Thursday, July 13, 2017

Cho những người không quen





Tháng 12 năm 2012, tôi nhận được một email rất lạ. Người gửi cũng từ một người không quen, ở mãi tận Nam Phi. Lá thư điện tử đó từ Tổng giám mục Desmond Tutu. Ông là nhà lãnh đạo tôn giáo lừng danh chống lại chủ nghĩa kỳ thị và đấu tranh cho giá trị con người, đã từng nhận giải Nobel Hòa Bình vào năm 1984, giải Gandhi Hòa Bình năm 2007, và nhiều giải thưởng cao quý khác. 

Lá thư của ngài Desmond Tutu kể với tôi rằng, ở đâu đó tại nước Trung Quốc cộng sản, có một người bạn của ông tên là Lưu Hiểu Ba đang bị cầm tù và chịu đựng bệnh tật như một cách trả thù của chính quyền. Đơn giản chỉ vì ông Lưu lên tiếng tranh đấu cho tự do và quyền làm người. Ngài Desmond Tutu muốn tôi cùng góp một chữ ký vào thư kêu gọi Nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc hãy trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba, trong một chiến dịch của thế giới văn minh cùng gõ vào cánh cửa độc tài, mà đứng ở hàng đầu là hơn 130 khôi nguyên của các giải Nobel qua nhiều thời kỳ.  

Vào thời điểm khi tôi nhận được lá thư này, giáo sư Lưu Hiểu Ba đã được vinh danh với giải Nobel Hòa Bình vào năm 2010, nhưng Bắc Kinh đã từ chối không cho ông sang Thụy Điển nhận giải, thậm chí đã phản ứng gay gắt, gọi việc xướng danh ông Lưu Hiểu Ba là một sỉ nhục của  giải Nobel.  Có đến 19 nước trong số 65 quốc gia được Viện Hàn Lâm Thụy Điển mời đến dự lễ trao giải, đã phải lên tiếng sẽ vắng mặt vì bị áp lực của Trung Quốc, trong đó có Cuba, Venezuela,  Nga… và dĩ nhiên, có cả Việt Nam.

Ông Lưu Hiểu Ba bị kêu án 11 năm tù giam, với luận điệu “âm mưu lật đổ chính quyền”, loại tội danh mà một số quốc gia độc tài vẫn luôn sử dụng trong niềm hoang mang thầm kín về chuyện “lật” và “đổ” của chế độ mình, bất chấp sức cai trị luôn được ngày đêm củng cố bằng công an, quân đội và các loại luật lệ áp đặt thô bỉ. 

Khi đó, ông Lưu vẫn là một người khỏe mạnh.

Trước khi bị giam cầm, ông Lưu Hiểu Ba, trong vai trò là một giáo sư vẫn dùng tiếng nói của mình để thúc giục sự đổi thay và cảnh tỉnh về sự dã man của chế độ trong cơn bấn loạn quyền lực. Những chi tiết ghi lại trong thời điểm 1989 ở Thiên An Môn cho biết, ông Lưu Hiểu Ba đã tìm mọi cách để thương thuyết, giải cứu hàng trăm sinh viên không bị thiệt mạng dưới lưỡi lê và xích xe tăng của quân đội. Giống như nhiều nhà bất đồng chính kiến khác ở Trung Quốc, thông tin và tên của ông Lưu bị kiểm duyệt trên báo chí, trên internet nhằm tẩy não người dân quên lãng ông. Chính vì vậy, giải Nobel Hòa Bình như sự tỉnh thức về lương tâm và nhân cách của một người Trung Quốc đã khiến cả thế giới dõi theo và xao động. 

