Wednesday, July 22, 2020

Nhà văn Túy Hồng, chứng nhân tình yêu và cuộc đời



Nhà văn Túy Hồng, qua đời vào 19-7-2020 tại Mỹ, ở tuổi 82. Nghe tin mà nhớ lần được gặp bà, trong một chuyến đến Seatle nhiều năm trước.
Năm 1975, cùng dòng người ra đi khỏi Việt Nam bởi kết cục của một cuộc chiến, nhà văn Túy Hồng đến bên kia biển và ở lại, như nhiều danh tài khác của miền Nam Việt Nam.
Túy Hồng là một trong nhóm các nhà văn nữ nổi tiếng trước năm 1975 bao gồm Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương (Nguyễn Thị Thái), Nguyễn Thị Thụy Vũ, Lệ Hằng... Thời của một nền văn chương tự do và lộng lẫy đã tạo điều kiện cho rất nhiều nhà văn nữ xuất hiện, nhưng nhóm các nữ sĩ kể trên được coi như là tiền phong với những phong cách, cũng như đề tài của họ đầy cá tính và khác biệt.
Nhà văn Nguyễn Thị Tuý Hồng, tên cũng là bút danh. Bà sinh ngày 12-10-1938 tại Chí Long, Phong Điền, Thừa Thiên – Huế, viết văn từ năm 1962.
Trong một thời gian khoảng hơn 10 năm ở Saigon, nhà văn Túy Hồng đã tung ra hàng loạt tác phẩm, khiến người đọc cũng như giới phê bình kinh ngạc về sức sáng tác của bà, với các tác phẩm như Thở dài (NXB Đời Mới 1965, Kim Anh tái bản 1966), Vết thương dậy thì (NXB Kim Anh 1966) Trong móc mưa hạt huyền(NXB Đồng Nai 1969), Tôi nhìn tôi trên vách (NXB Đồng Nai 1970), Mùa hạ huyền (Văn Khoa 1971), Những sợi sắc không (Giải nhất Văn chương toàn quốc 1970 - NXB Khai Trí 1971),Biển điên (NXB Văn Khoa 1971),Bướm khuya, (NXB Đồng Nai 1971)…
Bà còn là một cây bút cộng tác thường xuyên với: Văn Hữu, Bách Khoa, Lập Trường, Văn, Văn Học, Tin Sách, Nghệ Thuật, Kịch Ảnh, Con Ong, Diều Hâu, Tia Sáng, Độc Lập, Tin Sáng, Thần Phong, Thời Nay, Đời Nay, Khởi Hành, Tiền Tuyến, Vấn Đề… với thể loại nào, nhà văn Túy Hồng cũng đều bộc lộ sự sắc sảo trong nghiệp chữ nghĩa của mình.
Chữ nghĩa của Túy Hồng đầy yêu đương và trần tục, khao khát và ẩn ức, đàn ông và đàn bà đều tuyệt vời ở giống cái và giống đực.

