Friday, October 23, 2020

Dùng Nghị định 64/2008 chống quyền cứu trợ của cá nhân, là sai hoàn toàn

(ảnh từ trái qua: Ông Lê Thân, Ông Lê Thăng Long)


(Phỏng vấn ông Lê Thân, Chủ nhiệm CLB Lê Hiếu Đằng về chuyện dân tự cứu nhau có thể bị coi là phạm luật hiện nay)


Trong đợt bão lụt tháng 10/ 2020, sự kiện người dân tự quyên góp và tổ chức đi cứu trợ ở các tỉnh miền Trung diễn ra hết sức sôi động, nhưng chuyện ấy cũng làm tốn không ít giấy mực khi có những quan chức nhà nước viện dẫn nghị định 64/2008/NĐ-CP, nói rằng mọi nguồn quyên góp cứu trợ đều phải đến cửa Mặt trận Tổ quốc hoặc các cơ quan của nhà nước có thẩm quyền.
Ca sĩ Thủy Tiên với hơn 100 tỷ quyên góp được từ người dân ở khắp nơi, cho việc cứu trợ trực tiếp của mình, đã trở thành đề tài chính, đại diện cho tất cả mọi hoạt động tương tự. Mà theo đó, có những tuyên bố cho rằng cô Thủy Tiên đã phạm luật và có thể bị xử lý theo pháp luật vì hành động cá nhân như vậy.
Dựa trên những nguồn viện dẫn nghị định 64/2008 như vậy, cũng đã có những chính quyền địa phương làm theo, gây cản trở nhất định cho việc cứu trợ giúp nhau của người dân.
Trao đổi nhanh với ông Lê Thân, Chủ nhiệm CLB Lê Hiếu Đằng, ông nói việc cứ lấy nội dung 64/2008 để hành xử vào lúc này là hoàn toàn sai lầm. Thậm chí sự sai lầm đó còn có ý nghĩa chống lại Bộ luật Dân sự 2015, theo điều 457.

*** Thưa ông, vì sao gọi là hiểu sai, và cố ý hiểu sai về Nghị định 64/2008, ông có thể nói rõ hơn cho mọi người được biết?
--- Không chỉ riêng tôi nhìn thấy, mà những người đọc luật đều biết. Ngay cả bà Nguyễn Thị Xuân Thu, ĐBQH, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ VN cũng đã nhấn mạnh rằng hoạt động từ thiện cá nhân như cô Thủy Tiên là hoàn toàn hợp pháp theo Bộ luật Dân sự 2015, ở điều 457.
Nội dung của điều này các “hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận”. Có nghĩa là theo các thỏa thuận dân sự như đi cứu trợ và người tài trợ hoạt động đó, là một công việc bình thường trong xã hội và không có gì là vi phạm pháp luật cả.
Tôi giải thích cụ thể hơn như vầy: Tôi muốn tặng một xe đạp cho một người nào đó, ở cách xa nơi tôi đang sống. Tôi có quyền chuyển tiền hay chuyển hiện vật để nhờ người khác giúp tôi thực hiện việc trao tặng. Làm việc đó là không có gì bất hợp pháp. Vấn đề tặng một chiếc xe đạp nghe rất đơn giản và có lẽ không ai quan tâm. Nhưng bởi vì số tiền lên đến trăm tỷ, cho nên sự việc bị méo mó đi theo nhiều hướng khác, mặc dù nội dung sự việc thì hoàn toàn giống nhau, phù hợp với pháp luật đã quy định.
Cũng cần nên nhớ rằng nghị định 64/2008 thuần túy quy định về cách ứng xử của bộ máy nhà nước, và đã ra đời cách đây 12 năm. Điều luật 457 của Bộ luật Dân sự được ban hành vào năm 2015 có nghĩa rằng không có một giá trị nào của nghị định từ năm 2008 được quyền phủ nhận giá trị của điều luật 457, được Quốc hội thống nhất ban hành vào năm 2015.
*** Nếu nói như vậy, thì tại sao lại có trường hợp thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhiều quan chức noi theo đó để xác định nghị định 64/2008 như một tiêu chuẩn, dẫn đến việc nhiều đoàn từ thiện, cứu trợ bị gây khó đến mức dư luận phản ứng và chẳng hạn vừa rồi, tỉnh Quảng Trị phải ra một công văn giải thích, nói lại…
--- Tôi tin rằng tổ tư vấn cho Thủ tướng đã để sót điều luật 457 của Bộ luật Dân sự 2015. Và khi sai lầm đó xảy ra, nó trở thành sai lầm của cả hệ thống khi ai nấy đều răm rắp hành động theo lời Thủ tướng.
Nhưng tôi tin cũng có những trường hợp sau đó hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai. Vì không thể trong cả nước chỉ có vài người đủ sức nhận biết để nhận ra sai sót này.
Cố tình hiểu sai, bởi sự lợi dụng các cơ quan địa phương ở những vùng xa, việc đón các đoàn từ thiện kèm theo nhũng nhiễu, thâm lạm hay bất minh… đều có thể xảy ra. Chính ngay trên báo chí nhà nước vẫn luôn có các tin tức như vậy.
Công sức và tình cảm của người dân chia sẻ với đồng bào bị nạn, đột nhiên trở thành công và của của các cơ quan nhà nước thì không hợp lý chút nào. Hành xử đúng của cơ quan chính quyền là phải hợp tác với người dân để cùng cứu giúp đồng bào bị nạn, không phải là giành quyền.
Tôi nhớ trận lụt năm 1964, ở miền Nam luôn có các đoàn từ thiện, cứu trợ tự phát như vậy. Ở nơi xuất phát, người ta chỉ cần thông báo cho chính quyền biết ngày giờ họ đến nơi nào, thì ở tỉnh đó sẽ chuẩn bị xe cộ, thiết bị vận chuyển của nhà nước đón sẵn giúp cho họ di chuyển thật nhanh và tiện lợi. Còn nếu muốn đi vào những nơi bị ngập lụt mà xe không thể đi được thì cứ báo trước, sẽ có cả ca-nô và thuyền do nhà nước tổ chức chờ sẵn theo tên đặt trước. Có những trường hợp theo đề nghị của đoàn, trực thăng trợ giúp việc rãi các nhu yếu phẩm để mong có người bị kẹt ở đâu đó lấy được.
Có nghĩa rằng trong hoạn nạn thì nhà nước phải cùng phối hợp với những người dân để cứu giúp cho đồng bào khó khăn, chứ không thể dựa trên điều luật nào, lý do nào để giành độc quyền cứu trợ.
*** Người dân khi tự ý hành động, đôi khi phải vượt qua những rào cản bất cập nhất định để làm được điều mình muốn theo lẽ phải. Họ có thể vấp phải những điều luật như “gây mất an ninh trật tự”, “chống người thi hành công vụ”… Nhưng với trường hợp khẩn cấp quốc nạn như thiên tai hiện nay, nếu như có cơ quan địa phương cản trở hành động hợp lý của người dân, liệu Bộ luật Dân sự 2015 đã có điều luật nào cho dân khởi kiện và xử phạt những người cầm quyền cản trở hay không? Quốc hội dường như đã bỏ quên vế này?
--- Trong một quốc gia bình thường, Người dân không cần thêm bất kỳ quyền nào như vậy đâu. Vì chính bản thân công dân là đại diện cho hiến pháp và luật pháp của một quốc gia khi hành động vì lẽ phải. Quyền công dân tối thượng được kích hoạt ngay vào lúc đó. Nhưng phải nói rõ là những chính quyền điạ phương hành động, họ luôn tạo cớ để không rơi vào trạng thái sai luật. Có nghĩa rằng họ rất hiểu luật nhưng hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai.

Thursday, October 22, 2020

Mọi thứ, phải chỉ là nhân dân


Mùa bão – lũ – lụt năm 2020 ở Việt Nam bùng lên. Tháng 10 năm Canh Tý, nước dâng nhanh như sấm giật, người dân miền Trung kể rằng họ mới đốt nến lên nhìn mực nước dưới cột nhà, quay đi quay lại một chút, nước đã sát mép chân. Nước dâng cho mưa, lụt nhưng nước còn ngậm lũ của những nhà máy thủy điện do nhà nước dựng lên xả ra liên hồi.

Tiếng dân kêu nạn của năm Canh Tý có nhiều điều lạ thường. Người dân không gọi tên nhà nước, mà chỉ gọi tên nhau. Dân gọi dân, đời gọi đời, thậm chí gọi cả trời… nhưng ít ai nghe thấy tiếng gọi tên nhà cầm quyền trong cơn hoạn nạn.

