Thursday, March 31, 2022

Jim Carrey: “ x và đòi $200 triệu”


Jim Carrey đã phản ứng mạnh mẽ với báo chí về chuyện Will Smith lên sân khẩu đêm trao giải Oscar 2022 và tát Chris Rock, người dẫn chương trình. “Gặp tôi là tôi kiện đòi $200 triệu liền”, Jim Carrey, diễn viên lừng danh với những vai hài năng động, năm nay đã 60 tuổi nói với báo chí.

Không như một số người cho rằng hành động của Will Smith là hợp lý, Jim Carrey nói ông bất bình về những gì mà Will Smith đã làm. Nói trong phần phỏng vấn của đài CBS buổi sáng hôm 29 Tháng Ba, Jim nhún vai “Nhìn bệnh thật, thấy bệnh nhất là có hẳn những sự hoan nghênh nhiệt liệt khi Will Smith giành được Giải Oscar cho nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Tôi cảm thấy như Hollywood giờ chỉ là một đám đông ẽo ượt. Sự kiện này cho thấy ‘Ồ, đây là một dấu hiệu thực sự rõ ràng rằng: Chúng tôi không còn là câu lạc bộ thú vị nữa”.

Sau biến cố chưa từng có trong lịch sử Oscar là diễn viên Will Smith lên sân khấu và tát vào mặt Chris Rock, Smith được xướng tên nhận giải Oscar cho nam diễn viên chính xuất sắc nhất trong phim King Richard. Như Jim Carrey đã đề cập, khán giả bên trong Nhà hát Dolby vào Chủ Nhật, ngày 27 Tháng Ba, đã đứng để hoan nghênh. Will Smith trước đó đã được đề cử cho nam diễn viên chính xuất sắc nhất vào năm 2002 và 2007 nhưng đều thất bại.

Chris Rock không buộc tội Will Smith sau việc bất ngờ này, nhưng Jim Carrey nói nếu ông ở vị trí của người bị hại, ông sẽ đâm đơn kiện Will Smith $200 triệu, vì đây là “sự sỉ nhục vô cùng, bởi vì những hình ảnh đó sẽ còn mãi mãi, nó sẽ phổ biến khắp nơi. Sự xúc phạm đó sẽ tồn tại trong một thời gian rất dài”.

Jim Carrey lập luận rằng “bạn có thể hét lên từ phía khán giả nếu bạn không chấp nhận một trò đùa như vậy, nhưng bạn không có quyền bước lên sân khấu và đập vào mặt ai đó vì họ nói về bạn”. “Lời dẫn chương trình không có chủ ý tấn công gì cả, nhưng Will Smith có điều gì đó dồn nén bên trong anh ta và đang khiến anh ta thất vọng. Tôi thực sự vẫn cầu chúc anh ấy những điều tốt đẹp nhất. Tôi không có bất cứ hiềm khích gì với Will Smith cả. Anh ấy đã làm những điều tuyệt vời. Nhưng chuyện bạo lực đó không phải là một khoảnh khắc tốt. Nó là giờ phút gợi nhớ quan trọng đối với khoảnh khắc tỏa sáng của mọi người”, Jim Carrey giải thích.

Một ngày sau lễ trao giải Oscar, nam diễn viên của phim Independence Day đã công khai xin lỗi về hành vi của mình tại buổi lễ, và giải thích rằng trò đùa của Rock về chứng rụng tóc của Jada Pinkett Smith là “quá sức chịu đựng” đối với ông. “Tôi đã vượt quá giới hạn và tôi đã sai,” Willl Smith viết trên Instagram vào Thứ Hai, ngày 28 Tháng Ba. “Tôi xấu hổ và hành động của tôi không thể hiện được người đàn ông mà tôi muốn trở thành. Không có chỗ cho bạo lực trong một thế giới của tình yêu và lòng nhân ái ”.

Nói trong buổi phỏng vấn, Jim Carrey kết luận: “Rất nhiều người đã làm việc cật lực để đến được nơi đó và tận hưởng khoảnh khắc của họ dưới ánh nắng mặt trời, nhận giải thưởng cho công việc tận tụy mà họ đã làm. Nhưng khoảnh khắc ích kỷ đó đã tạo ra một sự buồn tẻ cho toàn bộ sự việc ”.

Sau buổi lễ, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh đã công bố một cuộc điều tra về sự kiện có một không hai này, và kết luận “Viện hàn lâm chỉ trích về hành động của ông Will Smith tại buổi trao giải”. Tổ chức giải Oscar cho biết trong một tuyên bố với tờ Variety hôm sau đó: “Chúng tôi đã chính thức bắt đầu xem xét chính thức xung quanh vụ việc và sẽ tìm hiểu thêm hành động và hậu quả phù hợp với Quy chế, Tiêu chuẩn ứng xử và luật của California”.

Sự kiện Will Smith lên sân khấu và tát Chris Rock được chứng kiến bởi khoảng nửa dân số Trái đất. Nói gì đi nữa, hành động bất ngờ của Will Smith khiến giới khán giả tại chỗ, toàn những ngôi sao – và tất cả những người xem qua truyền hình ở nhà – đều choáng váng. Trước đó Chris Rock có ‘nói đùa’ về việc vợ của Will Smith, bà Jada Pinkett Smith bị chứng rụng tóc. Nguyên văn, Chris Rock nói “Jada, anh yêu em,” và hài hước, “GI Jane 2, anh không thể chờ nổi để xem phần tiếp của nó”. Ý của Chris Rock đề cập đến cái đầu trọc của nữ diễn viên Demi Moore trong phim G.I. Lâu nay, Jada Pinkett Smith, 50 tuổi, vẫn thường công khai kể về việc mình đang bị chứng rụng tóc.

