Saturday, August 28, 2021

Hóa ra, chỉ có dân là khốn nạn?


Câu chuyện trên báo điện tử Zing về cái gọi là phường An Phú, TP Thủ Đức có hơn 100 đơn hàng bị “bom”, tức tiếng lóng của dân chuyển hàng về việc đặt hàng rồi không nhận, gây xôn xao không ít, và cũng tạo cớ luồng dư luận được định hướng chửi bới dân Hồ Chí Minh là sống vô ý thức, sống khốn nạn.

Câu chuyện này được ông Nguyễn Văn Hải, Phó chủ tịch phường An Phú, TP Thủ Đức mô tả diễn ra ở phường của ông, nhưng không nêu rõ là ai, đã nhanh chóng trở thành câu chuyện để đào bới từ xu hướng ghét bỏ các khác biệt trên mạng xã hội. Trên truyền hình tối 27-8, trong phần livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời", ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông nói rằng nhiều phường ở  HCM xác nhận đã gặp tình trạng này, và ông giải thích đơn giản "Khi cán bộ giao hàng đến thì người dân không nhận và nói 'chỉ đặt thử xem có đi mua thật không'. Họ nói đặt cho biết vậy thôi”.

Ở vị trí của một cán bộ cấp cao về ngành tuyên truyền, câu trả lời gieo hoang mang và không có kết luận đủ của ông Lê Quang Tự Do, là vô trách nhiệm, hay nói đúng hơn là thiếu tư cách để phát ngôn. Việc của một cán bộ lãnh đạo tuyên truyền, không có nghĩa là chỉ ngồi phòng lạnh và đọc tin báo cáo. Việc kiểm tra và tìm hiểu vấn đề của “hơn 100 đơn hàng” đó, là gì, vì sao, và cần có cái nhìn khác hơn khi có tin là một tập thể dân chúng đồng lòng bất tín với chính quyền đến mức cùng nhau làm một phép thử.

Chỉ ít ngày sau đó, trên mạng xã hội đã xuất hiện những lời phản đối của dân An Phú. Nhiều lời bình luận đã kêu gọi chính quyền phải làm rõ là ai, chuyện gì đã xảy ra chứ không thể vơ đũa cả nắm. Cách nói để mô tả đời sống một cộng đồng dân cư ở Sài Gòn hành động như vậy, chính là kiểu ngụy biện đòn bẫy “chính quyền đã làm đúng và tận tâm nhưng hóa ra, chỉ có dân chúng là khốn nạn”.

Khó mà tin vào câu chuyện đó, với lối mô tả một chiều lấp lửng như vậy. Tôi cũng như nhiều người sống ở đất nước này – không chỉ riêng ở Sài Gòn – cảm thấy nghi hoặc về chuyện dân đen dám giỡn mặt với một lực lượng giao hàng có vũ trang trong lúc phong tỏa như thiết quân luật.

Dĩ nhiên, người chịu trách nhiệm ở đây, phải là chính quyền của phường An Phú. Và nếu làm rõ được mọi thứ - nếu có thật và đúng lý - chính những người đang “bom hàng” và quấy rối như một kiểu “chống lại người thi hành công vụ”, cũng cần phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, theo khoản 1, điều 330 BLHS năm 2015.

Người phát ngôn là Nguyễn Văn Hải, Phó chủ tịch phường An Phú, TP Thủ Đức cần có sự giải thích minh bạch, công bố chi tiết các địa chỉ giao hàng mà không nhận, cùng với số điện thoại hay phương tiện liên lạc đặt hàng của họ, để báo chí cũng như truyền thông công dân kiểm tra tính xác thực. Câu chuyện không thể dừng lại ở một lời nói có thể gây tổn thương vô chừng với cả một thành phố, vốn đang bị các trang và cá nhân có mục đích chia rẽ, hạ nhục và tấn công vô cớ. Mà trong thành phố đó, cũng có cả tên công dân Nguyễn Văn Hải.

Ông Hải có thể bị quy vào khoản 2, điều 331, BLHS, với điều khoản “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, nếu không chứng minh được tính đúng đắn và nội dung sai hoàn toàn từ phía người dân. 

Trong tất cả những lần ra lệnh, thay đổi, lấp lửng, tái lập… trong công cuộc phòng chống dịch tại Hồ Chí Minh, bất kỳ người dân nào cũng thấy những bất cập của chính quyền gây ra – dù có đủ một ban tư vấn học giả tên tuổi – mà chính ngay ông bí thư Nguyễn Văn Nên cũng thừa nhận rằng chính quyền đã “lúng túng” và xin nhân dân hãy “lượng thứ”.

Ngay cả việc đưa quân đội vào để vận chuyển, tưởng chừng như là thông suốt, lại trở nên rối rắm hơn khi hủy diệt toàn bộ hệ thống logistics đã trơn tru và chuyên nghiệp của một thành phố có đời sống hiện đại và phức tạp. Hơn nữa các mệnh lệnh duy ý chí còn ép phía quân đội phải làm thêm chuyện mua hàng và giao hàng. Dĩ nhiên, quân đội Việt Nam thì luôn chiến thắng mọi kẻ thù nhưng không phải chiến sĩ nào cũng giỏi phân biệt sữa người già với sữa cho em bé, hoặc thông thuộc mọi ngã đường lắt léo ở Sài Gòn.

Đang có rất nhiều ý kiến trên các trang mạng xã hội, bày tỏ chuyện không tin “bom hàng để thử xem có thật không” từ nguồn tin của ông Nguyễn Văn Hải, Phó chủ tịch phường An Phú, TP Thủ Đức. Nhất là khi người dân phải luôn ứng tiền trước cho chuyện đặt hàng của mình. Chính các thông báo từ các phường ở Thủ Đức cho người dân đã chứng minh cho chuyện này. Sự khốn nạn từ câu chuyện này cần được làm rõ là từ những người dân khốn nạn, hay thất bại trong công việc mới của một địa phương lại được điển hình về khốn nạn, đẩy mọi chuyện cho dân. 