Nhà văn Túy Hồng có đoạn mang chút tình lãng mạn, ngắn như đủ đậm với nhà văn Võ Phiến lúc ở Dalat, mà bà viết kể lại trong Những Sợi Sắc Không (1970).
Được biết nhà văn Võ Phiến thố lộ với bà rằng "Anh không ham muốn em từ phút ban đầu, cũng không ham muốn em sau cái phút anh nhìn em qua cửa kính cư xá Bùi Thị Xuân, mà anh chỉ yêu em bởi vì những câu văn đầu tay em viết trong truyện ngắn gửi đăng báo… Yêu đời sống, chúng ta hãy đầu cơ khả năng, thì giờ và lòng thành vào văn chương. Anh cho nghệ thuật tất cả tài sản tinh thần của anh. Con đường anh đi là con đường văn nghệ, chấp nhận sống và chết, trừu tượng và cụ thể. Anh không phải là họa sĩ, nhưng anh có màu sắc nét vẽ; anh không phải là nhạc sĩ nhưng anh có âm thanh tiếng động.”
Nhưng mọi thứ tan vỡ khi Võ Phiến thú nhận ông đã có gia đình. Và khi viết lại mọi thứ, ở bất kỳ chuyện gì, bà Túy Hồng vẫn viết rõ tên và các câu chuyện của mình, đến mức nhà văn Võ Phiến phải than thở "“Em không bằng Nguyễn Thị Hoàng, em thua kém Nguyễn Thị Thụy Vũ. Họ kính nể người yêu, họ không oán trách người tình, không căm giận những người đàn ông mà họ đã thương. Còn em, em không tốt, em nói xấu anh dữ dội trong truyện ngắn em viết”.
Câu chuyện yêu đương đó, nhà văn Túy Hồng viết trong Những Sợi Sắc Không và gửi dự thi Giải Văn học Nghệ thuật Toàn quốc năm 1970 cùng với Nhã Ca, Nguyễn Thị Thụy Vũ. Mà trêu gan nhất là hội đồng giám khảo gồm Nguyễn Mạnh Côn, Mai Thảo và Võ Phiến.
Nhưng trong một bút ký của bà, người ta nhìn thấy bà viết về Võ Phiến như sau "Tôi chưa thấy một người đàn ông nào thương vợ nhiều như thế, yêu vợ kỹ như thế. Vợ anh, vợ anh.. cái miệng cứ tía lia vợ anh vợ anh, làm như người ta sắp lấy mất. Bà Võ Phiến tên cúng cơm là Viễn Phố”. Yêu, cay đắng và công bằng như vậy, chỉ có Túy Hồng.
Sau năm 1975, nhà văn Túy Hồng bị xếp vào thành phần nguy hiểm do các bài nhận định, bình luận chính trị... Trên các tạp chí, báo của người Việt hải ngoại. Trả lời trên Gió-O (2005) về việc phải ra đi và một nhà văn thì còn giá trị hay sứ mạng gì, bà nói lúc này "nhà văn chỉ có thể là nhân chứng". Một trong những tác phẩm cuối cùng của bà ở hải ngoại, là nói về cuộc đời trí thức lưu vong có tên là "Trong Cuối Cùng".
Truyện của nhà văn Túy Hồng không khó tìm trên internet, với các ấn bản điện tử, với những ai muốn đọc lại.
Nhân dịp thêm một ngôi sao được gắn lên khoảng trời vô cùng của văn học tự do miền Nam. Xin kể lại, để biết và để nhớ.

--------
Ảnh kỷ niệm lễ thành hôn của đôi nhà văn Thanh Nam và Túy Hồng (dấu X)

Saturday, July 18, 2020

Bóng tối sau những nụ cười





Hà Nội vẫn rất giỏi trong việc bày ra những điều sáng sủa trong các nhà giam, vốn mang nhiều tai tiếng về sự khắc nghiệt và bạo hành, theo nhiều nhận định của giới tranh đấu cho nhân quyền. Tháng 7 năm 2020, theo báo Guardian cho biết, Việt Nam đã mời 5 nhà báo thuộc Liên Minh Châu Âu đi thăm vài trại giam, nhằm thuyết phục rằng nhà tù ở Việt Nam là một nơi đủ tốt, không như quốc tế vẫn tố cáo, và vẫn luôn cải thiện.

Lý do của lời mời này, là sau khi EVFTA đã được ký kết giữa hai bên, Việt Nam phải có những hành động, chứng minh cho các cam kết với EU về vấn đề nhân quyền và trại giam, mà vốn các điều khoản này nằm trong các giao ước về thương mại. 

Theo báo, Guardian lúc này ở Việt Nam có khoảng 100.000 tù nhân.  Đó là con số mà nhà nước Việt Nam thông báo ra thế giới.

Việc mời các nhà báo của Liên minh, châu Âu đến Việt Nam, nhằm chứng minh rằng Hà Nội đã thực thi đúng công ước số 105 của tổ chức ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế ) về vấn đề chống cưỡng bức lao động trong trại giam. Nơi mà các nhà báo được mời đến là một trại giam kinh tế và hình sự ở Thủ Đức, cách Saigon khoảng 100km. Dĩ nhiên, nơi này hoàn toàn khác với trại giam Gia Trung hay ở số 6 Nghệ An, cũng như những người được tiếp xúc và phỏng vấn với các nhà báo EU đã được sắp đặt trước, không phải là Nguyễn Viết Dũng hay Nguyễn Văn Hóa.

