(ảnh từ trái qua: Ông Lê Thân, Ông Lê Thăng Long) |
(Phỏng vấn ông Lê Thân, Chủ nhiệm CLB Lê Hiếu Đằng về chuyện dân tự cứu nhau có thể bị coi là phạm luật hiện nay)
(ảnh từ trái qua: Ông Lê Thân, Ông Lê Thăng Long) |
(Phỏng vấn ông Lê Thân, Chủ nhiệm CLB Lê Hiếu Đằng về chuyện dân tự cứu nhau có thể bị coi là phạm luật hiện nay)
Mùa bão – lũ – lụt năm 2020 ở Việt Nam bùng lên. Tháng 10 năm
Canh Tý, nước dâng nhanh như sấm giật, người dân miền Trung kể rằng họ mới đốt
nến lên nhìn mực nước dưới cột nhà, quay đi quay lại một chút, nước đã sát mép
chân. Nước dâng cho mưa, lụt nhưng nước còn ngậm lũ của những nhà máy thủy điện
do nhà nước dựng lên xả ra liên hồi.
Tiếng dân kêu nạn của năm Canh Tý có nhiều điều lạ thường. Người
dân không gọi tên nhà nước, mà chỉ gọi tên nhau. Dân gọi dân, đời gọi đời, thậm
chí gọi cả trời… nhưng ít ai nghe thấy tiếng gọi tên nhà cầm quyền trong cơn hoạn
nạn.
Suốt nhiều tuần liền, trên các trang mạng xã hội như
Facebook, tràn ngập các tin tức về người cứu người, hy vọng được cứu và hy vọng
đến nơi kịp lúc. Không có ranh giới nào về vùng miền hay giàu nghèo. Bức tranh
Việt Nam đẹp lạ lùng trong khốn khó.
Nhưng, đó là chuyện của dân đen.
Mặt khác của việc người dân tự giúp nhau, không gọi tên
chính quyền trong hành động đơn phương của mình – nói một cách nào đó đã tạo ra
một cơn đau nhức, tinh thần của những người lãnh đạo. Những người cầm quyền bị
đẩy ra ngoài rìa của hành động yêu thương, như thể họ bị coi như không phải là người
Việt vậy. Bên cạnh đó, những tuyên bố cứu trợ người dân từ nhà nước rất chậm chạp
so với hành động trực tiếp và hiệu quả của một cô ca sĩ tên Thủy Tiên ở Sài Gòn,
là sự sụp đổ về ý nghĩa cai trị đất nước, đặc biệt khi sự cai trị đó, luôn hô
to là sống chết vì nhân dân.
Trăm năm nay, nước Việt vẫn sống và gượng sống với bất kỳ
khó khăn nào, bởi tình đồng bào. Kẻ bị tát phía kia, thì phía này cũng đau.
Chuyện đói khổ ở đâu đó, dù không nhìn thấy mặt nhau nhưng đủ thắt tim người
đang ăn miếng no đủ. Những điều giản đơn ấy tạo nên một tinh thần đạo đức của
người Việt, như di sản cuối của cha ông để lại.
Đến thời đại hôm nay, mưa lũ hôm nay, giữa mọi thứ đau
thương hỗn loạn diễn ra, nhà cầm quyền nhất mực tập trung kèn trống đại hội
riêng. Bên cạnh hình ảnh rộn rịp vỗ tay chúc tụng nhau, là bão ập, nước dâng,
người chết, nhưng rồi chỉ có một tướng quân được nhắc tên để tưởng niệm ở Quốc
hội.
Rồi đến khi rảnh tay, các quan lại địa phương lại trình diễn
bằng ngôn ngữ chính trị, vờn trên khốn khó đời thật của dân đen, bằng việc viễn
dẫn luật 64/2008 để chặn thu tiền cứu trợ của mọi nơi dồn về vùng bị nạn. Luật 64/2008
tạo ra áp đặt và mơ hồ, lại được bọn lạm quyền thích dựa dẫm làm cớ để chặn, lấy,
trong lúc quốc gia khẩn cấp. Luật ấy cắt đứt nghĩa đồng bào, tình dân tộc… bằng
cách ra lệnh không có bất kỳ ai người Việt được quyền tự mình cứu giúp nhau, mà
phải nộp hết cho nhà nước, và để nhà nước định đoạt.
Bối cảnh ấy, dẫn đến những xung đột nhất định. Và những xung
đột như vậy giữa người cứu trợ và các giới chức địa phương cũng cho thấy luật về
quyền lập hội, công đoàn hay tổ chức NGO trong nước đang thúc bách vô cùng. Ở
nhiều nơi cho biết, nhiều đoàn cứu trợ đã tức giận ngừng phát, có người đòi
mang hàng cứu trợ đi về, phát luôn trên đường đi chứ không muốn bị lấy đi, nạp
cho bất kỳ cơ quan địa phương nào.