Chúng ta đã nghe nhiều chuyện về sai lầm của người dân trong đại dịch: nào là vô ý thức chạy về quê, nào là làm loạn khu cách ly, nào là chống tiêm vắc xin Trung Quốc làm hỗn loạn điểm tiêm ngừa… Nhưng chỉ có người dân là đủ sự chân thành và nhân tính để mô tả với nhau rằng chuyện gì đang thật sự xảy ra trong đại dịch. Những ngôn từ thấu hiểu và sẻ chia, chỉ có dân và dân với nhau. Không ai khác.

Khủng hoảng và biến động xảy ra là điều không ai muốn. Và bất kỳ chính quyền nào cũng sẽ phải va vấp, thất bại đôi lần với những tính toán để vượt qua sự cố. Nhưng chia nhau những thứ đó, hiểu đúng mọi sự, thì mới đáng gọi là “chung tay” – như theo lời kêu gọi của chính quyền.

Nhưng nếu phía quản trị nhà nước lại trẻ con đến mức bất kỳ thất bại nào cũng lùi lại và đổ lỗi là sự “khốn nạn” của dân chúng, thì đất nước này chỉ còn lại một câu hỏi luôn im lặng tìm về minh bạch theo thời gian: quan chức đang vất vả lãnh đạo một loại nhân dân khốn nạn, hay nhân dân đang nhìn về sự khốn nạn của quan chức? 


Sự tha thứ cho kẻ sát nhân

 


Cuối tháng 8-2021, ở Mỹ diễn ra một sự kiện về luật pháp thật đáng ghi nhớ.

Người đàn ông có tên Sirhan Sirhan, là thủ phạm đã âm mưu hạ sát Thượng nghị sĩ Robert F Kennedy vào năm 1968, được khơi lại niềm hy vọng rằng sẽ được trả tự do vào cuối năm 2021, từ án chung thân trọng tội giết người. Trải qua 16 lần đệ đơn xin ân xá, với nỗ lực của nhiều đời luật sư, cuối cùng thi Sirhan cũng đã nhận được sự chấp thuận vào hồ sơ xét ân xá, ở năm 77 tuổi.

Tuy nhiên, Sirhan sẽ còn phải trải qua 90 ngày thẩm định của California Parole Board (tạm dịch: Hội đồng Ân xá California), và thêm 30 ngày chờ quyết định cuối cùng của thống đốc tiểu bang, Gavin Newsom.

Điều không ai ngờ tới là sức nặng của lời kêu gọi ân xá lần này, có một tiếng nói rất đặc biệt: Douglas Kennedy, con trai của chính người bị sát hại.

Sirhan là một người Palestine sinh ra ở Jerusalem, đã thụ án 53 năm vì tội sát hại thượng nghị sĩ RFK (Robert F Kennedy), và cũng là anh trai của Tổng thống John F. Kennedy.

RFK (Robert F Kennedy) là ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ khi ông bị bắn hạ tại khách sạn Ambassador ở Los Angeles, ngay sau khi có bài phát biểu chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ quan trọng ở California.

Tháng 6-1968, khi cha của mình ngã gục trên con đường đầy người hò reo ủng hộ, thì Douglas Kennedy chỉ mới là đứa trẻ đang chập chững bước đi. Hình ảnh và cái tên Sirhan đã là sự ám ảnh đến vô cùng trong trí nhớ của Douglas Kennedy từ những câu chuyện kể của người lớn và lịch sử ghi lại. Và đến khi ông trưởng thành, nước Mỹ vẫn chưa nguôi sự tức giận của mình về sự kiện một người Trung Đông nhập cư đã bắn vào vị ứng cử viên tổng thống được yêu mến của mình. Nhưng giờ đây, Douglas lại là một trong những tiếng nói mạnh mẽ nhất, kêu gọi việc xin trả tự do cho Sirhan.

Cuộc đời có rất nhiều điều thật kỳ diệu. Nhưng bao dung và công chính thì chưa bao giờ là điều dễ gặp trong cuộc sống đầy vị kỷ hôm nay.

George Gascón, Ủy viên công tố Los Angeles nói câu chuyện giữa vị cố tổng thống RFK và Sirhan là điển hình của chuyện không thể chấp nhận nổi trong tâm lý con người: “Một bên là đáng kính trọng, và một bên là kẻ không ai có thể ưa nổi”, nói với tờ Times of Israel trong ngày 28-8, vị Ủy viên còn xác nhận rằng hơn nữa với chính ông, hình tượng của RFK là điều mà ông vô cùng ngưỡng mộ.

Chính vì vậy, không ai có thể tưởng tượng được cảnh Douglas Kennedy, con trai của người bị hại, là người lên tiếng xin ân xá. Ông Douglas nói đã có lúc khi trò chuyện mặt đối mặt với Sirhan, ông hiểu được con người này, rơi nước mắt vì số phận của hắn. “Tôi từng nghĩ rằng tôi đã sống cả đời với nỗi sợ khi nghe tên ông ta, theo cách này hay cách khác. Nhưng hôm nay, tôi cảm tạ đời mình khi có thể nhìn ông ta, như là một con người đáng để thương xót và yêu thương”, ông Douglas nói.

Phiên điều trần được mô tả rằng Sirhan là một ông già tóc bạc chậm chạp, xuất hiện trong bộ đồ màu xanh, thỉnh thoáng lấy chiếc khăn giấy trong túi ra, và như mỉm cười khi nghe Douglas Kennedy nói về mình. Khi nói với Hội đồng Ân Xá, Sirhan cho biết giờ đây ông đã học cách kiềm chế cơn tức giận của mình và và hứa sẽ sống đoạn cuối cuộc đời yên lành. Những gì diễn ra trong phiên điều trần đó làm người ta ngẩn người về tính công chính của một phiên tòa ở Mỹ, đặc biệt khi luật sư của Sirhan là Angela Berry đã nói rằng sự phán xét con người, cũng tùy thuộc vào giai đoạn, và xin mọi người hãy nhìn vào Sirhan của ngày hôm nay.

