Wednesday, May 31, 2023

Lộ Diêu: Dân chọn hay chính quyền đã chọn?

 

Câu chuyện bãi biển Lộ Diêu đẹp mê hồn ở xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định, nay mai rồi sẽ bị san, dời để làm chỗ cho nhà máy luyện gang thép đồ sộ Long Sơn, đang khiến khắp nơi người dân Việt ai nấy biết đến đều nhói lòng. Cái tên Lộ Diêu bắt đầu ngày càng được nhắc đến nhiều hơn, được tò mò bàn tán về địa danh và thắng cảnh đẹp nguyên sơ: bởi lâu nay biển Lộ Diêu chưa được chính quyền dùng đến, quảng bá như một địa danh du lịch đặc biệt của Bình Định.

Vùng biển nhỏ, hẻo lánh ở Bình Định có thể không tạo nhiều ấn tượng trên các dòng tin, về một đổi thay sống còn của thiên nhiên Việt Nam, và cả vận mệnh của hàng trăm con người đã chia nhau sống và gìn giữ từ hàng trăm năm trước. Thế nhưng, chỉ cần ví von, nếu đặt một nhà máy thép ở Đà Lạt hay Sapa, ắt mọi người sẽ hình dung của sức nặng ham muốn làm kinh tế, để đánh đổi cả quá khứ và tương lai của một địa danh là như thế nào.

Trước đây, Dự án nhà máy gang thép Long Sơn định đặt ở huyện Phù Mỹ, nhưng rồi lại đổi ý, chọn Lộ Diêu. Trong công văn của nhà đầu tư gửi tỉnh Bình Định, số 1219-1/LSPM-KHTT, điểm quan trọng nhất được nêu trong báo cáo là do Lộ Diêu địa hình đất gần núi, khối lượng san và lấp không nhiều phí tổn, so với Phù Mỹ. Bên cạnh đó còn nhiều thuận lợi chuẩn, hướng ra biển. Nói trắng ra, có nghĩa là nếu dựng ở Phù Mỹ thì tốn kém cho nhà đầu tư, hơn là ở Lộ Diêu.


Ngôn luận của nhà đầu tư, đem lại một sự lo sợ ngấm ngầm cho bất cứ ai có suy nghĩ nhạy cảm, đồng nghĩa là bất cứ bờ biển nào có lưng là núi, mặt là biển, đều là cơ hội cho các nhà máy thép. Trong đại lộ chen nhau chạy về phía trước để làm ra tiền của ở Việt Nam lúc này, bất chấp các dự báo và ưu tiên dân sinh, dường như mọi thứ đều đang nằm trong tầm ngắm của các nhóm đại tư bản tầm thu hoạch nhiệm kỳ.

Nhưng đáng sợ, là sự ủng hộ tha thiết đến khó tin của những người lãnh đạo tỉnh Bình Định, được nhìn thấy đến mức như đem tính mạng của mình ra đặt cược, dù trong ngôn luận bảo đảm của các quan chức, không có gì thuộc luận cứ khoa học được giới thiệu.

Trước đây vài tháng, cái tên Hồ Quốc Dũng là một cái tên xa lạ, hầu như với cả nước chẳng ai biết. Chỉ đến khi câu chuyện dự án lập một nhà máy thép khổng lồ ở thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn trở nên ồn ào, và ồn ào hơn nữa với các tuyên bố “bán mạng” của ông, thì mới rõ: Hồ Quốc Dũng, bí thư tỉnh ủy Bình Định.    

 

Câu nói của ông Hồ Quốc Dũng chắc nịch, tuyên bố rằng sẽ không thể có ô nhiễm. “Người dân Lộ Diêu cứ yên tâm. Vì nhà máy thép có công nghệ tuần hoàn, nước thải không xả trực tiếp ra môi trường biển và có hệ thống lọc, khói bụi”. Dĩ nhiên, là ông nói, chứ không hề là nhà đầu tư ra mặt nói. Nhưng cũng không có gì bảo đảm cho những ngôn luận đó, bởi ông Dũng chưa từng có trong tay một báo cáo thẩm định an toàn, nghiên cứu khoa học về tác động môi trường nào của nhà máy thép đó được đưa ra trước công luận và đưa ra cho các nhà khoa học mọi nơi góp ý.  

Trong công văn trình cho Sở Kế hoạch Đầu tư Bình Định, nhà đầu tư liệt trong mục 7, mười điểm liệt kê bảo vệ môi trường cũng chỉ là dự đoán, vì mọi thứ không có chi tiết hoạt động, công suất cụ thể, nguồn thải và cũng không có ai kiểm tra văn bản đó là bao nhiêu phần trăm xác thực. "Nếu sau này nhà máy thép có m3 nước thải nào đổ ra biển, tôi sẽ chịu trách nhiệm. Dự án sẽ bị dừng khi ảnh hưởng môi trường", ông Hồ Quốc Dũng nói và cho biết khói bụi của nhà máy cũng được thu gom để phục vụ cho lĩnh vực khác – tuy nhiên, ông không cho biết lĩnh vực khác, là lĩnh vực nào cần đến khói bụi. Mọi cam kết chắc nịch của ông, cũng mông lung như trong văn bản của nhà đầu tư.

Trong các tuyên bố với báo chí, ông Hồ Quốc Dũng liên tục nói “Tôi chịu trách nhiệm nếu nhà máy thép xả thải ra biển”. Thật khó đoán, ông Dũng sẽ tự mình chịu trách nhiệm như thế nào với một dự án quy mô đến hơn 53 ngàn tỷ đồng mà chắc chắn sẽ không có sai sót? Trong các câu chuyện người xưa để lại, các vị quan liêm chính khi quyết chọn thi hành một phương sách, đã nhận đổi cả tính mạng của mình nếu thất bại. Ông Hồ Quốc Dũng liệu có đem tính mạng của mình đặt ra vào lúc đó?

Dì Hương, một người dân Lộ Diêu phát biểu

 Các vị quan chức tỉnh Bình tuyên bố là nếu lòng dân không thuận, sẽ không làm. Thế nhưng buổi giáp mặt với những người dân Lộ Diêu, vào sáng 30 Tháng Năm 2023, chính quyền đã không tìm được bất kỳ một lời ủng hộ nào. Nhưng thay vì đó là ý kiến cuối, chính quyền lại nói sẽ tìm cách thuyết phục thêm người dân. Rõ là sự đồng thuận của các quan chức trong phòng riêng với nhà đầu tư đã mang tính quyết định hơn cả. Cũng từ đó, ai quan sát câu chuyện Lộ Diêu cũng cảm thấy ngạc nhiên: Điều gì đến mức khiến ông Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng cả quyết đứng che cho cả nhà đầu tư, tuyên bố bảo đảm, thể hiện khát vọng muốn làm bằng được việc cho phép nhà máy thép hoạt động?

Trong buổi gặp mặt lấy ý kiến dân sáng 30 Tháng Năm, một bà cụ được dân trong thôn Lộ Diêu, gọi là Dì Hương, đã phát biểu đanh thép “Tôi muốn hỏi là hiện có một đảng Cộng Sản hay hai đảng, đảng nào trước kia nói dân Lộ Diêu phải giữ đất giữ làng, một tấc không đi một ly không rời. Giờ đây đảng nào lấy đất của dân Lộ Diêu giao cho doanh nghiệp tư nhân làm dự án mà không thông qua người dân? ". Câu hỏi này không được chính quyền tỉnh Bình Định trả lời, nhưng chìm trong tiếng vỗ tay tán thưởng rầm rộ cả khu thảo luận. Điều đáng nói, trong lúc Dì Hương nói những lời minh bạch vậy, micro của Dì đột nhiên lúc có lúc không, một cách dễ hiểu.

 

Chú Minh, một người dân Lộ Diêu quyết không di dời

Một nguời khác, được giới thiệu là chú Minh, khẳng định: “Chúng tôi không thể rời đi. Đó là ý kiến của tôi và có khi là ý kiến của một số bà con chung quanh đây, có phải không?”, ông quay lại hỏi trong tiếng vỗ tay và lại tán thưởng rầm rộ.

Tỉnh Bình Định đã nghe, đã biết, vậy nay vẫn còn muốn tổ chức thuyết phục người dân “chọn thép hay chọn cá” đến như thế nào nữa đây?

Monday, May 29, 2023

Miền Nam trước 1975 có là “phồn vinh giả tạo”?

 

Một cửa hàng bán truyền hình ở Sài Gòn, trước năm 1975

Sau năm 1975, một trong những cách mô tả của báo chí nhà nước mới về sự thịnh vượng của miền Nam là một xã hội "phồn vinh giả tạo". Cách dẫn giải của cụm từ này, đơn giản là do đô-la của đế quốc Mỹ đổ vào, sự ăn xài phủ phê có tính giai đoạn, quan chức tham nhũng giàu có, bọn tư bản mua bán lũng đoạn... nên xã hội miền Nam Việt Nam có vẻ đầy sức sống nhưng trong lòng của xã hội là sự nghèo kém và lạc hậu vì bị áp bức, bóc lột. 

Những quan điểm như vậy, dù thiếu tính nghiên cứu khoa học và được dẫn đường bằng cái nhìn đay nghiến vô cớ, cũng khiến không ít người tin vào điều này, thậm chí là căn bản lý luận của những luận văn gọi là khảo sát miền Nam hoặc báo chí trong suốt trong một thời gian dài.

Cho đến khi ngôn luận đời sống xã hội được mở rộng, đặc biệt là sau khi các mạng xã hội, blog… phát triển, luận điệu này chìm dần, nhưng không có ai nói lại, xin lỗi hoặc có một sự tự trọng nhất định để cải chính về đời sống thật của người dân miền Nam, nếu không nói đó là loại ngôn luận phủ định đầy xúc phạm.

Mới đây, trong một bài viết của nhà báo Trương Huy San, có nói về thời kỳ phát triển viễn thông sau 1975 với một số quan chức có ý thức về tương lai đất nước, bài viết có dẫn con số về đầu điện thoại sử dụng ở hai miền trước 1975. Theo bài viết, con số thống kê được chính quyền mới ghi nhận lại, cho thấy trong thập niên 1960, điện thoại tư nhân đã tăng rất nhanh ở miền Nam: Năm1965, 23.377; năm 1966, 24.837; năm 1967, 27.082; năm 1968, 30.964; năm 1969, 36.150; năm 1970, 34.889; năm 1971; 38.133 máy.

Những con số này cho thấy sự phổ biến trong đời sống dân sự Việt Nam. Đồng thời gian, các tài liệu về lịch sử viễn thông – phương tiện điện thoại cố định ở Đại Hàn, Phi Luật Tân, Tân Gia Ba,Thái Lan… cho thấy điện thoại cố định (landline telephone) là hầu như chỉ dành cho các văn phòng công sở, không phổ biến cho dân dụng. Dĩ nhiên, miền Bắc thì lại càng không có, do mọi nguồn lực đều tập trung phục vụ cho chiến tranh chứ không là phát triển truyền thông đại chúng. Bên cạnh, việc quản lý nghiêm ngặt các phương tiện liên lạc này vì sợ gián điệp, cảnh giác… khiến điện thoại chỉ có ở các cơ quan, nhưng không đều.

Trong bài viết, nhà báo Trương Huy San lập lại vài chi tiết mà nhiều người miền Nam đã biết, là “ngày 30 tháng Một 1966, lần đầu tiên người dân Sài Gòn được xem một bộ phim Mỹ, vừa có tiếng Việt vừa có tiếng Anh, qua 1.000 máy vô tuyến truyền hình được đặt ở những địa điểm đông người tại Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Tín hiệu được phát đi từ hai máy bay hiệu Constellation bay vòng quanh Sài Gòn. Hôm sau, ngày 31 tháng Một 1966, Tháp vô tuyến truyền hình đã được khánh thành tại số 7 đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai). Cuối thập niên 1960, máy vô tuyến truyền hình trở thành phổ biến ở các đô thị lớn và bắt đầu về tới các vùng nông thôn miền Nam.

