Tuesday, May 16, 2017

Đỗ Thị Minh Hạnh: “Bắt Hoàng Bình là một hành động phi nhân”


 Ngày 15/5/2017, nhà hoạt động Hoàng Bình đã bị công an tỉnh Nghệ An bắt giữ tại đoạn đường Quốc lộ 1, thuộc thôn 4 xã Diễn An, Huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ngay sau đó, Công an cho biết đã khởi tố Hoàng Bình, phó chủ tịch của Phong trào Lao Động Việt, với hai tội danh là “Chống người thi hành công vụ” (điều 257) và “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước; quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” (điều 258).
Với tư cách là chủ tịch của Phong trào Lao Động Việt trong nước, một tổ chức XHDS hoạt động với chủ trương hỗ trợ người lao động, chị Đỗ Thị Minh Hạnh đã lên tiếng về sự kiện này

Về sự việc anh Hoàng Bình (tức Hoàng Đức Bình) bị công an tỉnh Nghệ An bắt bất ngờ và vào ngày 15/5 vừa qua, quan điểm của Phong trào Lao Động Việt như thế nào, xin chị cho biết?
Đối với quan điểm của Phong trào Lao Động Việt (PTLDV) thì việc bắt giữ anh Hoàng Bình đã gây nên một sự phẫn nộ chung, vì các hoạt động của anh, cũng nằm trong mục đích của PTLDV, là nhằm hỗ trợ cho các ngư dân miền Trung đang gặp khó khăn vì thảm họa môi trường. Việc bắt giữ anh theo cách như đã diễn ra, là một hành động hết sức phi nhân tính.

Thế nhưng phía công an thì nói rằng anh Hoàng Bình đã phạm tội ở các điều là “Chống người thi hành công vụ” (điều 257) và “lợi dụng quyền tự do dân chủ để tuyên truyền chống phá Nhà nước” (điều 258), chị giải thích sao về những điều này?
Chúng tôi được biết, việc anh Hoàng Bình bị ép vào điều 257, tức chống người thi hành công vụ. Nhưng trên thực tế, chính phía các cơ quan chức năng của nhà cầm quyền đã hành động đàn áp, bắt bớ trái pháp luật đối với những người đang lên tiếng ôn hòa trước hiện tình đất nước, đặc biệt là với sự kiện Formosa thải độc ra biển miền Trung.
Anh Hoàng Bình không có hành động nào gọi là chống đối như nhà cầm quyền mô tả cả.  Bình chỉ là người dám nói một cách thẳng thắn mọi điều đang diễn ra, và nói thay cho những ngư dân ở đó, vốn không có điều kiện truyền bá thông tin.  Việc anh Bình bị gán ghép một tội danh như vậy, đối với giới hoạt động xã hội dân sự trong nước là chuyện rất đỗi bình thường. Vì xưa nay, nhà cầm quyền vẫn ra các tội danh như vậy như một cách chụp mũ cho những ai mà họ không thích. Mục đích là dập tắt những tiếng nói ấy vào tù, dập tắt sự thật.
Còn với điều 258, gọi là lợi dụng quyền tự do dân chủ để tuyên truyền chống phá Nhà nước thì thật là vô lý. Vì hoạt động của anh Bình, cũng như tiêu chí của PTLDV là giúp đỡ người lao động, và hoàn cảnh ở Nghệ An là ngư dân. Với tinh thần ấy, anh Hoàng Bình đi vào cuộc sống của người dân một cách đường hoàng và tự nhiên. Thế nhưng chính quyền thì lại chụp cho anh ấy cái mũ chống Nhà nước.  Ngôn từ của điều luật 258 hết sức mù mờ khi nói anh Bình “lợi dụng quyền tự do dân chủ” – nhưng thực tế ở Việt Nam thì cho thấy không hề có tự do dân chủ. Do đó mọi thứ chỉ là gán ghép tội danh để tống người vào tù mà thôi.

