Wednesday, July 27, 2022

Từ Công Phụng vào tuổi 80: Nghe lại tình khúc Ơn Em

Nhạc sĩ Từ Công Phụng trong một lần gặp mặt nhà thơ Du Tử Lê

Ngày 27 Tháng Bảy là sinh nhật của nhạc sĩ Từ Công Phụng, ghi dấu ông vào tuổi 80. Người nhạc sĩ theo đuổi những lời mặc khải về tình yêu, ngợi ca những gì đã có và độ lượng với những điều đã mất, vẫn giữ trọn vẹn cho mình dòng giai điệu sang trọng và thảnh thơi giữa kiếp người vội vã.

Nhạc sĩ Từ Công Phụng là một trong những trường hợp đặc biệt của những trí thức người Chăm thành đạt và công nhận trong một chế độ tự do VNCH chuộng người tài. Ông nổi lên trên lĩnh vực nghệ thuật bên cạnh các trí thức, công chức Chăm khác – như nhà nghiên cứu văn hóa sắc tộc Dohamide, tiến sĩ sử học Po Dharma, Trung Tá Dương Tấn Sở – Quận trưởng Quận An Phước (nay là huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận), Lưu Quang Sang – dân biểu nghị viện Sài Gòn…

Cần phải nói thêm là từ khi Vương quốc Champa bị mất nước (1832), Vua Thiệu Trị đã tạo quy ước mới là cho lập quy chế đặc biệt cho dân tộc Chăm ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận. Và quy chế đặc biệt này tồn tại trong suốt thời kỳ Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định, Bảo Đại và cho đến thời Việt Nam Cộng Hòa. Quy chế này cho phép cộng đồng người Chăm được quyền gìn giữ và bảo vệ văn hóa, tập tục tín ngưỡng, đồng thời phát triển trí thức của cộng đồng mình mà không có bất kỳ một sự kỳ thị hay kềm hãm nào. Quy chế này chỉ bị hủy bỏ từ sau tháng Tư năm 1975.

Trong âm nhạc, Từ Công Phụng là một trong những nhạc sĩ rất đặc biệt, bởi viết bất kỳ ca khúc nào ra, ông cũng thích mình là người trình bày nó, rồi đến sau đó, ai yêu thích và đề nghị xin được hát thì ông mới gửi đi. Cũng chính vì vậy, Từ Công Phụng là nhạc sĩ sáng tác nhưng lại được mời lưu diễn rất nhiều để trình bày những ca khúc của mình như một ca sĩ chính, bên cạnh các ca sĩ khác, dù nổi tiếng nhưng vẫn là phụ họa cho ông.

Nói về bản thân, một thanh niên Chăm lớn lên trên vùng đất bàng bạc nắng và gió, cuộc sống tĩnh lặng với thi thoảng tiếng lục lạc của con dê đầu đàn vang lên, cùng tiếng kèn Saranai văng vẳng, Từ Công Phụng đi học, làm việc và thành đạt ở Sài Gòn, nhưng trong ông, nỗi nhớ da diết về miền quê vẫn vô cùng.

“Bạn hỏi tôi có nhớ mảnh đất cằn cỗi đầy nắng và gió cát ấy không. Vâng, đây là mảnh đất đã để lại trong ký ức tôi đầy ắp một khung trời hanh nắng trên những cánh đồng mùa Đông trơ những gốc rạ, mà tuổi thơ tôi đã rong chơi với những cánh diều lộng gió, đầy ắp những bãi cát trắng ngần bên bờ biển xanh và khung trời trong vắt không gợn một áng mây. Đây là miền đất đã chuyên chở một dòng tuổi thơ tôi cho đến lúc tôi rời khỏi mái trường trung học để phiêu lưu ở miền đất khác trong các trường đại học và từ đó bắt nhận được những rung động nồng nàn của tình yêu trong tuổi thanh xuân”, Từ Công Phụng viết.

Toàn bộ các tác phẩm sáng tác của nhạc sĩ Từ Công Phụng hợp lại như một tổ khúc thính phòng khổng lồ của đời ông: Tất cả xây dựng chung quanh chủ đề tình yêu, nỗi buồn, sự mất mát và suy tư…, còn âm nhạc như mũi kim thêu lặng lẽ, luồn vào các con chữ và tạo nên những hình dáng âm điệu – phóng khoáng và tự do đến mức mỗi bài hát như một khúc tụng ca riêng lẻ, không cùng kết nối được nghe thấy từ một thánh đường không nơi chốn.

