Friday, January 31, 2020

Chứng nhân của những điều bất khả




Hòa thượng Thích Thanh Tịnh viên tịch ngày 30-1-2020, mang theo mình một phần lịch sử của Phật giáo chân chính Việt Nam, cũng như mang theo một phần đời biểu trưng cho rất nhiều người, trước một bước ngoặt trầm luân của người dân miền Nam Việt Nam. Tại ngôi chùa Phước Bửu tại Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi mà ngài đã tìm đển để nương náu, chọn cho mình một cuộc sống lặng lẽ từ năm 2002 đến nay, ngài chống chọi với đủ các vết tích hằn thù trên thân thể mình, và cả những âm mưu hiểm độc của một thời kỳ đen tối sau năm 1975 mà nhà nước cộng sản Việt Nam nhắm vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất và các nhân sĩ, tăng sĩ Phật giáo.

Lần cuối cùng mà hòa thượng Thích Thanh Tịnh lên tiếng, xuất hiện trước truyền thông đại chúng là vào năm 2006, lúc đó, chùa Phước Bửu, một trong những chùa hiếm hoi còn lại, trung kiên và sừng sững với danh hiệu cơ sở thuộc Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Sự tồn tại của nơi này, và cả việc cho hòa thượng Thích Thanh Tịnh nương nhờ đã là cái gai trong mắt nhiều người có quyền thế. Hai lần trong đêm của năm 2006, chùa Phước Bửu bị đốt nhưng may sao cứu được. Là người luôn thức từ 2 giờ sáng để tụng kinh, hòa thượng Thích Thanh Tịnh nhận biết rõ sự kiện nên đã tham gia lên tiếng tố cáo âm mưu này, thành một trong những hồ sơ quan trọng được chuyển ra thế giới.

Cũng như nhiều tu sĩ, trí thức, thương gia… của miền Nam, mà cho đến nay vẫn chưa ai giải thích được là vì sao mình phải chịu kiếp nạn, phải chịu tù đày, hòa thượng Thích Thanh Tịnh cũng đã bị biệt giam nhiều năm, rồi bị kết án 15 năm tù vì tội danh chống chính quyền. Nhưng năm 2000 rồi ông được thả ra sớm vì lúc đó ngài sống như đã chết, thương tật và yếu ớt. Nhưng may sau, ông lại hồi sinh với đời.

Năm 1981, sau khi Giáo hội Phật giáo nhà nước, hay được người dân gọi là Phật giáo quốc doanh, được thành lập, các chuỗi kế hoạch nhằm xóa sổ các nhân sĩ, tăng già diễn ra quyết liệt. Trước tháng 9/1988, ngày mà nhà nước cộng sản Việt Nam kết án tử hình với các ngài Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát… đã có hàng loạt các cuộc bắt bớ, tra tấn và ép cung để ngụy tạo chứng cứ Giáo hội Phật giáo Thống nhất âm mưu lật đổ chính quyền. Hòa thượng Thích Thanh Tịnh là một trong những đích ngắm cho việc tra tấn, ép cung như vậy. Có lẽ những kẻ chủ mưu thấy sự hiền lành và cam chịu của ngài là một yếu tố dễ hoàn thành hồ sơ. Thế nhưng nhiều tháng liền, với hình thức tra tấn hàng đêm, treo đèn cao áp cách đầu có vài mươi phân, đánh đập để buộc nhận rằng Giáo hội Phật giáo Thống Nhất có tàng trữ vũ khí, âm mưu liên kết các nhóm phục quốc để lật đổ chính quyền cộng sản, hòa thượng Thích Thanh Tịnh vẫn nhất định không chịu khai gian. Dẫn đến khi ngài được trả tự do, mắt đã lòa, mọi hoạt động cần đến hệ thống thần kinh đều khó khăn.

Chỉ mới mùa thu năm ngoái, khi ngồi nắm tay Hòa thượng Thích Thanh Tịnh, hỏi về chuyện xưa, ông gật, và nói bằng tiếng nói đã bị vặn vẹo không rõ do trải qua quá nhiều cơn thập tử nhất sinh “Đúng rồi, con”. Ông hướng đôi mắt nhìn về một khoảng xa xăm nào đó của ký ức, rồi nói “buồn lắm”. Một giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt đầy những vết hằn, mà tôi tự hỏi không biết là tuổi già hay những khổ nạn đã khắc dấu muôn lối trên mặt ông.   