Sau khi tát Chris Rock và quay về chỗ ngồi của mình, Will Smith còn nói lớn về hướng sân khấu “Bỏ tên vợ tao ra khỏi cái miệng chó của mày” (Keep my wife’s name out of your f–king mouth).

Sau đó, Will Smith nói lời xin lỗi “Tôi muốn xin lỗi Ban tổ chức. Tôi muốn gửi lời xin lỗi đến tất cả những người đồng nghiệp được đề cử của tôi”. Và Will Smith biện bạch “Nghệ thuật giống như cuộc sống: Tôi trông giống như người cha điên rồ vậy. Giống như họ đã nói về Richard Williams (nhân vật trong phim King Richards mà ông ta tham gia). Nhưng tình yêu sẽ khiến bạn làm những điều điên rồ”.

Giới nghệ thuật ở Hollywood cũng đang chia làm hai phe tranh luận về sự kiện này, mặc dù tránh không bình luận gì công khai trên báo chí mà chỉ úp mở trên Twitter hay Facebook. Mới đây, diễn viên Nicole Kidman, 54 tuổi, đã yêu cầu tờ Vulture phải gỡ ngay hình ảnh được chụp nhanh phản ứng của bà tại giải Oscar, với cái miệng mở to đầy kinh ngạc, và một cánh tay dang ra. Nhiều người dùng Twitter xác nhận bức ảnh được chụp Nicole Kidman nhìn thấy lúc Will Smith đánh Chris Rock trên sân khấu. Nicole Kidman giải thích yêu cầu gỡ bỏ là vì không muốn bức ảnh làm bối rối cho cả hai phía của sự kiện.

Ai đã phổ cập dòng nhạc Mỹ vào đời sống Việt?

Nếu nói đến nhạc trẻ Việt Nam, cột mốc quan trọng nhất, là giai đoạn chuyển từ nhạc Pháp sang nhạc Mỹ – vốn được coi là kiểu âm nhạc tình tứ, dịu dàng sang phần kích động nhạc. Trải qua nhiều thăng trầm hơn của nhạc Việt, điều tổng kết có thể nhận thấy rằng, chính nhà báo – nhạc sĩ Trường Kỳ với những người bạn niên thiếu của mình đã mở đầu cho phong trào đưa âm nhạc Mỹ vào đời sống Việt Nam.

Học ở trường Tây, chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp, nên khởi đầu âm nhạc yêu thích của Trường Kỳ là La Cumparsita, La Paloma, Come Back To Sorrrento, Blue Danube… cho đến những ca khúc Việt Nam chịu ảnh hưởng lối sáng tác dìu dặt và mạch lạc của người Pháp.

Trong gần suốt hai thập niên 60, 70 Trường Kỳ cùng giới nghệ sĩ bạn bè như Jo Marcel, Tùng Giang, Nam Lộc, v.v… đã dựng nên các phong trào trình diễn qui mô tại những địa điểm rộng lớn ở Sài Gòn, theo cái cách mà nhạc trẻ Mỹ đang bùng nổ, mà đỉnh cao là các đại nhạc hội Woodstock. Trường Kỳ bắt đầu quy tụ các ban nhạc và ca sĩ của thời đại mới từ năm 1964. Những ai đã là dân nghe nhạc của Sài Gòn một thời ắt hẳn khó quên những Đại Nhạc Hội Nhạc Trẻ Taberd liên tiếp từ năm 64 đến năm 1973 (trừ năm 68).

Ngoài ra. Trường Kỳ còn có các chương trình nhạc trẻ hàng tuần “Hippies À Go Go” được tổ chức tại những vũ trường ở Sài Gòn từ năm 67 đến 71 như: Chez Jo Marcel, Queen Bee và Ritz”. Cái tên “nhạc trẻ” của Trường Kỳ đặt ra vào năm 1965, nhằm nhấn mạnh một giai đoạn âm nhạc sôi động và mới mẻ của tuổi trẻ miền Nam Việt Nam.

Do các nơi trình diễn xuất hiện nhiều, các nhóm nhạc cũng ra đời liên tục nhưng nhạc Pháp và nhạc Việt lại không phù hợp với không khí hừng hực của sân khấu bấy giờ. Các nhóm nhạc trẻ xuất hiện và nhu cầu chơi nhạc tiết tấu nhanh, có sự tham gia của bộ guitar điện và trống nhịp rock đã khiến Trường Kỳ bứt tóc bứt tai: Ông đã thực hiện loạt chương trình này thì có trách nhiệm phải tìm được nội dung phù hợp để cho các bạn nhạc lựa chọn và chơi.

Trường Kỳ phát động phong trào chuyển ngữ nhạc ngoại quốc lời Việt, đặc biệt là dòng nhạc Mỹ cho đời sống âm nhạc Việt Nam. Đó chính là lý do ra đời của bộ Tình Ca Nhạc Trẻ đánh số từ 1 đến 7 trong khoảng thời gian 1972-1973.

Lúc đó, các đại nhạc hội ở Sài Gòn có rất nhiều ban nhạc, như Les Fanatiques, Les Vampires, The Teddy Bears, The Daltons, Les Faucons Noirs, Les Tridents, The Rockin’ Stars, The Black Caps, The Hard Stones, Les Penitents, The 46, The Spotlights, Phượng Hoàng, The Strawberry Four, The Apple Three, The CatsE2 Trio, The Hammers, The Dreamers, The Crazy Dogs, The Teen Sound, The Peanuts Company, The Enterprise, The New Flintsones Corporation, The Hard Stones, The Fighters, The Starling Show, The Blue Stars, The Free Ones, v.v.. Nhưng hầu hết là các nhóm chỉ chơi lại các bài nhạc nước ngoài chứ không có sáng tác riêng. Và trong bối cảnh đó, nhóm Phượng Hoàng với hai cái tên là Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang đã nổi bật lên trên sinh hoạt nhạc trẻ Việt Nam như một chuyển động vô cùng đặc biệt, mở đầu cho giai đoạn Việt hóa nhạc Pop.

