Thursday, September 30, 2021

Công lý 404

Buổi tối ngày cuối tháng 9-2021, khi câu chuyện về người phụ nữ bị đủ loại lực lượng của chính quyền tấn công ngay trong căn nhà mình ở Thuận An, Bình Dương, vẫn còn đang nóng hổi trong dư luận, thì các bài báo nói tương đối đủ và đúng về sự kiện này đột nhiên mất dạng. Nhiều người hỏi nhau, và thử tìm vào báo Tuổi Trẻ điện tử, nơi có bài phát pháo đầu tiên mang tên “Phá cửa cưỡng chế dân đi xét nghiệm: Vi phạm quyền con người”, thì đã chỉ còn lại phần thông báo 404, lỗi vì không tìm thấy.

Việc những người làm kiểm duyệt ở Việt Nam cướp đi chứng tích, hay bịt miệng các ngôn luận từ giới truyền thông là điều không lạ. Thậm chí thói quen thô bỉ đó ngày càng trắng trợn đến mức trở thành chuyện cười mỉa thường ngày của đám đông dân chúng.

Nhưng điều đáng nói, sự xóa bỏ này chỉ tạm ẩn đi với người Việt Nam thôi. Hãy thử một dòng mô tả được tìm kiếm trên bing.com, đã cho thấy 3000 kết quả, thay vào lúc các trang bài ở Việt Nam bị xóa. Hình ảnh ông Võ Thanh Quan, Bí thư phường Vĩnh Phú đang hiên ngang và quyết liệt chỉ huy cuộc đột nhập tư gia có phụ nữ, trẻ em, bẻ tay rồi xô đẩy xuống sân để xét nghiệm, nay đã trở thành chuyện của cả thế giới rồi.

Những kẻ làm kiểm duyệt và quan chức ở Thuận An, Bình Dương đang muốn che giấu với ai vậy? Những hành động can thiệp rẻ tiền này, có phải đã vô hình trung biến sai lầm của một cá nhân lạm quyền và không đủ tư cách làm quan tại một thành phố nhỏ, trở thành chuyện bao che ở tầm quốc gia, mà tất cả hệ thống đều chịu vết nhơ chung?

Đừng quên, khi diễn giải và cố nói giảm nhẹ về hành động phi pháp như trộm cướp của ông Võ Thanh Quan, bà Huỳnh Thị Thanh Phương, bí thư thành phố Thuận An còn nhấn mạnh là “khi cả hệ thống chính trị căng mình chống dịch, tất cả điều luật đều không thể áp dụng bình thường”. Có nghĩa, trước sai lầm của thủ hạ, bà Phương đã đẩy cả một hệ thống chính trị Cộng sản Việt Nam án ngữ, chịu trách nhiệm thay cho hành động hồ đồ của một quan chức cấp thấp. Và hơn nữa, bà cũng không quên phủ nhận luôn giá trị luật pháp hiện hành của một quốc gia, để bao che cho tay chân của mình.

Thật khủng khiếp, chỉ là một vết thương nhỏ của “hệ thống chính trị” ở Bình Dương mà bà Huỳnh Thị Thanh Phương đã giới thiệu đủ cho người dân Việt Nam cả nước – và cả thế giới - thấy cuộc sống của nhân dân Việt Nam, bình an của một quốc gia Việt Nam, với mọi nỗ lực để dựng nên một thể chế, như đổ sông đổ biển.

Việc phủ nhận mọi giá trị luật pháp, được Quốc hội nhiều đời của Nhà nước Việt Nam xây dựng và được xác nhận bởi những người lãnh đạo cao nhất, chỉ qua một lần chọt mũi – nói theo kiểu dân gian – cũng có thể bị phế bỏ dễ dàng, để bảo vệ cho chuyện quan quyền, sai nha… để xông vào bẻ tay một phụ nữ, lôi ra khỏi nhà trước tiếng khóc thét của trẻ con, sự kinh hãi của dân cư. Nếu bỏ qua với hành động và tư duy của ông Võ Thanh Quan và bà Huỳnh Thị Thanh Phương, sớm muộn gì, cũng sẽ là tiền lệ đi đến hủy diệt mọi trật tự trên đất nước này.

Ai đã giới thiệu những người như vậy vào hệ thống cầm quyền? Và ai đã bầu cho họ? Tôi tin rằng chẳng có ai bầu cả. Những lá phiếu vô hồn được thúc hối ở các kỳ bầu cử tại Việt Nam, nay đã chỉ rõ bất cập của nó, và nhân dân đang phải chịu hậu quả trực tiếp.