Chỉ thị số 20 của ông Lê Duẩn, dù được ký từ năm 1960, với sự thù ghét tôn giáo và chủ trương tiêu diệt tín ngưỡng, nhưng vẫn là tinh thần nòng cốt của các hoạt động thanh trừng, tiêu diệt sau 1975. Chùa chiền bị tịch thu, kinh sách bị đốt, các hòa thượng như Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ bị bắt giam, những người bất phục như Tuệ Sỹ thì bị tuyên án tử hình. Tương tự như hòa thượng Thích Thanh Tịnh, nhưng kém may mắn hơn là hòa thượng Thích Thiện Minh, đã bị tra tấn đến chết Trại thẩm vấn X4, đường Nguyễn Trãi, nay là Bộ Công An. Ông Đỗ Trung Hiếu, người nhận nhiệm vụ giải quyết số phận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, theo lệnh của Xuân Thuỷ, Bí thư Trung ương Đảng kiêm Trưởng ban Dân Vận, vì không chịu nổi gánh nặng này nên về sau, năm 1994, đã kể lại mọi thứ trong cuốn “Thống Nhất Phật Giáo” của ông ta.

Như các hòa thượng Thích Quảng Độ hay Thích Không Tánh, việc không có một mảnh giấy tờ tùy thân nào để chứng minh mình là một công dân trên đất Việt, cũng là tình trạng của hòa thượng Thích Thanh Tịnh. Viện vào các chi tiết pháp lý để gây khó, để không cấp cho bất kỳ loại giấy tờ nào cho việc an sinh, vốn vẫn thường thấy ở các hệ thống chính quyền địa phương lẫn trung ương, như một cách trả thù hèn mọn luôn dành cho các vị hòa thượng của Phật giáo không muốn bị thế quyền giam cầm tinh thần. Ngày hòa thượng Thích Thanh Tịnh viên tịch, việc chứng tử cho ngài khởi đầu đã gặp không ít khó khăn do toàn bộ chính quyền địa phương nơi chùa Phước Bửu từ chối, bởi ngài không được cấp bất kỳ giấy tờ tùy thân nào khi bị đẩy ra khỏi nhà giam với tình trạng thoi thóp.

Những lúc ngồi hầu chuyện hòa thượng Thích Thanh Tịnh, ông hay rơi nước mắt, và cười khi nghe kể về bạn bè, ngày xưa, và cuộc đời khi chưa phải qua kiếp nạn cộng sản. Tôi cứ hay nghĩ về một con người dễ mềm lòng và yếu đuối như vậy, sao lại có thể chịu đựng ngày qua ngày, vô vọng với những đòn tra tấn tàn bạo như vậy mà không ngã quỵ. Buổi chiều lần cuối cùng gặp ngài, sau khi ngồi một lúc lâu im lặng ngắm nhìn, tôi từ biệt ra về. Chợt ông nắm tay tôi, hỏi “cộng sản còn ác với dân không con?”. Không phải ông, mà tôi, nước mắt cứ chảy xuống, mà tôi sợ ông biết.

Tôi cứ định viết về ông, và những lần gặp mặt hữu duyên đó, nhưng không kịp. Khi nghe tin ông mất, thì chỉ còn biết viết vài dòng, kể lại những gì mình biết về hòa thượng Thích Thanh Tịnh như một lạy chào. Mà không chỉ lạy riêng ông, còn là lạy một phần lịch sử và khổ nạn của đất Việt, người Việt đã bước qua những chương bất khả tư nghị không bao giờ cũ.

