Saturday, December 28, 2019

10 nan đề của năm 2019




Năm 2019 đã qua, như thường lệ, những gì gây ấn tượng nhất cho người Việt sẽ được nhắc lại. Đặc biệt là nhắc lại khi đó là vấn đề không chỉ hôm nay mà của cả ngày mai. Dưới đây là 10 sự kiện hay vấn đề tạo nên dư luận, và cũng tạo nên một thái độ của người Việt về đất nước, con người và cả chế độ cầm quyền, được tạm liệt kê. Thứ tự các sự kiện không có tính bình chọn cao thấp, chỉ là tuần tự gợi nhớ.

1.       Vấn đề Trung Quốc
Trung Quốc vẫn là ý nghĩa then chốt trong nhiều sự tranh luận, phản ứng của người Việt với nhau, người Việt với nhà cầm quyền. Đầu tiên phải nói đến Bãi Tư Chính và cuộc xâm lấn của Bắc Kinh vào chủ quyền của Việt Nam, căng thẳng suốt trong nhiều tháng. Không chỉ vậy, dư âm của Luật Đặc Khu vẫn nhìn thấy thông qua các đạo luật riêng lẻ về sự ưu tiên của người Trung Quốc ở Vân Phong.
Hậu quả của Trung Quốc về các dự án dang dở và tốn kém, các nhà máy nhiệt điện và Formosa đang đầu độc người dân Việt Nam ngày đêm nhưng lại được sự yểm trợ của nhà cầm quyền là điều gây không ngớt sự chỉ trích.

2.       Luật An Minh Mạng
Được thực thi từ tháng 1/2019, Luật An Ninh Mạng trở thành cớ để ruồng bố, bắt giữ và kết án hàng chục người dân. Nhận định của nhiều báo chí quốc tế cũng như các nhà bình luận thời sự nói rằng Luật An Ninh Mạng đang hành động như một mạng lưới khủng bố nhân dân để bảo vệ chế độ, chứ không phải thuần túy phục vụ xã hội.  Cũng vì sự phát tác chống lại con người và phát triển xã hội mà vào 5/11, tổ chức Freedom House đã xếp hạng thấp Việt Nam về tự do internet với điểm 24/100, gần cuối bảng, chỉ trên Cuba, Syria, Iran và Trung Quốc.

3.       Công cuộc đốt lò
Công cuộc chống tham nhũng của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong năm 2019 đã hết sức gay cấn khi rất nhiều quan chức, đảng viên… bị kỷ luật, mất chức và vào tù. Sự kiện mới nhất trong tháng 12 là cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận án chung thân do nhận hối lộ 3 triệu USD.  Vào lúc khởi đầu cuộc “đốt lò”, nhiều người dân có phần tin rằng đây là một cuộc chống tham nhũng và làm trong sạch bộ máy cầm quyền, thế nhưng, đến lúc này thì câu chuyện được nhìn thấy mang nhiều hình ảnh hướng về một cuộc thanh trừng nội bộ, phe phái. Tuy nhiên, phải nói rằng công cuộc đốt lò này mở ra nhiều sự kiện để công chúng có thể suy gẫm sâu hơn về bộ máy cầm quyền.

4.       BOT và cuộc trấn áp nhân dân bởi các nhóm lợi ích
Vào thời điểm tranh tối tranh sáng trước đại hội đảng Cộng sản lần thứ 13, các cuộc đấu đá và giành quyền lợi từ các nhóm lợi ích bùng nổ với phần ăn có tên BOT. Từ các thông tin rò rỉ và và ngầm hậu thuẫn từ sau bức màn để lật đổ các nhóm lợi ích cũ, đã dẫn đến việc người dân bị hút theo và phản ứng liên tục với các trạm BOT từ Bắc chí Nam. Dĩ nhiên, trên bề mặt thông tin, những trạm BOT đó hoàn toàn sai phạm về lạm thu, lừa gạt, lạm quyền… và người dân có quyền để chất vấn và phẫn nộ, nhưng đồng thời dư luận cũng nói rằng các nhóm lợi ích mới đang muốn chiếm lĩnh các vị trí màu mỡ như vậy. Nhiều người tranh đấu vô tư để đòi quyền lợi chung đã bị đánh, bị mất tài sản thậm chí bị bỏ tù như Hà Văn Nam, Đặng Thị Huệ (Huệ Như)…

