Những người sống ở Sài Gòn nói họ tuy đã quen với việc hàng năm, đến ngày 30 Tháng Tư, nhà cầm quyền lại cho trương khắp nơi các bích chương, biểu ngữ mừng ngày giải phóng miền Nam, nhưng quen, không có nghĩa là không có những phản ứng nhất định, dù đã gần nửa thế kỷ đi qua.
Việc xác định là “giải phóng”, có lúc này lúc khác. Tùy theo cảm quan của người đứng đầu bộ máy nhà nước và thời thế. Đã có lúc cả miền Nam rộ lên niềm vui khó tả khi đọc được những dòng tâm tình của ông Võ Văn Kiệt, về ngày 30 Tháng Tư là có “triệu người vui, cũng có triệu người buồn”. Giai đoạn đó, những ngôn luận nhận thức khác lạ đó, mô tả được một tâm trạng có thật dai dẵng trong dân chúng: Miền Nam là của những người xác nhận mình thua cuộc, nhưng không nhận là mình được giải phóng.
Điểm lại lịch sử của nửa thế kỷ sau 30 Tháng Tư 1975, về ý nghĩa “giải phóng”, không thể không nhắc đến chuyện của diễn viên điện ảnh Đơn Dương.
Những ngày 30 Tháng Tư này, lại nhớ một biến động khó quên của điện ảnh Việt Nam, với diễn viên Đơn Dương, người đang đặt một bàn chân vào Hollywood, được chú ý trước cả Hồng Châu, Quan Kế Huy… Cũng từ một bộ phim chiến tranh Việt Nam do Mel Gibson đạo diễn, cách nhìn cuộc chiến tranh giải phóng bằng ánh mắt nhân bản trung dung, đã bị tấn công không thương tiếc từ hệ thống truyền thông nhà nước. Vào thời điểm nhạy cảm đó, hai bộ phim Đơn Dương tham gia là Green Dragon (2001 - cùng với sự tham gia của Patrick Swayze and Forest Whitaker, và We Are Soldiers(2002 - cùng Mel Gibson) là cú sốc lớn, cho dù ngôn ngữ điện ảnh mô tả nhiều chiều, nhiều bối cảnh tâm lý chứ không nhằm mục đích “chống phá” Việt Nam. Khác với câu nói của viên cựu quân nhân Đại Hàn về việc đã “giết hơn 100 việt cộng” trong phim Ba Chị Em, chỉ bị ngừng chiếu, thì chính vẻ tư lự, cảm thán về mất mát hoàn toàn có thể hiểu được của người chiến thắng, mà Đơn Dương thủ vai viên chỉ huy Nguyễn Hữu An vào phút cuối của We Are Soldiers ở thung lũng D’rang, là vấn đề bị chỉ trích dữ dội.
Khó tả được cảm giác của hãng Paramount khi đón nhận hàng loạt các lời tấn công vào phim We Are Soldiers và cá nhân ông Đơn Dương. Năm 2002, thư liên lạc và thông qua Tòa Đại Sứ Mỹ ở Việt Nam được một quan chức không cho biết tên ở Sài Gòn xác nhận rằng Đơn Dương không bị giam giữ hay bị bắt. nhưng Bộ văn hóa đã ra lệnh cấm ông Dương rời khỏi đất nước, và bị cấm diễn xuất ít nhất trong năm năm. Nhưng quan trọng là số phận của ông Dương vẫn treo, chưa được định đoạt.
Báo chí lúc đó gọi Đơn Dương là “phản quốc”, “tham đồng đô-la bán lịch sử đất nước”… Nói chung là những ngôn ngữ vô cùng nặng nề như một cuộc đại thạch hình, mà nếu sự kiện ở những năm 1950 hay 1960 tại Miền Bắc, Đơn dương sẽ phải bị bắn, hoặc ngồi tù không có ngày thấy ánh sáng. Trong một cuộc phỏng vấn với AP, Đơn Duong cho biết ông bất ngờ trước phản ứng chỉ trích dữ dội, và đã công khai hứa rằng quyết định không tham gia thêm bất kỳ vai diễn nào trong các bộ phim nước ngoài về chiến tranh Việt Nam. Nhưng khi được hỏi cảm nghĩ Về việc đã tham gia những bộ phim này, ông Dương nói rằng hãnh diện vì đã được sống trong thế giới của Hollywood.