Nhưng ít ai biết rằng khởi đầu, Trường Kỳ định mở rộng nhạc Pháp, thậm chí viết thư cho danh ca Dalida xin mở một hộp đêm trình diễn lấy tên của bà tại Sài Gòn.

Trong hồi ký của mình, Trường Kỳ kể rằng “Vào năm 58, người nữ ca sĩ sinh trưởng ở Ai Cập này (Dalida) sang Sài Gòn trình diễn ở Hotel Caravelle. Biết được tin này, tôi đã mạnh dạn viết thư qua Club Dalida ở Paris xin được mở một Club Dalida tại Sài Gòn. Không gì vui mừng hơn khi nhận được thư trả lời (dĩ nhiên do thư ký riêng của Dalida đánh máy) kèm theo một tấm hình của Dalida ký tặng với hàng chữ viết tay ở cuối “Dalidamicalemenr Voire”. Theo thư viết, Club Dalida đồng ý để tôi mở một chi nhánh ở Việt Nam. Lúc đó mới phát rét, chả biết cách tổ chức ra làm sao nên phe lờ luôn”.

Trường Kỳ ghi nhận rằng vào thời đó, các quốc gia chung quanh đã nhập rất nhanh dòng nhạc Huê Kỳ, trong khi Việt Nam vẫn còn mê đắm nhạc Pháp. Chính vì vậy mà nhạc Mỹ với các ấn bản vào được Việt Nam rất hiếm hoi, nhưng cơ duyên đến với Trường Kỳ khi ông có nhiều nguồn đến với mình, mở đầu cho ý tưởng chuyển ngữ nhạc ngoại lời Việt.

“Những năm 61, 62 tìm được lời ca của những bài hát Pháp hay Mỹ không phải là một việc dễ dàng. Nhạc Pháp tương đối dễ hơn, vì theo học chương trình Pháp nên chúng tôi có thể chép lời từ đĩa hát ra không mấy khó khăn. Tạp chí “Salut Les  Copains” lúc đó vẫn  chưa xuất hiện và phong trào “ yéyés” chưa có chỗ đứng, ngay trong giới trẻ tại Pháp.

Nguồn cung cấp nhạc Mỹ là những quyển sách nhạc khổ nhỏ in ở Hong Kong có tên “Hit Parade” và “O,K&.Hit Songs”. Có được những quyển sách nhạc này cũng phải trần ai, vì số bán ở Việt Nam rất hạn chế, phải nhanh tay nhanh chân lắm mới chớp được một quyển. Mỗi quyển sách như vậy có đến cả trăm bài hát thịnh hành với cả nhạc và lời, in chữ nhỏ li ti như kiến, được chụp lại từ những sách nhạc khổ lớn của Mỹ.

Nhờ tính thích sưu tầm, tôi có gần như đủ bộ những sách nhạc này, do đó được các bạn chiếu cố kịch liệt. Ngoài ra còn được một anh bạn quen lớn tuổi tên Nguyễn Phụng Hòa (hiện ở Baltimore, Maryland) làm việc tại Thái Lan thường xuyên gửi cho những sách nhạc có in lời các bài hát Mỹ của Thái, thêm vào đó còn được sự tăng cường của một cô bạn tên Kim ở Vientianne (Lào) thỉnh thoảng gửi cho một số sách nhạc nên bộ sưu tầm của tôi trở thành phong phú. Trong những năm đầu của thập niên 60. Phải công nhận là phong trào thích nhạc Mỹ nơi giới trẻ tại Hong Kong, Thái Lan và ngay cả Lào đã phát triển nhiều hơn ở Việt Nam, khi đó – vì bị ảnh hưởng nặng của nền văn hóa Pháp – còn đang say sưa với tiếng hát của Charles Aznavour, Yves Montand, Juliette Greco, và nhất là Dalida”, Trường Kỳ viết.

Từ đó, phong trào nhạc ngoại lời Việt bùng phát. Có rất nhiều bài hát được chuyển ngữ và trở thành quen thuộc đến mức người Việt đôi khi cứ tưởng là những bài hát Việt Nam, chẳng hạn như bài Tình yêu trong đời (Sealed With A Kiss), Yêu nhau đi (Besame Mucho)… Sau này, với sự tham gia hùng hậu của các nhạc sĩ khác, mà ông ghi lại trong phần “Việt hóa Nhạc trẻ” (trang 362) là “Các ông Nam Lộc, Vũ Xuân Hùng, Nguyễn Duy Biên, Kỳ Phát, Tuấn Dũng, Tiến Chỉnh, Quốc Trí, v.v. lui tới thường xuyên để viết lời Việt, nhiều khi còn “xí phần” một bài ngoại quốc nổi tiếng nào đó để chuyển thành lời Việt Nam. Trong khi đó, nhạc sĩ Phạm Duy cũng rất hưởng ứng phong trào Việt Hóa nhạc trẻ này để tung ra những nhạc phẩm nổi tiếng như Khi Xưa Ta Bé (Bang Bang), Tình Cho Không Biếu Không (L’Amour c’es Pour Rien), Hỡi Người Tình Lara (Dr. Zhivago), Chuyện Tình (Love Story), Người Yêu Nếu Ra Đi (If You Go Away), Cuộc Tình Tàn (Je Sais), Himalaya, Ngày Tân Hôn (The Wedding) v.v…

Chỉ trong một thời gian ngắn, âm nhạc thịnh hành của thế giới, chủ yếu là nhạc Mỹ, đã xuất hiện trên các sân khấu và băng đĩa Việt Nam, tạo niềm cảm hứng cho phong trào người Việt sáng tác nhạc Việt tân thời ra đời.

