Thursday, March 30, 2017

Rác của một thời



Cơn mưa bất ngờ chiều tháng Ba, khiến không ít người ngạc nhiên. Thành phố tối sầm như một ngày tháng 7. Mưa lớn đến mức như trút nước, như muốn tự mình làm sạch đời sống Sài Gòn. Mưa xối xả như muốn đẩy hết bụi bặm và những ngổn ngang chồng chất vừa được tạo ra từ chiến dịch đầy sóng gió trong đời sống và dư luận dân chúng, vốn được gọi là “dọn dẹp vỉa hè”.

Trong những bức ảnh được giới thiệu trên mạng xã hội, người ta nhìn thấy đoàn quân ô hợp của ông Hải, phó chủ tịch quận 1, đã chuốt nhọn và nham nhở bậc tam cấp của quán café Starbuck nằm ở ngã sáu Phù Đổng Thiên Vương. Bức ảnh nói thật nhiều điều về một chiến dịch thị uy và duy ý chí, phia trước là sự hài lòng vô minh của một nhóm người, và phía sau là tiếng thở dài của đám đông.

Cuối tháng ba, những dòng tin vội vã và ít ỏi cho biết ông Hải tạm dừng các chuyến hành quân “dọn dẹp” của mình, lừng lẫy không khác gì các cuộc tuần tiễu trên biển Đông. Có bình luận là do công việc đã thành công bước đầu và ông Hải giao lại cho các quận. Nhưng cũng có lời bàn rằng ông Hải phải thu mình lại, trước những chỉ trích không vừa và các dấu hiệu sai phạm ngày càng lộ rõ.

Cơn mưa chiều tháng Ba quá lớn, tạt ướt cả khoảng nhà trước của một người dân trên đường Hồng Thập Tự cũ. Vừa che, vừa lau, người đàn ông này liên tục quát lên một mình “mẹ cha tụi nó, cái mái hiên xếp thì có ngăn cản gì vỉa hè mà tụi nó ập vô tháo rồi lấy?”.

Trong những bức ảnh ghi lại về chiến dịch này, có hình ảnh một cụ già ngồi im lặng nhìn bậc tam cấp của nhà hát Nguyễn Văn Hảo có gần trăm năm bị đập đi. Bức ảnh gợi nhớ một truyện ngắn của Pearl Buck (1892-1973) về một chiến dịch dọn dẹp nhân danh phát triển ở Trung Quốc, mà một cụ già ngồi nhìn những ngổn ngang gạch đá bị đập phá trong hiện thực của mình và ngơ ngác lắng nghe giấc mơ của những nhà làm chính trị. Cụ già không hiểu. Cụ khóc. Với cụ, chính trị cùng mọi thứ đó cũng chỉ là rác.

Mọi người dân Sài Gòn đều yêu thành phố của mình. Và chắc chắn ai cũng vỗ tay cho một đổi thay thiết thực và hợp lý cho thành phố mà mình đang sống. Nhưng khi vỗ tay, có không ít người chậm nhịp dần, buông xuôi vì nhận ra rằng đằng sau của tiếng hô đầy âm điệu chính nghĩa ấy, là những điều gì đó rất chính trị. Loại chính trị xa vời đời sống của người dân. Loại chính trị cũng như rác.
Chiến dịch dọn dẹp ấy làm dậy lên những lời bàn từ vỉa hè, có thể không hoàn hảo như một chứng cứ, nhưng đó là những lời bàn từ lòng dân bật ra, cũng không kém thú vị để lắng nghe.

Trong chiến dịch đập phá của một người miền ngoài trực tiếp chỉ huy, người ta nhìn thấy có bóng của vị bí thư - cũng ở miền ngoài - đang nắm quyền lực ở Sài Gòn. Chiến dịch như một phương án tái cấu trúc lại quyền lực giữa một tình thế mà người có quyền ấy cảm thấy không vui vì sự bất phục ở chung quanh.

