Friday, October 18, 2019

Từ biệt một người biết liêm sỉ




Từ biệt ông Hà Văn Thịnh, giảng viên đại học ở Huế. Ông vừa mới qua đời ngày 17/10, vào lúc được 64 tuổi.
Ông Thịnh là người tôi chỉ biết, không quen, nhưng lại kính trọng và nhớ, từ câu chuyện liên quan đến Đức Giám Mục Ngô Quang Kiệt.
Ông là người tham gia viết bài trên báo chí nhà nước và có lúc nổi bật trên dư luận với bài viết tấn công dữ dội Đức Giám Mục Ngô Quang Kiệt, sau khi nhận được cuốn băng video cắt ghép đầy chủ ý những lời phát biểu của ngài.
Lúc đó, năm 2008, Đức Giám Mục Ngô Quang Kiệt phát biểu rằng ngài cảm thấy buồn và nhục nhã khi ra nước ngoài, cầm hộ chiếu Việt Nam Nam và hiểu rõ vị thế của đất nước mình thông qua cách nhìn của nhân viên hải quan các nước.
Thế nhưng qua bàn tay phù phép nào đó, lời phát biểu này đã bị cắt ghép trở thành một tuyên bố phỉ báng con người và đất nước Việt Nam và chuyển đến cho ông Hà Văn Thịnh.
Sau đó, ông Thịnh đã có bài viết tấn công dữ dội với những lời lẽ nặng nề nhắm vào Đức Giám Mục Ngô Quang Kiệt.
Giải thích về hành động của mình, ông Hà Văn Thịnh có viết trong bức thư ngỏ của mình rằng “qua đây, cũng xin nói cho rõ ‘vụ’ này. Hồi ấy, tôi là cộng tác viên thường xuyên của báo Lao Động. Viết với đam mê và trách nhiệm thực sự của nghĩ suy là mình luôn bảo vệ cái đúng, chống lại những điều sai (ấu trĩ, ngây ngô, ngu dốt...; để cho độc giả và quý vị xa gần phán xét, mặc nhiên tôi không phàn nàn hay khiếu nại). Một lần, tôi nhận được điện thoại của ông Tô Quang Phán, Phó TBT (nay là Tổng BT Hà Nội Mới), nói rằng Tổng GM Ngô Quang Kiệt tuyên bố cầm hộ chiếu Việt Nam thấy nhục nhã, hãy viết ngay một bài bình luận về sự kiện trên....
Nhận được lệnh, với thông tin 8 chữ, tôi viết liền cho kịp bài báo để mai đăng, sau khi đã đọc lại toàn bộ Kinh Thánh. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa hiểu nổi, vì sao chỉ sau có mấy tiếng đồng hồ, vừa đọc Kinh Thánh lại vừa viết ra được bài báo tổng hòa và tận cùng của nỗi đau, sự xấu hổ mà không hề có một thoáng mảy may băn khoăn về chuyện đúng, sai? Xem ra, sự đui dốt, thỏa thê khó tìm thấy giới hạn”.
Suốt quá trình đó, Đức Giám Mục Ngô Quang Kiệt đều im lặng. Ông đón nhận sự tấn công vào mình, ở mọi phía, với sự nhẫn nại đáng kính trọng.
Nhưng rồi, một thời gian sau, khi ông Thịnh tìm thấy được toàn vẹn lời phát biểu của Đức giám mục Ngô Quang Kiệt, ở vị trí là một trí thức và một người có liêm sỉ, ông đã công khai viết thư ngỏ, nhận mình đã sai, và cầu xin sự tha thứ của của Đức giám mục Ngô Quang Kiệt.
Lá thư có đoạn như sau: “Tôi đã như một kẻ đui mù thách đấu với Tổng GM Ngô Quang Kiệt chỉ bằng cái sinh tử lệnh có 8 chữ, tức là bằng đúng một nửa của 16 chữ vàng cắt dán! Lỗi lầm và đau xót đang được đo bằng sự ê chề. Tôi chỉ còn biết sùng kính ngước nhìn lên và nói tới hai chữ: Cầu Xin!”
Ông cũng đã nhận được cái chìa tay thương mến từ Đức Giám Mục sau đó.
Ngay lập tức, nhiều bài viết của phía nhà nước cũng bắt đầu xuất hiện, tấn công và gọi ông là kẻ phản bội.
Câu chuyện của ông Hà Văn Thịnh, nó xứng đáng như là một bài học giáo khoa về con người và thế sự trên đất nước Việt Nam.
Nó chứng minh rằng con người là một sinh vật luôn bị lợi dụng bởi các loại chủ nghĩa, và luôn trở thành nạn nhân của chính mình trong thời đại kẻ ác có đủ các loại mặt nạ chính nghĩa.
Hôm nay khi nhắc đến ông, Hà Văn Thịnh, với những cuộc tấn công điên cuồng vào một con người đáng kính, thì nay dường như đã rơi vào quên lãng. Người ta chỉ nhớ đến ông với chân dung hiếm hoi và tiêu biểu của một trí thức biết đau vì bị lừa dối, biết cất tiếng để dựng lại sự thật, bất chấp đánh đổi vị trí của mình mình đang được tung hô.
Chỉ có đủ liêm sỉ và sự cao quý trong tâm hồn thì ta người mới có thể công khai quỳ xuống, từ bỏ bóng tối mà mình đã mang vác để đối diện với ánh sáng.
Hà Văn Thịnh xứng đáng nhận được sự thương mến và kính trọng của những người nhớ đến ông. Đặc biệt giữa thời đại đầy những kẻ khoác áo trí thức, tử tế mà giả nhân giả nghĩa.




No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.