Ngày 7 Tháng Chín 1970, miền Bắc mới cho phát thử một chương trình truyền hình đen trắng và phải sau ngày 30 tháng Tư 1975, một số người dân ở Hà Nội, mới được “xem vô tuyến” nhờ các máy thu hình đưa từ miền Nam ra chuyển hệ hoặc đưa từ Liên Xô và các nước Đông Âu. Truyền thông báo chí, ngay cả của nhà nước cũng phát triển rất hạn chế ở miền Bắc. Trong thập niên 1960, trong một xã may ra có ông chủ tịch hay bí thư là có được chiếc máy thu thanh hiệu Xiong Mao hoặc Orionton. Sau năm 1975, những chiếc radio bán dẫn Nhật như Standard, National... được các anh bộ đội, các cán bộ vào Nam công tác đưa ra nhưng nó vẫn là một mặt hàng bị “nhà nước quản lý”.

Trong ký ức nhạt nhòa, tôi vẫn còn nhớ những buổi chiều chủ nhật đón xem các bộ phim cao bồi và siêu nhân trên truyền hình ở Sài Gòn. Bọn trẻ con vẫn hò hét và tán chuyện với nhau về những tình tiết hấp dẫn trên TV. Truyền hình là phương tiện giải trí mắc tiền và riêng tư nhiều hơn cả điện thoại gia đình, nhưng theo một bài viết của nhà báo Phạm Công Luận, thì lúc đó, “Máy truyền hình đã xuất hiện tại VN, lần đầu tiên, năm 1966. Một chiếc Denon, 12 inches, giá 16.500 đồng, 19 inches: 30.000 đồng... Mặc dù kỹ thuật còn lỉnh kỉnh, như: vô tuyến truyền hình, chương trình cao su, hát nói nhiều hơn hình ảnh, ti vi - một danh từ mới - đã được “khán thính giả” VN chiếu cố kỹ. Nhà nhà đều có ti vi. Ai không có thì đi coi cọp. Ăng ten mọc như mắc cưởi, hướng loạn trên các mái nhà, nhất là ở các tỉnh. Chương trình được hâm mộ nhất là... cải lương và... đài Mỹ. Batman xuất hiện khắp hang cùng ngõ hẻm. Lúc đó điện còn yếu, mỗi nhà một survolteur cho ti vi”. Một thống kê khác, cho thấy lúc đó sức mua của người dân miền Nam rất mạnh, nên cho đến đầu thập niên 70, cứ 50 người thì có một gia đình sở hữu truyền hình.

Năm 1980 chính quyền mới thử nghiệm phát truyền hình màu lần đầu, cố gắng nối kết giữa các hệ phát hình xã hội chủ nghĩa và tư bản như NTSC, Secam, Pal… Năm 1983, ông thầy của tôi làm việc ở Sài Gòn, gom góp tiền bạc mua được chiếc tivi màu 14 inch JVC vỏ đỏ. Ông kể chuyện mình dành dụm mãi mới mua với giá gần 1, 4 lạng vàng. Mua xong, ông gửi về quê ở Hà Nội để cho ông cụ thân sinh xem giải trí, vốn cả đời chưa thấy truyền hình màu là gì. Thế nhưng chỉ qua tháng sau, ông nhận lại chiếc truyền hình ấy với thùng, bao còn mới tinh. Hỏi ra mới biết, khi ông cụ nhận được quà không bao lâu, thì xóm làng biết chuyện. Phía hội, đoàn, cả công an khu vực cũng ghé nhà, thuyết phục cụ mỗi đêm nối dây mang ra sân cho cả xóm mấy mươi người cùng xem vì tình nghĩa xóm làng. Đột nhiên từ chỗ có của, nhưng không được vui hưởng, mà trở thành người hàng đêm phải quét sân, dọn tivi ra, rồi hết giờ lại dọn vào… quá mệt mỏi nên ông cụ gửi trả tivi về Sài Gòn, nói rằng ông chỉ muốn được yên.

Về điện thoại cố định, từ giữa những năm 80, khi liên lạc viễn thông không còn bị nhìn với ánh mắt  nghi kỵ, và nằm trong kế hoạch phát triển 1995-2000, với mục tiêu 100 người dân/1 điện thoại, người Sài Gòn dù trải qua nhiều đợt vô cùng khốn khó, đã dẫn đầu cả nước để đóng tiền “cọc”, đưa điện thoại cố định về nhà. Cần phải nói, mỗi điện thoại lúc đó bị yêu cầu thế chân 4 đến 5 triệu đồng, tương đương 4-5 cây vàng (năm 2005, giá vàng là 955.000 đồng/chỉ), nhưng đến giờ, hầu như không ai lấy lại được số tiền thế chân đó.

Chắc là Sài Gòn không chỉ là “phồn vinh giả tạo” đâu, vì sau năm 1980, ở các chợ điện tử của quận 5, quận 1, quận 10… mọc lên như nấm các cửa hàng chuyển hệ truyền hình của phương Tây, sang các hệ màu xã hội chủ nghĩa đang phát. Sự phát triển của các cửa hàng này cũng chứng minh một điều là các phương tiện bị gọi là xa xỉ vào lúc đó, đều là tài sản có sẵn của nhiều gia đình miền Nam, còn lại sau các chiến dịch đánh tư sản X1, X2, X3 mà khiến bộ mặt xã hội trở nên mệt mỏi và kiệt quệ… Cái cách sống và chọn tiện nghi cho mình, đắt tiền nhưng vẫn chấp nhận sau giai đoạn chiến tranh kết thúc, rõ là một xã hội đã quen với nhu cầu và mức sống như vậy. “Phồn vinh giả tạo” quả là không có ý nghĩa gì, khi ít phút nhìn lại lịch sử bằng sự thật.

 

 

Wednesday, May 24, 2023

Tiến sĩ Bạch Xuân Phẻ: Hành trình mang Chánh Niệm vào học đường

 


Bạch Xuân Phẻ bắt đầu đem chánh niệm (mindfulness) vào ứng dụng với các học sinh của mình từ năm 2014. Đó là những tháng năm mà tình trạng bạo lực học đường, trầm cảm, tự kỷ, bế tắc giao tiếp… đột ngột trở thành một vấn nạn được nhìn thấy khắp nơi trên nước Mỹ.

Một nghiên cứu của National Institute of Mental Health từ năm 2007 đã báo động về một căn bệnh tinh thần không có thuốc chữa: nạn trầm cảm lo âu với gần 32% số người được thăm dò đều có triệu chứng, trong đó có đến hơn 90% là thiếu niên từ 13 đến 18 tuổi. Cho tới năm 2020, tài liệu hướng dẫn đối phó tình trạng thương tổn tinh thần của thanh thiếu niên Protect Youth Mental Health, ghi nhận từ năm 2009 đến năm 2019, tỷ lệ học sinh trung học có cảm giác buồn bã hoặc tuyệt vọng dai dẳng, thậm chí tìm đến cái chết, tăng đột ngột đến 40%.

Tiến sĩ (TS) Bạch Xuân Phẻ là một giáo viên dạy hóa học tại Trường Trung học Mira Loma, California. Việc tiếp xúc hàng ngày với các học sinh cho Phẻ một nhận thức rõ là căn nguyên của các tình huống bất thường của học đường và gia đình, thường đều xuất phát từ tinh thần bất ổn ngấm ngầm, sự không kiểm soát được ý niệm sống của các thế hệ trẻ, vốn đã quen với đời sống ít tĩnh lặng và suy niệm.

Từ việc tạo các bài học giúp kiểm soát được tinh thần, kiểm soát được sự tĩnh lặng trong suy nghĩ, Phẻ đã giúp hàng ngàn thiếu niên đi qua những giờ phút tăm tối và cô đơn của chúng, dựng lên sự tự tin và thấu cảm với thế giới sống chung quanh. Đặc biệt trải qua những năm tháng gay go nhất của đại dịch 2020, thư và cảm nhận về lợi ích của bộ môn thực hành chánh niệm đã gửi về cho Phẻ không ngớt: Chánh niệm thật sự là một liệu pháp.

Đến Tháng Ba 2023, TS Bạch Xuân Phẻ được Hiệp hội Giáo viên California (California Teachers Association) vinh danh vì những đóng góp giáo dục thực hành chánh niệm của ông. TS Bạch Xuân Phẻ được trao giải Giải thưởng Nhân quyền người Mỹ gốc Á Thái Bình Dương năm 2023 của bang California (Human Right Awards).

Lời vinh danh TS Bạch Xuân Phẻ, được Hiệp Hội Giáo Viên California phát đi, là “Điều làm nên sự khác biệt của TS Phẻ X Bạch với tư cách là một nhà giáo dục — cụ thể là giáo viên hóa học tại Học khu San Juan từ năm 2002 — là khả năng và sự sẵn lòng của ông để giúp thấm nhuần chánh niệm vào phương pháp giảng dạy của mình, và tạo ra các chương trình liên đới với chánh niệm để mang lại lợi ích cho học sinh của mình, đồng nghiệp và cả cộng đồng AAPI (Asian American and Pacific Islanders).

TS Bạch Xuân Phẻ bắt đầu các lớp học của mình mỗi ngày với 5 phút thiền định — mà ông gọi là một “kỳ nghỉ cho tâm trí của bạn” — và thảo luận về hiệu quả của kỳ nghỉ đó, trước khi bắt tay vào công việc học tập. Phẻ chỉ ra các nghiên cứu cho thấy chánh niệm là chìa khóa thành công của nhiều học sinh ở trường. Phẻ cũng là người khởi xướng và phát triển việc thực hành chánh niệm ngoài lớp học, đồng thời anh ấy đã thành lập một số tổ chức dạy chánh niệm cho các cộng đồng AAPI khác nhau.

Đại dịch và các sự kiện bất ổn của xã hội gần đây đã nhấn mạnh sự cần thiết của chánh niệm như một phần cơ bản của giá trị giáo dục. Mục tiêu của TS Phẻ là giúp các nhà giáo dục trở thành những giáo viên khỏe mạnh hơn và giỏi hơn, từ đó mang lại lợi ích cho học sinh của họ.

Phẻ đưa ra triết lý giáo dục rằng các nhà giáo dục cần có một sức khỏe tinh thần – như một thành phần quan trọng để giảng dạy hiệu quả và tạo được môi trường học đường tích cực. Câu thần chú của TS Bạch Xuân Phẻ dành cho những người tham gia các lớp học của mình là “Bạn không thể cho đi thứ mà bạn không có”. Có nghĩa người giảng dạy sẽ không mang lại được sự lành mạnh trong tinh thần với học sinh của mình, nếu chính bản thân họ cũng là những con bệnh.

Những cuộc thực hành đầu tiên về chánh niệm được Bạch Xuân Phẻ áp dụng cho một vài lớp, mời gọi sự tự nguyện. Mọi thứ được giải thích dựa trên căn bản về chánh niệm mà Phẻ đã từng tối giản để bất kỳ ai cũng có thế tiếp nhận, dù khác biệt văn hóa và nơi chốn.

Không phải học sinh nào cũng hiểu được chuyện hít và thở chầm chậm, buông lỏng… sẽ đem lại điều gì cho thế giới quan của giới trẻ vốn quen sống thiên về hiệu quả cụ thể. “Những thứ này đem lại điều gì?”, những đứa trẻ học sinh hỏi và ngạc nhiên tiếp nhận.

Tại Mira Loma, Bạch Xuân Phẻ có các khóa học tự chọn nhằm giúp học sinh thực hành chánh niệm. Trên các bức tường trong lớp học của ông được trang trí bằng những tấm áp phích do chính các học sinh làm, bày tỏ sự nhận thức về chánh niệm của chúng.

Một trong những tấm tranh tường, được chính học sinh định nghĩa về chánh niệm, không khác gì như một hướng dẫn chuyên nghiệp “chánh niệm là trạng thái nhận thức không phán xét về những gì đang xảy ra trong thời điểm hiện tại bao gồm nhận thức về suy nghĩ, cảm xúc và giác quan của chính mình”.