Ông Hải là một giải pháp phá băng, và thị uy, và phần nào giúp giải tỏa được những sự tức giận của vị bí thư cảm giác mình lạc lõng. Thậm chí, chính ông Hải cũng là người lạc lõng đáng thương khi tự mình đương đầu với tất cả trong chiến dịch, trong cơn bão phản ứng từ mọi phía. Trong cuộc họp giao ban ngày 11/3, khó chịu vì các quan chức địa phương ở Sài Gòn thiếu hợp tác với ông Hải, bí thư Thăng phải lớn tiếng “Các anh phải xuống đường, đồng hành cùng ông Hải, đừng để dư luận bức xúc”. Có vẻ như nhiều quan chức Sài Gòn không muốn dính vào các hoạt động bị nhiều bình luận là “bất nhân” ấy.

Trong bối cảnh Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn đều bị đồn đoán là có hệ thống cát cứ - và nếu có - thì ắt hẳn Sài Gòn như đang sở hữu một tính “cát cứ” rất riêng và thâm trầm của mình. Đến lúc này, người ta phải tự hỏi là không biết là báo chí ở TP đã cỗ vũ nhiệt tình cho chiến dịch chỉ tay của ông Hải, hay là vô hình trung lẳng lặng thu thập các chứng cứ bất lợi cho ông Hải, bao gồm cả những phát ngôn có thể bị khởi kiện về Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.

Và có vẻ như đòn quyết định được tung ra vào ngày 26/3, khi có nhận định rằng những việc làm của ông Hải, thông qua sự yểm trợ của ông Thăng là “không có luật pháp”, được phát đi từ trang cá nhân của ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Việt Nam, Con trai trưởng của cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh. 3 ngày sau lời nhận định mạnh mẽ và trực tiếp bất ngờ này, ông phó chủ tịch quận 1 tuyên bố tạm dừng.

Lời nhắn của ông Lê Mạnh Hà ghi rằng “Thế kỷ 21 mà vẫn còn nghe tiếng búa đập vào văn hóa của Hồng vệ binh, nhưng ghê rợn hơn bởi tiếng hò reo ủng hộ từ những tờ báo mạng” có một sức mạnh khó lường. Lý do không phải chỉ bởi từ một người có chức vụ cao trong hệ thống, mà quan trọng vì ông Hà được coi là một người hết sức liêm khiết trong bộ máy. Sự lên tiếng này, không khác gì đòn điểm huyệt vào chiếc đồng hồ Patek Philippe và chiếc điện thoại Vertu mà ông Hải đã im lặng tháo đi ngay trong những ngày đầu.

Ông Hà viết “người ta coi dân như kẻ thù, vỉa hè như chiến trường, TPHCM như trong thời chiến và không có luật pháp”.

Vang lên từ vỉa hè, sau những tiếng búa tiếng chày nện đinh, người ta nói rằng có thể đó là lương tâm của những người có trách nhiệm trước viễn cảnh Sài Gòn hoang tan bật lên tiếng. Nhưng cũng có người nói rằng đó là những phần phông màn phía trước của các câu chuyện thâm sâu khó lường đang diễn ra trước Hội nghị Trung ương 5, khóa 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 5 sắp tới. Dĩ nhiên đó chỉ là những lời bàn từ vỉa hè, như một loại rác của thời, rác của cuộc đời, rác của chính trị.

Dĩ nhiên, trong chiến dịch của ông Hải, không phải là không có người thật sự ủng hộ. Sau 42 năm, chứng kiến sự bất toàn và bất nhất trong việc lãnh đạo, người dân Việt Nam nói chung đã quá mệt mỏi và luôn bừng dậy trước một hình ảnh nào đó mang lại cho họ hy vọng rằng sự tốt đẹp nhất đã đến. Thậm chí, để được tốt đẹp, họ chấp nhận những sai lầm ban đầu của những người dám làm. Thật không có gì tàn nhẫn hơn khi lợi dụng sự khổ đau của con người Việt Nam đang vọng về một tương lai tốt đẹp hơn, rồi mị dân, dẫn dắt họ đi về những lý lẽ biện luận lạc lối với nền văn minh và luật pháp.

