là một điều đáng xấu hổ cho lịch sử loài người văn minh.

Một nhóm lính Mỹ da đen sau khi tham dự một cuộc chiến ác liệt ở chiến trường Châu Âu vào thế chiến thứ 2, tâm trạng vừa thoát được mặc cảm mình chỉ là một chủng tộc bị coi thường, khi tiến vào một quán kem của người da trắng đã bị từ chối phục vụ. Sự tổn thương đến cùng cực của những người lính này đã không thể nào diễn tả được, nhất là khi họ vừa đi từ chỗ chết trở về, để bảo vệ những người dân Mỹ, trong đó có những người Mỹ da trắng vừa lịch sự từ chối họ, như một bầy cừu trắng không chấp nhận những đồng loại khác màu.

Câu chuyện này được kể lại, như một so sánh cho điều có thật, vào tuần thứ hai của tháng 6/2014, xảy ra tại khu du lịch Đầm Sen. Một tổ chức liên quan đến Đoàn thanh niên CS mở ra chiến dịch vận động cho môi trường cho nước sạch, tiết kiệm nước tại Việt Nam, đã làm một chương trình khá hoành tráng, thậm chí dự định sẽ mở rộng toàn quốc để kêu gọi mọi người chia sẻ và ý thức về môi trường. Dĩ nhiên, có chương trình thì phải có nghệ sĩ biểu diễn để thu hút công chúng. Khi người chịu trách nhiệm văn nghệ trong ban tổ chức tham khảo về danh sách ca sĩ tham gia, đã từ chối hai cái tên Lam Trường và Tiêu Châu Như Quỳnh. Lý do đưa ra khiến những người biết chuyện đều ngỡ ngàng “do tình hình thời sự nhạy cảm, nên không thể sử dụng ca sĩ gốc Hoa”.

Lam Trường và Tiêu Châu Như Quỳnh chắc không xa lạ gì với khán giả, thậm chí họ đã từng đóng góp rất nhiều cho các chương trình từ thiện, xã hội… suốt nhiều năm nay. Tin nhỏ này chẳng mấy chốc lan đến tai những người nghệ sĩ này. Dĩ nhiên, im lặng thở dài là nhiều duy nhất họ có thể làm được. Và cái tin này đáng hổ thẹn này đến với họ, chắc cũng là lúc làm họ ý thức rõ hơn cái "tội" làm người Việt gốc Hoa của mình.

Nhưng ngay cả những người không phải là gốc Hoa trên nước Việt Nam, khi nghe câu chuyện này, cũng chỉ biết im lặng. Cũng giống chuyện như cửa hàng kem người da trắng từ chối những người lính da đen trong phim Miracle at St.Anna, nhóm tổ chức ở Đầm Sen vốn đang hào hùng kêu gọi một ý thức cộng đồng, lại mang đến một phản giá trị cộng đồng, đầy tổn thương một cách đáng ngại cho con người, không khác gì một bầy cừu trắng nông cạn từ chối một đồng loại khác màu của nó mà đạo diễn Spike Lee đã mô tả. Nước Mỹ xem lại những giây phút điện ảnh đó, có không ít người xấu hổ và buồn cho giai đoạn mông muội đó, và câu chuyện này những nhà tổ chức thanh niên bảo vệ môi trường ắt sẽ có một ngày nào đó, sẽ tự soi lại mình, khi bước ra khỏi thế giới quan nông cạn của bầy cừu.

"Cừu" là một khái niệm khá phổ biến để mô tả những biến động trong tư duy con người. Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu cũng từng đề cập đến “cừu” như một khái niệm của loài người thiếu tư duy và chấp nhận đi theo đám đông mà không động não. Cừu cũng là một khái niệm được nhắc tới trong bộ phim Silent of the Lambs (1991) của đạo diễn Jonathan Demme, về việc im lặng và đồng lõa trước nghịch cảnh của đồng loại. Cừu của thời đại mới, có thể khác đôi chút, khi có lý luận cho sự việc của mình, nhưng nhân danh và sẳn sàng đạp lên mọi thứ để an toàn, hoặc xây dựng cho bản thân mình. Giống như phim The Red Violin (1998) của đạo diễn Francois Girard, trong đó một tòa án hồng vệ binh thời cách mạng văn hóa ở Trung Quốc đã hét vào mặt một thầy giáo dạy violin “Nước Trung hoa cách mạng cũng có đàn bốn dây, tại sao lại đi học và dạy loại đàn bốn dây của chế độ tư bản?”.

