Monday, March 30, 2020

Thông điệp trong mùa dịch của Đức Đạt Lai


Giữa sự sợ hãi lan tràn về một địa cầu bị bao vây bởi dịch bệnh, Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận được vô số thư hỏi rằng phải làm sao, vì sao, và quan trọng nhất là nỗi lo âu đến từ năm châu.

Trong thời đại này, giữa lúc dịch bệnh xô loài người đến bờ vực sinh tử, mọi biểu hiện bản năng con người đã lộ diện rõ: sự căm ghét, kỳ thị, ích kỷ, điên cuồng... đang bùng phát bên cạnh lòng yêu thương, sự chia sẻ và đức hy sinh. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gửi đến một thông điệp không hoàn toàn ý nghĩa tôn giáo, mà bằng suy nghĩ của một trí giả, của một người đã đi qua vô vàn khốn khó... để nói lại, hy vọng thông điệp lan xa hơn các hố ngăn cách bởi các diễn đạt chia rẽ tôn giáo hay nhận định đen tối nào khác.

---------

Ngài đã viết một lá thư chung để trả lời tất cả. Xin được chuyển lại một phần, như sau:

"Tôi có được sự an ủi lớn lao, nhờ vào lời khuyên trí tuệ để quán sát những vấn đề trước chúng ta: “Nếu việc gì có thể làm được-thì hãy làm, không cần lo lắng; Nếu không làm gì được nữa, lo lắng sẽ không giúp ích gì”

Mọi người hiện đang cố gắng hết sức để ngăn chặn sự lây nhiễm coronavirus. Tôi hoan nghênh những nỗ lực phối hợp của các quốc gia để hạn chế mối đe doạ. Đặc biệt, tôi cảm kích Ấn Độ khởi đầu liên kết với các quốc gia SAARC khác để thành lập quỹ khẩn cấp và trạm điện để trao đổi thông tin, kiến thức và chuyên môn nhằm khắc phục sự lây lan của Covid-19. Đây sẽ phục vụ như một mô hình để đối phó những khủng hoảng như vậy trong tương lai.

Tôi biết rằng hậu quả của việc cần thiết phong tỏa - lockdown toàn thế giới, dẫn đến nhiều người đang đối mặt với những khốn khó to tát do mất sinh kế. Đối với những người không có cuộc sống thu nhập ổn định, họ phải chống chọi từng ngày để sống còn. Tôi tha thiết kêu gọi tất cả những ai quan tâm hãy làm bất cứ điều gì có thể làm để chăm sóc những thành viên yếu kém dễ bị tổn thương trong cộng đồng của chúng ta.

Tôi đặc biệt tri ân các nhân viên y tế-bác sĩ, y tá và các nhân viên trợ giúp khác, những người đang làm việc trên tuyến đầu cứu sinh mạng có nguy cơ lớn đối với cá nhân họ. Tinh thần phục vụ cống hiến của họ thực sự là hành động đong đầy tình thương đáng xúc động.

Với cảm xúc chân thành thương lo cho anh chị em trên khắp thế giới đang trải qua thời kỳ gian khó này, Tôi cầu nguyện đại dịch này sớm kết thúc. Mong sớm khôi phục bình an và hạnh phúc của các bạn.

Lời cầu nguyện của tôi'

--------

(SAARC: South Asian Association for Regional Cooperation - Hiệp hội Hợp tác khu vực)

