Tuesday, April 8, 2014

Bức ảnh với đôi mắt liếc

[caption id="" align="alignnone" width="2000" caption="(Từ trái qua) Chị Phượng, anh Truyễn và tác giả"]image[/caption]



Trong tất cả những bức ảnh mà tôi có, bức ảnh chụp chung với vợ chồng anh Nguyễn Bắc Truyễn, là một bức ảnh có điều rất lạ. Bức ảnh chụp vào một buổi sáng đầu hè, nắng nhẹ nhàng lên cao. Ánh nắng hắt vào gương mặt từng người, dễ dàng thấy được điều đó. Tôi vẫn nhìn đi nhìn lại bức ảnh nhiều lần, trong đó, đôi mắt liếc của chị Phượng là điểm phá hỏng không gian của tấm ảnh, đã luôn làm tôi ngẫm nghĩ.

Với những nhà nhiếp ảnh, đó là một tấm ảnh sai kỹ thuật, đáng vứt đi. Nhưng với tôi, thì đó lại là một bức ảnh ẩn chứa một câu chuyện dài của đời người. Bức ảnh như một chứng vật của thời đại, mà mai sau có thể trở thành giáo khoa uẩn khúc về số phận con người nơi quê hương đang chập chùng, đầy những điều phải lo âu lúc này.

Lý do của đôi mắt liếc ấy, tôi nhớ, là khi chúng tôi đứng kề nhau và nhờ cháu Nhi, con của tù nhân chính trị Nguyễn Văn Răng (anh Răng đang chịu án tại trại Xuân Lộc, Đồng Nai) chụp giùm. Ngay khi đó, có bóng một người đàn ông bước qua cửa, và nhìn chúng tôi.

Tôi nghĩ, và có lẽ cả 3 cùng nghĩ, “lại là một an ninh chìm nhìn ngó”.

Anh Truyễn có lẽ nhìn thấy, nhưng với anh, thì chắc đã quá quen với những cảnh như vậy. Tôi thì chỉ biết nhìn người lạ đó một cách vô tri, nhưng chị Phượng thì bất ngờ linh hoạt, im lặng căng người quan sát, cho đến khi người lạ đó khuất dạng. Bản năng của riêng một người phụ nữ  hay của cả loài người trước những hiểm nguy, khiến họ trở nên nhanh nhạy bất thường. Nhất là từ khi chị Phượng yêu một người đàn ông có thái độ chính trị đối lập với nhà nước Việt Nam, vốn đã trãi qua những điều kinh hãi, nghi hoặc, nên đã trở thành bản năng với những gì bất thường chung quanh mình.

Anh Truyễn và chị Phượng gặp và yêu nhau ở hoàn cảnh thật trớ trêu, nhưng nhiều đồng cảm. Chị Phượng là một tín đồ Hoà Hảo ở Lấp Vò, Đồng Tháp, một vùng mà công an chưa bao giờ có thể là bạn, còn anh Truyễn là một người tranh đấu tự do, cũng đã trãi qua những cam go khó tưởng được. Dù mới biết nhau, Anh Truyễn và chị Phượng đã sớm chia nhau nỗi đau về phận làm người trên nước mình. Mới đây thôi, ngày 24-2-2014, khi cùng nhau đến tòa đại sứ Úc ở Hà Nội, an ninh chìm đã xông đến đánh anh Truyễn mặt bê bết máu, mắt sưng bầm, nằm gục giữa đường. Và dù là phụ nữ, chị Phượng cũng bị đấm vào mặt, suýt ngất. Đám đông xuất hiện can thiệp, an ninh bỏ đi. Người ta kể rằng chị Phượng với 2 dòng nước mắt lăn dài, nhưng vẫn kiên cường dìu chồng của mình đứng lên để tiếp tục đi.

Trước đó, ở ngay tại nhà mình. Chị Phượng chứng kiến tình yêu của mình có cái giá như thế nào. Ngày 9-2, hàng trăm công an xông vào nhà chị đập phá, đánh người rồi giải đi. Hàng xóm chung quanh kinh hoàng. Liên tục nhiều đêm sau, những bóng đen ngang nhiên leo vào nhà chị tìm cách phá hoại đời sống, khủng bố tinh thần. Những người phụ nữ trong nhà thì hoảng sợ, im lặng, ngồi cố thủ trong nhà.

Nhưng anh Truyễn không vì sợ hãi mà ngừng lại. Cái ngày tôi gặp anh Nguyễn Bắc Truyễn và chị Bùi Thị Kim Phượng ở Saigon, là ngày anh Truyễn vẫn ráo riết chạy vạy, tìm cách làm cái gì đó để giúp cho các con em của tù nhân chính trị đang gặp khó khăn. Chị Phượng vẫn ở đó, bên cạnh anh. Ánh mắt chị vô cùng dịu dàng và tự hào khi nhìn anh Truyễn nói chuyện với tôi. Đó là một trong những ánh mắt có giá trị xác tín ở tình yêu, lớn lao nhất, mà tôi có thể chứng kiến trong đời mình.

Và cũng ánh mắt đó, trong phút giây tích tắc của bức ảnh ghi lại, tôi nhìn thấy ánh chớp của người đàn bà đã bước qua sóng gió và nay sẳn sàng lao ra để đối phó, che chắn cho tình yêu của mình. Đôi mắt liếc, sắc và không hề sợ hãi đó, tôi nhìn đi nhìn lại và mỉm cười: Tấm ảnh đã nói quá nhiều điều.

Tôi gửi bức ảnh đó cho một người bạn ở nước ngoài, nhờ giữ giùm như một kỷ vật quý giá. Tấm ảnh với đôi mắt liếc đó, với tôi, đó là một câu chuyện cần phải được kể lại, minh hoạ thật sống động, vào một ngày nào đó. Dĩ nhiên, khi đó, nó sẽ là một phần của lịch sử mà người Việt đã bước qua, học và nhớ để không bao giờ quay trở lại.

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.