Tin cho biết sắp tới đây, Formosa sẽ đẩy mạnh hoạt động, chuẩn bị vận hành tổ máy số 1 với công suất lớn hơn. Liệu tình hình hiện nay với Bạch Hồng Quyền, Hoàng Bình… có phải là một lời cảnh báo của nhà cầm quyền về việc giới tranh đấu về môi trường phải chấm dứt ngay các hoạt động đòi bồi thường hay kiện tụng hay không?
Đã hơn một năm nay, thảm họa từ hoạt động của nhà máy Formosa đã rõ. Chính vì sự kiện này mà các anh em như Bạch Hồng Quyền, Hoàng Bình… đã sát cánh cùng ngư dân trong thời gian vừa qua để đòi công lý, minh bạch về thảm họa… và được người dân thương mến. Chính vì vậy mà nhà cầm quyền lo sợ.
Tôi tin rằng khi tổ máy số 1 của Formosa hoạt động, chắc chắn người dân lại càng thêm phẫn nộ. Bởi thảm họa chưa giải quyết xong thì lại tiếp tục còn phát triển hoạt động trên nền thảm họa đó. Việc bắt bớ và khủng bố tinh thần… tôi tin rằng mọi thứ đều nằm trong một “quy trình” chuẩn bị cho các hoạt động mới của công ty Formosa mà thôi.

Tính từ đầu năm đến nay, có ít nhất là 8 người hoạt động về môi trường, đặc biệt là liên quan Formosa, đã bị bắt giữ theo các tội danh khác nhau. Đây quả là một điều gây sốc sốc trong dư luận trong và ngoài nước, chị nghĩ biện pháp này của nhà cầm quyền sẽ làm giới tranh đấu hoảng sợ và chùn lại?
Không chỉ liên tục những người tranh đấu cho môi trường bị bắt giữ, mà thậm chí những người đang sinh hoạt bình thường cũng bị canh giữ, theo dõi, ngăn chận một cách vô pháp luật. Tôi có thể lấy ví dụ là ở Sài Gòn, từ cuối tháng tư, chúng tôi đã trãi qua 3 đợt canh chận một cách hung hăng mà không có lý do. Đợt đầu là 4 ngày, sau đó là đợt 2 ngày, rồi mới đây là một đợt kéo dài 9 ngày, chỉ tạm dừng trước khi anh Hoàng Bình bị bắt.
Tôi tin rằng chính quyền đang lo sợ sự thật tràn ra, bùng nổ, mọi người dân sẽ ý thức khác và đòi quyền lợi của mình, của đất nước. Như vừa rồi, khi công an bắt giữ anh Hoàng Bình, hàng ngàn người dân đã chận Quốc lộ 1 và đòi phải thả người. Sự đoàn kết đó là chúng tôi hết sức ấm lòng.
Tù đày không làm chúng tôi sợ hãi. Tôi nghĩ mọi con người khi bước vào công việc xã hội dân sự đều chấp nhận những bất trắc sẽ đến. Tù đày chỉ là nơi rèn luyện chúng tôi dày dạn hơn và chuẩn bị tốt hơn cho việc phụng sự đất nước về sau.
Không riêng chúng tôi, mà tôi tin rằng rất nhiều người dân giờ đây đã không còn sợ hãi. Nếu sợ hãi thì họ đã tê liệt và trốn chạy trong sự kiện Bạch Hồng Quyền hay Hoàng Bình. Nhưng hàng ngàn người đã lên tiếng, đã xuống đường chặn giao thông để đòi minh bạch sự việc. Và đám đông đó đã hình thành thì chỉ có thể nâng lên, tạm lùi chứ không thể nào mất đi được.




Friday, May 12, 2017

Một bài hát của Thức





Một ngày cuối tháng 4, tôi nhận được cú điện thoại từ gia đình của anh Trần Huỳnh Duy Thức, kể tình hình của anh Thức trong trại giam lúc này. Câu chuyện kèm theo một món quà bất ngờ: một bài hát mà anh Thức sáng tác nhân ngày của mẹ, vào tháng 5/2017.

Nhiều ngày, tôi không có lòng nào mà nghe nổi bài hát, bởi chỉ loay hoay nghĩ về tình trạng của anh Thức trong nhà tù số 6, một nơi nằm sâu ở phía tây Nghệ An. Từ tháng 8/2016, trong phòng giam nóng bức và tăm tối cả ngày lẫn đêm, những người quản lý trại tù số 6 đã quyết định cắt điện phòng giam của anh Thức. Mọi sinh hoạt của anh đều phải diễn ra trong một khung cảnh nhờ nhờ, suốt trong nhiều tháng, đã khiến thị lực của anh bị sút giảm trầm trọng.

