Tuesday, October 5, 2021

Phạm Duy giữa chúng ta

Phạm Duy vẫn ở đâu đó trong cuộc đời này, không chỉ 100 năm này, mà có lẽ còn nhiều trăm năm nữa trong những trái tim thuần khiết yêu nước Việt, đi cùng những giai điệu gần gũi và khoan nhặt của ông.

Nghe nhạc Phạm Duy, đôi lúc tôi nhận ra như nhu cầu của một người Việt. Nó thôi thúc và cồn cào. Thậm chí khi im lặng nghe mà cứ tưởng như mình đang cất tiếng, bởi lời ca đã âm vọng không biết bao điều. Và tôi cũng đã chứng kiến điều như vậy. 

Có lần linh mục Đặng San ở Sài Gòn trở bệnh nặng. Ông nằm lặng lẽ trong phòng mình nhiều giờ rồi lặng lẽ nhắn cho một cô bạn của tôi “có thể đến hát cho Cha nghe một bài Phạm Duy không?”. Bác sĩ không cho ông hút thuốc nữa, cũng không cho xem điện thoại nữa. Sự tĩnh lặng và chăm sóc chu đáo thể xác, vẫn không đủ cho phần hồn. Ông nằm nhìn lên trần nhà. Im lặng. Thở mệt nhọc.

Tôi đến cùng cô bạn của mình, mang theo cây guitar. Cha ngồi dậy, vui như trẻ nhỏ. Ông đòi nghe hát ngay. Đàn so dây và bài hát Tôi đang mơ giấc mộng dài vang lên. Những bài hát của Phạm Duy có ma lực lạ lùng, như nhấn sâu người nghe vào một hồ chứa tâm trạng mênh mông, vẫy vùng tâm hoặc. Hình ảnh của bài hát như bao bọc không gian của mọi người chung quanh. Lần đầu tiên tôi thấy một cụ già tóc bạc, yếu ớt trên xe lăn khi nghe được đôi câu, đã ôm mặt khóc nức nở. Ông khóc như gặp lại người thân, và cố ôm mặt vì sợ tiếng khóc sẽ ngăn mọi người ngừng trình bày bài hát đó.

Chắc cũng nên nói một chút về linh mục Đặng San, để biết ông không phải là một người dễ bị chinh phục bởi mọi loại văn nghệ. Khởi đầu ông chọn tự mình trở thành tu sĩ Phật Giáo khổ hạnh, bỏ lên núi sống một mình với kinh kệ. Rồi một ngày mưa gió, ông ngã lăn bất tỉnh và được người ta đưa về một nhà dòng Công Giáo gần đó cứu giúp. Sau một thời gian ông được ơn gọi và trở thành linh mục. Những kiến thức uyên bác của cả hai hệ tín ngưỡng đầy ắp trong người, nên khi ông giảng hay viết đều song hành các dẫn chứng của cả hai tôn giáo.

Ấy vậy mà, con người chứa trong mình sâu thẳm những triết giáo khôn ngoan hàng ngàn năm đó, lại bật khóc, và nói “cần gì tìm cao xa nữa, bài hát này cất tiếng, nó đã đẹp như một thánh lễ rồi”. Trong phút giây ấy, tôi chợt nhận ra rằng nếu chúng ta yêu dân tộc này, yêu những khổ đau và nghịch cảnh của quê hương này đã và đang chịu, thì nghe nhạc Phạm Duy mà bật khóc cũng không phải là điều quá lạ lùng.

Có một thời gian dài, tôi cứ ám ảnh về bài Bên cầu biên giới của nhạc sĩ Phạm Duy. Những gì day dứt tự hỏi lòng, ông đều trải ra đủ trên từng nốt nhạc, từng nhịp chất vấn dồn dập của đời người và thời thế. Đời hỏi ông muốn được vinh danh như một kẻ làm chính trị không? Ông đã trả lời bằng cách bước xuống tàu, đi theo con đường của một nghệ sĩ, bất chấp phận mình có thể nổi trôi theo vận nước. Nhiều thập niên sau, ông nhắc lại điều này với tôi trong một lần được hỏi “Tôi thấy mình hạnh phúc là một người hát rong, một người hát rong hạnh phúc”.