“Nếu chúng ta từ chối suy xét đến sự ân xá, dựa trên mức độ nghiêm trọng của một tội đã từng gây ra, thực tế là nó đã tước đi quyền của hàng triệu con người có khả năng đổi thay đời mình. Và nên nhớ sự đổi thay phục thiện chính là sự xét đoán cần thiết, hơn là cứ mặc định một người có là một nguy cơ đối với xã hội hay không”, bà Angela Berry nói.

Sirhan phạm tội khi 24 tuổi, và thú nhận rằng ông đã bị sự điên cuồng của tuổi trẻ thúc đẩy khi nghe thấy một vị tổng thống tương lai của Hoa Kỳ phát biểu trên đài về sự ủng hộ của mình đối với Israel. Sirhan mang đến đất nước tự do phần lý tưởng và hận thù, từ vùng đất mình đã sinh ra, và trở thành nạn nhân của nó.

Câu chuyện của Sirhan ắt hằn là điều đáng để suy nghĩ cho nhiều người, về sự cần thiết của luật pháp và sự bao dung. Nếu ở một thế giới khác đang tràn ngập những phán xét và nhận định dựa trên cảm tính, thao túng chính trị, Sirhan ắt hẳn sẽ không thể có một phiên tòa công chính như vậy, chẳng hạn như ở Trung Quốc hay Việt Nam. Bài học quốc gia làm giàu hay vượt trội sẽ chẳng có ý nghĩa gì, nếu đất nước không nuôi dưỡng được lòng người về sự trắc ẩn và lẽ phải.

Ủy viên công tố George Gascón, đã nói rằng xin hãy xét cho một Sirhan hôm nay. “Tôi yêu mến RFK, nhưng tôi đã cố gạt mọi cảm xúc qua một bên và suy nghĩ về sự bao dung của luật pháp, và thậm chí tôi cố không hình dung người bị hại đã có thể là một tổng thống của Hoa Kỳ, mà chỉ là một công dân bình thường bị hại”. Thậm chí một nhân chứng là Paul Schrade, vốn cũng bị thương do lạc đạn từ vụ mưu sát ấy, cũng ủng hộ việc nên trả lại tự do cho cho một người khao khát được phục thiện ở phần cuối đời mình.

Khi được hỏi về quê hương Jordan của mình, ông Sirhan đã ôm mặt, nghẹn lời, không nói được gì một lúc lâu.

Trong thời đại của xu hướng đám đông thực dụng, sòng phẳng, và thậm chỉ cười chê sự yếu đuối và thiệt thòi của tha thứ; chuyện ân xá nhân vật Sirhan không khác nào một mũi khâu nhỏ cho vết thương tàn bạo trong trái tim của nhân loại hôm nay.

 

 

Thursday, August 26, 2021

Khi quân đội vào thành phố chống dịch

Đã qua vài ngày, kể từ khi người dân Sài Gòn được tin rằng sẽ một đạo quân hỗn hợp tiến vào thành phố với lý do giữ trật tự và chu cấp thực phẩm cho người dân. Sự lo lắng, căng thẳng ban đầu cũng giảm bớt khi thấy mọi thứ tạm trôi qua êm ả, và cũng nhẹ nhàng.

Những lời phản đối việc phong tỏa cùng quân đội, cũng như sự xét nét hình ảnh các binh lính cầm AK-47 nghiêm nghị trên đường đã rộ lên lúc đầu. Chắc có lẽ từ góc nhìn khác, điều này không có gì đặc biệt, nhưng là người sống ở Sài Gòn, lắng nghe và ghi chép nhiều thứ mà con người đô thị này đã trải qua, kể với nhau, tôi tin rằng nỗi sợ từ tiềm thức của họ là có thật.

Sự thiếu thốn thực phẩm, nhìn thấy cảnh bất lực của y tế, và cả không đoán được những gì mà chính quyền Hồ Chí Minh sẽ làm – do lặp đi lặp lại quá nhiều sự thay đổi trong mệnh lệnh – khiến mọi cư dân có mức sống trung bình đều cảm thấy bất an. Hình ảnh nhiều lần, hàng ngàn người bồng bế nhau, mang theo chút tài sản con chạy tung tóe ra khỏi thành phố là một trong những chứng minh rất rõ.

Ngay trong tình cảnh đó, khi số người bị xô vào chỗ cách ly, lây nhiễm lẫn nhau ngày càng nhiều cùng với số người chết dẫn đầu cả nước, nhiều người cảm thấy nặng nề khi quân đội rầm rập tiến vào kiểm soát mọi ngõ, tương tự như trong phim ảnh về sự bao vây cần thiết với một đô thị zombie không có thuốc chữa.

Bỏ qua những lời bình phẩm miệt thị nông cạn về tâm lý sợ hãi của người Sài Gòn – vốn là đô thị đã có đủ kinh nghiệm sống động về chuyện can thiệp của chính quyền và súng, sau 1975 – cái đáng nói là bộ máy truyền thông tốn kém và cơ số hùng mạnh của chính quyền đã hoàn toàn thất bại khi không đem lại được sự yên tâm cho dân chúng. Thay vì trò chuyện đủ và minh bạch với dân chúng, chính quyền đã để mặc cho các lực lượng dư luận viên hay AK-47 tự do nhiếc mắng những người dân đang bất an lo sợ.

Tương tự như chuyện các công nhân, sinh viên, người lao động tự do phải rời bỏ Sài Gòn, phía DLV có hẳn bài bản chửi bới rằng những người chạy đi là kẻ không biết dành dụm, chỉ lo ăn chơi mới cạn túi sớm và vô ý thức chạy về quê. Sự bất bình về đời sống hiện tại lại chồng chất thêm sự phẫn nộ khi phải nghe các giọng điệu vô nhân, từ một lực lượng tuyên truyền được nhà nước nuôi ong tay áo. Nuôi dưỡng những kẻ giòi bọ đó, và như bôi tro trát trấu mặt cả chủ nuôi, liệu có ích lợi gì?