Câu chuyện của những nhà hoạt động bảo vệ môi trường cao quý này, nhắc tôi nhớ đến năm 2004, khi ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung đang vướng vào một vụ tai tiếng ngoài ý muốn trên internet, tôi mời em ấy vào chương trình một biểu diễn lớn, ngoài trời, có chủ đề đại loại là “vượt qua số phận”. Thế nhưng ngay khi Nguyễn Hồng Nhung bước lên sân khấu, một nhân vật cấp cao ở Thành Đoàn TNCS đã hồng hộc chạy lại giận dữ nói tôi rằng “ai cho phép ca sĩ này bước vào chương trình của Đoàn TNCS? Loại người này không còn được phép đứng trước công chúng”. Một năm sau, rất nhiều những ca sĩ, người mẫu, diễn viên… vướng vào các scandal tương tự ngoài ý muốn như Nguyễn Hồng Nhung, trong đó có người được cả hệ thống truyền hình Trung ương dành giờ vàng lên sóng để xin lỗi khán giả và nhiều tờ báo sau đó vẫn giới thiệu, trong đó có cả sự nâng đỡ của các nhân vật cao cấp Đoàn TNCS. Tất cả những ngôn từ nói về chuyện đó, không ai thấy nói về khái niệm "loại người" của nhiều năm trước tôi từng được nghe.

Não trạng “cừu” có thể xuất hiện, lan tràn trong một thời điểm, khi người ta bình tâm và có đủ lòng tin vào sự tử tế, những điều tệ hại đó sẽ tự đi qua, hoặc im lặng trong xấu hổ. Một ca sĩ quen đi hát ở Bình Dương sau các vụ bạo động gần một tuần lễ, chứng kiến các hình poster của ca sĩ Lương Bích Hữu bị những kẻ cực đoan xé, kể với tôi rằng thậm chí nhiều bầu show ngại mời cô đi diễn vì “nhạy cảm’ với người gốc Hoa, sợ cả khán giả cực đoan sẽ phản ứng với người gốc Hoa. Nhưng rồi điều đó cũng qua đi. Sự xấu hổ của những bầy cừu hưởng ứng về ứng xử phân biệt đó ngu ngốc, giờ chỉ còn là sự im lặng như vết sẹo trong trái tim của chính họ.

Thế giới vẫn hướng về chiều văn minh, và con người cũng cần những sự vận động để hướng cuộc đời mình đến văn minh. Không ai có quyền nhân danh bất kỳ một điều gì để xô ngã người khác trong cộng đồng, nhất là đối với những con người đã cống hiến đời mình, tô điểm cho chính cộng đồng đó. Chuyện trên đây là một ví dụ đắng chát cho một đất nước có 54 dân tộc cùng chung sống, mà tôi ghi lại với ước mong nó sẽ không bao giờ lập lại, đặc biệt gửi đến những con người được giao quyền lực, coi mình là một loại cừu thượng đẳng, sẳn sàng chà đạp lên số phận những người khác.

Wednesday, June 11, 2014

Thái độ

Bản tin văn nghệ thế giới tuần này (5/6/2014), có một chi tiết rất thú vị. Đó là chuyện hàng ngàn dân mạng đang Trung Quốc nổi giận, chỉ trích nữ diễn viên điện ảnh Angelina Jolie vì đã 'dám' gọi đạo diễn Lý An là một tài năng người Đài Loan.

Dĩ nhiên, các lời chỉ trích của dân mạng đang nói tới ở đây, phần lớn là của các phần tử chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đã không thể nào chịu nổi chuyện Angelina Jolie nhấn mạnh Lý An không là một người Trung Quốc.

