Trong các vụ nâng điểm gần đây (không chỉ năm 2019) có 3 điều đáng chú ý: Một. Con cái quan chức; Hai. Các vùng xa của miiền Bắc; cuối cùng là việc nâng điểm thường dùng để học ở trường đào tạo cán bộ lãnh đạo hoặc chủ yếu là ngành công an.
Miền Bắc cũng là một trong nhưng nơi bùng phát nhiều, tình trạng mê đắm thi, xin học, mơ ước vào trường của ngành công an. Hiện tượng này cũng cho thấy quan điểm của giới phụ huynh về xã hội và quốc gia của mình không còn mưu cầu tìm kiếm cho con cái hành trang vào đời là khoa học hay tri thức tiến bộ, mà đi tìm kiếm một vị trí quyền lực xã hội.
Hoặc ở góc nhìn khác là tìm kiếm sự an toàn và bảo đảm sống còn trong một xã hội ngày càng lộ rõ hình thức công an trị.
Đây không phải là một nhận định chủ quan. Mà trong Phúc trình Thực thi Nhân quyền Thế giới năm 2018 của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ phát đi ngày 13/03/19, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael Pompeo tại buổi họp báo tuyên bố tình trạng nhân quyền tồi tệ trong chế độ CSVN. Trong đó, Hoa Kỳ chính thức cáo buộc Việt Nam duy trì chế độ “công an trị.”
Nhưng cáo buộc này, khá chậm trễ so với các nhà bình luận thời sự quốc tế ghi nhận. từ năm 2013, giáo sư Adam Fford của Đại học Victoria, Australia đã từng phát đi nghiên cứu của mình về chính trị Việt Nam, nhận định rằng Việt nam ngày càng công an trị.
Năm 2017, giáo sư Carl Thayer cũng viết trên blog của mình, nhận định về sự bùng phát của ngành công an Việt Nam, với ước tính, cứ 15 người dân là có một công an.
Dĩ nhiên, trong việc bùng nổ về nhân lực và ngân sách của ngành công an, tác động không ít đến xã hội, kể cả trong suy nghĩ về giáo dục và tiến thân của giới trẻ hôm nay. Trên các chiếc xe đẩy bán trang phục vui chơi của trẻ em, nhiều năm nay người ta nhìn các bộ trang phục công an, dùi cui giả, súng ngắn… đang thay thế dần các nhân vật có sức mạnh truyền thống như Batman, Spiderman… Giá trị anh hùng cá nhân trong trí tưởng tượng đang chuyển đổi qua các giá trị quyền lực thực tế mà trẻ em Việt Nam nhìn thấy hàng ngày, và thậm chí được nghe cha mẹ chúng trò chuyện. Bao gồm cả những chuyện người dân bị bắt và đồn công an và chết bất thường.
Những vụ nâng điểm để học, và trở thành công an, hay cán bộ ở các vùng xa Hà Nội, cho thấy tâm lý muốn đứng trên kẻ khác vẫn còn rất mạnh. Con cái của quan chức thi muốn tiếp tục cai trị, có quyền thế. Còn con cái của dân thường thì mang tâm lý quyết chí đổi đời, muốn không bị là kẻ thấp cổ bé miệng. Dĩ nhiên, trong các xu hướng thầm kín đó, kiểu nói hoặc suy nghĩ vô giáo dục như của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, cựu chủ tịch HĐND TP Sài Gòn “Con cái lãnh đạo làm lãnh đạo là hồng phúc dân tộc” cũng cổ vũ không ít cho tư duy nối ngôi của các gia đình quan chức tỉnh.
Cần phải nói thêm, án oan, ép cung, đánh chết dân… trong ngành công an, cũng thường xuất phát từ giới ít học, ham hố vị trí và khen thưởng. Việc học dốt, chạy điểm, vốn có từ cả thập niên nay, ắt hẳn cũng đã tạo ra một tầng lớp cán bộ, đặc biệt là những công an viên không có thực lực và sẳn sàng tuân lệnh mù quáng vì bản thân luôn có tỳ vết là vô học, được nâng điểm. Và từ các yếu tố thiếu thực tế tri thức và tố chất văn minh tiến bộ trong người, tầng lớp ấy sẽ hủy hoại quốc gia, khi đứng trong guồng máy được coi là quan trọng bậc nhất của Việt Nam hiện nay.
Đó là một phần của bộ mặt thế hệ mới của Việt Nam. Được gọi là hậu duệ của người Việt hôm nay và tương lai. Và trong đó, có không ít "hồng phúc của dân tộc".
Chợt nhớ, năm 2014, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam từng có câu nói gây nhiều tranh cãi “Đời tôi và các bạn chưa đòi được Hoàng Sa thì đời con cháu sẽ làm được”. Hãy tự hỏi, con cháu chúng ta là những kẻ nâng điểm, được cha mẹ là quan chức hậu thuẫn cho sự lừa dối. Những đứa trẻ lớn lên trong giấc mơ quyền hành và chạy theo danh lợi ấy sẽ làm được chuyện đòi Hoàng Sa?
Bài viết của tôi là câu trả lời phần mình. Còn bạn, bạn có tin vào điều ấy không?
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.