Saturday, March 14, 2020

Làm người Việt không dễ

— Chào 45 năm, sự biến mất của một nước Cộng hòa miền Nam —


Tôi là ai, giữa dòng định mệnh mang tên Việt Nam? Câu hỏi đó vẫn theo đuổi tôi, buộc tôi phải luôn nhìn lại mình, nhìn những khát vọng co rút lại như miếng da lừa, và đếm lại tuổi trẻ hoang phí, ngu ngơ trước cối xay gió thời cuộc bên đường.
Ký ức lớn nhất của những ngày thơ ấu mà tôi luôn bị ám ảnh, đó là một buổi sáng nắng gắt, trên mặt đường đầy quân trang vứt la liệt khắp nơi. Tiếng người gọi nhau. Tiếng xe hỗn loạn. Tay mẹ nắm chặt tôi như sợ tôi vụt mất đi, y như một quốc gia miền nam Việt Nam đã tan biến kỳ lạ sau cuộc chiến tranh dai dẳng hai mươi năm.
Từ lúc đó, tôi lớn lên, loay hoay nhiều năm với việc lựa chọn mình phải là gì, phải như thế nào để được chấp nhận là một sinh linh hợp pháp trong một quốc gia mới, có tên Cộng sản.
Cuộc sống của một người Việt Nam không đơn giản đâu bạn ạ. Nếu mười năm hay hai mươi năm nữa, khi được hỏi, tôi cũng sẽ nhắc lại, y như vậy không khác gì. Nhưng chúng ta vẫn có thể vẽ lại nó.
Năm lớp ba, tôi học ở ngôi trường cách không xa trung tâm Sài Gòn, nhưng hẻo lánh và nghèo nàn như một ngoại ô. Thằng bạn cùng tuổi có cuốn truyện tranh của chế độ mới, kể về anh bộ đội chiến đấu giỏi, mà tôi mượn mãi không được. Cuối cùng thì nó đồng ý cho mượn xem, nếu như tôi mang đồ ăn cho nó. Ấy vậy mà sau khi ngồm ngoàm hết món tôi đưa, nó vẫn không cho mượn. Giận quá, tôi gào lên với nó bằng một câu nói mà thời đó, tôi hay nghe người lớn chỉ vào mặt nhau: “Đồ bợ đít cộng sản”.
Thằng bạn cũng nổi giận- dường như câu nói đó vào cuối những năm 1970 là rất nặng nề thì phải. Nó lập tức chạy vào lớp và kể với cô chủ nhiệm rằng tôi đã gọi nó là “cộng sản”. Bà cô nghiêm mặt, trầm giọng nói tôi ở lại cuối giờ để nhận mức trừng phạt.
Tôi sợ hãi, co ro ở cuối lớp và chờ sự trừng phạt vào chiều hôm ấy. Thế nhưng kỳ lạ thay, cô chủ nhiệm nhìn quanh khi không còn ai, bước tới nắm tay tôi, nói dịu dàng và lo lắng: “Con không được nói như vậy nữa, rất nguy hiểm biết không?”. Sau này, tôi mới biết cô có người em trai là sĩ quan của chế độ cũ phải đi tù- mà nhà nước mới gọi là học tập cải tạo.
Nhà trường vẫn là nơi đổ đầy vào đầu trẻ con miền Nam những câu chuyện thú vị về những con người mới đến từ miền Bắc, về một ông cụ có râu dài, da mặt hồng hào được gọi là Bác Hồ.
Là trẻ con, tôi cũng bị hút theo những điều mới lạ như vậy. Một ngày kia, tôi đeo khăn quàng đỏ chạy về nhà ăn cơm với mẹ và các chị. Tôi khoe học được rất nhiều điều, và kể cho mẹ tôi “Bác Hồ biết nói đến sáu mươi thứ tiếng, trong khi Đức Giáo Hoàng chỉ biết có năm thứ tiếng thôi, thầy con nói vậy”. Cả nhà tôi im lặng ăn, không ai nói với ai tiếng nào. Nhà tôi lúc đó vắng người. Các anh rể thì đi học tập cải tạo, còn các chị thì đang ngồi tù vì vượt biên không thành.
Sau các câu chuyện kể từ bài học mới của tôi, mang từ nhà trường xã hội chủ nghĩa về, ở nhà có thêm những tiếng thở dài.
Dù chỉ là trẻ con, tôi vẫn nhận ra có những điều gì đó mâu thuẫn, rách nát trên một bề mặt cuộc sống được đậy kín, ca vang những bài ngợi ca đời mới tươi đẹp. Nó là tiền đề để tôi nhìn, nhận thức của mình bị cào cấu, và cuối cùng nát vụn mọi thứ trong tôi qua từng niên kỷ, khiến tôi phải tự khâu vá đời mình cho đến hôm nay.