Trang tin Shanghaiist.com cho biết Angelina Jolie tuyên bố trong buổi họp báo ra mắt phim Maleficent. Trong giờ phút có nhiều người lắng nghe nhất, đứng cùng với diễn viên Brad Pitt, người nữ diễn viên xinh đẹp này đã mỉm cười duyên dáng và nói rằng đạo diễn mà cô yêu thích là Lý An, người Đài Loan (Taiwanese, not Chinese).

Trên mạng xã hội Weibo, Haohao report... đều có những tranh cãi dữ dội, cũng như những lời kết tội, thậm chí gọi người diễn viên lừng danh này là quá thiếu hiểu biết để nhận ra sự đúng đắn. Giới trẻ Đài Loan cũng bắt đầu nhảy vào cuộc tranh cãi để bảo vệ thần tượng của mình. Ngay trên một vài bài dịch của báo điện tử Việt Nam, cũng có nhận định cho là Angelina Jolie đã 'vô tình' khi gọi như vậy. Nhưng nếu bỏ ra ít phút để theo dõi cuộc đời của người nữ nghệ sĩ này, bất kỳ ai cũng có thể thấy rằng, đó là một thái độ, chứ không thể là 'vô tình' hoặc 'không hiểu biết'.

Từ nhiều năm nay, Angelina Jolie nằm trong danh sách đen của công an Trung Quốc vì là một trong những người luôn cất tiếng đòi bảo vệ văn hoá và con người Tây tạng. Bên cạnh những thành công của cô về điện ảnh, Angelina Jolie còn là một Đại sứ Thiện chí, hoạt động nhân đạo xuất sắc của Cao uỷ tị nạn LHQ (UNHCR) trong nhiều năm nay, với tầm hoạt động trãi động từ Châu Phi đến Châu Á.

Thái độ là một giá trị chân chính của người nghệ sĩ, dù đứng ở đâu, dù đang như thế nào. Hành động nhỏ của Angelina Jolie khiến cho những người lâu nay vẫn yêu mến cô không thất vọng về một tính cách mạnh mẽ và nhất quán với sự thật.

Thái độ là một bảng khắc tên danh dự cao quý, mà có thể trong đời một người nghệ sĩ, có thể chỉ có một cơ hội duy nhất để bước vào. Câu chuyện của hôm nay, nhắc nhở rất nhiều điều khiến cho loài người tử tế đã nắm tay nhau, cùng chung niềm kiêu hãnh. Steven Spielberg đã từ chối vai trò đạo diễn lễ khai mạc Olympic 2008 ở Bắc Kinh để phản đối việc đàn áp con người. Trong danh mục thành tích sự nghiệp vĩ đại của Steven Spielberg, có thể đã bỏ trống phần lớn nhất là đạo diễn cho Oplympic, nhưng ông có thể thanh thản, và rực sáng hơn nữa vì thái độ công chính của mình.

Việc đấu tranh bền bỉ, thậm chí lăn xả vào các sự kiện, nhằm giúp cho văn hoá và con người Tây Tạng của Richard Gere hay George Clooney cũng là một thái độ chọn lựa nhất định mà họ mong muốn, giữa lúc cuộc sống thành đạt của họ có đặc quyền hưởng thụ và không cần phải quan tâm điều gì khác ngoài sự nghiệp. Không ai ép được Christian Bale đang đóng phim ở Trung Quốc, đã âm thầm mạo hiểm đi cả trăm cây số, ghé thăm và ủng hộ tinh thần luật sư dân quyền khiếm thị Trần Quang Thành vào năm 2011, sau đó cuộc rượt đuổi của công an Trung Quốc với Christian Bale trở thành câu chuyện nghẹt thở đến mức nhiều nhà nhiều nhà sản xuất phim đề nghị được dựng thành phim.

Ở Việt Nam, lời dạy về thái độ cũng được ghi lại từ rất xưa. Năm 1957, bài thơ Lời Mẹ Dặn của Phùng Quán cũng từng khắc "Đi trọn đời trên con đường chân thật, yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét, dù ai ngon ngọt nuông chiều, cũng không nói ghét thành yêu".

