Monday, August 27, 2018

Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực: ngày thứ 15, bặt vô âm tín




Anh Trần Huỳnh Duy Tân, em trai của anh Trần Huỳnh Duy Thức cho biết, kể từ khi anh Thức bắt đầu tuyệt thực (14/8/2018) cho đến nay, ngày nào gia đình của gọi điện thoại lên trại giam số 6, Nghệ An nhưng không hề có ai phản hồi. Sự im lặng này làm cho gia đình của anh Thức lo ngại vì không biết sức khỏe, an nguy của anh ra sao.

Trước đó, trong lần gặp thăm nuôi mới đây, anh Thức cho biết là anh sẽ tuyệt thực 10 ngày để phản đối sự áp bức anh trong trại, và nếu sau 10 ngày, trại giam không có biểu hiện rút lại các hành động áp bức đó, anh sẽ tiếp tục tuyệt thực cho đến khi nào trại giam biết tuân thủ đúng luật cho tù nhân và luật pháp của Việt Nam.

An nguy của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức lúc này, được lưu ý cùng hai cái tên là Giám thị Trần Bá Toàn, vừa được bổ nhiệm, và đội trưởng giáo dục Trần Duy Phong. 

Đặc biệt, Trần Duy Phong là người đột ngột đặt ra thông lệ, buộc mỗi lần anh Thức viết thư về nhà, chỉ được thăm hỏi một người. Các sáng tác thơ, nhạc, văn của anh Thức cũng bị cấm đưa cho gia đình. Bên cạnh đó, tất cả các thư từ thăm hỏi sức khỏe của những người quan tâm đến tình trạng của anh Thức, gửi vào trại giam số 6, Nghệ An, đều bị chặn lại, không đến được tay của anh. Mục đích của các cuộc hành hạ tinh thần này của cán bộ trại, nhằm ép anh Trần Huỳnh Duy Thức phải ký vào đơn xin nhận tội và xin khoan hồng. 

Cuối tháng này, 30/8/2018, gia đình anh Thức sẽ ra Nghệ An, yêu cầu trại giam phải cho gặp mặt anh Thức để biết rõ tình hình, vì 15 ngày tuyệt thực theo tin của anh Thức đã trôi qua, mà anh thì vẫn bặt vô âm tín.

Anh Trần Huỳnh Duy Tân (THDT): Cho đến ngày hôm nay, gia đình của có một cách duy nhất là gọi điện thoại vào trại giam để hỏi thăm tình hình anh Thức, nhưng họ không trả lời. Đến nay gia đình không có thông tin gì, chỉ biết anh Thức cho biết sẽ tuyệt thực để yêu cầu trại giam phải thượng tôn pháp luật. Và ước tính của anh Thức, nếu sau 10 ngày mà hành động của cán bộ trại giam vẫn không thay đổi, anh sẽ tiếp tục tuyệt thực.

Việc trại giam ép buộc anh Thức ký giấy xin nhận tội, và dung các hình phạt, quy định áp bức anh cho việc ký giấy, thực tế là như thế nào?

Anh THDT: Thật ra anh Thức không chính thức nói được chi tiết về điều về việc này, nhưng qua thông điệp của anh báo cho gia đình từ tháng 5/2018, thì anh cho biết là trại giam muốn anh được đặc xá. Vào tháng trước, khi đại diện Liên Minh Châu Âu và Đức vào trại giam thăm anh, đã có điều gì đó khiến anh lặp đi lặp lại nhiều lần, với một sự kiên quyết là “có đặc xá, anh cũng không bao giờ ký nhận tội”. Thậm chí anh Thức còn nói rằng cần phải ở hết án, anh cũng sẽ chấp nhận chứ không bao giờ chịu nhận tội. Theo tôi, rõ rang với cách nói với gia đình như vậy thì anh Thức đang gặp một áp lực trong trại về việc phải ký giấy xin nhận tội, xin khoan hồng thì mới được đặc xá.

Trước đây, khi có tin này, nhiều người đã hy vọng rằng anh Trần Huỳnh Duy Thức có thể được trả tự do, về vào dịp 2/9 này… ?