Cuộc sống niên thiếu trôi qua lãng đãng trong thống khổ. Tôi nhớ những chén bo bo dành cho ngựa ăn với đường chảy mà Liên Xô viện trợ cho Việt Nam vào những mùa miền Nam đói quặn. Tôi nhớ những ngày xếp hàng rã rượi để lãnh được mấy ổ bánh mì theo nhân khẩu, vác vội về nhà rồi ăn ngấu nghiến như ngày mai là tận thế. Tôi nhớ những đêm bọn trẻ đua xe đạp điên cuồng, gào thét trong những đêm cúp điện triền miên để giải trí.
Nhà trường, các anh chị cán bộ dạy dỗ nói rằng tội ác xâm lược của bọn bành trướng Bắc Kinh khiến người Việt Nam phải chịu khổ như vậy. Mọi người nghe, và hò hét vỗ tay như trò giải trí của bọn trẻ chúng tôi vào những đêm cúp điện, nóng hực.
Rồi mọi thứ dần đổi thay, tôi cũng đổi thay.
Thật cám ơn những thùng sách vở từ chế độ cũ mà gia đình tôi, mẹ tôi quyết tâm giấu giữ lại, bất chấp việc truy lùng, bắt, đốt của chính quyền như thời chống dị giáo. Như đứa trẻ may mắn tìm được lối đi bí mật đến được vùng đất phép thuật Narnia, tôi tìm thấy một thế giới khác cho mình, chìm đắm vào đó. Thậm chí có những ngày tôi trốn học về nhà chỉ để ôm sách ra vườn đọc.
Sách giúp tôi vượt qua những bữa ăn cơm độn khoai lẫn cát. Sách giúp tôi chỉ hô vang một lần ở những buổi mít-ting bắt buộc, rồi dành thời gian để quan sát đám đông đỏ mặt, hổn hển vô nghĩa.
Từ sách, tôi biết nước Việt mình rõ hơn. Biết số phận dân tộc mình nhiều hơn, và ý thức được về bản thân mình trong một nhà nước cộng sản là như thế nào. Và tôi cũng biết nhiều hơn về ông cụ có bộ râu dài, da mặt hồng hào, mà mọi người gọi là Bác Hồ.
Không biết từ khi nào, tôi đã bị ám ảnh về sự thật. Và thật may mắn- hay xui rủi, tôi cũng không biết- tôi lại khao khát muốn được sống cuộc đời cống hiến cho hiện thực. Tôi muốn làm một công dân Việt nói lên sự thật và trình bày những gì tôi thấy, bất chấp điều đó có thể tước quyền, không cho tôi làm thần dân trong vương quốc Cộng sản.
Tôi là ai vậy? Có lúc tôi tự hỏi.
Mang trong đầu đầy những điều khác lạ so với các bài giảng, với nhà trường, với các buổi học chính trị, và âm thầm khác biệt ngay cả trong thời kỳ tôi được ưu ái, bầu chọn là phó bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản, được coi là “hạt giống quốc gia”.
Những ngày tháng đó, tôi cũng đã tự hỏi mình: phải ra sao? Và khi nào thì có thể sống nguyên vẹn là mình mà không cần tung hô, là một người Việt Nam thuần túy với danh dự, trách nhiệm và duy chỉ tổ quốc mà thôi?
Nhiều năm trước, khi được gọi là nhà báo và là nghệ sĩ, tôi thấy mình quá mệt mỏi với trò hai vai trong một vở kịch đời, nên tôi tự quyết định rút lui và chỉ chọn một bộ mặt để sống. Một trong số rất đông học trò của tôi lúc ấy, dũng cảm nói thẳng vào mặt tôi rằng “Tội nghiệp thầy, nếu thầy không phản động, thầy đã có hết mọi thứ”.
Thật là một nhận xét đáng nhớ và cần thiết.
Tôi có hèn yếu không, khi không gánh nổi cái trò một đời-hai vai mà hàng triệu người già trẻ Việt Nam vẫn đang làm, hay bị buộc phải vào vai? Chọn một bộ mặt đúng như mình muốn, tôi đã nếm thất bại rất nhiều, từ chuyện bị đuổi việc liên tục hết nơi này đến nơi khác, bị hành hạ tinh thần bởi các cơ quan văn hóa lẫn an ninh…
Hóa ra, đôi khi không nhận hai vai, mọi thứ lại còn phức tạp hơn, nhất là trong cuộc sống phải được cho phép từ một nhà nước độc tài.
Có những lần nghĩ ngợi như vậy, tôi thường tự đặt câu hỏi rằng, một trí tuệ như đại công thần Nguyễn Trãi, khi đón Lê Thái Tông ở Chùa Côn Sơn, ắt đã biết lành ít dữ nhiều. Vậy sao Nguyễn Trãi không cúi đầu van xin, không quỳ xin sống? Người có thể viết một bản văn, đã xua được cả một đạo quân phương Bắc lại không cất lời thuyết phục vua?
