Tuesday, June 25, 2019

Chia tay người gieo mầm hy vọng


Sáng sớm 26/6/2019, nghe nhà giáo Phạm Toàn qua đời. Mới thấy mọi thứ là lẽ đương nhiên của tạo hóa, rồi thấy nỗi buồn nở một đóa hoa trong khu vườn ký ức của mình.
Vài năm trước, khi gặp ông. Vừa nhìn mặt, ông hỏi ngay "Tuấn Khanh phải ông?", nói xong ông ôm chặt, rồi bỗng nhiên ông khóc.
Lúc ấy tôi ngỡ ngàng, bác Vũ Sinh Hiên đứng cạnh tôi, cũng ngỡ ngàng, rồi bác cười "ừ, thế đấy, thế đấy".
Ông lau nước mắt, rồi cười, nói xin lỗi vì xúc động quá. Cho đến ngày ông mất, tôi vẫn chưa bao giờ có thể giải thích được vì sao ông lại xúc động đến như vậy. Chỉ nhớ lúc đó, ông quay sang bác Vũ Sinh Hiên, nói như giải thích "Chúng ta cần con người, đất nước này cần con người, anh à". Bác Hiên, một nhà chép sử Công giáo Độc Lập cũng cười, gật gù "qui, qui...".
Thật ra buổi gặp đó cũng cho tôi một niềm xúc động kỳ lạ. Bởi tôi được chứng kiến hai con người với tuổi tác đi cùng trời đất, không mang gì theo mình ngoài ước muốn cho một đất nước có những con người. Nếu gọi họ là những học giả thì cũng là xứng đáng, vì cả đời những con người ấy luôn mải mê đi tìm làm sao để chấn hưng đất nước, làm sao để có được những con người với sự thật, giữa bóng tối mênh mông của nền tuyên truyền cộng sản. Họ, những học giả của nhân dân, học giả của thuyết hy vọng.
Lúc đó, ông Phạm Toàn đang chuẩn bị để cho ra mắt những cuốn sách giáo khoa đầu tiên của nhóm Cánh Buồm. Ông dành rất nhiều thời gian cho buổi gặp mặt đó, để nói một cách mê say với tôi về những điều ông sẽ làm. "Chúng ta sẽ xây lại từ những gì mà chủ nghĩa cộng sản đã phá nát các thế hệ trên đất nước này", ông nói và nhìn tôi, như sợ tôi không tin, "khó đấy, nhưng sẽ rồi làm được".
Không lâu sau đó tôi thấy những tập đầu tiên của bộ sách giáo khoa Cánh Buồm ra đời. Tôi cũng được biết rằng ông đã phải đánh vật không biết bao nhiêu lần với những người kiểm duyệt để có thể đưa được một vài nội dung tiến bộ vào trong bộ sách ấy. Ông đã cố lược bỏ tất cả những phần chính trị cộng sản ngu ngốc nhất trong những cuốn sách giáo khoa - trong khả năng có thể - nhưng đồng thời cũng phải giữ lại một vài thứ mà nhà cầm quyền ép buộc.
Tôi biết ông cũng cô đơn vô cùng khi đối diện với những ý kiến phê bình về sự bất toàn ấy. Và tôi biết những người đang muốn ngăn cản bộ sách của ông, cũng như những nhà kiểm duyệt cũng vui mừng khi thấy ông cô đơn như vậy.
Cô đơn nhưng ông không dừng lại. Thầy giáo Phạm Toàn lấy dùng hết tất cả những năng lực cuối cùng của cỗ máy thời gian, được Thượng đế gắn tặng trong con người của ông, để phụng sự con người và đất nước Việt Nam như một người yêu nước phụng sự với niềm hy vọng, vì hiểu rõ giáo dục cộng sản là gì, và một tương lai không cộng sản sẽ là gì. Thậm chí ông đã thầm lặng phụng sự trong niềm hy vọng rất đỗi cô đơn ấy của riêng mình.
Tôi nhớ cái bắt tay không còn khỏe của ông. Tôi nhớ nụ cười của các bậc nguyên lão như của bác Phạm Toàn, bác Vũ Sinh Hiên...trên đất nước này. Sự nhọc nhằn của họ đi qua thời gian, chứng kiến và thầm lặng của kẻ gieo hạt vĩ đại mà không có bất kỳ một sức mạnh nào của những kẻ độc tài có thể khuất phục được họ.
Tôi đã sống đủ để chứng kiến có nhiều con người như vậy ra đi trên đất nước này, tôi cũng đã chứng kiến rất nhiều điều ước mơ dang dở về một dân tộc Việt luôn khẳng định mình là không chấp nhận sống hèn, sống tồi.
Và tôi cũng đã nuôi dưỡng những hạt mầm hy vọng, như bác Phạm Toàn đặt xuống cho tôi và nhiều người khác, cho đến lúc tôi không sức để giữ được nữa trong tay, và trao lại cho thế hệ mới. Tôi cũng tin rằng như hạt mầm đó, dù hôm nay chỉ là cây con, chưa thể trở thành cổ thụ, nhưng vẫn luôn được nhân giống và gieo ra trên khắp đất nước đầy oan trái này.
Đất nước Việt, con người Việt vẫn luôn lạc quan và hy vọng nên đã đi qua rất nhiều những triều đại hung ác và tàn bạo. Lịch sử đã ghi chép vậy.
Tôi tin là bác Phạm Toàn sẽ vui khi nghĩ đến điều này.
Hẹn gặp lại bác, cùng những ai đã sống và chết vì mang ơn nợ quê hương và dân tộc.

