Không thể không thấy bản Yêu sách 2109 với tám điểm gửi đến
nhà cầm quyền Việt Nam, là một văn bản thú vị cũng như có sức tác động mạnh mẽ
trong người dân. Thế nhưng cũng vì sự mạnh mẽ này mà không ít người lo ngại rằng
đó là một thách thức với thể chế, nhất là vào thời buổi tòa án dành cho người bất
đồng chính kiến diễn ra không ngớt.
Đặc biệt là sau vài tuần lễ, từ lúc bản Yêu sách 2019 được
phát đi, mọi thứ đều là im lặng. Có thể đó sự im lặng của nhận thức thiện chí –
tạm hy vọng – hoặc đó có thể là sự im lặng trước bão tố với những âm mưu thấp
hèn.
Cuộc trò chuyện cuối năm với nhà báo Võ Văn Tạo, người ký
tên trong bản Yêu sách 2019 này, đã mở ra thêm nhiều chiều suy nghĩ khác. Đặc
biệt, về suy nghĩ của những người dấn thân cho sự thay đổi tốt đẹp của đất nước,
vốn chỉ có trái tim yêu nước, sẳn sàng đối diện với dùi cui, ngục tù hay lý luận
hàm hồ chủ nghĩa.
Một lần nữa, Yêu sách – hay thư ngỏ của giới trí thức Việt
Nam gửi đến nhà cầm quyền đã rơi vào im lặng. Theo ông những người soạn ra bản
Yêu sách 2019 có nên thất vọng trước sự im lặng này không?
Thật ra những thư ngỏ, kháng nghị hay yêu sách… của giới trí
thức hay tranh đấu cho dân chủ tự do của Việt Nam, hầu hết mọi người khởi xướng
hay ký tên đều không kỳ vọng gì nhiều. Vì theo dõi trong suốt bao nhiêu năm nay,
cho thấy những người cộng sản cầm quyền không hề lắng nghe.
Nhìn lại để thấy, bản yêu sách được nhóm Ngũ long ở Paris được
chuyển đến hội nghị Hòa bình Versailles (1919) thì ít nhiều gì đó, người Pháp
cũng tiếp thu, đặc biệt với hội nghị Mặt trận bình dân. Còn những tuyên bố,
khuyến nghị… của giới nhân sĩ, tranh đấu… gửi đến nhà cầm quyền Việt Nam mấy chục
năm nay, đều để bị rơi vào quên lãng. Đó là chưa nói đến chuyện họ phản ứng ngược
lại, khủng bố. Thi thoảng họ cũng bị tác động và chỉnh sửa, nhưng không đáng kể.
Chính vì vậy, mục tiêu mà bản Yêu sách hướng đến nhà cầm quyền thì ít, mà cái
chính là gửi gắm đến đồng bào.
Yêu sách nhằm thức tỉnh mọi người rằng sống trong mọi thời đại
văn minh, thì con người cần có những quyền tối thiểu nào, và hôm nay chúng ta
đã có những cái gì? Đây là cơ hội để so sánh 100 năm qua ở Việt Nam, quyền con
người đang tiến lên hay thụt lùi? Đồng thời bản Yêu sách này cũng nhắm đến các
quốc gia đang có mối quan hệ với Việt Nam để nói cho họ rõ hiện trạng nhân quyền
ở Việt Nam hiện nay ở mức độ nào. Nếu có thiện chí với người dân Việt Nam, các
quốc gia đó sẽ góp phần tác động với nhà cầm quyền.
Có tín hiệu khá mới mẻ trong bản Yêu sách 2019. Đó nơi là
văn bản này hướng tới nhà cầm quyền không nhằm rõ là gửi cho ai, sau đó lại là
nhằm đến nhân dân Việt Nam và Liên Hợp Quốc. Theo ông, sự thể hiện này có ngụ ý
gì?
Bản Yêu sách của nhóm Ngũ Long là gửi đến nhà cầ quyền Pháp,
hội nghị Versailles, để nói lên nguyện vọng của người dân xứ Đông Dương và người
An Nam. Những người khởi xướng và cùng ký bản Yêu sách sau 100 năm này, nghĩ rằng
mọi thứ nếu có lạc quan thì cũng không cải thiện nhanh được, có thể nhiều
tháng, nhiều năm. Do đó, bản Yêu sách không đề tên ai cụ thể mà chỉ gửi chung đến
những người giữ các cương vị trong bộ máy nhà nước Cộng sản Việt Nam thôi. Nhà
cầm quyền ở giai đoạn nào thì cũng cần nhìn vào bản Yêu sách này.
Còn về nơi đến có cả Liên Hợp Quốc, đó là một hiện trạng đau
lòng của người Việt Nam. Lẽ ra chuyện của người Việt Nam phải do người Việt Nam
giải quyết, nhưng hiện thức rất khó khăn. Sau hàng chục năm dùng đến các biện
pháp bưng bít thông tin, khủng bố, bộ máy công an trị… rất nhiều người chỉ dùng
ngòi bút, suy nghĩ của mình lên tiếng chỉ mong nhân dân mình đỡ khổ thôi cũng
đã phải ngồi tù. Những người tranh đấu cho quyền lợi người dân luôn dùng hết sức
mình nhưng cũng tận dụng mọi khả năng yểm trợ từ quốc tế. Nhận định về tiêu đề
nơi đến của Yêu sách, theo cách hiểu của tôi là như vậy.
Sự mới mẻ đó có thể dễ dàng nhìn thấy, nhưng nó cũng tạo
thêm các luồng dư luận ngay sau khi Yêu sách 2019 ra mắt. Đã có những bình luận
lo ngại rằng việc đặt ra yêu sách như vậy với Hà Nội, là có ý phủ nhận tính
chính danh của hệ thống cầm quyền, và thậm chí là thách thức quyền cai trị?