Thursday, March 24, 2022

Bắt bà Phương Hằng bằng điều 331, là phổ thông hóa điều luật mơ hồ

Việt Nam trong ngày 24 Tháng Ba, xôn xao chuyện nhân vật Nguyễn Phương Hằng bị cơ quan an ninh bắt giữ về điều 331. Vốn là một người luôn gây rối loạn dư luận về những lời thị phi, nhưng thu hút được đám đông theo dõi kỷ lục, đã có nhiều lời đồn đoán rằng bà Hằng là một nhân vật “không thể chạm đến” trong xã hội hôm nay. Thậm chí, có người còn coi là bà Hằng đang được hệ thống quyền lực kiểm soát xã hội ở Việt Nam lợi dụng để trấn áp các giới nghệ sĩ nhà nước đang giàu có bất thường hoặc hủy diệt những ai khó xử – mà sự kiện Thiền Am, hay còn gọi là Tịnh Thất Bồng Lai là một nạn nhân.

Trên hình ảnh của báo chí Nhà nước, gương mặt của bà Hằng lộ vẻ mệt mỏi và thất thần khi bị đọc lệnh tạm giam. Nhiều người theo dõi sự kiện nói, bà Hằng tạo được lằn ranh tốt khi ca ngợi ông Nguyễn Phú Trọng, chửi bới bọn phản động trong và ngoài nước, nhưng sự cao hứng và thiếu chuyên nghiệp trong việc tận dụng lợi thế, đã đẩy đến chuyện bà gọi tên ông Phan Văn Mãi, chủ tịch thành phố Sài Gòn trong một livestream đầy kích động trước đó.

Bà Hằng không phải là người đủ hiểu biết – những gì thể hiện của bà cho thấy bà hoàn toàn ngây thơ về luật pháp và quyền. Đã có lúc bà tuyên bố mình không thể bị bất kỳ án tù nào ở Việt Nam do có quốc tịch nước ngoài, và còn thách thức chính quyền Việt Nam trục xuất ra khỏi đất nước. Cũng giống như những người bất bình chuyện cá nhân vẫn lên facebook hay youtube để la hét, trong một xã hội bình thường, có thể bà Hằng chỉ bị phạt hành chính và cấm dùng các phương tiện mạng xã hội trong một thời gian, nhưng vấn đề ở chỗ, bà Hằng đã hết tác dụng trong việc thông qua bà, để thao túng dư luận và hành động theo các kế hoạch riêng của chính quyền, như ăn đe giới nghệ sĩ đang có trò bất minh, ảo tường quyền lực công chúng và tấn công cả một nơi tu hành không chịu về dưới trướng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam – một chi phái đang được nhà nước dùng làm cây gậy để thống nhất các hệ tín ngưỡng theo khuynh hướng Phật gia.

Nhiều nơi trên mạng xã hội, gọi chuyện bà Hằng bị bắt, là vào thế của con cờ đã nhẵn mặt, bị mài mòn và cần được giải quyết một cách có ích vào lần cuối.

Nhà cầm quyền chọn điều 331 để bắt bà Nguyễn Phương Hằng, tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ theo điều 311, và có thể đối mặt với mức án từ 2 đến 7 năm tù”, là một án lệ mà ai cũng rõ là được Bộ Công An viết ra để ruồng bắt và khủng bố một xã hội đang sống với quyền tự do ngôn luận của mình. Nói trắng ra, từ khi ra đời đến nay, điều 331 cũng như 117, chỉ nhắm đến những ai bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền, phản biện các chính sách hay trình bày ôn hòa các cốt lõi, chứng cứ sai lầm của hệ thống Việt Nam. Sự mơ hồ của điều luật này đã từng bị Liên Hợp Quốc chất vấn, đòi Hà Nội phải giải thích rõ ý nghĩa và mục đích của nó.

Mọi kịch bản đều có cùng một hướng. Khởi đầu gây dư luận thù ghét lan rộng về một đối tượng, sau đó bắt giữ hay điều tra, khiến đám đông quan sát thỏa mãn và ca ngợi. Điều đó đã diễn ra với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam. Với những người trong Tịnh thất Bồng Lai cũng vậy. “Mượn gió làm sạch”, phương thức quen thuộc vào Mao Trạch Đông hướng dẫn Hồng Vệ Binh trong thời kỳ cách mạng văn hóa, là tạo sự căm ghét dẫn đến trừng phạt công khai để lấy được sự hưởng ứng tuyệt đối từ đám đông cạn nghĩ và tạo uy tín cho người nắm quyền. Phương thức này, trong thời kỳ mới của Trung Quốc được cải cách thành gieo rắc tư duy chính nghĩa cực đoan cá nhân, nhất định kẻ xấu phải bị trừng trị ngay và luôn. Những Hồng Vệ Binh năm xưa, hôm nay đang hóa hồn vào những đám đông ngây tin vào các tuyên bố của chính quyền, và rầm rập đòi một cái kết “chính nghĩa”.

Bà Hằng bị bắt, nói trắng ra, là cái kết từ hành động của một người thiếu văn hóa, thừa tiền và thích đám đông tung hô. Nhưng bị bắt với điều 331. về ý nghĩa “lợi dụng quyền tự do dân chủ” của việc khởi tố, nghe chừng không hợp lý vì đó chỉ là trò nông nổi dân sự. Việc áp dụng tội danh này, là một cách sỉ nhục ý nghĩa tự do dân chủ trong đời sống Việt Nam, khu hẹp các giá trị cao cả vào một hành động tầm thường và chính thức phổ cập bắt bớ từ điều luật mơ hồ, phi nhân như điều 331.

Có nhiều người vui mừng khi thấy bà Hằng bị trừng trị – nhưng lại không thấy được chuyện một bà bán hàng rong vì cãi nhau với nhân viên trật tự và bị khép án chống chế độ – mà trong khi người bán hàng đó chỉ biết nói cho thỏa và không biết cách chống một chế độ là như thế nào.