Cần phải ghi nhận những điều tích cực từ khi có sự tham gia của quân đội ở Sài gòn – mà theo giải thích của phía các lãnh đạo là thiếu nhân lực – là thành phố bước vào những ngày có bề mặt yên lặng, không nhiều bất cập như những ngày phía các lực lượng dân phòng, công an… phối hợp chặn giữ.

Những người đối diện với các chốt canh có binh lính cầm AK-47 kiểm soát, kể lại rằng sự tra hỏi của họ cũng chừng mực và hòa nhã. Nhiều người không đủ giấy tờ chứng minh để đi qua các chốt gác, đã được các anh bộ đội yêu cầu quay lại. Từ ngày 23-8 cho đến nay, không nghe nói có vụ biên giấy phạt nào ở các chốt chặn, dù có cả công an địa phương. Điều này khiến người ta tự hỏi, các đợt giãn cách mà lực lượng dân phòng, công an ráo riết chận bắt để phạt người, truy vấn hách dịch và bạo quyền có phải là lý do để cho người dân thành phố bất phục và luôn đem lại sự bất ổn và khinh thị các chốt chặn?

Từ tháng 7-2021, câu chuyện một phường ở Gò Vấp bị lộ văn bản chỉ đạo có tính hệ thống, về việc phải phạt cho đủ số lượng người và tạo ngân sách vẫn là nỗi ám ảnh của người dân về điều gì đó bất minh của chính quyền. Con số hàng chục tỷ đồng của người dân bị phạt, kèm theo nỗi oan ức, bất bình của dân chúng ắt cũng sẽ kèm theo sự đàm tiếu và coi thường giới nhân viên công lực. Thái độ hạ nhiệt của người dân với lực lượng bộ đội so với những ngày đầu hoang mang, có được gọi là lòng tin tạo được từ sự không nhũng nhiễu và đúng mực của phía quân đội?

Có không ít người, lúc đầu đã không chịu nổi cảnh quân đội kè kè súng và xe chuyên dụng ở Sài Gòn. “Chẳng lẽ khi cần thì họ sẽ bắn người luôn sao?”, một người bạn của tôi nhắn, hỏi với sự sợ hãi. Thế nhưng, đến giờ phút này, lính và súng chỉ là một hình ảnh biểu trưng chứ không có gì khác – và cũng có thể đó là cách chọn lựa mang tính phô trương từ một vị lãnh đạo nào đó, mà ở vị trí của người lính, họ chỉ có thể tuân lệnh. Nó khác biệt với các lực lượng ngăn chận giãn cách trước đó: chuyện xô xát và đánh đập dân chúng diễn ra nhưng ít ai dám tố cáo. Thậm chí cả lực lượng bèo bọt nhất là trật tự, dân phòng, dân quân tự vệ… cũng vay mượn hơi thở của lệnh thủ tướng mà khè khạc vào người dân.

Gần nhất là trong tháng 8-2021, nhà báo Mai Quốc Ấn kể trong thư tố cáo của anh gửi đến một vị tướng, rằng khi đến công an quận 3 làm việc về số hàng bị tạm giữ nhân danh chỉ thị 16, anh đã vô cớ bị 2 công an kẹp giữ, để cho một viên sĩ quan công an đánh vào đầu – sau đó anh phải đi cấp cứu. Mà ngay trong lúc anh đang “làm việc” với công an, lại chứng kiến một shipper vi phạm chỉ thị 16, cũng bị đưa về phường để “làm việc” như vậy.

Chưa thấy quân đội bắn hay đánh ai. Trên video của dân chúng ghi lại, thấy mấy cậu lính trẻ lúp xúp chạy giao các gói thức ăn cho khu phố nào đó. Dẫu sao, đó là chuyện đáng nhớ và vui trong lòng. Họ đến, cũng có ý nghĩa rất rõ.

Rồi lại bất chợt nhớ ra. Các hội đoàn phụ nam phụ nữ, thành đoàn cộng sản, kể cả mấy anh công an mật vụ thường phục hay canh nhà dân… cả một hệ thống khổng lồ ăn lương và tiền trợ cấp của nhà nước, sao không thấy được báo chí mô tả tổng lực xắn tay áo vào việc nghĩa – chung tay - giữa đại dịch này? Đất nước thiếu nhân lực, đến mức phó thủ tướng Vũ Đức Đam còn gợi ý các F0 khỏi bệnh hãy tình nguyện giúp chính quyền lúc này. Quân đội bảo vệ biên giới và bảo vệ đất nước cũng được lệnh động viên vào thành thị đó sao?

Vài ngày khi quân đội vào thành phố, nhận ra được nhiều điều. Và cũng giúp thấy thêm được nhiều điều.

Wednesday, August 18, 2021

Tập Cận Bình nói người giàu Trung Quốc cần phải “chia lại tài sản” cho xã hội


Ông Tập Cận Bình vừa có một phát biểu trong hội nghị Uỷ ban trung ương về tài chính và kinh tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 17/8, mà ngay sau khi truyền thông của nhà nước này đăng tải lại, có không ít những người đang có của ăn của để ở Trung Quốc bị rúng động.

Ông Tập nhấn mạnh rằng Trung Quốc phải theo đuổi mục tiêu “thịnh vượng chung”, nơi sự giàu có được chia sẻ một cách công bằng cho tất cả mọi người, như một mục tiêu chính cho giai đoạn phát triển tiếp theo của nước này. Dù ngôn ngữ nghe rất hiền lành nhưng nhiều người đã lạnh gáy khi quay nhìn về quá khứ cầm quyền của chế độ cộng sản. Bản tóm tắt của cuộc họp do Tân Hoa xã chính thức công bố có vẻ làm rõ hơn khi cho biết tương lai của một Trung Quốc cộng sản hiện đại, sẽ nhắm đển việc điều chỉnh thu nhập quá mức và khuyến khích những người giàu có “trả lại cho xã hội nhiều hơn”.