Monday, June 24, 2019

Cái ác hợp pháp



Trong một tweet của Hoàng Chí Phong gần đây, anh gửi lên một tấm ảnh về lực lượng trấn áp mặc áo đen, có chỉ dấu riêng. Đây là lực lượng bị nhiều người Hồng Kông thắc mắc vì đó là những người đánh đập người biểu tình tháng 6 năm 2019, hết sức tàn bạo. Đánh đến mức mà cảnh sát áo xanh quen thuộc của Hồng Kông phải chạy đến can.

Tấm ảnh trên twitter của Hoàng Chí Phong, cho thấy nhân vật trấn áp nở nụ cười khoái trá. Nó kỳ lạ và khác biệt với hàng trăm ngàn người biểu tình đang xao xuyến trước tương lai mơ hồ của họ.
“Loại người gì mà chĩa vũ khí vào dân chúng mà cười như vậy?”, Hoàng Chí Phong đặt một câu hỏi, có vẻ ngạc nhiên, và pha lẫn sự tức giận.

Nhưng câu hỏi đó, không phải chỉ người Hồng Kông biết, mà thậm chí những người Việt Nam cách một bờ đại dương, cũng biết. Nụ cười đó quen thuộc lắm. Nụ cười thỏa mãn của cái ác hợp pháp. Nụ cười có hình dáng con người, nhưng thật ra, đó là một giống loài khác.

Nụ cười đó, nhắc nhiều người Việt Nam nhớ những ngày tháng họ xuống đường đòi một môi trường trong lành, đòi một chính sách của lòng dân, đòi kẻ thù xâm chiếm quê hương phải biết rõ sự căm hờn đang dồn nén… thì cũng là lúc những lực lượng đàn áp cũng xuất hiện các nụ cười như vậy.

Những kẻ cầm bộ đàm oai phong trong trận càn với quân thù, những nhân vật ngồi quan sát… họ có chung một nụ cười ấy, của cái ác hợp pháp.

Ở công viên Tao Đàn, mùa hè năm 2018. Có những người rất trẻ, họ cũng cười như vậy và đánh đến nôn ra máu, đánh đến hôn mê những có tuổi như chị, như mẹ, như anh của họ. Những trận đòn thay phiên và hả hê thú tính ấy, như muốn chứng minh rằng cái ác hợp pháp, hay cái ác mặc áo lý tưởng ấy chính là đỉnh cao của cách mạng.