Bản Yêu sách này không xuất phát từ một hệ thống hay đảng
phái đối lập nào, mà chỉ là của những người đứng trong hàng ngũ nhân dân. Chính
bản Yêu sách năm 1919 cũng nằm trong một tư thế như vậy. Đây là ý nguyện của
nhân dân.
Có là một kiểu thách thức với nhà cầm quyền hay không? Tôi
nghĩ mọi thứ vẫn ở mức ôn hòa nhất, đặc biệt gợi nhớ lại lịch sử có liên quan đến
nhà cầm quyền.
Bản Yêu sách 2019 chỉ dựa vào những gì của 100 năm trước mà
thanh niên Nguyễn Ái Quốc được nhóm Ngũ Long soạn thảo và nhờ mang đi đến hội
nghị Versailles. Mà Nguyễn Ái Quốc được coi là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt
Nam. Giới nhân sĩ trí thức, tranh đấu muốn giới thiệu sự thiện chí của mình
trong việc nêu lại những tiêu chí mà hoàn toàn không có gì khác biệt với bản
Yêu sách 1919, do Nguyễn Ái Quốc phát đi.
Đọc bản Yêu sách 2019, ai cũng hiểu và tự hỏi rằng vì sao
100 năm rồi mà vẫn phải lặp lại bản Yêu sách 8 điểm – mà về cơ bản thì gần như
hoàn toàn giống nhau. Sự nhắc lại này muốn nhấn mạnh rằng 100 năm qua, các quyền
cơ bản của con người trên đất nước vẫn chưa được đáp ứng. Thậm chí có những mặt
còn tệ hại hơn.
Cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ, tiến bộ xã hội nhằm xây dựng
một nước Việt cường thịnh vẫn là cuộc đấu tranh chung của người Việt Nam yêu nước
thương nòi, cho đến bây giờ. Tôi nghĩ ở đây không có bất kỳ sự thách thức nào.
Tuy vậy, về phía những người ngồi trong guồng máy lãnh đạo của Nhà nước Cộng sản
Việt Nam ắt cũng có thể nhột nhạt vì đây là câu chuyện liên đới với chính lãnh
tụ sáng lập đảng. Không có lý do gì mà những người được coi là hậu duệ của Nguyễn
Ái Quốc lại từ chối đáp ứng.
Nhưng đó là bản Yêu sách 1919 là để đối với bọn cai trị và
đô hộ… khi đem một chủ nghĩa ngoại lai vào áp đặt lên lưng nhân dân và đất nước
Việt Nam. Còn bây giờ Việt Nam đã là một quốc gia độc lập, và thậm chí tuyên bố
mới đây của đại diện Việt Nam trước kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát Toàn cầu
(UPR) của Liên Hợp Quốc là đã thực hiện được đến 96% các hạng mục về nhân quyền….?
Từ lâu, Việt Nam được coi là một quốc gia độc lập, nhưng tôi
nghĩ đó chỉ là độc lập trên danh nghĩa thôi.
Trong cuộc chiến tranh Nam Bắc, mọi quyết sách trong cuộc
chiến, rõ ràng không phải đến từ Hà Nội hay Sài Gòn, mà xuất phát từ Moscow, Bắc
Kinh hay Washington. Việt Nam lúc đó chỉ là một quân cờ nhỏ trên bàn cờ quốc tế.
Người Việt trở thành quân cờ trong tay kẻ khác.
Còn sau hội nghị Thành Đô (1990), tôi để ý thấy rõ là cứ trước
mọi kỳ đại hội Đảng, là có phải có phái đoàn của Việt Nam sang xin ý kiến của Trung
Quốc. Đại hội xong, nhân sự yên chỗ, thì lại có đoàn sang Bắc Kinh để báo cáo.
Vậy thì độc lập ở chỗ nào? Không chỉ vậy, chẳng hạn như vụ Bauxite Tây Nguyên
cũng là một ví dụ. Hơn 200 trí thức lớn của Việt Nam viết thư kiến nghị, can
ngăn nhà cầm quyền về môi trường, về an ninh quốc phòng… nhưng họ vẫn bất chấp.
Cho đến nay thì hậu quả tai hại khôn lường, mà tất cả chỉ vì muốn cung phụng
cho Trung Quốc.
Nhiều người sợ rằng Trung Quốc mạnh lên, không thuận ý thì sẽ
xảy ra chiến tranh như năm 1979. Thế nhưng điều đó không còn cần thiết, vì Bắc
Kinh nắm được ngoại giao, tác động được cá nhân hay nội bộ thì muốn lái đi đâu
thì lái. Do đó cần đặt dấu hỏi là chúng ta có thật sự độc lập hay không?
Còn về nhân quyền, thời Pháp có những thứ bóp nghẹt dân chủ.
Nhưng ít nhất vẫn còn báo chí đối lập hay độc lập. Mặt trận Bình dân (1936-1939)
hình thành, ông Trường Chinh nói và nghiên cứu về chủ nghĩa Marx, người Pháp để
cho tự do. Còn bây giờ thì báo chí chỉ cần có bài không hài lòng ai đó, là bị dẹp
ngay. Mọi thứ còn nghiệt ngã hơn thời thực dân rất nhiều.
Với những gì đã thấy, đã trải qua, tôi nghĩ việc đưa ra bản
Yêu sách 2019 là cấp bách và cần thiết, chứ không thách thức hay đối đầu với ai
cả.
Tuấn Khanh (ghi)