Hành trình của những người hát rong trong lịch sử nhân loại, có kẻ mua vui cho bạo chúa, có kẻ sống và chấp nhận rơi đầu để giữ vẹn lời ca về sự thật. Phạm Duy đã làm trọn phần hát rong cao quý của mình, ông hát cho con người và không đem tài năng của mình để phục vụ bạo quyền hay dối trá.

Dòng chảy đau đớn của dân tộc Việt Nam đi đến đâu, vẫn thấy có ông nơi đó kể lại, hát lại. Từ cuộc chia ly 1954 cho đến những ngày dựng đời cùng Bình Ca. Rồi cả khi một lần nữa rời khỏi quê nhà 1975, ông vẫn không dừng ghi lại ký ức với Tỵ nạn ca, Ngục Ca… Và đến cả những tiên đề của đất nước trong Rong Ca về thế kỷ mới.

Năm 2002, ông gửi về tặng tôi quyển Chân Dung Nghệ Sĩ của Trường Kỳ, trong đó có bài về ông. Viết trong thư tay, ông dặn “Không phải cái gì viết trong đây về tôi cũng đúng. Nhưng không đúng cũng là một kỷ niệm. Đời người rồi cái gì cũng thành kỷ niệm”. Đọc đến đó, tôi mỉm cười. Ông lại chơi chữ với tôi rồi, như để nói về chính cuộc đời của ông. Tôi hình dung cái cách rất “Phạm Duy” của ông, cười nhếch mép, nheo mắt, gật gù. Cái cách y như lúc ông về Việt Nam và nói với tôi “Anh có cái kiểu hỏi han khó chơi lắm. Nhưng được đấy!”.

Trước lúc ông mất, tôi có ghé nhà ở quận 11, Sài Gòn, thăm ông. Lúc đó, ông gần như đã cạo trọc, yếu ớt và ngồi trên xe lăn. Thấy tôi cất lời chào, ông khoát tay như bảo “chờ đấy, đừng hỏi” và cho đẩy xe đến trước một cái tivi lớn, phát một cái DVD tự làm slideshow, trình bày chi tiết từ lúc bệnh, đi cấp cứu cho đến về nhà. “Đấy, nhiều người đến hỏi lắm, cho xem thì biết, khỏi mất công trả lời”, ông cười, có vẻ khoái trá vì thấy tôi hơi ngỡ ngàng với sự chuẩn bị của ông. Có người khuyên là ông nên về Mỹ, vì có thể việc chăm sóc y tế sẽ tốt hơn. Ông lại hỏi ngược “rồi được thêm bao lâu nữa?”

Hơn một năm sau, ông mất. Dường như về cuối đời, chọn về Việt Nam, ở lại, và ở lại mãi mãi là ước muốn lớn nhất của đời ông. Một lần trả lời phỏng vấn của đài BBC, ông nói “Tôi về đây không phải là tôi đi tìm danh vọng, hay tôi tìm đồng tiền kinh tế. Không phải. Tôi về đây là vì tôi yêu nước thôi. Mà tôi phải về vì người già nào cũng muốn chết ở quê hương của mình, thế thôi”.

Ngay cả đến cái chết, Phạm Duy cũng như câu chuyện kể sống động ở giữa chúng ta, nhắc về những người Việt Nam khốn đốn trước cơ đồ cha ông để lại bị cưa xẻ, bất lực trước những dòng người vơ vét đất mẹ bằng quyền lực chính trị, giàu có và chọn thành công dân và chết ở một quốc gia xa lạ nào đó. Nhưng quê hương, đó là thứ không thể lìa xa với mỗi chúng ta, những người yêu nước Việt.