Và trong các chiến dịch pha màu sắc dân túy cực hữu như vậy, luôn có một đám đông được sinh ra, loạn lạc và tự diệt trong những sự điên cuồng ủng hộ và điên cuồng đập phá. Thời của Hitler, để có một đám đông “ghê rợn” như ông Lê Mạnh Hà mô tả, nước Đức đã tạo ra các đoàn thanh niên Quốc xã như Deutsches Jungvolk và Bund Deutscher Mädel. Thời của Mao Trạch Đông, cũng có những đám đông “ghê rợn” như vậy từ Hồng Vệ Binh.

Trong lịch sử, từ những câu chuyện và con người đã đi qua hỗn loạn ấy, chiến dịch ấy… - nếu chúng ta lùi lại để ngắm nhìn – thì thấy mọi thứ đều chỉ là rác của một thời.

Cám ơn cơn mưa tháng Ba. Làn gió mát và những dòng nước như đang cố rửa sạch rác rưởi còn lại từ những ngày qua. Sài Gòn, thành phố của chúng ta vẫn còn đó, dù như thế nào đi nữa, thì hôm nay đã lại dầy thêm trong lịch sử hơn 300 năm thăng trầm, về những chuyện kể từ vỉa hè. Chuyện kể về rác của một thời.



Thursday, March 16, 2017

Mặt trận những người mẹ không yên tĩnh



Trong buổi chiều ngày 16/3, tôi được nhìn thấy một chị bạn thoát trở về từ đồn công an. Gương mặt của chị  đầy nét mệt mỏi. Chị bị bắt giữ và giam nhiều tiếng đồng hồ, sau khi đã đứng giơ khẩu hiệu đòi minh bạch nghi án ấu dâm ở trường Lương Thế Vinh (số 1 Dân chủ, Phường Bình Thọ,  Quận Thủ Đức).

Nghi án ấu dâm ở trường Lương Thế Vinh đã qua nhiều ngày, với những điều ngày càng được phơi bày sáng tỏ hơn. Ngay trong buổi sáng mà những người phụ nữ bị xua đuổi, giải tán và thậm chí bị bắt giam, giới phụ huynh giận dữ chuyền tay nhau bản video phỏng vấn của Báo Thanh niên, trong đó xác định bé gái học lớp một đã bị lạm dụng đến chảy máu đẫm chiếc quần lót, bởi đã chứng cứ xét nghiệm cho thấy có tế bào nam trong dịch âm đạo của bé.

Bản tin này, với lời khẳng định việc bé gái bị xâm hại tình dục là hoàn toàn có cơ sở. Bước ngoặt này hoàn toàn khác với những cuộc điều tra, thông báo đầy tính loanh quanh, thậm chí bất minh trước đó. Nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng về sự an toàn của bản tin nên đã vội tải về, gửi đi trên các trang mạng xã hội khác. Lo lắng không thừa, chỉ ít giờ sau khi được đăng tải, các phụ huynh nói với nhau rằng bản tin cũng bị rút xuống một cách khó hiểu.

Người chị đã giơ khẩu hiệu đòi minh bạch điều tra vụ ấu dâm trước trường Lương Thế Vinh may mắn trở về được, trong khi 2 người mẹ khác, bạn của chị, vẫn còn bị công an quận Thủ Đức tiếp tục giam giữ trong chiều hôm ấy. Chị bị điều tra như một loại tội phạm khủng bố. Công an buộc chị phải mở điện thoại, thẩm vấn… và chị đã phản ứng quyết liệt đến mức đập cong nát chiếc điện thoại của mình, thậm chí nuốt luôn simcard sắc nhọn như một cách tự vẫn, để từ chối việc công an địa phương xâm phạm quyền riêng tư của chị.

Có cái gì đó thật bất bình thường, khi những người mẹ đứng lên đòi bảo vệ con cái của mình, lại trở thành kẻ bị đàn áp tức thì, trong khi các nghi can tội phạm thì luôn được đắn đo để đưa vào tìm hiểu sự việc.