Anh THDT: Bây giờ thì gia đình cũng không tin vào điều này nữa. Và có lẽ không hy vọng điều này luôn. Vì dựa theo tình hình là Nhà nước muốn anh Thức ký giấy nhận tội để có lợi thế về phía họ, nhưng anh Thức thì luôn kiên quyết nói không, chắc là việc trả tự do sớm sẽ không có.

Với anh Thức, ra tù không phải là mục đích. Mà vấn đề chính, là anh Thức muốn nhìn thấy một Nhà nước biết thượng tôn pháp luật. Nếu Nhà nước mượn luật để buộc tội, giam nhốt anh, thì giờ cũng phải thả bằng luật chứ không thể bằng van xin. Anh nói mình không có tội, và chiếu theo luật pháp hiện hành thì anh Thức phải được tự do. Luật pháp được thi hành đúng – anh Thức nói – là cho tất cả mọi người và cho tương lai của Việt Nam. 

Anh Thức nói với ba (ông Trần Duy Huỳnh) và mọi người trong gia đình rằng “con sẽ ra tù, nhưng gia đình đừng nôn nóng và chờ đợi một ngày cụ thể nào”. Và kiên quyết đòi thượng tôn pháp luật từ điều nhỏ đến điều lớn là chọn lựa không thể thay đổi của anh Thức.

Được biết dựa trên những yếu tố chính đáng mà luật pháp sửa đổi và hiện hành, anh Thức phải được là người tự do. Luật sư Ngô Ngọc Trai gần đây khi viết trên trang facebook của mình cũng nhấn mạnh như vậy. Nhưng có yếu tố nào bất cập hay thiếu điều kiện, khiến anh Thức có thể bị từ chối?

Anh THDT: Luật sư Ngô Ngọc Trai rất tự tin về các điều khoản luật có lợi cho anh Thức. Thứ nhất là theo bộ luật 2015 mới sửa đổi, ở khoản 3 điều 109, theo phân tích của luật sư Trai, trường hợp của anh Thức hoàn toàn nằm trong diện “chuẩn bị phạm tội”, với mức án cao nhất là 5 năm. Nhưng nay thì anh Thức đã bị “lố” đến hơn 4 năm rồi.

Điều thứ hai, là vấn đề đặc xá. Chiếu theo đòi hỏi của giới ngoại giao quốc tế và cả sự vận động của người trong nước, thì anh Thức đủ điều kiện đặc xá mà không thể bị ép ký đơn xin nhận tội hay xin khoan hồng gì cả. Đó là luật quy định.

Trong lần gặp vừa rồi, anh Thức nói với tôi rằng “Tuyệt đối không xin xỏ, không van nài gì cả, cho dù anh phải ở hết án tù, và nếu phải ở tù rục xương cũng vậy”. Nói như vậy để thấy anh Thức rất kiên quyết, và đòi Nhà nước phải thi hành luật, chứ không có khoan hồng gì ở đây cả. 

Trong hơi thở yếu và mệt vì bắt đầu tuyệt thực, anh Thức chỉ nói nhanh cho biết về các hình thức ngược đãi và áp bức anh trong tù, nhưng anh luôn nhấn mạnh về luật pháp và phải kiên quyết đòi nhà cầm quyền thực thi pháp luật.

Sunday, August 26, 2018

John McCain và dấu nối giữa hai quốc gia





Thượng nghị sĩ John McCain vừa qua đời ở tuổi 81, sau những ngày đau đớn bởi căn bệnh ung thư não.


Ông là một nhân vật rất quen thuộc với nhiều người Việt Nam, kể cả trong chiến tranh VN cũng như sau chiến tranh.


John McCain được báo chí phương Tây nhận định là một anh hùng chiến tranh, một kẻ hoạt động chính trị đầy tư duy độc lập trước các chính sách, và đoạn cuối đời, ông là một trong những nhà phê bình mạnh nhất các chính sách của Tổng thống Trump, dù ông là một đảng viên đảng Cộng Hòa.


Trong chiến tranh Việt Nam, ông là "giặc lái" - nói theo kiểu miền Bắc Việt Nam, khi nhận lệnh đánh bom, để đáp trả các cuộc xâm lược của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) vào nước Việt Nam Cộng Hòa, khi VNDCCH phá vỡ các nghị ước hòa bình, đem quân vượt qua vĩ tuyến 17 vào miền Nam.


