Để nhắc về chuyện “người”, cũng nên nhắc qua về chuyện ông
Phạm Văn Đồng đi Pháp vào tháng 4 năm 1977, khi được báo chí phỏng vấn về chuyện
sau khi vào được miền Nam, chính quyền Bắc Việt đã đưa hàng trăm ngàn người miền
Nam đi tù, gọi là “học tập cải tạo”, ông Đồng đã trả lời bằng tiếng Pháp, rằng “chúng
tôi gọi đó là những trại phục hồi, một quan niệm cực kỳ nghiêm túc về nhân quyền”.
Ông Đồng mô tả rằng những người được đưa đi “phục hồi” đó là
những kẻ “tội ác tày trời”, nhưng không nói rõ là tội ác với ai. Ông so sánh chính
thể miền Nam như một chế độ Đức Quốc Xã.
“Những người này, chúng tôi cho họ một cơ hội để trở lại làm
người”, ông Đồng trợn mắt, chỉ tay, nhấn mạnh, về những người đang bị giam giữ.
Theo trang Việt Nam Sử Liệu, sau năm 1975, các trại “cho trở
lại làm người” ấy đã giam nhốt hàng trăm ngàn sĩ quan , kể cả các viên chức dân
sự từng phục vụ chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Những người này phải đi học tập
cải tạo ở những trại tập trung rất xa gia đình, mà trong một thời gian dài khởi
đầu, không ai biết tung tích của họ ở đâu, sau khi bị lừa bằng những cuộc trình
diện ngắn hạn, rồi bắt đi. Cho đến nay, người bị học “trở lại làm người”, lâu
nhất là 17 năm , được ghi nhận từ hồ sơ H.O (Humanization Organization ) của
Bộ Ngoại giao Mỹ .
Cũng đã có rất nhiều người chết trong khi đi “học làm người"
như vậy.
Năm 2001 , báo Orange County Register của Mỹ đăng một loạt
bài về cuộc đời của những người từng sống trong trại cải tạo ở Việt Nam . Kết
quả tìm hiểu của tờ báo từ năm 1975 đến năm 2001 cho biết ước tính một triệu
người bị giam giữ mà không có cáo buộc chính thức hay được xét xử và 165.000
người chết. Tài liệu gốc có thể tham khảo ở đây https://bit.ly/3eRDHYP
.
Theo các nhà phân tích thì việc bị giam giữ dài hạn, và thường bị chuyển từ
trại này sang trại khác có dụng ý chia cắt để tù nhân, không liên kết với nhau
được và đường dây liên lạc với gia đình thêm khó khăn, tạo mặt bằng nhân tâm của
miền Nam suy sụp. Đến năm 1980, Hà Nội xác nhận là còn khoảng 26.000 người bị
giam, nhưng giới ngoại giao thì tin rằng con số thật cao hơn nhiều (“Le Livre
Noir du Communisme: Crimes, Terreur, Répression do Robert Laffont”, S.A, Paris
xuất bản lần đầu năm 1997-Phần IV về Á Châu).
Ông Phạm Văn Đồng (1906-2000) là thành phần Cộng sản phiên bản
gốc, đi theo con đường của Hồ Chí Minh từ năm 1925. Năm 1926, ông được đào tạo
tại Quảng Châu, Trung Quốc, và cũng là người được lịch sử đảng Cộng Sản Việt
Nam ca ngợi là người học trò giỏi của ông Hồ Chí Minh. Ông cũng được đặt bí
danh theo họ, kiểu như người Hoa, là đồng chí Tô.
Việc đưa hàng trăm ngàn người miền Nam đi “học trở lại làm
người” (có tài liệu cho rằng con số gần 1 triệu người) được biết chủ trương kiểm
soát con người và thực địa, dựa theo các Nghị Quyết cũ, số 49-NQTVQH ngày
20-6-1961 và Thông Tư số 121-CP ngày 8-9-1961 để đưa những người Cộng hòa Miền
Nam có nguy cơ chống cộng đi “học tập cải tạo”, cũng từ sự cổ vũ của ông Phạm
Văn Đồng. Những nghị quyết như vậy, với ông Đồng, cũng đưa rất nhiều người miền
Bắc trong các thời kỳ Nhân văn Giai Phẩm, Xét lại chống đảng… đến chỗ lưu đày
hay giam hãm.