5.       39 người Việt trong Container
Sự kiện 39 thanh niên Việt Nam chết trên xe đông lạnh để nhập cảnh lậu vào Anh Quốc không chỉ là sự kiện của Việt Nam, mà còn là của thế giới. Dư luận trong Việt Nam cũng chia rẽ với những người theo quan điểm nhà nước thì chỉ trích người đã chết, phần còn lại thì cảm thương và đồng quan điểm với báo chí quốc tế rằng Việt Nam đang có tình trạng buôn người trầm trọng, cũng như ước muốn được thoát ly ra khỏi nước để kiếm sống là một vấn nạn có thật. Sự kiện này nhắc lại về hình ảnh boat people ở miền Nam Việt Nam sau 1975, với những người giàu có và đủ cơ hội, nhưng vẫn ra đi vì muốn tìm một tương lai khác.

6.       Ô nhiễm tràn ngập cả nước
Từ giữa năm 2019, tình trạng ô nhiễm nặng nề không khí và đời sống nói chung ở Việt Nam được bàn tán và trở thành đề tài chính của sự sống và phát triển của 94 triệu người Việt Nam. Đỉnh cao là tháng 10/2019, khi đưa các thông tin liên quan về ô nhiễm không khí tại Việt Nam, hãng Air Visual đã phải tạm đóng cửa trong một thời gian do bị tấn công dữ dội, thậm chí đe dọa từ giới dư luận viên và các thành phần cực đoan ủng hộ nhà cầm quyền. Tuy nhiên sau đó, thì Việt Nam vẫn phải công nhận các đo lường ô nhiễm từ công ty toàn cầu này. Các quan chức nhà nước thì nói rằng ô nhiễm đến do nướng than, đốt rác, bụi quét nhà, gàu tóc… nhưng không thấy nói gì đến nhiệt điện than hay Formosa.
Theo thống kê của báo chí nhà nước, mỗi năm Việt Nam có 50.000 người trong nguy cơ thiệt mạng vì ô nhiễm.

7.       EVFTA và xã hội Việt Nam
Hiệp định thương mại của Liên minh Châu Âu đối với Việt Nam dù được coi là ở những chặng sắp hoàn thành, tuy nhiên đang trục trặc ở vấn đề nhân quyền. Trong giai đoạn tìm hiểu và ký kết giữ hai bên, nhiều tổ chức và cá nhân trong Việt Nam đã gửi thư đến Nghị viện Châu Âu và đề nghị ngừng ký kết nếu Việt Nam không tôn trọng nhân quyền, bắt bớ người bất đồng chính kiến và ngược đãi tù nhân lương tâm. EVFTA là một vấn đề vô cùng quan trọng với nền kinh tế của chính quyền Hà Nội, nhưng nay có thể sẽ hoãn vô thời hạn. Việc bắt giữ tiến sĩ Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội nhà báo Độc Lập dường như là mồi lửa cho các ngôn luận chống EVFTA từ phía Châu Âu bùng nổ.

8.       Ngược đãi tù nhân
Tình trạng trừng phạt các tù nhân lương tâm vì ý chí của họ đã là chuyện làm xôn xao, khiến các tổ chức như Amnesty International, Human Rights Watch… phải lên tiếng. Rất nhiều tù nhân đã trãi qua sự đối xử bất công như Trần Hoàng Phúc, Nguyễn Văn Hóa, Trần Huỳnh Duy Thức… nhưng đến tháng 7/2019 thì bùng nổ sự kiện trại giam số 6, Nghệ An hành hạ tù nhân đang chịu thời tiết nắng khủng khiếp tại vùng này, bằng cách tháo quạt để tù nhân bị ngộp thở trong trại, khiến xảy ra tình trạng tuyệt thực tập thể phản đối. Khi người nhà của các tù nhân hay tin, đến thăm thì lại bị các cán bộ trại phối hợp với côn đồ tấn công, hành hung và cướp giật. Cũng ở trại này, tù nhân Đào Quang Thực (59 tuổi) qua đời, gia đình cũng không được mang xác về chôn.