Chương trình chánh niệm của Phẻ tạo được tiếng vang nhờ sự kiên trì tranh đấu của ông đối với nhận thức về sức khỏe tinh thần. “Trong sự nghiệp giảng dạy của mình, tôi đã mất sáu học sinh vì tự tử rồi và tôi không muốn mất thêm em nào nữa,” TS. Bạch chia sẻ.

Ông nói thêm “hy vọng rằng với tinh thần đó, lớp học này sẽ giúp một số em có được bộ kỹ năng cần thiết để vượt qua những cảm xúc nhất thời, và mạnh mẽ hơn”. Nói khi nhận giải thưởng Human Right Awards 2023, Phẻ bày tỏ rằng “Tất cả hòa bình trên thế giới đều bắt đầu từ sự bình an nội tâm, vì vậy [tôi mong] họ nuôi dưỡng sự bình an nội tâm đó – cùng nhận thức, sự hiểu biết và lòng trắc ẩn”.

Giải thưởng này là đòn bẩy để TS Bạch Xuân Phẻ mở rộng các câu lạc bộ sinh hoạt chánh niệm trong giới học sinh thiếu niên, và thậm chí có thể vận động xin ngân sách như một chương trình hoạt động thiết yếu của hệ thống trường học.

TS Bạch Xuân Phẻ đã xuất bản một cuốn sách song ngữ về chánh niệm, với pháp danh Phật giáo của mình là Tâm Thường Định cùng Tâm Nhuận Phúc, mang tên Việt là “Chánh niệm – Chất liệu tỉnh giác trong cuộc sống và học đường”. Sách được Amazon phát hành với cả hai phiên bản Anh và Việt.

Giới thiệu về cuốn sách này, hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, trong lời mở đầu đã dẫn giải rằng “Một người, do bất cẩn, gây ra tai nạn chết người. Người ta nói, người ấy hành động vô ý thức. Mỗi năm có vô số hành động vô ý thức gây tai nạn chết người như vậy trên khắp thế giới. Đó là chưa nói đến những tai hại nhỏ mà hầu như nhiều người trong chúng gây ra cho chính mình và cũng gây ra cho những người chung quanh mình không ít trong sinh hoạt thường nhật vì những hành động được nói là vô ý thức ấy”.

“Cho nên, khi chúng ta nói, những hành động bất cẩn, hay những hành động vô ý thức, đấy là muốn nói đến nhận thức bị tác động bởi xúc cảm nguy hại khiến kích hoạt các chức năng tâm lý thất niệm, tán loạn, bất chánh tri”. (trích)

Dụng cụ giảng dạy chính trong các buổi thực hành chánh niệm của Phẻ, là chiếc chuông nhỏ có tiếng kêu như gió thoảng. Phẻ đánh một tiếng chuông để mở đầu cho một lần hít thở, im lặng tĩnh tại trong tâm trí cúa người tham gia, và một tiếng chuông để đánh thức mọi người sau một chu kỳ.

Từ những đứa trẻ từng đặt câu hỏi “cái này để làm gì”, chúng đã hồi đáp liên tục bằng những tin nhắn, thư và tâm tình trực tiếp. Chẳng hạn như một em học sinh đi qua được một cuộc đối đầu hung hãn, đã viết cho TS Phẻ: “Hôm nọ, em bị một nhóm con gái đẩy vào bụi rậm. Mặc dù hết sức tức giận đến điên người nhưng em nhớ lại lời dạy của thầy, nên đã dừng lại được”.

Hoặc mới nhất với TS Phẻ, từ một nữ học sinh tốt nghiệp, rời khỏi nhà trường: “Nhớ lại khi dịch COVID đã bắt đầu. Em đã rất căng thẳng nhưng thật may mắn khi em có được một người thầy hiểu biết. Thầy luôn luôn rất tử tế và rộng lòng. Thời gian thiền định của thầy đầu giờ học luôn giúp em bình tĩnh và dạy em kiểm soát căng thẳng tốt hơn, điều đó là vô giá trong thời kỳ đại dịch… Em nghĩ rằng đó là một phẩm chất thật đẹp của thầy, em ước rằng có thể lại tham gia lớp học thiền của thầy. Lớp học truyền cảm hứng cho em, với cách thầy nói chuyện để làm sao chúng ta có được sự hạnh phúc. Em sẽ không bao giờ quên…”. Thư được em nữ sinh gửi đi vào Tháng Năm 2023.



50 năm "vương quốc nail" của người Việt

Năm 1984, Thảo lên chuyến tàu vượt biển để đi khỏi Việt Nam. Cô chưa biết mình đến được đâu, nhưng cô phải đi vì lẽ sống. Dì của cô đang ở Mỹ nói rằng hãy cố vượt thoát và dì sẽ đợi, bảo lãnh cho cô. Năm đó Thảo chỉ mới 24 tuổi. Cô không có bằng đại học như những người trẻ tuổi bình thường khác trên thế giới, bởi gia đình cô bị xem là công dân loại hai, cha của cô đang ở trong trại cải tạo, mẹ cô tập buôn bán và xoay sở khó khăn để nuôi gia đình. Tự do là một lẽ, nhưng cô sẽ làm gì sống trên vùng đất mới xa lạ nếu đến được? Đó là câu hỏi mà Thảo cứ dằn vặt lo âu, mơ về một cuộc sống khác.

Một năm sau, khi Thảo đến được đất Mỹ, người dì đón cô và gặp ngay câu hỏi treo lơ lửng trong đầu cô suốt từ đó đến giờ. “Con có thể làm nghề gì đển kiếm tiền vậy dì?”. Kiếm tiền là một mệnh lệnh: Để tồn tại ở một quê hương thứ hai, gửi về cho gia đình, chia sẻ khó khăn với mẹ và em, trợ giúp cho cha đang bị giam cầm không biết khi nào mới về được. Nói nhanh và dứt khoát, dì của Thảo nói “làm nail”.

Cái nghề hết sức mới mẻ với người Việt Nam, đã khởi sự từ năm 1975 ở California. Không chỉ Thảo mà hàng ngàn, hàng chục ngàn người Việt đã đến và làm nghề để nuôi sống mình, nuôi sống gia đình ở Mỹ và ở cả Việt Nam. Trước khi người Việt Nam đến và dần chiếm lĩnh ngành công nghiệp làm đẹp trị giá ước tính đến $8 tỷ; người Mỹ, người Hoa và người Đại Hàn cùng chia nhau thị phần này. Thế nhưng cuộc lật đổ diễn ra trong hai thập niên. Đến 1995, người ta nhìn thấy các salon làm nail, cung cấp các thiết bị cho ngành nail, nhân lực lành nghề… đều do người Việt chiếm giữ.

Khác với các ngành nghề khác của người Việt, luôn có ngày để tưởng niệm tổ nghề. Thế nhưng “tổ” nghề nail lại là một người còn sống và vẫn ghi nhớ câu chuyện kỳ lạ và xúc động này. Đó là nữ diễn viên người Mỹ Tippi Hedren, người mẫu và người tranh đấu bảo vệ động vật. Khi bài viết này (năm 2023) đến với người đọc, bà đã vào tuổi 93. Ngoài việc bất ngờ trở thành “tổ” nghề nail của người Việt tỵ nạn Hoa Kỳ, Tippi Hedren còn được biết đến là người đã hết lòng vận động để đưa nữ diễn viên Kiều Chinh sang Mỹ khi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, và cưu mang một thời gian.

Câu chuyện bắt đầu từ những người phụ nữ Việt Nam mệt mỏi chạy từ quê nhà đến trại tỵ nạn ở Sacramento từ những ngày cuối Tháng Tư 1975. Hầu hết đều là vợ con của các sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Trước giờ, họ chỉ làm việc nội trợ, buôn bán… chứ ít khi bước vào làm việc tay chân. Hơn nữa, để bắt đầu kiếm sống và đòi hỏi phải lưu loát ngôn ngữ địa phương, đối với họ quả là đầy cam go.

Là một người hoạt động xã hội, và là thành viên của phong trào thiện nguyện Food for the Hungry, bà Tippi Hedren đã ghé qua trại và được yêu cầu là tìm hiểu gấp tình hình, tìm cách giúp hướng dẫn học nghề và tìm việc cho những phụ nữ Việt Nam đang lo âu. Trong một thiên phóng sự của đài BBC, bà Tippi Hedren kể rằng đi một vòng, bà nghĩ rằng những nghề học ngắn hạn, và có vẻ phù hợp với những người Châu Á là may vá và đánh máy văn phòng. Cuộc thử nghiệm bắt đầu. Hóa ra những thứ như may thì đòi hỏi phải giỏi mới có thể kiếm sống, còn gõ chữ thì lại đòi hỏi phải biết tiếng Anh, nhất là trong các trường hợp nghe băng ghi âm để đánh máy ra văn bản.

Trong lúc đi xem các mẫu may và văn bản của những người phụ nữ Việt Nam, lòng đang hụt hẫng, thì bà Tippi Hedren lại thấy nhiều người cứ chăm chú nhìn vào đôi bàn tay đã sơn giũa kỹ lưỡng của bà. “Móng tay bà làm đẹp quá, tụi tôi ít khi thấy được như vậy”, một người phụ nữ Việt Nam nói.

Lúc đó, trong đầu bà Hedren bừng sáng, bà nghĩ đến chuyện họ yêu thích cái gì đó, thì có thể sẽ chú tâm và làm giỏi. Lập tức bà Tippi Hedren thay đổi lựa chọn. Bà giao cho một trường thẩm mỹ địa phương đến, để giúp dạy nghề nail cho phụ nữ. Lúc đó, trại tỵ nạn có tên là Hope Village – Làng Hy Vọng, nằm ở Bắc California gần Sacramento. Khi những phụ nữ Việt Nam tốt nghiệp học phần làm nail, Hedren đã giúp họ kiếm việc làm tận cả miền Nam California.

“Tôi thương những người phụ nữ này nhiều đến mức tôi muốn điều gì đó tốt đẹp cho họ, nhất là sau khi họ mất tất cả mọi thứ, theo đúng nghĩa đen”, bà Tippi Hedren nói trong chương trình tài liệu của BBC. Qua những thước phim, người ta nhìn thấy bà vui và hãnh diện về điều mà mình làm được đến mức dựng một bảo tàng nhỏ, bên cạnh nhà mình. Bảo tàng bao gồm những kỷ vật của Hollywood, những  bức ảnh của những người phụ nữ ở Hope Village, cùng những giải thưởng từ ngành chăm sóc móng tay.

Nói với BBC, bà Tippi Hedren ngậm ngùi “nhiều người trong số họ đã mất cả gia đình và tất cả những gì họ có ở Việt Nam: nhà cửa, công việc, bạn bè của họ – mọi thứ đã biến mất. Họ mất cả quê hương của mình”.

Nhưng bà Tippi Hedren không biết rằng từ sự chia sẻ và yêu thương đó, bà đã góp phần làm thay đổi ngoạn mục ngành công nghiệp làm đẹp – làm nail trị giá hàng tỷ đô la của nước Mỹ. Chỉ với 20 người đầu tiên tốt nghiệp ngành nail, sau đó con số thợ nghề giỏi người Việt đã phát triển khắp nơi, nâng cấp thẩm mỹ và cải tiến quy trình làm đẹp, cũng như khiến giá cả làm nail không còn quá xa vời với những mọi phụ nữ có thu nhập bình thường.

Dù có đôi chút chạnh lòng, nhưng người Mỹ đến trước, lập nghiệp trước cũng buộc phải nhìn nhận rằng người Việt Nam đã mang lại cho ngành kinh doanh tiệm nail một cuộc lột xác hoàn toàn. Vào những năm 1970, việc làm móng tay và móng chân có giá khoảng $50 – đó là cái giá có thể chấp nhận được đối với các ngôi sao Hollywood, nhưng với 80% phụ nữ ở Mỹ (bao gồm mọi sắc dân), đều là ngoài tầm với. Ngày nay, giá cơ bản ở các tiệm Việt Nam chỉ còn khoảng $20, mặt bằng hạ xuống do phần lớn là do các tiệm của người Mỹ gốc Việt tính phí thấp hơn 30-50% so với các tiệm khác, tạp chí NAILS khảo sát và ghi nhận.