Tương tự như vậy, gương mặt thất thần và mệt mỏi của bà Hằng trên báo chí nhà nước, có lẽ cũng phản ánh tâm trạng của bà khi bàng hoàng, không biết mình đã lợi dụng gì của khái niệm tự do và dân chủ. Trong những gì thuộc về hoạt động dân sự của bà Hằng, có người đặt câu hỏi, vì sao không ngừng ở mức phạt về tội “xúc phạm danh dự, nhân phẩm” người khác, ở Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP? Hay vì bà Hằng nhắc tên ông Mãi, và phạm húy nên phải xử bằng điều 331? Hay phải là điều 331, vì nó cho việc hợp pháp lục soát tư gia, mang đi nhiều thứ làm “chứng cứ” khác?

Và những người đang thích thú ủng hộ, cũng không hình dung rằng một khi 331 được phổ thông hóa trong đời thường, vòng rào của đời sống đang âm thầm thít chặt. Và chính họ, cũng sẽ là một nạn nhân trong tương lai.

Saturday, March 19, 2022

Di sản VNCH đã gìn giữ một nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ ra sao?


Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ mất vào ngày 16 Tháng Một, năm 2009, mọi thứ trong đời ông như cũng lặng lẽ tàn dần kể từ sau năm 1975. Có vẻ nằm ngoài suy nghĩ của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, cũng như rất nhiều người yêu âm nhạc – vốn vẫn quan sát cuộc đời và sự nghiệp của ông, cứ tưởng rằng sau khi miền Nam bị sụp đổ, chế độ mà nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ âm thầm phục vụ đã thắng thế và thuận lợi – nhưng dường như ông lại không nhận được sự đối xử xứng đáng từ các đồng chí của mình.


Cuộc đời của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ là một trong những câu chuyện đầy trớ trêu của lịch sử âm nhạc Việt Nam. Là một người nằm vùng trong lòng chế độ Việt Nam Cộng Hòa, nhưng ông lại trở nên vô cùng nổi tiếng nhờ vào xã hội tự do sáng tác, và tinh thần đón nhận âm nhạc vô cùng cởi mở của người miền Nam Việt Nam. Suốt trong những năm dài mà nền văn hoá nghệ thuật của VNCH bị từ chối, bị kiểm duyệt, có lẽ nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ là người cảm nhận rõ nhất sự cay đắng, khi nghe các trung tâm âm nhạc hải ngoại ở Pháp, Mỹ… vẫn trình bày các ca khúc của mình. Ở các ngôi nhà cửa khép kín, trong lòng hẻm nhỏ Sài Gòn hay bất cứ đâu Việt Nam, người ta vẫn mở những bài hát làm nên tên tuổi của ông Những ngày xưa thân ái, Hoa vẫn nở trên đường quê hương, Trăng tàn trên hè phố… Ngược lại, những bài hát mới viết sau 1975, chỉ là hương hoa đóng góp cho thời thế, và hôm nay còn mấy ai nhớ và hát?


Lịch sử âm nhạc Việt Nam, bị cuốn vào giai đoạn chiến tranh quốc gia – cộng sản hơn 20 năm, kéo theo những mảnh đời và những điều trái ngang. Chẳng hạn, như ông Lưu Hữu Phước, người ký quyết định đưa tất cả những văn nghệ sĩ của Việt Nam tù cải tạo sau Tháng Tư 1975, đã ngẫm nghĩ gì về chế độ thù địch với ông lại không ngần ngại dùng ca khúc của ông làm Quốc ca? Và nếu đoạn đời về sau, với những phút cuối nói thật, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nếu không cho biết rằng ông luôn đau đáu về bài Dư Âm – ca khúc mà ông bị đấu tố là “tình cảm tiểu tư sản”, nên phải viết kiểm điểm và thề từ bỏ để được sống còn, ai biết được trong trái tim những người nghệ sĩ ấy mang nỗi niềm gì?


Tiểu sử của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ ghi là ông sinh tại Đập Đá, An Nhơn, Bình Định, là con thứ 11 của gia đình trung lưu. Ông có hai người anh là nhà văn Phạm Văn Ký và nhà văn Phạm Hổ. Từ năm 1947 đến năm 1949, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ học và hoạt động văn nghệ trong trường Thiếu sinh quân ở Liên khu 5. Lúc nhỏ, ông có năng khiếu vượt trội về sáo. Tuy nhiên, đam mê của ông không được cha ủng hộ vì cho rằng chơi sáo dễ mắc bệnh lao, cha ông khuyên ông chơi guitar.


Đầu thập niên 1950, ông làm công tác tuyên huấn và làm phóng viên cho báo Quân đội Nhân dân. Sáng tác đầu tay của ông ra đời trong thời gian này là bài Nắng lên xóm nghèo.


Sau hiệp định Geneve, Phạm Thế Mỹ được tổ chức cách mạng bố trí ở lại miền Nam. Năm 1959, ông học trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Từ năm 1959 đến năm 1970, ông dạy Việt văn và âm nhạc tại các trường trung học tư thục Bồ Đề, Tây Hồ, Sao Mai, Bán Công, Nguyễn Công Trứ, Tân Thanh,… tại Đà Nẵng. Khoảng năm 1965–1966, ông bị bắt khi trà trộn vào các phong trào phản kháng của Phật giáo Miền Nam để chống chế độ VNCH.