9.       Án oan và chết trong trại tạm giam
Vấn đề án oan luôn được xã hội quan tâm. Cho đến nay, việc bồi thường và phải tuyên bố công khai xin lỗi những người tù oan nhiều năm, bị bức cung và tra tấn trong Việt Nam vẫn diễn ra như vụ ông Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn… nhưng gần đây nhất vụ án tù kêu oan lại làm dấy lên dư luận là Hồ Duy Hải. Bên cạnh đó còn có vụ án của Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh… Chậm trễ và tắc trách cũng như bất minh là vấn nạn của người dân Việt Nam khi bị đưa vào tầm ngắm của các điều tra viên.
Riêng tình trạng người dân chết trong đồn công an khá phổ biến ở Việt Nam trong những năm gần đây. Năm 2018 có 11 vụ, năm 2019 có 3 vụ, phần lớn do phản ứng của gia đình mà xã hội mới biết. Nhiều trường hợp được gia đình nạn nhân xác định là do bị công an tra tấn. Nhiều trường hợp có người chết, công an ở nơi xảy ra án mạng thường đến nhà nạn nhân để điều đình việc im lặng. Nhưng phía công an thường cho biết những nạn nhân bị chết là do sức khỏe yếu hoặc tự tử. Theo Bộ Công an, từ năm 2011 đến 2014, có đến 226 người chết trong các trại tạm giữ, tạm giam, mà lời giải thích, phần lớn là ăn năn và tự tử.

10.   Trẻ em Việt Nam không còn an toàn
Năm 2019 là năm của trẻ em Việt Nam đứng trước cánh cửa vào đời đầy những vấn nạn. Các vụ xâm hại tình dục, tấn công trẻ em vị thành niên xuất hiện ở nhiều nơi, thậm chí ngay trong trường học, con số được báo cáo từ các tỉnh lên đến hàng ngàn. Nhiều vụ có liên quan đến các viên chức nhà nước nên đã bị bao che, làm nhẹ đi. Trường hợp ông Nguyễn Hữu Linh, cựu Viện phó VKSND Đà Nẳng bị 18 tháng tù là trường hợp đặc biệt do dư luận xã hội theo đuổi và tức giận đòi công lý.
Các vụ đánh đập và hành hạ trẻ em vẫn diễn ra và không được quan tâm cũng là một vấn nạn, mặc dù hiện có tổng đài 111 dành riêng cho việc bảo vệ trẻ em, nhưng hiệu quả rất kém.
Thậm chí việc trẻ đến trường cũng không an toàn. Trường hợp bé L. 6 tuổi, chết tại trường Gateway, Hà Nội vào tháng 8/2019 là sự kiện làm chấn động xã hội. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng sự việc đã được ỉm đi, bởi trường này được sở hữu của giới con công cháu cha.

Dĩ nhiên, những lựa chọn trên đây chỉ là chủ quan. Vì bên cạnh đó vẫn còn những sự kiện như họp thượng đỉnh Mỹ-Triều, 9 người đi chuyên cơ của chủ tịch Quốc hội mất tích ở Hàn Quốc, Vườn rau Lộc Hưng bị cưỡng chiếm, Thủ Thiêm bị lừa gạt về chuyện giải quyết, Lư hương Trần Hưng Đạo bị cướp mang đi, giải tán và phục hoạt chương trình Tri ân Thương Phế Binh VNCH… Và dù là chuyện như thế nào, nếu đó là nỗi đau và nước mắt Việt Nam, thì sẽ mãi được ghi nhớ qua một năm đầy biến động 2019. Phần ghi nhớ nối tiếp, xin dành cho tất cả mọi người.