Suốt nhiều tuần liền, trên các trang mạng xã hội như Facebook, tràn ngập các tin tức về người cứu người, hy vọng được cứu và hy vọng đến nơi kịp lúc. Không có ranh giới nào về vùng miền hay giàu nghèo. Bức tranh Việt Nam đẹp lạ lùng trong khốn khó.

Nhưng, đó là chuyện của dân đen.

Mặt khác của việc người dân tự giúp nhau, không gọi tên chính quyền trong hành động đơn phương của mình – nói một cách nào đó đã tạo ra một cơn đau nhức, tinh thần của những người lãnh đạo. Những người cầm quyền bị đẩy ra ngoài rìa của hành động yêu thương, như thể họ bị coi như không phải là người Việt vậy. Bên cạnh đó, những tuyên bố cứu trợ người dân từ nhà nước rất chậm chạp so với hành động trực tiếp và hiệu quả của một cô ca sĩ tên Thủy Tiên ở Sài Gòn, là sự sụp đổ về ý nghĩa cai trị đất nước, đặc biệt khi sự cai trị đó, luôn hô to là sống chết vì nhân dân.  

Trăm năm nay, nước Việt vẫn sống và gượng sống với bất kỳ khó khăn nào, bởi tình đồng bào. Kẻ bị tát phía kia, thì phía này cũng đau. Chuyện đói khổ ở đâu đó, dù không nhìn thấy mặt nhau nhưng đủ thắt tim người đang ăn miếng no đủ. Những điều giản đơn ấy tạo nên một tinh thần đạo đức của người Việt, như di sản cuối của cha ông để lại.

Đến thời đại hôm nay, mưa lũ hôm nay, giữa mọi thứ đau thương hỗn loạn diễn ra, nhà cầm quyền nhất mực tập trung kèn trống đại hội riêng. Bên cạnh hình ảnh rộn rịp vỗ tay chúc tụng nhau, là bão ập, nước dâng, người chết, nhưng rồi chỉ có một tướng quân được nhắc tên để tưởng niệm ở Quốc hội.

Rồi đến khi rảnh tay, các quan lại địa phương lại trình diễn bằng ngôn ngữ chính trị, vờn trên khốn khó đời thật của dân đen, bằng việc viễn dẫn luật 64/2008 để chặn thu tiền cứu trợ của mọi nơi dồn về vùng bị nạn. Luật 64/2008 tạo ra áp đặt và mơ hồ, lại được bọn lạm quyền thích dựa dẫm làm cớ để chặn, lấy, trong lúc quốc gia khẩn cấp. Luật ấy cắt đứt nghĩa đồng bào, tình dân tộc… bằng cách ra lệnh không có bất kỳ ai người Việt được quyền tự mình cứu giúp nhau, mà phải nộp hết cho nhà nước, và để nhà nước định đoạt.

Bối cảnh ấy, dẫn đến những xung đột nhất định. Và những xung đột như vậy giữa người cứu trợ và các giới chức địa phương cũng cho thấy luật về quyền lập hội, công đoàn hay tổ chức NGO trong nước đang thúc bách vô cùng. Ở nhiều nơi cho biết, nhiều đoàn cứu trợ đã tức giận ngừng phát, có người đòi mang hàng cứu trợ đi về, phát luôn trên đường đi chứ không muốn bị lấy đi, nạp cho bất kỳ cơ quan địa phương nào.

Hàng cứu trợ chồng chất ở các nơi như vậy nhưng không đến được tay người dân, tranh cãi nhiêu khê. Luật 64/2008 giúp cho các quan lại địa phương khả năng không bóp được dân bên ngoài, thì bóp dân bên trong. Nhiều gia đình từng kể với báo chí rằng, họ vừa cầm được 500 ngàn, nụ cười chưa kịp tắt thì bọn nách thước, sai nha ập đến, lấy đi 400 ngàn, vỗ ngực nhân danh phải chia phần công bằng.

Dân gian vẫn có câu "mượn hoa dâng Phật" hay mỉa mai hơn là "của người ơn ta". Một hệ thống hành chính nhà nước thì không thể tồn tại trong sự mỉa mai như vậy, và nếu cố bám vào một điều luật không sức sống nào đó để hành động, thì lại là cơ hội tốt để trăm triệu dân Việt xét lại về cách sự nuôi dưỡng bất công, vô lý đó có xứng đáng là bộ mặt đại diện một nhà nước hay không?

Quảng Trị là một trong những nơi sớm nhất nhận ra sự xung đột này. Công văn giải thích (nói lại) từ tỉnh này với hoạt động cứu trợ, phân minh rằng sẽ không có cản trở hay buộc giao nộp hàng cứu trợ có thể chưa làm vừa lòng hoàn toàn những người dân quan tâm, nhưng chí ít cho thấy phản ứng cần thiết phải làm. Dù bịt mắt bịt tai cố chấp như thế nào, rồi cũng phải có người nhận ra rằng: Nhân dân là giá trị tối ưu cho việc xây dựng xã hội. Không thể có hệ thống công quyền mạnh đứng trên nền nhân dân đói khổ - còn nếu có, chỉ có thể là áp bức.

Không có thứ luật nào hay mệnh lệnh chính trị nào có thể cưỡi, ngồi trên nỗi đau của con người. Đó là điều mọi nhà lãnh đạo cần phải học nằm lòng. Nhất là khi có những loại luật được tạo ra để hủy diệt truyền thống thương yêu của người Việt với nhau.



Sunday, October 11, 2020

Từ thông điệp của Đức Đạt Lai Lạt Ma

 


Ngày 10 tháng 10 hàng năm, được Liên Hợp Quốc chọn làm  World Mental Health Day (tạm dịch: Ngày của thế giới về Sức khỏe Tinh thần). Trải qua đại dịch Covid-19 và những bất an về chính trị, xã hội, môi trường… đang diễn ra, bình an tinh thần của con người là được nhắc đến như một trong những giải pháp sống còn của nhân loại.

Nói trong thông điệp nhân ngày này, Đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh rằng điều cuối cùng mà con người khao khát, đặc biệt khi các nhu cầu vật chất có thể không còn thiếu thốn nữa, là sự thanh thản trong tâm hồn: thứ không thể mua được bằng tiền, không thể có được bằng chiếm đoạt được bằng bạo lực, đó là sự an lạc nội tâm. Tài sản đó tuyệt đối quý giá khi nhận thức đủ, và thật đau đớn khi bị mất đi.

Người Việt Nam, có bao nhiêu người tìm thấy được món quà an lạc quý giá đó trong tâm trí của mình?

Chắc là không nhiều, tôi nghĩ vậy, hoặc luôn luôn bị xáo trộn với cuộc đời trên đất nước này. Vì bởi mỗi sáng thức dậy, bất kỳ người Việt Nam cũng dễ dàng nhìn thấy một câu chuyện hành động chà đạp lên pháp luật, sự ngang ngược của nhân viên hay bộ máy hành chính công quyền, oan khiên, tàn phá môi trường, tham nhũng ngang nhiên… và sự chịu đựng vô cùng của con người trong một thế giới sống đang chủ trương vật chất vô thần lớn hơn tinh thần.

Chưa bao giờ người Việt có thể ngưng nghỉ cho sự an lạc đúng nghĩa, nếu như bạn là người tử tế. Chỉ mới hôm qua là một trí thức bị bắt cóc và ghép tội chỉ vì tố cáo một quan chức trung ương đạo văn lấy bằng tiến sĩ. Rồi chuyện giáo dục nhầy nhụa với những lần cải cách, hứa hẹn sẽ lại cải cách tốn kém vào năm sau như một loại đặt bẫy ngân sách… Vô số những câu chuyện như vậy từng ngày đang giày xéo tâm hồn Việt, dù bạn muốn ngó lơ cũng không thể.

Rất dễ nhìn thấy cuộc sống đã tác động như thế nào với tâm hồn người Việt hôm nay. Tranh cãi về giáo dục, chính trị, xã hội, kinh tế… trên các trang mạng xã hội, người Việt sẵn sàng gây hấn bằng ngôn ngữ, mạt sát và coi nhau như kẻ thù không đội trời chung nhanh chóng qua vài lời. Dĩ nhiên, không thể nói việc tạo dựng nên các nhóm AK47 và Dư luận viên để tạo nên những làn sóng tư duy và ngôn từ mạt hạng ở mọi nơi, cũng là một tội ác của nhà cầm quyền đang làm tan nát tinh thần người Việt, ở phía sử dụng cũng như phía bị tấn công.