Tuy nhiên, việc hạ giá không thể cưỡng lại từ cuối thập niên 1980, khiến các tiệm nail được quản lý từ những người Mỹ đã nảy sinh các cuộc tranh luận, được cả CNN tường thuật. Sự thành công nhanh chóng của những tiệm nail người Việt đã khiến các chủ tiệm da trắng phẫn nộ, những người cảm cho rằng khách hàng của họ đang bị đánh cắp và công việc kinh doanh của họ bị đóng băng.

Liên minh nhiều chủ tiệm nail người Mỹ từng tuyên bố rằng cộng đồng làm nail Việt Nam đang đe dọa sự sống còn của ngành công nghiệp làm đẹp này trên nước Mỹ. Cuộc tấn công thứ hai bắt đầu với những định kiến ​​phân biệt chủng tộc và coi các chủ tiệm nail người Việt là tham lam và không giữ vệ sinh. Nhưng các cuộc canh tranh về giá suốt thập niên 1980 và 1990 về giá và tay nghề, cuối cùng thì người Việt chiếm thế thượng phong.

Một chi tiết khác được đề cập tới, vượt qua nhiều định kiến cạnh tranh của giới làm nail của Hoa Kỳ: Tay nghề người Việt đặc biệt xuất sắc, vượt trội các chủng tộc khác và thậm chí được các chủ tiệm nail người Mỹ da trắng yêu thích. Có vẻ như khi cánh cửa quê hương tự do của họ đóng lại, Thượng đế đã mở ra một cánh cửa khác, riêng cho những con người đi tìm lẽ sống, và tạo cho họ một vận hội khác.

Sau hơn bốn thập niên, kể từ khi Sài Gòn sụp đổ, 51% thợ nail ở Hoa Kỳ – và khoảng 80% ở California – là người gốc Việt. Nhiều người trong số này là hậu duệ trực tiếp từ lớp phụ nữ đầu tiên được truyền cảm hứng nghề làm móng – nail, từ một diễn viên Mỹ tóc vàng, nổi danh với phim Birds của Hitchcock.

“Tất nhiên tôi biết Tippi Hedren là ai! Cô ấy là Mẹ đỡ đầu của ngành làm móng”, Tâm Nguyễn, chủ tịch của Advance Beauty College, do cha mẹ anh thành lập, nói. Câu chuyện lịch sử này không phải tiệm dạy nail nào cũng biết để truyền lại cho những người làm nghề mới. “Mẹ tôi là bạn thân của Thuận Lê, một trong những học trò đầu tiên của Tippi. Chính Thuận đã khuyến khích mẹ tôi tham gia kinh doanh”.

Tâm Nguyễn được sinh ra ngay trước khi Sài Gòn sụp đổ. Ở Việt Nam, cha anh là một sĩ quan quân đội và mẹ anh là thợ làm tóc. Vào những ngày tháng êm đềm của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, cha mẹ của Tâm Nguyễn mong muốn con mình trở thành một bác sĩ, nhưng sau đó khi đến Mỹ, Tâm quyết định  chọn lựa kinh doanh móng tay. “Nó làm tan nát trái tim của mẹ tôi”, anh nói.

Nhưng rồi sự thành công nhanh của nghề làm nail đã khiến mẹ của Tâm Nguyễn nhận ra điều cần phải làm, và ủng hộ việc tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình cùng với chị gái của anh. Bây giờ họ điều hành hai trường thẩm mỹ và đang mở một trường khác. Tất cả các khóa học của họ được giảng dạy đồng thời bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Cũng như cô Thảo, khi chân ướt chân ráo đến Mỹ, nhiều người Việt nhận ra rằng họ có thể kiếm sống và có cuộc đời tương đối ổn định từ việc làm nail, cũng như tham gia vào thế giới kiểm soát ngành công nghiệp này với dấu ấn người Việt.

Người này nói với người kia, các cá nhân này bắt đầu lan truyền tin tức về cơ hội này cho những người tỵ nạn Việt Nam khác và mở tiệm làm móng của riêng họ: Đây là nghề bạn chỉ cần khéo tay và nụ cười đón khách, chứ không cần phải giỏi bản ngữ. Chỉ trong một thời gian ngắn, các tiệm làm móng đã trở thành nền tảng cho nền kinh tế của cộng đồng người Việt. Các doanh nhân Việt Nam đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành bằng cách cung cấp những dịch vụ giảm giá giúp các tiệm nail dễ tiếp cận hơn và do đó được dân chúng biết đến nhiều hơn.

Nhưng nhiều người Mỹ, Đại Hàn… làm trong ngành nail, ít khi biết rằng, đối với người tị nạn Việt Nam, đây là cơ hội nhanh kiếm tiền để gửi về cho gia đình ở Việt Nam, mang lại một nền giáo dục chất lượng và cuộc sống tốt hơn cho con cái họ, đồng thời tồn tại ở nước ngoài. Nhiều năm nay, kiều hối gửi từ cộng đồng làm nail gửi về nước luôn chiếm ở mức 8% (hoặc quy đổi là khoảng $14 tỷ), góp phần quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam.

Nghề làm nail là một giấc mơ Mỹ khác của người Việt. Đối với nhiều bậc cha mẹ Việt Nam, sự thành công của con cái họ là tối quan trọng. Mặc dù nail có thể là một công việc tạm thời tốt và hấp dẫn, nhưng đó là cứu cánh cho rất nhiều gia đình để bảo đảm cho việc con cái được học hành cao. Giáo dục đã đóng vai trò là ngọn hải đăng của sự phát triển và cơ hội và luôn là ưu tiên số một đối với phần lớn cộng đồng người Việt. Và làm nail, đôi khi là hy sinh phần đời mình để vun trồng cho con cái. Rất nhiều phân tích của các nhà kinh tế Hoa Kỳ khi nghiên cứu sự bùng nổ việc thống trị của ngành nail người Việt, đã nhận ra rằng đằng sau những tấm cửa kính tiệm nail, là những con người đang cố gắng tạo ra một cuộc sống khác, không chỉ cho bản thân họ mà cả gia đình họ.

Nhiều thế hệ thành đạt, nổi bật, đem lại niềm hãnh diện cho người Việt ở Mỹ, cũng từ những đồng tiền của cha, mẹ hay anh chị của họ tận tụy với công việc làm nail. “Những gì tôi biết là tiệm nail không chỉ là nơi làm việc và tôn thờ cái đẹp, nó còn là nơi nuôi dạy con cái chúng ta”, Ocean Vương, tài năng văn chương được nước Mỹ vinh danh, viết trong On Earth We’re Briefly Gorgeous (trang 78).

Nghề nail đôi khi bị che đậy, vì có những lý lẽ cho đó là nghề tay chân, không sang trọng. Nhưng những gì tốt nhất, đã từng được bàn tay làm nail của người đi trước không quản khó nhọc và vun trồng. Có những gia đình hãnh diện nói cha mẹ, ông bà của họ đã giúp họ lớn lên, có đủ điều kiện để theo đuổi những câu chuyện cao quý  như khoa học hay triết học. Những thế hệ người Việt Nam chọn nghề nail đã im lặng chấp nhận việc lao lụng để xây đắp trí tuệ của con cháu đời sau, và mỉm cười qua khốn khó như những điều đương nhiên.

Nó là một phận lịch sử tỵ nạn của người Việt, nó là trái tim chia sớt âm thầm nhưng lớn lao cho gia đình, cho bạn bè… Nghề nail hôm nay không còn tiếng tranh cãi, và đã giành được sự chấp nhận toàn phần của công nghiệp làm đẹp, như đóa hoa nở muộn trong lịch sử di dân của Hoa Kỳ. Và như Ocean Vương viết: “Suốt một thời gian dài, con cứ tự nhủ rằng chúng ta là những thế hệ được sinh ra từ chiến tranh – nhưng con đã nhầm, mẹ ơi. Chúng ta được sinh ra từ vẻ đẹp” (trang 221).

Friday, April 28, 2023

Chiến tranh giải phóng, và diễn viên Đơn Dương

 

Những người sống ở Sài Gòn nói họ tuy đã quen với việc hàng năm, đến ngày 30 Tháng Tư, nhà cầm quyền lại cho trương khắp nơi các bích chương, biểu ngữ mừng ngày giải phóng miền Nam, nhưng quen, không có nghĩa là không có những phản ứng nhất định, dù đã gần nửa thế kỷ đi qua.

Việc xác định là “giải phóng”, có lúc này lúc khác. Tùy theo cảm quan của người đứng đầu bộ máy nhà nước và thời thế. Đã có lúc cả miền Nam rộ lên niềm vui khó tả khi đọc được những dòng tâm tình của ông Võ Văn Kiệt, về ngày 30 Tháng Tư là có “triệu người vui, cũng có triệu người buồn”. Giai đoạn đó, những ngôn luận nhận thức khác lạ đó, mô tả được một tâm trạng có thật dai dẵng trong dân chúng: Miền Nam là của những người xác nhận mình thua cuộc, nhưng không nhận là mình được giải phóng.

Điểm lại lịch sử của nửa thế kỷ sau 30 Tháng Tư 1975, về ý nghĩa “giải phóng”, không thể không nhắc đến chuyện của diễn viên điện ảnh Đơn Dương.

Những ngày 30 Tháng Tư này, lại nhớ một biến động khó quên của điện ảnh Việt Nam, với diễn viên Đơn Dương, người đang đặt một bàn chân vào Hollywood, được chú ý trước cả Hồng Châu, Quan Kế Huy… Cũng từ một bộ phim chiến tranh Việt Nam do Mel Gibson đạo diễn, cách nhìn cuộc chiến tranh giải phóng bằng ánh mắt nhân bản trung dung, đã bị tấn công không thương tiếc từ hệ thống truyền thông nhà nước. Vào thời điểm nhạy cảm đó, hai bộ phim Đơn Dương tham gia là Green Dragon (2001 - cùng với sự tham gia của Patrick Swayze and Forest Whitaker, và We Are Soldiers(2002 - cùng Mel Gibson) là cú sốc lớn, cho dù ngôn ngữ điện ảnh mô tả nhiều chiều, nhiều bối cảnh tâm lý chứ không nhằm mục đích “chống phá” Việt Nam. Khác với câu nói của viên cựu quân nhân Đại Hàn về việc đã “giết hơn 100 việt cộng” trong phim Ba Chị Em, chỉ bị ngừng chiếu, thì chính vẻ tư lự, cảm thán về mất mát hoàn toàn có thể hiểu được của người chiến thắng, mà Đơn Dương thủ vai viên chỉ huy Nguyễn Hữu An vào phút cuối của We Are Soldiers ở thung lũng D’rang, là vấn đề bị chỉ trích dữ dội.

Khó tả được cảm giác của hãng Paramount khi đón nhận hàng loạt các lời tấn công vào phim We Are Soldiers và cá nhân ông Đơn Dương. Năm 2002, thư liên lạc và thông qua Tòa Đại Sứ Mỹ ở Việt Nam được một quan chức không cho biết tên ở Sài Gòn xác nhận rằng Đơn Dương không bị giam giữ hay bị bắt. nhưng Bộ văn hóa đã ra lệnh cấm ông Dương rời khỏi đất nước, và bị cấm diễn xuất ít nhất trong năm năm. Nhưng quan trọng là số phận của ông Dương vẫn treo, chưa được định đoạt.