Thursday, December 26, 2019

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý (1925-2019), ra đi để lại một dư âm


Chiều ngày 26/12/2019, tin nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý qua đời đem lại không ít ngậm ngùi cho người hâm mộ. Ông mất ở tuổi 94, sắp tròn một thế kỷ đời, để là rất nhiều bài hát. Nhưng nổi tiếng nhất và được người yêu nhạc hát lại nhiều nhất, vẫn là bài hát Dư Âm, viết năm 1950.
Từ sau năm 2000, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã sống trong hiu quạnh giữa lòng xã hội âm nhạc thương mại. Những bạn bè, người hâm mộ khi gặp ông, đều nhìn thấy ông tiếc nhớ tháng ngày vàng son của mình, nhắc bài hát Dư Âm về số phận của nó sau khi ra đời, cũng mối tình chớm nở của tuổi thanh xuân.
Khi nhắc, mắt ông hấp háy nhìn người đối diện, rồi có lúc lặng người, như nhìn xuyên qua cả không gian để thấy lại những ngày tháng đẹp nhất của mình.
Tin nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý mất, khiến tôi nhớ nhiều đến ánh nhìn ấy. Có lẽ quá khứ đã từng đẹp đến mức khiến ông có thể đi qua ngày tháng hiện tại bớt nhọc nhằn hơn. Lúc tôi nghe ông mô tả về những ý nghĩa và giai điệu của Dư Âm, mắt ông bừng sáng như khui chiếc rương kỷ niệm bí mật nhất và đáng chia sẻ nhất.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là một người tài hoa. Nhạc của ông viết xuống từng nốt nhạc đẹp như tranh thêu. Thậm chí không phải ca sĩ nào cũng có đủ khả năng để diễn đạt các tác phẩm của ông. Đặc biệt từ những năm 60, khi ông lánh về Hưng Yên để chạy trốn không khí thanh trừng nhân văn giai phẩm, mà bất kỳ văn nghệ sĩ nào lúc đó, cũng nơm nớp phần mình bởi những lời kết tội vô chừng - ngủ chưa hết đêm phập phồng đã thấy lao xao trước cửa ai đó gọi tên mình.
Ở mỗi giai đoạn xã hội, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đều có những tác phẩm công phu và danh tiếng cho mình và cho cả chế độ mà ông phục vụ. Năm 1945, khi tham gia Việt Minh và giai đoạn kháng Pháp, Nguyễn Văn Tý đã cống hiến rất nhiều những bài hát cho cách mạng như Ai xây chiến lũy, Tiếng hát Dôi-a, Vượt trùng dương… Thời Bắc Nam nội chiến, ông cũng viết rất nhiều bài cho việc phục vụ tuyên truyền như Dòng nước quê hương, Màu áo chú bộ đội, Hát mừng chiến công, Thành phố Hồ Chí Minh… Rồi sau năm 1975, ông lại tiếp tục là một trong những cây viết hàng đầu của nhà nước với việc đóng góp những bài hát nổi tiếng trên truyền hình, báo chí như Em đi làm tín dụng, Mùa xuân cô đi nuôi dạy trẻ, Dáng đứng Bến Tre… Nhưng dù cống hiến miệt mài và nhiệt tình như vậy, lịch sử của nhạc sĩ vẫn có những vết gợn trong giới lãnh đạo đến năm 2000, ông mới được giới lãnh đạo xét duyệt cho giải thưởng Hồ Chí Minh.
Vết gợn thứ nhất đó là việc cho ra đời bản Dư Âm. Và vết gợn thứ hai là việc ông có tên trong những người thực hiện ấn bản Nhân văn Giai Phẩm, khiến phải làm việc ngày đêm với công an thời đó.
Dư Âm chỉ là một ca khúc tình yêu, thậm chí là ca khúc xuất sắc về tình yêu đôi lứa. Nhưng tiếc là trong không khí hừng hực chiến tranh được chỉ đạo từ Trung ương, Dư Âm bị coi là một ca khúc phá bĩnh, khiến trai gái có thể mềm lòng, không đủ sức chiến đấu.