Những người bạn trẻ ở Hồng Kông cũng góp bình luận của mình vào tweet của Hoàng Chí Phong bằng những đoạn video quay được các lực lượng lạ lùng ấy rượt đuổi, và khi bắt được một ai đó thì tất cả bu bám và đánh bằng dùi cui không hề thương xót. Ngăn cản một cuộc biểu tình có vẽ như là chuyện phụ, nhưng thỏa mãn thú tính, mới là chuyện chính.

Năm 2015, ông Nguyễn Văn Lía, một nguyên lão của đạo Hòa Hảo Thuần Túy khi đi dự lễ tưởng niệm thầy vắng mặt ở An Giang. Ông bị chận ở một ngã ba đường vắng. Nơi đó nhiều đệ tử của Hòa Hảo đi dự lễ đã bị đánh và nằm quằn quại trên đường. Viên công an chỉ huy nói ông phải quay lại, nếu không sẽ bị đánh như vậy. Thấy mình tuổi cao sức yếu, và cũng không thể vượt qua được hàng hàng lớp lớp công an hung hăng đó, ông Lía quay về, nhưng đi chưa được mười bước, chính viên công an đó đã xông lại đạp ông ngã chúi xuống mương lộ. Đạp xong, viên công an ấy cười.

Tháng 6 năm 2018, Chánh trị sự Hứa Phi, nguyên lão của Đạo Cao Đài Chơn Truyền ở Lâm Đồng, vào chiều tối khi nghe có người gõ cửa tìm, ông ra đón thì hơn chục người của nhà cầm quyền đạp cửa xông vào đánh đập ông đến bất tỉnh. Những người đó thay phiên lấy kéo, dao cạo… cắt râu và cắt tóc của ông, và cười.

Năm 2019, nhà báo tự do Thư Lê đột nhiên bị công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ khi cô đang ở Tây Ninh, vu khống cô vượt biên giới. Những công an viên vây quanh, tra vấn, cho lột đồ khám xét. Viên công an ở Đồng Nai cợt nhã ve vuốt cô, khi bị phản ứng trừng mắt đe dọa. Sau đó tài sản cá nhân của cô nhà báo tự do nghèo khó bị cướp sạch. Viên công an Đồng Nai khi rời khỏi phòng thẩm vấn, nhìn cô và cười.

Cũng như gương mặt cười của tay đặc vụ Trung Quốc được cử sang Hồng Kông để đánh đập, để vui niềm vui dã thú… những nụ cười ấy cũng xuất hiện ở Việt Nam. Và tất cả, chắc chắn đều phải có chung một cảm giác rất đặc biệt về cái ác hợp pháp. Họ - dù khác quê hương và tiếng nói, ắt cũng đều cảm thấy chung một sự khác biệt với con người.

Trong Animal Farm của  George Orwell, những con heo nhỏ bị bắt đi. Được dạy và sống theo một lý tưởng mới, khi quay lại, chúng là sức mạnh và nụ cười của kẻ ác cầm quyền. Vẫn có hình dáng là heo, nhưng chúng đã là một thứ súc sanh khác.

Những cái ác hợp pháp vẫn xuất hiện ở Việt Nam, khắp nơi. Từ sau các chấn song nhà tù ở những vùng khắc nghiệt nhất, cho đến tiếng xua đuổi tại vườn rau Lộc Hưng, hay, hay tiếng máy xúc ở chùa Liên Trì. Trong câu chuyệ kể về vụ cướp đất của dân tại Thủ Thiêm, những người có nụ cười ấy cũng đã hỏi người dân rằng “muốn đất hay muốn mất mạng?”.

Sẽ rất vô nghĩa khi chúng ta bàn về luật pháp, nói về tòa án… hay nói về tương lai của một dân tộc, khi cái ác hợp pháp đang là điều hiển nhiên được hậu thuẫn từ nhà cầm quyền. Câu chuyện Hồng Kông là một ví dụ rõ - những lời kêu gọi yêu thương, chia sẻ và góp sức cho chính quyền xây dựng đất nước… sẽ luôn chỉ là phần biếm họa của sách giáo khoa lịch sử, về triều đại hợp pháp của cái ác.