Tờ Quartz mô tả về sự kiện này, còn rõ ràng hơn, khi viết “ông Tập Cận Bình vừa gửi một thông điệp ảm đạm tới giới siêu giàu Trung Quốc”.

Quả là Bắc Kinh có đủ lý do chính đáng để lo lắng về tình trạng bất bình đẳng, vốn gia tăng trong nhiều thập kỷ cải cách kinh tế nhằm tạo ra một xã hội tư bản giàu có hơn – dù họ không muốn bị gọi tên là như vậy.

Năm ngoái, báo chí ghi nhận 20% giới nhà giàu ở Trung Quốc có thu nhập vượt gấp 10 lần so với 20% lớp người thu thấp trong xã hội. Mối quan tâm lớn của người dân Trung Quốc  hiện nay, là quá khó khăn để hội nhập vào xã hội – hoặc tụt lại phía sau – được cho thấy rõ qua nhiều chỉ số, chẳng hạn như tỷ lệ sinh sụt giảm khi các bậc cha mẹ lo lắng về chi phí giáo dục và chi phí đời sống tăng vọt.

Ở Trung Quốc đang phát triển phong trào lying flat (tạm dịch: nằm bẹp) trong những người trẻ, như một hình thức phản kháng thụ động: không muốn nỗ lực cạnh tranh, không muốn tìm kiếm thặng dư, và không muốn theo đuổi những tiêu chuẩn mà xã hội đặt ra. Họ chỉ làm vừa đủ sống và nhận định mọi sự “tiến thân” trong đất nước cộng sản rộng lớn này, ngày càng có vẻ giống như một cuộc đua chuột vô nghĩa: có vượt lên, cũng chẳng có ý nghĩa gì ngoài việc hành hạ bản thân mình. Về cơ bản, một lớp người trẻ tuyệt vọng và bất mãn xã hội đã chọn không tham gia mọi thứ, và cuộc sống chỉ làm những điều tối thiểu nhất.

Mặc dù ông Tập nói rằng mọi thứ sẽ được tiến hành ổn định, có kế hoạch và không gây khủng hoảng, nhưng giới trí thức Trung Quốc nhận ra, có cái gì đó nhưng đang “phản bội” lại lý thuyết của Đặng Tiểu Bình nói trong hội nghị về phát triển kinh tế năm 1978, rằng chế độ cộng sản này cũng sẽ chấp nhận một giai cấp người giàu xuất hiện, và của cải có được sẽ được bảo đảm tuyệt đối bằng luật pháp.

Những gì ông Tập nói, có thể hình dung sớm, đó là việc đánh thuế cao hơn với các tập đoàn, công ty và giới siêu giàu Trung Quốc, và đưa nhiều chương trình hoạt động xã hội hóa, kiểu “cùng chung tay”. Những dự án này thúc đẩy giới có tiền ở Trung Quốc phải mở hầu bao, và nhà nước cũng sẽ bỏ ít tiền hơn vào các dự án phát triển. Mọi thứ còn lại là việc phải đóng góp mang tính “xung phong tự nguyện” của người giàu nói chung, theo cách gọi của nhà cầm quyền.

Nói rằng lời ông Tập phát biểu đã làm rúng động giới làm giàu ở Trung Quốc, là không sai. Bản thân câu nói mô tả rất dịu dàng “người giàu cần chia sẻ lại cho xã hội” của nhà lãnh độc độc tài quyền lực nhất Châu Á này, vẫn chứa đựng nhiều ý nghĩa lịch sử còn rướm máu ở Trung Quốc. Chính những bối cảnh nhân danh tái phân phối của cải mà Mao Trạch Đông đã sử dụng vào giữa thế kỷ trước, đã cướp đi quyền lực từ địa chủ và nông dân giàu có, tầng lớp thượng lưu nông thôn, đã khiến lịch sử hiện đại Trung Quốc man rợ không khác gì thời Trung Cổ.

Gần đây, các cuộc đàn áp, tấn công của Bắc Kinh vào giới doanh nghiệp tư nhân, đã làm choáng váng các nhà đầu tư toàn cầu và làm dấy lên lo ngại về triển vọng đổi mới và tăng trưởng trong nền kinh tế Trung Quốc. Đặc biệt với cách mà Tập Cận Bình nhắm vào Alibaba và Jack Ma, như là một bài học giáo khoa về cách sống còn trong chế độ cộng sản.

Tờ Financial Times thì trích lời các từ nhà phân tích, mở ra thêm một góc nhìn mới, cho thấy nền kinh tế của Trung Quốc gần đây đã có dấu hiệu suy yếu. Dữ liệu được công bố đầu tháng này cho thấy sự phục hồi của đất nước tỷ dân đang chậm lại, và tỷ lệ thất nghiệp ở những người trẻ tuổi đã tăng lên mức tồi tệ nhất kể từ năm 2020. Các nhà kinh tế đã cho rằng sự chậm lại là do một loạt các yếu tố, bao gồm sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta, thiên tai, rủi ro nợ ngày càng tăng và tâm lý nhà đầu tư suy yếu trong giai đoạn này.

Không có gì thuận lợi hơn trong thời điểm này để hướng sự bất mãn của dân chúng vào giai cấp giàu có ở Trung Quốc. Nhà lãnh đạo mưu mẹo của Bắc Kinh có thể đã chuẩn bị cả một chiến lược rất dài cho việc tái phân phối của cải, nhưng riêng chiến dịch gợi ý về sự bất bình đẳng xã hội, sẽ phần nào giúp chính quyền thoát khỏi sự theo dõi của dân chúng về việc thất bại điều hành đất nước.