Giờ thì khắp nơi, hệ thống truyền thông thuộc nhà nước đang đẩy mạnh hình ảnh ông Quan xin lỗi công khai nạn nhân là bà Hoàng Phương Lan. Nhưng việc “công khai” đó như thế nào? Mọi thứ diễn ra trong một căn phòng nhỏ khoảng 16m2, bà Lan ngồi cùng ông Quan và người hòa giải. Chung quanh thì lô nhô người phía chính quyền đang lăm lăm máy quay, máy chụp hình… chờ để bắt kịp hình ảnh vui vẻ, chân thành và tha thứ nhằm tuyên truyền. 

Rất thú vị, là ngay ở buổi đầu bà Lan đã từ chối hòa giải suông. Có lẽ bà hiểu, đằng sau bà là cư dân của khu chung cư Ehome4, của những học viên lớp dạy của bà đang điếng người trước khung cảnh, và của con bà, với niềm tin rằng bà đã bị xúc phạm như thế nào.

Cuộc thương lượng hòa giải rõ là không cân sức, khi người được hỏi có đồng ý với lời xin lỗi không, lại là người đang bị thu giữ căn cước công dân, bị buộc ký các biên bản vi phạm theo quan điểm của những kẻ hành động sai quấy, nhân danh chính quyền.

Nhưng quan trọng hơn, là bởi những bài báo mô tả đúng về tình cảnh của bà trên các trang báo nhà nước đang bị gỡ bỏ im lặng, cùng một hệ thống tay sai dư luận viên đang mở chiến dịch bôi nhọ bà về chuyện “ngoan cố”, “thiếu ý thức”, “bị cưỡng chế là đúng”… Hòa giải đang ở ý nghĩa nào trong bối cảnh u ám như vậy?

Không có gì mạt hạng hơn, khi mọi thứ giống như cả một “hệ thống chính trị” đang vào cuộc đế chống lại một người đàn bà. Mạt hạng tận cùng.

Bạn có đang tự hỏi với tôi không, rằng với những gì đang diễn ra, lời “xin lỗi công khai” đang được thực hiện bài bản ở Thuận An, Bình Dương, với bà Hoàng Phương Lan, có thật là sự chân thành nhận biết? Hay lại chỉ là thứ thủ đoạn thao túng dư luận, rập khuôn theo câu nói vô liêm sỉ của ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ: "Nếu ta sai, ta sẽ xin lỗi dân. Nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật".


Sunday, September 19, 2021

Chuyện lư hương Đức Thánh Trần: Đi tìm sự chân thành

 


Nước Úc có một ngày lễ gây tranh cãi suốt nhiều thập niên, đó là ngày 26/1, tên gọi của ngày lễ này cũng được đặt lại với nhiều ý nghĩa khác nhau.

Khởi đầu, ngày này được gọi chung là ngày lễ Quốc Khánh của Úc, vì đó là ngày đánh dấu sự kiện năm 1788, thuyền trưởng Arthur Phillip đã dựng cờ Anh và tuyên bố đây là vùng đất thuộc sở hữu của đế quốc Anh ở Port Jackson (ngày nay là Sydney Cove).

Nhưng dĩ nhiên, đó cũng là một lời khẳng định về sự xâm lược của nước Anh đối với một vùng đất mà thổ dân Úc đã sinh sống từ bao đời. Những cuộc xung đột xảy ra, và khát vọng “giải phóng” của người Anh cũng đã mở ra một thảm cảnh về việc cách ly hàng ngàn trẻ em thổ dân với cha mẹ và làng quê, để giáo dục văn minh tách biệt, nhằm tạo một nước Úc có văn hóa nền của Châu Âu. Câu chuyện thật dài, đầy máu và nước mắt, là một góc của lịch sử nhân loại ở những thế kỷ trước.

Những cộng đồng thổ dân ở Úc phát triển và hội nhập vào cuộc sống chung hôm nay, kể cả người Úc da trắng, vẫn luôn chất vấn về ý nghĩa của ngày Quốc Khánh Úc 26/1. Ngày lễ 26/1 này từng được vận động gọi tên là Ngày Xâm Lược, Ngày Thương Khóc… Sai lầm từ lịch sử, vẫn luôn được người dân kêu đòi phải có sự nhìn nhận đúng, gọi tên đúng và phải có người hôm nay chịu trách nhiệm.