Lịch sử không thể thay đổi việc ông Phạm Thế Mỹ là một người của miền Bắc Việt Nam cài vào miền Nam, nhưng lịch sử cũng không thể phủ nhận ông là một nhạc sĩ tài hoa. Đã có nhiều người dành thời gian để phân tích từng câu từng chữ trong những bài hát trước năm 1975  của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ và chỉ ra việc ẩn giấu những tình cảm dành cho bộ đội Bắc Việt cũng như là nhằm chống phá chế độ Việt Nam Cộng Hòa, Thế nhưng sự nghiệp của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ phải nói là vô cùng rực rỡ trong lòng chế độ mà ông ta luôn tìm cách chống lại nó. Quả là mỉa mai. Vì bởi chính nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ không thể ngờ được chính vì những bài hát tưởng như tình ca mùi phản chiến đó đã chặn đứng sự nghiệp của ông sau năm 1975. Tài năng của ông có vẻ là không được công nhận đủ và đúng khi chỉ được sắp xếp là một nhân viên văn hoá thông tin của quận 4, Sài Gòn, và rồi qua đời trong hoàn cảnh khó khăn và lặng lẽ.


Đó có phải là số phận chung của người từng góp sức với “cách mạng” nhưng rồi bị nghi ngờ, không được trọng dụng? Chẳng hạn như nhân vật phi công Nguyễn Thành Trung nổi tiếng từng trở mặt ném bom vào Dinh Độc Lập vào ngày cuối của chế độ, hay nhà thơ Trần Vàng Sao bị theo dõi, ngăn chặn mọi thứ cho đến khi chết. Mặc dù nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ ra sức sáng tác và đóng góp nhiều cho chế độ mới, nhưng ông không được cấp trên đáp lại như với Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Diệp Minh Tuyền…, dù tài năng của ông thì rõ là vượt lên trên rất nhiều.

 

Nhà văn Nguyễn Đình Bổn có kể lại rằng vào năm 1994, khi ông ra Bắc có việc và được nhà thơ Phạm Hổ nhờ chuyển quà cho em mình là ông Phạm Thế Mỹ ở trong miền Nam. Khi đi cùng nhà thơ Trần Tiến Dũng đến trao quà, ông Phạm Thế Mỹ khi biết nhà văn Nguyễn Đình Bổn đang làm trong nhà xuất bản Mỹ thuật, nhạc sĩ  Phạm Thế Mỹ mang ra một tập dày có đến cả trăm bài hát ca ngợi bác và đảng, than phiền rằng ông muốn in nhưng không có ai giúp. Chi tiết này gợi lên câu hỏi rằng: Chẳng lẽ với vị trí của một người như ông Mỹ, và hoàn toàn dành tâm sức để vận động cho chế độ mới, nhưng vẫn không thể tìm được nơi yểm trợ để làm điều “phục vụ” này, thì thực sự cuộc sống của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sau năm 1975 đã cô quạnh đến thế nào?


Lúc còn là phóng viên của báo Tuổi Trẻ, vào ngày nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ qua đời, ban biên tập nhờ tôi gọi tìm một ai đó cùng thời để viết tin buồn và tâm tình. Kỳ lạ nhất là lúc đó tôi gọi khắp nơi nhưng hầu như ai cũng từ chối. Cuối cùng, tôi còn nhớ báo Tuổi Trẻ phải nhờ cậy đến một bài viết cũ, của một người không liên quan là nhạc sĩ Từ Huy như vài trăm chữ chia buồn về sự ra đi của ông. Lúc đó, tôi chạnh lòng nghĩ về sự cô đơn của ông, mặc dù nhà nước có làm lễ tang trọng thể, nhưng đó cũng chỉ là hình thức rổn rảng trong sự hiu quạnh của đời ông.


Tôi có đọc nhiều những bài viết tức giận và phê phán thái độ nằm vùng của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ. Và tôi cũng đọc được những bài viết tiếc nuối cho một tài năng nhưng không đứng về phía chế độ Việt Nam Cộng Hòa, dù đó là miền đất đã tạo thành cái tên nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, và nuôi dưỡng trong sự yêu mến của không ít người yêu âm nhạc miền Nam. Nhưng biết sao được, đó là cuộc đời, là định mệnh và là lịch sử của đất nước Việt Nam. Lịch sử đã cho chúng ta chứng kiến những văn nghệ sĩ bất khuất đến phải ứa nước mắt vì kính trọng, nhưng chúng ta cũng có những người nghệ sĩ chấp nhận thay đổi cuộc đời của mình, chỉ vì để được sống còn, hoặc họ chọn hay nhầm một lý tưởng, mà không thể quay lại.


Những ai đã từng tiếp xúc với nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ cũng nhận ra rằng ông là một người hiền lành, và rốt cuộc chỉ mong muốn được sống với nghề của mình mà thôi.


Nhà nghiên cứu nhạc Việt người Mỹ Jason Gibbs từng viết trong bút ký khi tìm hiểu âm nhạc Việt Nam ở Sài Gòn, rằng: “Vợ chồng tôi được gặp và nói chuyện với Phạm Thế Mỹ năm 2001 ở nhà riêng của ông ở Quận Tư Sài Gòn. Ông vui tính, cởi mở, hiền và kể nhiều chuyện hay. Thời chιến tranh Việt Mỹ ông là một người cộng sản nằm vùng. Đất Việt thống nhất ông được tham gia mọi hoạt động âm nhạc ở một miền Nam giải phóng, nhưng thực ra ông không ưa chính sách văn hóa lúc bấy giờ”.


Có lẽ phần tính tình hiền lành và chân thành ấy, khiến cho những màu sắc và giai điệu trong các bài hát về quê hương của Phạm Thế Mỹ luôn làm người nghe nhanh chóng có sự đồng cảm và thương mến.


Khi được báo Sài Gòn Giải Phóng (số ra ngày 28/10/2001) phỏng vấn về những bài hát sáng tác thời “Mỹ-Nguỵ”, Phạm Thế Mỹ  đã nói cho qua rằng “Tôi thật sự không thích nói về những gì mình đã có, tất cả những sáng tác của tôi chỉ được bộc phát bằng sự say mê của chính mình”.