Giới nhà giàu ở Trung Quốc chắc chắn sẽ ra mặt “đóng góp xã hội” rộn rịp hơn trong thời gian tới, như một cách mua vé bảo hiểm cho phần tài sản còn lại của mình. Nhà nước cũng đỡ một phần gánh nặng vào ngân sách.

Nhưng mọi thứ cũng có thể là tiền đề chuẩn bị, nếu như có một cuộc cải tạo tư sản hợp pháp bằng luật lệ hẳn hòi, thì ít nhất, nhà cầm quyền đã có được sự đồng thuận từ giai cấp nghèo khó khắp trên đất nước này, đang giận dữ và sẳn sàng vào cuộc xâu xé vi chuyện bất bình đẳng.


Wednesday, August 11, 2021

Vết cắt không tuôn máu

Bạn có biết rằng một vết cắt từ cạnh của một tờ giấy mỏng, sẽ gây đau đớn và dai dẳng hơn khi bị đứt tay bằng dao không? Các nhà khoa học cũng ngạc nhiên về điều đó và bỏ công ra tìm hiểu. Rốt cuộc, người ta tìm thấy lý do là dù vết thương do giấy cắt nhìn đơn giản, nhưng thật ra giấy lại có độ linh hoạt, mềm mỏng hơn, nên vết thương nhỏ nhưng trải rộng hơn. Nhìn dưới kính hiển vi, cạnh răng cưa của tờ giấy vết thương từ giấy sẽ làm vết thương rách nát. Nó hành hạ các đầu dây thần kinh ở tay, ngón tay nhiều hơn, lâu và khó lành.

Câu chuyện của một người tìm cách trò chuyện với cô giáo Trần Thị Thơ, khi còn dạy ở trường đại học Duy Tân, Đà Nẵng, rồi tìm cách ghi âm gài bẫy để chuyển cho ban giám hiệu, cũng không khác nào như vết cứa của tờ giấy vậy. Nghe qua lời kể, dường như đó là học trò của cô Thơ. Mọi thứ nhầy nhụa và thật đau đớn.

Trong một tiết học, khi cô Thơ bộc lộ sự bất bình của mình về việc những người nghèo phải vất vả chạy về quê tránh dịch, tức giận việc nhà nước không chăm lo đầy đủ cho con người trong đại dịch, thì ngay trong lớp học, đã có kẻ chú ý và dàn xếp một cuộc trò chuyện qua mạng internet, tạo cớ để trường đại học Duy Tân đuổi việc cô Thơ. Thậm chí là công an sẽ triệu tập làm việc với cô. 

Nhìn qua bản video đang lan tràn trên mạng, người ta nhìn thấy rõ chủ ý của người gài bẫy, khi đặt câu hỏi có tính quyết định, vội lia camera điện thoại vào hình cô giáo Thơ đang nói. Trên khung hình, người ta cũng nhìn thấy rõ sự hèn hạ của kẻ gài bẫy khi chỉ trình bày phần trò chuyện đó không có mặt của mình. Dĩ nhiên, ném đá thì phải giấu tay, tiện nhân thì phải luôn giấu mặt.

"Có dân nước nào chạy 1.500km về quê, như vậy hệ thống an sinh xã hội của chúng ta quá kém đúng không?" và "Cô cảm thấy rất nhục nhã vì điều đó. Khi dịch đến, những quốc gia trên thế giới người ta được hỗ trợ rất nhiều, kể cả việc tiếp cận vắc xin, còn chúng ta thì thế nào? Em lên thử đèo Hải Vân coi, đó mới là sự nhục nhã”. Cô Thơ nói như vậy trong video được đem đi trình báo. Sau đó tổ đấu tố cấp đại học của trường đại học Duy Tân vội vã chính trị hóa sự việc, và đi báo công.

Thật ra, có thể cô Thơ biết rõ âm mưu nhắm với cô, qua cuộc đối thoại ấy. Nhưng vì những điều cô nói là sự thật, và cũng là điều mà chính báo chí nhà nước cũng đăng tải, cũng đặt vấn đề, nên cô không từ chối nhắc lại. Đó là cách của của một người Việt Nam sống không hổ thẹn với bản thân mình, sống không ngại đối diện thẳng thắn với mọi loại chim chuột đang rình rập quanh mình. Cô đã sống và chấp nhận cho bọn tiểu nhân đắc chí, nhưng đồng thời từ sự lựa chọn của chúng, để phân biệt rõ đâu là súc sinh, và đâu là con người.  

Lúc này mọi dư luận tức giận đều dồn vào ban giám hiệu, vào việc công an sẽ triệu tập một cô giáo trẻ can trường dám nói thẳng suy nghĩ của mình. Nhưng điều cũng đáng nói không kém, là về một lớp người trẻ sẵn lòng lập mưu hèn, kế bẩn, sẵn sàng đấu tố cô giáo của mình như thời man rợ. Ắt cũng đã đọc được tâm hồn và suy nghĩ của những người đang lãnh đạo ở môi trường gọi là giáo dục đó, thì thứ đầu xanh ngu dại tập tành đấu tố ấy, mới tin chắc rằng mình sẽ được trọng dụng khi dàn dựng mọi chuyện. Rõ, không ai bước vào nghĩa trang mà không mang theo nhang đèn, cũng không ai tự bước vào hầm phân mà không đoán trước nơi đó ngập ngụa bọ hung.

Ai đã dựng nên những con người như vậy? Một thế hệ nhơ nhớp như vậy?

Câu chuyện của kẻ từ trường đại học Duy Tân hành động như một loại mật vụ rẻ tiền, nó không thể làm sự thật khuất lấp. Nhưng vết thương đó như bị cắt từ mảnh giấy nhỏ, vẫn chảy máu chậm chạp và dai dẳng nhức nhối trong đạo đức và giá trị ngàn đời của người Việt: bán thầy, bán bạn chưa bao giờ lại được hân hoan xiển dương như một thành tựu vào lúc này. Đó là chưa nói cả một hệ thống có học vị đại học, tiến sĩ ngồi lại đồng thuận cho một quyết định ô nhục đến bất ngờ là trơ trẽn phủ nhận sự thật, và từ chối cả người nói sự thật.