Bạn nghĩ xem, ngó lơ, quên và mặc kệ mọi thứ có giải thoát được không?

Trong thông điệp của mình, Đức Đạt Lai Lạt Ma nhắc đến Bồ đề tâm giữa thế giới hỗn loạn này, như một giải pháp. Tức khi biết vận dụng sự ủi an kẻ khác, thương yêu và san sẻ gánh nặng với con người, kính trọng những người tử tế… bản thân đã tìm thấy sự an lạc bằng cách tự mình đứng dậy, lớn hơn mọi nghịch cảnh hỗn mang đang diễn ra, gửi đi những sức mạnh tinh thần cho người khác và cộng hưởng trong thế giới sống của mình.

Vì cuối cùng, sự thanh thản lớn nhất, không phải là khi chúng ta nhắm mắt có đủ nhung lụa và của cải thế gian chung quanh. Mà là trên đường đi vào thế giới khác, ít nhất ta cũng nhẹ lòng trong cuộc sống đã không bỏ quên đồng loại, đã từ chối yêu thương, chia sẻ vì sự ích kỷ hay hèn nhát trước bạo quyền.

Ít nhất, chúng ta đã sống và sống đúng trong thế giới tàn bạo hôm nay. Sống như một con người và thanh thản vì không cần phải tìm kiếm ngôn ngữ ngụy biện nào để bào chữa cho sự tồn tại của mình.

 

-----

"Ta không vào địa ngục thì ai vào địa ngục", được cho là câu nói của Địa Tạng Vương Bồ Tát. Đối diện với cuộc sống không bằng sự yên thân tạm bợ, hy vọng trong sợ hãi, thì chính sức mạnh từ bi và hành động với tâm Bồ đề, là cách để giải trừ sự mê muội đó. 

"Ðịa ngục vị không, thệ bất thành Phật,

Chúng sanh độ tận, phương chứng Bồ-đề". Cả Phật cũng không thể mũ ni che tai, quên sự đời mà tận hưởng sự an lạc của mình. Thấy nỗi đau của con người mà tự cho đó là điều không nên can dự, là tội ác. Phật không thể thành Phật – nếu không dám xông vào địa ngục để cứu độ chúng sinh.

 

 

"Luật" cho Phạm Đoan Trang

Trang trong một chuyến đi lặng lẽ, thoát từ nhà chạy vào Nam trong đêm

Trong những ghi chép của tôi về Phạm Đoan Trang, có rất nhiều chi tiết mà hôm nay khi lật xem lại, nối kết với nhau, chợt thấy đã đủ trở thành một cuốn sách biểu trưng, mô tả hành trình một thanh niên lớn lên từ nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, bật ra nhận thức giữa những vòng thép gai tuyên truyền, lên tiếng và trở thành một biểu tượng của thế hệ Việt Nam sau 1975, quyết dấn thân cho một lý tưởng vì đất nước mình.

Nhưng điều quan trọng là hành trình đó đã cùng lúc giúp mô tả rõ luật pháp Việt Nam, tương tự như một loại vàng mã được đốt quanh năm để nhảy múa, ma mị trước mắt nhân dân, nhưng vô nghĩa. Và dù không cố tình, nhưng chính Phạm Đoan Trang đã trở thành nhân vật chính, dẫn dắt một câu chuyện hấp dẫn khiến mọi thứ lộ ra rõ ràng trong máu và nước mắt của cô, về cái gọi là luật pháp. Tôi mở lại lịch sử cuộc tranh đấu cá nhân ngắn ngủi ấy trong đêm, rồi tần ngần trước ba cột mốc chính của Phạm Đoan Trang, dự báo nhiều điều cho hôm nay của cô, mà tôi chép lại sau đây.
Phạm Đoan Trang chủ trương đấu tranh bằng lý lẽ, chữ nghĩa. Nhưng vây quanh cô thì rất khác, rất “luật pháp”.
Cột mốc đầu tiên, đó là tháng 4-2017. Sự căng thẳng vây quanh Trang đã dâng cao. Giới công an viên Hà Nội đã cất sự mềm mỏng, vui vẻ vào hộc bàn, họ dùng đến các phương tiện khác, đời thật hơn. Ra mặt hơn trước. Cuộc diễu hành bằng xe đạp tưởng niệm một năm chuyện Formosa gây cá chết ở các bờ biển miền Trung bị công an ngăn cản ở Hà Nội. Và dù không có mặt trong đoàn xe, Phạm Đoan Trang cũng bị đưa về cơ quan làm việc.
“Địt mẹ con mặt l.!” - Trang kể rằng một công an viên trẻ, sau khi không nói được lý do vì sao đưa Trang vào đồn, đã chỉ mặt Trang, quát. Khi bị Trang phản ứng lại, anh này cũng không nói gì được, lại quát “Thứ mày thì tao đái vào mồm ấy”. Sự việc diễn ra trước mặt vài viên công an, và cả những phụ nữ của ngành ngồi nơi đấy. Nhưng tất cả đều im lặng. Câu chuyện khi ấy, nó giới thiệu cho biết sự khởi đầu của giai đoạn phía an ninh không còn đối xử với Trang là một người dân phản ứng vấn đề xã hội bình thường nữa. Sau cuộc bắt giữ không luật ấy, cuộc đời nhà báo Phạm Đoan Trang bắt đầu đối diện với những điều còn khốc liệt hơn.
Cột mốc thứ hai, khi Sài Gòn và Hà Nội liên tiếp nổ ra những cuộc biểu tình để nhắc lại tình hình môi trường bị tàn phá, cũng như phản đối luật an ninh mạng và luật đặc khu vũng như chính yếu là chống Trung Quốc xâm lấn. Trang cũng xuống đường đi bộ cùng mọi người. Sự kiện đáng nhớ là lần ấy, một thanh niên trẻ khỏe im lặng cứ đi bên cạnh Trang. Dù có chút nghi ngờ, nhưng Đoan Trang nghĩ rằng chắc là sẽ không làm gì có hại, ngoài việc theo dõi.
Nhưng không. Vào lúc ồn ào, chộn rộn, bằng một cú giẫm vào bàn chân Trang hết sức nghiệp vụ để giữ lại, tay thanh niên lại đạp bồi thêm một cú vào phía dưới đầu gối khiến Trang quỵ xuống lập tức, kết quả là ngay lập tức khớp chân sưng lên ngay, tổn thương nặng. Anh thanh niên biến mất. Cứ tưởng là một chấn thương nhỏ và sẽ sớm hết trong vài ngày, nhưng rồi vì tình hình đau đớn kéo dài khiến Trang phải đi bệnh viện (từ 2015 đến 2018 thì bùng phát, đau cả cột sống). Không thể giải thích nổi là vì sao cả hai nơi Trang đến khám, sau khi chụp X-quang, các bác sĩ đều bảo đó là chuyện không có gì để đáng quan tâm. Cho đến khi cảm thấy mọi thứ quá bất thường, Trang chạy vào Nam và đến bệnh viện của một bác sĩ quen, lúc ấy mới biết cú đạp rất có nghề ấy đã khiến cô bị đứt dây chằng chéo, chỉ còn vướng một sợi cơ sắp hoại tử. Chỉ trễ một ngày, Trang sẽ phải ngồi xe lăn suốt đời.
Dây chằng chéo là gì? Vị bác sĩ giải thích cho biết những dây chằng chéo này nối kết xương đùi (ở trên) và xương chày (ở dưới) để giữ cho trục chi dưới thẳng, chịu được sức nặng của cơ thể mà vẫn co duỗi được ở khớp gối. Khi bị đứt dây chằng chéo, hai xương này sẽ không bám vào nhau mà như hai đoạn xương lủng lẳng, không thể liên kết được để chịu trọng lượng cơ thể khi đi đứng. Cú đạp vào đầu gối từ phía bên sẽ làm cho khớp gối bẻ quặt vào trong, gây đứt hoặc giãn dây chằng chéo. Tình huống thường gặp nhất là một cú đạp chơi xấu trên sân cỏ hoặc cầu thủ tennis bị khuỵu xuống trong tư thế gối gập vào trong, hay do một cú đạp mạnh từ phía bên đầu gối do một tay nhà nghề, giỏi võ thuật và biết rất rõ hậu quả gây tàn phế của cú đạp này theo luật – luật của đường phố. Dù được cứu không bị mất hẳn một chân nhưng Trang đã phải chịu tàn phế suốt đời. Mãi mãi cô không bao giờ có thể lấy lại bước đi thanh thoát ngày xưa của mình.
Cột mốc thứ ba là buổi ca nhạc của ca sĩ Nguyễn Tín vào tháng 8-2018. Không có tiếng đàn hát nào trong câu chuyện này mà chỉ có tiếng bôm bốp của chiếc nón bảo hiểm được dùng làm công cụ để đánh liên tục vào đầu của Đoan Trang. Bốn thanh niên nói giọng Bắc đặc sệt, đi xe máy đeo khẩu trang, đánh một cách chăm chỉ và toàn tâm, cho đến khi chiếc nón ấy vỡ làm đôi. Đoan Trang nói rằng, trước đó, cô bị một chiếc xe bảy chỗ với những nhân viên an ninh đưa đi, đến đoạn đường vắng. Một người có vẻ là chỉ huy ra lệnh Đoan Trang đi xuống xe. Lúc này, đường vắng và xa lạ, giấy tờ và tư trang của Đoan Trang đã bị tịch thu ngay ở chỗ định biểu diễn, nên cô phản ứng về việc không thể về được nếu bỏ lại đây. Lúc ấy, người ra lệnh bèn lấy tờ 200.000 đồng đưa cho Trang và nói cô bắt taxi về.
Trang đứng ở vệ đường, còn hoang mang vì chưa hiểu chuyện gì. Cô vẫn còn đau vì khi ngăn cản buổi diễn, những nhân viên an ninh đã đánh cô liên tục trước đó. Cô cũng nhìn thấy xe bảy chỗ ấy không đi luôn mà chạy ra xa khoảng vài trăm thước rồi quay đầu, đậu lại, nhìn về phía chỗ Trang đứng. Cũng vừa lúc ấy, hai chiếc xe với bốn thanh niên ập đến, không nói lời nào, tấn công ngay lập tức, dĩ nhiên, có cả “địt mẹ” kèm theo mỗi cú giáng. Khi họ bỏ đi, thì là lúc Trang cố gắng lết đi, nhờ người đưa cấp cứu…
Trong câu chuyện với ba cột mốc mà tôi ghi lại ở trên, cho thấy có vô số chi tiết không hề nằm trong khung luật pháp. Bạn có thể hình dung mọi thứ giống như là cách của các băng đảng sử dụng để ra uy, kiểm soát khu vực bảo kê của mình. Những cuộc tấn công một cách có hệ thống và rừng rú vào một phụ nữ đã được tổ chức hoàn hảo đến mức bất kỳ công dân nào có lòng tin vào luật pháp đều có thể trở thành nạn nhân. Và rồi Phạm Đoan Trang hôm nay thì bị bắt bởi những điều luật được đưa ra rất mơ hồ. Vàng mã lại được đốt lên, múa may ở sân khấu “luật” Việt Nam.
Sẽ không ai nhắc đến những câu chuyện này trong phiên tòa sẽ diễn ra với Đoan Trang. Sẽ chẳng bao giờ có chuyện nhà nước Việt Nam đàn áp những người dân. Sẽ chẳng có ai tranh đấu ôn hòa bị bắt, mà chỉ có những kẻ vi phạm pháp luật. Sẽ chẳng có bao giờ chuyện đàn áp nhân quyền. Vì Việt Nam là một quốc gia luôn quan tâm và xem nhân quyền là một trong những vấn đề quan trọng để tiến bộ.
Ghi trên vàng mã, đốt trên sân khấu “luật” cùng với những kẻ mặc áo quan tòa, là những dòng như vậy.