Ở một quốc gia văn minh, quyền được lên tiếng và thậm chí phủ nhận luôn cả ngày Quốc khánh, vẫn không bị coi là tội, cũng không ai bị khép vào cái nhìn là âm mưu lật đổ chế độ hay tuyên truyền chống nhà nước. Bởi một nhà nước văn minh đích thực và vì dân, họ biết rằng mọi hành động chủ trương bảo vệ mình, chống lại nhân dân, chỉ biến họ trở thành loại đồ tể với nhân quyền và dân chủ.

Tháng 2/2008, Thủ tướng Úc là Kevin Rudd đã chính thức đưa ra lời xin lỗi trước toàn quốc gia, gửi tới những người dân bản địa của Úc, đặc biệt là những thế hệ bị đánh cắp mà cuộc sống của họ đã bị tàn phá bởi các chính sách cưỡng bức trẻ em và đồng hóa bản địa trong quá khứ rất xa của nước này.

Lời xin lỗi của ông Kevin Rudd, được tạm dịch một phần như sau: ”Chúng tôi xin lỗi vì luật pháp và chính sách của các quốc hội và các đời chính phủ đã gây ra đau thương, đau khổ và mất mát sâu sắc cho những người Úc trên quê hương chúng ta. Chúng tôi đặc biệt xin lỗi vì đã loại bỏ trẻ em thổ dân và Cư dân trên eo biển Torres khỏi gia đình, cộng đồng và đất nước của họ”.

Rất nhiều bài báo, hình ảnh, video của cả thế giới ghi lại những giờ phút đó. Rất nhiều người đã khóc, nhiều người ôm chặt lấy nhau. Sự xúc động không chỉ vì nhân phẩm và giá trị nguyên bản của con người được nhìn nhận đúng trong thế giới văn minh và khát vọng hòa giải, mà họ còn khóc vì thấy mình may mắn sống trong một thể chế biết yêu tương lai của đất nước và con người hơn là gánh nặng của lý tưởng chính trị.

Câu chuyện cũ của xứ xa được viết lại dài dòng, chỉ để nhắc rằng bài báo tha thiết kêu gọi trả lại lư hương của của Đức Thánh Trần tại tượng đài ở Bến Bạch Đằng mới đây, được đăng trên báo Người Đô Thị, không phải là tiếng kêu đơn lẻ. Nó là sự đau đớn của cả một dân tộc về sự báng bổ một hình tượng vĩ đại trong lịch sử người Việt. Sự báng bổ chưa bao giờ xảy ra trong mọi triều đại Việt đối kháng nhau, mà xưa nay chỉ có thể nằm trong tưởng tượng về bọn ngoại bang xâm lược hay vong quốc.

Bài báo ấy có tên “Nhân giỗ Đức Thánh Trần: cần đặt lại lư hương và tôn tạo tượng đài Trần Hưng Đạo” của tác giả Phúc Tiến, xuất hiện trên trang nhà Người Đô Thị vào ngày 17-9-2021, được vài tiếng đồng hồ, đã bất ngờ bị ẩn đi. Đó là một bài viết thật sự hiếm hoi đặt vấn đề về một giá trị dân tộc tổn thương từ sự cường quyền, nhưng rồi cũng chịu chung số phận với mọi lời ngay thẳng trước lưỡi gươm kiểm duyệt, hoặc bởi sĩ diện của một cá nhân nào đó.

Nhưng với nhân dân, tiếng kêu phẫn uất về hình tượng trang nghiêm của một tượng đài lịch sử bị xúc phạm, vẫn không ngừng vang lên kể từ ngày 17-2-2019 – ngày mà mọi người Việt khắp nơi trên địa cầu đều sững sờ thấy những chiếc xe rác bao vây tượng đài Đức Thánh Trần, và xe cẩu kéo chiếc lư hương yên vị hơn nửa thế kỷ về một nơi ẩn khuất, lấy cớ là để sửa chữa và tôn tạo khu vực.

Cho tới giờ phút này, mọi sự giải thích của chính quyền về hành động cẩu lư hương của Đức Thánh Trần luôn mập mờ và vô nghĩa. Ông Nguyễn Thiện Nhân, bí thư thành phố, người chịu trách nhiệm chính về sự kiện này thì luôn né tránh. Còn bà Trần Kim Yến – bí thư Quận ủy quận 1 thì tuyên bố một cách vô đạo, vô luân thường rằng lư hương Trần Hưng Đạo được dời về đền thờ trên đường Võ Thị Sáu vì "Công viên không phải là nơi thờ phụng, mà việc thờ phụng này nên được đặt ở đình, đền, chùa sẽ đúng hơn. Đó là việc hết sức bình thường. Mình đưa việc thờ phụng về đúng vị trí".