Báo chí lúc đó gọi Đơn Dương là “phản quốc”, “tham đồng đô-la bán lịch sử đất nước”… Nói chung là những ngôn ngữ vô cùng nặng nề như một cuộc đại thạch hình, mà nếu sự kiện ở những năm 1950 hay 1960 tại Miền Bắc, Đơn dương sẽ phải bị bắn, hoặc ngồi tù không có ngày thấy ánh sáng. Trong một cuộc phỏng vấn với AP, Đơn Duong cho biết ông bất ngờ trước phản ứng chỉ trích dữ dội, và đã công khai hứa rằng quyết định không tham gia thêm bất kỳ vai diễn nào trong các bộ phim nước ngoài về chiến tranh Việt Nam. Nhưng khi được hỏi cảm nghĩ Về việc đã tham gia những bộ phim này, ông Dương nói rằng hãnh diện vì đã được sống trong thế giới của Hollywood.

Sự kiện Đơn Dương bị chỉ trích ở Việt Nam bùng nổ, Gibson, Swayze và Whitaker  cùng tham gia vào một chiến dịch viết thư cho Bộ Ngoại giao, cùng với những người khác bao gồm nhà làm phim Randall Wallace, Harvey Keitel và Ken Brecher, giám đốc điều hành của Viện Sundance, Thư đang được gửi tới Đại sứ Hoa Kỳ Raymond Burghardt cũng như các quan chức Việt Nam. Wallace đã viết cho Burghardt, nhờ giải thích với Hà Nội rằng "Đơn Dương đã khắc họa một sĩ quan yêu thương và chăm sóc những người lính của mình, người khôn ngoan và dữ dội trong trận chiến... và người cuối cùng thậm chí còn nhạy bén hơn các nhà lãnh đạo của chính phủ Mỹ, trong đó ông (viên chỉ huy Bắc Việt) nhận ra rằng việc tiếp tục nỗ lực quân sự của Mỹ ở Việt Nam sẽ chỉ tạo ra một bi kịch lớn hơn trong những sinh mạng đã mất. Trong con mắt của những người không phải là người Việt Nam, Đơn Dương đã đại diện cho người dân của mình theo cách mang lại cho họ danh dự và sự tôn trọng. 

Cả trong vai Trần Tài (Green Dragon) và Nguyễn Hữu An (We Are Soldires), vấn đề của ông Đơn Dương là đã thể hiện quan điểm của các nhà làm phim quốc tế về cuộc chiến tranh Việt Nam, mà không có ý nghĩa “giải phóng”. Cả 2 bộ phim. Mà Đơn Dương thủ vai đều thể hiện sự mất mát của con người Việt Nam. Từ chỗ. một người di tản vì cuộc chiến tranh, Bắt đầu cuộc đời mới của mình. Tại trại tỵ nạn Camp Pendleton của căn cứ hải quân Hoa Kỳ, cho đến hình ảnh người chỉ huy Bắc Việt chiến thắng, giành được ngọn đồi nhưng mang trong mình một suy nghĩ về thắng thua vô nghĩa trước sự mất mát quá nhiều của đồng đội. Ý nghĩa chính trị giải phóng nhạt nhòa trong thời khắc ấy, như câu thơ của Nguyễn Duy: “Mọi cuộc chiến tranh, Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”. (Đá Ơi)

Có thể Đơn Dương không gặp thời. Vì nếu như bộ phim được sản xuất và ra mắt năm 2005, Vào thời điểm mà ông cố thủ tướng Võ Văn Kiệt phát biểu trong một bài phỏng vấn, nhân 30 năm ngày 30 Tháng Tư, ắt cuộc đời và của diễn viên Đơn Dương biết đâu lại càng lóe sáng.  Lúc đó, ông Kiệt nói, rõ ràng hơn cả những vai diễn của Đơn Dương thể hiện, rằng “một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu” (Tuần báo Quốc Tế, 31 Tháng Ba 2005).

Rõ ràng trong lịch sử, đã có lúc, quan điểm chân thành về một quốc gia cần phải được chữa lành vết thương nội tại từ chiến tranh, và giải phóng cả quan điểm thế đứng trên của những người chiến thắng, là có thật. Tiếc thay, những điều đó lại luôn chìm lắng giữa những rộn ràng không thật.

 

--------------

Tham khảo thêm, chuyển dịch từ hồ sơ Wikileaks

Sau đợt đầu báo chí tấn công dữ dội, không chỉ dùng pháp luật áp chế, Đơn Dương còn bị sách nhiễu như trong một cuộc đấu tố thường xuyên ở xã hội: "Ông Dương bị quấy nhiễu mỗi tối với điện thoại của an ninh gọi tới, bị theo dõi mỗi khi ra khỏi nhà, và cho biết bạn bè và hàng xóm lo sợ tránh né. Ông bị công an thẩm vấn hôm 2 tháng Mười 2022, và tỏ vẻ lo sợ là sắp bị bắt giam, mặc dù lý do để bắt thì không ai nói rõ cho ông trừ những điều đã nói ở trên. Ông đã bị gọi là 'kẻ phản bội' trong báo chí của nhà nước và của đảng Cộng sản."

 

Nửa năm sau, Đơn Dương được xuất ngoại với vợ con. Cùng đi với gia đình ra Tân Sơn Nhất là nhân viên tòa tổng lãnh sự, công điện ngày 10 tháng 4, 2003, ghi với tựa đề nặng nề: "Sách nhiễu tới phút chót."

Đó là sau khi Đơn Dương đã bị sách nhiễu, các con ông cũng bị làm khó dễ trong trường, và côn đồ tới phá nhà hàng của gia đình ông, bản công điện viết. Ông bị gọi lên công an phường, ông khất, rồi cuối cùng ra đi mà không lên gặp công an.

Khác với nhiều lần trước, lần này hải quan không cho nhân viên tòa tổng lãnh sự vào trong để tiễn người. Khi được hỏi tại sao thì mỗi người trả lời mỗi khác. Có người bảo nhân viên lãnh sự "chỉ được tiễn công dân nước họ." Có người bảo "khu vực hải quan không cho phép nhân viên lãnh sự vào" - trong khi thật ra thì "mới thứ Sáu tuần trước thì không có luật đó." Rồi khu vực công an cửa khẩu cũng được cho là không cho phép vào, và "một lần nữa, mới thứ Sáu tuần trước thì không như thế."Một người quay phim, tự xưng là của Truyền hình Việt Nam, theo quay phim gia đình Đơn Dương rời nước, đi qua luôn chặng kiểm soát.

Đến chỗ khai hải quan, nhân viên tòa tổng lãnh sự bị chặn lại. Lý do này nọ được đưa ra. Nhân viên tổng lãnh sự quán bảo, mới thứ Sáu tuần trước chúng tôi không bị chặn, thì hải quan chỉ nhún vai lắc đầu bảo, luật trên thay đổi rồi.

Hai người cấp trên tới, nhưng thay vì giải quyết cho lãnh sự vào trong, một trong hai người bắt đầu khám xét hành lý gia đình Đơn Dương "một cách chậm chạp và ôi trời ơi kỹ càng làm sao," công điện viết. Một nhân viên lãnh sự Úc cũng tới và cũng không được cho vào trong.

Tuy không được vào, nhưng nhân viên lãnh sự cũng đứng nhìn và thấy gia đình bị đưa vào một phòng nhỏ, nơi có ít nhất 8 viên hải quan bu vào lục soát hành lý gồm 6 va li và 3 thùng. Họ lục từng món hàng. "Họ chụp nhiều tấm ảnh của đồ đạc, quần lót bị giơ lên soi ánh đèn."

 

Sau một giờ lục soát, hải quan cho phép gia đình gói đồ lại, lại chạy qua X-ray, rồi đẩy đi. Đơn Dương được đưa qua một quày khác, rồi bị bắt phải ký một xấp giấy tờ - "phải hứa hẹn cái gì thì chúng tôi không biết," công điện viết.

Hãng EVA đã phải giữ máy bay lại trong 15 phút để chờ gia đình Đơn Dương. "Qua cửa kính, nhân viên lãnh sự quan sát thấy gia đình đi qua được hành lang xuất phát, đi thẳng tới cầu qua máy bay. Người 'quay phim' tiếp tục quay cho tới phút chót, trong khi một đám đông nhân viên an ninh đứng đầy phòng đợi của người đi."

Chuyến bay cất cánh lúc 3:15, với gia đình Đơn Dương trên đó, bay qua California với bà Suzie Bùi, chị ông. Công điện viết, ông Dương bị chính quyền "xua đuổi ra khỏi quê hương mình."

 

Vũ Quý Hạo Nhiên

Wednesday, April 26, 2023

Ngư dân đã phê bình thủ tướng chưa?

 


Hôm 18 Tháng Tư, bản tin trên báo Tuổi trẻ có viết rằng Thủ tướng Phạm Minh Chính phê bình 4 tỉnh đã để cho ngư dân của mình vượt lằn ranh trên biển, đi đánh bắt cá ở các vùng biển các nước lân bang, bị gọi tên “đánh bắt thủy hải sản bất hợp pháp”.

 4 vùng biển đó, là Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kiên Giang, bị coi là liên tục để xảy ra tình trạng tàu cá của địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài khi khai thác hải sản từ đầu năm 2023 đến nay. Lý do của chuyện này, là ngành xuất khẩu hải sản của Việt Nam có thể bị Liên Âu (EU) phạt nặng, thậm chí dẫn đến chuyện phải ngừng xuất khẩu qua các quốc gia này. Việt Nam hiện bị Ủy ban Liên Âu (EC) áp dụng hình thức cảnh báo “thẻ vàng” trong hơn 5 năm qua vì tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) và có nguy cơ tiếp tục bị phạt “thẻ đỏ” nếu không cải thiện tình hình. Và nếu bị phạt thẻ đỏ, Việt Nam phải đối mặt với khoản thiệt hại lên tới 480 triệu USD mỗi năm trong xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU.

Sau đợt kiểm tra thứ 3 của EC, Thủ tướng Việt Nam đã gấp rút ban hành chương trình hành động 180 ngày quyết tâm gỡ "thẻ vàng" để chuẩn bị cho đợt kiểm tra tiếp theo của EC cuối tháng 4 năm nay. Nhiều quy định được ra cho ngư dân 4 tỉnh nói trên, là cho đến tháng Năm 2023, các chơ quan hữu trách sẽ liên tục điều tra và xử lý 100% vụ việc tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý và cũng ra quyết định xử phạt 100% các trường hợp vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, cũng như công bố danh tính tàu và người vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nhưng tại sao là Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kiên Giang? Vì sao 4 tỉnh đó đứng đầu trong các vụ vượt lằn ranh biển quốc gia để liều lĩnh sang nước khác đánh bắt, bất chấp tàu bị bắt, người bị giam, tài sản bị hủy và thậm chí phải trả tiền chuộc mới về lại được quê nhà?

 Nếu theo dõi các câu chuyện tàu của ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc đâm, người ta sẽ nhận ra ngay các mã hiệu của tàu gặp nạn đều hầu hết nằm trong 4 tỉnh nói trên. Nhiều năm nay, các bản tin thảng thốt trên báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ… nói về chuyện tàu Trung Quốc tràn ngập ở hải phận Việt Nam, thường bị bỏ qua trong các câu chuyện sốc nổi rùm beng của xã hội. Chuyện sống chết của người dân ra biển, chuyện âu lo của quốc gia… dường không mấy được sự quan tâm của công chúng nữa. Nhất là sau khi các vụ tức giận phản ứng biểu tình vì Trung Quốc xâm hại người, xâm phạm biển Việt Nam lại bị trấn áp bằng những đòn bao vậy, bắt giữ và bị coi như “phản động”.

Chuyện ngư dân ra biển giờ ngày càng thưa thớt đã là điều dễ thấy ở các vùng ven biển miền Trung. Việc đâm tàu, bắn người… trở thành cơm bữa, nhưng không thấy tàu của Việt Nam yểm trợ ngư dân, phản ứng trực diện với tàu Trung Quốc.  Thậm chí, tố cáo đích danh Trung Quốc là kẻ hành hung ngư dân Việt ngay trên hải phận Việt Nam cũng là chuyện hiếm. Một bản tin năm 2020 trên báo Thủy sản Việt Nam có tiết lộ rằng ngư dân ở Quảng Ngãi than khó về chuyện đi biển không còn dễ dàng như trước. “Tàu cá làm ăn ngày càng khó nên nhiều bạn đi quen trước đây đã chuyển nghề lên bờ sinh sống hoặc đi bạn cho những tàu thuyền tỉnh khác có thu nhập cao hơn”, báo này viết. Tỉnh khác được nói đến ở đây, hầu hết là các vùng nằm ngoài danh mục 4 tỉnh bị Thủ tướng phê bình nói trên.