Friday, October 9, 2020

Hiện thực của chúng ta


Tháng 10/2020, có rất nhiều bản tin liên quan về việc luật di trú Mỹ cấm đảng viên cộng sản hay thành viên các hệ thống độc tài đã xuất hiện trên các trang mạng. Những bản tin như vậy, kèm theo những lời bình luận xôn xao về chuyện những kẻ ác sẽ bị trừng phạt, dĩ nhiên, dường như đang làm rất nhiều người vui mừng. 

Trong suốt vài năm gần đây, Người Việt hay có những bản tin như vậy, chuyền cho nhau với hàm ý rằng “bọn cộng sản rồi sẽ bị tận diệt”. 

Chuyện không đáng nói đến, nếu như những niềm hy vọng ấy đã được chung tay nuôi lớn dần, những ước mơ cũng được nung nấu sôi sục hơn trong một lớp người Việt, về chuyện “ngày ấy” huyền bí sắp đến: Ngày của cộng sản tự nhiên chết lăn quay, và nhân dân có thể ca khúc khải hoàn mà không phải đổ một giọt mồ hôi nào.

Thực tế thật trần trụi, phải nhìn thấy rõ rằng, rất nhiều dự luật, đạo luật, diễn văn, tuyên bố ấy, chỉ là những liệu pháp tinh thần tốt với tâm lý một đám đông đang đau đớn, căm ghét cộng sản, và cũng bất lực. 

Chẳng hạn Global Magnitsky Act, hiện cũng chỉ mang tính biểu trưng và thái độ là chính, tiến đến giai đoạn hành động thực tế, ắt còn dài lâu. Và cho đến khi đạo luật ấy được thực thi, thì cũng sẽ còn vô số những người tử tế phải vào lao tù, những người dũng cảm bị kết án, và những kẻ độc ác vẫn tiếp tục mọc ra như cỏ dại, cười hả hê trong các hệ thống cai trị.

Quá tin tưởng và quá vui mừng với thời sự chính trị "có lợi" bên ngoài, ngồi nhâm nhi cà phê chờ đợi kết quả trước những điều như vậy, là điều cần phải suy nghĩ cho người Việt hôm nay. Rõ ràng, nhiều người đang chọn nghe và chú mục vào điều mình thích hơn là chọn nhìn thẳng vào sự thật.

Thế giới đa phương và vị lợi hôm nay, rất khác giai đoạn chiến tranh lạnh: khi ấy mỗi bên phải hành động để tuyệt đối giữ giá trị và tinh thần tự do hay cộng sản của mình.

Hôm nay, miếng lợi và chiến lược riêng của mỗi quốc gia đang khiến thế giới đan xen lẫn lộn mọi thứ vào nhau. Khó tìm được nước nào là tuyệt đối chính nghĩa, cũng như không có quốc gia nào thật sự cô độc vì cái ác của mình. Các phương thức mị dân cũng bùng nổ trong giai đoạn này, bao gồm các tuyên bố và các dự luật nói trên.

Cốt lõi vấn đề là thái độ thiếu quyết liệt và im lặng thỏa hiệp giữa các quốc gia, nhằm để trục lợi, hăm hở làm ăn với nhau và bất cần số phận các dân tộc đang rên xiết dưới ách độc tài, chủ nghĩa cộng sản giả hình văn minh.

Luật di trú chống đảng viên cộng sản chắc chắn không thể làm Trung Quốc sụp đổ, cũng không phải là thứ mà các đảng viên cộng sản như ở Việt Nam quá sợ hãi và từ bỏ đảng. Cần phải nhìn rõ rằng những tác động bên ngoài luôn tiếp sức cho các cuộc thay đổi trong quốc gia nhưng không phải là nguồn lực chính tác động. Luôn luôn, chính người dân trong nước mới là nguồn sức mạnh thật sự.

Bối cảnh nhiều tuyên bố và nhiều dự luật gây nức lòng xuất hiện dễ tạo nên một lớp người hy vọng vào chuyện "sụp đổ cộng sản tự nhiên", và khoanh tay bàn tán, chờ thời. Thậm chí sinh ra các phong trào cực đoan khi nhìn thấy người đứng ở phía khác giấc mơ của mình.

Và nếu chẳng may, khi đổi thay đến, Việt Nam thật sự bất hạnh khi có một lớp người quá lớn không muốn hành động, nhiều mộng mơ và chỉ bàn tán. E rằng khi ấy có dựng lên một nước Việt Nam, mong rằng tốt đẹp sẽ đến, cũng nhiêu khê.

Trong trào lưu “luận giấc mơ, khoanh tay chờ thời thế” của không ít người Việt, đã dựng nên một lớp người quyết chỉ sống với loại ectasy ngọt ngào đó, đủ để mơ màng quay lưng với quê nhà, quên đi nơi đó những người tranh đấu, những người đang chịu tù đày cho một hiện thực phải đến của đất nước.  