Sunday, June 23, 2019

Nhà tù không phải nơi để hủy diệt nhân tính



Lời kể của chị Kim Thanh, vợ của tù nhân Trương Minh Đức tại trại giam Thanh Chương, Nghệ An, là một điểm nhấn tàn bạo khó tin về hệ thống nhà tù tại Việt Nam. Chuyện thật mới mẻ, chỉ vào giữa tháng 6/2019 thôi, chỉ chưa đầy nửa năm, sau khi đại diện của Nhà nước Việt Nam khẳng định trước Liên Hợp Quốc rằng không có chuyện đối xử tàn tệ hay tra tấn tù nhân.
“Chắc anh không thể còn về được để gặp em”, nhà báo tự do Trương Minh Đức, người bị tuyên án 12 năm tù với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”. Nhân vật bị nhận định với tội danh ghê gớm đó đã vô số lần bị an ninh thường phục đánh đập đến nhập viện, bị câu lưu, giam tù 5 năm trước đó do đã viết bài ủng hộ cho giới công nhân bị đàn áp, bị bóc lột bởi giới chủ cũng như bày tỏ quan điểm về một Việt Nam cần một chính quyền tốt hơn.
Chị Kim Thanh kể lại lời nhắn này trong sự thảng thốt. Người tù chính trị ở Việt Nam thường phải chọn mãn hạn ra tù như một kẻ bị bẻ gãy ý chí, sống chấp nhận nhục nhằn với quản giáo, hoặc không còn là mình nếu sống theo luật pháp và quyền con người trong một trại giam. Anh Trương Minh Đức được nói lại với gia đình những điều này, khi anh và thầy Đào Quang Thực, ông Nguyễn Văn Túc cùng tuyệt thực phản đối sự đối đãi tàn tệ trong trại giam này. Đã hơn 2 tuần lễ của cuộc tuyệt thực này diễn ra – điều cùng cục mà những người tù nhân lớn tuổi này quyết phải làm – là bởi họ đã yêu cầu, kêu gọi bằng tiếng nói con người.
Mùa hè ở Nghệ An, nơi những cành lá oằn mình cháy xém trước sự thiêu đốt lên đến hơn 40 độ. Thì nơi nhà giam thấp, mái tôn, nhiều người bị giam chung, sức nóng có thể lên hơn 43-45 độ. Nhưng không có quạt, phòng giam nghẹt thở không có quạt để xua bớt sức nóng. Khi mọi người xin mở quạt, thì giám thị đáp nhanh là “quạt hỏng”. Nhưng đó chỉ là một lý do để không cải thiện tình hình, kéo dài sự hành hạ mà mục đích là bóp chết dần sức sống của những tù nhân bệnh tật và cao tuổi.
Câu chuyện của tù nhân Trương Minh Đức, Đào Quang Thực và Nguyễn Văn Túc chỉ là một góc nhỏ của nấm mồ khồng lồ mang tên trại giam, trại cải tạo dành cho người Việt trên đất nước hiện nay.
Đã có quá nhiều câu chuyện kể, nối tiếp và kinh hoàng, từ cái chết của thầy giáo Đinh Đăng Định, Huỳnh Anh Trí, mục sư Tin Lành Ksor Xiem… rồi những người bị tra tấn trong tù một cách tàn bạo như mục sư Nguyễn Công Chính,  Hoàng Bình, Nguyễn Văn Hóa, Nguyễn Viết Dũng… Thậm chí những nghi vấn về thức ăn có chủ đích tàn phá sức khỏe người bị giam giữ cũng đã được phát đi từ Trần Hoàng Phúc, Trần Huỳnh Duy Thức… khiến lịch sử về nhà tù và thái độ ứng xử của một nhà nước với tù nhân bất đồng chính kiến đã ngày càng được phác thảo rõ hơn.