Chắc chắn vì Nguyễn Trãi không thể sống hai vai. Kẻ sĩ có thể mang nhiều giai đoạn của thời thế trong đời mình, nhưng chỉ có một bộ mặt để ngẩng lên và cất tiếng cười ngạo nghễ với đời.
Thầy Thích Tuệ Sỹ cũng ghi lại những câu chuyện như vậy, và trong bài Trí Thức Phải Nói, thầy viết: “Nhưng tôi biết rõ một điều, và điều đó đã được ghi chép trong lịch sử: trí thức chân chính của Việt Nam không bao giờ khiếp nhược”.
May mắn thay, tôi biết viết, biết đọc, và hơn nữa, tôi là người Việt Nam. Giờ thì tôi chỉ còn phải cố gắng tập để mình không khiếp nhược, và giới thiệu sự không khiếp nhược đó cho những người chung quanh, đặc biệt trước thời đại cái ác ngày càng lộ nguyên hình.
Ai đó đã gửi đến một câu hỏi cho tôi “Người Việt hiện nay cần nhất là điều gì?”. Đó là câu hỏi rất lớn, mà cũng rất nhỏ.
Người Việt hôm nay đã có đủ tất cả, và thậm chí dư thừa hơn ngày trước rất nhiều. Từng bữa ăn của đầu thập niên 1980, gia đình tôi phải dành miếng thịt ít ỏi có được cho bà ngoại, đau yếu quanh năm. Nhưng những đưa trẻ hôm nay đang phát ốm vì được ép ăn quá nhiều thịt. Không những vậy, hãnh tiến nhiều hơn, chia rẽ nhiều hơn và thù hận vì lý tưởng cũng được tổ chức công phu hơn ở cấp nhà nước.
Người Việt cần nhất điều gì? Tôi chỉ xin chọn một điều, đó là người Việt trở về là người Việt, biết chọn lẽ phải và sự thật, biết nổi giận trước cái ác và biết nhục khi còn bao biện trong việc quỳ gối trước cường quyền.
George Orwell kể rằng khi những con lợn con được nuôi dạy và quay lại trang trại, chúng chỉ còn biết máng ăn và tuân lệnh.
Người Việt phải là người Việt thì mới có thể chọn những thứ khác hơn là máng ăn và thuần phục. Người Việt phải là người Việt mới có thể nhìn vào núi sông, tổ tiên ngàn năm đã đổ máu để gìn giữ sự tự do cho con cháu hôm nay.
Vì sao đó là điều cần nhất?
Vì bởi một tương lai sẽ tới của một dân tộc Việt tự do và trường tồn với lòng kiêu hãnh, không cần những kẻ đã quen làm nô lệ, không cần những kẻ hai vai, hai mặt. Đất nước phát triển lộng lẫy làm gì khi con dân Việt trở thành bầy đàn đớn hèn và chỉ còn biết máng ăn của mình?
Khi đọc đến đây, ai đó sẽ nói rằng tôi đang chống cộng? Nhưng đúng nhất, là tôi chống sự mất mát của người Việt, mất mát màu da, tiếng nói mà tôi đã nhận mình là một phần trong đó.
Sinh ra làm người Việt là điều không thể chọn, tôi thấy mình đã đứng trong đời Việt như một định mệnh đầy biến động và trắc trở. Nhưng dù định mệnh như thế nào, thì chúng ta vẫn có thể chọn không làm kẻ hèn, không làm nô lệ cho bất kỳ ai, cho triều đại nào.
Cộng sản cũng là những người đã chọn hai vai: giả vờ yêu nước và mưu mô cầm giữ quyền cai trị mãi mãi với dân tộc. Nhưng rồi cũng đến lúc họ phải chọn một, và một đó thuộc về sự thật.
Không có gì không thể thay đổi- lịch sử đã cho thấy như vậy- và mỗi người Việt đều có thể thay đổi bản thân mình từ một kẻ vong quốc, vô dân tộc ngay trên quê nhà, trở lại là một người Việt đúng nghĩa.
Từng niên kỷ, tôi đã đập vỡ sự hào nhoáng ngu muội của mình, bật máu, rồi khâu vá lại mình.
Một buối sáng mùa xuân, tôi soi lại mình trong gương. Tôi là tôi tầm thường, tôi dại dột giữa khó khăn, tôi không thể nhận ơn huệ từ kẻ khác, nhưng tôi đã trên con đường trở về nơi chốn của mình: Tôi là người Việt.
———–
(tựa khác: TỪNG THIÊN NIÊN KỶ, KHÂU VÁ LẠI MÌNH)