“Mệt nhất là nghề ngư dân lúc này”, một người dân ở Bình Định nói, khi bồng con nhìn ra biển buổi chiều tà. Sóng và mùa dữ ở Bình Định không làm người dân làm nghề cá ở đây sợ, mà họ chỉ sợ khi vừa ra khơi thấy tàu Trung Quốc dày đặc rượt đuổi. “Có lúc, tụi tôi phải giấu theo cờ Campuchia, khi thấy tàu Trung Quốc xa xa, là lật đật thay cờ Campuchia để đi ngang nó mà không bị rượt đuổi”, một người đi biển đã bỏ nghề, kể. Hầu hết những câu chuyện ngư dân Việt khi bị tàu Trung Quốc ập tới, đều bị bắt, đâm chìm tàu, tịch thu ngư cụ, hải sản. Chỉ vài lần như vậy, là người đi biển kiệt quệ và chán ra biển. Nhiều làng ở Bình Định chọn đi lao động hợp tác ở Phi Luật Tân để kiếm tiền an toàn hơn, thậm chí nhàn nhã hơn việc sống với nhiệm vụ kép “Vừa đi biển, vừa bảo vệ chủ quyền”.

Việt Nam luôn khẳng định bằng ngôn luận của Bộ Ngoại Giao về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Ngư dân ra biển được phát thêm cờ để “thể hiện chủ quyền”, nhưng khi bị bắn, thì chỉ có tiếng súng, tiếng loa và âm thanh xịt nước hung hãn vào tàu gỗ Việt. Đỉnh cao của sự việc này, là ngày 26 Tháng Ba năm 2013, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi thản nhiên tuyên bố việc tàu nước này ngang nhiên bắn một tàu cá Việt Nam vài ngày trước, tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là “cần thiết” và “hợp lý”. Nếu bạn là người đi biển, bạn có tìm cách dạt sang vùng biển xa hơn, ít bọn côn đồ cờ đỏ để mưu sinh không? 

Ngày 16 Tháng Ba 2023, Dự án Đại Sự ký Biển Đông (SCSCI) cũng cảnh báo tình trạng tàu dân quân biển và tàu cá Trung Quốc đã xuất hiện và tụ tập thành đoàn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam ở Biển Đông. Trong đó, tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 2.600 tấn cùng nhiều tàu theo đoàn đã xâm nhập vào sâu trong hải phận Việt Nam. Họ chỉ rút đi, khi họ muốn, chứ không quan tâm ngôn luận phản đối hay kêu gào nào cả.

Nói Trung Quốc tràn ngập biển Việt Nam, nó vẫn là cách nói ước lệ. Ước tính duy nhất về con số quy mô có thật của lực lượng dân quân biển Trung Quốc là từ một nguồn xuất bản năm 1978. Theo đó, nhân sự của lực lượng này vào thời điểm đó là 750.000 người, hoạt động trên khoảng 140.000 tàu. Con số này có khả năng đã tăng lên đáng kể kể từ đó. Nhưng trong Sách trắng Quốc phòng năm 2010, Trung Quốc tuyên bố rằng họ có 8 triệu dân quân trên toàn quốc, bao gồm cả dân quân biển. Ngay vào lúc này, Bắc Kinh tuyên bố cấm đánh bắt cá trên biển Đông, để dần tạo thành tập tính của “chủ quyền gián tiếp”, kiểm soát thực hiện cho lệnh cấm này, là có lực lượng dân quân biển, hải cảnh… của Trung Quốc như vừa nêu.

Việt Nam không có Bộ ngoại giao lên tiếng, chỉ có Hội nghề cá phản đối như hát trên đài phát thanh xã. Không chính thức phản đối, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt chỉ “nhắc lại” Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông Việt vào vai Phó phát ngôn và vẫn nhuần nhuyễn “nhắc lại” kể từ năm 2019 đến nay.

Năm 2020, nói với đài BBC, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam, nhìn nhận ngư dân Việt Nam rất dũng cảm, yêu đất nước và biển đảo nên không quản hy sinh ra biển đánh cá và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ông có kêu gọi là các lực lượng biển cần “nghĩ” đến sự an toàn của ngư dân. Thế nhưng trong vụ khởi tố các quan chức hải quân vào năm 2022, bao gồm cả hai tư lệnh biển, dường như các lực lượng được coi là bảo vệ ngư dân, chỉ “nghĩ” buôn xăng lậu là chính sự.

Khi ra các điều luật khắt khe, phạt tiền, công bố danh tính… không biết Thủ tướng Phạm Minh Chính hay tổ tư vấn của ông có nhìn lại biển Việt Nam vật vờ xác thuyền chìm, đẫm máu ngư dân phải mang vác nhiệm vụ kép vừa mưu sinh vừa giới thiệu chủ quyền? Thủ tướng phê bình 4 tỉnh có ngư dân phải trôi dạt sang biển lạ để đánh bắt kiếm sống - và cách nào đó cũng đóng góp cho ngành xuất khẩu thủy hải sản bao nhiều năm qua – nhưng có biện pháp nào để ngư dân việt có thể ra biển trong mùa cấm đánh bắt của Trung Quốc, mà an toàn trở về, mang theo sản vật trong chính hải phận nước mình, mà không nơm nớp lo âu không?

Ngư dân, những người đã chết, những người đã bỏ nghề ông cha truyền lại để tìm sống ở đất khách quê người, đã có ai phê bình các đời thủ tướng Việt Nam chưa?

 

 

 

Tuesday, April 25, 2023

Đinh Quang Anh Thái: Dương Thu Hương, một con người tự do

(Trò chuyện với nhà báo Đinh Quang Anh Thái, về sự kiện nhà văn Dương Thu Hương đoạt giải văn chương )

Tháng Tư 2023, nhà văn Dương Thu Hương nhận giải văn chương Cino Del Duca – một giải thưởng danh giá chỉ đứng sau Nobel Văn Chương, với trị giá € 200,000. Tác phẩm được chọn là “Chốn Vắng” (Terre des oublies), mà theo tuyên bố của Ban Chấm Giải Cino Del Duca, là để tri ân một nhà văn lớn có tác phẩm và nhân cách cùng những thành tựu đặc biệt mang thông điệp của chủ nghĩa nhân văn hiện đại, được giải thưởng thế giới này công nhận.”, theo ViaBooks.

Nhà văn Dương Thu Hương, 76 tuổi, rất nổi tiếng, cả ở Việt Nam, và ở ngoại quốc, và đặc biệt là ở Pháp, nơi từng xuất bản hàng chục tiểu thuyết, chủ yếu từ nhà xuất bản Sabine Wespieser, tất cả đều được dịch sang tiếng Pháp, từ “Terre des oublies” (2016), cuốn sách được đọc nhiều nhất của bà, đến “Eucalyptus Hills” (2014), “Au zénith” (2009).

Nữ văn sĩ hiện đang sống tại Pháp, là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Bên kia bờ ảo vọng”, “Những thiên đường mù”… Những tác phẩm thể hiện sự bất mãn của bản thân bà đối với chế độ cộng sản. Năm 1994, tác phẩm của bà nhận được Huân chương Văn hóa Nghệ thuật Chevalier des Arts et des Lettres do Bộ trưởng Văn hóa Pháp, Jacques Toubon trao tặng. Cuốn tiểu thuyết “Chốn vắng” của bà nằm trong danh sách đề cử giải Femina và nhận Giải thưởng lớn Độc giả của tạp chí Elle (Grand prix des lectrices de Elle) năm 2007.

Nhà văn Dương Thu Hương được biết đến như một người từng có thời hết mực tận tụy với đảng Cộng sản Việt Nam và tự nhận là “thuộc thế hệ xẻ Trường Sơn đánh Mỹ”, nhưng trong lần trả lời phỏng vấn của The New York Public Library (live) ngày 30 Tháng Tư, 2006, bà nói: “Sau ngày 30 Tháng Tư, mọi người tràn vào Sài Gòn, những người phương Bắc cười như điên dại, vì sung sướng. Riêng tôi, đối với mọi người, giống một con điên, vì họ thấy tôi khóc như cha chết. Tôi khóc vì cảm thấy cuộc chiến tranh là trò đùa của lịch sử, toàn bộ năng lượng của một dân tộc dồn vào sự phi lý, và đội quân thắng trận thuộc về một thể chế man rợ. Tôi cảm thấy tuổi trẻ của tôi mất đi một cách oan uổng, gieo vào tôi trạng thái hoang mang và cay đắng…”

Hiện nay, các tác phẩm văn chương của nhà văn Dương Thu Hương bị cấm tại Việt Nam vì lý do chính trị. Bà cũng từng phải vào tù vì dám lên tiếng phát biểu phê phán việc áp dụng chủ nghĩa Marx-Lenin vào Việt Nam, phản đối độc quyền của Đảng Cộng sản.

Tháng Tư năm 2006, nhà văn Dương Thu Hương được mời sang Paris và New York, dự một hội nghị Văn bút Quốc tế. Sau khi kết thúc chuyến đi, bà xin lưu trú tại Pháp.

Có lẽ vì vậy mà sự kiện lớn của người Việt Nam lại im lặng kỳ lạ trên cả ngàn báo, đài truyền hình, radio của nhà cầm quyền. Vinh dự này chỉ có riêng cho dân tộc Việt Nam. Cuộc trò chuyện với nhà báo Đinh Quang Anh Thái, một người bạn thân thiết của nhà văn Dương Thu Hương, mở ra thêm nhiều điều thú vị.

Theo cách giải thích của mình, thưa anh nghĩ sao khi một giải thưởng văn chương lớn được trao cho người Việt Nam – mà trước đó ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng bày tỏ mơ ước – lại không được nhắc đến trên toàn bộ hệ thống truyền thông?

Chuyện khá dễ hiểu, bà Dương Thu Hương xuất thân từ chế độ cộng sản, hiểu và dũng cảm tố cáo nó. Bà chọn sống và viết với tự do của bản thân mình chứ không phải là nhà văn phục vụ. Vì vậy, nhà nước Việt Nam không thể nào dám đăng bất kỳ một bản tin nào về chuyện này cả.  Ông Nguyễn Xuân Phúc trước khi rời khỏi chức vụ thủ tướng, đã từng nói rằng, mơ ước một ngày nào đó sẽ có một nhà văn Việt Nam đoạt giải quốc tế, Dĩ nhiên ông ta nói như vậy là nói về nhà văn đoạt giải quốc tế phải là người được nhà nước cộng sản Việt Nam chấp nhận. Giải này là chỉ đứng sau Nobel văn chương thôi, và biết đâu có thể là mở đường cho bà Dương Thu Hương trở thành nhà văn đoạt giải Nobel, thế thì nếu nhà nước cho phép đưa tin, thì đâm ra phải nhìn nhận một thực tế là một người cầm bút một khi dám bước ra khỏi được cái vòng kim cô của đảng, thì họ mới có thể sáng tác tự do được, và nhận được những cái giải danh giá như thế.

Nói về người cầm bút, mà ai ai cũng tuân lện viết theo ý của một tổng biên tập, thì sẽ khó mà có thể nhận được sự nhìn nhận nào cả. Lịch sử đã có đủ các ví dụ về điều này. Chẳng hạn với Aleksandr Solzhenitsyn hay Boris Pasternak của Nga chẳng hạn. Họ được vinh danh vì đã can đảm viết bằng lương tâm của mình, chấp nhận cả việc phải trả giá. Thành ra mình trông mong gì một nhà nước độc tài như Việt Nam lại dám loan tin này, nhất là đối với người cầm bút bị coi là đối nghịch.

