Tuesday, July 27, 2021

Ngôn ngữ của chúng ta

 


Trong đại dịch, tôi có đọc được status của bác sĩ Phan Xuân Trung về chuyện trẻ em phải đi trại cách ly. Lâu lắm, tôi mới đọc được một người đang sống “trong lề”, nhưng bật ra lời rất thật. Kiểu nói thật mà không ít người Việt Nam lâu nay e ngại. Cụ thể, ông viết “Tôi yêu cầu chính quyền trả các cháu bé F1, F0 về với gia đình ngay lập tức. Không nhân danh bất cứ điều gì để bắt các cháu bé vô trại cách ly. Không giường nằm, không bác sĩ, sốt không có thuốc, đói không có cơm! Một sự vô cảm đáng kinh tởm!”.

Không cần phải kể lại lời bình luận của những người đọc status này đã đồng tình như thế nào, nhưng với bản thân tôi, là người cũng phản đối việc đẩy các em nhỏ đi trại cách ly chung trong tình trạng như lời bác sĩ Trung, sự mô tả ngắn gọn đó, dường như đã thay lời đủ cho tôi, thích hợp với tôi, và cả nhiều người khác nữa.

Nói như vậy, để nhắc lại rằng, nhiều năm nay, cách nói trực tính, thẳng thắn và đúng suy nghĩ của người miền Nam đã gần như mất dần. Mọi cách diễn tả được bao bọc bằng ngôn từ khéo léo, dẫn dắt xa gần chiếm lấy mặt bằng của báo chí, truyền hình, văn bản... Ngay cả ngôn ngữ xã hội của người dân nói với nhau, lắm lúc khi có mối giao tiếp thứ ba, có tình trạng dè dặt, cố bày tỏ phần suy nghĩ của mình là “trong sáng”.

Chẳng hạn trong trường hợp ông Thọ bánh mì, một quan chức đầy tai tiếng của tỉnh Khánh Hòa, về việc la lối, hăm dọa và sách nhiễu việc làm ăn của anh công nhân Trần Văn Em, khi anh này đưa ra lời lẽ đúng để chất vấn về việc cấm cản bánh mì dùng làm thực phẩm. Thư xin lỗi của chủ tịch tỉnh Nguyễn Sỹ Khánh ghi là “có thái độ ứng xử thiếu chuẩn mực đối với người dân trong khi thi hành công vụ, tạo bức xúc trong dư luận”. Đơn giản, với một người dân bình thường như tôi, ngôn ngữ như vậy là bao biện. Một quan chức được sắp đặt để dân chúng phải bầu lên, nhưng hành động như Thọ bánh mì, được gọi đúng là mất tư cách và không xứng đáng. Kiểu ngôn ngữ “thiếu chuẩn mực” là mơ hồ, vòng vo và muốn giảm nhẹ tình huống.  

Thật ra, ngôn ngữ cũng giống như con người. Nó cần được thể hiện đúng và đầy đủ. Không có gì khó chịu và ngao ngán bằng thấy ngôn ngữ bị đánh tráo ý nghĩa, bị ràng buộc, bị lạm dụng… mà không thể làm gì ngoài việc nhìn mọi thứ đi dần vào thói quen sử dụng của người dân.

Tôi vẫn nhớ hoài chuyện người thầy triết học của mình ở trường đại học. Thầy V. là người thú vị và có khuynh hướng diễn đạt thật, nói thật - trong giai đoạn mà một giảng viên nói không khéo, bị báo cáo, có thể mất việc hoặc gặp khó khăn với bên công an văn hóa như chơi. Có lần ông nói trước lớp về những sai sót về chính sách mà do chính báo nhà nước đăng tải. Không dừng được cảm xúc, thầy V. nói đọc báo xong mà bất mãn. Nhưng khi vừa bật ra chữ “bất mãn”, ông sững người như chân vừa đạp mìn. 15 phút sau đó, ông chỉ dành để phân tích, giải nghĩa với chúng tôi “bất mãn” không có gì xấu, nó chỉ có nghĩa như “không vui” thôi.