Phạm Duy không hô hào yêu nước. Nhưng âm nhạc của ông dạy người ta yêu nước. Dạy và thấm sâu ở từng câu chữ, giai điệu. Bất kể tôi, hay một linh mục, hoặc một người bạn trẻ nào đó lắng nghe rồi cũng sẽ tự thấy mình có một duyên lành với đất nước mình. Đó là điều được chia sẻ từ quyền năng của một người hát rong sống trọn vẹn với nghiệp đời. Người hát rong đó vẫn ở giữa chúng ta, trong muôn ngàn lời tha thiết Việt Nam, khắc sâu, thấm sâu hơn cả những bài giáo khoa buộc phải học.

---------

Sài Gòn

5/10/2021 – 100 năm ngày sinh người hát rong vĩ đại của âm nhạc Việt Nam, PHẠM DUY

Sunday, October 3, 2021

Phạm Chí Dũng & Bài Thánh ca Tự do

Một ngày trong thời phong tỏa vì dịch bệnh ở Sài Gòn, tôi nhận được lời nhắc mà anh Phạm Chí Dũng phó thác từ trại giam: Anh viết một bài thơ về niềm tin nơi Thiên Chúa, và mong được nghe nó vang lên như một bài hát.

Từ tháng 1-2-2021, Phạm Chí Dũng nhận bản án 15 năm của mình và im lặng không kháng án. Sự im lặng được bà Renate Künast, Dân biểu Liên bang Đức, mô tả là “bàng hoàng” khi nghe tin này. Dường như thay vì dành thời gian kháng án, Phạm Chí Dũng đã tận dụng nó để viết một bài thơ.

Vậy thì tôi nghĩ mình cũng không được phép chậm trễ hơn để giới thiệu về bài hát này.


Ghi chép trong trí nhớ về Phạm Chí Dũng

Có một Phạm Chí Dũng rất khác mà tôi biết, kể từ khi nghe tin anh bị bắt cho đến hôm nay. Nhất là khi biết anh lặng lẽ chọn Thiên Chúa Làm người dẫn đường tinh thần cho anh.

Trong suy nghĩ của mình, tôi luôn nhìn thấy Phạm Chí Dũng là người duy lý. Điều đó, khiến anh trở thành là một người tranh luận đáng gờm – kể cả khi anh còn làm việc kiểm soát báo chí ở Sài Gòn, cho đến khi anh trở thành người phản tỉnh và đốt lên ngọn đuốc về một tổ chức truyền thông tự do, ngay trong lòng của nhà nước độc đảng.

Tôi nhớ thời mình còn làm báo, anh Dũng chạy xe honda vào tòa soạn Tuổi Trẻ, tay mang theo chiếc cặp tài liệu và lạnh lùng chất vấn người chịu trách nhiệm trang báo. Anh hỏi và dồn, có lúc đập bàn và hỏi lớn “Vậy anh không thấy những điều này là dẫn đến tù à?”. Cả đám phóng viên mới vào đều xanh mắt cá, ngồi thì thào với nhau về những điều cấm kỵ không thành văn của chế độ. Lúc đó, anh Dũng quả thực là một nhân viên cần mẫn và đắc lực phục vụ cho nền báo chí một chiều. Nói gì thì nói, anh là một người rất giỏi.

Đó chính là lý do, khi Phạm Chí Dũng đột nhiên thay đổi với những bài viết bình luận không thuận đường với quan điểm nhà nước, và nhất là khi anh tuyên bố ra mắt Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam (IJAVN), nhiều người không khỏi bất ngờ. Trục xoay 180 độ, về con người và thể hiện bằng những lý luận công khai đã làm nhiều người cảm mến, nhưng cũng không ít người nghi ngờ là trò chim mồi của phía Nhà nước.

Phạm Chí Dũng cũng rất bản lĩnh để đi qua những điều đó, và hơn nữa, rất thẳng thắn.