Sự kiện Đơn Dương bị chỉ trích ở Việt Nam bùng nổ, Gibson, Swayze và Whitaker cùng tham gia vào một chiến dịch viết thư cho Bộ Ngoại giao, cùng với những người khác bao gồm nhà làm phim Randall Wallace, Harvey Keitel và Ken Brecher, giám đốc điều hành của Viện Sundance, Thư đang được gửi tới Đại sứ Hoa Kỳ Raymond Burghardt cũng như các quan chức Việt Nam. Wallace đã viết cho Burghardt, nhờ giải thích với Hà Nội rằng "Đơn Dương đã khắc họa một sĩ quan yêu thương và chăm sóc những người lính của mình, người khôn ngoan và dữ dội trong trận chiến... và người cuối cùng thậm chí còn nhạy bén hơn các nhà lãnh đạo của chính phủ Mỹ, trong đó ông (viên chỉ huy Bắc Việt) nhận ra rằng việc tiếp tục nỗ lực quân sự của Mỹ ở Việt Nam sẽ chỉ tạo ra một bi kịch lớn hơn trong những sinh mạng đã mất. Trong con mắt của những người không phải là người Việt Nam, Đơn Dương đã đại diện cho người dân của mình theo cách mang lại cho họ danh dự và sự tôn trọng.
Cả trong vai Trần Tài (Green Dragon) và Nguyễn Hữu An (We Are Soldires), vấn đề của ông Đơn Dương là đã thể hiện quan điểm của các nhà làm phim quốc tế về cuộc chiến tranh Việt Nam, mà không có ý nghĩa “giải phóng”. Cả 2 bộ phim. Mà Đơn Dương thủ vai đều thể hiện sự mất mát của con người Việt Nam. Từ chỗ. một người di tản vì cuộc chiến tranh, Bắt đầu cuộc đời mới của mình. Tại trại tỵ nạn Camp Pendleton của căn cứ hải quân Hoa Kỳ, cho đến hình ảnh người chỉ huy Bắc Việt chiến thắng, giành được ngọn đồi nhưng mang trong mình một suy nghĩ về thắng thua vô nghĩa trước sự mất mát quá nhiều của đồng đội. Ý nghĩa chính trị giải phóng nhạt nhòa trong thời khắc ấy, như câu thơ của Nguyễn Duy: “Mọi cuộc chiến tranh, Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”. (Đá Ơi)
Có thể Đơn Dương không gặp thời. Vì nếu như bộ phim được sản xuất và ra mắt năm 2005, Vào thời điểm mà ông cố thủ tướng Võ Văn Kiệt phát biểu trong một bài phỏng vấn, nhân 30 năm ngày 30 Tháng Tư, ắt cuộc đời và của diễn viên Đơn Dương biết đâu lại càng lóe sáng. Lúc đó, ông Kiệt nói, rõ ràng hơn cả những vai diễn của Đơn Dương thể hiện, rằng “một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu” (Tuần báo Quốc Tế, 31 Tháng Ba 2005).
Rõ ràng trong lịch sử, đã có lúc, quan điểm chân thành về
một quốc gia cần phải được chữa lành vết thương nội tại từ chiến tranh, và giải
phóng cả quan điểm thế đứng trên của những người chiến thắng, là có thật. Tiếc
thay, những điều đó lại luôn chìm lắng giữa những rộn ràng không thật.
--------------
Tham khảo thêm, chuyển dịch từ hồ sơ Wikileaks
Sau đợt đầu báo chí tấn công dữ
dội, không chỉ dùng pháp luật áp chế, Đơn Dương còn bị sách nhiễu như trong một
cuộc đấu tố thường xuyên ở xã hội: "Ông Dương bị quấy nhiễu mỗi tối với
điện thoại của an ninh gọi tới, bị theo dõi mỗi khi ra khỏi nhà, và cho biết
bạn bè và hàng xóm lo sợ tránh né. Ông bị công an thẩm vấn hôm 2 tháng Mười 2022,
và tỏ vẻ lo sợ là sắp bị bắt giam, mặc dù lý do để bắt thì không ai nói rõ cho
ông trừ những điều đã nói ở trên. Ông đã bị gọi là 'kẻ phản bội' trong báo chí
của nhà nước và của đảng Cộng sản."