Cũng có lẽ vì vậy mà các tác phẩm của nhạc sĩ Từ Công Phụng nổi tiếng hơn cái tên của ông. Tên bài hát thì người ta sẽ nhớ, và thậm chí là thuộc cả bài. Nhưng đôi khi phải nói ra thì công chúng mới biết đó là một tác phẩm của Từ Công Phụng.

10 năm sau khi tỵ nạn ở Mỹ, nhạc sĩ Từ Công Phụng có kể một kỷ niệm thú vị. Năm 1990 ông được mời lưu diễn ở Montreal, Canada. Để quảng bá chương trình, nhà văn Song Thao đã thử đi một vòng để làm cuộc thăm dò về cái tên Từ Công Phụng. Có đến 10 người tuổi cũng trạc thế hệ của nhạc sĩ, được hỏi là là “Có biết Từ  Công Phụng là ai không?”

Có chín người lắc đầu là không biết. Nhưng khi hỏi có biết bài Bây Giờ Tháng Mấy không thì 10 người cùng gật gù và tán thưởng “Đây là một bài hát hay, để lại nhiều kỷ niệm trong đời tôi.” Nhà văn Song Thao từng lý giải dí dỏm với Từ Công Phụng: “Anh là một người có phúc vì anh sinh ra một đứa con mà quần chúng biết đến con anh nhiều hơn anh. Con hơn cha là nhà có phúc!”.

Bản tính của Nghệ sĩ Từ Công Phụng là người trầm lắng, và cũng không hay tự nói về mình. Sau năm 1975, ông nhận thấy cuộc đời bước sang một bước chuyển mới, hoàn toàn khác với những gì mà nửa đời trước của ông đã đi qua. Do đó, ông cũng cố gắng tìm kiếm cách để hội nhập với một xã hội cộng sản – tên gọi và ý thức văn hóa hoàn toàn xa lạ với ông – như một cách thử xem ông có thể tồn tại với nó được không.

Ông cũng tìm đến những người bạn sáng tác vào thời điểm đó, hy vọng tìm thấy một nhịp đập mới sau chiến tranh.  Thế rồi ông nhận ra một Từ Công Phụng đã được tạo ra chỉ để sống với tự do, chứ không thể sống với tuyên truyền và kiểm duyệt. Nói với bạn bè, nhạc sĩ Từ Công Phụng từng tâm tình “Mỗi buổi sáng thức dậy kiếm được một ít cà phê pha cho mình và suy nghĩ về cuộc đời…, tôi luôn nghĩ đầu tiên là ngày hôm nay tôi có thể làm thế nào kiếm được một ít tiền để cơm nước cho con cái thôi, không có mơ ước gì hơn”. Năm 1980, ông quyết định vượt biển và đến được Mỹ.

Một trong những bài hát, mà khi được hát lên, người ta biết ngay đó là một tuyệt phẩm của Từ Công Phụng, là ca khúc Giữ đời Cho Nhau, cũng được biết với cái tên Ơn em, phổ thơ của Du Tử Lê. Bài hát có lời cô đọng và dễ nhớ – đặc biệt là ca khúc hiếm hoi viết có âm điệu ngũ âm, đủ các luyến láy tinh tế để các giọng ca chọn sự thể hiện riêng. Riêng về ca khúc này, Từ Công Phụng nói đó là sáng tác ông nhiệm ý thơ và viết nhanh bất ngờ trong vòng chưa đến một tiếng đồng hồ. Một kỷ lục của đời ông. Với Ơn em, ông cũng ưng ý nhất sự trình bày của ca sĩ Tuấn Ngọc.

Với bài thơ Ơn em của Du Tử Lê, Từ Công Phụng nói ông bị xúc động tức thì khi đọc qua tứ thơ chỉ có 10 câu này. Nhiều khán giả khi nghe bài hát thì chỉ thấy lời ca ngợi tình yêu, tụng ca tình nhân, nhưng ít ai biết là Từ Công Phụng xúc động với những âm hưởng như gợi lại lời ru của thân mẫu lúc ông còn thơ ấu.