Nhưng còn cay đắng hơn nữa, hiện thực của chúng ta, vì để bào chữa cho việc ôm gối mộng mơ và quay lưng, nhiều người không ngại phủ nhận hay chà đạp những người đang khốn khó, chịu nghịch cảnh, tù tội... vì tự do và dân chủ, gọi họ bằng “cuội”. Tàn nhẫn hơn, trong số đó, có những kẻ tự viết ra những lý thuyết về chuyện tranh đấu chỉ là để nhằm được một suất đi xuất ngoại tỵ nạn; dẫu trơ tráo nhưng cũng được nhiều người tán thưởng.

Hiện thực của chúng ta vậy đó: Chia rẽ tận cùng vì khác biệt, mộng mơ điên cuồng với tương lai, và không ngại tàn nhẫn với ngày hôm qua. Và người Việt ấy, mong mình sẽ xứng đáng sống cùng những điều tốt đẹp nhất trên hành tinh này.

Phật giáo chân chính, chỉ mỉm cười



Nhiều trang mạng sùng bái Phật giáo theo kiểu nông cạn, cực đoan rầm rộ phản ứng một bức tranh châm biếm có hình dáng như Đức Phật, được nói là đăng trên báo Tuổi trẻ Cười. Và sự cực đoan lại càng được thế hơn nữa, khi báo TTC bị đưa vào thế phải xin lỗi.

Thậm chí, có "thầy" còn lên giọng, đòi cách chức Tổng biên tập báo TT.
Hình đúng, được đăng tải cùng bài này để rộng đường tìm hiểu.
Đáng nói là sự phê phán nông cạn đó, ngày càng lan rộng do được nhiều bậc "thầy" diễn giải, kích động, kéo theo một đám đông hò hét, phản ứng, thậm chí chơi trò săn tìm hình ảnh, nhân thân, nơi ăn chốn ở của họa sĩ biếm.
Bức tranh biếm, nói rõ tệ nạn trong tín ngưỡng hiện nay, mà rất nhiều chùa, nhiều thầy tu giả dạng đang thao túng Phật tử, đời sống. Chuyện không là tưởng tượng, mà có đủ chứng cứ qua ngày tháng về sự suy đồi ngày càng trầm trọng của hệ thống Phật giáo đăng ký sinh hoạt theo sự cho phép của Nhà nước, từ sau 1980 đến nay.
Suy đồi hiện rõ ở các vị "thầy", thao túng tư tưởng Phật giáo chánh đạo thành một loại tà môn thu phục con người, trục lợi tinh thần, thế chất và của cải chúng sinh.
Không thể không kể đến các kiểu cầu, cúng, lễ lạc, đóng góp vô đạo đức mà nhiều chùa hiện nay nhân danh vì người chết hay cho người còn sống. Ai không nhận ra những trò như rầm rộ tổ chức ban phép vào viết, tập cho học sinh thi cử được thành đạt, đó chỉ là quỷ môn giả Phật? Ai không nhận ra việc náo nhiệt quyên tiền chúng sinh dựng đại lễ phóng sinh chỉ là trò huyễn hoặc đám đông?
Hình dáng Phật - không có nghĩa là Phật. Từ câu chuyện lừng danh cả thế giới mà nhà văn Ngô Thừa Ân đã viết, cho đến Gantz của Hiroya Oku, đều dạy cho trẻ em biết quỷ luôn có thể mang gương mặt đẹp của thánh thần. Hôm nay ở VN thì đã dẫy đầy.
Phật giáo một tôn giáo lấy từ ái và thông tuệ làm đầu. Lũng đoạn, đẩy mọi thứ về suy luận ngu muội và cực đoan là một tội ác. Phật tử không thể là kẻ săn lùng Salman Rushdie hay Charlie Hebdo.
Khi nói đến quỷ giả Phật mà có kẻ rùng mình, Đức Phật nhắm mắt cũng phải mỉm cười. Hàng ngàn bức biếm họa như thế này không thể tổn thương được tới ý nghĩa Phật giáo cao quý chút mảy may nào, nhưng một bức chắc đủ làm rúng động bọn vẫn đang nương nhờ hương khói giả tạo.

TRẦN VÀNG SAO: thơ của một người chỉ yêu nước mình...

(ảnh: Bên trái là NXB Giấy Vụn, bên phải là NXB Nhã Nam)

Những bản thảo thơ từng gây nhiều tranh cãi của nhà thơ Trần Vàng Sao, rốt cuộc cũng đã ra đời trên hệ thống xuất bản của nhà nước. Bản in đẹp và trân trọng của NXB Nhã Nam với hơn 200 trang, gói tương đối đầy đủ về chân dung của một thi sĩ đất Huế; trong đó ông vẽ lại cuộc đời của mình, vẽ lại thế giới chung quanh mình Với một màu sắc lạ lùng khó tả.
Nhưng bất luận là gì, Nó là một nỗi đau có thật, đồng thời là một câu chuyện có thể được xem là biểu trưng của một thế hệ người Việt yêu nước, huyễn tưởng về một cuộc thống nhất dân tộc, đau đớn với hiện thực chung quanh và của chính mình.
Đọc thơ của Trần Vàng Sao có cả hai thái cực: sự ngây thơ và chân thành tuyệt đối của một người mang nặng chủ nghĩa dân tộc, và phía khác là sự giận dữ, hoài nghi và tuyệt vọng.
Tập thơ mang tên Bài thơ của một người yêu nước mình, ấn bản 2020 của NXB Nhã Nam, không khác biệt quá nhiều với ấn bản 2009 của NXB Giấy Vụn, một nhà xuất bản tự do, bản doanh bí mật ở phía Nam. Trong ấn bản 2009, người đọc có thể chạm vào, thấy, biết tức thì. Còn trong ấn bản 2020, chậm một chút, và đọc về cuộc đời thật của tác giả, mọi thứ cũng hiện ra khắc nghiệt và bàng hoàng không kém.
Chẳng hạn, trong chuỗi bài có tựa Người mất trí, ông để lại ít dòng như vầy:
“tôi xin chúc mọi người sung sướng
những bữa ăn thật nhiều thịt nhiều cơm
và không ai hầu hạ ai
không ai nhòm ngó ai
tôi xin chúc người già được nghỉ ngơi
buổi sáng mùa hè lên núi hái thuốc
buổi chiều mùa đông đốt lửa kể chuyện đời xưa cho con cháu nghe
tôi xin chúc mừng những người đàn bà sắp đẻ
mẹ tròn con vuông
tôi xin mừng các em có ăn và mau lớn
a ha a ha
mọi người đừng nhìn tôi thế
không phải tôi không phải là người
tôi ở đây trên bến sông này ngày ngày chèo thuyền
có xấu xí chi tôi không như các người”
Ấn bản 2009, NXB Giấy Vụn, ông viết trong Bản thánh ca của một tên hề mất trí là thi sĩ hay là Sự tích tôi làm hề:
“tôi tên hề mất trí
nói lời công an theo dõi
và làm thơ bị bắt
tôi ký tên tôi
nguyễn đính
lúc đó đám rước đi qua hết dãy phố
đám đông ở hai bên đường thắp đuốc chắp tay tụng niệm
những con nộm được treo lên trên cột điện bằng dải vải đen viết lời ca ngợi người chết
còn người nhắc tuồng hoa bó hương lên trời khấn vái trước chân dung những cái mặt nạ dựng ở ngã ba đường
và bây giờ tên hề bắt đầu đọc lời phúng điếu mình
1.
tôi làm kẻ hát ca
nửa đêm lang thang ngoài nghĩa địa đọc to danh sách những người chết được vẽ chân dung dán ngoài đường
tôi đốt những tờ giấy đắp mặt
rồi đắp mặt nạ vào nhảy múa
này tên tuổi của tôi
bầy đười ươi đã rút tay khỏi hai ống lồ ô
những người sống đứng sắp hàng trước bài vị của mình
rồi ném những chùm bông nứt nẻ xuống huyệt
đám người mù bắt đầu đánh trống
này tên tuổi của tôi
kẻ mất trí làm thi sĩ
ca ngợi những anh hùng không có thật trong truyện cổ tích
mai sau chết mù mắt
lúc đó mặt trời trong suốt”
...
Đọc tới đây, ắt những người yêu thi ca cũng đã cảm nhận tương đối đủ về số phận của Nguyễn Đính - Trần Vàng Sao.
Những dòng giản lược về cuộc đời của Trần Vàng Sao được ghi trong tập thơ xuất bản năm 2020 chung chung, bàng bạc và nhàn nhạt. Cũng dễ hiểu thôi, vì trong một thời đại của độc tài và kiểm duyệt, sự thật luôn bị thách thức và đòi hỏi sự kiên nhẫn của một phần người Việt còn suy tư và có nhân cách.
Những người cùng thời với nhà thơ Trần Vàng Sao nói tóm tắt rằng sau năm 1967, đi theo cách mạng được vài năm, nhà thơ Trần Vàng Sao đi ra Bắc do vừa bị thương, vừa là để được củng cố tư tưởng. Thế nhưng sống ở Hà Nội không ít lâu, ông nhận ra rằng cuộc cách mạng, mà ông mơ đến hoàn toàn khác với hiện thực. Từ việc ông chất vấn và phản biện rất nhiều vấn đề, cán bộ lãnh đạo trực tiếp đã xem ông là thành phần không thể cải tạo được, và giữ lại. Mãi cho đến sau năm 1975, thì ông mới tìm cách chạy được về Huế.
Tại đây, dù được kèm cặp, “giáo dục” và nhắc nhở liên tục từ hai người là Nguyễn Khoa Điềm và Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà thơ Trần Vàng Sao vẫn cứ là thứ “chai lì tư tưởng” nên luôn bị dè chừng và bị công an theo dõi, đặc biệt vào thời điểm có những đổi mới về văn nghệ của đầu thập niên 90.
Ông qua đời trong nghèo khổ, và sự xa lánh của những đồng đội, nay đã vào vị trí lãnh đạo. Lịch sử văn nghiệp của ông được vinh danh lần đầu tiên bởi các nghệ sĩ chủ trương tự do ngôn luận và xuất bản ở phía Nam, với tập thơ riêng và quảng bá đúng sự thật về cuộc đời ông, đánh động đến giới truyền thông nước ngoài.
Hai năm sau khi ông mất 9/5/2018, tập thơ đầy trân trọng đầu tiên của ông được xuất bản từ giấy phép nhà nước, dẫu có săm soi, cắt đục, nhưng vẫn đủ đẹp để trĩu nặng trái tim người đọc. Thôi thì vẫn hơn là không có gì, và vẫn là một ấn phẩm quý để giữ lại, chiêm nghiệm.
Gấp lại tập thơ, có thể bạn sẽ giống tôi, mong rằng ông sẽ yên nghỉ, thật sự được yên nghỉ. Ông như một hạt cát giữa sa mạc đau thương mang tên lịch sử của đất nước này, nhưng hạt cát cô độc của ông được giữ lại, được sẻ chia bởi tài năng thi ca của mình.