Hàng cứu trợ chồng chất ở các nơi như vậy nhưng không đến được
tay người dân, tranh cãi nhiêu khê. Luật 64/2008 giúp cho các quan lại địa
phương khả năng không bóp được dân bên ngoài, thì bóp dân bên trong. Nhiều gia
đình từng kể với báo chí rằng, họ vừa cầm được 500 ngàn, nụ cười chưa kịp tắt
thì bọn nách thước, sai nha ập đến, lấy đi 400 ngàn, vỗ ngực nhân danh phải
chia phần công bằng.
Dân gian vẫn có câu "mượn hoa dâng Phật" hay mỉa
mai hơn là "của người ơn ta". Một hệ thống hành chính nhà nước thì
không thể tồn tại trong sự mỉa mai như vậy, và nếu cố bám vào một điều luật
không sức sống nào đó để hành động, thì lại là cơ hội tốt để trăm triệu dân Việt
xét lại về cách sự nuôi dưỡng bất công, vô lý đó có xứng đáng là bộ mặt đại diện
một nhà nước hay không?
Quảng Trị là một trong những nơi sớm nhất nhận ra sự xung đột
này. Công văn giải thích (nói lại) từ tỉnh này với hoạt động cứu trợ, phân minh
rằng sẽ không có cản trở hay buộc giao nộp hàng cứu trợ có thể chưa làm vừa
lòng hoàn toàn những người dân quan tâm, nhưng chí ít cho thấy phản ứng cần thiết
phải làm. Dù bịt mắt bịt tai cố chấp như thế nào, rồi cũng phải có người nhận
ra rằng: Nhân dân là giá trị tối ưu cho việc xây dựng xã hội. Không thể có hệ
thống công quyền mạnh đứng trên nền nhân dân đói khổ - còn nếu có, chỉ có thể
là áp bức.
Không có thứ luật nào hay mệnh lệnh chính trị nào có thể cưỡi, ngồi trên nỗi đau của con người. Đó là điều mọi nhà lãnh đạo cần phải học nằm lòng. Nhất là khi có những loại luật được tạo ra để hủy diệt truyền thống thương yêu của người Việt với nhau.
Ngày 10 tháng 10 hàng năm, được Liên Hợp Quốc chọn làm World
Mental Health Day (tạm dịch: Ngày của thế giới về Sức khỏe Tinh thần). Trải qua
đại dịch Covid-19 và những bất an về chính trị, xã hội, môi trường… đang diễn
ra, bình an tinh thần của con người là được nhắc đến như một trong những giải
pháp sống còn của nhân loại.
Nói trong thông điệp nhân ngày này, Đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn
mạnh rằng điều cuối cùng mà con người khao khát, đặc biệt khi các nhu cầu vật
chất có thể không còn thiếu thốn nữa, là sự thanh thản trong tâm hồn: thứ không
thể mua được bằng tiền, không thể có được bằng chiếm đoạt được bằng bạo lực, đó
là sự an lạc nội tâm. Tài sản đó tuyệt đối quý giá khi nhận thức đủ, và thật đau
đớn khi bị mất đi.
Người Việt Nam, có bao nhiêu người tìm thấy được món quà an
lạc quý giá đó trong tâm trí của mình?
Chắc là không nhiều, tôi nghĩ vậy, hoặc luôn luôn bị xáo trộn
với cuộc đời trên đất nước này. Vì bởi mỗi sáng thức dậy, bất kỳ người Việt Nam
cũng dễ dàng nhìn thấy một câu chuyện hành động chà đạp lên pháp luật, sự ngang
ngược của nhân viên hay bộ máy hành chính công quyền, oan khiên, tàn phá môi
trường, tham nhũng ngang nhiên… và sự chịu đựng vô cùng của con người trong một
thế giới sống đang chủ trương vật chất vô thần lớn hơn tinh thần.
Chưa bao giờ người Việt có thể ngưng nghỉ cho sự an lạc đúng
nghĩa, nếu như bạn là người tử tế. Chỉ mới hôm qua là một trí thức bị bắt cóc
và ghép tội chỉ vì tố cáo một quan chức trung ương đạo văn lấy bằng tiến sĩ. Rồi
chuyện giáo dục nhầy nhụa với những lần cải cách, hứa hẹn sẽ lại cải cách tốn
kém vào năm sau như một loại đặt bẫy ngân sách… Vô số những câu chuyện như vậy
từng ngày đang giày xéo tâm hồn Việt, dù bạn muốn ngó lơ cũng không thể.