"tuổi tên tinh biểu nay còn lại
Bia đá ngàn năm cỏ mọc tràn"

Nguyễn Trãi, bậc đại trí giả của người Việt từng để lại ẩn dụ cho đời: mọi thứ sẽ đi qua, chỉ còn nhân cách ở lại. Không phải riêng Angelina Jolie, mà với bất kỳ ai, thái độ sống đúng và tử tế là một hành lang dẫn đến căn phòng vinh danh con người và chính mình, với mọi điều trân trọng.

----------------------
Ghi chú: Có một lần vào tháng 6/2014, anh bạn Đùng Một Cái tag vô nhà một câu nói của ai đó, chắc làm ảnh ức lắm. Câu nói đại ý là "chẳng có ai ưa bọn nghệ sĩ quan tâm đến chính trị".
Bài viết này như một lời an ủi, gửi đến anh ấy, cũng như bất kỳ nghệ sĩ nào từng bị mắng câu tương tự như vậy.
Thật ra, lẽ sống thì không cần biện minh. Nhưng ở giai đoạn nào đó, lẽ sống cũng cần được hiển quang để chân lý soi rọi rõ sự khác biệt giữa Người và Con.

Sunday, June 8, 2014

Xin cho một chút núi, một chút rừng

Image

Nhiều năm lắm rồi, ít có ai nghe được một bài nhạc Tây Nguyên nào mới mẻ, day vào trong tim người, như chục năm trước khán giả đã từng nghe, từng say đắm. Những nhạc sĩ trẻ hôm nay từ rừng núi đến thành thị, rất nhiều người lại viết lên những giai điệu rất khác lạ, nghe như đến từ Hàn Quốc hay Hoa Kỳ. Rừng núi trong âm nhạc của họ phai nhạt, tiếng hát cũng heo hút hơi gió trên đồi.

Loay hoay kiếm tìm

Nay Danh là một nhạc sĩ trẻ người Gia-Rai. Từ năm 11 tuổi, khi Nay Danh hát và đàn, mọi người quen biết trong làng đều mừng vì họ Nay của mình xuất hiện một nghệ sĩ. Lâu lắm rồi, mới có một người đi theo âm nhạc, loại nghệ thuật mà người dân tộc thiểu số nào cũng yêu thích, cũng tự hào khi thấy người của mình thành đạt với nó.

 Nay Danh là một cái tên quen thuộc của nhiều người thưởng thức trên mạng. Chẳng có nhiều tiền như bạn bè để làm một album, Nay Danh thu âm từng bài và gửi lên trên mạng để tìm người chia sẻ. Nhưng không hiểu sao các bài hát của Nay Danh có một lượng người nghe rộng lớn đến bất ngờ. Thậm chí có bài như Chiên Lạc Trở Về, Nay Danh hát thành công đến mức nhiều người Việt ở nước ngoài cứ đi tìm vì ngạc nhiên trước một giọng hát nhẹ nhàng, truyền cảm bất ngờ của Nay Danh. “Cô đơn bơ vơ, cất bước trong đêm, tôi như con chiên đi lang thang lạc đường về. Đường đời gập ghềnh, bóng tối vây quanh biết nơi đâu nhà...”, bài hát như kể về những ngày tháng khó khăn của Nay Danh ở thành phố, nhiều điều lạ lẫm.

 Nay Danh nói điều mình vẫn day dứt trong người là gần 30 bài hát sáng tác,dù hầu hết đều có số lượng người truy cập trên mạng rất cao, nhưng chưa có bài nào Nay Danh vận dụng được những làm điệu của đồng bào mình trong đó. “Em rất thích dòng dân ca Nhik của người Gia Rai, nhưng vẫn chưa chuyển vào trong các sáng tác của mình được”, Nay Danh nói. Nhik là một loại hát đối đáp ngắn trên một làn giai điệu sáng và đẹp, đặc thù của văn hóa Tây Nguyên. Lời mới được đặt vào đó để mỗi ngày kể những câu chuyện mới, tâm tình mới.Những bài hát hiện nay của Nay Danh thì lại có khuynh hướng của dòng nhạc pop, với phong cách Anh- Mỹ.