Anh Trần Huỳnh Duy Tân, em trai của anh Thức kể lại sau chuyến đi thăm nuôi vào tháng 4 vừa rồi, rằng anh Thức đang bị tình trạng mắt nhìn không còn rõ, lại có nhiều biểu hiện như ruồi bay trước mắt. Lúc này, anh đọc hay nhìn rất tệ. Khi gia đình xin trại giam mở điện phòng vào ban ngày, hoặc nếu không thì xin được gửi vào cho anh Thức chiếc đèn pin nhỏ bằng nhựa để anh có thể nhìn rõ hơn, thì phía nhà tù đã từ chối, nói rằng đèn pin thuộc vào thiết bị điện tử, nên không được sử dụng.
Khó tả làm sao, khi nhà chính quyền không mang lại ánh sáng cho con người, việc chọn cách tự thắp lên một tia sáng để bước đi, con người cũng không được phép. 

Anh Tân nói lần thăm nuôi đó là một lần thật căng thẳng. Vì lần đó gia đình đã có những phản ứng dữ dội nhất về hoàn cảnh chịu lao tù của anh Thức. Sự căng thẳng không phải bởi chỉ chuyện ánh sáng phòng giam, mà điều kiện y tế nói chung cũng tồi tệ đến mức gia đình giật mình khi nhận được yêu cầu từ anh Thức, rằng sớm gửi vào cho anh sách vở nói về các kiểu bệnh của răng, để anh đọc và tìm cách tự chữa chứ không thể trông cậy gì vào việc nhờ cậy y tế nhà tù.

Tôi không dám hỏi thêm về các triệu chứng mắt của anh Thức – có thể đó là tình trạng vẩn đục dịch kính hay tăng nhãn áp chẳng hạn – do tôi nhìn thấy gia đình anh cũng đã đủ căng thẳng. Tôi lại thấy mình loay hoay, nghĩ vẩn vơ khi nhìn ra ngoài trời mùa hè ở Sài Gòn đang rực nắng, và nghĩ tới đâu đó âm u trong căn phòng giam nhốt một người luôn cất lên những lời yêu nước thiết tha.

Cuối cùng, tôi cũng mở bài hát của anh Thức để nghe anh viết gì. Nếu không kể bài hát về Mẹ vào năm ngoái, mà anh viết lời, Trần Vũ Anh Bình viết nhạc, thì đây là bài đầu tiên anh tự mình viết tất cả.

Tôi mở bài hát, nghe đi nghe lại nhiều lần. Có lúc, tôi bước vội ra cửa sổ nhìn trời, trong khi tai vẫn còn vang lên giai điệu của bài hát. Thật khó tin những gì tôi đang thấy ngoài đời là những lời anh viết, anh mô tả từ phòng giam tăm tối đó. Ánh nắng, mây trắng, làn gió và những mầm xanh đang phất phơ trong một ngày thiên nhiên tràn ngập sự sống, có đủ trong bài hát. Phải yêu cuộc đời này lắm, thì ca từ của anh Thức mới có đầy ắp sự rạo rực của hy vọng và khát khao như vậy. Bài hát của anh nói về mẹ, về cha, nhưng nghe như lời hát về tổ quốc mình. Nghe mà thao thức, mà loay hoay.

Tôi chỉ biết gửi đến các anh chị, các bạn, bài hát mới của anh Trần Huỳnh Duy Thức. Tôi xin để lại mọi thứ trong cảm nhận riêng của từng người về bài hát này, hơn là diễn giải một cách dài dòng. Nhưng tôi tin khi lắng nghe và chia sẻ đủ, các bạn và các anh chị sẽ có cùng một cảm giác như tôi: rằng một người như có suy nghĩ đầy ánh sáng như Trần Huỳnh Duy Thức, ắt sẽ sớm thoát khỏi bóng tối của căn phòng giam oi bức đó, để còn dựng lên những mầm xanh, những con đường Việt Nam, như anh đã ôm ấp, viết lên trong bài.