Rất dễ nhìn thấy cuộc sống đã tác động như thế nào với tâm hồn
người Việt hôm nay. Tranh cãi về giáo dục, chính trị, xã hội, kinh tế… trên các
trang mạng xã hội, người Việt sẵn sàng gây hấn bằng ngôn ngữ, mạt sát và coi
nhau như kẻ thù không đội trời chung nhanh chóng qua vài lời. Dĩ nhiên, không
thể nói việc tạo dựng nên các nhóm AK47 và Dư luận viên để tạo nên những làn
sóng tư duy và ngôn từ mạt hạng ở mọi nơi, cũng là một tội ác của nhà cầm quyền
đang làm tan nát tinh thần người Việt, ở phía sử dụng cũng như phía bị tấn
công.
Bạn nghĩ xem, ngó lơ, quên và mặc kệ mọi thứ có giải thoát
được không?
Trong thông điệp của mình, Đức Đạt Lai Lạt Ma nhắc đến Bồ đề
tâm giữa thế giới hỗn loạn này, như một giải pháp. Tức khi biết vận dụng sự ủi
an kẻ khác, thương yêu và san sẻ gánh nặng với con người, kính trọng những người
tử tế… bản thân đã tìm thấy sự an lạc bằng cách tự mình đứng dậy, lớn hơn mọi
nghịch cảnh hỗn mang đang diễn ra, gửi đi những sức mạnh tinh thần cho người
khác và cộng hưởng trong thế giới sống của mình.
Vì cuối cùng, sự thanh thản lớn nhất, không phải là khi
chúng ta nhắm mắt có đủ nhung lụa và của cải thế gian chung quanh. Mà là trên
đường đi vào thế giới khác, ít nhất ta cũng nhẹ lòng trong cuộc sống đã không bỏ
quên đồng loại, đã từ chối yêu thương, chia sẻ vì sự ích kỷ hay hèn nhát trước
bạo quyền.
Ít nhất, chúng ta đã sống và sống đúng trong thế giới tàn bạo
hôm nay. Sống như một con người và thanh thản vì không cần phải tìm kiếm ngôn
ngữ ngụy biện nào để bào chữa cho sự tồn tại của mình.
-----
"Ta không vào địa ngục thì ai vào địa ngục", được
cho là câu nói của Địa Tạng Vương Bồ Tát. Đối diện với cuộc sống không bằng sự
yên thân tạm bợ, hy vọng trong sợ hãi, thì chính sức mạnh từ bi và hành động với
tâm Bồ đề, là cách để giải trừ sự mê muội đó.
"Ðịa ngục vị không, thệ bất thành Phật,
Chúng sanh độ tận, phương chứng Bồ-đề". Cả Phật cũng không thể mũ ni
che tai, quên sự đời mà tận hưởng sự an lạc của mình. Thấy nỗi đau của con người
mà tự cho đó là điều không nên can dự, là tội ác. Phật không thể thành Phật – nếu
không dám xông vào địa ngục để cứu độ chúng sinh.
Trang trong một chuyến đi lặng lẽ, thoát từ nhà chạy vào Nam trong đêm |
Trong những ghi chép của tôi về Phạm Đoan Trang, có rất nhiều chi tiết mà hôm nay khi lật xem lại, nối kết với nhau, chợt thấy đã đủ trở thành một cuốn sách biểu trưng, mô tả hành trình một thanh niên lớn lên từ nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, bật ra nhận thức giữa những vòng thép gai tuyên truyền, lên tiếng và trở thành một biểu tượng của thế hệ Việt Nam sau 1975, quyết dấn thân cho một lý tưởng vì đất nước mình.
Trong suốt vài năm gần đây, Người Việt hay có những bản tin như vậy, chuyền cho nhau với hàm ý rằng “bọn cộng sản rồi sẽ bị tận diệt”.
Chuyện không đáng nói đến, nếu như những niềm hy vọng ấy đã được chung tay nuôi lớn dần, những ước mơ cũng được nung nấu sôi sục hơn trong một lớp người Việt, về chuyện “ngày ấy” huyền bí sắp đến: Ngày của cộng sản tự nhiên chết lăn quay, và nhân dân có thể ca khúc khải hoàn mà không phải đổ một giọt mồ hôi nào.
Thực tế thật trần trụi, phải nhìn thấy rõ rằng, rất nhiều dự luật, đạo luật, diễn văn, tuyên bố ấy, chỉ là những liệu pháp tinh thần tốt với tâm lý một đám đông đang đau đớn, căm ghét cộng sản, và cũng bất lực.