Lúc đó, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý 26 tuổi. Ông được mai mối đến làm quen với hai chị em ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Và trong tích tắc nhìn thấy cô em tên Hằng 16 tuổi, ông đã yêu nhưng duyên không thành. Tám năm sau khi gặp lại, thì nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý chỉ còn kịp thấy cô đang đi bộ đội ở Vĩnh Yên, và có lẽ đã có người yêu.
Bài hát Dư Âm là tâm sự của chàng thanh niên ấy, và chỉ đàn hát loanh quanh nhưng cũng đủ trở thành cơn sốt trong thanh niên thời ấy. Ai cũng ngâm nga Dư Âm, ai cũng chép lời để dành làm kỷ niệm. Và Nguyễn Văn Tý trở thành cái tên gây tò mò dữ dội ở Hà Nội.
Nhưng rồi thời kỳ chỉnh huấn 1953 đã thay đổi tất cả. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý bị họp đấu tố, bị buộc viết kiểm điểm để xác nhận là đã sai lầm khi sáng tác Dư Âm. Quyết liệt hơn, các cán bộ văn hóa và tuyên giáo còn tổ chức các buổi nói chuyện ở nhiều nơi trước quần chúng đông đảo, mà nơi đó, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý phải tự sỉ vả mình, phải chối bỏ đứa con tinh thần và đề nghị quần chúng nhân dân… đừng nghe nữa.
Cái khó nhất, là ở miền Bắc thì đạp lên Dư Âm, nhưng ở miền Nam, khán giả ngày càng hâm mộ. Hàng ngày, đài phát thanh Sài Gòn vẫn nhận được thư yêu cầu phát lại bài hát này. Do đó, “tội” của ông lại càng nặng.
1957, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được lệnh chuẩn bị thành lập Hội nhạc sĩ Việt Nam, cùng với những văn nghệ sĩ hàng đầu của miền Bắc như Văn Cao, Lưu Hữu Phước… thế nhưng một lần nữa ông lại lao đao vì tên của ông xuất hiện trên tạp chí Nhân văn Giai Phẩm – một diễn đàn nói thẳng, nói thật và đòi dân chủ xã hội ngay trong thời điểm đó, hoạt động trong thời gian 1955-1958. Theo thanh minh của ông, là do tình thân với Đặng Đình Hưng (thân phụ của nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn) nên chỉ đứng cùng trên danh sách ban biên tập. Nhưng vào thời buổi ấy, đó cũng chỉ là một lời khai, nhất là khi mỗi người khai, chỉ vì nhìn thấy duy nhất một con đường sống của mình.
VÌ lẽ đó, ngoài việc không thể còn tham gia việc dựng Hội nhạc sĩ Việt Nam, ông phải tìm cách xin đi Hưng Yên để nghiên cứu dân ca (1961), mục đích là ở ẩn, thoát khỏi không khí thanh trừng kinh hoàng ở Hà Nội về Nhân văn Giai phẩm. Tận dụng chuyến đi, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cắm cúi sáng tác liên tục, không dám màng đến thế sự. Đến năm 1967 ông mới quay về Hà Nội. Ông kể lại chuyện này với ánh mắt đầy vẻ sợ hãi, nói ông là người may mắn thoát được, còn tất cả bạn bè ông đều phải chịu những số phận khốn khổ vô cùng. “Ác lắm”, ông chỉ lắc đầu, kết luận nhanh như vậy.
Cuộc đời của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là một ví dụ rõ về thân phận của một nghệ sĩ tài hoa, phải chấp nhận nhiều bi kich âm thầm để tồn tại trong một cuộc sống không có ngã rẽ chọn lựa nào. Sau năm 2006, nhiều lần ông đã phản ứng mạnh mẽ về đời sống, về chính trị khi được các đài nước ngoài phỏng vấn, nhưng mọi thứ lọt thỏm trong thời đại mới nhộn nhịp thương mại. Bi kịch là khi ông muốn nói, và nói thẳng thì lại không còn ai quan tâm.
“Tôi chỉ tự hào nhất là bài Dư Âm của mình”, ông nói dứt khoát khi được hỏi về các tác phẩm của mình. Thật trớ trêu. Khi khán giả nhìn thấy cái tên Nguyễn Văn Tý bên cạnh bài hát Dư Âm, ít ai biết rằng ông luôn mang theo mình dư âm của thời son trẻ. Một dư âm đẹp đẽ vang lên nhưng phía sau nó, thật buồn.