Và nếu tất cả đang diễn ra đồng bộ mở mọi trại giam, mọi quản giáo và mọi thời điểm, bất kỳ ai cũng có thể nhìn thấy đó hoàn toàn có tính hệ thống chứ không thể là của một vài cá nhân có thói quen tàn bạo – như kiểu Thượng tướng Lê Quý Vương từng trả lời trước Liên Hợp Quốc (LHQ) về công ước chống tra tấn, vào tháng 11/2018, là có sai lầm của một vài cá nhân cán bộ.
Không chỉ trong nhà giam, mà cách hành xử bên ngoài với dân thường ở các trại tạm giam, nhục hình điều tra, thậm chí khi không có lệnh khởi tố… cũng là những hình ảnh khác nhức nhối về một nhà nước Việt Nam tự ứng cử vào ghế Hội đồng Bảo an LHQ. Ngay cả với câu trả lời các sai lầm thuộc về cá nhân cán bộ - người ta phải tự đặt câu hỏi, vì sao ngành công an Việt Nam – đặc biệt là trong trại giam lại tuyển dụng nhiều kiểu người tàn bạo và phi nhân tính như vậy?
Có rất nhiều thứ để người ta phải ngẫm nghĩ về đạo đức của một nhà cầm quyền, dẫu đó là loại đạo đức giả hiệu. Từ sau năm 1989 đến nay, thế giới vẫn chưa bao giờ ngừng thu thập các tài liệu về các vụ tra tấn thể chất và chà đạp tinh thần con người trong các nhà tù cộng sản ở Ba Lan, Đức, Rumani, Nga Sô… những kẻ thi hành nhiệm vụ cho đến những kẻ ra lệnh vẫn luôn được gọi tên và đưa ra xét xử. Nhưng điểm chung của tất cả các trại giam và phạm nhân chính trị ấy đều có chung một đặc điểm là một bên thì cố bẻ gãy ý chí, thậm chí bào mòn sức sống của tù nhân bằng mọi cách. Một bên thì cố giữ lại phần nhân tính của mình để dành lại cho quê hương mai sau không còn cộng sản – mà điều ấy chắc chắn sẽ đến. Nổi bật hơn hết, là trò kỳ quái, khi đã kết án, các trại giam và các quản giáo xay thịt luôn buộc các phạm nhân phải viết bản nhận tội và tự thú thành khẩn trong những năm tháng bị giam hãm.
Nhiều ví dụ ở Việt Nam cũng đang cho thấy điều đó, tương tự.
Khi bạn đọc được những dòng chữ này. Ở Việt Nam, vẫn còn ai đó đang tuyệt thực. Vẫn có ai đó đang bị chà đạp tinh thần hay thân thể trong các trại giam. Và ở đâu đó, vẫn còn những con người Việt Nam luôn muốn sống với luật pháp, với tư duy văn minh và đòi một làn gió cho mình, bất chấp nhà cầm quyền có thể chối bỏ hay che lấp những số phận đó.
Nếu bạn là yêu sự công bằng. Yêu sự tồn tại đường hoàng của con cái mình trong tương lai, ở một quốc gia tiến bộ và có quyền con người, bạn cần lắng nghe thấy họ, và lên tiếng cho những người như ông Trương Minh Đức, Đào Quang Thực, Nguyễn Văn Hóa, Hoàng Binh, Nguyễn Trung Tôn, Trần Hoàng Phúc, Phan kim Khánh… rất nhiều ở Việt Nam lúc này, không thể kế hết. Bạn cần lên tiếng cho những con người đang chịu tù đày – dù đúng hay sai đi nữa – vì nơi đó không phải là để dành cho việc hủy diệt nhân tính.
Bạn hãy lên tiếng, kể cả khi tôi không có thể lên tiếng cùng bạn, như ngày hôm nay.