Chẳng hạn Global Magnitsky Act, hiện cũng chỉ mang tính biểu trưng và thái độ là chính, tiến đến giai đoạn hành động thực tế, ắt còn dài lâu. Và cho đến khi đạo luật ấy được thực thi, thì cũng sẽ còn vô số những người tử tế phải vào lao tù, những người dũng cảm bị kết án, và những kẻ độc ác vẫn tiếp tục mọc ra như cỏ dại, cười hả hê trong các hệ thống cai trị.
Quá tin tưởng và quá vui mừng với thời sự chính trị "có lợi" bên ngoài, ngồi nhâm nhi cà phê chờ đợi kết quả trước những điều như vậy, là điều cần phải suy nghĩ cho người Việt hôm nay. Rõ ràng, nhiều người đang chọn nghe và chú mục vào điều mình thích hơn là chọn nhìn thẳng vào sự thật.
Thế giới đa phương và vị lợi hôm nay, rất khác giai đoạn chiến tranh lạnh: khi ấy mỗi bên phải hành động để tuyệt đối giữ giá trị và tinh thần tự do hay cộng sản của mình.
Hôm nay, miếng lợi và chiến lược riêng của mỗi quốc gia đang khiến thế giới đan xen lẫn lộn mọi thứ vào nhau. Khó tìm được nước nào là tuyệt đối chính nghĩa, cũng như không có quốc gia nào thật sự cô độc vì cái ác của mình. Các phương thức mị dân cũng bùng nổ trong giai đoạn này, bao gồm các tuyên bố và các dự luật nói trên.
Cốt lõi vấn đề là thái độ thiếu quyết liệt và im lặng thỏa hiệp giữa các quốc gia, nhằm để trục lợi, hăm hở làm ăn với nhau và bất cần số phận các dân tộc đang rên xiết dưới ách độc tài, chủ nghĩa cộng sản giả hình văn minh.
Luật di trú chống đảng viên cộng sản chắc chắn không thể làm Trung Quốc sụp đổ, cũng không phải là thứ mà các đảng viên cộng sản như ở Việt Nam quá sợ hãi và từ bỏ đảng. Cần phải nhìn rõ rằng những tác động bên ngoài luôn tiếp sức cho các cuộc thay đổi trong quốc gia nhưng không phải là nguồn lực chính tác động. Luôn luôn, chính người dân trong nước mới là nguồn sức mạnh thật sự.
Bối cảnh nhiều tuyên bố và nhiều dự luật gây nức lòng xuất hiện dễ tạo nên một lớp người hy vọng vào chuyện "sụp đổ cộng sản tự nhiên", và khoanh tay bàn tán, chờ thời. Thậm chí sinh ra các phong trào cực đoan khi nhìn thấy người đứng ở phía khác giấc mơ của mình.
Và nếu chẳng may, khi đổi thay đến, Việt Nam thật sự bất hạnh khi có một lớp người quá lớn không muốn hành động, nhiều mộng mơ và chỉ bàn tán. E rằng khi ấy có dựng lên một nước Việt Nam, mong rằng tốt đẹp sẽ đến, cũng nhiêu khê.
Trong trào lưu “luận giấc mơ, khoanh tay chờ thời thế” của không ít người Việt, đã dựng nên một lớp người quyết chỉ sống với loại ectasy ngọt ngào đó, đủ để mơ màng quay lưng với quê nhà, quên đi nơi đó những người tranh đấu, những người đang chịu tù đày cho một hiện thực phải đến của đất nước.
Nhưng còn cay đắng hơn nữa, hiện thực của chúng ta, vì để bào chữa cho việc ôm gối mộng mơ và quay lưng, nhiều người không ngại phủ nhận hay chà đạp những người đang khốn khó, chịu nghịch cảnh, tù tội... vì tự do và dân chủ, gọi họ bằng “cuội”. Tàn nhẫn hơn, trong số đó, có những kẻ tự viết ra những lý thuyết về chuyện tranh đấu chỉ là để nhằm được một suất đi xuất ngoại tỵ nạn; dẫu trơ tráo nhưng cũng được nhiều người tán thưởng.
Hiện thực của chúng ta vậy đó: Chia rẽ tận cùng vì khác biệt, mộng mơ điên cuồng với tương lai, và không ngại tàn nhẫn với ngày hôm qua. Và người Việt ấy, mong mình sẽ xứng đáng sống cùng những điều tốt đẹp nhất trên hành tinh này.
(ảnh: Bên trái là NXB Giấy Vụn, bên phải là NXB Nhã Nam) |