TB: Anh Thức nói tôi đặt tựa giùm cho bài hát này, để gửi tặng cho tất cả những ai yêu mẹ, yêu đất nước mình. Tôi có tạm đặt một cái tên cho bài hát này, nhưng có lẽ đúng nhất, chính người nghe và chia sẻ với Trần Huỳnh Duy Thức sẽ tự mình thầm gọi tên nó, theo những suy nghĩ riêng. Chắc anh Thức sẽ vui vì điều đó.



Thursday, May 11, 2017

Bạch Hồng Quyền:"tôi hành động chỉ vì quyền con người"


Cuộc trò chuyện nhanh với Bạch Hồng Quyền sau khi có lệnh khởi tố
Ngày 12/5/2017, Công an Hà Tĩnh đã hai lần đến nhà vợ của anh Bạch Hồng Quyền để đòi công bố lệnh khởi tố “vì gây rối”. Tuy nhiên khi gia đình của Quyền yêu cầu được chụp lại văn bản lệnh khởi tố này thì công an từ chối không cho.
Ngay sau đó, chị Linh, vợ của Quyền đã từ chối nghe đọc lệnh, nếu không được giữ lại một bản lệnh khởi tố, cũng như không đồng ý lập biên bản làm việc, khai báo Quyền hiện nay đang ở đâu
Khi một nhân viên công an nói vợ của Quyền đã gọi chồng ra đầu thú, chị Linh đã nói rằng “chồng em không phạm tội gì mà đầu thú”. Một nhân viên công an khác, đã nói bằng giọng đầy ý gài bẫy rằng “vậy là em không hợp tác?”
Được biết, giới truyền thông độc lập trong nước đã truyền đi, rằng lệnh khởi tố Bạch Hồng Quyền được công an Hà Tĩnh phát đi từ ngày 19/4/2017. Tuy nhiên Quyền không có mặt nên công an địa phương sau khi truy tìm không thành công, đã đến nhà vợ của anh để đòi công bố lệnh khởi tố này.
Cuộc trò chuyện này, được thực hiện sau khi có lệnh khởi tố anh Quyền, tại một vùng ở Việt Nam.
---------------------------------------
Anh nói gì về mình, lúc này?
Tôi là thành viên của Phong trào Con đường Việt Nam, với tiêu chí là đi phổ biến các quyền con người, nói với người dân về quyền của mình phải được có trong xã hội.
Ở Lộc Hà, chúng tôi được biết rằng đã hơn gần một năm, người dân lẫn các doanh nghiệp ở đó vẫn chưa nhận được tiền đền bù – dù chính phủ đã nói là nhận được 500 triệu đô la để bù đắp thiệt hại cho người dân. Chúng tôi có mặt ở Lộc Hà với mục đích là hướng dẫn người dân làm giấy tờ hồ sơ, nói về quyền của họ theo pháp luật.
Lâu nay, người buôn bán hay các doanh nghiệp ở huyện Lộc Hà đã tìm cách ra tận Trung ương hay các Bộ để chất vấn về tình trạng của mình nhưng không có được câu trả lời nào, thậm chí ngay ở tỉnh Hà Tĩnh cũng vậy. Chúng tôi có mặt ở đó cũng để phản ánh tình trạng này cho mọi người được biết. Công an thì nói chúng tôi đến để kích động người dân, nhưng mục đích của chúng tôi thì chỉ đơn giản như vậy.
Phía truyền thông nhà nước, ngay từ trước khi có lệnh khởi tố, đã nói anh và Hoàng Đức Bình (Phong trào Lao Động Việt) có âm mưu xâm nhập vào Lộc Hà, Hà Tĩnh nhằm tuyên truyền kích động người dân chống phá nhà nước. Nếu là mục đích hợp pháp như anh nói, thì sao chỉ có anh và Hoàng Đức Bình hành động thôi? Có tổ chức Xã hội Dân Sự nào khác cũng có ý hướng đến Lộc Hà như vậy không?
Ở Việt Nam thì có nhiều tổ chức Xã hội Dân sự có hoạt động yểm trợ người dân như vậy. Nhưng để đến được điểm nóng như ở Lộc Hà, hay nhiều nơi khác ở Hà Tĩnh, không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận được.