Cuối năm 1967, John McCain bị bắn hạ ở Việt Nam, và sau đó trải qua 5 năm tù ở miền Bắc. Vì là một trong những người thuộc gia đình có truyền thống tham gia quân đội, John McCain luôn nằm trong danh sách ưu tiên để trao đổi tù binh, nhưng ông từ chối đặc quyền này để nhường cho những tù binh Mỹ khác đang cần được chăm sóc. Và do vậy, kinh nghiệm ở tù của những người cộng sản của ông cũng dầy thêm, bao gồm 2 năm biệt giam và nhiều lần bị tra tấn.


John McCain cũng nhiều lần nhắc lại ký ức này nhưng thay vì đó là hận thù, ông đã dành nhiều thời gian của mình khi trở thành một chính trị gia, là vận động cho nhân quyền của người Việt Nam, nơi mà ông có nhiều kinh nghiệm hơn cả những chính trị gia Mỹ khác cùng thời.


Trong một lần xung đột quan điểm về chính trị, tổng thống Donald Trump nói ông không phải là anh hùng, mà chỉ là một phi công thất bại. Nhưng với nhiều người Việt đã kinh qua chiến tranh, anh hùng là tính cách chứ không phải là sự kiện.


Nước Mỹ có đến 58.000 quân nhân thất bại trong chiến tranh Việt Nam, nhưng chắc chắn nước Mỹ coi đó là những anh hùng.


Lịch sử Việt Nam cũng tràn ngập các danh sĩ, danh tướng thất bại trong sự nghiệp của mình như Hai Bà Trưng, Trần Bình Trọng, Lê Lai, Nguyễn Thái Học... Nhưng chắc chắn đó cũng là những anh hùng.


John McCain từng bị chính quyền VNDCCH tổ chức cho hàng dài hội phụ nữ, đoàn viên... đứng phun nước bọt vào đầu, chửi mắng và lăng mạ khi bị bắn rớt máy bay và giải đi qua phố. Nhưng khi là một chính trị gia quyền lực, điều ông nghĩ đến là ủng hộ để làm sao thay đổi nhân quyền, luật pháp và chính thể ở VN, thì mới giúp được con người VN. Ông đổi nước bọt và sự sỉ nhục, tra tấn... bằng suy nghĩ giúp đổi thay Việt Nam, chỉ như vậy thôi, ông đã là một anh hùng.


Những ngày tháng cuối cùng của John McCain, còn là những hoạt động không ngừng để bảo trợ và mang nhạc sĩ Việt Khang đến Mỹ, định cư với cuộc đời khác.


81 tuổi, ông ra đi với nhiều điều đáng nhớ, cho cả hai quốc gia Mỹ và Việt Nam.

Thursday, August 23, 2018

Điều không thể bị tước đoạt





Nhà văn Anh gốc Pakistan Babar Ahmad từng viết rằng “Ngục tù cho biết rằng, có những thứ mà người ta không thể tước đoạt được từ bạn, đó là trái tim của bạn”. Ông ghi lại suy nghĩ này sau khi được trả tự do, với 8 năm bị cầm tù tại Anh do bị nghi ngờ là tiếp ý tưởng cho khủng bố khi viết những câu chuyện về cuộc xung đột sắc tộc ở Bosnia và Chechnya, rồi một trang web có khuynh hướng ủng hộ Taliban đăng lại.

Suốt trong thời gian đó, thư từ của của Babar Ahmad gửi ra ngoài, đều bị mật vụ Anh soi chiếu cẩn mật, vì lo ngại rằng các ngôn từ ẩn dụ của ông có thể là thông điệp cho ai đó.

Nhưng xét cho cùng, cuộc đời của Babar Ahmad không ngặt nghèo như Trần Huỳnh Duy Thức, vì tất cả những lá thư mà người ta gửi cho ông, cũng như ông gửi đi đều đến đúng địa chỉ mà không bị cắt gọt gì. Với tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, từ tháng 6/2018, khi có những đòi hỏi từ phía trại giam về việc ông Thức phải làm đơn nhận tội và xin khoan hồng để được đặc xá, ông đã bị hành hạ bằng nhiều cách vị quyết liệt từ chối việc đổi chác đó.