------

*** Nhà thơ Bùi Chát, người sáng lập và điều hành nhà xuất bản Giấy Vụn tại Sài Gòn, được Hiệp hội các Nhà xuất bản Quốc tế (The International Publishers Association, viết tắt là IPA) chọn để trao giải Tự Do Xuất bản năm 2011.
Ở Việt Nam từng có không ít nhà xuất bản ngoài luồng. Được biết nhiều nhất là các nhà xuất bản: Cửa của họa sĩ Trịnh Cung và nhà văn Nguyễn Viện, Lề Bên Trái của nhà văn Đào Hiếu, Tùy Tiện của nhà thơ Bỉm, Minh Châu của nhà thơ Đoàn Minh Châu, Da Vàng của nhà thơ Huỳnh Lê Nhật Tân, Một Mình của nhà văn Cung Tích Biền, Mũi Tên của nhà thơ Liêu Thái, v.v… Tuy nhiên, thứ nhất, tất cả các nhà xuất bản này đều xuất hiện sau Giấy Vụn.
Giấy Vụn, có quy mô lớn hơn hẳn. Có lẽ lớn nhất trong tất cả các nhà xuất bản chui ở Việt Nam từ trước đến nay.
Bắt đầu hoạt động từ năm 2002, với đứa con đầu lòng là tập thơ Vòng tròn sáu mặt của sáu tác giả (Bùi Chát, Khúc Duy, Lý Đợi, Trần Văn Hiến, Hoàng Long và Nguyễn Quán), đến nay, Giấy Vụn đã in được gần 30 đầu sách. Nhiều nhất là thơ, đặc biệt của các nhà thơ trong nhóm Mở Miệng (chủ yếu bao gồm hai người: Lý Đợi và Bùi Chát; giai đoạn đầu còn có sự tham gia, với mức độ vừa phải, của Khúc Duy và Nguyễn Quán) và những người đồng thanh tương ứng với họ, kể cả một nhà thơ nổi tiếng ở hải ngoại: Đinh Linh (với tập Lĩnh đinh chích khoái, xuất bản năm 2007).
Hai nhà thơ có tác phẩm được xuất bản nhiều nhất cũng là hai người đứng đầu nhóm Mở Miệng và nhà xuất bản Giấy Vụn: Lý Đợi (ba cuốn: Bảy biến tấu con nhện, 2003; Trường chay thịt chó, 2005; Khi kẻ thù ta buồn ngủ / When our enemy falls asleep – thơ song ngữ Anh Việt, 2010) và Bùi Chát (năm cuốn: Xáo chộn chong ngày, 2003; Cái lồn bỏ đi & những bài thơ chửi rủa [bới, lộn],2004; Tháng tư gãy súng, 2005; Xin lỗi chịu hổng nổi, 2007; và Bài thơ một vần/One-rhyme poems – thơ song ngữ Anh Việt, 2009) (1).
Ngoài thơ sáng tác, Giấy Vụn còn in một số tác phẩm văn xuôi (như Lĩnh nam tạp lục của Vương Văn Quang, 2005; Luận ngữ tân thư của Phạm Lưu Vũ, 2007; Lạc đường của Đào Hiếu, 2008; Viết của Bùi Hoàng Vị, 2011) và một số tác phẩm dịch, trong đó, đáng kể nhất là cuốn Trại súc vật của George Orwell (do Phạm Minh Ngọc dịch, 2010) và Việt Nam – hành trình một dân tộc của Philippe Papin (do Nguyễn Khánh Long dịch, 2011)

Tử tế, ở đời...