Thursday, June 6, 2019

“Chúng ta sẽ cùng vượt qua”, vợ của kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh hét lớn tại phiên tòa




Kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh là một điển hình về quyền tự do ngôn luận bị giam hãm và chà đạp tại Việt Nam. Chỉ bằng việc bước xuống đường bày tỏ về tình hình ô nhiễm môi trường của đất nước, lên facebook để nói về thực trạng xã hội, nhưng anh Nguyễn Ngọc Ánh bị nhà cầm quyền Việt Nam coi là mối nguy cho sự tồn vong của chế độ.
Ngày 6-6-2019, tòa án tỉnh Bến Tre đã kết án anh Nguyễn Ngọc Ánh 6 năm tù giam và 5 năm quản chế, theo điều 117 BLHS, tức có hành vi làm ra, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cùng với những cụ già, thanh niên mới vào đời… việc tạo cớ bỏ tù hàng loạt người dân, cho dù họ sống và hành động đúng với Hiến pháp Việt Nam về quyền tự do ngôn luận. nhà cầm quyền Việt Nam cũng bộc lộ sự suy nhược và mong manh của chính họ, trong thành trì đầy vũ trang và điều luật mơ hồ để chống lại nhân dân.
Phát biểu sau khi đi dự phiên tòa của chồng mình, chị Nguyễn Thị Châu nói rằng  “dù sao đi nữa, tôi luôn tự hào về người chồng của mình” . Chị Châu mô tả lại phiên xử ngắn ngủi đó.

- Dạ, em đi lên lên tòa từ ngay 5/6. Mấy chị em người nhà các tù nhân lương tâm mướn nhà nghỉ và chờ ngày xử. Dù không cản trở gì, nhưng nơi ở của các chị em bị an ninh vây kín.  Sáng ngày 6-6, em nhận thấy cách tòa án chừng 500m, công an đã dày đặc. Sau đó, em thấy một đoàn 5 chiếc xe chở Cảnh sát cơ động (CSCĐ) chạy vào, trong đó một xe chở anh Ánh. Lúc đó, em giơ máy lên để chụp thì công an thường phục ập đến ngăn em. Với em, phiên tòa diễn ra sau đó vô cùng nàm chán và áp đặt. Thông báo thì nói tòa bắt đầu lúc 7g sáng, nhưng đến 8g30 mới bắt đầu, đến 12g đã kết thúc.
Thẩm phán và Viện Kiểm Sát chỉ đọc trên giấy ghi sẳn, nhưng lủng củng, đọc sai rất nhiều. Họ bắt chồng em phải nhớ lại những chuyện từ hai năm trước.
Chồng em xác nhận có livestream, nhưng khẳng định viêc anh tham gia biểu tình về môi trường, dân oan… là quyền của công dân. Anh Nguyễn Ngọc Ánh cũng nói xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm công dân, nên anh không có tội.
Nhưng với em, đó là phiên tòa dàn dựng. Chẳng hạn như phần người làm chứng thì có em và một người làm của gia đình em trước đây. Riêng người đó, công an có xe đưa rước riêng, cách ly với em. Người đó nói những lời mà an ninh muốn để kết tội chồng em. Chẳng hạn nhà em có một cái ao, mà anh Ánh để ở đó một cái gậy, thì người này nói là anh Ánh làm cái gậy để đi biểu tình.  Rồi công an hỏi, người này kể tên những người nói chuyện livestream với chồng em y như lời an ninh kết tội.
Các video live stream trình chiếu lên màn hình để kết tội chồng em không có nguyên bản mà bị cắt sửa, chỉ có những câu nói hay phần nào bị coi là bất lợi. Còn nguyên bản, nguyên ý thì không có.  Tòa cũng cố ý nhắc đi nhắc lại những điều này coi như là tội nặng của anh Ánh. Thẩm phán rồi Viện Kiểm Sát thay phiên tấn công chồng em không nghỉ, không kịp suy nghĩ để đối phó. Em còn nhớ lúc đó anh Ánh bị mệt và chân anh cũng đau đến mức anh phải vịn chặt mới không ngã, nên thẩm phán cho phép chồng em ngồi, nhưng chồng em đã từ chối. Em tin là chồng em muốn bày tỏ rằng dù như thế nào, anh cũng không nhượng bộ.
Lúc đó, em tức giận quá nên bật tiếng chửi thể và đá tung cánh cửa nên công an áp lại, ngăn em. Sau đó đi ra ngoài thì công an cũng kèm chặt.
Lúc kết thúc phiên tòa, em chạy vào và la lên với chồng mình “anh yên tâm đi, mình còn cuộc chiến cuối cùng. Mình sẽ cùng nhau vượt qua”. Công an cũng chặn em lại, không cho em lại gần chồng em.
Em còn nhớ, trước đó chồng em nói là dù có tù 15 hay 20 năm, thì anh cũng sẽ chấp nhận. Nên khi nhận bản án, anh Ánh không có gì tức tối hay sợ hãi gì cả.