Lâu nay, khi viết thư về gia đình, ông Thức vẫn viết một mạch thăm hỏi ba mẹ, anh em, vợ con. Nhưng giờ, theo “quy định mới”, ông Thức mỗi lần viết thư về thăm nhà, chỉ được viết cho một người. Nếu là cho ba thì không được cho mẹ, đã viết cho vợ thì không được cho con. Cán bộ mới nhậm chức là Trần Duy Phong xuất hiện ở trại giam số 6 Nghệ An đã quyết định như vậy, nhưng không giải thích là vì sao.

Trước đây, anh Thức làm thơ, viết nhạc và gửi về gia đình như một cách chia sẻ tinh thần. Giờ thì trại giam cũng không cho cho phép anh gửi những tác phẩm đó về nhà. Thư từ bên ngoài của người ủng hộ tinh thần cho anh gửi đến trại cũng bị giấu đi, không tới tay anh.

Trước đó, ông Thức từng bị một thời gian dài giam trong buồng tối, không có ánh sáng sinh hoạt. Mắt của ông không thể thấy được và bị giảm thị lực trầm trọng. Lúc đó gia đình xin được gửi các đèn pin bằng nhựa vào để giúp ông sinh hoạt dễ đang hơn, dĩ nhiên cán bộ trại giam cũng từ chối vì lý do an ninh.

Tường tự như Barba Ahmad, ông Trần Huỳnh Duy Thức chỉ có ngôn ngữ và suy nghĩ của mình để thể hiện. Ông Thức bị kết tội vì lên tiếng chỉ ra các sai lầm của một nhà nước về kinh tế, chính trị và kêu gọi phải thay đổi. Nhưng điểm khác biệt giữa hai con người ấy, là Barba Ahmad bị kết tội là liên quan đến một nhà nước khủng bố, còn ông Trần Huỳnh Duy Thức thì bị một nhà nước kết tội và giam cầm ông bằng phương thức khủng bố.

Barba Ahmad bị giam từ năm 2004 đến 2012, sau đó Toà án tối cao của Anh Quốc đã ra phán quyết buộc chính phủ bồi thường ông 60.000 bảng Anh và công bố hồ sơ về việc ông bị kết tội oan, bị ngược đãi trong nhà tù. Năm 2009 cũng là năm ông Thức bị bắt. Một năm sau, ông bị đưa ra toà, và bị kêu án 16 năm tù giam và 5 năm quản chế vì ngay tại toà, ông lên tiếng tố cáo quá trình điều tra đã bức cung và nhục hình đối với ông. Mức án này cao gấp đôi so với ban đầu dự kiến của Viện kiểm sát, như một cách trả thù cho thái độ của ông.

Đến ngày 23/8/2018, ông Trần Huỳnh Duy Thức đã tuyệt thực được 10 ngày để phản đối hành vi ngược đãi của cán bộ trại giam trong việc kiểm duyệt thư từ, sách nhiễu sinh hoạt của ông mà không theo bất kỳ một quy định chính thức nào. Và ông nói nếu việc ngược đãi vẫn tiếp tục, ông sẽ lại tuyệt thực để chống lại sự bất công và sai trái này.
 
Hàng ngày, trong thời gian ông Thức tuyệt thực, gia đình vẫn điện thoại vào trại giam để theo dõi tình trạng của ông, nhưng phía trại giam im lặng, không phản hồi bất kỳ điều gì. Vì sức khỏe hiện nay của ông Thức rất yếu, việc tuyệt thực của ông là điều khiến gia đình vô cùng lo lắng.

Trong suốt thời gian Barba Ahmad vướng vòng lao lý, nhiều lần và hàng chục ngàn người đã ký thỉnh nguyện thư để ủng hộ ông. Năm 2015, ông trở lại cư ngụ ở Anh trong sự trọng thị của cảnh sát và chính phủ Anh, vì thái độ ôn hoà và quyết đòi công lý cho mình.

Ở Việt Nam, đã có rất nhiều lần và hàng chục ngàn chữ ký, lời kêu gọi nhà cầm quyền Hà Nội hãy trả tự do cho ông Trần Huỳnh Duy Thức. Năm 2018, dư luận trong và ngoài nước một lần nữa dậy lên ý kiến đòi trả tự do cho ông, sau khi ông đã chịu án 9 năm tù. Nhiều lần, đại diện của chính phủ Việt Nam đề nghị ông đi tỵ nạn để được tự do, ông đã dứt khoát từ chối và nói “tôi phải ở lại để phục vụ cho đất nước mình”.