Vậy mà hôm nay, điều đó đang xảy ra, gây kinh ngạc đến khó tả cho mọi người dân Việt Nam bình thường.

Xã hội hôm nay vẫn đang hủy hoại mọi sự lên tiếng khác biệt cùng với dàn đồng ca quen thuộc lúc nói xuôi, lúc nói ngược. Đoàn diễu hành huyên náo làm vui cho ông vua cởi truồng của Andersen ở thế kỷ 19, hôm nay cũng không ngại cùng tự trần truồng cho đồng bộ. 

Thầy giáo Thái Hạo ở Huế viết trên trang facebook của mình “Duy Tân là sự sỉ nhục đất Quảng, là sự phản bội cụ Phan, là sự khinh bỉ giáo giới và là sự xúc phạm con người”. Còn Giáo sư Hoàng Dũng thì viết “tôi thấy nhục nhã cho trường Đại học Duy Tân”. Còn nhà thơ Bùi Chí Vinh có cả những câu thơ đau nhói “Tại sao các quốc gia trên thế giới đều đề cao lòng nhân đạo. Tại sao ở đất nước cô, súc vật sướng hơn người?” 

Nhiều lắm, không đếm xuể. Những người Việt Nam từ bần hèn đến trí thức, còn biết nghĩ đến dân tộc mình, nghĩ đến đất nước mình đều có những nhận định cùng chiều như vậy. Tôi đọc không hết, nhớ không hết. Nhưng tôi biết đó không là giận dữ hay cay đắng. Mà thật ra, mọi lời viết ra như thay cho nước mắt khóc vì giống nòi, đau đớn khôn cùng về vết cắt không tuôn máu mỗi ngày, nhưng đang hủy hoại nguyên khí của nước Việt, đang làm đau cả linh hồn của tổ tiên người Việt đã sống và chết cho sự thật.

Những vết cắt tầm thường ghê sợ ấy, tiếc thay đang được nuôi dưỡng, và lại có cả những tập thể ôm giữ sự nhục nhã như một di sản làm vui cho chính bản thân, và cả gia đình mình.

Sunday, August 8, 2021

Nghe lời cao cả, sao chỉ thấy rùng mình

Bác sĩ Khoa không thấy xuất hiện nữa, sau sự kiện gây sốt dư luận mạng xã hội mà bác sĩ Khoa kể rằng anh đã quyết “rút ống thở” của cha mẹ già, để nhường cho 2 đứa trẻ sơ sinh vừa mới chào đời. Bản tin lan nhanh đến khủng khiếp trong đêm 7-8-2021. Bên dưới lời tâm tình gây chấn động đó, không ít các nhân vật tên tuổi để lại lời kính trọng và cám ơn. Thậm chí, có người còn ghi rằng họ nợ anh về mạng sống của cha mẹ già mà anh đã quyết hy sinh.

Nhưng rồi chỉ đến rạng sáng hôm sau, mọi thứ bày ra một sự thật khủng khiếp: hóa ra đó là trò bịa đặt, có giá trị như một cú hích truyền thông được tổ chức, nhằm tạo một luồng tâm lý mới trong xã hội đang quá bất mãn và tiêu cực về những câu chuyện mất mát, khốn khó của người dân thời phong tỏa, và hơn nữa là về chuyện bộ máy y tế ở Sài Gòn đang kiệt sức trước các mệnh lệnh chống dịch bất hợp lý.

Người ta tìm thấy vị bác sĩ tên Khoa ấy – tự xưng là làm việc tại bệnh viện Chợ Rẫy. Thế nhưng trả lời báo Tiền Phong, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy là ông Nguyễn Tri Thức đã khẳng định là không có bác sĩ nào tên Khoa và Bệnh viện Chợ Rẫy cũng không có khoa sản. Câu chuyện 2 em bé sinh đôi, cũng được tìm thấy là hình ảnh được ăn cắp từ trang facebook của bác sĩ Cao Hữu Thịnh, một ca mổ do chính bác sĩ này đảm trách.

Tâm lý đám đông bị hành hạ khủng khiếp vì kịch bản truyền thông này. Người Việt ở mọi nơi bị sững sờ và khuất phục bởi hình ảnh không khác gì những giai thoại trong truyện Tàu cũ – vốn đã ăn sâu vào tình cảm người Việt nhiều đời. 

Hãy tự hỏi, có cái gì cao quý hơn việc một bác sĩ trong thời đại xã hội chủ nghĩa đã quyết hy sinh cả ba mẹ để cứu cho những đứa trẻ vừa ra đời? Nhất là chuyện đó xảy ra trong lúc đại dịch khốn khó, rõ là hình tượng sáng ngời và mẫu mực của đám đông đang cắn môi ứa lệ để giơ cao tay đi cùng thủ tướng, quyết “chống dịch như chống giặc” và sẳn sàng vượt qua mọi nỗi đau để chiến thắng. Kịch bản này đau đớn và đẹp tương tự như Tỷ Can chấp nhận ăn bánh bao thịt con mình, để thoát khỏi tay Trụ Vương, nghĩ đến ngày khởi nghĩa. Chuyện cũng bi phẫn như Quách Cự tự tay chôn sống đứa con 3 tuổi để dành thêm cơm nuôi mẹ trong Nhị Thập Tứ Hiếu.  

Không đến 24 giờ đồng hồ, tâm lý đám đông lại bị hụt hẫng, đặc biệt với những người bị tác động khủng khiếp bởi đã để cảm xúc kiểm soát hơn là lý trí. Rất nhiều người nói mình đã cúi đầu, khóc hay ngưỡng mộ bác sĩ Khoa, nay lại rơi vào trạng thái tức giận và nguyền rủa.