Còn nhớ trong một lần gặp mặt tiệc mừng tân niên 2016, do tòa Tổng Lãnh Sự Anh tại Sài Gòn tổ chức, tôi đến và nhìn thấy Phạm Chí Dũng ở đó. Anh nói với mọi người về Hội Nhà báo Độc Lập và những dự kiến trong sự hào hứng.  Rồi đột nhiên anh đưa mắt nhìn tôi, cười và hỏi nhanh “Tuấn Khanh có nghe người ta nói gì về mình hay Hội nhà báo Độc Lập không?”. “Anh muốn em nói thật à?”. “Ừ, thì mình cần thông tin thật mà”. Tôi hơi ngần ngừ một chút, rồi cười “Không ít người nói anh giống như chim mồi trong cuộc chơi dân chủ thông tin này”.

Tôi thấy anh Phạm Chí Dũng thoáng cau mày. Anh nhìn tôi và như gật gật đầu, nhưng không nói gì. Chắc chắn là anh cũng đã nghe qua những điều này, nhưng để nghe trực tiếp như vậy, cũng không dễ chấp nhận ngay. Nhưng nay anh đã khác rồi. Anh không đặt lại câu hỏi nào chất vấn phủ đầu, cũng không đập tay nói gì dữ dội như trước. Anh thật sự bước vào con đường có tiếng nói đa chiều, và lắng nghe mọi tiếng nói đa chiều chứ không còn vướng thói quen mượn thứ quyền lực nào đó để bịt miệng.

Tôi bắt đầu theo dõi anh Phạm Chí Dũng nhiều hơn từ đó. Những bài phân tích thời sự của anh, các cuộc trò chuyện trực tuyến… để có thể tìm hiểu anh rõ hơn, với bản thân mình. Không thể không nhận ra ở Phạm Chí Dũng có 3 điểm đặc biệt đáng nể: trí nhớ kinh khủng về các dữ kiện, lập luận phân tích tại chỗ với mọi vấn đề, hiểu biết sâu sắc về hệ thống mà anh đã phục vụ và rời bỏ.

Điều mà Phạm Chí Dũng làm được, gây khó chịu không ít với những người kiểm soát báo chí Việt Nam, là tổ chức loạt bài nhận dạng, gọi tên và bình luận đúng các vấn đề trọng yếu của nhà nước, từ Luật An Ninh Mạng, Luật cho Xã Hội Dân Sự, Luật cho Công Đoàn Độc Lập… mọi thứ được tập trung và hệ thống chứ không phản biện lan man, góp bài cho đủ mặt của Hội. Mọi luận điệu mỉa mai và tấn công Phạm Chí Dũng sau khi anh bị bắt, từ chụp mũ là nhận tiền thế lực phản động, cho đến ảo tưởng báo chí tự do… đều phản ánh về sự cay cú và thất bại, nhất là với bản án 15 năm.

Thay đổi và phản biện của Phạm Chí Dũng có giá trị gì trong những năm qua. Có lần nghe anh tâm sự là “những đảng viên theo dõi thường xuyên. Thậm chí cánh công an cũng vậy. Những người công an về hưu tiết lộ cho mình biết vậy. Không đâu xa, ngay cả một sĩ quan công an về hưu ở ngay phường mình cư trú cũng cho biết ông theo dõi thường xuyên bài vở trên Việt Nam Thời Báo và đồng tình với những luận điểm khách quan của Hội Nhà báo Độc Lập”.

Với bản tính xốc nổi của mình, tôi lại làm anh chựng lại một lần nữa “Có những người. hay tổ chức vẫn chọn cách phản biện để nhận được sự chú ý, sau đó tìm đến sự thỏa hiệp, khác biệt với những gì mình đã khởi đầu?” – Tôi nhớ lúc đó, cuối cùng anh cũng cười “mày vẫn có cái tính này hả Khanh”, rồi trả lời rành mạch “phản biện hay chỉ trích mang tính ôn hòa, không có nghĩa là Hội Nhà báo Độc Lập đang đi tìm con đường thỏa hiệp với Đảng Cộng Sản. Hội Nhà báo Độc Lập không bao giờ có quan điểm đó”.

Năm 2018, anh gọi điện thoại hỏi tôi tham gia Hội không, giọng cũng rất sốc “nói nhanh, trả lời nhanh nhé. Vào Hội và viết bài với anh?”. Tôi từ chối, nghe giọng anh có vẻ không vui nhưng tôn trọng suy nghĩ của tôi. “Để em đứng một mình đi, tính em điên điên kiểu văn nghệ và vô kỷ luật, lại hay nói thẳng dễ gây bất hòa. Nên để em ủng hộ anh từ bên ngoài”.