Năm 2018, Trần Huỳnh Duy Thức hiện rõ hơn trong suy nghĩ và trái tim của hàng triệu người Việt, vì thái độ ôn hoà và quyết liệt đòi công lý cho mình, và khó khăn hơn Barba Ahmad vì nơi ông đòi hỏi, là một một quốc gia độc tài và không có nền tư pháp độc lập.

Nhưng ông vẫn không ngừng lại. Trong hơi thở yếu đuối vì tuyệt thực nhưng không khoan nhượng, nói từ trại giam, ông vẫn căn dặn gia đình mình rằng “Không cần phải van xin, và cũng đừng kêu gọi ân huệ nào, mà chúng ta chỉ cần đòi hỏi một nhà nước biết tuân thủ với luật pháp của chính họ đề ra”.

Như Barba Ahmad viết “Ngục tù cho biết rằng, có những thứ mà người ta không thể tước đoạt được từ bạn, đó là trái tim của bạn”. Những năm tháng hành hạ và ngược đãi Trần Huỳnh Duy Thức từ nhà tù đã không làm thay đổi ông. Nhà tù của chế độ cộng sản đã tước đoạt tuổi trẻ, sức sáng tạo của ông, nhưng không thể đánh bại được ước mơ phải xây dựng và đổi thay đất nước của ông. 

Một ước mơ đầy cảm động của con người yêu nước mình, thứ mà chủ nghĩa cộng sản không bao giờ có hay tước đoạt được.

Saturday, August 18, 2018

Trần Thị Nga bị đánh đập và đe dọa giết chết trong trại giam Gia Trung




Tin từ ông Lương Dân Lý cho biết, trong lần gọi điện thoại về nhà mới đây, bà Nga đã nói thật nhanh vào lúc cuối cuộc gọi để cho gia đình biết rằng biết trong thời gian qua, bà Nga liên tục bị đánh đập và bị dọa giết chết. Bên cạnh đó, rất nhiều thư từ của những người thương mến gởi vào trại thăm hỏi, thì bà Nga cũng không hề nhận được.

Được biết mỗi tháng bà Nga được gọi điện thoại về nhà một lần. Mỗi lần chỉ có 5 phút và có quản giáo đứng bên cạnh kiểm soát.

Trong lần thăm nuôi vào cuối tháng 7/2018, ông Lý được bà Nga cho biết bà bị giam chung với nữ phạm nhân hình sự côn đồ nổi tiếng của trại, có biệt danh là Hải Hô. Hầu hết những tù nhân nữ đã chịu án ở trại Gia Trung, Gia Lai như bà Bùi Thị Minh Hằng, bà Cấn Thị Thêu… đều biết về nhân vật này.

Ông Lý cho biết rằng khi thấy gia đinh lo lắng, bà Nga đã trấn an, và nói rằng “chúng ko dám đánh chết em đâu, nên anh cứ yên tâm và cũng đừng làm gì để mọi người phải lo lắng quá cho em”.
Trong cuộc trò chuyện nhanh với ông Lương Dân Lý vào ngày 18/8/2018, ông cho biết lý do bà Nga bị hành hạ như vậy, bởi bà tuyên bố không công nhận và mức án của tòa án nhà nước Việt Nam áp đặt cho bà. Thậm chí khi gia đình đến thăm nuôi, công an trại giam buộc bà phải bận áo tù mới cho gặp gia đình, bà đã nhất quyết từ chối và chấp nhận mọi sự trừng phạt.

Những người tù nhân lương tâm như bà Trần Thị Nga hay bà Cấn Thị Thêu, bà Bùi Thị Minh Hằng… luôn nhận được những tờ đánh giá – tức một cách theo dõi tư tưởng, đồng thời là một cách ghi nhận việc người có xin nhận tội để được khoan hồng hay không. Dĩ nhiên cách thức này luôn bị thất bại đối với những người phụ nữ có lý tưởng vì nhân quyền hay hoạt động tiến bộ xã hội. Việc thể hiện sự dứt khoát hay phản ứng trong các tờ khai đánh giá như vậy, cũng có thể khiến họ bị trừng phạt theo cách nào đó.

