(Báo Saigon Nhỏ) Theo dõi những gì diễn ra tại Việt Nam, trong thời đại dịch, câu chuyện hàng chục ngàn người lưu dân ở Sài Gòn vượt thoát các chốt chặn để về quê là điều khó quên. Một năm đi qua thật nhanh, và các diễn biến cũng dồn dập nhanh đến mức hình ảnh thoáng qua, những tiếng khóc, sự phẫn uất và các trò mị dân lẫn đàn áp của chính quyền đều trôi nhanh trong ký ức của người Việt khắp nơi trên thế giới.
Trên thế giới, chỉ có hai quốc gia là Trung Quốc và Việt Nam hành xử lạ lùng, vừa xem công dân của mình như một loại công cụ lao động để nuôi sống chế độ, vừa tàn nhẫn giam nhốt và để cho chết. Với một nền y tế bị huy động rùng rùng vô nghĩa trong suốt vài tháng trời: Học bài của Bắc Kinh, nhưng không có khả năng cứu chữa lẫn nhận thức về y học.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên từng tiết lộ vào chiều 12 Tháng Mười, về giai đoạn chống dịch COVID-19, tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội với UBND TP.HCM, rằng “quyết định sử dụng các biện pháp khẩn cấp nhưng không tuyên bố tình trạng khẩn cấp”, và ông cũng nói rõ “lúc đó chưa có thuốc điều trị, thành phố tập trung xây dựng bệnh viện dã chiến để tập trung ca nhiễm COVID-19 (F0). Nhưng tập trung xong ngồi đó ngó, ai khỏe vượt qua, ai mệt thì đi nằm bệnh viện. Việc này tạo áp lực căng thẳng rất lớn, không biết làm gì. Giữ F0 lại ngăn chặn nguồn lây nhưng tập trung họ lại xong không biết làm gì”.
Cả nước không biết phải làm gì, nhưng chính quyền chọn cách không biết làm gì của mình: Im lặng lừa dối, bất lực, phản khoa học và tàn nhẫn với người dân.
Bạn còn nhớ gì về những gia đình ôm con nhỏ, dầm mưa lạnh trên các ngõ quốc lộ, trân mình đứng chờ tháo chốt để về quê chứ không nghe theo lời khuyến dụ ở lại của chính quyền?
Bạn còn nhớ gì về những lời hăm dọa, quát tháo và kể cả dùng đến dùi cui của các lực lượng ngăn cản người dân tuyệt vọng chạy về quê nhà của mình?
Bạn còn nhớ gì về hình ảnh những đoàn người vật vạ trên các nẻo đường, đi hàng ngàn cây số bằng xe máy, xe đạp, và cả đi bộ… chỉ mong thoát khỏi những lời nói dối của chính quyền đô thị, và đến quê thì lại bị chận lại, giam nhốt và phạt tiền?
Và bạn còn nhớ gì về những câu chuyện người phụ nữ bị phá cửa nhà để lôi xuống lấy mẫu xét nghiệm, hay chuyện gia đình nghèo bị thảm sát toàn bộ tài sản 15 con chó của mình?
Chắc chắn là nhiều người còn giữ lại cho mình những điều đáng nhớ trong ký ức, nhưng rồi sẽ sớm tàn theo những dữ kiện mới đầy bất cập trên đất nước này, vẫn diễn ra hàng ngày.
Và phía chính quyền cũng muốn như vậy, hơn nữa, đội quân an ninh mạng của họ vẫn luôn nhịp nhàng và im lặng xóa dần các dấu tích bất lợi cho mình. Facebook, YouTube, TikTok… và trên những web khác, vốn vẫn bị tấn công là cướp dữ liệu.
Lâu nay, các hình ảnh và bài viết trên các diễn đàn chung đều bị xóa dần. Những cuộc biểu tình chống Trung Quốc từ năm 2006 cho đến nay thật khó tìm thấy tư liệu đầy đủ. Nhiều hình ảnh về biểu tình chống Formosa, chống chặt cây xanh, cướp đất Thủ Thiêm, Dương Nội, Đồng Tâm… cũng biến mất kỳ lạ trên các trang mạng: Đó là thủ thuật xóa ký ức, xóa hiện thực để thế hệ sau, ngày sau sẽ không còn cứ liệu tìm về.
Saigon Nhỏ đã quyết định thực hiện phần dữ liệu thư viện, cập nhật dần các sự kiện qua các tập san PDF, tóm tắt và giữ lại ở mức súc tích nhất có thể, nhằm để làm nơi chia sẻ với mọi người, bảo vệ sự thật để không bao giờ bị quên lãng. Mà mở đầu là tập san PDF mang tên Về Nhà, với những bài viết, hình ảnh được tuyển chọn trên không gian mạng. Những gì đã diễn ra trong cuộc tháo chạy khỏi Thành Hồ của người dân đều có thể tìm thấy, và hiểu được với bất kỳ ai.
Đây là chương trình được thực hiện lâu dài, với nhiều tác phẩm tự do, dữ liệu đời sống để tặng đến mọi bạn đọc, về hiện thực của lịch sử Việt Nam đương đại. Xin quý vị hãy chia sẻ và gửi đến những ai muốn gìn giữ sự thật quanh mình.
Tập san này xin được cám ơn đến nguồn tư liệu từ BBC, RFA, Zing, Đất Việt, Thời Báo.de… và các tác giả Phạm Minh Vũ, Võ Thạnh, Mạc Văn Trang, Song Chi, Tuấn Khanh, nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ, Bùi Chí Vinh, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Duy, luật sư Đặng Đình Mạnh, dịch giả Mai Sơn, bác sĩ Phan Xuân Trung… và nhiều tác giả khác không kể hết, hoặc không có tên vì do nguồn lưu lạc trên internet. Tri thức và sự dũng cảm trước thời cuộc của các tác giả đã giúp Saigon Nhỏ tạo được một nguồn tư liệu trung dung để giữ lại.
Ngoài bản tải về (https://bit.ly/3qoRbSE), quý vị có thể xem trực tiếp ở địa chỉ https://bit.ly/3E2MXoF
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.