 Khó tả hơn, là trường hợp của Y Kroc, người dân tộc M’nong. Từ ngày bước vào nghề ca hát, và thành danh như một rocker ở thành phố, toàn bộ các sáng tác của anh đều là tiếng Anh. Toàn bộ các giai điệu anh viết hoàn toàn cũng không có dấu vết gì của núi, của rừng. Chỉ còn lại tiếng hát khỏe và nhiều cảm hứng mà cha ông truyền lại cho Y Kroc. Trường hợp của Nay Danh hay Y Kroc không là chuyện cá biệt, mà đang là hiện trạng rất phổ biến của các nhạc sĩ, ca sĩ trẻ Tây Nguyên nói chung hiện nay. Họ có đủ hình ảnh hiện đại nhưng có vẻ như mất dần những nét hoang sơ và bản sắc cần có của văn hóa đại ngàn đang ám ảnh trong từng bài hát, từng con người lúc này.

 Có nhiều lý do để giải thích cho hiện trạng này, nhưng lý do lớn nhất, đó là việc họ buộc phải tự điều chỉnh mình theo dòng chảy của thị trường cho chuyện cơm áo, và cả nỗi sợ hãi về việc không thành đạt hay định hình được trong môi trường biểu diễn quá khắc nghiệt ở đô thị, khiến các nghệ sĩ trẻ Tây Nguyên không đủ tự tin để dành thời gian, tìm tòi, đưa ra cái riêng của văn hóa dân tộc mình.

 Năm 2008, một giọng hát trẻ người Bana xuống thành phố tham gia vào chương trình tuyển chọn tài năng. Chàng trai này có tiếng hát thu hút đáng kinh ngạc, dễ dàng chinh phục toàn bộ mọi người, ngoại trừ một điều là anh ta không thể hát lời nào khác, ngoài ngôn ngữ Bana và các bài hát Bana. Vì tính chất thương mãi của chương trình, người ca sĩ này bị buộc phải tập hát và thuộc lời tiếng Kinh trong một thời gian ngắn, nếu muốn vào vòng trong. Sau khi tập hát liên tục đến 4 tiếng đồng hồ vẫn không thuộc và hát trơn tru lời tiếng Kinh, anh ta buồn bã quay về, bỏ cuộc thi và bỏ luôn giấc mơ hội nhập vào thị trường ca nhạc thành phố. Câu chuyện đó được rất nhiều người trẻ Tây Nguyên kể cho nhau nghe, và cũng là một trong những nỗi ánh ảnh về chuyện muốn tồn tại trong thị trường ca nhạc thành phố, là phải “hiện đại”.

 Ksor Đức, một trong những nghệ sĩ Gia Rai quen thuộc, người nhận được nhiều giải thưởng cho giọng hát lạ lùng của anh, từ Hà Nội đến Sài Gòn. Một lần hát giới thiệu bài hát mới của mình, mặt Ksor Đức lặng đi khi nghe tôi hỏi “Cho anh nghe một cái gì đó thuộc về quê nhà của Đức đi”. Bài hát của Đức giới thiệu đẹp và lãng mạn như một bản tình ca của nhạc sĩ Phú Quang, nhưng mất hút sự dồn dập, sự hoang dã và đập phá lãng mạn, không cần khuôn phép. 2 tháng sau, Đức quay lại, nói mình đang thay đổi. Đức đã trằn trọc, và đang làm tất cả để đến văn hóa của bản làng mình. Anh giới thiệu vài bài hát mới ngập gió cao nguyên. “Về với tôi, nơi đồng xanh, vì tôi thấy nơi này sao quá mệt nhọc”, Đức nhắm mắt hát hào sảng, như một người vừa tìm thấy cánh cổng, tự giải thoát mình.

 

