Friday, May 17, 2019

Khi chúng ta tuyệt vọng



Một người bạn của tôi kể rằng anh ấy hụt hẩng kinh khủng khi trải qua đại lễ Vesak 2019 của Liên Hợp Quốc tổ chức tại Việt Nam. Thậm chí, có cái gì đó giống như là tuyệt vọng trỗi lên, khi anh thấy trên truyền hình, trên báo chí trương hình ảnh ông Thích Thanh Quyết cho ra mắt bức tranh cố gắng nối Hồ Chí Minh một bên và Đức Phật Thích Ca một bên.

Bên cạnh sự rộn rịp tại một lễ hội, mà Hòa thượng Brahmapundit, Chủ tịch sáng lập Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên hợp quốc (ICDV) khẳng định nói rằng đã thành công tốt đẹp, cuộc tranh luận và bình phẩm về sự kiện nhà nước vô thần đem biểu tượng cao nhất của Phật giáo để đứng cùng lãnh tụ của họ, đang xuất hiện khắp mọi nơi, thậm chí khiến nhiều trang tin tức quốc tế cũng ghi nhận.

Tháng 5-2019 tại Việt Nam không chỉ có vậy. Đã có nhiều điều diễn ra quyết liệt ở mọi nơi, tạo nên một bức tranh tổng thể đỏ ngầu và dữ dội hơn cả sự mô tả ông Hồ Chí Minh đứng trong bức tranh Đạo Pháp và Dân Tộc đó. Những bắt bớ liên tục diễn ra, những nhà máy có sự che chở giới lãnh đạo đang phủ đầy ô nhiễm tang tóc trên đất nước này. Những kẻ giàu có, mua chuộc được sự dốt nát và hám lợi của bọn cầm quyền đang bóp nghẽn các dòng sông, đang cày nát núi đồi và rừng xanh…

Lễ hội Vesak 2019 đã thành công đến mức nói về hòa bình thế giới, nói về ô nhiễm trên tầng cao khí quyển hành tinh, nói về hòa hợp các dân tộc nhưng lại làm ngơ những người nông dân, những làng xóm từ Nam chí Bắc luôn nơm nớp vì bị cướp đất, bị cưỡng đoạt.

Lễ hội Vesak 2019 cũng không nói đến sông Hàn bị bóp nghẹt, nói về những cánh rừng mất dần để thế chỗ bằng sân golf hay biệt phủ của giai cấp mới.

Lễ hội Vesak 2019 cũng không nhắc gì đến việc làm sao để Hà Nội ngừng rượt đuổi những người thương phế binh VNCH, làm sao ngừng chặn bắt hay đánh đập những người bất đồng chính kiến. Từ ngày 12-5 đến 14-5, suốt trong đại lễ này không ngớt xuất hiện những cụm từ “từ bi” và “sám hối”, nhưng hàng ngàn tỉ đồng từ mồ hôi nước mắt lao động của người Việt để tạo nên sự hoàng tráng của đại lễ, vẫn không hề giúp giác ngộ được bộ máy lãnh đạo vô thần Hà nội.

Trong tuyệt vọng, nhận thức luôn là một lối đi mới, tôi vẫn phải đùa và an ủi người bạn mình. Nụ cười lặng lẽ và đôi mắt nhắm của Đức Thích Ca trước các vở hài kịch nhân gian cũng là một suy niệm đủ cho anh bạn tôi – hay bất kỳ ai – bừng tỉnh. Trong bài diễn văn của ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nhắc rằng “mỗi người chúng ta chính là sứ giả của đức Phật”. Nhiều năm qua, những sứ giả nhân danh Đức Phật có hơi thở nhà cầm quyền, đã không ngừng dạy con người mũ ni che tai trước hiện thực, bài xích tôn giáo khác, thậm chí tạo sự lạc lối, về lịch sử dân tộc.

Trong tiếng vỗ tay và đồng tuyên bố về tình nhân loại và tự do tín ngưỡng từ đại lễ Vesak 2019, cũng đã đồng tình chôn sống sự thật về những ngôi chùa bị san lấp, về những tu sĩ bị sách nhiễu tại Việt Nam. Thậm chí, vị Bồ tát có thật của hành tinh là Đức Đạt Lạt Ma thứ 14 cũng được đại lễ sắp xếp cho lãng quên bằng trò đơn giản như thắp nến hay ca hát.