Saturday, March 7, 2020

Nạn nhân thứ 17.



Câu hỏi hiện nay là tại sao rất nhiều người Việt Nam trong nước rất đồng lòng cùng truyền thông nhà nước xác định cô Nhung là đối tượng lây lan nguy hiểm nhất từ khi có dịch đến nay. Và mọi thông tin về cô ấy đều do nhà nước tiết lộ là chính.

Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, khi facebook và các trang mạng khác dẫn hình riêng tư của cô Nhung, người được báo chí nhà nước, các KOLs (Key Opinion Leader) tung ra, mô tả cuộc sống giàu có, đi nhiều nước trên thế giới, một làn sóng chỉ trích và nguyền rủa nạn nhân Coronavirus này tăng đến không thể ngờ.

Điều quan trọng, là cô Nhung về từ Ý, cùng chuyến bay với các quan chức cấp cao, mà tin tức nhiễm bệnh của họ được sắp xếp đưa ra, sau khi công bố mang tính áp đặt là cô ta đã lây cho tất cả.

Hãy thử nhìn lại, trong chuyến bay đó vào VN, có thể chính các quan chức là nguồn lây lan nhưng không thể tiết lộ. Họ cũng là những người được ra vào một cách tự do không cần bị cách ly, và virus Corona thì phát bệnh ở mỗi người với số thời gian khác nhau là diễn biến có thật.

Việc đòi hỏi một người thường dân có ý thức là đúng, nhưng cũng cần đặt vấn đề lớn hơn nữa về ý thức của các quan chức chính quyền. Không có nghĩa một quan chức vô ý thức lây bệnh là tội nhẹ hơn một dân thường.

Đáng chú ý, trên các diễn đàn tập trung giới DLV, cách tập trung miệt thị, tạo cảm giác tức giận chung cho đám đông, khẳng định như hoàn toàn mọi thứ tội ác là từ người phụ nữ này. Không thể không nhận thấy sự thành công của làn sóng công kích, mà mọi chứng hay hình ảnh về nạn nhân được tung ra từ từ rất chủ ý. Áp lực lớn đến nỗi nạn nhân thứ 17 tại Việt Nam phải viết trên trang facebook cá nhân của mình, xin lỗi tất cả mọi người.


Một ví dụ về cuộc tấn công trên không gian mạng


Trong khi đó, các quan chức cùng nhiễm bệnh – công bố chậm hơn – thì hoàn toàn im lặng.

Với Coronavirus, từ tháng qua, các nhà khoa học đã chứng minh sự phức tạp của lây lan. Thời gian nhiễm bệnh, ủ bệnh và phát bệnh đều có những sai biệt khác nhau ở mỗi người. Nên ở đây, các tạo truyền thông định hướng và lập luận một chiều là chỉ có cô Nhung lây cho các quan chức – chứ không ngược lại, khó đứng vững trong trường hợp này.

Lại những thông tin từ nhà nước phát đi nói rằng cô Nhung đã đi lại và tiếp xúc rất nhiều người. Nhưng cũng không có nghĩa là các quan chức và những người khác thì ở một mình.

Để củng cố cho việc kết tội. Đã có nguồn tin tung ra, nói chị cô Nhung ở nước ngoài cũng đã mắc bệnh.

Truyền thông nhà nước và những KOLs có chủ đích đã làm rất tốt công việc của mình trong việc che đi hình ảnh các quan chức và những nhân vật khác trong chuyến bay về Việt Nam. Điều không ai nhắc đến, và phải đặt thành vấn đề hình sự, là vì sao tất cả những người mắc bệnh chung một chuyến bay, đi vào Việt Nam, lại không có ai bị xét nghiệm, cách ly như những người dân thường. Chính các quan chức được ưu tiên đó, đang lây nhiễm trầm trọng hơn hết, sau khi vừa đáp xuống đã đi chào hỏi, dự hội nghị, bắt tay nhau… truyền thông của nhà nước cũng thú nhận như vậy.