Giấc mơ không hòa tan

 Ksor Đức là một trong những trường hợp hiếm hoi của các nhạc sĩ trẻ Tây Nguyên muốn làm một cái gì đó, vừa phát triển, vừa không đánh mất mình trong một thế giới muôn màu, luôn dễ dàng bị hòa tan vào đó. Đức thậm chí còn mơ ước dứt mọi công việc ở thành phố để quay về quê, để có đủ thời gian sống, hít thở với âm nhạc của bản làng. “Em mong mình có thể cách tân lối hát Ching Cheng (cồng chiêng) đơn giản thành những bài hát hiện đại hơn, để đưa ra ngoài cho công chúng thưởng thức với đủ hương vị hiện đại và mới mẻ hơn”. Ksor Đức nói rằng gần đây anh nhớ nhiều thứ, kể cả chuyện cha của anh là ông Ksor Dau từng là tác giả của bài hát có tên “Câu chuyện về chiếc xe Honda”. Bài hát này nổi tiếng từ thập niên 60 vì sự gần gũi và hài hước khiến ông Ksor Dau trở thành một nhạc sĩ lừng danh của người Gia-Rai. Nội dung kể khi chiếc xe Honda xuất hiện lần đầu trên cao nguyên, đó là mơ ước của nhiều chàng trai, để được các cô gái chú ý, để được thong dong… Giai điệu là những câu hát ngắn, cao và đong đưa như lá cây vui đùa. “Bây giờ nghe lại, em ngạc nhiên vì sao người xưa có thể viết được như vậy, hoàn toàn là âm nhạc bản sắc, như rất mới mẻ”, Đức nói, như một cách tự hối thúc mình.

 Rất nhiều người yêu âm nhạc Tây Nguyên cũng có nỗi lo ngại đó. Sự ra đi không quay về của nhiều nghệ sĩ trẻ đang là sự thấp thỏm, thậm chí đẫn đến việc hành động như của cô Linh Nga Niakdam. “Rõ ràng là giới trẻ nghệ sĩ Tây Nguyên có nhiều điều kiện hơn trước, nhưng cũng mất dần, không giữ được”, Cô Linh Nga Niakdam nói. Việc dựng nên khoa âm nhạc, trường Dam San ở Ban Mê Thuột, cũng nằm trong ước muốn của cô Linh Nga Niakdam, là làm sao đem dân ca Tây Nguyên quảng bá trong thế hệ trẻ và gieo mầm cho việc ứng dụng, phát triển các bài hát này trong đời sống.

Việc các nhạc sĩ trẻ Tây Nguyên xưa đến nay, nếu như được đào tạo âm nhạc bài bản, thì chuyển từ các trường chuyên nghiệp với các bài học cổ điển của Bach, Mozart… rồi bước nhanh vào đời, nối với âm nhạc thời trang của K-pop, của Canto-pop… khiến họ không còn không gian tĩnh tại để nối kết văn hóa của mình vào đời sống. Trường Dam San là nơi gần như duy nhất để gìn giữ, sưu tầm và gây quỹ để phát triển các dự án liên quan đến âm nhạc Tây Nguyên hiện nay.

“Tôi nghe rất nhiều sáng tác mới của bọn trẻ, nhưng không có Tây Nguyên trong đó. Chúng nó đi xa dần, không những âm nhạc và cả đường về quê nhà”, cô Linh Nga Niakdam kể một loạt tên các nghệ sĩ trẻ quen thuộc của Tây Nguyên, từ nam tới nữ. Trong đó, có những người đã quyết đến thành phố và lập nghiệp, chọn cuộc sống nơi đó. “Bản sắc sáng tạo thuộc về tâm thức, mong là một ngày nào đó, chúng nó sẽ nhận ra”, cô nói.

Đúng là có những bất cập trong làn sóng mới của các nghệ sĩ trẻ Tây Nguyên. Nhưng không phải là không có hy vọng. Bunong Boo, một chàng trai người M’nong mới bước vào trường Nhạc Viện TP, đang gây cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ trẻ, bao gồm người sáng tác cũng như ca sĩ đến từ Tây Nguyên khi đưa ra dự án một loạt các ca khúc được hát bằng nhiều song ngữ M’nong và Gia Rai. Thậm chí, anh còn học làm đạo diễn để quay các video clip, dàn dựng cho anh em mình. “Em muốn học giỏi, đi xa để có thể làm được điều gì đó cho đồng bào của mình”, Bunong Boo nói, với nét mặt quả quyết và tự tin. Nay Danh cũng là người cộng tác với Boo trong dự án này.