Mỗi lúc thế giới đang mở ra. Những lời nói dối của thế kỷ 21 luôn tinh xảo hơn ở thế kỷ trước. Nhưng bên cạnh đó, nhận thức của con người trước những sự dối trá giờ đây cũng khác biệt và tinh tế hơn. Sau 1975, khi ông Mai Chí Thọ - giám đốc công an thành phố - đối thoại với những bậc trí giả của Giáo hội Phật giáo Thống Nhất đã đặt vào cuộc trò chuyện là xe tăng và nhà tù. Còn 2019, trên bàn đối thoại với Phật giáo và tín đồ, nhà cầm quyền đặt cược bằng cả chùa lớn và đại lễ. Nhưng dẫu vậy, mắt của Đức Phật qua năm tháng ấy vẫn khép, nụ cười vẫn bí ẩn. Những trò vui có thay hình đổi dạng, vẫn vậy, vẫn vô nghĩa cùng những lời nói dối có hệ thống.

Nên bạn tôi, đừng tuyệt vọng, đừng từ bỏ.

Nhận thức không nhằm để chúng ta tuyệt vọng. Nhận thức để chúng ta có được cái nhìn thông tuệ và xuyên suốt, để luôn mang trong tim mình niềm hy vọng. Nhận thức rõ được sự thật sẽ khiến bạn thấy mình khép mắt lặng im và mỉm cười như Đức Phật. Sự thật ấy sẽ dắt tay anh em qua ngõ tối và sợ hãi. Sự thật rồi cũng sẽ giải thoát dân tộc này qua sự mê muội và muộn phiền.

Vì mỗi con người chỉ có một cuộc đời, nên nếu chúng ta tuyệt vọng và từ bỏ, tức đã tự dâng hiến sự sống duy nhất của mình cho kẻ ác, cho bọn vô thần. Trong nhận thức, ta vẫn đang gieo niềm hy vọng, không chỉ riêng mỗi mình, tôi nói với người bạn, và có thể, ta sẽ còn nhìn thấy Đức Phật bí ẩn mỉm cười.

Sunday, May 12, 2019

Hội Luận Cà Phê Đá, niềm cảm hứng của truyền thông tự do




Từ tháng 6/2019, hy vọng rằng dân cư mạng vẫn còn thấy được thường xuyên chương trình Hội luận Cà Phê Đá, với hình ảnh đã trở nên quen thuộc lâu nay.

Đây là một trong những chương trình vlog có hàng chục ngàn người Việt trên toàn thế giới đón coi mỗi sáng thứ Hai, xuất hiện tại Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, 38 Kỳ Đồng, Quận 3, Sài Gòn. Câu chuyện thời sự hàng tuần của đất nước, được hai linh mục Lê Ngọc Thanh và Trương Hoàng Vũ dẫn dắt, đã kiên trì mở ra nhiều góc tối của xã hội, lên tiếng cho tù nhân lương tâm và dân oan, trình bày quyền con người và luật pháp hiện hành.

Nhìn thoáng qua, Hội luận Cà Phê Đá giống như các cuộc tán gẫu thời sự, thế nhưng trong một thời gian ngắn, chương trình này đã trở thành điểm tựa cho nhiều người đang sống trong một đất nước đầy sự vô pháp, thất nhân tâm… Chương trình làm người xem thương mến, bởi họ vẫn còn tìm thấy những tiếng nói chân thành, kêu gọi sự minh bạch cho đất nước, cho số phận con người. Đã từng có lời bình luận của người xem, nói rằng Hội Luận Cà Phê Đá giống như giờ thời sự định kỳ của đài truyền hình phía tự do ngôn luận, chương trình truyền hình thật sự của nhân dân.

Dĩ nhiên, mọi thứ đều có cái giá của nó. Bên cạnh những lời cỗ vũ và chờ đón dành cho chương trình này, cũng có những sự căm ghét và những âm mưu từ kẻ có quyền.

Mới đây, có lệnh thuyên chuyển nhiệm sở đối với linh mục Lê Ngọc Thanh và Trương Hoàng Vũ, cho thấy linh mục Thanh phải về Vĩnh Long, còn linh mục Vũ sẽ phải đến Cần Giờ. Như vậy, từ cuối tháng 5/2019, dù có cố gắng nối tiếp, nhưng vlog Hội Luận Cà Phê Đá ắt sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Công việc mới bận rộn ập đến với từng linh mục, và quan trọng là họ phải rời trung tâm Sài Gòn, nơi tiếp nhận không ngừng hơi thở sự sống, vốn luôn bị bịt chặt các phần sống động nhất trên các trang báo của Nhà nước.