Briton Joe Hui, 63 tuổi, người đang chịu án tù chung thân vì tội ăn cắp 700.000 USD của chính phủ Việt Nam, là một trong những người được chọn lựa để nói chuyện với các nhà báo. Ông Hui khẳng định rằng cuộc sống trong tù rất tốt, và nếu biết vâng lời, thì cái gì cũng thuận lợi.

Nói với các nhà báo EU, ông Hồ Thành Đình, Cục trưởng Cảnh sát quản lý trại giam Việt Nam, đã phủ nhận một cách dứt khoát về những cáo buộc tra tấn hoặc ngược đãi vì động cơ chính trị. Nhưng cũng không có một tù nhân chính trị nào được tiếp xúc với các nhà báo này để chứng minh hùng hồn hơn điều mà ông Hồ Thành Đình nói.

Theo công bố của Amnesty International hồi tháng 5/2019,  tù nhân lương tâm bị bỏ tù một cách bất công trên khắp Việt Nam đã tăng lên 128, mà theo tổ chức này, là dấu hiệu của một cuộc đàn áp ngày càng tăng đối với hoạt động ôn hòa.

Tài liệu này cũng nói các điều kiện giam giữ vẫn còn kinh khủng, với bằng chứng các tù nhân bị tra tấn và bị đối xử tàn tệ, thường xuyên bị giam giữ và bị biệt giam, giữ trong điều kiện tồi tàn, và từ chối chăm sóc y tế, nước sạch và không khí trong lành.

Trao đổi với mẹ Nấm, tức tù nhân lương Tâm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người từng bị gọi án 10 năm tù giam vào năm 2017 vì đăng các bài viết coi là chống phá nhà nước. Tờ Guardian tường thuật rằng bà Quỳnh nói rằng hầu hết tất cả những tù nhân chính trị khi bước vào nhà giam luôn luôn bị ngược đãi.  Thậm chí phụ nữ không được cấp phát những vật dụng vệ sinh cá nhân hàng tháng theo nhu cầu. Ngoài ra nhiều người cũng bị buộc phải làm những việc ngoài ý muốn và bị đánh đập. Bà Quỳnh may mắn đã được Hoa Kỳ can thiệp để ra khỏi nhà tù sớm.

Một trường hợp tương tự là luật sư Lê Công Định, người bị kết án 5 năm tù vào năm 2009, được ra tù của năm 2013. Ông Định xác nhận về những tình trạng tồi tệ trong nhà tù, và nói cán bộ trại giam thường lạm dụng sức lao động của các tù nhân, dùng tù nhân để sản xuất và làm dịch vụ mà tiền công thì những người này không hề được hưởng.

Lao động cưỡng bức hay ngược đãi tù nhân là một trong những vấn nạn mà cả thế giới được quan tâm và dùng nó như là một giá trị đạo đức, để có thể kết nối với nhau trong việc làm ăn. Và dù lấy cớ hay thật lòng, thì giá trị này vẫn còn quan trọng trong nhiều thập niên để ràng buộc nhau.

Cũng cùng vào lúc mà các nhà báo của Liên minh châu Âu đến Việt Nam, người ta được biết rằng dịch giả và nhà báo Lê Anh Hùng, vì những tố cáo công khai về tham nhũng và các chính sách sai lầm của Nhà nước Việt Nam, đã bị bắt giữ hơn 2 năm. Nhưng để hóa giải tất cả những điều đó hơn là đưa ra tòa, thì Hà Nội đã tìm cách đẩy anh vào nhà thương điên ở Hà Nội với những liều thuốc bí mật, nhằm phế bỏ toàn bộ tri thức và trí nhớ của nhà tranh đấu này.