Trong một bài viết phản ứng từ lúc ấy, có tên “Đỉnh lư hương và thói dối trá”, Giáo sư Hoàng Dũng đã viết rằng “Không lẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh thì được phép có lư hương (ở công viên), mà Đức Trần Hưng Đạo lại không?”. Dối trá là cách mỗi người Việt Nam gọi tên hành động và lý lẽ của những kẻ có quyền đã múa lưỡi, nhưng tận cùng, đó là sự vong bản nhục nhã khôn xiết trước tổ tiên mình.

Từ năm 2019, rộ lên tin đồn về chuyện chính quyền hiện nay muốn thủ tiêu các tượng đài, miếu đền… do chế độ cũ dựng nên, bởi muốn dứt điểm quá khứ. Chuyện dời lư hương và bỏ mặc như vậy, chỉ là nằm trong chuỗi hành động. Thật khó tin đó là chuyện có thật, nhất là với một chế độ trong thời đại văn minh.

Tổ tiên Việt Nam chưa bao giờ phân biệt đứa con nào thờ phụng mình. Trả lại lư hương, là cách chứng minh những lời đồn tồi tệ đó không có thật, và cũng để chứng minh rằng trong chế độ hôm nay, không có chuyện quyền lực cá nhân hay sĩ diện của một quan chức có thể ngồi xổm trên linh hồn tổ tiên, và của một cộng đồng dân cư đã sống với giá trị tâm linh đó suốt bao nhiêu năm nay.

Quả bóng đang ở chân những người có trách nhiệm hôm nay. Những sai lầm hôm qua, không có nghĩa là thứ nhất định hôm nay buộc mọi người phải cùng chia nhau vuốt mặt.

Những người da trắng và thổ dân ở nước Úc đã cho nhau cơ hội, cầm tay nhau để gọi tên quê hương là của chung, quốc gia chân thành sám hối trước sai lầm của hàng trăm năm, để cùng đi tới một giá trị chung.

Nhưng ở Việt Nam, nếu vẫn có những người vẫn im lặng trá ngụy, ôm chặt sự hủy diệt những điều thiêng liêng nhất trong lòng dân tộc, bất chấp tiếng kêu gào tức giận không thôi của dân chúng, thì tư cách nào để chúng ta gọi nhau là đồng bào?

Saturday, September 18, 2021

Đảng CSTQ muốn hủy diệt Triệu Vy, vì sao?


Lần đầu tiên, những lời nhận định và giải thích về việc nhà cầm quyền Bắc Kinh xóa sổ danh tính và giá trị của ngôi sao điện ảnh Triệu Vy xuất hiện. Tuy là nhiều góc nhìn khác nhau, nhưng từ đó, người ta hiểu được vì sao một chế độ lại thẳng tay hủy diệt hình ảnh tiêu biểu về văn hóa đương đại của mình như vậy.

Dĩ nhiên, đó là những bình luận được xuất hiện chính thức trên báo chí nhà nước về số phận của Triệu Vy. Tờ WSJ là một trong những nơi lùng sục, đi tìm lời giải hợp lý về câu chuyện này.

Người hâm mộ bên ngoài Trung Quốc ngạc nhiên đã đành, người trong nước còn sửng sốt hơn khi thì thầm với nhau là thử tìm cái tên Triệu Vy (Zhao Wei) trên các trang mạng ở Trung Quốc, nhưng tất cả đều là những khoảng trống. Bắc Kinh muốn trừng phạt ngôi sao điện ảnh này bằng cách thủ tiêu mọi ghi chép trong biên niên sử kỹ thuật số của quốc gia này về một đứa con tinh thần từng được cưng chiều hết mực.

Đúng vào năm ngôi sao điện ảnh này 45 tuổi, Triệu Vy bị xóa sạch trên trang web, cũng như các nơi phát video lớn nhất của quốc gia cộng sản này. Tin dữ dồn dập kéo về: các dự án của cô ấy, bao gồm cả bộ phim truyền hình cực kỳ nổi tiếng 'My Fair Princess', đã bị loại bỏ. Bất cứ ai tìm kiếm bộ phim nổi tiếng của cô ấy “So Young” trên Wikipedia của Trung Quốc, cũng sẽ không biết cô ấy là đạo diễn của phim này.