Có thể đó là kết luận quan trọng mà nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ muốn để lại cho những thế hệ sau tìm hiểu về ông. Số lượng những bài hát về nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ được công bố trên truyền hình cũng như hệ thống truyền thông của chế độ mới sau năm 75 rất nhiều, nhưng mọi thứ mang tính “phục vụ” ấy trôi dần vào quên lãng. Ngay cả trên wikipedia, các liệt kê đánh dấu sự thăng hoa sáng tạo của đời ông cũng nằm trong thời kỳ sáng tác tự do không kiểm duyệt của Việt Nam Cộng Hòa. Điều trái ngang là ở đó. Di sản vàng son của nền văn hóa Việt Nam Cộng Hòa lại chính là nơi gìn giữ những điều đẹp nhất của một người nhạc sĩ Bắc Việt – Phạm Thế Mỹ.

Tuesday, March 1, 2022

Kỷ niệm 90 năm, ngày sinh của danh tài Hữu Phước (1932-2022)


Nói đến Hữu Phước, ai cũng phải nhìn nhận một trong những giọng ca làm nên sự rực rỡ của sân khấu cải lương miền Nam Việt Nam. Nhưng tiếc thay, sau năm 1975, tên tuổi của ông gần như không được nhắc tới nhiều ở trong nước, bởi ông là một trong những người chọn ra đi khỏi đất nước vào năm 1975, vì thấy tính cách nghệ sĩ và cuộc đời của mình không thể gọi là "sống” trong chế độ mới.

Nghệ sĩ Hữu Phước ra đi ở tuổi 65 (21-2-1997), cũng không gọi là quá trẻ nhưng lại còn quá sớm với những ước mơ mà ông ôm ấp bên ngoài quê hương. Chứng kiến vô số đồng nghiệp trở thành lưu dân ở bên ngoài quê hương của mình, năm 1986, ông từng ước mơ xây dựng một sân khấu của những nghệ sĩ cải lương tự do tại Pháp. Thế nhưng khó khăn của những cuộc đời tìm thấy tự do nhưng không giữ nổi nghề là một câu chuyện dài, không chỉ riêng ở một nơi chốn nào.

Cuộc đời của nghệ sĩ Hữu Phước vào đời nhọc nhằn lắm. Ở tuổi thiếu niên, ông đã phải làm nhiều việc để phục giúp gia đình, tự nuôi mình, chứ không rảnh rang nối nghiệp truyền từ song thân. Thân phụ mà ngài Trần Quang Cảnh, dù có công việc là Chánh lục sự Tòa của người Pháp tại Nam Kỳ, nhưng lại là một thầy đờn có tiếng. Dân trong vùng hay gọi tắt là ông Trưởng Tòa. Mẫu thân của ông là bà Tám Kiều, cũng là một nữ nghệ sĩ có tiếng trong gánh hát của Thầy Thuốc Minh tại Sóc Trăng.

Nói thêm một chút là vào thời 1945-1955 ở miền Nam, Có rất nhiều gánh hát mang tên người chủ tài trợ của mình. Người chủ có nghề gì thì mang tên gánh hát vậy, để quảng cáo cho công việc. Còn ngoài ra, các gánh của Ông Bảy Cần Thơ, Cậu Hai Long Xuyên… là do lấy tên những nhà giàu nuôi nghệ sĩ đi hát, còn rảnh rỗi thì phục vụ tại gia. Do đó, Thầy thuốc Minh cũng là một gánh hát có tên tuổi trong vùng Sóc Trăng.

Nhưng lúc nghệ sĩ Hữu Phước ra đời, gia cảnh cũng khó khăn. Năm 1945, Nhật đảo chánh Pháp khiến đời sống đảo lộn. Hữu Phước cũng lưu lạc tứ xứ, chạy lên tới Sài Gòn. Vào đến Đại Thế Giới, sòng bạc lớn nhất Đông Dương thời đó do tướng quân Bảy Viễn bảo kê, chú nhỏ Hữu Phước lúc ấy chạy bàn cho quán Họa My của cô Năm Cần Thơ. Thời đó, mấy đứa nhỏ sống bằng nghề đó, được người Hoa gọi là “phổ ky”.

Soạn giải Nguyễn Phương cũng nhắc rằng Hữu Phước khởi nghiệp cầm ca từ năm 1954, được ông Trần Hữu Lương, tức nhạc sĩ Mười Lương, chồng của nữ danh ca Năm Cần Thơ dạy ca và đặt nghệ danh Hữu Phước thay cho tên Henry Trần Quang trong giấy tờ.

Nhưng khoảng thời gian đáng nhớ nhất chính là lúc đó. Về sau báo Điện Tín ở Sài Gòn kể lại, nghe mới thú vị biết bao: Thời chú nhỏ phổ ky Quận 5 được phát hiện bởi một tướng quân nổi tiếng, trở thành giai thoại không thể nào quên của lịch sử cải lương Việt Nam.

Tướng Bảy Viễn, người được ai nấy vừa kính vừa sợ trong giai đoạn đó. Người lớn kể lại, tướng quân Bảy Viễn oai vệ lắm. Ông có khuôn mặt chữ điền và đôi mày rậm Với ánh nhìn quyết đoán, khiến ít ai dám nhìn thẳng vào mắt ông khi trò chuyện. Nhưng tướng Bảy Viễn lại là khách thân quen của quán Hoạ My, trưa nào sau giờ cơm, ông cũng ghé đó để làm vài chai con cọp cùng với hai người cận vệ của mình.