Không thấy các nhà báo này đề nghị đến gặp Trần Huỳnh Duy Thức, một trong những cái tên quen thuộc của châu Âu, đã được nhắc đi nhắc lại liên tục và thậm chí đưa lên bàn cân trong việc ký kết Hiệp định EVFTA. Kể từ cuối năm 2018, sau khi nước Đức hạ giọng về vấn đề Trịnh Xuân Thanh và đẩy mạnh việc làm ăn thương mại với Việt Nam, nhà tranh đấu Trần Huỳnh Duy thức cũng như  nhiều tù nhân lương tâm khác ở Việt Nam, chỉ còn là một cái bóng mờ, đằng sau những bức tranh đẹp mà Hà Nội giới thiệu ra bên ngoài.

Trong một thế giới mà lợi ích là ưu tiên, việc quan sát của năm nhà báo Liên minh châu Âu có thể là một thể thức ngoại giao bổn phận và tới đó cũng là đủ. Số phận của một vài con người ở Việt Nam, có lẽ cũng không quan trọng bằng kết quả của một hợp đồng của giới cầm quyền. Vì thịnh vượng, thế giới đang đi đến xu hướng bắt tay nhau thật chặt và cười tươi, cố tình quên lãng vùng bóng tối phía sau, vẫn luôn làm lấm lem trên chiếc cà vạt của chính họ, trong mọi câu chuyện.   

  

Saturday, July 4, 2020

Phật Giáo Hòa Hảo, tôn giáo dạy biết yêu đất nước


Phật Giáo Hòa Hảo, tôn giáo dạy biết yêu đất nước
Ngày 18 tháng 5 âm lịch hàng năm là ngày mà những tín đồ đạo Phật giáo Hoà Hảo (PGHH) vẫn làm lễ lớn, để tưởng nhớ Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ đã sáng lập ra hệ phái tín ngưỡng này. PGHH có tên gọi này, bởi được ghép từ hai ý nghĩa hiếu hoà và giao hảo để tạo nên chính lý. Sự có mặt của PGHH là một trong những chi tiết vô cùng độc đáo của lịch sử Việt Nam giai đoạn kháng Pháp, và xiển dương chủ nghĩa dân tộc chống độc tài.
Trong khi ở phía Bắc nổi lên Việt Nam Quốc Dân Đảng, thì ở phía Nam sự có mặt của PGHH là những lực lượng khiến cho người Pháp vô cùng lo ngại, và cũng là những cái gai trong mắt của tổ chức Việt Minh, tiền thân của đảng Cộng sản Việt Nam. Lý do đơn giản là PGHH tham gia tranh đấu với tiêu chí dứt khoát là dùng đạo nghĩa của người Việt để đoàn kết tương trợ lẫn nhau, và giành độc lập cho người Việt Nam, nước Việt Nam chứ không phụ thuộc vào một lý tưởng chính trị nào bên ngoài, và dứt khoát không chấp nhận độc tài.
Với những người không phải là tín đồ PGHH, chỉ riêng việc thu hút và thành công trong việc tạo ra một tập hợp rộng lớn, từ một vị thanh niên nho nhã, lúc chỉ mới 19 tuổi đã là một sự kỳ lạ đáng nể. Vào lúc khai đạo năm 1939, số người miền Nam theo đạo Phật Giáo Hoà Hảo đã lên đến vài trăm ngàn người. Có những buổi thuyết giảng, dân chúng kéo đến nghe đã chục ngàn người, khiến người Pháp ghép ông vào tội truyền bá chính trị và đưa đi giam lỏng ở Sa Đéc, Cần Thơ, Bạc Liêu… nhưng bất kể nơi nào có tin Đức Thầy đến, dân chúng tấp nập kéo về xin nghe thuyết giảng và xin được làm tín đồ.
Những lời kêu gọi yêu nước thương nòi như tố cáo hiện trạng của Đức Thầy, khiến người Pháp tức giận giam Đức Thầy vào nhà thương điên Chợ Quán. Tương tự như cách đã áp dụng với chí sĩ Phan Bội Châu, khi bắt cóc cụ ở Thượng Hải và đem về Hà Nội xử án (1925), người Pháp chuẩn bị bí mật đưa Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ qua Lào để tiêu diệt một nhân vật có ảnh hưởng đến phong trào đòi độc lập ở An Nam thì tin này bị lộ ra ngoài, nên các tín đồ PGHH đã tập trung đi giải vây cho ngài. Khí thế lúc ấy rất mạnh, không khác gì khi dân Việt Nam nghe tin Pháp định xử tử cụ Phan Bội Châu, thậm chí còn mạnh hơn vì có hiến binh Nhật tham gia.
Nhưng vì lý lẽ gì mà PGHH lại có thể thu hút lượng tín đồ nhanh và mạnh mẽ như vậy? Ngoài tài diễn thuyết, thuyết pháp bằng thơ văn, Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ còn đề ra những tiêu chí, kêu gọi mọi người phải luôn ghi nhớ bốn trọng ân của một người Việt, mà ngài nói rằng đã có từ thời Đức Thầy Tây An (tức người đã lập ra giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương – một người yêu nước và cải cách việc tu tập Phật giáo không cầu kỳ và hình thức).
Bốn trọng ân đó, còn gọi là Tứ Ân Đức, gồm
1. Ơn tổ tiên cha mẹ.
2. Ơn đất nước.
3. Ơn Tam Bảo
4. Ơn đồng bào và nhơn loại.