Trong những dòng nghệ sĩ Tây Nguyên xuống thành phố. Theo lời kể, Họ Nay vốn giỏi về ngôn ngữ và diễn đạt hòa nhã. Âm nhạc cũng như vậy mà dìu dặt, quyến rũ. Họ Ksor thì mạnh mẽ như điềm tĩnh, nên những bài hát của họ luôn có sự sắp xếp chặt chẽ cho sự thưởng thức. Họ Siu thì ngẫu hứng và cao trào, nên luôn gây thu hút. Họ Y hay Bunong thì chứa đựng những bất ngờ của nghệ sĩ tính, và luôn gây thú vị. Trong tất cả những gì mà khán giả yêu âm nhạc được biết về Tây Nguyên, dường như vẫn còn quá sơ sài, quá ít ỏi. Vì vậy, việc nhạt đi một chút bản sắc của những người nghệ sĩ trẻ này không chỉ là điều lo lắng của chính họ, mà còn là nỗi tiếc nuối của con người nơi phố thị. “Giữa phố thị đông người chật chội, tôi bỗng muốn tìm về nơi thảnh thơi…”, Ksor Đức hát như vậy. Biết đi đâu giữa chật chội nhà cao, khói bụi, nếu không là một tiếng hát tự do, núi đồi mang đến, chữa lành cho tâm trí của đồng bằng, trong một phút giây nào đó. Chỉ còn biết mong muốn, rằng một ngày nào đó, chúng ta lại được nghe những ca khúc mới Tây Nguyên, bừng lên, đậm thêm chút gió, chút rừng, chút núi đồi thơ mộng.

 

Friday, June 6, 2014

Khi âm nhạc vẫn là một khu vườn hoang

Những câu chuyện này gây không ít bối rối cho người yêu âm nhạc, nhưng lại là dịp mở toang cánh cửa cho thấy rõ những bất cập của một nền văn nghệ, đặc biệt là âm nhạc, đang hỗn loạn trong các ý kiến, nhận định. Trong dòng chảy của các phát biểu trái chiều nhau, lẫn trong đó có cả sự vội vã cũng như hời hợt về kiến thức và thông tin âm nhạc, trở thành những cây gậy đang đập nát khu vườn vốn đang non yếu và lắm hoang tàn.

Ngẫu hứng tinh ranh

"Ý thức về bản quyền và hiểu rõ giá trị công việc mình làm cũng là cách minh định người nghệ sĩ đó có đủ sức tồn tại với cuộc đời lâu dài hay chỉ là “vật trang trí” cho không gian giải trí tạm thời"

Không chỉ khán giả mà ngay cả giới chuyên môn âm nhạc xuất hiện trên truyền hình cũng dè dặt vì không biết phải xử trí như thế nào, chẳng hạn như với việc Sơn Tùng - một ca sĩ nam đang gây nhiều tranh luận - vì anh tuyên bố việc “ngẫu hứng” trên các beat nhạc của người khác là bình thường. Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp mà lâu nay thị trường âm nhạc vẫn nhầm là “sáng tác”. Việc ý thức không đầy đủ về bản quyền trong thị trường âm nhạc, cũng như thiếu cập nhật kiến thức, có thể là nguyên do của việc nhầm lẫn “ngẫu hứng” trên nền tảng sáng tạo có bản quyền của người khác là hợp pháp.

Không ai có quyền đi vào căn nhà của người khác vốn đã đẹp mọi thứ, và ngẫu hứng tự cho mình là chủ căn nhà đó được. Loại beat nhạc đang nói đến là phần đệm của những ca khúc thịnh hành trên thị trường đã cắt ra phần lời ca như một loại karaoke. Tác giả và nhà sản xuất có thể cho phép việc cover (hát lại) nguyên bản của bài hát này trên nền nhạc đó. Nhưng mọi hình thức “ngẫu hứng” khác (modify) trên nguyên bản nền tảng đó hoàn toàn bị coi là phạm pháp (violation of law) nếu như không thông qua một hợp đồng.

Tương tự, không ai có quyền lấy nền khung cảnh bức Guernica của Picasso rồi “ngẫu hứng” vào đó con bò thay cho con ngựa. Hoặc không ai có quyền lấy toàn bộ nền tảng bộ Tây du ký của Ngô Thừa Ân và “ngẫu hứng” trên đó vai Đường Tăng thành một nhân vật thảm họa âm nhạc nào đó của VN.