Wednesday, January 22, 2020

Tết ở Đồng Tâm, ngày tháng này



Nhiều ngày sau cái chết của cụ Lê Đình Kình, một lực lượng hùng hậu tay sai tuyên truyền, hay còn gọi là dư luận viên, được động viên tham gia cuộc chiến trên không gian mạng, nhằm tạo ra nhiều kịch bản và hình ảnh về sự kiện 9/1/2020 ở Làng Đồng Tâm, Hà Nội.
Có ba mũi tấn công vào sự kiện đau thương này, đó là bôi nhọ và sỉ nhục cụ Kình, tiếc thương 3 công an viên chết ở Đồng Tâm, và khiêu khích, thách thức bất kỳ ai đứng về phía người dân Đồng Tâm và đồng thời chụp mũ là “chống chính quyền”. Đó là bài bản của giới tay sai tuyên truyền.
Nhưng sự thật có sức mạnh của nó. Sự thật để y nguyên sự lồng lộn của giới tuyền truyền tay sai trên không gian ảo, nhưng mọi câu chuyện thực tế của người dân, đều là sự đau xót cho các nạn nhân từ một cuộc chiến kỳ quái, dựng lên từ nhà cầm quyền.
Và dưới đây, lại là một ít sự thật chưa được kể, qua cuộc trò chuyện vào ngày giáp tết, với anh Trịnh Bá Phương, người trực tiếp truyền tải những sự kiện về Đồng Tâm lúc này.
Trong việc ngân hàng Vietcombank phối hợp ăn ý với công an để phong tỏa tiền phúng điếu cụ Lê Đình Kình, cho đến nay, đã có tin tức gì về việc hơn nửa tỷ đồng đó sẽ được trả lại không?
Vâng, vẫn không nghe tín hiệu gì từ công an về việc đấy. Khi công an bắt cóc cô Nguyễn Thúy Hạnh về đồn số 3 Nguyễn Gia Thiều, họ cũng đã không trả lời được ngay lúc đấy văn bản nào đã gửi cho ngân hàng để ra lệnh khóa tài khoản tiền phúng điếu. Phía ngân hàng Vietcombank cũng vậy. Mọi thứ là không có luật pháp.
Nhưng công an có hỏi cô Nguyễn Thúy Hạnh là nếu bây giờ cho rút tiền, thì cô Hạnh sẽ làm gì, có chuyển cho Trịnh Bá Phương, có phải chủ mưu kêu quyên góp là Trịnh Bá Phương không?... Với tư cách là người nắm nguồn quỹ, cô Hạnh đã nhận trách nhiệm và nói sẽ chuyển giao toàn bộ cho gia đình cụ Lê Đình Kình.
Trên thực tế, lẽ ra tôi cũng có tham gia vào chuyện gây quỹ nhưng do tập trung vào việc đưa tin tức cập nhật về Đồng Tâm, nên tôi nhắn cô Hạnh hãy giúp cho gia đình cụ Lê Đình Kình. Do sự việc xảy ra quá gấp gáp cũng như để tránh sơ xuất, cô Hạnh đã dùng ngay một tài khoản Vietcombank chưa dùng vào việc gì để nhận nguồn tiền phúng điếu.
Lý do gia đình cụ Lê Đình Kình (nói) không thể nhận trực tiếp vì mọi thứ đang rất căng thẳng. Mọi thứ có thể bị cướp đi bất cứ lúc nào. Đồ đạc trong nhà đã bị cướp, ngay cả cái ô-tô đang trả góp của gia đình cũng đã bị cướp đi.
Công an nói cụ Lê Đình Kình là khủng bố và tịch thu tiền phúng điếu qua tài khoản của người dân tự nguyện góp vào, vậy còn tiền phúng điếu trực tiếp hôm đám tang thì phía công an ứng xử như thế nào?
Dạ không, mọi tiền phúng điếu trực tiếp hôm đám tang thì gia đình vẫn nhận được. Ở lễ tang cụ Lê Đình Kình, dự đoán là sẽ rất đông người đến dự, nên mọi người đã chuẩn bị khoảng 3000 khăn tang cho ai đến, muốn để tang cho cụ Kình. Thế nhưng vẫn không đủ. Tổng kết vào cuối ngày, thì có thể đến 4000 - 5000 người đã ghé qua để đưa cụ Kình về nơi an nghỉ cuối cùng.  Tiền phúng điếu và hoa quả, hương… đều không gặp chuyện gì cả. Rất nhiều người đã ghi ngoài phong bì phúng điếu là xin chia buồn cùng gia đình, tiễn biệt lão anh hùng, vĩnh biệt người đã đứng lên chống giặc nội xâm… nhưng mới tối hôm qua, trên truyền hình VTV đưa tin, thì nói rằng nhân phúng điếu, đã có những sự kích động chống lại chính quyền, vì lẽ có những bao thư phúng điếu, khách ghi rằng “chia buồn vì cụ đã bị sát hại”, “mong sự việc này sớm được làm sáng tỏ”… Truyền thông nhà nước và công an thì nói đó là ngôn ngữ khủng bố.
Xin hãy nhìn vào đó mà suy, thì thấy rõ nhà cầm quyền không còn đạo đức, lương tâm và cả luật pháp. Họ dựng chuyện như vậy chỉ vì đã giết cụ Lê Đình Kình thì gặp phải sự phản ứng dữ dội của trong và ngoài nước nên phải làm lớn chuyện để che đậy tội ác, rồi khóa tài khoản để quy chụp khủng bố, nhằm lừa bịp mọi người.
Đây có lẽ lần đầu tiên trong lịch sử, một nhà cầm quyền lại làm chuyện không thể tưởng tượng được là ngăn cản và muốn cướp đi tiền phúng điếu của một người chết.