Một trong những văn bản thất truyền, luôn là niềm tiếc nuối cho các nhà nghiên cứu sử Việt Nam, đó là Thất trảm sớ của quan văn Chu Văn An (1292-1370). Có thể văn bản đó đã bị hủy bởi triều đại của vua Trần Dụ Tông (1336-1369), hoặc bị nhà Trần lưu vào vào dạng văn bản tối mật, rồi thất lạc. Đời làm quan của bậc đại thần Chu Văn An không chỉ là trí tuệ, mà là sự thanh cao chính trực. Ngài được mời vào chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy học cho con vua Trần Minh Tông (1300-1357), và được kính trọng như là một giảng sư vĩ đại của nhà Trần, đóng góp cho giáo dục và phát triển triết học Khổng tử (thời đó, triết học Khổng tử là nền tảng học thức của nhiều nước châu Á).
Đến đời vua sau, ngài Chu Văn An sớm nhận thấy đất nước loạn ly, quan lại trở thành một đảng phái, bao che cho nhau để cướp bóc, tàn hại dân lành, cướp đất giết người, xa hoa đạo đức giả. Kẻ gần gũi chính quyền, bị tội chỉ có kiểm điểm, cảnh cáo. Còn không, chỉ có thể bị xử tội khi phe nhóm thanh lọc lẫn nhau. Đã vậy, còn nổi lên những kẻ lạm dụng, nịnh hót rỉ tai, dối lừa che án.
Dù chỉ có chữ nghĩa và tấm lòng là quan trọng trong đời mình, biết cũng không thể chống lại nổi với hệ thống thị vệ và mật báo đã ăn tiền thuế thân, tô tức mà luôn phản dân hại nước, nhưng ngài Chu Văn An đã không ngại hiểm nguy, tự mình dâng Thất trảm sớ. Trong đó, sớ kêu gọi vua Trần Dụ Tông cho chém bảy gian thần hợp lại như một đảng phái, đang lũng đoạn đất nước.
Với kẻ cầm quyền không được nhân dân chọn lựa, tội ác, hưởng thụ, hãm hại lương dân, dí gươm cướp đất… là thảm nạn sinh ra không đếm sao cho xuể. Muôn đời vẫn vậy, cái ác vẫn luôn có thế đứng của chúng trên nỗi đau của nhân dân. Thất vọng vì lẽ đời bất toại, ngài Chu Văn An cáo lão từ quan, tự đặt cho mình biệt hiệu là “Tiều ẩn” (có nghĩa là người hái củi một mình, không muốn gặp ai). Từ lúc làm quan cho đến khi cáo lão về quê, và qua đời, ngài chưa bao giờ tự xưng mình là người tử tế.
Kể lại chuyện xưa, chỉ để nhắc lại rằng, ông Nguyễn Đức Chung, một trong những nhân vật chủ chốt của đại án Đồng Tâm, vẫn được vài cây bút nhận định rằng ông là một người tử tế. Mỉa mai thay, hai chữ “Tử Tế”, không thể cậy vào người khác tô vẽ cho mình, hay về hưu rồi có thể tuyên bố làm người tử tế.
Tử tế nơi quan trường là một vệt sáng trên nền trời tăm tối, chỉ có thể tạo ra tự nhiên bằng cuộc đời và hành động thật sự. Tử tế không thể có bằng suy đoán và tưởng tượng trong quan hệ chính trị.
Năm 2018, nhà báo Huy Đức từng viết trên Facebook ca ngợi về một tính cách tử tế của ông Chung, thông qua sự quen biết để dự báo về tương lai của Đồng Tâm. Năm 2020, nhà báo Nguyễn Như Phong thì ca ngợi tính cách tử tế của ông Nguyễn Đức Chung, qua nguồn tin riêng, cho là ông Chung đã không đồng ý âm mưu tấn công bất hợp pháp vào làng Đồng Tâm. Còn nhớ, tháng 2-2019, nhà báo Hoàng Hải Vân cũng có bài viết trên Facebook ca ngợi tính cách tử tế, sống có “tình huynh đệ” của Bộ Trưởng thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn. Và nếu thử dùng Google để tìm lại, chắc các bạn cũng sẽ tìm thấy rất nhiều bài ngợi ca sự tử tế của ai đó, khi họ kết thúc vị trí chính trị của mình, từ Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh... đến cả Lê Đức Anh.
Tử tế không phải là lương bổng, cũng không phải là huân chương chiến công... nhưng khi đã sống đủ phần đời của mình, có cả danh và lợi, không ít các nhà làm chính trị vẫn cố vơ vào khái niệm đó của nhân dân. Thiếu phần đó, họ có vẻ như sợ chết không yên dưới nấm mồ, có thể vì sợ nhân dân quay mặt mỉm cười.
Với Nguyễn Đức Chung, từ thời làm giám đốc công an, phải nói rõ đó là một tay sắt máu. Dùng côn đồ để đánh đập luật sư, nhà báo, cựu đảng viên cộng sản… và tất cả những ai lên tiếng cho đất nước là một trong những phương thức lành nghề của ông.
Giai đoạn chuyển qua làm chủ tịch của Hà Nội, ông Chung cũng lừng danh không ít về việc làm ăn sân sau với công ty Nhật Cường, với chuyện lọc nước sông Tô Lịch, và cả sự lật lọng trong vụ án Đồng Tâm.
Vậy đó.
Tử tế, là sống ở đời, và là sống cả đời với ý nghĩa đó. Tử tế không thể được tô vẽ vài phút trên truyền hình, dăm ba trang báo, in thành sách… đã là có thật.
Tử tế thật là nhân dân nhìn nhận và kính trọng, thờ phụng. Hoa ở các ngôi mộ những người tử tế, nhân dân mang đến. Đền đài, nhang khói và tu sĩ của những kẻ ác, chỉ có tự dựng và hốt hoảng trong nỗi cô đơn.
À quên nói, văn bản Thất trảm sớ bị thất lạc, có thể do triều đình đời sau tự xấu hổ mà hủy đi. Nhưng thỉnh thoảng cũng có một vài triều đại, tên những kẻ như vậy lại được đưa vào sách giáo khoa hay đặt tên đường...
--------------
Đời sau không ai biết bảy “đảng viên” bị dâng sớ là ai. Nhưng trong truyện dã sử của nhà văn Hoàng Quốc Hải thì bảy cái tên bị ngài Chu Văn An dâng sớ là:
- Hoạn quan chi hậu cục Mai Thọ Đức
- Ngự y Trâu Canh (là Hán gian leo cao luồn sâu trong lãnh đạo)
- Chính chưởng phụng ngự Bùi Khoan
- Nội quan Văn Hiến
- Tả ty lang trung Nguyễn Thanh Lương
- Hữu ty, hữu bộc xạ Tâm Đức Ngưu
- Đổng binh Đoàn Nhữ Cẩu

“Lạy chúa, cứu vớt kẻ lạc đường...”

Đêm khuya nọ, thấy thư của Linh mục Lê Quang Uy từ Vũng Tàu gửi đến, kèm theo là câu chuyện mà ông hứa ghi chép lại về những giờ phút cuối cùng đầy cảm động của nhạc sĩ Tô Hải.

Câu chuyện này, tôi được linh mục Lê Quang Uy kể cho nghe một lần, khi đến thăm và đàn hát cùng ông ở Vũng Tàu. Ông bị "di lý" về nơi này, như một cách ngưng mục vụ không chính thức, và bị buộc ngừng hoạt động Bảo vệ sự sống ở Nhà thờ Chúa Cứu Thế, 38 Kỳ Đồng. Ông là nhân vật nằm trong chuỗi giải tán các linh mục đang hoạt động công ích miệt mài, và bị ngừng lại không hiểu vì lý do gì, vốn gây nhiều xôn xao từ năm 2018.

Linh mục Lê Quang Uy là người sáng lập và đồng hành với chương trình Bảo vệ sự sống, thu thập thai nhi bị phế bỏ để chôn cất và giúp đỡ các thai phụ lỡ bước, cho đến khi ông phải rời bỏ, và giải tán cộng đồng thiện nguyện viên. Khi ông rời đi, ước tính có đến hơn 400.000 xác thai nhi đã được ông đặt tên, chôn cất và cầu nguyện.

Tôi còn nhớ ông kể lại câu chuyện dưới đây, như một phép lạ của đời thường, về một người cộng sản rũ bỏ chiếc áo vô thần và đến với Chúa. Mắt ông long lanh vui mừng suốt câu chuyện. Ông không biết, với tôi và nhiều người nữa, ông cũng là một phép lạ được Chúa ban tặng cho trần thế này. Khi nghe tôi nài nỉ ông phải chép lại chuyện, linh mục Lê Quang Uy cười và gật gù, “vâng, nhất định tôi sẽ gửi cho anh”.