Việc sắp đặt để tù hình sự ở cùng phòng rồi kiếm cớ đánh đập, sách nhiễu không phải là chuyện cá biệt của bà Trần Thị Nga. Trước đây, các tù nhân lương tâm khác, ở các trại giam khác nhau, như Cấn Thị Thêu, Bùi Thị Minh Hằng, Đỗ Thị Minh Hạnh, Phạm Thanh Nghiên… cũng đều trãi qua tình trạng tồi tệ này. Cho thấy, cách hành xử này mang tính hệ thống chứ không phải là một hành động riêng biệt của riêng một trại.

Bên cạnh đó, nhiều lần trại giam đã ngăn không cho các con của bà Nga vào thăm mẹ, mà không có lý do nào. Chỉ đến khi gia đình và bạn bè phản ứng liên tục với trại giam thì các con của bà mới được cho vào gặp.

“Đó là những trò hành hạ, hay có thể gọi là trả thù rất bẩn thỉu mà cán bộ trại giam luôn nhắm vào chúng tôi (các tù nhân lương tâm) để gây khó khăn cho chúng tôi”, bà Bùi Thị Minh Hằng, một người đã chịu án 3 năm tù giam ở trại Gia Trung, nhận định như vậy trong buổi nói chuyện ngày 18/8. Bà Hằng cũng nhấn mạnh rằng các giám thị phụ trách kiểm tra tình trạng trại giam phải chịu trách nhiệm về việc này vì đã để mặc cho việc tấn công tù nhân diễn ra. Bà Hằng cũng nêu tên một viên chức quản lý và kiểm tra ở trại Gia Trung có tên là Nguyễn Đình Ba, là người phải chịu trách nhiệm.
Ông Lương Dân Lý cho biết ông sẽ làm đơn khiếu nại với trại giam Gia Trung, cũng như gửi đơn lên Tổng cục 8, tức Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ Tư pháp (cũ) để xin giải quyết trường hợp của bà Nga.

Bà Cấn Thị Thêu, một người tranh đấu chống nạn cướp đất ở Hà Nội từng bị 20 tháng tù ở trại Gia Trung, Gia Lai, nói rằng theo kinh nghiệm của bà, việc bị khủng bố trong tù, cần nhất là lên tiếng cho gia đình được biết, cũng như phải tạo dư luận bên ngoài quan tâm về trường hợp của mình thì mới có hy vọng giảm thiểu được khó khăn.

“Phải bằng mọi cách phải truyền tin ra ngoài. Về mặt luật pháp của Nhà nước thì mình vẫn làm đơn để khiếu nại. Nhưng quan trọng nhất là mượn lực của trong và ngoài nước để đòi nơi giam giữ tôn trọng các nguyên tắc chung. Lần tôi tuyệt thực để phán đối sai trái tại trại Thanh Hóa (2015), bà con ở làng cũng đã tụ tập trước cổng trại bieetu tình phản đối việc đàn áp tôi khiến nơi này phải thay đổi thái độ. Còn trường hợp của chị Trần Thị Nga, tôi nghĩ, việc tác động truyền thông bên ngoài đến mọi tầng lớp người Việt, các quốc gia, các cơ quan ngoại giao… là điều hết sức cần thiết lúc này”, bà Cấn Thị Thêu nhận định.

Xin được nhắc lại, bà Trần Thị Nga là mẹ của hai đứa con nhỏ, sống tại Hà Nam. Bà bị tòa án của nơi này tuyên án 9 năm tù và 5 năm quản chế theo tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại khoản 1 điều 88 bộ luật Hình sự.

Bà Trần Thị Nga (tên trên facebook là Thúy Nga) là một trong số các nhà hoạt động nữ nhiều lần bị đánh đập dã man, thậm chí bị vây đánh bằng gậy sắt đến gẫy chân tay. Ngày thường, bà và các con liên tục bị sách nhiễu bằng đủ hình thức và cấm cản các hoạt động. Năm 2017, bà từng được tổ chức Amnesty International vinh danh là một trong 6 phụ nữ can đảm của năm 2017.