Từ năm ngoái, 3 vấn đề lớn mà vlog Hội Luận Cà Phê Đá đặt ra, làm nhức nhối những kẻ muốn bưng bít thông tin tại Việt Nam là vấn đề bắt bớ, giam giữ, kết án, bỏ tù một cách quái dị đối với những người yêu nước đã xuống đường từ ngày 10 tháng 6, năm 2018 để chống luật an ninh mạng, chống luật đặc khu nhượng địa cho Trung Quốc. Kế đến là vấn đề Luật an ninh mạng và tuờng trình các diễn biến quanh vụ cướp đất ở Vườn rau Lộc Hưng.

Nhưng đến sự kiện Vườn rau Lộc Hưng, không chỉ vlog Hội luận Cà Phê Đá có vai trò mở đường đưa ra các lời tố cáo, vạch trần sự lừa dối và trắng trợn của chính quyền quận Tân Bình, mà người ta còn thấy chương trình này đã tạo ra niềm cảm hứng cũng như khởi động sức mạnh truyền thông của giáo dân Công giáo. Thậm chí, chương trình này từ khi ra mắt, cũng tạo cảm hứng cho giới tự do tín ngưỡng ở Việt Nam trong việc gầy dựng truyền thông cho mình. Từ đầu năm 2019 đến nay, việc xuất hiện các vlog ngắn tường trình hay livestream của các phái Cao Đài Chơn Truyền, Hòa Hảo Thuần Túy, và kể cả Phật giáo Thống Nhất… đã trở nên nhiều hơn. Thậm chí trong các chứng cứ thu thập cho phúc trình của Ủy ban Tự do tôn giáo của Hoa Kỳ (USCIRF) năm 2019 về Việt Nam, có cả các video về người H’mong theo đạo Tin Lành gửi đến – điều mà trước nay vô cùng hiếm hoi.

Đã có nhiều lời đồn đoán về nhà cầm quyền tác động đến việc thuyên chuyển của các linh mục. Nhưng nói trên trang cá nhân của mình, linh mục Lê Ngọc Thanh nói rằng nhiệm kỳ và thuyên chuyển của các linh mục vẫn luôn là nguyên tắc bình thường.

Tuy vậy, với cái nhìn từ bên ngoài, rõ là tiếc nuối, khi những các nguyên tắc đó bắt buộc phải thi hành vào những thời điểm mà các linh mục đang cống hiến tốt nhất, mạnh mẽ nhất khả năng của họ. Và thậm chí cũng bất thường, khi liên hệ đến trường hợp linh mục Nguyễn Duy Tân phải rời bỏ giáo xứ Thọ Hòa để về phụ việc ở công trình Đức Mẹ Núi Cúi, lúc này.

Công việc truyền thông, phụng sự cho những TPB-VNCH cũng được nhiều người đặt dấu hỏi về việc có thể tồn tại lâu dài hay không ở Dòng Chúa Cứu Thế. Đặc biệt là vào cuối năm ngoái, khi có tin hành lang rằng nhà cầm quyền muốn chấm dứt việc tập hợp các TPB-VNCH như vậy, dù chỉ là giúp đỡ từ thiện. Khi được hỏi về điều này, linh mục Phạm Trung Thành – người từng bị cấm xuất cảnh và nhiều lần bị tra vấn bởi nhà cầm quyền, đã nói rằng ông vẫn làm, và sẽ phải làm cho những con người bị thiệt thòi đó. “Chúng tôi phụng sự Chúa, và đã là việc của Chúa thì không ai có thể cản được”, linh mục Phạm Trung Thành nói, cũng trên một vlog của truyền thông Công giáo.

Hội Luận Cà Phê Đá sẽ tiếp tục hay tạm dừng? Khán giả của vlog này nhìn về hiện tại và lo lắng. Nhưng trên thực tế, dù tiếp tục hay tạm dừng, thì chương trình này cũng đã làm được điều tưởng chừng như vô vọng vào những lúc khó khăn nhất: thổi một luồng gió mới đầy cảm hứng về truyền thông tự do, trong một đất nước độc tài kiểm duyệt.


Wednesday, May 8, 2019

Bùi Chu – Phát Diệm, vì sao là lịch sử?