Thursday, December 19, 2019

Cho một người vừa chết, cho một người mỏi mòn



Cho một người vừa chết, cho một người mỏi mòn

Đám tang của thầy Đào Quang Thực tại quê nhà của ông, tỉnh Hòa Bình, giống như một lễ dựng mộ gió của người chết mất xác trên biển miền Trung. Gia đình và bạn bè của ông đứng quanh một bàn hương án, có tấm băng-rôn ghi tên và ngày chết của ông, chứ không có thi thể. Ở đâu đó, heo hút và khắc nghiệt của thời tiết và của cả trại giam số 6 Nghệ An, thầy Đào Quang Thực bị vùi ở đó theo luật của nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với lý do đơn giản là việc giao thi thể về nhà sẽ gây mất an ninh.

Theo thông báo, 3 năm sau khi thầy Thực qua đời (tuổi 59), gia đình mới có thể lên trại giam số 6, Nghệ An để làm đơn xin cải táng.

Thầy Đào Quang Thực bị kết án 13 năm tù, một mức án nặng đến ngạc nhiên dành cho một thầy giáo đau yếu và hay cười nói. Công an tỉnh Hoà Bình đặt tên cho thầy Thực là “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, một tên gọi tự nhiên và đầy tính viễn tượng, như kiểu cha mẹ chọn cho con mình một cái tên thằng tèo, con tí, ngẫu hứng và may rủi.

Nhưng thầy Thực là một đứa con không may mắn trên đất Việt. Từ khi tạm giam, ông đã bị đánh, bị bỏ đói và khi đưa đi cấp cứu, ông cũng bị ngăn không được gặp gia đình. Và rồi, cuối cùng thì 3 năm sau, người hoạt động lật đổ chính quyền bằng nụ cười ấy, qua đời trong một trại giam nổi tiếng tàn ác từ trong đến ngoài trại. Tưởng chừng như ông được giải thoát trước 10 năm giam cầm của mình, nhưng không, thầy Thực vẫn phải chịu biệt giam cùng bùn đất nơi bãi chôn của trại giam số 6 Nghệ An thêm 3 năm nữa: Điều nhân đạo nhất mà một chế độ có thể làm được.

Đã đến lúc chúng ta cần nhớ đến những người đã đi qua giam cầm, đi qua những án tù quái lạ và chết nối, linh thiêng vào đời tự do mà họ mơ ước. Tôi nhớ những người như anh Huỳnh Anh Trí, thầy Đinh Đăng Định, ông Trương Văn Sương, tu sĩ Cao Đài Trần Hữu Cảnh, tu sĩ Đoàn Đình Nam, những thầy tu Phật Giáo, những linh mục Công giáo… danh sách thật dài, không kể xiết kể từ 1975 đến nay. Tôi không nghe thấy sự thù hận, chỉ có nỗi buồn và sự cao thượng tỏa lan. Tôi nhớ những giờ phút thầy Đinh Đăng Định yếu lã, lời dặn của ông với những người chung quanh là đừng để hận thù chiếm lấy trái tim, mà hãy tha thứ. Họ nối nhau ra đi, và trở thành những bằng chứng sáng lòa về một đất nước còn đầy những oan nghiệt.

