Thật nhanh chóng, cuộc vây bắt người phụ nữ có hai đứa con
nhỏ tại tỉnh Hà Nam mới diễn ra vào buổi trưa ngày 21/1, thì đến tối, người ta
đã nhìn thấy hình ảnh video do công an đưa ra. Cơ quan này vội vã cho biết đã thi
hành lệnh bắt tạm giam và khám xét nơi ở đối với chị, Trần Thị Nga, về tội
“Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo quy định
tại Điều 88, Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1999.
Cuộc vây bắt được chuẩn bị thật tươm tất và chu đáo, đã nhắm
vào một người không hề trốn chạy và luôn nhìn thẳng, đối diện với mọi hình thức
tàn bạo nhất. Cuộc vây bắt rầm rập và quá chuyên nghiệp đến mức người ta nhớ đến
các cuộc ra đi khỏi Việt Nam một cách thư thả, của các quan tham nhũng như Trịnh
Xuân Thanh, mà tiếng hô vang truy tìm giống như một trò chơi trốn tìm của trẻ
con.
Chị Nga bị bắt vào 24 Tết, tức chỉ còn vài ngày nữa là chị
Nga và 2 đứa con nhỏ của chị là Phú và Tài sẽ cùng cùng nhau đón ông bà, cùng nhau
đón một năm mới. Họ sẽ có cơ hội để ôn lại những ngày tháng cả gia đình nhỏ bé
đó bị công an đập cửa sách nhiễu, an ninh mặt thường phục đeo khẩu trang hành
hung, thậm chí bị 6 người vây đánh chị Nga bằng gậy sắt đến gãy chân vào năm
2014.
Phú và Tài, hai đứa bé đã cùng mẹ lớn lên, có đủ cơ hội để học
biết về bạo lực của ngành công an Hà Nam, lẫn sự phi nhân của người cầm quyền đã
không chỉ nhắm vào chị Nga, mẹ của chúng, mà còn cả với chúng - những đứa trẻ đến
trường và bị buộc phải học và yêu thương những kẻ tàn độc với mẹ của chúng .
Chị Nga không phải là người phụ nữ duy nhất bị đối xử bất
nhân và quy chụp theo điều 88. Nhà cầm quyền đã kéo lê điều 88, 258, 79… đi khắp
nước như những cái máy chém vô hình để chụp xuống bất cứ ai mà họ cảm thấy là
nhân vật gây khó trong công cuộc gieo rắc toàn trị. Từ sau 1975 đến nay, có rất
nhiều người phụ nữ với tiếng nói và tinh thần tự do, ôn hòa của mình đã trở
thành cái gai trong mắt kẻ có quyền. Từ Bùi Thị Minh Hằng, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn
Phương Uyên, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Cấn Thị Thêu… và hôm nay
là chị Thúy Nga, tức Trần Thị Nga. Đất nước có bao giờ như thế này đâu?
Trong video mà công an đưa ra vào ngày 21/1, gương mặt chị
Nga như cố ghìm lại mọi cảm xúc để không ai lợi dụng được hình ảnh yếu lòng của
chị. Lúc đó, nỗi đau lớn nhất của chị chắc chỉ là nghĩ đến 2 đứa nhỏ. Tết này
chúng sẽ đón ông bà và năm mới mà không có mẹ. Thậm chí chúng sẽ phải tập sống với
những ngày mà mẹ chúng bị giam cầm, chúng phải tự lớn lên và học biết chung
quanh chỉ là dối trá.
Nhìn vào video, những ai không biết, có thể nghĩ rằng chị
Nga là một người hết sức mạnh mẽ và lạnh lùng.
Năm trước, trong một dịp chị vào Sài Gòn, khi ghé thăm Phú
và Tài, tôi hỏi là dạo này công an còn làm khó chị không. Trong tíc tắc, tôi thấy
chị như rùng mình, trở lại yếu đuối như mọi người đàn bà trên thế gian này cần
được sự chở che. Chị nói “chúng vẫn đánh Thầy à”. Và khi hỏi về lúc chị bị những
tên bịt mặt vây đánh đến gãy chân, mà chị đã nhận mặt rằng đó là những tên an
ninh vẫn đuổi theo chị, chị nói mà ngấn nước mắt “lúc đó, em chỉ nghĩ đến làm
sao che được cho 2 đứa con. Chúng có đánh chết em cũng được nhưng em phải che
cho Phú và Tài”. Trên đường về, tôi tự hỏi mình rằng, nếu như tôi có mặt ở đó, chứng
kiến tội ác, tôi sẽ làm gì?
Lịch sử chưa thể ghi hết và kể hết. Nếu Việt Nam có một Svetlana
Alexievich để viết về thân phận của những người phụ nữ đầy sợ hãi nhưng quyết đứng
lên để nói sự thật và tranh đấu cho những oan khiên kẻ khác, thì chắc chắn nhân
loại sẽ phải rơi nước mắt với nhiều chương u uất của nước Nam, không thua vì những
người phụ nữ Nga trong Đệ nhị Thế chiến hay từ sự cố Chernobyl.
Từ vị trí một người công nhân đi lao động hợp tác bị lừa đảo,
và khi trở về, nhận ra những bất công xã hội chung quanh mình, chị Nga cũng như
những người phụ nữ Việt Nam khác đã dấn thân, trở thành người xây dựng nền móng
công lý và sự thật trong xã hội. Thật dễ nhận ra, ở đâu cũng vậy, khi một nhà
nước kinh sợ công lý và sự thật, tìm cách trấn áp, thì chắc chắn đó là một nhà
nước tăm tối và vô luân.
Thế kỷ 21, có những người phụ nữ Việt Nam đã nguyện thắp lên
những ngọn đuốc soi sáng trong xã hội, cho tôi và cho cả các bạn vậy. Ánh sáng
đó, đôi khi họ phải trả giá bằng đời người, bằng tù đày và cô đơn. Hôm nay, nếu
các bạn và tôi phản bội lại ánh sáng đó, chúng ta không xứng đáng làm người, cũng
không xứng đáng để tồn tại trong giống nòi Việt Nam.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.