Thoạt nhìn, Tứ ân đức là những quy ước tu tâm, nhưng thật ra, ẩn sâu trong đó là chủ nghĩa dân tộc duy nhất. Phối hợp với việc giản đơn trong thờ cúng và màu nâu phục trang, đạo nghĩa làm người, đúng với tinh thần của người Việt, đã khiến người người kéo nhau đến tham gia.
Chuyện kể rằng có một người gốc Hoa vì quá hâm mộ Đức Thầy nên xin theo đạo, nhưng lại không thể ăn chay được. Ông này đến vấn ý và khóc nói rằng không hiểu vì sao không nhịn ăn thịt nổi theo lời dạy. Đức Thầy bèn hỏi rằng ông ta một tháng ăn được mấy ngày; vị này nói mỗi ngày chỉ ăn được một buổi thôi. Đức Thầy cười và nói “vậy chú đã ăn được đến 15 ngày trong tháng rồi, vậy cũng là tốt quá so với nhiều người, nên có gì là buồn?”. Kể vậy, để biết sự đơn giản và gần gũi của PGHH từ ngày ấy rất thích hợp với người Nam Bộ, nên đã thu hút được rất nhiều tín hữu.
Tư tưởng Tứ ân đức, ngay từ đầu, đã khác biệt với lý tưởng hy sinh cho quốc tế cộng sản của Việt Minh đã khiến cho PGHH và Việt Minh đi vào chỗ xung đột một mất một còn. Năm 1945, sau khi tiếm quyền từ vua Bảo Đại, những người cộng sản đã ra sức tiêu diệt những ai bị coi là đối thủ, vì không muốn mất sức cho công cuộc nhất nguyên về sau. Nhiều cuộc ám sát hay xử tử công khai là chuyện đã xảy đến với không ít người Việt trí thức, yêu độc lập, một cách vô lý và bất ngờ. Chẳng hạn như ở ngoài Bắc, Nguyễn Bá Trác (1881-1945) bị Việt Minh lôi ra xử bắn ở Bình Định vì tội làm việc với người Pháp. Ở trong Nam, em trai của Đức Thầy là Huỳnh Thanh Mậu, anh họ của học giả Nguyễn Hiến Lê là Nguyễn Xuân Thiếp bị kết tội muốn lật đổ Việt Minh nên bị xử bắn ở Cần Thơ. Tất cả những vụ như vậy, chỉ có lời kết án của toà án cách mạng, và không có nạn nhân nào được quyền biện hộ.
Nhưng vì sao giữa PGHH và Việt Minh, và sau đó là Cộng sản, lại có những xung đột dữ dội như vậy? Đơn giản là từ đầu, Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ đã xác định Việt Minh là một nhánh của Đệ Tam Cộng Sản. Vốn có một lực lượng vũ trang được hình thành cho việc kháng Pháp, sự hùng mạnh của PGHH cũng trở thành một đối thủ, mà Việt Minh biết là cần phải dẹp bỏ bằng bất cứ giá nào.
Chính vì vậy, ngày 8 tháng 9/1945, nhìn thấy khuynh hướng độc đảng của Việt Minh, PGHH đã có một biểu tình – là cuộc biểu tình đầu tiên trong lịch sử Việt Nam không chấp nhận thể chế độc tài cộng sản, đòi hỏi một chế độ dân chủ – tại Cần Thơ. Theo báo chí lúc đó, đã có khoảng 20.000 người tham gia để biểu thị một tinh thần ôn hoà đòi độc lập và một chế độ dân chủ. Nhưng ngay sau đó, những tín đồ PGHH đã bị đáp trả: hàng ngàn người bị Việt Minh chận bắt hoặc giết chết.