Báo chí nhà nước vào chiến dịch thông tin, liên tục nói rằng ở làng Đồng Tâm đã bình yên, dân Đồng Tâm nay vui mừng đón Tết, cám ơn chính quyền vì không còn nỗi lo “khủng bố” ở trong làng nữa. Thật sự, làng Đồng Tâm hiện nay ra sao?
Vâng, người dân Đồng Tâm lúc này rất đau buồn về cái chết của cụ Lê Đình Kình, đau lòng vì có những đứa trẻ chưa cai sữa phải xa cả bố mẹ. Và người dân Đồng Tâm cũng đau lòng vì chứng kiến những người dân bị bắt phải chịu cực hình, tra tấn, bức cung để đưa lên tòa án truyền hình. Họ đau lòng vì sự thật bị bưng bít, và người dân Đồng Tâm tự dưng trở thành tội phạm. Một người dân Đồng Tâm đã nói với tôi rằng, ở đất Đồng Tâm này, cứ 10 người thì đã có 9 người rưỡi là đi theo cụ Kình.
Báo chí Nhà nước nói Đồng Tâm bình yên, người dân vui mừng… thì chỉ là tuyên truyền. Giờ này, Đồng Tâm vẫn dày đặc an ninh, mật vụ, dòm ngó và hành động với bất cứ ai bên ngoài bước vào đây để tìm hiểu.
Báo chí cũng nói người dân Đồng Tâm thương mến đưa tang các chiến sĩ công an đã chết. Nhưng chính dân Đồng Tâm phát hiện và nói rằng chỉ có một số người dân ở xã Thượng Lâm, là xã giáp ranh, nhưng cũng là người đang làm việc hay hợp tác với chính quyền.
Ở Đồng Tâm lúc này, mọi thứ rất ảm đạm chứ không có kiểu đón Tết, đón xuân như báo chí Nhà nước nói. Nhiều người vẫn tìm cách nhắn ra bên ngoài để cầu cứu cho tình trạng khốn khổ của làng Đồng Tâm.
Còn cái chết của ba nhân viên công an, chính quyền đổ cho người dân giết. Nhưng cả trong ngôn luận độc quyền của nhà nước cũng bất nhất. Lúc thì họ nói công an bị ném lựu đạn chết, lúc thì nói bom xăng, lúc thì nói là do rơi xuống hố. Lại có lúc họ nói công an chết khi bảo vệ sân bay Miếu Môn (cách Đồng Tâm 3km) rồi có lúc lại nói chết lúc tấn công vào nhà cụ Kình … Sự thật thì chỉ có họ biết, chứ người dân Đồng Tâm không thể chống cự trong một bối cảnh đàn áp dữ dội và đầy hơi cay như sáng sớm 9/1/2020. Lấy nhà cụ Kình làm trung tâm thì chung quanh, rộng đến 300-400m không có ai có thể chịu đựng nổi khói và lựu đạn cay, đặc biệt là trẻ nhỏ. Nên hầu hết người lớn đều tìm cách đưa chúng ra ngoài. Nhiều người bị ngạt, bị ngất. Bản thân cụ Hiểu, bạn cụ Kình cũng đã ngất trước khi bị bắt đi.
Vì vậy, người dân Đồng Tâm và dư luận nói chung đang rất cần một phái đoàn điều tra độc lập để trả lại sự thật cho sự thảm sát này.
Công an làm việc luôn có quay phim. Cuộc tấn công vào làng Đồng Tâm chắc chắn có flycam với máy quay hồng ngoại để ghi lại sự kiện, tìm người, tìm chứng cứ để rêu rao rằng người dân Đồng Tâm đã đối đầu như thế nào, để lợi dụng tuyên truyền về sau. Thế nhưng cho đến giờ này họ vẫn không tìm ra được một dấu hiệu hay bất cứ hình ảnh nào cho thấy người dân phản kháng, để tuyên truyền chống lại cụ Kình và người dân Đồng Tâm.
Trong lúc tin tức Đồng Tâm lan nhanh tuần trước, đã có tin đồn công an sẽ bắt một loạt người nhằm trấn áp dư luận. Nhà của blogger Nguyễn Anh Tuấn tại Đà Nẳng đã bị rất đông công an đến nhà, ở Cần Thơ của có facebooker Chương May Mắn bị bắt và khởi tố. Còn Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư làm việc đưa tin Đồng Tâm ra ngoài như vậy, các bạn có bị đe dọa gì không?
Vâng, hôm qua khi công an bắt cóc cô Nguyễn Thúy Hạnh về đồn, họ đã hỏi rất nhiều, đặc biệt là hỏi về Trịnh Bá Phương. Và nguyên văn của họ là Trịnh Bá Phương nằm trên đầu các danh sách có thể bị bắt giam.
Mỗi ngày người dân lại càng chứng kiến rõ thêm tội ác của họ đối với cụ Kình, với người dân Đồng Tâm… Mọi thứ đang phơi bày sự dối trá của họ ở mọi chiều hướng, họ đang hốt hoảng và chủ động đe dọa và đã canh giữ nhiều người lên tiếng trong nhiều ngày, đặc biệt nhấn mạnh sẽ bắt Trịnh Bá Phương.
Vì tôi đã nghe tiếng khóc của những bà mẹ, những đứa trẻ, chứng kiến những cảnh tang thương…Tôi thấy mình không thể nào im lặng dù biết phía trước rất hiểm nguy. Tôi chấp nhận tất cả xảy đến với mình, chỉ mong đưa mọi thứ ra ánh sáng công lý, trước toàn thể người dân Việt Nam, và trả lại công bằng và sự thật cho những người dân Đồng Tâm đang chịu oan ức.
(ghi)