Rất rõ, cô Nhung có thể là tác nhân, những cũng có thể một nạn nhân được chọn, trong bài tính có nhiều mục đích của truyền thông nhà nước.

Mọi thứ đều có thể - trong một thế giới thông tin vừa đầy đủ vừa thiếu thốn - và điều cần thiết là phải soi chiếu sự kiện trên một bàn cân độc lập, nhìn thấy nó, và đứng ngoài những trò chơi thao túng quen thuộc.

Điểm tan vỡ từ những khác biệt




Sự kiện một người phụ nữ thuộc giới thượng lưu của Việt Nam đột ngột ngã bệnh, dẫn đến sự hoang mang lan tràn trong dân chúng, cho thấy xuất hiện điểm tan vỡ của nhiều vấn đề tiềm ẩn, không chỉ là từ dịch bệnh, mà còn cả những điều âm ỉ trong lòng cuộc sống lâu nay.

Ngay trong đêm, khi người dân Hà Nội xao xuyến hỏi nhau về tin tức, đang lan đi đến mức chóng mặt, thì cũng lúc đó, các siêu thị, hàng buôn cũng bắt đầu đón làn sóng khách hàng mua đồ tích trữ, thậm chí tệ hơn, có cả những cả những gia đình chất đồ lên xe riêng, tháo chạy ra khỏi thành phố với dự đoán sẽ có những vùng cách ly mới hình thành.

Và cũng trong thời khắc ấy, các nhà lãnh đạo ở Hà Nội đã nhóm họp khẩn cấp vào lúc 10g tối, chuyện thật hiếm hoi từ hàng chục năm nay. Sáng hôm sau, lại họp. Việc hối hả ấy bộc lộ thấy rõ, phía chính quyền dường như đã có nhiều thông tin hay kịch bản nguy nan hơn những gì dân chúng biết.  Ấy vậy mà, mới tuần trước, phó thủ tướng Vũ Đức Đam còn mạnh dạn tuyên bố không có ai nhiễm nữa, Việt Nam sẽ là nước đầu tiên trên thế giới đã ngăn chận được nạn dịch.

Dĩ nhiên, bất kỳ ai tỉnh táo, cũng sẽ nhìn thấy tuyên bố lạc quan như ông phó thủ tướng Đam, hay nói quấy quá như ông thủ tướng Phúc về việc nguồn yểm trợ 50 tỷ USD cho các nước khó khăn chống dịch nhưng không có tên Việt Nam, là Việt Nam đã thành công chặn dịch trước thế giới, là những chủ trương và thái độ chính trị nhiều hơn là nhằm thành quả bảo vệ người dân. Ngay cả một quốc gia đóng kín cửa với thế giới như Bắc Hàn, hay tuyên bố thẳng thừng là bắn bỏ bất cứ người Trung Quốc nào xâm nhập bất hợp pháp vào Nga lúc này – không ai có đủ can đảm tuyên bố như vậy.

Dĩ nhiên, đủ hiểu biết, và đủ lo ngại cho xã hội, họ mới không thể mạnh miệng.

Đã có lời bàn, bối cảnh xã hội Việt Nam trước đại hội 13, thời điểm mà giới lãnh đạo cấp cao, ai cũng muốn chứng minh mình là người tốt nhất cho vị trí, luôn dẫn đến sự bất nhất tuyên bố và gây hỗn loạn trong suy nghĩ của người dân.

Cũng cần nhắc lại. Tháng 1-2020, khi thủ tướng Phúc khẩn cấp tuyên bố có thể sẽ áp dụng phương thức toàn dân đeo khẩu trang. Chỉ một tuần sau đó - hàng loạt các ngôn luận, mà cao nhất là từ Bộ Y tế, đã phản bác chuyện đeo khẩu trang. Thậm chí vào ngày 3-2, báo Thanh Niên còn có một bài như tạt nước “Đừng lầm tưởng đeo khẩu trang là phòng được virus corona”.