Báo chí Nhà nước lao vào cải chính, vạch trần sự kiện này cũng nhanh đến mức bất ngờ. Nhưng có lẽ mọi thứ sẽ sớm qua đi, vì có vẻ như mọi nguồn cơn tìm thấy, xuất phát mạnh mẽ từ một người làm báo chuyên phát ngôn cho nhà nước, và cũng hay tổ chức sự kiện truyền thông để phục vụ mục đích chính trị mỗi khi có yêu cầu. Bên cạnh việc trang cá nhân của “vị bác sĩ trẻ tên Khoa” này biến mất, khiến nhà báo cũng phải xin lỗi và rút lại những gì đã đăng, mặc dù vẫn chống chế rằng “đã huy động tòa soạn kiểm tra nguồn tin đến 2 giờ sáng”.

Ở Việt Nam, đã có hàng trăm người bị gọi làm việc, phạt tiền, bị bỏ tù… với các câu chuyện trên facebook từ năm 2020 đến này, qua các điều khoảng 117, 331 hoặc theo Nghị định 15 về viễn thông, nhưng không chắc là sẽ có ai bị khiển trách gì sau vụ này, nhất là với vị trí lãnh đạo của một tờ báo về Pháp Luật.

Phải khâm phục là câu chuyện cổ tích giữa đời thường của bác sĩ Khoa phối hợp với một vài nhân vật có chủ ý dẫn dắt dư luận trên facebook, đã chọn đúng điểm rơi tâm lý của người dân lúc này. 

Cả một đất nước đang lo lắng trước những câu chuyện đau thương, và vật vã trước những những đòn ngăn sông cấm chợ điên loạn của một lực lượng kiêu binh nổi lên, nhân danh chỉ thị 16, thì rõ là mọi người đang khao khát được nghe những điều tử tế, những sự cao cả và lương thiện của con người dành cho nhau. Chính câu chuyện này có tác dụng làm ai nấy chùng lòng lại. Thậm chí những người đang kêu gào cho quyền lợi của mình hay cho người khác đều có ít phút giây tự vấn về sự thấp hèn của mình khi nghe chuyện.

Nếu không bị vạch trần, chuyện của bác sĩ Khoa có tác dụng không nhỏ trong việc kềm hãm sự bức bối quyền lợi cá nhân, và nhu cầu bản thân bị thiệt thòi của đám đông bất bình đang ngày càng tăng trong phong tỏa. Và thậm chí, câu chuyện có thể trở thành sách khoa của giới tuyên truyền về việc dẫn chứng sự hy sinh bản thân của thế hệ mới xã hội chủ nghĩa cho tương lai đất nước.

Có người nêu câu hỏi, để dựng nên câu chuyện này, vì sao bác sĩ Khoa có thể giỏi đến mức tạo nên một khung hình cao thượng-nhẫn tâm thú vị như vậy, để nhiếp hồn nhiều tầng lớp dân chúng? 

Thật ra, mọi thứ đều có tính truyền thống của nó, soi chiếu lại quá khứ sẽ thấy không khó nhận ra. Trong mỗi giai đoạn kiểm soát đất nước, tùy theo tình hình, các nhà lãnh đạo vẫn có khuynh hướng mị dân và thao túng bằng những câu chuyện được dựng thêm, hay sáng tác ra. Việt Nam đã có những chuyện đầy cảm hứng của thời chiến tranh như Kim Đồng, Lê Văn Tám, Tô Vĩnh Diện… Và chẳng phải từ xa xưa, Lê Lợi đã thành vua trong suy nghĩ mê tín của người dân, qua việc cho viết bằng nước cơm trộn mật lên lá Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần, để kiến đục thành chữ?

Những điều như vậy, cũng quen thuộc với tinh thần Thép đã tôi thế đấy của N.A.Ostrovsky: trung thành và sẵn sàng hy sinh theo mệnh lệnh, theo thời cuộc sắp đặt và tương lai cộng sản kêu gọi.

Chắc nhiều người còn nhớ tác phẩm Người thứ 13, truyện về cô gái Hồng quân bị kẹt trên đảo với một sĩ quan Bạch vệ đẹp trai. Gần nhau nên cả hai nảy sinh tình yêu. Nhưng đến khi một nhóm Hồng quân đến đảo và yêu cầu cô gái giết tên sĩ quan Bạch vệ, nhân danh vì mệnh lệnh và lòng phụng sự cao cả, cô đã bắn người yêu của mình.

Việt Nam cũng có, sách vở vẫn ghi lại rất nhiều trong năm 1945, trong đợt cải cách ruộng đất. Để chứng tỏ trái tim đỏ và cao quý, nhiều thanh niên đã từ chối cha mẹ mình, thậm chí quay mặt khi họ bị bắn, đánh đập. Mục đích là để bản thân mình vươn cao hơn trong đám đông – một kiểu kiếm view thời chưa có internet – để lọt vào tầm mắt bề trên, và chấp nhận mình là con bài cần thiết của thời cuộc.

Nếu thật sự có một sự thật hy sinh vĩ đại như bác sĩ Khoa đã nói, sao anh ấy còn tỉnh táo đến mức dành thêm thời gian để khoe chuyện như vậy trên facebook, và còn ăn cắp ảnh trẻ sơ sinh từ trang người khác để minh họa cho mình? Ấy là máu lạnh chứ đâu là sự thánh thiện – một người bạn tôi nhắn như vậy.

Đời người ngày càng khó biết, và khó đoán. Thật không dám nói gì thêm về cái gọi là sự thật trong những ngày tháng này. Nhưng trong tầm nhìn hạn hẹp của mình, thật lòng tôi không cảm thấy xúc động như lúc đầu được biết về câu chuyện của vị bác sĩ tên Khoa. Nhưng rồi khi nhìn lại từ những gì lịch sử ghi lại, đã có đến nay, câu chuyện ấy chỉ khiến tôi lại thấy rùng mình.