Mới đây, giới hâm mộ thích thú khám phá một hình ảnh đời thường của Yoyo Ma, nghệ sĩ chơi Cello hàng siêu sao của thế giới, khi ông xách theo cây đàn và chơi cho những người đang chờ lượt chích ngừa Covis-19 thứ hai tại Massachusetts.
Chia sẻ về buổi diễn bất ngờ dài 15 phút này, Yoyo Ma nói đây coi như là cách ông tự ăn mừng và cùng chung vui với những người đang đến nhận lượt chích ngừa cuối của mình. Đoạn phim ngắn về Yoyo Ma ở Đại học Cộng đồng Berkshire, Massachusetts được nhanh chóng lan đi, trong sự thú vị của người chứng kiến.
Yoyo Ma, người đã giành được 18 giải Grammy và bán được hàng triệu đĩa trong sự nghiệp của mình, nói rằng ông muốn làm một cái gì đó như sự cám ơn, trả lại cho những gì mà ông nhận được. Những người may mắn thưởng thức được phần trình diễn của ông là người đến chủng ngừa và hầu hết là bác sĩ, y tá phục vụ ở đó. Cần biết rằng vé xem một buổi hòa nhạc của người nghệ sĩ 65 tuổi này, trung bình 300 USD, đến 1000 USD cho những hàng ghế gần sân khấu.
Richard Hall, một nhân viên làm việc tại đó, nói với tờ báo địa phương Berkshire Eagle rằng cả không gian ở đó đột nhiên yên bình một cách kỳ lạ, với tiếng cello văng vẳng những nốt nhạc của Bach và Schubert.
Nơi đây, Yoyo Ma đã đến chích ngừa lần 1, ông kín đáo quan sát mọi thứ và lần thứ hai khi ông đến, thì mang theo đàn cello. Kết thúc 15 phút trình diễn ngẫu hứng của mình, hàng tràng tiếng vỗ tay cám ơn đã vang lên ở mọi góc của tòa nhà.
Đã có hơn 530.000 người Mỹ đã chết, cho đến khi thuốc chủng ngừa Covid-19 được áp dụng. Vào tuần trước, chính quyền Biden đã thông qua dự luật cứu trợ coronavirus lên đến 1,900 tỷ USD, một đợt chi tiêu phúc lợi đầy tính lịch sử, tính từ nhiều thập niên qua. Biden cho biết ông sẽ ra lệnh cho các tiểu bang cung cấp thuốc chủng ngừa cho tất cả người lớn tuổi ở Mỹ trước ngày 1-5. Ông cho biết, hy vọng rằng vào ngày 4 tháng 7 năm nay, người Mỹ có thể kỷ niệm Ngày Độc lập và 'bắt đầu đánh dấu sự độc lập của chúng ta khỏi loại virus này'.
Một năm trước, khi đại dịch bắt đầu, Ma bắt đầu một loạt bài trực tuyến có tựa đề 'SongsOfComfort', với nỗ lực tạo sự an ủi và giảm bớt lo lắng 'khi đối mặt với nỗi sợ hãi và sự cô lập với những người yêu âm nhạc.'Trong những ngày đầy lo lắng này, tôi muốn tìm cách liên tục chia sẻ một số bản nhạc đã từng mang lại sự bình tâm cho tôi', Yoyo Ma viết trên Twitter, một năm trước.
Theo trang web của Yoyo Ma, dự án truyền thông xã hội của ông, bắt đầu bằng những video ngắn tự quay tại nhà, nhanh chóng thu hút người xem trên toàn thế giới, với hơn 18 triệu người. Vào tháng 12 năm ngoái, Ma và nghệ sĩ dương cầm Kathryn Stott đã phát hành một album có tựa đề 'Những bài hát của niềm An ủi và Hy vọng’. Ma và Stott viết trong phần thông báo về album: 'Các bài hát giữ lại thời gian ngắn ngủi của cảm xúc: chúng có thể chứa đựng những ước mơ và mong muốn đã mất từ lâu. Mong các bài hát mang lại cảm giác cộng đồng, bản sắc và mục đích, vượt qua ranh giới và gắn kết chúng ta lại với nhau trong lời cảm ơn, an ủi và động viên’.
Buổi trình diễn đầy cảm hứng của Yoyo Ma vào tháng 11 năm 1989, nhắc lại hình ảnh nhạc sĩ Mstislav Rostropovitch mang cây đàn cello đến chơi dưới chân bức tường chia đôi nước Đức. Một người nghệ sĩ tóc bạc trắng, một cây đàn và bản Suites của Bach là biểu tượng hòa bình. Hình ảnh đó là sự hồi sinh. Berlin đang hồi sinh.
Là một nhạc sĩ đàn cello bậc thầy của thế giới, Rostropovitch, vào 30 năm trước, vốn đang sống yên bình tại một căn hộ sang trọng ở quận 16 Paris, qua đài phát thanh, ông hay tin bức màn sắt của thế giới cộng sản đang bị khai tử, và thế là ông lập tức khăn gói lên đường đến Berlin. Cùng một người bạn thân, Rostropovitch mang đàn và đi thẳng đến nơi chân bức tường ô nhục chia cắt và mượn một cái ghế, bắt đầu chơi.
Mstislav Rostropovitch kể lại buổi trình diễn ngẫu hứng đêm 11/11/1989, là ‘một ngày hạnh phúc’, bởi ông biết rằng kể từ giờ phút đó Berlin không còn bị phân chia, người Đức hòa vào một khối và những nốt nhạc của Bach là keo sơn hàn gắn lại hai nửa tâm hồn của những con người bị Đông và Tây giằng xé. Cũng Rostropovitch tâm sự rằng ông cần thấy phải có mặt dưới chân Bức Tường ở vào thời khắc kịch sử đó để tri ân những người đã nằm xuống cũng tại nơi đó.
Hơn 40 năm sau, Yoyo Ma, với cây đàn của mình, cũng cất lên hy vọng về một thế giới đã đau đớn vì thuyết âm mưu, sự thù hằn vô cớ, vì cái chết và sự chia rẽ của con người.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.