Vì bài thơ ngắn nên thiếu trường canh cần thiết cho một bản nhạc, vì vậy Từ Công Phụng đã thêm vào hai câu cho đủ, đó là: Ơn em tình những mù lòa, như con sâu nhỏ bò qua rất mùi. Hai câu hát đẹp và phù hợp với trọn bài thơ. Nhạc sĩ Từ Công Phụng kể lại sau khi phổ xong, ông mang tặng Du Tử Lê như một kỷ niệm (lúc đó vẫn mang tên Giữ đời cho nhau). Bài hát làm thi sĩ Du Tử Lê hài lòng đến mức đã dùng để đặt tên cho bộ video do trung tâm Diễm Xưa thực hiện riêng cho ông, phát hành tháng Tư năm 2000.

Âm nhạc và cuộc đời của Từ Công Phụng là mất mát, kể cả trong những mối tình, cho đến lúc ông ra đi và để lại hình ảnh quê nhà thương nhớ bao la nắng gió. Nhưng lịch sử sáng tác của Từ Công Phụng không oán thán cho số phận. Như người hát rong truyền đời đi qua sa mạc của hàng ngàn năm trước, ông vẫn miệt mài cất lời tụng ca tình yêu như một di chỉ thầm lặng về cuộc đời Việt – dù ở nơi đâu – cũng cần phải cần phải nhớ giữ lấy di sản cuối cùng, là tình yêu.

Chuyện con bò trong tòa

Ảnh: LS Âu Quang Phục, trong vòng tròn.


Trong phiên tòa xử Tịnh Thất Bồng Lai ngày 20/7, luật sư Âu Quang Phục, người được gọi là bảo vệ cho bị hại Trần Ngọc Thảo tức ông Thích Nhật Từ, đã đặt một vấn đề với những người ở Tịnh Thất Bồng Lai, trước mặt phiên tòa, điều mà ai nấy đều phải ngỡ ngàng:
"Nếu như bây giờ tôi nói Chúa ngu như bò thì các ông thấy sao?"
Luật sư Phục đưa ra câu hỏi này, bởi đơn tố cáo vì cho là bị xúc phạm của ông Trần Ngọc Thảo, nói rằng thành viên của Tịnh Thất Bồng Lai đã phát biểu nói "Thích Nhật Từ ngu như bò". Tức giận do bị so sánh với con bò nên ông Thích Nhật Từ đã làm đơn khởi kiện, nói bị xúc phạm danh dự cá nhân, nhất định hoàn toàn không thể là bò.
Thế nhưng câu hỏi được đặt ra mang tính đối chiếu của luật sư Phục khiến ai nấy ngỡ ngàng, thậm chí phải bật cười vì sự ấu trĩ - và phải nói rõ là ngu xuẩn về trình độ nhận thức - vì Chúa Giêsu dù được đặt ra ở bất kỳ vị trí nào cũng không hề liên quan gì với những người trong Tịnh Thất Bồng Lai.
Nhưng cần nhớ, câu hỏi kém cỏi của luật sư Phục cũng có thể đáng bị đặt vào tình trạng bị khởi tố theo Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, điểm C "Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với các tổ chức chính trị – xã hội".
Chuyện cố ý đưa Đức Chúa Giêsu vào trong nội dung này chính là mang tính xúc phạm vô cớ, vì nhân vật Chúa Giêsu không liên quan đến vụ án, và không thể hiện bất kỳ sự suy luận kiến giải nào về việc so sánh ông Thích Nhật Từ ngu như bò, ngoại trừ khi ông Thích Nhật Từ tự coi mình ngang hàng với Chúa, và đặc biệt là hoàn toàn khác con bò.
Cần nói rõ là nội dung quyết định ở đây, đang được cân phân giữa ông Thích Nhật Từ và con bò, là hai thực thể rất rõ ràng.
Vấn đề là phía bị hại cần phải xác định rằng con bò có những điểm xấu như thế nào mà người ta so sánh với mình khiến mình cảm thấy bị xúc phạm, kể cả chuyện "ngu" ở mức nào là được so sánh với con bò.
Tuy vậy, ở một góc nhìn khác, việc so sánh một con người với một con vật đó là chuyện thường tình mang đầy tính văn hóa dân gian vẫn diễn ra trong xã hội, ví dụ người ta vẫn so sánh "Anh A làm việc chăm chỉ như một con ong" hoặc "Anh B suốt cuộc đời cặm cụi như một con kiến", hoặc "Hắn làm việc như con trâu". Sự kiện ông Thích Nhật Từ tức giận đâm đơn kiện, có thể coi là vụ kiện đầu tiên trong lịch sử tòa án Việt Nam về việc bất đồng so sánh với thú vật.
Trở lại câu hỏi rất "bò" của luật sư Âu Quang Phục, chắc chắn sẽ không ai ở phiên tòa xử Tịnh Thất Bồng Lai buồn nghĩ gì cả, vì câu chuyện này không liên quan với vụ án. Hơn nữa, câu hỏi này đầy tính khiêu khích, thể hiện chủ trương thù hằn tôn giáo.
Ông Trần Ngọc Thảo / Thích Nhật Từ trong các bài giảng của mình cũng đã có rất nhiều lần vô cớ công kích Chúa Giêsu và nội dung của tín ngưỡng Công giáo. Thế nhưng phía Công giáo Việt Nam đã đối xử với ông không khác gì người lớn thấu hiểu, nhìn thấy đứa con nít cứ chòi chọc tìm cách gây khó. Vì vậy không loại trừ là luật sư của ông Thảo cũng đã được hướng dẫn cách trình bày quan điểm so sánh tín ngưỡng như vậy ở phiên tòa này - dĩ nhiên trình bày kiểu như vậy thì rất "bò".