Xã hội chúng ta hiện là vậy. Từ vài thập niên nay, nói thẳng, nghĩ gì nói đó… dường như là một điều không nên. Con người đang có tập tính nói loanh quanh, diễn đạt êm dịu… để không bị đánh giá là cực đoan hay gay gắt. Đặc biệt từ khi luật an ninh mạng ra đời vào tháng 1-2019.

Nhưng không hiểu sao, tôi vẫn không thể nào làm quen nổi kiểu ngôn ngữ bị uốn nắn, mờ mịt sự thật ấy.

Mới đây, trên báo điện tử Vietnamnet có bài “Giãn cách ở TP.HCM: Thà một lần đau”, cho là trích lời của Phó thủ tướng Võ Đức Đam, nói rằng cần làm mạnh tay, biết giãn cách bị buộc ở nhà là bất tiện, nhưng “thà một lần đau” để quay lại đời sống bình thường. Không biết ông Đam có nói đúng vậy không, nhưng “thà một lần đau” là một suy nghĩ sai, diễn đạt lầm. Covid-19 không phải là hình ảnh của một đạo quân xâm lược, sẽ bị quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng tiêu diệt vĩnh viễn. Covid-19 vẫn sẽ đến và ở cùng tất cả mọi con người trên thế giới này – có thể là mãi mãi, và đòi hỏi những người lãnh đạo thông minh và có khả năng kiểm soát bằng khoa học.

Trên mạng xã hội có chia sẻ thư ngỏ của ông Đoàn Ngọc Hải, cựu quan chức ở thành phố, nói về chuyện ông chứng kiến một gia đình ở quận 3, có người mắc covid và chết, nhưng không gọi được cơ quan y tế nào đến giúp. Ông viết “một điều tôi rất trăn trở là các cơ quan của phường, quận không một ai xuống xét nghiệm và đưa họ đi bệnh viện từ lúc sáng nay mặc dù họ đã kêu gào trong điện thoại trước mặt tôi”. Chữ “trăn trở” ở đây, nghe như không mô tả đủ được sự cấp bách và nỗi đau hiện thực mà gia đình này phải chịu. Đây cũng là một ví dụ rõ về việc ngôn ngữ giao tiếp xã hội, với người dùng có thói quen làm mềm đi, để mang tính “xây dựng” hơn.

Dĩ nhiên, ông Hải không có lỗi gì trong việc “trăn trở”, nhưng đó cũng là lý do cho thấy vì sao mạng xã hội, với những blogger, nhân sĩ, trí thức có ngôn ngữ trực quan hơn như Dương Quốc Chính, Châu Đoàn, Phạm Minh Vũ, Phan Xuân Trung… lại được nhiều người tìm đọc. Bởi khi được thấy sự thẳng thắn và mô tả đúng, khi đó, người đọc mới không cảm thấy mình bị bùa phép với hiện thực, mới thật sự thấy mình là con người với con người.  

Báo chí mới đây cũng đưa tin ông bí thư Nguyễn Văn Nên nói với người dân Sài Gòn rằng “chúng ta xin nhân dân lượng thứ” vì còn bộ máy quản trị ở Sài Gòn “lúng túng”. Nhưng rõ ràng người Sài Gòn đang trông chờ ở ông Nên và hệ thống cầm quyền, nhiều hơn là ngôn ngữ xin lượng thứ về sự lúng túng. Trong quyết tâm của hệ thống chính trị để chấm dứt dịch bệnh, Ai là dân, cũng thấy rằng cần có giải pháp quyết liệt từ phía chính quyền về an sinh – là nghĩ đến miếng ăn, là tiền điện, tiền xăng…  của 10 triệu dân thành phố trong cuộc sống ngặt nghèo lúc này. Việc chấp nhận cho người dân tự cứu nhau, thiếu hẳn sự trợ giúp bao phủ của chính quyền, được coi là đẩy và phó mặc cái khó cho người dân. Trong ngôn ngữ Việt Nam, điều đó không gọi là “lúng túng”, mà sách vở từ xưa đến nay, vẫn gọi đúng là “thất bại”.


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.