Nửa năm sau, Đơn Dương được
xuất ngoại với vợ con. Cùng đi với gia đình ra Tân Sơn Nhất là nhân viên tòa
tổng lãnh sự, công điện ngày 10 tháng 4, 2003, ghi với tựa đề nặng nề:
"Sách nhiễu tới phút chót."
Đó là sau khi Đơn Dương đã bị
sách nhiễu, các con ông cũng bị làm khó dễ trong trường, và côn đồ tới phá nhà
hàng của gia đình ông, bản công điện viết. Ông bị gọi lên công an phường, ông
khất, rồi cuối cùng ra đi mà không lên gặp công an.
Khác với nhiều lần trước, lần
này hải quan không cho nhân viên tòa tổng lãnh sự vào trong để tiễn người. Khi
được hỏi tại sao thì mỗi người trả lời mỗi khác. Có người bảo nhân viên lãnh sự
"chỉ được tiễn công dân nước họ." Có người bảo "khu vực hải quan
không cho phép nhân viên lãnh sự vào" - trong khi thật ra thì "mới
thứ Sáu tuần trước thì không có luật đó." Rồi khu vực công an cửa khẩu
cũng được cho là không cho phép vào, và "một lần nữa, mới thứ Sáu tuần
trước thì không như thế."Một người quay phim, tự xưng là của Truyền hình
Việt Nam, theo quay phim gia đình Đơn Dương rời nước, đi qua luôn chặng
kiểm soát.
Đến chỗ khai hải quan, nhân
viên tòa tổng lãnh sự bị chặn lại. Lý do này nọ được đưa ra. Nhân viên tổng
lãnh sự quán bảo, mới thứ Sáu tuần trước chúng tôi không bị chặn, thì hải quan
chỉ nhún vai lắc đầu bảo, luật trên thay đổi rồi.
Hai người cấp trên tới, nhưng
thay vì giải quyết cho lãnh sự vào trong, một trong hai người bắt đầu khám xét
hành lý gia đình Đơn Dương "một cách chậm chạp và ôi trời ơi kỹ càng làm
sao," công điện viết. Một nhân viên lãnh sự Úc cũng tới và cũng không được
cho vào trong.
Tuy không được vào, nhưng nhân
viên lãnh sự cũng đứng nhìn và thấy gia đình bị đưa vào một phòng nhỏ, nơi có
ít nhất 8 viên hải quan bu vào lục soát hành lý gồm 6 va li và 3 thùng. Họ lục
từng món hàng. "Họ chụp nhiều tấm ảnh của đồ đạc, quần lót bị giơ lên soi
ánh đèn."
Sau một giờ lục soát, hải quan
cho phép gia đình gói đồ lại, lại chạy qua X-ray, rồi đẩy đi. Đơn Dương được
đưa qua một quày khác, rồi bị bắt phải ký một xấp giấy tờ - "phải hứa hẹn
cái gì thì chúng tôi không biết," công điện viết.
Hãng EVA đã phải giữ máy bay
lại trong 15 phút để chờ gia đình Đơn Dương. "Qua cửa kính, nhân viên lãnh
sự quan sát thấy gia đình đi qua được hành lang xuất phát, đi thẳng tới cầu qua
máy bay. Người 'quay phim' tiếp tục quay cho tới phút chót, trong khi một đám
đông nhân viên an ninh đứng đầy phòng đợi của người đi."
Chuyến bay cất cánh lúc 3:15,
với gia đình Đơn Dương trên đó, bay qua California với bà Suzie Bùi,
chị ông. Công điện viết, ông Dương bị chính quyền "xua đuổi ra khỏi quê
hương mình."
Vũ Quý Hạo Nhiên