Monday, May 5, 2014

Chạm vào để nhớ

20140505-100355.jpg


Trong con đường đi vào thế giới khác hơn hiện tại, con người ngày càng nhiều nỗi lo: Lo vì có cơ hội biết mình nhiều hơn, lo vì đối diện với quá nhiều cái mới.

Ipad hay máy tính bảng nói chung, là một trong những điều rất nhỏ, mà không ít người vẫn bàn tán về nói, thông qua những trãi nghiệm mới, nhưng cũng nghe thấy những lời khuyên của các nhà nghiên cứu về việc người lớn, trẻ em… đang dành quá nhiều thời gian cho nó. Thường thì những lời khuyên đó, luôn có tính cảnh báo việc dành thời giờ mang tính ưu tiên cho một sản phẩm công nghệ, sẽ dẫn đến nhiều vấn đề khác.

Rất nhiều phụ huynh hay người cẩn trọng đều lo ngại khi đọc qua các cảnh báo này, mà quên đi yếu tố quan trọng nhất là chính mình đã làm nên thói tật do thiếu kiểm soát, chứ không phải là những tính toán thâm sâu từ bên ngoài. Thật đáng ngại khi nhìn thấy số liệu từ Hiệp hội giảng viên Anh Quốc, cho thấy trẻ em 3 và 4 tuổi thiếu khả năng tiếp xúc với đồ chơi thực tế, khi sử dụng nhiều chức năng chạm, vuốt của máy tính bảng. Nhưng cũng đừng quên số liệu việc các gia đình thường lười biếng giữ yên trẻ với chiếc máy tính bảng trong thời gian không hạn định khiến trẻ mắc chứng thiếu đối thoại.

Và cũng đừng quên chạm, vuốt (touchscreen technology) sẽ là công nghệ đi tới của tương lai. Tờ Forbes với chuyên đề The Future Of Touchscreen Technology (tạm dịch: tương lai của ngành công nghệ chạm) tập hợp nhiều bài viết của các chuyên gia về tin học cũng như giáo dục, đã ngợi ca cách tiếp xúc với tin học và thông tin…v.v qua cách chạm vuốt đã đưa loài người lên một bước tiến văn minh nhảy vọt, và còn được phát triển ứng dụng đến hàng thập niên sau. Dĩ nhiên, nếu muốn đồng hành với tương lai và cánh cửa văn minh của loài người, chính các gia đình và bản thân từng con người phải chủ động tìm thấy cách thích nghi hợp lý nhất cho mình.

Một cuộc nghiên cứu mới đây, công bố trên CNN, từ Riverside, California, khi hệ thống giáo dục của bang này đồng ý cho sử dụng máy tính bảng trong lớp, hiện đã có hơn 600 trường học dùng máy tính bảng trong các bài học của mình, bao gồm giáo viên và học sinh. Cũng có phụ huynh lo ngại về chuyện nếu con mình quá mê chơi game chẳng hạn. Một nghiên cứu khác ở học sinh lớp 5 cũng cho thấy – nếu cha mẹ biết cách dạy con và duy trì tối đa 20 phút chơi game một ngày – có thể nâng cao khả năng về toán đến 15%, trong 1 đến 2 tuần.

Nhưng cả những bản đi ảm đạm nhất, cho đến những bản tin tích cực nhất, vẫn cho thấy một điều rằng: việc cuối cùng để kiểm soát các sản phẩm công nghệ trong đời sống, là con do người. Sai lầm sẽ đến từ việc lạm dụng của bản thân người dùng, phát minh khoa học không hề có lỗi.

Thế kỷ 21, con người đang ngày dần được thụ hưởng tiện nghi và thông tin cho bản thân, cho cộng đồng mình. Và so với quá khứ, thật trớ trêu khi chúng ta yếu đuối hơn trước những điều có được, hơn là mạnh mẹ và tự tin hơn. Nó nhắc chúng ta rằng mẹ, cha, anh, chị… cũng đã từng sống một cuộc sống thiếu thốn nhưng vẫn mạnh mẽ hơn.

Khi chạm vào một máy tính bảng, vuốt để nhận. Có khi chúng ta cũng nên nhớ về bàn tay của anh, của chị đôi khi phải thấm nước miếng mới lật được trang giấy tập để viết bài – chưa có thống kê nào cho thấy bột giấy với các chất hóa học đã có hại cho người như thế nào.

Có khi chúng ta nên gõ những con chữ trên máy tính bảng, cảm nhận sự dễ chịu và nhớ đến lũ học trò trường làng vẹo cổ, lè lưỡi, nín thở… khi chấm mực viết bài cho thật đẹp. Những chiếc áo trắng chưa bao giờ sạch đủ khi luôn lấm lem mực tím, mực xanh. Cũng chưa có nghiên cứu khoa học nào cho thấy những tác hại của mực, của cách sử dụng viết cho xương cổ tay hay da của trẻ em?

Có khi chúng ta cũng nên thong thả ngồi và vuốt trên màn hình, để giải trí nhẹ nhàng nhưng cũng không quên hẳn đâu đó, những trẻ vào đời sớm đang vuốt tay trên xấp giấy vừa cắt, bén đến bật máu, hoặc của người mài dao ve vuốt lưỡi dao để cảm nhận độ bén cho khách hàng. Có những cú vuốt thật thoải mái, có những cú vuốt mang theo cả một đời. Sự sợ hãi tiện nghi của mình, có phải là điều đáng để nghĩ không?

Công nghệ mới đem tới cho chúng ta nhiều điều. Chạm vào để mở ra. Chạm vào để đi tới. Và chạm vào, để nhớ.

04/05/2014

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.