Friday, January 17, 2020

Đối thoại im lặng



Lịch sử của những cuộc quyên góp giúp đỡ ở Việt Nam, đặc biệt là đối với một người bị nhà nước Việt Nam đặt tên là "khủng bố", đã có một kỷ lục chưa từng có: chỉ hơn 2 ngày kêu gọi giúp cho gia đình ông Lê Đình Kình, đã có hơn nửa tỷ đồng gửi vào từ hàng trăm người.

Lê Đình Kình là ai? Một cụ già 84 tuổi bị lực lượng công an hơn 3000 người bao vây nơi ông ở, tra tấn và bắn chết chỉ vì ông trước sau như một: Đất của nông dân, phải thuộc về nông dân. Nếu không có lời nhắn ra từ cụ bà thều thào trong đau đớn và mệt mỏi về hành động dũng mãnh của những "chiến sĩ" công an, không ai hình dung được cụ Kình đã ra đi như thế nào.

Nhà nước đã vận hết lực lượng truyền thông lẫn trấn áp thực tế để giải quyết hậu kỳ, chuyện bê bết của một đạo quân trang bị đáng sợ như hải chiến với Trung Quốc, đã tấn công bắt, đánh, giết… vào một ngôi làng khoảng hơn 250 người. Sau đó, phía Nhà nước phải gồng lên, gán nhiều tội danh cho cụ già và những đứa con của ông là quân khủng bố, có trang bị gì đó và chuẩn bị hành động nguy hại đến an ninh quốc gia. Hàng chục ngàn dư luận viên, tức các thành phần tay sai về đả kích ngôn luận bất cần danh dự được lệnh tìm và diệt bất kỳ hình ảnh, bài viết, video… có cảm tình đứng về phía người dân bị cướp đất ở Đồng Tâm. Đã có những người bị bắt làm gương. Đã có những bài viết hay bình luận đã bị Đài truyền hình của công an điểm tên như tù nhân dự bị.

Phải kể như vậy, để biết rõ hơn về một cuộc cách mạng thầm lặng đang diễn ra trong người dân. Trước bối cảnh xã hội căng thẳng, đến mức Bộ trưởng Công an phải xuất tướng chụp ảnh, làm thơ cùng cháu bé, con một công an viên té giếng qua đời, nhằm nâng tinh thần chiến sĩ cứu quốc, rồi thủ tướng phải đăng đàn nói rằng xét lại mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân... vẫn có rất nhiều người đã đứng lên, công khai tên mình để gửi tiền giúp cho một gia đình nông dân bị thảm nạn – mà từ nay chắc sẽ vĩnh viễn không bao giờ còn bình yên nữa.

Trước đó, chỉ share hay like trên các trang facebook về chuyện Đồng Tâm, cũng ít người dám làm. Nhắn cho nhau về chuyện này cũng ngại bởi Nhà nước và Bộ Công an đã bày tỏ một thái độ rất quyết liệt. Ấy vậy, mà giờ thì người ta không ngại việc giúp đỡ, và cũng không ngại nói với nhau, thậm chí còn dấy lên một làn sóng tẩy chay ngân hàng Vietcombank, nơi đã phối hợp với công an để khóa, chặn không cho rút tiền những phần tiền giúp đỡ những người nông dân, và dù là phúng điếu cho đám tang cụ Kình, cũng nhất quyết không.

Lòng dân đã rõ. Họ không buồn nói đến nhà cầm quyền và những lời đe dọa. Họ hành động với mục đích cụ thể, như một đối thoại im lặng của phản kháng. 

Những bài bản hôm nay diễn ra từ phía nhà cầm quyền, rất quen thuộc với những gì đã diễn ra ở Trung Quốc. Và người dân Việt Nam cũng - rất bất ngờ - đã làm giống như những gì người dân Trung Quốc từng im lặng đối thoại với Bắc Kinh.

Năm 2011, Bắc Kinh tức giận trước thái độ phản kháng của nghệ sĩ Ngải Vị Vị (Ai Wei Wei), đã kiếm cớ phạt ông khoảng 2,4 triệu Mỹ kim, và buộc phải đóng một số lớn, nếu không sẽ bị bỏ tù. Dù Ngải Vị Vị là một nghệ sĩ tầm thế giới, nhưng số tiền đó với ông là quá sức, thậm chí quá sức tưởng tượng.