Tôi là một người Công giáo. Khi nhìn thấy những điều bất công và người dân cần phải được giúp đỡ - đặc biệt là trong số đó có nhiều người Công giáo – tôi thấy mình có trách nhiệm phải giúp đỡ mọi người.
Khó tiếp cận theo ý anh Quyền là sao? Có sự ngăn trở nào với các nhóm Xã hội Dân sự trong việc đến và giúp người dân bị nạn bởi thảm họa Formosa? Người dân đã ở trong tình trạng như thế nào mà các nhóm Xã hội Dân sự cần tiếp cận giúp đỡ?
Bất kỳ ai theo dõi sự kiện, đặc biệt qua facebook của anh Hoàng Đức Bình, thì sự kiện xảy ra ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh cách đây vài tháng, người dân đã kéo nhau ra Ủy ban nhân dân thi xã Kỳ Anh để đòi chính quyền phải có hành động trong việc bồi thường do Formosa gây ra. Chính quyền đã đối phó bằng cách đưa ra nhiều lực lượng Cảnh sát Cơ động, an ninh chìm… bằng mọi cách để phá cuộc tuần hành này.
Đặc biệt là sự kiện ngày 14/2, khi người dân của 3 xã xã Quỳnh Ngọc, Sơn Hải và Quỳnh Thọ cùng nhau đi đưa đơn kiện Formosa thì chính quyền đã cho đàn áp, đánh đập những người dân đi nộp đơn như vậy. Nếu có theo dõi, mọi người sẽ nhớ là ngay cả linh mục Nguyễn Đình Thục có mặt trong đoàn đi nộp đơn kiện đó cũng đã bị đánh đổ máu. Có mấy chục người bị tấn công, thương tích. Hình ảnh và sự kiện này vẫn còn lưu đầy trên các trang mạng.
Tình hình căng thẳng như vậy, nên việc tiếp cận của các nhóm Xã hội Dân sự cũng không hề dễ dàng.
Một trong những điểm nhấn của chính quyền gần đây, là đưa nhiều tin tức về việc bắt giữ anh Nguyễn Văn Hóa ở Hà Tĩnh theo điều 258. Theo truyền hình, tội của Hóa là đưa tin về các cuộc biểu tình và đời sống của người dân trong vùng bị thảm họa Formosa, nhưng động cơ là vì tiền. Trước khi những điều xấu nhất có thể diễn ra như với anh Nguyễn Văn Hóa, anh có thể khẳng định rằng hành động của anh và anh Bình có hoàn toàn vì con người, không vì một lý do nào khác?
Tôi bước chân vào cùng đoàn tuần hành, là nhằm để đưa tin tức đến cho mọi người. Mọi hình ảnh và thông tin mà tôi chuyển tải với góc độ trung thực nhất để mọi người dân Việt Nam, và cả thế giới, được biết người dân Hà Tĩnh đã đòi quyền lợi của mình như thế nào. Kể cả việc chính quyền đã ngăn cản và đàn áp người dân ra sao.
Tôi khẳng định rằng nếu nay mai này tôi bị bắt, chỉ vì tôi đã hành động để giúp cho người dân hiểu được quyền của mình theo luật pháp, đứng bên họ vì đó là những con người đi đòi công lý chứ không hề là mục đích nào khác như “kích động” hay “vì tiền”. Tôi và anh Hoàng Đức Bình hành động theo lý trí và lương tâm của mình, chứ không có một tổ chức hay thế lực nào có thể mua chuộc được chúng tôi cả.
Truyền thông thuộc nhà nước, trong những thời gian gần đây, đặc biệt khi đưa những tin tức về thảm họa môi trường, luôn tìm cách vu khống, bôi nhọ những người đem lại giá trị truyền thông độc lập như chúng tôi. Và đặc biệt với những phóng sự trước khi có lệnh khởi tố cũng chỉ là dọn đường nhằm bắt chúng tôi.
Việc khởi tố hay gây áp lực trên truyền thông như vậy, cũng chỉ khiến người dân hoang mang, sợ hãi hoặc chùn lại con đường đi đòi quyền lợi hợp pháp của mình. Rồi sẽ có một ngày, chúng tôi sẽ đến tận các nơi đó để chất vấn việc đã tạo dựng những điều như vậy với chúng tôi.
(5/2017)