Nhà văn đại tá Chu Lai mới đây có nói trên báo chí nhà nước, tiếc rằng lâu nay văn chương Việt Nam (tức văn chương trong sự chấp nhận của đảng và nhà nước) chưa có tác phẩm đúng tầm. Theo anh “tầm” ở đây được diễn giải như thế nào?

Ông nhà văn đó nói vậy, chứng tỏ là ông ta không hiểu biết gì về văn chương quốc tế cả. Không bao giờ những nhà văn bị kềm tỏa trong chế độ độc tài, chỉ biết viết đúng với quyền lợi của họ được hưởng, thì họ cũng chỉ loanh quanh ở trong cái vòng kim cô thôi. Bản chất của văn chương là tự do, mà nhà văn là những người được mô tả là những con chim báo bão, viết những cho những gì xảy ra trong thế hệ của mình, và có thể thế hệ tương lai, thì làm sao những nhà văn mà cầm bút theo sự chỉ đạo của đảng cộng sản có thể ngang tầm hiếu như sinh hoạt văn chương văn minh và tự do. Còn ông đại tá đó nói vậy, chỉ có thể khẳng định rằng ông ta không biết gì về sinh hoạt văn học, nghệ thuật của thế giới tự do cả.

Có ý kiến cho rằng bà Dương Thu Hương đoạt giải vì bà may mắn có những tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài để được nhận biết trong văn đàn thế giới. Thưa anh nghĩ gì về chuyện lâu nay nhà nước Việt Nam không tập trung tiền của để tổ chức dịch thuật những tác phẩm mà nhà nước tự cho là “đúng tầm”, nhằm tham gia với thế giới. Và nếu theo suy nghĩ đó, liệu nhà văn Dương Thu Hương chỉ là may mắn so những nhà văn “đúng tầm” trong nước, chỉ vì các tác phẩm của bà sớm được dịch ra tiếng nước ngoài?

Trước hết, phải nói Dương Thu Hương là một người có tài viết văn, đủ để chạm được vào nền văn học tự do của thế giới nói chung. Còn nếu nói tại sao nhà nước Việt Nam không nghĩ đến chuyện tổ chức những dự án dịch các tác phẩm “đúng tầm” để giới thiệu với thế giới, thì tôi cho rằng đó là một câu hỏi cho thấy rằng mình vẫn còn tưởng tượng là nhà nước Việt Nam yêu văn chương, và cởi mở. Họ chỉ dùng các công cụ nghệ thuật để tuyên truyền và chỉ vậy mà thôi. Thành ra không có lý do gì một cái đảng như thế mà lại bỏ tiền dịch những cái tác phẩm có giá trị, nhất là với những nhà văn suy nghĩ bằng cái đầu của mình. Còn nói về chuyện các tác phẩm “đúng tầm” ấy được dịch thuật, thì thật lòng tôi muốn hỏi là những tác phẩm đó ai sẽ đọc, và phục vụ cho ai?

Không quốc gia, không được nhìn nhận từ chính quyền hiện tại… việc đoạt giải của nhà văn Dương Thu Hương, ngoài việc đem lại danh tiếng cho bản thân mình thì bà có mang lại một thông điệp nào khác cho giới cầm bút hay không?

Tôi cho đang là một sự khích lệ lớn lao với những người cầm bút tự do, từ chối kiểm duyệt đang sống im lặng trong nước, hay những người cầm bút ngoài nước. Sự thành công của nhà văn Dương Thu Hương chứng minh rằng không chỉ thỏa hiệp và cúi đầu trước kiểm duyệt của kẻ độc tài là cách chọn lựa tốt nhất. Cuộc tranh đấu lớn nhất và dai dẳng trong đời của người trí thức là cố giữ được bản lĩnh và tinh thần sáng tạo tự do của mình, mà cuộc đời của bà Dương Thu Hương là một minh chứng. Không phải giữ để mộng mơ về giải thưởng, mà điều đầu tiên là mình giữ được mình, là một con người. Một con người tự do.

Wednesday, April 5, 2023

Tư cách nào để gọi nhau là đồng bào?

 


Thật ra chuyện Hội An thu phí vào phố cổ, vốn đã manh nha từ lâu chứ không phải hôm nay. Có lẽ trong bối cảnh cái gì cũng có thể nghĩ ra cách làm tiền, Hội An đã mạnh dạn đi đầu, quyết làm gương cho một chủ trương lớn. Còn nhớ vài năm trước, trong một chuyến đi đến Hội An, lúc đó, quầy bán vé thu phí đã xuất hiện rồi và cũng làm không ít khách ngần ngại. Một người bạn ở Hội An dẫn đường đi dạo ở phố cổ, ngoắc nhóm bạn chúng tôi đi vào một ngõ khác, băng qua một lối mòn và vào thẳng. Vài người hơi ngơ ngác, hỏi, “Làm vầy có vi phạm gì không? Vì thấy có chỗ thu tiền vé…”, anh bạn Hội An cười “phải hỏi bên thu tiền có vi phạm gì không, gì nơi này từ lúc sơ khai hình thành đến bây giờ, có cái gì của họ đâu mà thu tiền?”.

 

Nghĩ lại, cũng thật đáng cười, mà buồn. Hội An ra đời vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVI, thời nhà Lê. Từ sau 1570, chúa Nguyễn Hoàng trong việc xây dựng thành lũy, ra sức phát triển kinh tế Đàng Trong, mở rộng giao thương buôn bán với nước ngoài và Hội An trở thành thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất khu vực Đông Nam Á thời kỳ đó. Nơi đây là thương cảng và là hội tụ các dòng văn hóa Nhật, Trung Quốc, Hà Lan, Anh, Phi Luật Tân, Xiêm, Nam Dương… Sau năm 1975, Hội An bị bỏ quên, trong cái nhìn như là tàn tích của chế độ phong kiến.

 

Mãi đến thập niên 1980, Hội An bắt đầu nhận được sự chú ý của các học giả Việt Nam, Nhật Bản và phương Tây. Tại kỳ họp lần thứ 23 từ 29 Tháng Mười một đến 4 Tháng Mười Hai 1999 ở Marrakech, Morocco, Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc đã ghi tên Hội An vào danh sách các di sản thế giới. Nhờ đó, đô thị cổ Hội An sống lại nhờ những hoạt động du lịch tự nhiên, bên cạnh đó, phải kể đến là tâm huyết của ông Nguyễn Sự (bí thư từ 1995-2015), người lãnh đạo hiếm hoi biết tôn trọng quá khứ và ra sức ngăn trở mọi can thiệp thô bạo của hiện tại. Phát biểu ở buổi từ chức 13 Tháng Sáu 2015, ông Sự nhấn mạnh “Quá khứ tôi chịu trách nhiệm nhưng tương lai các anh phải chịu trách nhiệm”.

 

Mọi thứ ở Hội An, cho thấy, đó là tài sản của một nền văn minh quần tụ dân cư từ tổ chức của nhà Nguyễn – một triều đại để lại nhiều dấu ấn thống nhất và xây dựng, mở mang đất nước – nhưng luôn bị nền giáo dục và tuyên truyền hiện nay bẻ cong sự thật, bị phỉ báng vô tội vạ và phủ nhận mọi công sức tạo dựng. Trong các ngõ phố cổ của Hội An, những ngã đường, then cửa, phố chợ, góc lầu… hầu hết thuộc về sở hữu dân cư và ý thức gìn giữ mang tính tập thể phối hợp đến đáng kinh ngạc. Những người có quyền ở Hội An lấy tư cách gì bắt người Việt hay thế giới phải trả tiền cho chính quyền, để được đến nhìn, thăm hỏi các căn nhà riêng ấy, để đến thăm những khu phố tự mỗi gia đình tận tụy gìn giữ ấy?

 

Không nghe nói số tiền bán vé trong kế hoạch “quản lý bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản của Hội An” sẽ sử dụng chính xác như thế nào? Mỗi gia đình ở Hội An với giá trị di sản rất riêng, sẽ làm gì để nhận được tiền yểm trợ giữ gìn di sản từ tiền bán vé của cơ quan nhà nước, nếu có?

 

Suốt nhiều năm liền, Hội An liên tiếp đón các trận bão, lụt. Theo thống kê vào năm 2020 của Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, thì trong khoảng 8000 căn nhà cổ, có khoảng 1000 ngôi nhà được liệt vào hàng di tích phải bảo tồn. Những trận lụt lâu ngày, kéo theo cả bùn đất tràn nhà, tràn phố. Người dân ở Hội An đã chung tay làm lại tất cả để gìn giữ cho mình, và cho cả Việt Nam, mà không ai hối thúc chính quyền phải bù đắp. Kết quả kiểm tra tạm thời từ năm 2020, có 34 di tích xuống cấp, trong đó 9 di tích xuống cấp nghiêm trọng, cần được tiến hành gia cố, tu sửa hàng năm. Nhưng khi hỏi về chi tiết bảo tồn, và giúp đỡ, gìn giữ, báo chí trong nước chỉ nhận được một câu nói lơ lửng “công tác bảo tồn đối với một số di tích còn có những khó khăn”.

 

Chùa Cầu, trái tim của Hội An, được xây dựng cách đây hơn 400 năm. Đến nay, phần đê móng xây bằng đá xếp chồng lên nhau đã xuất hiện nhiều vết nứt. Ở bên trong những thanh xà gồ, mái ngói bị nứt nẻ, cong vênh. Phần nền móng chùa Cầu đã nghiêng 45 độ về phía Bắc so với kết cấu ban đầu. Báo Pháp Luật Việt Nam trong một ghi nhận, ngậm ngùi nói “năm nào cũng vậy, vào mùa mưa bão, người dân lại phải chằng chống khắp nơi để giữ cho ngôi chùa đứng vững”. Cụm từ “người dân” xuất hiện rất khép nép, như sợ không vừa lòng giới lãnh đạo Hội An, như sợ nói thẳng là không có ai có quyền thu tiền, đã ra sức làm gì cho xứng đáng.

 

Cứ nhân danh được UNESCO gọi tên là lịch sử, là di tích thì trở thành cơ hội để vin vào thu tiền, ngoài ngân sách chính đáng của quốc gia. Nếu các 8000 hộ dân cư ở Hội An lập ra Hội Bảo vệ Di tích, tự thu tiền và tự trùng tu, liệu chính quyền có đồng ý không? Chắc chắn dân cư ở Hội An sẽ phải là những người hiểu, xót xa, và lo lắng nhất đến di sản của chính mình, và không bị điều tiếng như chính quyền tổ chức ra giá?

 

Trong những ngôn luận lòng vòng để chạy chữa cho phát kiến chặn cửa thu tiền, mới đây trong một câu hỏi trên báo Tuổi trẻ về chuyện làm sao tránh được việc người sống ở phố cổ ra vào cũng bị thu tiền, bà Trương Thị Ngọc Cẩm - giám đốc Trung tâm Văn hóa, thể thao và truyền thanh, truyền hình Hội An nói sẽ áp dụng phương pháp dùng người ở Hội An nhận diện nhau. Thật kinh hãi, khi chỉ vì vài mươi ngàn đồng thu phí mà chính quyền Hội An biến người dân ở đó trở thành mật thám tập thể, và học cách chỉ điểm nhau. Người Hội An hiền lành dễ mến, giờ đây vì khát vọng tận thu - cùng với những lý luận không hề thuyết phục của chính quyền – sẽ công khai tố giác nhau hoặc kín đáo là chỉ điểm không lương cho chính quyền. Có cái đau nào hơn cho người Hội An không, khi ngăn người Việt vào nhìn văn minh Việt. Làm như vậy, tư cách nào để gọi nhau là đồng bào?

Saturday, March 25, 2023

Linh mục Đinh Hữu Thoại: “Mọi cuộc tấn công vào tôn giáo luôn được bao che”.