Wednesday, July 13, 2022

Nhạc sĩ Lê Hựu Hà và vài điều chưa kể

Từ trái qua: nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang, nhạc sĩ Lê Hựu Hà, tay trống Trung Vinh, ca sĩ Elvis Phương, guitar Như Khiêm.

Như những nghệ sĩ đã thành danh trong nền văn hóa Việt Nam Cộng Hòa, sau năm 1975, nhạc sĩ Lê Hựu Hà cũng gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống sáng tác bởi chính sách và định kiến của chế độ mới, đối với nền văn hóa cũ.

Để tồn tại được trong nghề nghiệp của mình, Nhạc sĩ Lê Hựu Hà đã chuyển đổi cuộc đời của mình, từ một người sáng tác với tinh thần vị nhân sinh trở thành một nhạc công đánh đàn, hòa âm, sống qua ngày với ban nhạc. Cũng có lúc ông lập nhóm tam ca để lưu diễn ở các sân khấu kiếm sống. Ông được chính quyền mới đề nghị sáng tác nhiều bài hát mới, phục vụ chế độ. “Anh cũng có thử viết như rồi tự thấy xấu hổ với chính bản thân mình.  Rồi bỏ đi”, Lê Hựu Hà có lần tâm sự như vậy.

Tuy nhiên vào thời điểm tin tức và liên lạc cách biệt giữa Việt Nam và thế giới, Hình ảnh Nhạc sĩ Lê Hữu Hà xuất hiện trên các sân khấu đàn hát lọt ra ngoài, và lúc đó cũng có những người gọi ông là “đi theo Việt Cộng”. Tuy nhiên, lúc đó cũng không có Facebook hay email như bây giờ để có thể giải bày được tâm sự của mình, và giải oan cho tất cả những công việc kiếm sống và tồn tại trong đất Sài Gòn quen thuộc nhưng cuộc sống lúc đó của những nghệ sĩ có tinh thần độc lập, không phải là dễ.

Trong một lá thư mà ca sĩ Nhã Phương, người bạn đời cuối cùng của nhạc sĩ Lê Hựu Hà, gửi cho nhà báo Trần Quốc Bảo, người sáng lập Nguyệt San Thế Giới Nghệ Sĩ, có đoạn ôn lại kỷ niệm: “Mỗi khi gặp lại Bạn, lại nhớ anh Lê Hựu Hà. Trước đây, họ tẩy chay, họ coi thường và không dùng đến nhạc của ảnh, cho đến khi bạn về Sài Gòn, bạn xuất hiện đã đem lại niềm vui cho ảnh”.