Đây không phải là lần đầu tiên trong đời mình, tôi để xuống một chữ ký vô danh của mình trong một thế giới quá rộng lớn và mỗi ngày hiện thực càng thêm tàn bạo. Đó là lần đầu tiên, tôi ký trong sự bồi hồi về một con người không quen biết, và cầu mong ông được tự do, như chính ông hy vọng trong câu nói quen thuộc “Hy vọng rằng tôi sẽ là nạn nhân cuối cùng trong cách đối xử có chiều dài kỷ lục của chính quyền Trung Quốc luôn xem việc lên tiếng như là tội phạm”.

Và rồi, hôm nay, tôi hay tin ông Lưu Hiểu Ba qua đời ở tuổi 61. Hàng triệu người ở đại lục hay Hồng Kông, Đài Loan chắc sẽ rất buồn. Hàng triệu người khác không cùng màu da tiếng nói với ông Lưu chắc cũng vậy, cũng sẽ thất vọng, trong đó, không thể thiếu những người đã từng góp một chữ ký vào bức thư mà ngài Desmond Tutu khởi xướng.

Tôi bỗng chợt nhớ đến những lá thư ngỏ, những cuộc vận động không ngừng nghỉ trong đất nước mình để đối phó với các sự kiện mỗi ngày. Thật không đếm hết những lần tôi và bạn bè mình đã ký vì Hoàng Sa, Trường Sa hay Formosa… Lúc thì cho một phụ nữ đơn thân bị cầm tù khắc nghiệt, khi thì môi trường bị tàn hại thương tâm, hoặc vì những nạn nhân chết quá bất thường trong đồn công an. Đã từng có lúc, tôi thấy một người bạn tức giận kêu lên, mệt mỏi rằng “liệu các thư này, chữ ký này có lay động được gì, có ích lợi gì không?” .

Cũng như vậy, Bắc Kinh có lay động gì qua những chữ ký của thế giới đòi tự do cho ông Lưu Hiểu Ba, hay chỉ là thoáng cau mày rồi kiên quyết giam cầm ông cho đến chết? 

Trong diễn từ của mình được đọc tại lễ trao giải của Viện Hàn Lâm Thụy Điển, ông Lưu Hiểu Ba có viết rằng “Tôi không có kẻ thù, và cũng không có lòng căm thù”. Tuyên bố cuối cùng của ông trước thế giới, xác lập một tư thế chọn lựa minh tuệ, rằng cái ác hay chế độ độc tài không phải là thứ để đối đầu mà là một hiện trạng tăm tối cần được kiến giải, khai mở cho tiến trình đổi thay.

“Tôi không thấy mình có tội gì khi sử dụng quyền tự do phát biểu hiến định, để làm tròn trách vị công dân của mình. Dẫu có bị kết tội vì đã làm thế, tôi cũng chẳng than phiền điều gì cả”, diễn từ của ông kết thúc như vậy. Thật dễ hiểu. Phần của kẻ ác, của chế độ độc tài sẽ làm hết tất cả những gì thuộc về cực của chúng. Và phần của những con người yêu sự thật, yêu tự do và lẽ phải cũng cần làm hết sức những gì mà mình có thể. Đó là một tiến trình mà lịch sử văn minh nhân loại đã chứng minh rằng Chúa Jesus, Đức Phật, Gandhi hay Martin Luther King… đã đi qua và dựng nên chân lý.

Như tôi đã từng để xuống một chữ ký cho ông Lưu Hiểu Ba, và tôi cũng sẽ không ngần ngại ký một lần nữa, cho ai đó, vì lẽ phải và sự thật, dẫu có lúc tức giận hay thất vọng. Vì chữ ký nhỏ, như một cam kết rằng tôi hay chúng ta chọn đứng về phía loài người yêu sự công chính.

“Dẫu có bị kết tội vì đã làm thế, tôi cũng chẳng than phiền điều gì cả”, tôi đọc lại một lần nữa lời kết của ông Lưu Hiểu Ba. Tôi nhớ đến nụ cười hiền lành của ông, như nghĩ đến nụ cười của loài người nhẫn nại trong niềm hy vọng bất diệt.