Ngày 24/2, thủ thướng Phúc tuyên bố rằng chưa thể chốt việc cho học sinh- sinh viên đi học lại vào tháng Ba, vì lo lắng thời điểm đỉnh dịch bùng phát. Nhưng chỉ hai ngày sau đó, xuất hiện lời tuyên bố của phó thủ tướng Đam rằng có thể Việt Nam sẽ tuyên bố là nước không có dịch, nếu trong 7 ngày không còn ai nhiễm nữa.

Rõ ràng, mọi thứ đối chọi nhau chan chát, giữa lúc hàng chục triệu người Việt ngay ngáy dõi theo truyền thông “chính thống” để lựa chọn cách bảo vệ mình. Những khác biệt trong phát ngôn đó,  cũng cho thấy, chính quyền đang nắm nhiều thông tin đáng lo hơn những gì người dân quyết, nhưng cũng từ đó suy đoán các tranh cãi mang tính chủ trương ổn định và chính trị đã luôn gay gắt với ý kiến khoa học và thực tế trong nội bộ của giới lãnh đạo cấp cao. Dĩ nhiên, điều nhìn thấy là các suy đoán lạc quan cố hữu cùng sự cấp bách của kinh tế, thường giành vị trí ưu tiên của các quyết sách.

Nhưng chuyện người phụ nữ từ Ý về, được ưu tiên không qua kiểm dịch, để rồi trở thành điểm tan vỡ của không gian mơ hồ của tin tức về dịch bệnh ở Việt Nam, cũng cho thấy các giai tầng của xã hội Việt Nam đã hình thành ổn định, theo một đường lối phản bội lại chủ thuyết của một quốc gia vốn có tuyên ngôn đấu tranh giai cấp.

Đây không phải là lần đầu tiên, và duy nhất, đã diễn ra những điều ưu tiên bất cần luật pháp và giá trị tôn nghiêm của một quốc gia – nếu như được gọi là một quốc gia.

Tháng 9/2019, câu chuyện 9 người nào đó – rất đặc biệt – đi chuyên cơ cùng bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội dã trốn ở lại Hàn Quốc, nhưng có lẽ mãi mãi người dân không bao giờ biết tên. Thô bỉ hơn, Tổng thư ký Quốc hội là ông Nguyễn Hạnh Phúc còn khẳng định là không thể tiết lộ thân phận của những người đó. Cả hệ thống Viện Kiểm sát, đại biểu quốc hội, báo chí “chính thống”… đều tê liệt. Sự nắm tay nhau im lặng trong cả nước, cho thấy xã hội Việt Nam đang có một giai cấp đỏ hàng ưu tiên tuyệt đối, được bảo vệ, được đứng trên luật pháp và đứng trên cả danh dự của một dân tộc.

Người phụ nữ về từ Ý, không phải là thủ phạm tội ác. Có thể chính cô ta cũng không biết mình đã nhiễm bệnh. Nhưng quyền lực ngầm ấy đã thành lệ, ban phát im lặng cho giai cấp đỏ ưu tiên ấy, cũng tiếp sức giúp cô ấy mang mầm bệnh vào cộng đồng. Đừng nguyền rủa người phụ nữ đang đau yếu, mà hãy tự hỏi vì sao cô ấy có thể ung dung đi qua mọi thứ từ máy bay đáp xuống Việt Nam chỉ bằng nụ cười và sự dễ dãi của cả hệ thống chính trị. Hãy tìm trên các trang mạng, nụ cười trên gương mặt của hơn 10.000 dân ở Vĩnh Phúc sau khi hết bị cách ly 20 ngày, bạn sẽ thấy đó là những nụ cười khác.

Ai đã tạo ra những sự khác biệt. Và ai phải chịu đựng những sự khác biệt trong xã hội Việt Nam?

Điểm tan vỡ, có thể chỉ là khởi đầu. Những mạch máu trong xã hội Việt Nam vẫn chảy, vẫn căng phồng cùng những áp lực chịu đựng của các bất cập, chờ đến ngày bùng phát, tan vỡ, mà câu chuyện diễn ra trong một ngày 6/3/2020 ở Việt Nam, đang giới thiệu cho việc phải nhìn lại mọi thứ, để thay đổi, trước khi quá muộn.