Sunday, May 4, 2014
Níu
Xóa đi hay giữ lại? Tôi tự hỏi nhiều lần đến bật cười một mình.
Buổi sáng Chúa nhật, trời cao xanh đến lạ. Lòng lặng lẽ và trống rỗng sau những ngày 30-4 dồn dập trống chiêng hòa giải, hòa tan. Nhìn lại trong danh bạ, chợt thấy tên, số điện thoại của vài người quen, nay không còn để làm gì nữa nữa, nhưng vẫn còn cố níu lại. Khoảnh khắc thật khó tả, ập đến trong ít lâu. Trong những con số đó, có của nhạc sĩ Việt Dzũng, của luật gia Lê Hiếu Đằng.
Con số thì nằm đó, nhưng đằng sau là một khoảng không sâu thẳm, im lặng. Tôi lại tự hỏi rằng, nếu ta xóa những con số, những ký tự đó. Mọi thứ sẽ bay về đâu? Có nơi chốn nào là ký ức của người, sau khi thực thể biểu trưng đã xa lìa?
Hôm nay đã là 100 ngày của luật gia Lê Hiếu Đằng, và cũng đã hơn 100 ngày của nhạc sĩ Việt Dzũng. Không biết linh hồn của họ đã bay về đâu. Nếu muốn nhắn đến cả hai một lời chúc mừng cho hành trình thoát ra thế giới, chắc rằng điện thoại nhân gian sẽ không cưu mang nổi.
Vô ích. Có lẽ phải xóa thôi. Giữ lại, có thể sẽ níu lại điều không thể. Giữ lại, có thể chỉ là níu cho bản thân mình.
Nửa năm trước, Việt Dzũng ngồi trước hiên nhà. Mắt ngó vào khoảng không. "Em nghĩ là anh có kịp về Việt Nam không?".
Bác sĩ nói Việt Dzũng đau nhiều thứ lắm, phải ráng khiêng khem mới hy vọng giữ thêm ít lâu. Dzũng vứt thuốc trong xe, chạy đi tìm gặp một ông thầy người Miên có tiếng là xem bói lừng danh. "Tôi có sống được đến lúc về Việt Nam không?". Ông thầy Miên nói bằng thứ tiếng Anh lạ lùng "2015, ông có thể về Việt Nam, nếu còn sống".
Nửa năm trước, tôi đến thăm luật gia Lê Hiếu Đằng ở bệnh viện 115. Anh đã không còn nói được. Nằm trong phòng cấp cứu, đắp hờ một tấm mền mỏng màu xanh. Mắt anh bừng lên khi tôi nắm tay. Mắt buồn và như muốn nói rất nhiều điều. Tôi nắm chặt tay anh, nói chậm "Anh không cần nói gì. Em hiểu anh, mọi người hiểu anh. Em cũng đã đọc thư ngỏ của anh". Lê Hiếu Đằng nhìn tôi. Đột nhiên một giọt nước mắt của anh ứa ra. Tôi nhớ đến bức thư đầu tiên anh gửi đến làm quen "Anh muốn gặp em sớm để chia sẻ nhiều điều với em".
2 số điện thoại, 2 cái tên, 2 con người khác nhau nhưng cho đến tận khi lìa xa thế giới, lại mang chung một nỗi đau không có ngành y khoa nào có thể chạy chữa được: nỗi đau quê nhà.
Không biết ở bầu trời thật cao, nắng trong xanh hôm nay, 2 con người đó có đang nhìn thấy một quê nhà như họ ước mong không?
Tôi xóa đi từng con số, từng ký tự... chậm chạp như một nghi lễ hiến sinh cho giấc mơ. Xóa những digits thực thể nhưng là cách khắc vào lưu ức vĩnh cữu.
Bất luận là đau thương, là kiêu hãnh hay trắc ẩn, các anh sẽ đi cùng lịch sử Việt Nam trong hành trình về hy vọng, vì bởi các anh là một phần của tiếng nói tự do của dân tộc Việt, có thể khuất chứ không bao giờ mất.
Đọc các bài viết của Anh thấy cái đau nó lan tỏa, gặm nhấm từng thớ thịt...Biết nói gì đây...?
ReplyDelete