Nhầm bữa phổ ky Hữu Phước lại phục vụ. Thấy trên nhà gọi bưng mấy món đồ nhắm ra bàn, chú nhỏ Hữu Phước khoác trên vai cái khăn lau, vừa bưng ra, vừa hát một câu trong bài Tôn Tẩn Giả Điên, theo tuồng được ghi âm lại của hãng dĩa Asia. Đây cũng là câu hát mùi có một không hai của danh tài đương thời Út Trà Ôn. Đang ngon trớn, thấy khách là tướng Bảy Viễn, chú nhỏ hoảng kinh im ngang, đặt dĩa mồi lên bài rồi quay vô. Ai ngờ, tướng Bảy Viễn gọi lại “ê, sao nửa chừng ngưng mậy? hát thử tiếp nghe coi”. Không dám cãi, Hữu Phước đứng lại, hát một hơi rồi nhìn tướng Bảy Viễn coi bị rầy hay không. Ai ngờ, ông Viễn tấm tắc giọng hát của chú nhỏ Phổ Ky, còn nhận xét một câu để đời “Nghe đâu có thua gì Út Trà Ôn đâu?”.

Được nước, ông tướng hỏi tới coi thằng nhỏ này đâu ra, có nghề sân khấu chưa… nghệ sĩ Hữu Phước cũng nhân lúc đó mà kể nỗi niềm của mình. Thật ra, lên Sài Gòn chờ cơ hội, Hữu Phước đã thử xin đến vào gánh học nghề, phụ việc để lân la đến chuyện ca hát. Nhưng đâu phải ai cũng tin. Đến đi xin kéo màn cho gánh Thanh Minh của ông Năm Nghĩa, mà còn bị chê là nhìn ốm yếu quá, không thích hợp.

Bảy Viễn một phần yêu mến, một phần cũng muốn giới thiệu uy quyền của mình, nên đích thân chở Hữu Phước trên chiếc xe Jeep của mình, đến hãng dĩa Hoành Sơn của ông Ba Bản (tức ông Phan Văn Bản, bầu gánh Thủ Đô) nằm ở bến Chương Dương để giới thiệu. Do nể tướng quân, nên chủ hãng nhận Hữu Phước vào, nhưng giao cho công việc là giữa chìa khóa đóng mở cửa cửa hãng mà thôi. Một thời gian sau do thiếu những giọng ca phụ nên Hữu Phước được gọi vào để hát thử, ai dè tiếng hát cất lên thì mọi người đều trợn mắt bất ngờ. Dân trong nghề nói thời đó, Hữu Phước có lối xuống xề rất độc đáo, ở câu 5 và câu 6 khiến ai nấy cũng nhớ hoài, do đó trở thành nổi tiếng luôn.

Năm 1957, bài Vọng Cổ mà Hữu Phước thu vào hãng dĩa Asia, phát thanh trên Đài Pháp Á năm 1957 coi như bán chạy nhất nước, già trẻ đều say mê, đặc biệt là bản Nắm Xương Tàn của Quy Sắc-Thái Thụy Phong.

Trời cũng đã đãi người tài. Chỉ qua hai lần thu đĩa là tên của nghệ sĩ Hữu Phước bắt đầu vang dội khắp Sài Gòn. Ngay khi đó, ông Ba Bản mới biết mình đang nắm một mỏ vàng từ tiếng hát của Hữu Phước. Dĩa hát nào, dân chúng cũng tìm coi có cái tên Hữu Phước hay không. Lúc đó cũng có tin là hãng dĩa Việt Nam của bà Sáu Liên tìm cách gặp riêng Hữu Phước để độc quyền giọng ca này với một mức giá rất cao. Thời đã tới rồi. Hữu Phước thấy vậy bèn cũng nói thiệt với ông chủ hãng Hoành Sơn và xin rằng mình cũng muốn được đối đãi trọng thị. Đó là lý do, ngoài Út Trà Ôn, Hữu Phước là nghệ sĩ cải lương thứ hai ở Sài Gòn được mua cho chiếc xe hơi để đi hát. Ông Ba Bản nói là vừa đúng lúc có một ông chủ hãng người Pháp muốn bán chiếc Peugoet 203 mui trần màu trắng, nên ông mua cho Hữu Phước luôn.

Đời của nhạc sĩ Hữu Phước từ đó, chỉ có rực sáng hơn mà thôi, đỉnh cao là năm 1965, với giải Thanh Tâm cao quý của thời đệ nhị Cộng Hòa Việt Nam. Giá cát-sê thu dĩa của ông vọt lên cao nhất, thậm chí đoàn Thanh Minh ký contract với Hữu Phước suốt năm, thời gian đó có giá tương đương đến 200.000 Mỹ kim.

Như đã biết, sau 1975, cũng nhiều nghệ sĩ khác, Hữu Phước rời khỏi Việt Nam. Mang tâm trạng u uất của một tài năng không còn đất dụng võ, nhưng ông vẫn không quay lại sân khấu phục vụ tuyên truyền của chính quyền mới. Trong bài “Nhựt ký đời tôi” do ông tự soạn và hát để diễn tả nỗi niềm của mình “Có những lúc mơ màng trong giấc ngủ. Tôi cứ ngỡ mình đang sống giữa quê hương. Chợt nhớ ra mình là kẻ tha phương. Giữa đêm lạnh ngập ngừng bông tuyết trắng. Ôi ! Nhớ giọng ca trầm ấm của nghệ sĩ Tám Thưa, nhớ tiếng cười vui của lão độc Hoàng Giang và giọng ca nức nở bi thương của Út Bạch Lan sầu nữ, những người anh người chị thân yêu đã dìu dắt từng bước tôi đi trên bước đường sân khấu, suốt bao năm biết mấy…”

Nhân 90 năm ngày sinh của một danh tài cải lương, rực sáng và mai một theo vận mệnh của đất nước tự do, vốn không thể tìm lại trong tương lai. Nhất là vào khi cải lương đang úa tàn ở ngay tại quê nhà được gọi là rất đỗi phồn vinh. Một giọng hát huyền thoại mà khi nhắc đến, học giả Vương Hồng Sển đã từng nói rất đỗi ngậm ngùi: “Mấy mươi năm trước chưa ai ca vọng cổ hay hơn Hữu Phước, e rằng mấy mươi năm sau cũng chẳng có ai”.