Theo lời kể nhà văn Hứa Hoành, tác giả các sách như Biên Hùng Liệt Sử, Những Phú Hộ Lừng Danh Nam Kỳ, Các Giai Thoại Nam Kỳ Lục Tỉnh… thì khi đối mặt với Trần Văn Giàu, người đứng đầu Lâm Uỷ Hành Chánh của Việt Minh ở miền Nam, ông có hỏi rằng “Sao cách mạng thành công rồi mà còn giết quá nhiều người có tài, có đức?” Thì Trần Văn Giàu trả lời rằng “Cách mạng cần đức để làm gì? Có cuộc cách mạng nào mà không giết người?”.
Một ngày sau, ngày 9-9-1945, Việt Minh tổ chức vây bắt Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ ở số 8 Sohier, góc đường Miche nhưng không thành công. Từ đó, sự xung đột giữa Việt Minh và PGHH ngày càng lên cao, khi các lực lượng vũ trang của PGHH bắt đầu ăn miếng trả miếng các cuộc tấn công, đặc biệt khi Trần Văn Giàu tung tin tuyên truyền là PGHH chuyên giết người ăn thịt.
Năm 1947, vì muốn hoá giải sự xung đột đẫm máu này, Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ đến Đồng Tháp Mười, để gặp Bửu Vinh, đại diện của phía Việt Minh để bàn hòa ước. Lúc đi, ngài chỉ mang theo 4 người hộ vệ, chèo xuồng vào nơi họp. Chuyện xảy ra lúc khoảng 8g tối, khi cuộc thảo luận chưa dứt, đột nhiên xuất hiện 8 người của bên Việt Minh xông vào đâm, bắn. Duy chỉ có một hộ vệ duy nhất là anh Phan Văn Tỷ thoát được, là người kể lại sự việc lúc ấy. Anh Tỷ còn thấy trong lúc hỗn loạn, chính trị viên đại đội 66 của Việt Minh là Đào Công Tâm giơ súng ngắn nhắm vào Đức Thầy, nhưng Đức Thầy đã nhanh tay hất tắt ngọn đèn khiến trong phòng tối om, không còn ai biết gì sau nữa. Hôm đó là 16-4-1947.
Người cộng sản sau đó không xác nhận mình đã giết Đức Thầy, còn phía tín hữu PGHH thì cũng không tin Đức Thầy đã chết. Đó là một bí ẩn lịch sử mà chắc nhiều thập niên nữa mới có lời đáp. Người PGHH còn tin rằng, với sự kiêu ngạo của cộng sản lúc ấy, nếu giết được Đức Thầy, họ sẽ trưng ra bằng chứng để bóp chết mọi niềm hy vọng của gần 2 triệu tín đồ Hoà Hảo lúc ấy.
Người thân của mình bị giết, tín đồ của mình bị hãm hại… đã có nhiều giả thuyết cho là nếu Đức Thầy còn sống, ắt ngài sẽ rất tức giận và trả thù, hoặc khuyến khích sự trả thù. Thế nhưng ngược lại, vào giai đoạn 1946-1947, khi mâu thuẫn lên cao, lòng người PGHH phẫn uất đòi đánh trả mạnh hơn, chính Đức Thầy có để lại hai câu thơ khuyên can rằng:
“Hãy thương lấy những Việt Minh
Đó là mặt trận của mình ngày sau”.
Đó là lịch sử. Và lịch sử cần được kể đúng, nghĩ đúng. Vì lịch sử không phục vụ cho một ai, hay cho một chế độ nào, mà lịch sử là bài học cho một Việt Nam tương lai, bất luận đau đớn hay phũ phàng thế nào.