Câu chuyện nhà thờ Bùi Chu đang đứng trước các cuộc tranh cãi là có nên phá bỏ, xây mới, lại rơi vào một thời điểm rất thú vị: kỷ niệm 65 năm những người miền Bắc di cư vào Nam theo tiếng gọi tự do (1954 – 2019).
Trong những điều mà người ta bàn tán, và nói Nhà thờ Chánh tòa Bùi Chu, thuộc xã Xuân Ngọc (Xuân Trường, Nam Định) là di sản, là lịch sử bởi được xây vào năm 1884, bởi giám mục người Tây Ban Nha Wenceslao Onate Thuận, nhưng thật ra, ẩn sau đó, là một câu chuyện của niềm tin, máu, nước mắt, oan khiên… không chỉ riêng của người Công giáo, mà còn là cả một chặng dài lịch sử người Việt.
Người ta vẫn hay kể những câu chuyện kinh hoàng về người ở lại miền Bắc sau 1954, với Cải cách ruộng đất, với các vụ án xét lại chống Đảng, chiến dịch thanh trừng Nhân văn-Giai phẩm… nhưng rất ít có tài liệu nào nói lại rằng những người chọn ở lại, những linh mục, những giáo dân… đã sống thế nào trong những tháng ngày ấy, cho đến 1975.
Từ tháng 7-1954, dòng người ngược xuôi khi chia cắt đất nước, dù không thống kê được đầy đủ, nhưng theo sách Ramesh Thakur, Peacemaking in Vietnam, ước tính rằng có khoảng gần một triệu người từ miền Bắc Việt Nam chạy vào Nam vì từ chối sống dưới chế độ cộng sản. Trong khi đó, chỉ có gần 4.500 người từ Nam ra Bắc. Đa phần họ được gọi tên là dân tập kết đời đầu. Tuy nhiên, đó chỉ là con số thống kê cho đến hết tháng 7 năm 1955. Những cuộc đào thoát sau đó, từ Bắc vào Nam là còn chưa kể đến.
Trong số những giáo dân vào Nam, có không ít người từ Bùi Chu – Phát Diệm. Vì lẽ, hơn ai hết, từ năm 1945 họ đã hiểu cộng sản là gì. Đức giám mục Lê Hữu Từ (được tấn phong từ tháng 10/1945) đã nhận ra được ẩn đằng sau Mặt trận Việt Minh là bàn tay của Quốc tế Cộng sản. Chính vì vậy, ngài đã sớm hậu thuẫn cho tổ chức Việt Nam Công giáo Cứu Quốc, nhằm tách biệt với hàng ngũ người Cộng sản, đặc biệt trong bối cảnh mọi người Việt Nam đều quyết kháng Pháp để đòi độc lập dân tộc.
Đó không phải là suy đoán, vì tài liệu nghiên cứu (2009) nằm trong tàng thư của Tòa tổng giám mục Sài Gòn, được tổ chức bởi Đức Hồng y Phạm Minh Mẫn từ năm 2007, có ghi lại rằng Đức cha Lê Hữu Từ đã công khai tách bạch giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa cộng sản với người đứng đầu của chế độ miền Bắc là chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1946, khi về Phát Diệm để tạo hòa hoãn với Đức cha Lê Hữu Từ, trong vai trò là Giám mục cố vấn chính phủ, chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghe trực tiếp lời tuyên bố của Đức cha rằng “Tôi và toàn dân Công giáo Phát Diệm đoàn kết và triệt để ủng hộ Cụ trong công cuộc chống thực dân Pháp, giành độc lập cho tổ quốc Việt Nam. Nhưng nếu Cụ là Cộng sản thì tôi chống Cụ, và chống Cụ từ phút này”. Nhưng vào lúc đó, ông Hồ Chí Minh vẫn không nhận mình là Cộng sản. Thậm chí ông còn nói với Đức cha Lê Hữu Từ rằng sẽ có một cuộc phổ thông đầu phiếu “toàn dân sẽ định đoạt, Cụ và tôi khỏi phải lo”.
Nhưng cuộc phổ thông đầu phiếu đúng nghĩa ấy, không bao giờ có với người miền Bắc sau 1954 và cả nước, sau 1975.
Nằm kề nhau, nên hai giáo phận Bùi Chu và và Phát Diệm có cùng một khuynh hướng về đạo và đời. Đó là chưa nói 2 nơi này có cùng một lãnh tụ tinh thần của người Công giáo miền Bắc từ năm 1954 đến 1967, là ngài Thaddeus Lê Hữu Từ, Giám quản Tông tòa hạt đại diện của cả hai nơi này qua từng thời kỳ.
Sự mâu thuẫn giữa tổ chức Việt Nam Công giáo Cứu Quốc và Việt Minh tăng dần, dẫn đến những va chạm bằng vũ khí. Theo tài liệu Gibbs, “Battle of Indo-China”, Đức cha Lê Hữu Từ đã có một đội dân quân kháng Pháp và cũng để bảo vệ giáo dân trước Việt Minh, con số được ước tính trong sách nói có lúc đã lên đến 6.000 người. Ủng hộ và yểm trợ cho ngài về mặt chiến sự, được biết có ông Ngô Cao Tùng, chức danh thiếu tá, có nguồn gốc là Việt Nam Quốc Dân Đảng. Lực lượng vũ trang của ông Tùng được ước tính cũng có khoảng 1.700 người.
Đây là một tình cảnh không khác gì với Phật giáo Hòa Hảo ở miền Nam Việt Nam. Một mặt chống Pháp đòi độc lập, nhưng mặt khác người yêu nước phải luôn đề phòng Việt Minh tiêu diệt mình để gồm thâu về một mối cho chủ nghĩa cộng sản. Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ, người sáng lập đạo Hòa Hảo, đã cho hình thành Lực lượng Vũ Trang Hòa Hảo (1945), mà tiền thân là Đội Bảo An, sau đó có thêm lực lượng Hòa Hảo Dân Xã của tướng Trần Văn Soái (tức Năm Lửa) sát nhập vào nhằm bảo vệ mình, cũng như cho cuộc kháng Pháp.
Tháng 10-1949, người Pháp bất ngờ nhảy dù đổ bộ xuống đồng Lưu Phương, sát cạnh khu an toàn Phát Diệm, không ai trở tay kịp vào lúc đó. Và cũng chính vì lý do này mà Việt Minh coi hai vùng Bùi Chu-Phát Diệm là ngầm theo Pháp chống lại Việt Minh. Dĩ nhiên đó âm mưu chính trị, mà sau 1954, người công giáo ở Bùi Chu - Phát Diệm còn ở lại miền Bắc bị rơi vào hoàn cảnh khốn khó hơn hết dưới sự kiểm soát của chính quyền Bắc Việt cộng sản.