Nhà báo Trần Quốc Bảo là một trong những người giải nỗi oan cho nhạc sĩ Lê Hựu Hà. Năm 1993, trong một chuyến về Việt Nam làm ký sự văn nghệ, nhà báo Trần Quốc Bảo đã kể lại câu chuyện buồn phiền và khốn khó của những người bạn cùng thời như Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà… Lúc đó, nhạc sĩ Lê Hựu Hà kiếm được một chỗ để chơi nhạc ở vũ trường Intershop tại trung tâm Sài Gòn, còn ban ngày thì cho thuê băng video phim truyện trên đường Võ Văn Tần (Trần Quý Cáp cũ). Cuộc sống chật vật khiến ông mang nhiều mặc cảm, nhưng điều ông buồn hơn, đó là một số nơi của người Việt ở hải ngoại cứ dựa vào tin tức cóp nhặt từ Việt Nam, coi như là ông đã là người của chế độ mới.

“Cũng có đoàn ca nhạc của nhà nước mời anh về làm. Bạn bè anh cũng cũng mấy người nhận lời và tương đối yên ổn. Nhưng anh thì không sao nhận lời được, có lẽ vì mình quen tự do rồi”, nhạc sĩ Lê Hựu Hà từng tâm sự. Tương tự như nhiều trường hợp về “nhạy cảm văn hóa” như bộ Ca khúc Da Vàng của Trịnh Công Sơn, album Phượng Hoàng chưa bao giờ được tái bản hay được cover trọn vẹn.

Nhưng rồi tài năng đã vực ông dậy, đem lại niềm vui và cảm hứng cho ông trong một thời gian. Những bài hát như Đừng Trách Người Ơi, Nắng Vàng Biển Xanh Và Anh, Ngỡ Đâu Tình Đã Quên Mình, Trả Hết Cho Người… lan ra đến hải ngoại, và được khán giả nồng nhiệt đón nhận, cùng với mỗi lúc tin tức về người nhạc sĩ lặng lẽ này ngày càng sáng tỏ hơn.

Một trong những câu chuyện, được coi là đề tài bàn tán sôi động một thời, đó là chuyện của năm 2002, khi bài hát Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào trở thành bài hát top hit của cả trong lẫn ngoài nước. Nhưng có người nói đó là tác phẩm của Nguyễn Trung Cang, có người lại nhất định đó là sáng tác của Lê Hựu Hà. Hầu như đi đâu, người ta cũng nghe thấy bài hát này vang lên, cùng với lời tranh cãi: “Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang, ai là tác giả của bài hát này”?

Lời giải đáp về bài hát này cũng đã được đăng tải trên Nguyệt San Thế Giới Nghệ Sĩ của nhà báo Trần Quốc Bảo, trong loạt bài tìm hiểu về lịch sử sáng tác nhạc trẻ của nhà văn Hồ Văn Xuân Nhi và Trần Quốc Bảo. Tuy nhiên, báo giấy lúc đó không đủ sức lan tỏa để làm rõ. Do vậy, thỉnh thoảng câu hỏi đó vẫn còn vang lên ở các diễn đàn âm nhạc của thế hệ mới.

Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào vào thời gian đó đã trở thành một hiện tượng ở hải ngoại. Nhiều ca sĩ đã hát và đã thành công với nhạc phẩm này như Khánh Hà, Ý Lan, Elvis Phương, Vũ Khanh, Như Mai, Tuấn Ngọc… Trong một ghi nhận cuối năm về những nhạc phẩm được nhiều yêu cầu hát nhất trong năm 1993 của đài Little Saigon Radio, thì Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào đứng hàng thứ tư trong số 20 Top Hits. Nhiều băng nhạc đã bán chạy vì có bài này trong đó. Ở nhiều nơi, các ca sĩ đến trình diễn show thường được yêu cầu hát bài này. Điều đó đã là niềm hãnh diện và an ủi cho người nhạc sĩ còn ở lại quê nhà.

Nói về nhạc sĩ Lê Hựu Hà, Nguyệt san Thế Giới Nghệ Sĩ viết: “Ở lại Sàigòn từ sau biến cố Tháng Tư 75. Nhạc của Lê Hựu Hà có một thời gian dài không được phép nhắc đến. Anh đã chịu đựng cái đau khổ của một người nhạc sĩ không được quyền sáng tác thêm nữa trong nhiều năm. Sau mười mấy năm, Sài Gòn đã tạm có nhiều đổi khác và đời sống của Anh cũng đã được trở lại. Anh đã sáng tác thêm và thành công hơn, trong số đó có Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào, Vào Hạ… Trước 1975, Lê Hựu Hà đã thành danh với nhiều ca khúc như Tôi Muốn, Yêu Người Yêu Đời, Lời Người Điên, Hãy Ngước Mặt Nhìn Đời, Hãy Nhìn Xuống Chân…”

Nguyên do chính của sự tranh luận, là vào năm 1992, một chương trình nhạc trẻ với chủ đề Những Tình Khúc Phượng Hoàng đã được tổ chức tại San José với sự trình diễn của ban Phượng Hoàng (hải ngoại) do một nhạc sĩ của ban Phượng Hoàng ngày xưa – nhạc sĩ Lê Huy đảm trách.