Khi tôi trả lời anh những điều như vậy, cũng là lúc cuộc đời của cựu đảng viên Phạm Chí Dũng, xuất thân từ một gia đình truyền thống cộng sản, bắt đầu gặp lao đao liên tục. Nhưng người quen của anh kể là anh liên tục bị chận cửa, ép quay về nhà khi thành phố có biểu tình chống Trung Quốc, khi có hội họp... Anh cũng không khác gì bạn bè tôi hay tôi vào lúc đó. Anh là một phần của những người muốn cất lên tiếng nói khác biệt. Anh đã là một con người thật sự khác. Nói theo kiểu nhà văn Dương Thu Hương là “chọn ngồi bệt xuống cỏ với nhân dân và đối diện với chính quyền”.

Tôi tin vào những đổi thay và chọn lựa của con người. Nên tôi nhìn thấy ở Phạm Chí Dũng một hình ảnh mới mẻ nhưng quen thuộc: vẫn quyết liệt và tự giành phần chủ động nơi suy nghĩ và lý tưởng mình chọn phục vụ. Lịch sử hiện đại Việt Nam đã chứng minh biết bao điều “khác” thú vị như vậy. Chẳng hạn như trường hợp các cán bộ tôn giáo cấp cao Đỗ Trung Hiếu (với Phật Giáo), ông Nguyễn Hoàng Đức (với Công Giáo).

Nếu vài năm trước, nghe tin anh bị bắt, có lẽ tôi sẽ ngạc nhiên – bởi vẫn mơ hồ cũng những suy nghĩ ngu muội rằng sau lưng anh có “thế lực” nào đó chống đỡ. Nhưng tháng 1-2021, nghe cái án 15 năm tù, rồi nghe anh không buồn kháng cáo, tôi thấy mình như hiểu anh nhiều hơn. Đến khi đọc được bài thơ của anh Phạm Chí Dũng về việc anh chọn Thiên Chúa là người dẫn dắt đời mình, mọi thứ hiện ra là điều rất diệu kỳ của cuộc đời, nhưng hợp lý làm sao. Anh chọn Chúa làm lý tưởng của mình, đối lập với con đường vô thần đã qua, thì rõ anh đang khát khao nối dài con đường mình đã thay đổi, đã chọn, với một niềm tin mới.

Tôi điểm lại, thấy mình cũng được dẫn vào một cung đường thật lạ lùng. Tất cả những cái tên như Trần Huỳnh Duy Thức, Tô Hải, Phạm Chí Dũng… đều gửi gắm tôi những tiếng hát không thành lời của họ. Lại nhớ Phạm Đoan Trang, trước khi đi tù, cô ấy bảo “Em không sáng tác được, nhưng anh có bài nào cho em, thì đưa em hát với”. Tôi chưa đưa kịp thì Trang đã không ở bên ngoài để nhận. Tất cả những con người ấy, chẳng phải họ đã hợp thành một bài ca lớn, vẫn cứ âm vang mỗi ngày với khát khao con người thức tỉnh trong niềm hy vọng hay sao?

 

Ghi chú:

Đỗ Trung Hiếu: Cán bộ cấp cao thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ, có trách nhiệm kiểm soát Phật Giáo sau năm 1975, bất đồng vì tiến trình hủy bỏ Giáo hội Phật Giáo Thống Nhất, nên đã xin ra khỏi hệ thống vào năm 1990.

Nguyễn Hoàng Đức: Cán Bộ đặc phái Phòng Tôn giáo, Cục Chống Phản Động của Bộ Công an, người trực tiếp kiểm soát Đức Cha - Hồng Y Nguyễn Văn Thuận trong thời gian bị cầm cố ở miền Bắc (1976-1989), đã được cảm hóa, và xin theo đạo, ra khỏi ngành.