“Ngẫu hứng” trên một nền tảng chuyên nghiệp của người khác, và không có sự thỏa thuận với chính tác giả, hàng thế kỷ nay nhân loại văn minh chỉ có một tên gọi chung là “ăn cắp” (piracy). Ngẫu hứng cũng có thể là tên gọi biện minh trong một số trường hợp, nhưng rõ ràng khán giả nhìn thấy nơi đó tính chất tinh ranh của sự việc đã lấn chiếm giá trị tinh thần nghệ sĩ.

Năm 2005, Madonna đã phải gửi thư xin phép sử dụng lại các nốt hòa âm trong bài Gimme gimme của nhóm Abba, dù giai điệu đó chỉ ngẫu hứng cho bà sáng tạo một bài hát khác trong đĩa đơn Hung up. Ý thức về bản quyền và hiểu rõ giá trị công việc mình làm cũng là cách minh định người nghệ sĩ đó có đủ sức tồn tại với cuộc đời lâu dài hay chỉ là “vật trang trí” cho không gian giải trí tạm thời.

Và thể nghiệm bị kết án

Trong khi nhiều tờ báo VN còn đang phân vân không biết gọi tên cho sự việc “ngẫu hứng” nói trên là như thế nào, thì việc chỉ trích bài phối khí cho ca khúc thiếu nhi Đi học của nhạc sĩ Quốc Trung lại diễn ra rất dễ dãi và rầm rộ.

Bắt đầu từ cảm quan riêng của một cây viết nào đó không thích bài phối khí này, vội vã cho suy nghĩ của mình là tối thượng, đã tuyên bố nhạc sĩ Quốc Trung “phá nát” ca khúc Đi học. Thật ngạc nhiên vì cũng trên những trang báo đó, người ta từng thấy những bài nhạc trance vô nghĩa của Lady Gaga được ca ngợi hết lời, hoặc những bài nhạc thời trang ngốc nghếch của một tay V-pop nào đó được nống lên như là biểu tượng thành đạt của nhạc Việt.

Không phủ nhận được công việc của nhạc sĩ Quốc Trung là hết sức nghiêm túc và có tổ chức rất tốt cho tiết mục của chương trình Giai điệu tự hào trên VTV1. Việc Đi học không được khán giả đón nhận như ý muốn là do nhiều yếu tố khác nhau, nhưng không thể gọi là “phá nát” ca khúc đó. Nếu một thể nghiệm sáng tạo thuần Việt, tử tế lại bị xem nhẹ hơn việc lắp ráp một beat nhạc ngoại cho sân khấu, thì hoặc là nền âm nhạc Việt - hay cả âm nhạc lẫn các nhà bình luận âm nhạc Việt - đều đang đứng trước một vực thẳm.

Trên các trang báo giải trí lâu nay từng có quá nhiều thảm họa âm nhạc của VN được tán tụng, thậm chí tô vẽ nhiều kỳ. Và cũng trên các trang báo đó, qua việc “đấu tố” nhạc sĩ Quốc Trung, những cây viết đã không hề chứng minh được sự nhận thức đủ về quyền thể nghiệm, và sáng tạo tự do trên học thuật, là một giá trị tuyệt đối của nghệ sĩ.

Người nghệ sĩ thật sự có thể thành công hay thất bại đó là chuyện rất bình thường và chỉ vậy thôi. Bài hát Đi học vẫn còn đó, không ai có thể “phá nát” được nó. Chỉ có bài hòa âm phối khí đã chưa thể chinh phục được đám đông do hoàn cảnh hay thời điểm của công việc. Thất bại có thể là tên gọi, nhưng gọi tên “phá nát” là một quy kết có tính kết án cho một nỗ lực chuyên môn tử tế.

Âm nhạc là một khu vườn bí ẩn. Thật không dễ để nói hết về nó dù ai cũng có thể đến với nó. Nhưng ngược lại, từ những lời tuyên bố cất lên về khu vườn âm nhạc, người ta có thể nhanh chóng nhận ra đó là người hiểu biết muốn vun đắp cho khu vườn, hay chỉ là cây gậy vô tâm đang tàn phá những xanh tươi đang có.

TUẤN KHANH

20140606-140303-50583032.jpg