Chuyện không ngờ xảy đến, là người dân Trung Quốc lâu nay vẫn lầm lũi làm ăn, luôn cúi đầu vâng-dạ với chính quyền, bỗng im lặng cùng nhau đến góp tiền cho ông Ngải Vị Vị, giúp ông đóng mức phạt bắt buộc ban đầu. Theo ghi nhận của báo chí, có đến 20.000 người đến góp tiền trong một thời gian rất ngắn, lên đến 800.000 Mỹ kim. Dĩ nhiên giới tay sai tuyên truyền cũng được lệnh mở chiến dịch mạt sát, nguyền rủa Ngải Vị Vị là "phản động" và những ai giúp đỡ cho ông là "đu bám bọn phản động". Công an địa phương cũng cử lực lượng đến gác trước cửa để ngăn chận nguồn tiền đầy sỉ nhục với nhà cầm quyền như vậy. Sợ, nhưng người dân vẫn gửi đến. Có những người gấp tiền thành hình máy bay và ném vào nhà ông. Có những người quăng bao tiền đồng gom góp được, kèm theo dòng chữ “xin cho tôi là chủ nợ của ông”.

Trở lại với làng Đồng Tâm, nơi cuộc giết người kỳ quái diễn ra, chỉ còn cách Tết Nguyên Đán Canh Tý hai tuần. Người dân Việt Nam đã quên cả việc chuẩn bị Tết bằng cách chuyền tay nhau tin tức, tự mình ra mặt đáp trả các ngôn luận hèn mạt của bọn tay sai tuyên truyền, và gửi tiền giúp cho gia đình ông Kình. Cũng giống như cách mà người Trung Quốc không muốn Ngải Vị Vị phải nợ nần gì với Bắc Kinh, hàng triệu người dân Việt Nam cũng thay nhau, dùng sự thật để đáp trả cuộc chiến nối tiếp mà thế lực nào đó đang điên cuồng chà đạp và hủy diệt người dân Đồng Tâm và cụ Lê Đình Kình.

Cuộc đối thoại đó im lặng đó, đang diễn ra từng ngày, âm thầm dữ dội trên bề mặt rất nhẹ nhàng của xã hội. Cuộc đối thoại đó giới thiệu một đất nước Việt Nam khác: Người dân vẫn mỉm cười và cúi chào nhà cầm quyền, nhưng nụ cười đó và cái cúi đầu mang nội hàm gì, thì khó mà biết được.


Thursday, January 9, 2020

Với Đồng Tâm, chính quyền vẫn phải tiếp tục đối thoại



3000 quân rầm rập trong một đêm, với đủ các loại khí cụ hiện đại nhất, chỉ để tấn công vào ngôi làng nhỏ trong đêm mờ tối. Đó là điều khó tin mà có thật ở đất nước đang ngồi ở vị trí chủ tịch Hội Đồng Bảo An của Liên Hợp Quốc.
Tiếng hô của viên chỉ huy được kể lại là "đầu hàng thì sống, không thì chết". Đầu hàng cho chuyện gì, khi công an với đủ thành phần đạp cửa xông vào nhà không lý do, bắn vào người già và quăng lưu đạn cay và trẻ nhỏ? Sức mạnh uy vũ của lực lượng công an đã làm tiếng trẻ con khóc ngất, tiếng phụ nữ hoảng sợ kêu thét. Xóm làng cháy đỏ, và trong đó, những cụ già có đến 30-40 năm dài theo đảng, bị gọi là phản động.
Nhiều nhà phân tích nói rằng Trung Quốc sau khi tổ chức quân đội mạnh, dẫn đến tình trạng kiêu binh và điên cuồng muốn thể hiện sức mạnh với các nước nhỏ. Tên gọi ngắn, là cuồng vì sức mạnh.
Chỉ có thể mượn hình ảnh đó để diễn đạt cuộc đánh úp không lý lẽ và man rợ vào người dân Đồng Tâm ngày 9/1/2020. Thật đau đớn cho sự mất mát cho những người nông dân, và đau đớn cho cả những người vũ trang, bỏ mạng cho những quan chức giấu mặt, vốn giỏi gìn giữ mạng sống để tận hưởng bằng máu của kẻ khác.
Vinh quang gì khi đánh và giết những nông dân Việt Nam trong chính ngôi nhà của họ?
Vào giờ phút này, chắc chắn nội bộ của những người cộng sản đang rối rắm, tranh cãi, đổ cho nhau về "thành tích" Đồng Tâm. Làm trước, nghĩ sau vẫn là hiện trạng tồi tệ trên đất nước này. Nhân dân luôn là những cuộc đời bị xé nát trong kiểu cầm nắm quyền lực hoang dã như vậy.
Giết dân như kẻ thù, là một nỗi nhục không bao giờ có thể xóa. Và dù biện minh bằng những tổn thất của kẻ tấn công hay cố vu vạ cho dân, cũng chỉ đem lại sự khinh rẻ hơn mà thôi.
Đối thoại, pháp lý và lẽ phải, đó là những gì mà người dân Đồng Tâm đã tha thiết kêu gọi từ năm 2017 cho đến nay. Họ cũng đã nhiều lần chứng minh thiện chí của mình nhưng không được đáp lại.
Tất cả nhìn thấy hôm nay, đều là nhân dân. Và khi nhân dân bị xô vào ngõ hẹp để kình chống nhau, cần phải xem ai là người được lợi, ai là kẻ tổ chức tội ác đó.
Và đặc biệt khi nhà nước luôn hô to và kiên nhẫn xin đối thoại với kẻ thù đang xâm lấn biển Đông, thì nhân dân trên đất nước này phải là đối tượng ưu tiên cần được đối thoại. Nhân dân không thể bị xem thấp hơn kẻ thù phương Bắc.
Ngay cả lúc này, trách nhiệm của chính quyền, đặc biệt Bộ Công An, là đối thoại với những nạn nhân của mình tại Đồng Tâm. Hãy cởi chiếc áo man rợ, và đối thoại với nhân dân như một chính quyền học biết văn minh hôm nay là gì.