Phát súng lệnh cho cuộc trừng phạt này, bắt đầu từ ngày 26 Tháng 8, mở đầu cho một chiến dịch đàn áp rộng lớn hơn đối với ngành công nghiệp giải trí của Trung Quốc, mà Đảng Cộng sản nói là cố gắng ngăn chặn sự trỗi dậy của văn hóa không lành mạnh từ những người nổi tiếng. Nhưng không có viên chức nào giải thích cụ thể “không lành mạnh” ở trường hợp nào, và cụ thể ra sao. Bắc Kinh úp úp mở mở về sự thay đổi đột ngột này đối với địa vị của Triệu Vy.  

Dĩ nhiên, sự trừng phạt này làm dấy lên muôn vàn câu hỏi của người hâm mộ và giới quan sát và dẫn đến những đồn đoán rằng Triệu Vy đã làm sai điều gì đó – mặc dù không ai thật sự khẳng định được. Các trang blog và video tranh luận, bịa đặt các chuyện thâm cung bí sử… và thậm chí là những bài mạt sát Triệu Vy theo quan điểm của Đảng mọc lên, nhưng không bị tháo bỏ. Các lãnh đạo bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc muốn như vậy: sự hỗn loạn với những suy nghĩ tiêu cực về ai đó, giúp họ kiểm soát sự hỗn loạn một cách thuận lợi như một ông chủ nhà đầy quyền lực thao túng.

Stanley Rosen, giáo sư tại Đại học South California, chuyên gia về điện ảnh và chính trị Trung Quốc, cho biết: “Triệu Vy bị đẩy ra công luận như một đứa trẻ hư. Cô ta bị Đảng Cộng sản chọn làm biểu tượng của văn hóa sai trái trong giới nổi tiếng Trung Quốc”. 

Ông Stanley Rosen nói: “Đó là một minh chứng cho thấy không ai, dù giàu có hay nổi tiếng đến đâu, cũng có thể trở thành con mồi khi bị chọn”. 
Trong trường hợp của Triệu Vy, ông nói thêm, việc thiếu lời giải thích từ nhà cầm quyền, là một đòn thao túng xã hội, và nó có tác dụng khiến những người nổi tiếng khác hoảng hốt, và trở nên cực kỳ thận trọng, và chủ động trở thành người phục vụ cho các mục tiêu của chế độ, nhằm giảm thiểu các hiểm nguy của bản thân.

Thật dễ hiểu nếu ít lâu sau, đột ngột xuất hiện các loại nghệ sĩ hay người nổi tiếng ở Trung Quốc lên giọng bảo vệ đường chín đoạn của Trung Quốc vẽ ra ở Biển Đông, hay chính họ tự tố cáo lẫn nhau, đề cao quan điểm chính trị hay xã hội… để được giới chóp bu ngầm xác nhận, cho một chỗ quỳ trong đội ngũ nô bộc của Đảng.

Nhưng cái gi cũng có mặt trái của nó. Một làn sóng quan tâm mới của công chúng đối với tình trạng của Triệu Vy cũng bùng lên, khi gần đây ai đó chụp được ảnh Triệu Vy xuất hiện với quần đùi và áo thun màu tím ở quê nhà mình, Vu Hồ, ở miền đông Trung Quốc. Điều này cũng được đưa vào bình luận rằng, không biết Triệu Vy hay chính giới tuyên truyền nhà nước muốn thăm dò dư luận xem nữ diễn viên này còn sức hút với công chúng hay không.

Triệu Vy đã từ chối hàng loạt các yêu cầu bình luận về chuyện phim và chương trình truyền hình của mình không còn tìm thấy trên internet Trung Quốc. Cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc, cơ quan quản lý internet của quốc gia này, cũng không trả lời bất kỳ điều gì. 

Chiến dịch phong tỏa sự nghiệp của Triệu Vy, kéo theo những diễn viên khác bị cảnh sát Trung Quốc thẩm vấn về việc trốn thuế, bao gồm Trịnh Sảng (Zheng Shuang), và Trương Triết Hạn (Zhang Zhehan), một diễn viên trẻ trước đó đã bị tờ báo diều hâu hàng đầu của Đảng Cộng sản chỉ trích, sau khi phát hiện anh ghé thăm một ngôi đền thờ các tử sĩ Nhật Bản liên quan đến Thế chiến II. Rõ ràng, Bắc Kinh thấy các nghệ sĩ, nhân vật nổi tiếng của Trung Quốc hôm nay, không nằm trong các bang, hội… cần phải được kiểm soát và răn đe để không có một thế hệ mới có sức mạnh công chúng, và làm họ mất mặt như giới nghệ sĩ Hồng Kông, với Chuân Nhuận Phát, Hà Vận Thi…

Làm ra nhiều tiền của, còn trẻ và có lượng công chúng khổng lồ trên thế giới ủng hộ: ai biết được sự bất mãn hay kiêu ngạo sẽ khiến họ quay lưng với một Đảng cộng sản hà khắc? Vừa tạo ra một chiến dịch để răn đe, vừa bóp nắn túi tiền của giới giàu có này, chẳng phải là quá thuận lợi khi hô hào về sự khác biệt giàu nghèo ở Trung Quốc lúc này? 