 


“Ngày 22 Tháng Ba 2023, Cha Phanxicô Xaviê Lê Tiên, Linh mục Chánh xứ Đăk Giấc, Quản hạt Đăk Mót, đang cử hành Thánh lễ chiều thứ 4 Mùa Chay tại Giáo Họ Phaolô, thuộc Giáo xứ Đăk Giấc (xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), thì một số cán bộ xã Đăk Nông đã xông lên bàn thờ, ngăn cản, chửi bới, yêu cầu dừng Thánh lễ. Vụ việc đã được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội qua một số hình ảnh và video trong những ngày qua”, trích bài viết của linh mục Tađêô Võ Xuân Sơn, được đăng trên trang nhà của Giáo phận Kontum, tóm tắt cho biết sự việc đang làm rúng động nhiều người.

 

Việc ngăn cản sinh hoạt tôn giáo nói chung, vẫn thấy thường xuất hiện trên các bản tin hay mạng xã hội, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên, người ta được nhìn thấy rõ sự hung hãn của một lực lượng tiến vào nhà dân, cắt đứt một buổi hành lễ Công giáo như hàng ngàn các thánh lễ khác vẫn đang diễn ra cùng ngày giờ đó, ở khắp đất nước Việt Nam.

 

Sau sự kiện, nhiều giáo dân và linh mục đã viết lời phản đối trên trang nhà facebook, như linh mục Đặng Hữu Nam, linh mục Đinh Hữu Thoại… Cuộc trò chuyện với linh mục Đinh Hữu Thoại ngay sau đây, có thể mở ra nhiều góc nhìn mới về bối cảnh.

 

*** Kính thưa linh mục Đinh Hữu Thoại, sự kiện Thánh lễ Công giáo tại Giáo phận Kon Tum bị quấy phá, cướp sách Roma… vào ngày 22-3 hiện đang làm nhiều người hoang mang bất bình – kể cả có đạo lẫn không đạo, cha có thêm tin tức gì về sự kiện này không?

 

Trên trang web của Giáo phận Kontum vừa có bài viết của Cha Tađêô Võ Xuân Sơn, trưởng ban truyền thông Giáo phận Kontum, có thuật lại vụ một nhóm cán bộ mặc thường phục, ko đeo bảng tên, công an có sắc phục của xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kontum đến quấy phá thánh lễ thánh thiêng của Công Giáo do Cha Phanxicô Xaviê Lê Tiên, Chánh xứ Đăk Giấc, Quản hạt Đăk Mót, đang cử hành vào lúc 18g15 thứ Tư ngày 22 Tháng Ba 2023 tại Giáo họ Phaolo, thuộc địa bàn xã này.

 

Dẫn đầu nhóm người này được biết là ông Nguyễn Viết Thạch, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi, ngụ tại TT Plei Kần, huyện Ngọc Hồi. Họ xồng xộc xông vào nơi dâng lễ là nhà riêng của một giáo dân, bất chấp sự đồng ý của chủ nhà. Ông Thạch quát tháo, la lối yêu cầu Cha Lê Tiên ngưng thánh lễ. Thánh lễ lúc đó mới tới phần Công bố Tin Mừng. Cha Tiên có ôn tồn nói có gì thì sau Thánh lễ ngài sẽ làm việc, chứ lúc này ngài không thể ngưng thánh lễ được. Ông Thạch tiếp tục có những lời lẽ rất thiếu văn hoá, không tôn trọng nghi lễ thánh thiêng đang diễn ra của những người Công Giáo. Một nữ cán bộ đã lên tận bàn thờ để cướp quyển Sách lễ Rôma mang đi, một người đàn ông khác đến rút dây điện của gia chủ làm cho cả gian phòng không còn ánh sáng, một hành vi không thể chấp nhận được. Một vài giáo dân đã phản ứng với hành vi của nhóm tự xưng cán bộ này… Thấy tình hình không ổn nên cuối cùng Cha Lê Tiên phải ban phép lành để kết thúc, chứ không thể tiếp tục dâng lễ được trước sự quấy phá của nhóm người này.

 

*** Được biết, Công giáo là một tổ chức tín ngưỡng đã có chính thức đăng ký sinh hoạt công khai, và được chấp nhận như theo nhà nước yêu cầu, nhưng lại xảy ra chuyện ngăn cản và xúc phạm thánh lmột cách kỳ lạ như vậy. Theo cha, việc ngăn cản này có lý do vì sao?

 

Công Giáo là một tôn giáo có mặt tại VN từ trước khi chính thể cộng sản ra đời. Vì thế khi nhà cầm quyền Cộng sản làm ra luật Tín ngưỡng Tôn Giáo (TNTG) thì đương nhiên phải công nhận Công giáo là một tổ chức tôn giáo hợp pháp và công khai. Tuy nhiên, luật TNTG thật ra không nhằm giúp người có tôn giáo được thực hành tự do tôn giáo mà nhằm hạn chế sự phát triển của tôn giáo, nhất là những tôn giáo ko chấp nhận sự quản lý của nhà cầm quyền. Những kẻ làm luật là vô thần, là công an, chứ không hề có tôn giáo mà lại làm luật TNTG thì đủ hiểu luật đó nhắm mục đích gì. Họ có làm màu mè khi gửi bản dự thảo góp ý trước khi ấn định thành luật, nhưng tất cả mọi góp ý của Công giáo đều không được quan tâm, giống như lời ông Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ mới nói về góp ý dự thảo luật đất đai: Góp ý mà không phù hợp với đường lối chính sách của đảng và nhà nước Cộng sản này thì không được chấp nhận.

Vì thế, việc đàn áp tôn giáo, nhằm hạn chế sự phát triển đã nằm trong chính sách tTrung ương chứ đây không phải do địa phương bồng bột… Những địa phương khác không làm như huyện Ngọc hồi, Kontum, vì những nơi đó giáo dân đông đúc hơn so với vùng sâu vùng xa như Kontum. Những việc làm của nhóm cán bộ xã Đak nông thể hiện chính sách đàn áp tôn giáo của nhà cầm quyền Việt Nam.

*** Điểm lại những chuyện bất thường đã xảy ra ở Giáo phận Kontum, có vẻ như ở đây là một trong những nơi sinh hoạt tín ngưỡng hết sức cam go. Đối với các linh mục làm việc tại đây, từ năm 2021, chẳng hạn linh mục Nguyễn Quang Hoa bị một nhóm côn đồ vô cớ vây đánh, sau đó đến linh mục Trần Quang Truyền bị đâm trọng thương, nhà thờ An Khê bị đổ xăng dự định đốt cháy. Sự kiện lớn nhất gần đây là linh mục Trần Ngọc Thanh bị chém chết khi đang làm lễ… Trong cái nhìn cá nhân của mình, thưa cha có thể giải thích vì sao nơi này lại xảy ra quá nhiều sự kiện đáng sợ như vậy hay không?

Như tôi đã nói ở phần trên, chính sách đàn áp tôn giáo, vi phạm tự do tôn giáo nằm ngay trong chính sách của nhà cầm quyền Việt Nam, thể hiện cụ thể trong Luật TNTG hiện hành và trong các Nghị định liên quan. Ở đó vẫn còn luật xin-cho, mà cấp có quyền “cho”, nay được đẩy xuống cấp xã chứ không phải cấp huyện như trước đây nữa. Cán bộ xã thì kiến thức giới hạn, văn hoá cũng hạn chế nên sự đàn áp hiện nay tệ hại hơn trước. Riêng Kontum là tỉnh miền núi vùng sâu vùng xa thì hiểu biết của cán bộ xã càng kém cỏi.

*** Trong video đang lan truyền trên mạng, nhân vật Phó Chủ tịch xã quát rằng “nơi này không phải là nơi thờ tự” nhưng không nói rõ vì sao các gia đình lại không thể thờ tự. Điều này có đi ngược với tuyên bố về quyền tự do tôn giáo mà nhà nước Việt Nam ban hành? Sự kiện sinh hoạt tôn giáo bị cản trở ở giáo phận Kontum đã kéo dài nhiều năm (tính từ thư ngỏ của Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, năm 2015), thưa cha, điều này ắt Tòa Giám mục Kontum đã biết, nhưng liệu các bề trên đã có ý kiến gì chính thức với chính quyền chưa?

Ông Phó Chủ tịch xã Nguyễn Viết Thạch là một cán bộ có hiểu biết kém về tôn giáo, ứng xử rất thiếu văn hoá trong tối 22 Tháng Ba vừa qua. Giáo họ Phaolo nơi này đã dâng lễ từ lâu qua cách bài trí nhà nguyện, đã sinh hoạt tôn giáo ổn định chứ không phải là lần đầu. Ông Thạch muốn kiểm tra hành chính gì đó thì ít ra cũng phải có hiểu biết tối thiểu là tôn trọng việc cử hành thánh lễ. Ông có lẽ cũng đã học qua trung học phổ thông thì kiến thức tối thiểu phải biết tôn trọng sự thánh thiêng của tôn giáo. Là một cán bộ xã ở chức Phó Chủ tịch mà thiếu hiểu biết thì thật đáng xấu hổ. Lẽ ra ông phải đợi thánh lễ kết thúc rồi gặp gỡ cha Tiên làm việc thì ko có gì đáng nói. Mà thời gian chờ có lâu gì, chỉ 15 phút nữa là xong Thánh lễ rồi.

Trong thư của Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh năm 2015 , nguyên Giám mục Giáo phận Kontum có nói rõ hiện trạng tự do tôn giáo lúc ấy, và cho đến nay cũng không có gì khá hơn, thậm chí còn xảy ra những vụ việc ngày càng kinh khủng hơn như đâm cha Truyền tại Giáo xứ An Khê, tỉnh Gia Lai, sát hại cha Thanh khi ngài đang giải tội mới đây cũng tại xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi.

Những tuyên bố của nhà cầm quyền Việt Nam về tự do tôn giáo tại Việt Nam chỉ là dối trá. Chính vì thế, Bô Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 20 Tháng Ba 2023 vừa qua đã công bố về tình hình nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam, trong đó có vấn đề về tự do tôn giáo. Ba ngày sau khi Hoa Kỳ ra công bố, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng bác b, thì ngay ngày đó, đã xảy ra vụ tấn công Thánh lễ Công Giáo tại Ngọc Hồi, Kontum… Như vậy thì nhà cầm quyền Việt Nam đã tự chứng minh rằng bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đúng, còn lời bác bỏ của Bộ Ngoại giao Việt Nam là dối trá, là sai… Hiện Tôi không rõ Tòa Giám mục Kontum có ý kiến chính thức với nhà cầm quyền tỉnh Kontumum hay chưa, nên chưa trả lời được.

*** Tuy nhiên lâu nay, những sự kiện hành xử gây bất bình trong quần chúng thường được giải thích rằng đó là những sai lầm của cá nhân hay của một bộ phận chính quyền địa phương chưa có đủ sâu sát, thiếu kinh nghiệm. Thưa Cha nghĩ thế nào về sự bất cập này?

Qua những vụ việc xảy ra tại một số địa phương vùng sâu vùng xa, tôi nghĩ đó không hẳn chỉ là do ském cỏi của những người cầm quyền địa phương. Vì nếu như thế thì lẽ ra các cấp trên của họ đã xử lý họ và thay thế cán bộ khác. Nhưng tất cả nhưng vụ tấn công, đàn áp tôn giáo đều được bao che từ dưới lên trên, không một cán bộ sai phạm nào bị xử lý. Khi thì kết luận kẻ tấn công linh mục bị tâm thần, kẻ sát hại linh mục cũng bị tâm thần, cán bộ địa phương xúc phạm tôn giáo ngay trong Thánh lễ thì được khẳng định làm đúng pháp luật, như vụ xảy ra tại tỉnh Hoà Bình khi Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên chủ tế thánh lễ tại giáo họ Đồng Tâm, giáo xứ Vụ Bản, tại thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình ngày 20 Tháng Hai 2022.

Tôi nghĩ  Việt Nam cần phải thay đổi tận căn chính sách đàn áp tôn giáo. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cần đưa Việt Nam vào danh sách CPC cho tới khi nào nhìn thấy những cải thiện rõ rệt.