Trong đêm này, đã có nhiều ca sĩ tên tuổi lần lượt trình bày nhiều bài hát đã tạo nên sự nghiệp của ban Phượng Hoàng, đã làm rực rỡ tên tuổi của những nhạc sĩ Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang… nhưng cũng từ đêm nhạc trẻ này, đã có nhiều sự thắc mắc nêu lên về hai người nhạc sĩ tài danh và cũng là hai người bạn thân thiết với nhau. Bởi vì bên cạnh bài Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào, khán giả còn được nghe ca khúc Tình Còn Lất Phất Mưa Bay, một sáng tác của Nguyễn Trung Cang. Điều này đã gây sự ngạc nhiên, rồi đến thắc mắc, rồi dần dà đã đưa đẩy nhiều tin đồn khác nhau, bởi phần điệp khúc của hai bài hát này có sự trùng hợp nhau, tuy khác lời.

Gặp ở Sài Gòn vào cuối năm 1993, nhóm Thế Giới Nghệ Sĩ với Trần Quốc Bảo và Hồ Văn Xuân Nhi đã nêu câu chuyện này với nhạc sĩ Lê Hựu Hà những thắc mắc liên quan đến hai ca khúc nói trên.

“Điều đầu tiên, chúng tôi ghi nhận là sự ngạc nhiên có thể nhìn thấy được trên khuôn mặt của anh Lê Hựu Hà. Anh cho biết, thật sự anh chưa biết bài Tình Còn Lất Phất Mưa Bay đã phát hành tự lúc nào. Rồi anh bùi ngùi kể lại những kỷ niệm của những năm đầu thập niên 1970. Bắt đầu từ những ngày của ban Phượng Hoàng, khi cuốn băng Nhạc Trẻ Phượng Hoàng do Trung tâm băng nhạc Shotguns của nhạc sĩ Ngọc Chánh lúc đó phát hành.

Tên tuổi và những giòng nhạc Phượng Hoàng rực rỡ trong lòng thanh niên Việt Nam, những bài ca tuổi trẻ mang tính chất tình yêu, quê hương và thân phận đi vào hàng triệu trái tim sinh viên học sinh. Khi nói đến đây, Hồ Văn Xuân Nhi đã mỉm cười nói với anh rằng, trong số những trái tim đó có trái tim chúng tôi, những ngày còn áo trắng cắp sách đến trường”, báo Thế Giới Nghệ Sĩ ghi.

Lý giải về sự giống nhau trong bài Tình Còn Lất Phất Mưa Bay của Nguyễn Trung Cang và bài Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào của mình, nhạc sĩ Lê Hựu Hà nói về những điều có thể đã là nguyên nhân của sự trùng hợp này, do vào khoảng đầu thập niên 1970, Jo Marcel có thực hiện một cuốn phim mang tên Vết Chân Hoang đã có nhã ý mời nhóm Phượng Hoàng làm một bài nhạc cho cuốn phim.

Lê Hựu Hà đã nhận lời đảm trách cho vai trò đó. Anh đã soạn thành một nhạc phẩm, với sự góp ý đôi chút về nhạc của Nguyễn Trung Cang. Lê Hựu Hà nhấn mạnh là chỉ về nhạc mà thôi. Bài nhạc đó đã được giao cho anh Jo Marcel để làm phim Vết Chân Hoang... nhưng sau đó, vấn đề giao kèo về bản quyền nhạc giữa anh và Jo Marcel đã không đạt được kết quả về giá cả. Lê Hựu Hà đã lấy lại bài nhạc nhưng không dùng đến nữa, và gần như nhạc phẩm đó đã đi vào quên lãng với chính anh.