Mọi thứ có vẻ còn kéo dài. Kiểm soát sự nổi tiếng cũng là một phương thức. Trong một chiến dịch chưa từng có, được phát động vào tháng 8, Đảng của Tập đã cấm các mục đưa bảng xếp hạng những người nổi tiếng trên các nền tảng truyền thông xã hội. Các đài truyền hình, radio và nền tảng phát trực tuyến được lệnh cấm các nghệ sĩ không đáp ứng các tiêu chuẩn chính trị hoặc đạo đức chính trị. Thậm chí, con cái của các ngôi sao nhạc pop bị đánh giá là mô phỏng, có hình ảnh hay phong cách như giới nghệ sĩ phương Tây cũng không được xuất hiện trong các chương trình giải trí. Nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc và Nhật Bản, Đài Loan… cũng bắt đầu bị loại khỏi các mục trình chiếu hay giới thiệu… do có quá nhiều công chúng trẻ hâm mộ, khiến giới kiểm duyệt lo ngại về sở thích thiếu phẩm chất văn hóa nội địa.

Cũng có tin đồn từ giới tuyên truyền 5 xu, rằng Triệu Vy bị trừng phạt vì đang cặp kè với Trương Triết Hạn. Dù bị chỉ trích và không được tham gia nhiều chương trình, nhưng với quyền lực công nghệ giải trí rộng lớn của tỷ phú Triệu Vy, sẽ không có thiệt hại gì nếu họ Trương vẫn được đỡ đần. 

“Như Mã Vân (Jack Ma), đảng không thể bỏ tù vô cớ ông ta, nhưng làm nghèo đi, dồn vào đường cùng, Mã Vân thiệt hại thì Trung Nam Hải cũng khốn cùng”, một người bình luận tên JerryXin nói trên Weibo, và bình thêm “Triệu Vy cũng vậy, mất hình ảnh ở đại lục, chỉ là tạm thời, cả thế giới có đủ câu chuyện của cô ấy, và bất kỳ giờ nào, cô ấy cũng có thể trở thành công dân của một quốc gia khác”.

Rõ ràng là Bắc Kinh không thích có những ngã rẽ khác trong sức mạnh của họ. Nếu có Tôn Ngộ Không xuất hiện, họ muốn bàn tay của mình là Phật Tổ. “Đảng muốn sức mạnh của mình là tuyệt đối”, một người khác bình luận.

Một người ủng hộ Triệu Vy, có tên là Tough Pea Sprout viết: “Nhà nước biết rõ quan điểm chính trị và vị thế của cô ấy hơn bất kỳ cư dân mạng nào”. Tương tự như Jack Ma, dù chỉ là một diễn viên, nhưng hầu hết các sự kiện tầm quốc gia, Triệu Vy luôn là khách mời và là nhân vật đối thoại với cấp nguyên thủ. Một lời thì thào và nụ cười của Triệu Vy, đôi khi có sức mạnh bằng cả một công hàm của Bắc Kinh.

Đối với nhiều nhà quan sát, sự phế truất danh tính của Triệu Vy, gợi lại sự biến mất vào năm 2018 của siêu sao Phạm Băng Băng (Fan Bingbing) qua một vụ bê bối trốn thuế. Nữ diễn viên từng xuất hiện trong 'X-Men: Days of Future Past' vào năm 2014, đã biến mất khỏi công chúng trong ba tháng, trước khi tái xuất hiện, để đưa ra lời xin lỗi học thuộc lòng trước truyền hình, và nộp phạt 70 triệu USD.

Phần lớn tài sản của Triệu Vy đến từ số cổ phần mà cô và chồng đã mua trong chi nhánh công nghệ giải trí của Alibaba. Theo cơ sở dữ liệu đăng ký công ty của Trung Quốc, trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2020, Triệu Vy đã mua cổ phần thuộc Yunfeng Capital, một hệ thống tài chính do Jack Ma hậu thuẫn, cùng với một số doanh nhân Trung Quốc giàu có. 

