Một ngày cuối tháng 4, tôi nhận được cú điện thoại từ gia
đình của anh Trần Huỳnh Duy Thức, kể tình hình của anh Thức trong trại giam lúc
này. Câu chuyện kèm theo một món quà bất ngờ: một bài hát mà anh Thức sáng tác nhân
ngày của mẹ, vào tháng 5/2017.
Nhiều ngày, tôi không có lòng nào mà nghe nổi bài hát, bởi chỉ
loay hoay nghĩ về tình trạng của anh Thức trong nhà tù số 6, một nơi nằm sâu ở phía
tây Nghệ An. Từ tháng 8/2016, trong phòng giam nóng bức và tăm tối cả ngày lẫn
đêm, những người quản lý trại tù số 6 đã quyết định cắt điện phòng giam của anh
Thức. Mọi sinh hoạt của anh đều phải diễn ra trong một khung cảnh nhờ nhờ, suốt
trong nhiều tháng, đã khiến thị lực của anh bị sút giảm trầm trọng.
Anh Trần Huỳnh Duy Tân, em trai của anh Thức kể lại sau chuyến
đi thăm nuôi vào tháng 4 vừa rồi, rằng anh Thức đang bị tình trạng mắt nhìn không
còn rõ, lại có nhiều biểu hiện như ruồi bay trước mắt. Lúc này, anh đọc hay
nhìn rất tệ. Khi gia đình xin trại giam mở điện phòng vào ban ngày, hoặc nếu
không thì xin được gửi vào cho anh Thức chiếc đèn pin nhỏ bằng nhựa để anh có
thể nhìn rõ hơn, thì phía nhà tù đã từ chối, nói rằng đèn pin thuộc vào thiết bị
điện tử, nên không được sử dụng.
Khó tả làm sao, khi nhà chính quyền không mang lại ánh sáng
cho con người, việc chọn cách tự thắp lên một tia sáng để bước đi, con người cũng
không được phép.
Anh Tân nói lần thăm nuôi đó là một lần thật căng thẳng. Vì lần
đó gia đình đã có những phản ứng dữ dội nhất về hoàn cảnh chịu lao tù của anh
Thức. Sự căng thẳng không phải bởi chỉ chuyện ánh sáng phòng giam, mà điều kiện
y tế nói chung cũng tồi tệ đến mức gia đình giật mình khi nhận được yêu cầu từ
anh Thức, rằng sớm gửi vào cho anh sách vở nói về các kiểu bệnh của răng, để
anh đọc và tìm cách tự chữa chứ không thể trông cậy gì vào việc nhờ cậy y tế
nhà tù.
Tôi không dám hỏi thêm về các triệu chứng mắt của anh Thức –
có thể đó là tình trạng vẩn đục dịch kính hay tăng nhãn áp chẳng hạn – do tôi
nhìn thấy gia đình anh cũng đã đủ căng thẳng. Tôi lại thấy mình loay hoay, nghĩ
vẩn vơ khi nhìn ra ngoài trời mùa hè ở Sài Gòn đang rực nắng, và nghĩ tới đâu
đó âm u trong căn phòng giam nhốt một người luôn cất lên những lời yêu nước thiết
tha.
Cuối cùng, tôi cũng mở bài hát của anh Thức để nghe anh viết
gì. Nếu không kể bài hát về Mẹ vào năm ngoái, mà anh viết lời, Trần Vũ Anh Bình
viết nhạc, thì đây là bài đầu tiên anh tự mình viết tất cả.
Tôi mở bài hát, nghe đi nghe lại nhiều lần. Có lúc, tôi bước
vội ra cửa sổ nhìn trời, trong khi tai vẫn còn vang lên giai điệu của bài hát.
Thật khó tin những gì tôi đang thấy ngoài đời là những lời anh viết, anh mô tả
từ phòng giam tăm tối đó. Ánh nắng, mây trắng, làn gió và những mầm xanh đang
phất phơ trong một ngày thiên nhiên tràn ngập sự sống, có đủ trong bài hát. Phải
yêu cuộc đời này lắm, thì ca từ của anh Thức mới có đầy ắp sự rạo rực của hy vọng
và khát khao như vậy. Bài hát của anh nói về mẹ, về cha, nhưng nghe như lời hát
về tổ quốc mình. Nghe mà thao thức, mà loay hoay.
Tôi chỉ biết gửi đến các anh chị, các bạn, bài hát mới của
anh Trần Huỳnh Duy Thức. Tôi xin để lại mọi thứ trong cảm nhận riêng của từng
người về bài hát này, hơn là diễn giải một cách dài dòng. Nhưng tôi tin khi lắng
nghe và chia sẻ đủ, các bạn và các anh chị sẽ có cùng một cảm giác như tôi: rằng
một người như có suy nghĩ đầy ánh sáng như Trần Huỳnh Duy Thức, ắt sẽ sớm thoát
khỏi bóng tối của căn phòng giam oi bức đó, để còn dựng lên những mầm xanh, những
con đường Việt Nam, như anh đã ôm ấp, viết lên trong bài.
TB: Anh Thức nói tôi đặt tựa giùm cho bài hát này, để gửi tặng
cho tất cả những ai yêu mẹ, yêu đất nước mình. Tôi có tạm đặt một cái tên cho
bài hát này, nhưng có lẽ đúng nhất, chính người nghe và chia sẻ với Trần Huỳnh
Duy Thức sẽ tự mình thầm gọi tên nó, theo những suy nghĩ riêng. Chắc anh Thức sẽ
vui vì điều đó.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.