Sau thời gian đó, Lê Hựu Hà đã sáng tác thêm nhiều ca khúc mới như Lời Người Điên, Một Đời Cây Cỏ… và rồi biến cố 30 Tháng Tư xảy đến, nhạc của Lê Hựu Hà và Phượng Hoàng được xem như loại nhạc văn hóa đồi trụy nên không được sử dụng. Vào lúc đó, chính quyền CSVN lại không thích cái tên Phượng Hoàng vì ảnh hưởng của một chiến dịch chiến tranh chính trị chống cộng của VNCH cũng mang tên là Phượng Hoàng.

Mãi cho đến vào khoảng năm 1986, 1987 tại Hải Phòng, nhờ một sự tình cờ quen biết và bởi lòng ngưỡng mộ, một viên chức cao cấp CSVN tại Hải Phòng, đã đứng bảo lãnh cho cá nhân Lê Hựu Hà để anh có thể được phép phổ biến chính thức một vài bài hát mới của mình.

Đến lúc đó thì nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang đã mất và bài Tình Còn Lất Phất Mưa Bay của Nguyễn Trung Cang viết thêm hoàn chỉnh, vẫn chưa phổ biến nên không ai biết đến. Riêng Lê Hựu Hà thì đã khởi sự sáng tác trở lại cùng lúc với bài hát Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào được phép sử dụng.

Trên thực tế, nhạc phẩm Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào đã được viết lại từ nhạc phẩm Vết Chân Hoang, nội dung có phần giống về nhạc nhưng lời thì được sửa chữa lại nhiều để có thể lách kiểm duyệt. Cho đến khi phát hành Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào, Lê Hựu Hà cũng vẫn chưa bao giờ được nghe về ca khúc Tình Còn Lất Phất Mưa Bay. Sự giống nhau đó, có thể là do ảnh hưởng của lần mà Nguyễn Trung Cang đã góp ý nhạc cho bài Vết Chân Hoang ngày xưa, mà những đoạn ký âm rời còn giữ lại, về sau mỗi người hoàn thành theo một kiểu.

Nhạc sĩ Lê Hựu Hà kể rằng dù lúc đó Nguyễn Trung Cang đã khuất, nhưng với kỷ niệm hai người bạn tri kỷ từng ngồi bàn luận với nhau khi làm cho phim Vết Chân Hoang, nên vào năm 1992, khi được phép thu băng ca khúc Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào tại Sài Gòn, Lê Hựu Hà đã yêu cầu nhà thực hiện hãy in tên anh chung với Nguyễn Trung Cang vì tình bạn, và để nhớ lại những kỷ niệm không thể quên của hai người, những năm tháng xưa đẹp đẽ ấy.



 

 

Saturday, July 9, 2022

Giấc mơ từ một cái chết


Suốt trong nhiều ngày, người ta nhìn thấy trên các trang mạng vô số những lời ai điếu dành cho cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Trong mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Nhật, hình ảnh của ông Shinzo Abe không để lại nhiều ấn tượng cho người dân Việt như của các đời tổng thống Mỹ đến Việt Nam, hay cũng không được ủng hộ lạ kỳ như với Putin…

Về ông Shinzo Abe, dân Việt được nhìn thấy như là một người tận hiến cho quốc gia mình. Sự có mặt của vị Thủ tướng này trên chính trường Nhật để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong loạt các cải cách chính trị lớn mang tên ông, và thậm chí là thương hiệu kích thích kinh tế được công nhận trên toàn cầu của riêng ông, Abenomics.

Nhưng thời đại cầm quyền của ông Shinzo Abe không chỉ có tiếng thơm. Để bảo toàn cho công việc lãnh đạo của mình, ông Shinzo Abe đã thúc đẩy việc hình thành đạo luật Special state secrets: Những người tố cáo và báo giới ở Nhật Bản có thể sớm phải đối mặt với án tù dài hạn vì tiết lộ các báo cáo bí mật nhà nước, có thể bao gồm thông tin nhạy cảm về thảm họa hạt nhân Fukushima và mối quan hệ xấu đi của nước này với Trung Quốc. Nước Nhật đã rơi vào những cuộc tranh cãi khủng khiếp về việc đặt án tù cho các ngôn luận tự do. Theo luật này, các quan chức nhà nước và tư nhân làm rò rỉ 'bí mật nhà nước đặc biệt' sẽ phải đối mặt với án tù lên đến 10 năm, trong khi các nhà báo tìm cách lấy thông tin tuyệt mật có thể chịu án tù lên đến 5 năm.