Cũng nên nhắc về các “trại phục hồi” ấy, một trong những
nhân vật tiêu biểu bị đưa đi “học làm lại cách làm người” như ông Đồng nói, là
một người kiến tạo môi trường giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa. Hay chính xác
hơn, là Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân - Tổng trưởng Văn Hóa - Giáo dục - Thanh niên của
Việt Nam Cộng hòa.
Ông là một học sĩ, tốt nghiệp các văn bằng về kinh tế, giáo
dục ở Pháp, Anh và Mỹ, rồi ông về nước, bắt đầu phụng sự cho giáo dục tại Việt
Nam từ năm 1963. Những gì mà ông để lại cho miền Nam là không kể xiết, bởi mục
đích của Giáo sư Nguyễn Duy Xuân là nhằm xây dựng một tương lai mới của Việt Nam,
với con người và tri thức tốt nhất để phát triển đất nước, nhất là một mai, khi
quê hương thôi chiến tranh.
Cũng nhờ giáo sư Nguyễn Duy Xuân, mà Cần Thơ với hệ thống đại
học và ký túc xá, các cơ sở thiết bị phụng sự nghiên cứu, giáo dục tốt nhất, đã
thoát khỏi vị trí một miền quê hẻo lánh trở thành Tây Đô, vượt lên cạnh tranh với
cả Sài Gòn. Đi xa học hỏi và thành đạt, nhưng ông không quên tìm cách, dựng xây
chốn quê nghèo nàn của mình ngày xưa.
Giáo sư Nguyễn Duy Xuân cũng bị coi là thành phần “tội ác
tày trời” và phải đi học “trở lại làm người” trong một chế độ lao tù hà khắc. Là
một người hoạt động tri thức, chân yếu tay mềm, giáo sư Nguyễn Duy Xuân đã
không chịu đựng nổi những ngày tháng sau 1975 ấy. Ngày 10 tháng 11, 1986, ông trút
hơi thở cuối cùng tại trại tù Ba sao, Hà Nam vì bệnh tật và suy kiệt. Đến năm
2015, gia đình của ông mới nhận lại được tro cốt, chuyển từ xe lửa từ trại giam
Nam Hà về Sài Gòn. Dù gia đình (vợ và hai cô con gái) của giáo sư Nguyễn Duy
Xuân nay đã định cư ở Pháp, nhưng phải để lại phần tro bụi của giáo sư tại một
ngôi chùa ở quận Bình Thạnh, bởi ước nguyện cuối cùng của giáo sư là sống làm
người Việt, thì chết cũng sẽ phải nằm lại trên đất Việt. Nếu có một kiếp sau,
ông lại tiếp tục phụng sự cho quê hương mình.
Trong suốt cuộc đời, giáo sư Nguyễn Duy Xuân chưa bao giờ cầm
súng bắn ai. Ông cũng chưa bao giờ ký một lệnh nào để làm hại ai hay thiệt hại
cho tổ quốc mình. Ông chỉ là một người yêu nước, yêu sự phát triển văn minh và
yêu hòa bình. Ấy vậy mà, ông bị coi là “tội ác tày trời” và bị đưa đi “học để
có thể trở lại làm người”.
“Người” được định nghĩa thế nào, là ai, theo dòng lịch sử?
Tôi muốn nhắc lại về một con người Việt Nam đáng kính trọng,
nhưng có thể lãng quên. Tôi không còn đủ sức để căm ghét hay hận thù, với những
thứ diễn ra chung quanh mình từ thời ấu thơ cho đến nay, nên tôi chỉ còn dành sức
để tiếc thương, để nhớ và kể về những gì tốt đẹp nhất mà con người Việt Nam đã
có.
Và đã bị hủy diệt.