Monday, January 6, 2020

Chìm dần, với Ksor Duk

Đêm ở cao nguyên, tự nhiên muốn nghe một tiếng hát, nên đòi Ksor Duk hát một cái gì đó không bê tông cốt thép, không showbiz hay thị trường. Ksor Duk một tay cầm đàn, một tay bế con, hắn cười, hỏi "hát gì đây?".

Thật ra, Ksor Duk hát cái gì cũng hay. Hát sân khấu hay vỉa hè, hắn cũng đều có một sự mãnh liệt nguyên vẹn không nề hà không gian và khán giả. Một người nghe cũng tốt, năm ba người nghe thì nhớ uống thêm chung rượu, tiếng hát sẽ càng hoang vu hơn.

Người nghệ sĩ Jarai này đã đoạt nhiều giải thưởng, và nhận được nhiều lời mời công việc ở phố thị. Vậy mà hắn không an lòng. Một ngày nọ, cách đây vài năm, Ksor Duk gọi tôi ra cafe, hát bài Về Với Tôi, một bài hát hắn sáng tác với nhịp điệu thôi thúc và náo nức quay lại đồng xanh, núi rừng. "Em phải về thôi, sống ở đây toàn là nhà lớn, tường cao, không thấy núi đồi gì cả", Duk nói và xao xuyến như một người nhớ rừng, không khác gì nhớ mẹ. Duk không diễn đạt được hết tâm trạng của mình bằng tiếng Việt, nhưng tôi hiểu hắn mệt mỏi với ánh đèn sân khấu và những bài hát vô nghĩa của chợ âm nhạc hôm nay.

Ai nấy đều lặng đi khi nghe Ksor Duk hát. Bé con nằm trên tay nằm trên tay cũng ngủ ngon lành với tiếng hát của ba mình. Giữa rừng nghe tiếng hát hoang dã, mới lạ lùng làm sao. Nhà thơ Miên Di ngồi rít thuốc liên tục khi nghe Duk hát, chỉ bật ra được một câu duy nhất "Hay quá", rồi lặng im.

Nếu đời sống thật sự có những lối đi trân trọng thật sự cho những tài năng, Ksor Duk đã không trở thành một người xây nhà rông, một người tạc tượng tô-tem của văn hóa Jarai bản địa. Nếu xã hội có âm nhạc tử tế, Ksor Dul đã dành trọn thời gian để tạc vào lịch sử âm nhạc Việt những hoa văn độc đáo rất riêng của mình.

Năm trước, Ksor Duk gửi cho tôi nghe bài Chìm Dần, một sáng tác nghẹt thở của nhạc sĩ Văn Tuấn Anh về núi đồi hôm nay, sự mất mát và nỗi đau của những người thương rừng như thương mẹ. Duk nói hắn thích bài này. Và tôi cũng thích trong một tâm trạng xao xuyến như hắn vậy.

Tiếng hát của nghệ sĩ người Jarai, như tiếng khóc của núi, tiếng giận dữ của dòng sông... về một miền cao nguyên xanh ngát, hôm nay chỉ còn trơ trọi, cằn khô và bê-tông cốt thép của những tham vọng chiếm đoạt và tàn phá thiên nhiên.

Cao nguyên thì không thể chìm, nhưng Cao nguyên trong bài hát của nhạc sĩ Văn Tuấn Anh thì đã ngập trong những sự tàn phá và mưu toàn thấp hèn.