Ông Shinzo Abe cũng là người cổ xúy và giúp cho nhiều dự án điện than ở Việt Nam, theo yêu cầu của Hà Nội. Và nỗ lực này của ông cũng khiến vào tháng 9/2019, ông bị từ chối, không được đọc bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu của Liên Hợp Quốc.   

Nhưng ông Shinzo Abe là người đã mang nước Nhật trở lại với nhiều điều khác. Thái độ cứng rắn với Trung Quốc và Hàn Quốc đã tạo cho nước Nhật một vị thế mới. Bất chấp sự phản đối rộng rãi của công chúng, ông đã mở rộng chi tiêu quân sự của Nhật Bản và viết lại hiến pháp, cho phép lực lượng Phòng vệ Quốc gia của Nhật Bản được hoạt động ngoài biên giới nước Nhật để giúp đỡ các đồng minh đang bị tấn công. Ông cũng cho khởi động lại năng lượng hạt nhân, vốn đã không hoạt động kể từ thảm họa Fukushima năm 2011.

Cần thấy, mối quan hệ ngoại giao của ông Shinzo Abe với các nước khác, là giữa chính phủ với chính phủ, ít chạm đến người dân. Mục tiêu rất rõ: Nước Nhật phải là một quốc gia mạnh và thiết lập đủ các đường dây đồng minh trong một thời đại đầy bất an với đất nước mình. Chủ trương quan hệ chính phủ với chính phủ được đặt trên mọi thứ, nên Nhật luôn dẫn đầu trong việc tài trợ và giúp đỡ Việt Nam trong công việc phát triển, thậm chí xem nhẹ những vấn đề về tham nhũng và bất cập của thể chế trong suốt một thời gian dài. Có lẽ vì vậy, nên thủ tướng Shinzo Abe dù được coi như là chính khách luôn vì con người, nhưng chưa bao giờ ông đá động gì về vấn đề nhân quyền hay tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Ngày ông mất, các trang mạng ở Trung Quốc và Hàn Quốc xuất hiện nhiều các ngôn luận reo mừng, vì cuối cùng, cái gai trong mắt họ đã mất. Ngược lại, nhiều nơi tiếc thương, trong đó có người dân Việt Nam. Và như đã nói ở trên, người dân Việt Nam thì không nhận được gì nhiều từ đường lối ngoại giao của thủ tướng Shinzo Abe, nhưng họ ủng hộ vì điều gì?

Rõ là, làm chính trị, sẽ bị phán xét ở nhiều góc độ khác nhau, nhưng ông Thủ tướng Shinzo Abe được kính trọng bởi vượt lên với tinh thần phục vụ quốc gia chứ không vì đảng của mình, hay vị thế của bản thân mình. Quyền lợi và phát triển của nước Nhật được ông Abe nhắm tới, dành cho tổ quốc và dân tộc chứ không nhằm giữ vững quyền lực chính trị của đảng hay tạo vây cánh, trục lợi cho một âm mưu cầm quyền lâu dài.

Nhiều người Việt trân trọng đưa lại các bức ảnh của ông Abe quỳ gối lắng nghe dân nói, hình ảnh ông cúi chào một cách khiêm cung, và cả cuộc đời giản dị của ông. Đến Việt Nam nhiều lần, nhưng chưa bao giờ ông Abe tổ chức đi xuống đường bắt tay dân chúng như các lãnh tụ khác, nên sự kính trọng lan rộng với ông Abe lúc này, có thể được diễn giải như một giấc mơ thầm kín của người Việt Nam về một lãnh tụ thật sự vì dân, vì đất nước.

So với các quan chức Việt Nam xuất hiện và luôn được hệ thống tuyên truyền và báo chí một chiều rầm rộ ca ngợi, bất chấp hậu quả về sau, ông Shinzo Abe không được lực lượng đó yểm trợ truyền thông. Nhưng ngược lại, rất nhiều người Việt biết và đứng lên tưởng niệm ông, như để bày tỏ về một giấc mơ về một Việt Nam khác, về những quan chức chân chính, và một chế độ sẽ phục vụ, sống và chết cho quê hương mình, chứ không nhân danh vì bất kỳ một lý tưởng nào khác.