Theo tài liệu “Thái độ của các Giám Mục miền Bắc đối với Cộng sản từ 1945 đến 1954” do nhà chép sử Công giáo Vũ Sinh Hiên ghi lại cho thấy, dù ở trong vùng Pháp kiểm soát, nhưng suốt trong thời gian đó, Đức cha Lê Hữu Từ vẫn luôn bày tỏ sự bất mãn và chống đối công khai với người Pháp và vua Bảo Đại. Năm 1951, nhân kỷ niệm 300 năm ngày sinh thánh Jean Baptiste de la Salle, Đức cha Lê Hữu Từ đã lấy cớ đó, đọc bài diễn văn nảy lửa, tuyên bố rằng “Người Pháp hãy ở yên tại Paris và Bảo Đại nên về lại Sài Gòn”.
Nhưng dù vậy, đến 1954, khi người Pháp ra khỏi Bắc Việt, bắt đầu cuộc chia đôi đất nước, các giáo phận Bùi Chu-Phát Diệm vẫn nằm trong sự thù nghịch của chế độ mới. Tên gọi “những con quạ đen” được truyền thông Nhà nước Marxist đặt tên cho các linh mục và tuyên truyền từ đó. Và rồi, một chương khác đầy khổ nạn đã mở ra. Một chặng lịch sử vừa kiêu hãnh, vừa đau đớn của người Công giáo miền Bắc đã hằn nơi mảnh đất họ sinh sống, hằn nơi tiếng chuông nhà thờ và những phiến đá nham nhở, yếu ớt theo thời gian của các thánh đường, như thánh đường Bùi Chu vậy.
Và đó là một phần của câu chuyện dài, để giải thích thêm cho ý nghĩa Bùi Chu – Phát Diệm vì sao là lịch sử.

----------

(Ảnh màu: Nhà thờ Bùi Chu trước khi hạ giải - Ảnh trắng đen, giáo phận Bùi Chu trước năm 1954)