Mời bạn nghe ca khúc dữ dội này, với tiếng hát của Ksor Duk, và thử lắng nghe trong tim mình, xem bạn có lay lắt điều gì đó, với thiên nhiên cất tiếng kêu tuyệt vọng và núi rừng trơ trọi đau hôm nay hay không.  

https://youtu.be/e-5kNKEWlDw 

---------------------------

Viết cho Ksor Duk, như một lời xin lỗi trước sự bất toại của đời.

Ba đoạn văn xưa, gửi người hôm nay


Chỉ còn vài tháng nữa, là đến ngày tưởng niệm 45 năm nền giáo dục của miền Nam Việt Nam - Việt Nam Cộng Hòa bị xóa sổ. Một nền giáo dục được kỳ công xây dựng với ba tiêu chí Nhân Bản - Dân Tộc - Khai Phóng. Nghe thì đơn giản nhưng nền giáo dục ấy kỳ công bởi gột rửa con người khỏi các âm mưu tuyên truyền chính trị, dạy để biết yêu thương người cùng màu da tiếng nói, dạy để biết lý trí của lẽ phải và vươn lên, chứ không nô lệ cho một chủ thuyết nào.

Dù bị hủy diệt, nhưng nền giáo dục đó cứ như những tiếng chuông an ủi, cứ vang lên vào lúc xã hội Việt Nam suy đồi văn hóa, giáo dục hỗn loạn. Cũng may, người Việt chúng ta cũng còn một chỗ để vịn vào và đứng dậy, dẫu đó là tro tàn.

Đã 45 năm rồi, chúng ta đứng giữa sự bất lực, nhìn những người chịu trách nhiệm loay hoay, vật vã, tranh cãi liên miên cho những điều cải cách vô nghĩa, biến các gia đình và học sinh thành chỗ thí nghiệm cho một nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, mãi không thành.

Bạn là phụ huynh? Vậy thì xin dành chút thời giờ nhìn lại, và hãy tự hỏi con bạn đã nhận được bao nhiêu, trong nền giáo dục hôm nay, so với 3 đoạn văn ngắn học làm người của một cuốn sách giáo khoa sơ đẳng và rất cũ.

1. Với tình thương
“Bổn phận người ta đối với xã hội, thường chia làm hai mối là: công bình và nhân ái. “Không hại người” tức là công bình, “làm hay cho người” tức là nhân ái.
Người ta mà không công bình, chẳng những có tội đối với lương tâm, mà luật pháp lại còn trừng trị nữa. Giết người thì phải thế mạng; trộm cắp thì phải ngồi tù, xưa nay ở đâu cũng vậy.
Con người mà không có lòng nhân ái, thì tuy đối với luật pháp không có tội lỗi, nhưng đối với lương tâm, thì là không phải. Gặp người đói khó, mà mình không giúp người ta, cũng không ai bắt được mình, nhưng trong bụng không đành”. (Trích Công bình và nhân ái ,Quốc Văn Giáo Khoa Thư/Luân lý Sơ Đẳng).

2. Với con người
“Người làm ruộng có trồng trọt cấy cày, thì ta mới có thóc gạo mà ăn. Thợ nề, thợ mộc có làm nhà, thì ta mới có nhà mà ở. Thợ dệt có dệt vải, thợ may có may áo, thì ta mới có đồ mặc vào mình. Quyển sách ta học cũng phải có người làm, người in. Cái đường ta đi cũng phải có người sửa, người quét. Nói tóm lại, nhất thiết một chút gì ta cần dùng đến, cũng là có người chịu khó làm việc mới nên”. (Trích bài Người ta phải làm việc, Quốc Văn Giáo Khoa Thư/Luân lý Sơ Đẳng)

3. Với vạn vật
“Trọng cái tính mệnh của người ta, là đừng làm điều gì phạm đến thân thể và quyền tự do của người ta. Người ta ở đời, không có gì trọng hơn cái tính mệnh, hễ phạm đến, là một tội đại ác. Không những là giết người mới có tội, cậy quyền cậy thế mà hà hiếp người ta, làm mất cái quyền tự do của người ta, cũng là một điều trái với lẽ công bình, người có lương tâm không ai làm.…Những loài vật đã giúp việc cho ta mà ta phải thương xót, là cái nghĩa vụ của ta. Nhưng đối với loài cầm thú khác, ta cũng nên có lòng nhân ái mới phải đạo làm người. Cầm thú tuy là giống không biết thiện ác và phải trái như người, nhưng nó cũng biết đau, biết khổ như mình… (Trích Ta nên thương loài vật, Quốc Văn Giáo Khoa Thư/Luân lý Sơ Đẳng)