Các bản đăng ký cũng ghi lại rằng công ty của Triệu Vy đã nắm giữ nhiều cổ phần của Ant Group, một tập đoàn tài chính-công nghệ khổng lồ do Jack Ma thành lập, đang trên đà tiến tới một đợt IPO kỷ lục (chào bán số cổ phiếu phát hành công khai lần đầu). Nhưng cú thăng tiến vĩ đại này của Ant Group đã bị loại bỏ theo lệnh của ông Tập vào năm ngoái. Alibaba, Ant Group và Jack Ma đã không bình luận, tương tự như Triệu Vy. 

Sau giai đoạn đẩy mạnh giới thượng lưu và tư bản đỏ phát triển, tạo thành một tiềm lực quan trọng cho xã hội cộng sản, giờ thì đến lúc Bắc Kinh bị rúng động vì thấy chính các tiềm lực ấy tự “diễn biến hòa bình”, ngày càng thích nghi với xu thế phát triển và tồn tại của mình theo kiểu tư bản, thậm có thể quay lại làm lung lay cả gốc rễ của thứ chủ nghĩa cộng sản đạo đức giả - vậy thì, cuộc cách mạng văn hóa lần hai, nhân danh mọi điều tốt đẹp là điều có thể hiểu được.

 

Sunday, September 5, 2021

Sau "giải phóng", giới nghệ sĩ Afghanistan lo âu chờ số phận của mình

 


Âm nhạc đã câm lặng sau khi tiếng súng của Taliban vang lên trên đường phố Kabul. Những gì được gầy dựng và nuôi dưỡng từ năm 2001, sau khi nền chính trị khủng bố này sụp đổ, giờ tiếp tục trở lại câm nín. Mỗi nghệ sĩ Afghanistan đều đang phập phồng về số phận của mình. Giữa những biến động trên khắp đất nước chưa hoàn toàn dứt, vẫn chưa rõ liệu chính quyền mới có cấm âm nhạc như cách đây 25 năm hay không.

Đã có tin những nghệ sĩ hài, ca sĩ… bị mang đi xử tử mà không qua tòa án nào. Họ bị kết tội là đã phục vụ cho chính quyền thân Mỹ, và sống với thứ văn hóa đồi trụy.

Các cánh cửa đã khép kín dọc theo Phố Kharabat, nơi từng được coi là trung tâm của đời sống âm nhạc Afghanistan. Từ giữa Tháng Tám, khi Taliban tràn vào Kabul, không ai bảo ai nhưng sự ẩn náu, ít bị để ý nhất đang là điều cần thiết với các nghệ sĩ. Ở những thùng rác tại Kabul, người ta nhìn thấy những đĩa nhạc hoặc sách vở dạy học nhạc được vứt trong đó.

Ở thành phố từng nhộn nhịp vui vẻ này, các nhạc sĩ đã mang nhạc cụ của họ về nhà, hoặc giấu chúng vào phòng, chờ xem liệu lực lượng “giải phóng” có làm lại cái điều không tưởng là cấm âm nhạc, như cách họ đã làm cách đây 25 năm hay không. Dẫu sợ hãi mũi súng và ánh mắt của Taliban, nhưng giới nghệ sĩ vẫn rón rén tụ tập trên con phố, là nơi sinh ra, quê hương và bảo tồn không chính thức cho nhiều thế hệ các ngôi sao ca nhạc của đất nước này.

Tụm năm, tụm ba…, họ xì xào thảo luận về những bức ảnh được chia sẻ bởi ca sĩ nổi tiếng Aryan Khan, về hình ảnh chiếc đàn piano bị đập phá trong chỗ làm việc của anh ta. Mới đây là vụ sát hại nhạc sĩ dân gian Fawad Andarabi tại nhà riêng ở vùng nông thôn. Nghe rằng Fawad Andarabi bị bắn vào đầu sau khi một toán lính Taliban vào nhà, và bắt anh ta hát cho họ nghe. Giới nghệ sĩ Afghanistan đang tự hỏi, liệu ai trong họ sẽ là người tiếp theo.

“Chúng tôi đã xem ảnh trên mạng. Rồi ai đó sẽ gặp phải vấn đề tương tự, nếu không phải hôm nay thì ngày mai thôi”, Zabir, người chơi rubab, một loại đàn dây cổ truyền của Afghanistan cho biết. “Taliban vẫn chưa hoàn thành công việc thành lập một chính phủ mới, nhưng sau đó tôi biết chắc là họ sẽ nhắm mục tiêu vào âm nhạc”.