Xin giới thiệu với quý anh chị, câu chuyện mang lại đầy những cảm nghĩ này...
----------
“LẠY CHÚA, CỨU VỚT KẺ LẠC ĐƯỜNG...”
Thứ bảy 11.8.2018, cụ nhạc sĩ Tô Hải từ giã cuộc đời này. Chúng tôi còn đang ở trên buôn làng Tây Nguyên, đến khi về lại Sàigòn chỉ còn kịp đồng tế trong Thánh Lễ an nguyện cho cụ trưa thứ ba 13.8.2018. Cụ nhận Thánh Phanxicô là Bổn Mạng. Bản thân chúng tôi được cái duyên giúp cụ cảm nhận về Chúa Giêsu, rồi cử hành Bí Tích Thánh Tẩy cho cụ tối Chúa Nhật 25.5.2014 trong Lễ Xa Quê DCCT Sàigòn. Thấm thoát đã hơn 4 năm, bây giờ nhìn lại tấm ảnh chụp sự kiện cảm động này thì cụ Mátthêu Vũ Khởi Phụng, người đỡ đầu, và cụ Phanxicô Tô Hải, ngồi xe lăn tuyên xưng Đức Tin, cả hai đều đã về Quê, hội ngộ nhau bên Chúa.
Nhớ hai cụ, chúng tôi xin được đăng lại một bài viết cũ, theo cách người ta thường bảo, như một nén hương lòng tạm biệt cụ Tô Hải. Cũng xin lưu lại bản nguyện ca cụ sáng tác chỉ mấy ngày trước khi được Thánh Tẩy, bài "Lạy Chúa, cứu vớt kẻ lạc đường…"
Một ngày đầu tháng 4 vừa qua, tôi được cha Đinh Hữu Thoại báo tin với một sự dè dặt chừng mực: nhạc sĩ Tô Hải muốn được rửa tội theo Chúa. Lễ An Táng thầy giáo Tân Tòng Đinh Đăng Định vừa xong, dư âm về quang cảnh, bầu khí Thánh Lễ ở DCCT, và đặc biệt là bài giảng thấm thía của cha Nguyễn Thể Hiện, biết đâu tất cả những điều ấy làm cho cụ Tô Hải xúc động rồi nhất thời cụ nẩy ra ý xin theo đạo. Anh em chúng tôi không dám võ đoán thêm, quyết định phải đến thăm tận nhà cụ, lắng nghe trực tiếp tâm sự và ước nguyện của cụ xem sao.
Thú thật là trước dịp này, bản thân tôi ít chú ý những thông tin về cụ, chỉ biết loáng thoáng về cuốn “Hồi ký của một thằng hèn” gây chấn động dư luận trong và ngoài nước của cụ, thế thôi. Đi thang máy lên đến tầng 11, thoạt bước vào căn hộ chung cư của cụ, tự dưng tôi cảm thấy như bước vào nhà một người thân quen tin cậy nhau từ lâu. Cách tiếp đón của vợ chồng cụ thật niềm nở hồn hậu. Ngoài ra còn khá đông anh chị em khác nữa, đôi bên chào hỏi nhau ríu rít. Hóa ra được điện thoại của cha Thoại, gia đình cụ gọi người này người kia đến, cứ như là đón thượng khách, chuẩn bị cho một sự kiện trọng đại !?!
Thế rồi ngay trong buổi sơ giao, tôi và cha Thoại đã thấy rõ Lòng Tin của cụ Tô Hải vào Chúa là chín chắn xác thực, không phải chuyện xúc động nhất thời, hời hợt bề ngoài. Chúng tôi có vội vàng lỡ hứa với cụ sẽ cử hành Bí Tích gia nhập đạo cho cụ vào Thánh Lễ Xa Quê cầu nguyện cho Hòa Bình và Công Lý Chúa Nhật 27 tháng 4 tại DCCT. Cụ và mọi người mừng lắm... Đến khi về nhà bàn bạc với các Bề Trên mới thấy như vậy vội quá, cụ còn tương đối minh mẫn sáng suốt, sức có yếu, thở có khó, phải ngồi một chỗ, nhưng không phải là ca nguy tử, rất cần có thời gian giúp cụ những điểm căn bản của Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo.
Vậy là trong mấy tuần tiếp theo trong tháng 5, tôi tìm đến với cụ Tô Hải, lúc nào cũng rủ thêm mấy bạn trẻ Nhóm Fiat, có ý sẽ giúp cụ tiếp nhận những chân lý cốt yếu của Tin Mừng Chúa Giêsu. Tiếng là đến giúp Giáo Lý, nhưng của đáng tội, lần nào cũng vậy, tôi chỉ ngồi yên chăm chú lắng nghe, còn cụ thì thao thao bất tuyệt, lắm khi sặc nước bọt hoặc hụt hơi thở không kịp. Tôi thật sự tôn trọng với những giờ phút mở lòng bộc bạch chân thành của cụ, lịch sử đất nước như diễn lại với trận đánh Điện Biên Phủ tàn khốc năm 1954, với vụ án Nhân Văn Giai Phẩm bi thảm năm 1956, với bao nhiêu là máu và nước mắt, bất công và dối trá... Còn các bạn trẻ thì cứ tròn xoe mắt trước một chứng nhân lịch sử tự giới thiệu là… quá hèn vì “đã 62 năm sống trong lừa dối và đi lừa dối mọi người”, nhưng nay thì hết hèn, dứt khoát lột trần tất cả sự thật!
Thế rồi, như ơn Chúa soi sáng, đến đúng chỗ cần phải trình bày Giáo Lý Tin Mừng thì tôi tìm ngay được khoảng hở để nói chen vào. Một lần tôi nhẹ nhàng đề nghị cụ sáng tác một bài hát như ông đại úy Nguyễn Hữu Cầu đã sáng tác trong tù bài “Khỏe re như con bò kéo xe”... Chỉ mới nghe có thế thôi mà cụ phản ứng nhanh và mạnh: “Điểm nào tôi cũng kính phục ông Cầu, chỉ có mỗi chuyện ông ấy bảo quên hết, tha thứ hết, không oán thù chi nữa thì tôi dứt khoát không đồng ý! Làm sao mà tha thứ được chứ, càng nghĩ càng giận, càng uất hận cái lũ tàn ác với nhân dân và phản bội tổ quốc!
Nói xong, cụ mệt vã ra, thở hổn hển và tay run lập cập. Tôi nhỏ nhẹ nói: “Cụ ơi, cụ theo Chúa Giêsu thì rồi cụ cũng sẽ sống, sẽ cư xử như Ngài. Ngài bị kẻ dữ nó đánh, nó chửi, nó vu khống, nó kết án chết oan uổng, vậy mà cụ biết không, Ngài thưa với Cha của Ngài: “Xin Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Thưa cụ, Chúa Giêsu lên án tội ác nhưng Ngài lại không bao giờ lên án tội nhân. Vậy mai này cụ theo Chúa Giêsu rồi, cụ vẫn là cụ lâu nay, can đảm, dõng dạc, mạnh mẽ lên án tội ác, nỗ lực sống điều thiện để cái ác dần dần bị đẩy lui và thất bại không thể làm hại con người nữa, nhưng chuyện hận thù thì cụ sẽ buông rơi tất cả, chỉ hát Kinh Hòa Bình của ông Thánh Phanxicô mà cụ yêu quý tự ý chọn làm Thánh Bổn Mạng, thậm chí cụ còn cầu nguyện cho chính những bọn ác biết cải tà quy chánh...”
Có lẽ cụ Tô Hải lần đầu nghe được một luận chứng kỳ lạ như thế, cụ bâng khuâng thinh lặng một lúc, các nếp nhăn trên khuôn mặt vị lão trượng 88 tuổi đời như giãn ra, ánh mắt như rạng lên sau cặp kính dày cộm, rồi cụ sực tỉnh nhớ lại tinh thần của Nguyễn Trãi: “Lấy chí nhân mà thay cường bạo, đem đại nghĩa để thắng hung tàn”. Mà đây, Tin Mừng của Chúa Giêsu còn lớn hơn cả đường lối của các vị anh hùng xưa trong việc trị quốc, bình thiên hạ. Nếu tôi nhìn không lầm, lúc ấy cụ đã khóc! Và tôi tin đó là giọt nước mắt của Metanoia...
Chúa Nhật 25.5.2014 vừa qua, đúng giờ hẹn cụ Tô Hải có mặt, ngồi trên xe lăn, quần áo màu nâu nhạt rất nhã, thắt cà vạt chỉnh tề, được người thân đẩy vào trước gian kính Mẹ Hằng Cứu Giúp trong Nhà Thờ. Tôi vắn tắt giới thiệu cụ trước cộng đoàn rồi đích thân chuẩn bị các nghi thức tiếp nhận cụ vào Hội Thánh Công Giáo. Sau bài giảng, Bí Tích Thánh Tẩy và Bí Tích Thêm Sức được long trọng cử hành, cha Vũ Khởi Phụng là người đỡ đầu cho cụ. Có thể nhận thấy hai cụ già cách nhau gần một con giáp, một Linh Mục Mátthêu, một Tân Tòng Phanxicô, từ nay sẽ trở thành đôi bạn vong niên cùng giúp nhau “sinh hoa kết quả” trong Đức Tin như lời chia sẻ Tin Mừng của cha.
Đối với riêng cụ Phanxicô Tô Hải, cụ đã có đến hai lần đổi đời, lần đầu để không còn là “một thằng hèn” trước toàn dân Việt, và lần sau này để không còn là “một kẻ lạc đường” trước mặt Chúa Giêsu.
LẠY CHÚA, CỨU VỚT KẺ LẠC ĐƯỜNG
Lạy Chúa Giêsu lòng lành bao la sáng mãi trên Trời,
Thương con, đây một kiếp người lạc lối giữa cõi thế mất hết niềm tin.
Giờ đây bên chân Chúa, con xin được nguyện cầu,
Quên đi hận thù, để cho bóng tối sẽ sớm được xua tan
Trên quê hương Việt Nam của chúng con…
Bài Thánh Ca vang vọng về nơi nơi có Chúa trên đời,
Mong sao qua một quãng đời tội lỗi, Chúa chứng giám tiếng hát niềm tin.
Lời ca dâng lên Chúa mang theo lời nguyện cầu,
Mong trong cuộc đời niềm tin nơi Chúa, cái ác phải tan đi
Trên quê hương Việt Nam của chúng con. Amen.
( Phanxicô Tô Hải, 20.5.2014 )
Lm. Giuse LÊ QUANG UY, DCCT, 30.5.2014