Với tư cách là chủ tịch
của Phong trào Lao Động Việt trong nước, một tổ chức XHDS hoạt động với chủ
trương hỗ trợ người lao động, chị Đỗ Thị Minh Hạnh đã lên tiếng về sự kiện này
Về sự việc anh Hoàng Bình (tức Hoàng Đức Bình) bị công an tỉnh Nghệ An
bắt bất ngờ và vào ngày 15/5 vừa qua, quan điểm của Phong trào Lao Động Việt như
thế nào, xin chị cho biết?
Đối với quan điểm của Phong trào Lao Động Việt (PTLDV) thì
việc bắt giữ anh Hoàng Bình đã gây nên một sự phẫn nộ chung, vì các hoạt động của
anh, cũng nằm trong mục đích của PTLDV, là nhằm hỗ trợ cho các ngư dân miền
Trung đang gặp khó khăn vì thảm họa môi trường. Việc bắt giữ anh theo cách như
đã diễn ra, là một hành động hết sức phi nhân tính.
Thế nhưng phía công an thì nói rằng anh Hoàng Bình đã phạm tội ở các điều
là “Chống người thi hành công vụ” (điều 257) và “lợi dụng quyền tự do dân chủ để
tuyên truyền chống phá Nhà nước” (điều 258), chị giải thích sao về những điều
này?
Chúng tôi được biết, việc anh Hoàng Bình bị ép vào điều 257,
tức chống người thi hành công vụ. Nhưng trên thực tế, chính phía các cơ quan chức
năng của nhà cầm quyền đã hành động đàn áp, bắt bớ trái pháp luật đối với những
người đang lên tiếng ôn hòa trước hiện tình đất nước, đặc biệt là với sự kiện
Formosa thải độc ra biển miền Trung.
Anh Hoàng Bình không có hành động nào gọi là chống đối như
nhà cầm quyền mô tả cả. Bình chỉ là người
dám nói một cách thẳng thắn mọi điều đang diễn ra, và nói thay cho những ngư
dân ở đó, vốn không có điều kiện truyền bá thông tin. Việc anh Bình bị gán ghép một tội danh như vậy,
đối với giới hoạt động xã hội dân sự trong nước là chuyện rất đỗi bình thường.
Vì xưa nay, nhà cầm quyền vẫn ra các tội danh như vậy như một cách chụp mũ cho
những ai mà họ không thích. Mục đích là dập tắt những tiếng nói ấy vào tù, dập
tắt sự thật.
Còn với điều 258, gọi là lợi dụng quyền tự do dân chủ để
tuyên truyền chống phá Nhà nước thì thật là vô lý. Vì hoạt động của anh Bình,
cũng như tiêu chí của PTLDV là giúp đỡ người lao động, và hoàn cảnh ở Nghệ An
là ngư dân. Với tinh thần ấy, anh Hoàng Bình đi vào cuộc sống của người dân một
cách đường hoàng và tự nhiên. Thế nhưng chính quyền thì lại chụp cho anh ấy cái
mũ chống Nhà nước. Ngôn từ của điều luật
258 hết sức mù mờ khi nói anh Bình “lợi dụng quyền tự do dân chủ” – nhưng thực
tế ở Việt Nam thì cho thấy không hề có tự do dân chủ. Do đó mọi thứ chỉ là gán
ghép tội danh để tống người vào tù mà thôi.
Tin cho biết sắp tới đây, Formosa sẽ đẩy mạnh hoạt động, chuẩn bị vận
hành tổ máy số 1 với công suất lớn hơn. Liệu tình hình hiện nay với Bạch Hồng
Quyền, Hoàng Bình… có phải là một lời cảnh báo của nhà cầm quyền về việc giới
tranh đấu về môi trường phải chấm dứt ngay các hoạt động đòi bồi thường hay kiện
tụng hay không?
Đã hơn một năm nay, thảm họa từ hoạt động của nhà máy
Formosa đã rõ. Chính vì sự kiện này mà các anh em như Bạch Hồng Quyền, Hoàng
Bình… đã sát cánh cùng ngư dân trong thời gian vừa qua để đòi công lý, minh bạch
về thảm họa… và được người dân thương mến. Chính vì vậy mà nhà cầm quyền lo sợ.
Tôi tin rằng khi tổ máy số 1 của Formosa hoạt động, chắc chắn
người dân lại càng thêm phẫn nộ. Bởi thảm họa chưa giải quyết xong thì lại tiếp
tục còn phát triển hoạt động trên nền thảm họa đó. Việc bắt bớ và khủng bố tinh
thần… tôi tin rằng mọi thứ đều nằm trong một “quy trình” chuẩn bị cho các hoạt
động mới của công ty Formosa mà thôi.
Tính từ đầu năm đến nay, có ít nhất là 8 người hoạt động về môi trường,
đặc biệt là liên quan Formosa, đã bị bắt giữ theo các tội danh khác nhau. Đây
quả là một điều gây sốc sốc trong dư luận trong và ngoài nước, chị nghĩ biện
pháp này của nhà cầm quyền sẽ làm giới tranh đấu hoảng sợ và chùn lại?
Không chỉ liên tục những người tranh đấu cho môi trường bị bắt
giữ, mà thậm chí những người đang sinh hoạt bình thường cũng bị canh giữ, theo
dõi, ngăn chận một cách vô pháp luật. Tôi có thể lấy ví dụ là ở Sài Gòn, từ cuối
tháng tư, chúng tôi đã trãi qua 3 đợt canh chận một cách hung hăng mà không có
lý do. Đợt đầu là 4 ngày, sau đó là đợt 2 ngày, rồi mới đây là một đợt kéo dài
9 ngày, chỉ tạm dừng trước khi anh Hoàng Bình bị bắt.
Tôi tin rằng chính quyền đang lo sợ sự thật tràn ra, bùng nổ,
mọi người dân sẽ ý thức khác và đòi quyền lợi của mình, của đất nước. Như vừa rồi,
khi công an bắt giữ anh Hoàng Bình, hàng ngàn người dân đã chận Quốc lộ 1 và
đòi phải thả người. Sự đoàn kết đó là chúng tôi hết sức ấm lòng.
Tù đày không làm chúng tôi sợ hãi. Tôi nghĩ mọi con người
khi bước vào công việc xã hội dân sự đều chấp nhận những bất trắc sẽ đến. Tù
đày chỉ là nơi rèn luyện chúng tôi dày dạn hơn và chuẩn bị tốt hơn cho việc phụng
sự đất nước về sau.
Không riêng chúng tôi, mà tôi tin rằng rất nhiều người dân
giờ đây đã không còn sợ hãi. Nếu sợ hãi thì họ đã tê liệt và trốn chạy trong sự
kiện Bạch Hồng Quyền hay Hoàng Bình. Nhưng hàng ngàn người đã lên tiếng, đã xuống
đường chặn giao thông để đòi minh bạch sự việc. Và đám đông đó đã hình thành
thì chỉ có thể nâng lên, tạm lùi chứ không thể nào mất đi được.