Zabir đã chờ ba ngày ở cổng sân bay vào tháng trước, trong sự cố gắng tuyệt vọng để mong có chỗ trong chuyến bay rời Afghanistan đến bất cứ đâu. “Âm nhạc nuôi sống tâm hồn bạn. Tôi không muốn sống ở đây nữa nếu không có nó”.

Cách đây 25 năm, khi đường phố đã trở nên hoang tàn bởi cuộc nội chiến, Taliban chính là lý do khiến các ca sĩ, tay trống và nghệ sĩ chơi nhạc cụ của họ đi lưu vong. Nhưng sau khi lực lượng khủng bố cầm quyền bị lật đổ vào năm 2001, các nghệ sĩ đã dần quay trở lại. 20 năm qua, cư dân Kabul, những người muốn nhạc sĩ mang lại niềm vui cho đám cưới, hoặc làm sôi động một bữa tiệc, đã tìm đến đây để mời các ban nhạc. Không những vậy, Kabul đã từng là nơi có các hội thảo lớn, nghiên cứu về nhạc cụ và phong cách âm nhạc. Giờ đây, những cánh cửa trên đường phố nghệ thuật này đang trước nguy cơ có thể phải đóng cửa vĩnh viễn.

Taliban vẫn còn nguyên hình là một đạo quân cưỡng chiếm, và dù lắm lời nhân nghĩa về thống nhất đất nước, hòa hợp dân tộc… nhưng các thông điệp mà các chỉ huy của họ gửi ra thì bất nhất. Ở phía bên kia thị trấn từ Phố Kharabat, Viện Âm nhạc Quốc gia Afghanistan (ANIM) chắc chắn sẽ là mục tiêu sớm và rõ ràng cho kẻ cầm súng bắn vào những nhạc cụ. Taliban có một quyết tâm rất rõ: Không chỉ ngừng phát nhạc mà còn phá hủy mọi khả năng chơi nhạc.

Tuy nhiên, để được nhìn nhận với thế giới, tạm thời âm nhạc, nghệ thuật đang được ‘bảo vệ’ bởi một lực lượng nghiêm ngặt của Taliban, với các biểu ngữ nhắc nhở các chiến binh của phong trào này rằng không có gì được để hư hại hoặc phá hủy. “Tôi lo lắng về sự an toàn của các nghệ sĩ và giảng viên trẻ của tôi, lo lắng về giáo dục âm nhạc và nền âm nhạc ở Afghanistan, nhưng đồng thời tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì tạm thời, chưa có gì lớn xảy ra chống lại trường âm nhạc và cộng đồng của nó cho đến bây giờ,” Giám đốc của Viện ANIM, ông Ahmad Sarmast, nói với The Observer. “Tôi hy vọng chúng ta sẽ không quay lại thời kỳ của 25 năm trước”.

“Họ bảo đảm với tôi rằng cơ sở hạ tầng, đồ đạc của ANIM được bảo vệ, và sẽ được bảo vệ cho đến khi có quyết định về tương lai của âm nhạc ở Afghanistan,” ông Ahmad nói. “Chúng tôi đang chờ đợi khi quyết định được đưa ra, về việc liệu âm nhạc có được phép hoạt động hay không”.

Sự tàn phá, và giết hại các nhạc sĩ đã diễn ra, nhưng được coi là ngẫu nhiên và không có tính hệ thống. Các lệnh cấm âm nhạc đã được báo cáo được thấy ở miền Nam Zabul và tỉnh Kandahar, vùng trung tâm của Taliban, nhưng đây có thể là quyết định của các chỉ huy địa phương.

Ban lãnh đạo trung ương thì khôn khéo hơn, tỏ ra mập mờ trong các tuyên bố trước công chúng và trong các bình luận về trường âm nhạc hàng đầu của đất nước. Người phát ngôn Zabihullah Mujahid của Taliban nói với tờ The Guardian rằng đạo Hồi cấm âm nhạc nơi công cộng, nhưng “chúng tôi hy vọng rằng chúng tôi có thể thuyết phục mọi người không làm những điều như vậy, thay vì gây áp lực cho họ”.

Số phận của những vùng đất bị cưỡng chiếm, thường sẽ phải chịu những áp lực chính trị và tính thể hiện quyền lực từ kẻ ‘thắng cuộc’ nhiều hơn là sự quan tâm thật sự về giá trị quốc gia, dân tộc. Và hiện nay người ta hình dung rằng nhiều nghệ sĩ ở Afghanistan sẽ sớm phải lặng lẽ lưu vong. Bởi khi quê hương không còn linh hồn, họ ở lại để làm gì?