Nhưng đó là suy nghĩ của anh Ánh, còn chị thì cảm thấy thế nào?
- Em nghĩ là bản án do ở trên đưa xuống, quyết định trước rồi. Một bản án bất công, soạn sẳn rồi. Em hiểu chồng mình đã quyết tâm bước chân còn đường lên tiếng cho đất nước, tức chồng em đã biết trước chuyện gì sẽ đến. Vì vậy, cùng chồng mình, em chấp nhận hết. Có là một người tù án 10 hay 20 năm, chồng em vẫn là niềm tự hào của em.

Kết thúc phiên tòa, họ có cho chị gặp anh Ánh không?
-  Lúc đi vào, đoàn xe đi cổng trước, nhưng khi kết thúc, họ đưa anh Ánh ra bằng cổng sau để tránh tiếp xúc với mọi người. Họ cũng không muốn anh chị em phản ứng, và tránh chuyện em nổi khùng lên. Em nhào vào xe chở anh Ánh thì 5 người an ninh giữ em lại, ngăn không cho em la lên, hay nói gì với anh Ánh.  Ra đến quán café cùng mấy chị em gia đình tù nhân lương tâm thì vẫn còn canh, nhưng về đến nhà nghỉ thì không thấy nữa.

Phiên tòa xử anh Nguyễn Ngọc Ánh có ai đến đồng hành với chị không? Vì từ ngày 5-6, ở Sài Gòn hay nhiều nơi khác, an ninh đã chặn cửa rất nhiều người vì sợ mọi người tập trung về Bến Tre?
- Dạ có 4-5 chị em gia đình tù nhân lương tâm đến. Em nghĩ cũng có những người khác đến nhưng không gặp được tụi em, vì mọi người bị kèm chặt. Trong tòa thì chật ních người ngồi nhưng rất nhiều là người do công an cài đặt, nên không biết ai là ai.

Theo tình hình này, thì chị và anh Ánh có quyết định kháng cáo không?
- Em đã liên hệ với luật sư Đặng Đình Mạnh cho việc này. Em nghĩ ông xã em có sai lầm khi nghe công an thuyết phục không cần luật sư và ảnh cũng muốn giữ lời hứa với họ. Nhưng anh Ánh cũng nói rằng sau khi tự bào chữa mà xảy ra những tình huống mà ảnh không đồng ý, thì sẽ nhờ đến luật sư. Chắc là em sẽ đi thăm chồng em rồi có quyết định ngay. Qua phiên tòa này, em thấy chồng em lợi dụng chuyện chồng em tự bào chữa rồi quay chồng em chóng mặt luôn. Lúc em ở vị trí người làm chứng, thẩm phán hỏi em có thấy anh Ánh livestream không. Em nói là tôi không quan tâm livestream hay gì cả, nhưng việc chồng tôi nói chuyện với ai, làm gì, đó là quyền tự do của ảnh. Chồng tôi chỉ nói và đóng góp cho xã hội theo điều 167, chồng tôi không có tội. Tòa đã bắt em im lặng.

Cám ơn chị, và mong anh chị sớm có ý kiến sớm để cùng kháng cáo về bản án này.

Tuấn Khanh (ghi)