Còn nữa hay không, những người con của nước Việt như vậy sẽ ra đi, chỉ vì ước mơ nhìn thấy một quê hương đổi thay tốt đẹp hơn, ước mơ nhìn thấy một chính quyền thật sự vì tổ quốc và dân tộc? Danh sách đã dài lắm chưa trong tim bạn?

Tháng 12 này, gia đình của anh Hồ Đức Hòa đi thăm nuôi về, và lặng đi khi thấy anh Hòa đã mang thêm chứng tê bại, có thể dẫn đến liệt người. Đây là điều dễ thấy nhất, trong số những chứng bệnh về đại tràng, trĩ, huyết áp cao, gan chai… mà anh đã chịu đựng suốt 8 năm qua.

Hồ Đức Hòa là người chịu án nặng nhất trong số những người bị kết án trong vụ 14 thanh niên Công giáo và Tin Lành vào năm 2013. Trong số đó, có 6 người tuyên bố không nhận tội do tòa án phán quyết, bao gồm Hồ Đức Hòa, Lê Văn Sơn, Đặng Xuân Diệu, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Hồ Văn Oanh, Trần Minh Nhật. Riêng Hồ Đức Hòa bị án nặng nhất là 13 năm tù và 5 năm quản chế, bị coi là người đứng đầu trong nhóm. Con số 13, như định mệnh chung cho cả thầy Thực và anh Hòa.

Sức khỏe của tù nhân Hồ Đức Hòa ngày càng suy sụp. Và lúc này thì càng ngày càng thấy rõ hơn, khi có nghi vấn là anh mắc bệnh ung thư gan thời kỳ đầu. Gia đình của anh Hồ Đức Hòa cho biết, vốn là một người can trường và thường giấu nhẹm tình cảnh khó khăn của mình để mẹ già không lo lắng, nhưng đến nay, anh bật nói ra với người nhà trong lần thăm nuôi mới vừa rồi, cho thấy anh không còn đủ sức chịu đựng như trước.

Từ năm 2016, anh Hồ Đức Hòa không còn được nhận đồ thăm nuôi của gia đình, kể cả những loại thực phẩm trợ giúp cho các chứng bệnh của anh, thậm chí cả thuốc men. Trại giam Ba Sao, lừng danh với sự khắc nghiệt không kém trại 6 Nghệ An, chỉ cho gia đình gửi tiền vào lưu ký trong trại giam, để mua thức ăn hay nhu yếu phẩm của trại bằng giá đắt đỏ nhưng không kiểm soát được phẩm chất. Lý do trừng phạt là anh Hồ Đức Hòa có tư tưởng cải tạo không tốt. Gia đình cũng nhận được thư của trại giam, yêu cầu phải thúc đẩy anh Hòa nhận sự giáo dục tư tưởng của trại.

Tù nhân ở Việt Nam trải qua 2 lần tù như vậy. Sau khi bị kết án và bị giam giữ, họ còn phải bị tra tấn tinh thần suốt thời gian thụ án, bằng cách phải xác nhận ăn năn và ra mặt cầu xin sự khoan hồng của đảng và nhà nước. Tù nhân Hồ Đức Hòa đã đi qua 8 năm với 2 lần tù tinh thần và thể xác như vậy.
Không như thầy Đào Quang Thực phải qua đời trong im lặng. Hay như thầy Đinh Đăng Định, ra đi trong sự chứng kiến đầy bất lực của mọi người chung quanh, anh Hồ Đức Hòa là một thực thể sống và đang mỏi mòn. Vì Hồ Đức Hòa là một hình ảnh rõ nét của ý chí tự do, đầy nhân cách của một người tự do. Anh cần hơn hết sự quan tâm của mọi người, của công luận vào lúc này. Những người tù đã ra đi và được nhớ đến, là lý do để anh Hồ Đức Hòa cần được nhớ nhiều hơn hôm nay.

Đừng để những danh sách đau thương ấy dài hơn, đáng nhớ hơn. Sự sống của mỗi con người bất cứ nơi nào đó trên đất Việt, không phải chỉ để nhớ đến, mà để hành động.