Xã hội thật bất an, khi luật pháp không trực tiếp và tức thì chống lại tội ác. Mà thanh gươm cong nhân danh luật pháp dường như lại luôn nhằm thẳng vào nhân dân trong một hành động quá mơ hồ, không đủ lý lẽ thuyết phục như vậy.

Tố cáo nạn ấu dâm bùng lên ở Việt Nam, chỉ khi một số bà mẹ quá đau xót và tức giận trước kẻ thủ ác như vẫn ung dung trong sự che chắn kỳ lạ nào đó. Bất kỳ ai theo dõi các sự vụ đều hoang mang khi thấy một quan chức, đảng viên cộng sản 76 tuổi, thoát được mọi cáo buộc, mặc dù có đến 9 bà mẹ đòi đưa người đàn ông này ra ánh sáng khi xâm hại các con gái nhỏ của họ, trong cùng một khu chúng cư. Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Thành phố Vũng Tàu thì đã bộc lộ điều đầy vẻ mờ ám khi cứ lần lữa bằng cách gia hạn điều tra thêm, dù đã có quyết định khởi tố từ tháng 8/2016.

Tương tự như vậy, đối diện nghi vấn về chuyện một nghi phạm ấu dâm 34 tuổi đang làm việc tại Hoàng Mai, Hà Nội đang làm người dân sôi sục, trước khi điều tra được về sự việc chính là tội ác đối với trẻ em, thì công an nhanh chóng tuyên bố là sẽ phải nhanh chóng “điều tra và xử lý sớm” về chuyện ai đã làm mất uy tín ông Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình. Đơn giản vì có lời đồn nghi phạm có quan hệ gia đình với ông chủ tịch. Việc ấu dâm tội ác thì tạm thời tuyên bố sau.

Luật pháp để phục vụ toàn dân. Luật pháp để phụng sự cho cho đất nước của những người dân đóng thuế và nuôi nấng xã hội. Nhưng trong những điều diễn ra, người ta đang cảm giác rằng luật pháp đang chỉ phục vụ cho một nhóm người, cho những thành phần được ngấm ngầm ưu đãi. Còn lại, tất cả như chỉ là bánh vẽ đối một dân tộc đang nhọc nhằn cần lao và thấp thỏm hy vọng.

Chỉ khi có lệnh từ chủ tịch nước Trần Đại Quang, bộ máy luật pháp ở nhiều nơi mới uể oải làm nhiệm vụ của mình, dĩ nhiên, trong đó bao gồm cả việc bắt giữ và thẩm vấn những bà mẹ đứng lên đòi một môi trường sống an toàn cho con em mình. Thật vô nhân.

Kèn trống của các loại truyền thông muốn làm nhẹ sự việc cũng được khua lên inh ỏi. Thật sửng sốt, khi một bộ máy vẫn được dân chúng thường gọi đầy khinh bỉ là Dư Luận Viên cũng sôi động lúc nhúc, thậm chí kêu gào bào chữa cho hiện trạng xã hội bằng những lời ngu dốt tận đáy như “nước nào cũng có nạn ấu dâm”.

Một thống kê tạm bợ cho biết, Việt Nam một năm có khoảng 1000 trẻ em bị xâm hại. Gần 60% các cháu 12-15 tuổi, 13% mới chỉ dưới 6 tuổi. Thực tế chắc còn vượt xa các con số đó. Tin trên báo Tuổi Trẻ cho biết Việt Nam dàn trận đến 15 tổ chức gọi là bảo vệ trẻ em, nhưng khi trẻ bị xâm hại thì chẳng biết gọi ai. Khi dư luận xã hội bùng lên dữ dội, một vài quan chức cũng lên tiếng nhiệt tình như một cách vỗ tay theo nhịp, mặc dù trước đó, họ chính là những kẻ giỏi im lặng nhất.

Hình ảnh đất nước Việt Nam hôm nay, không khác gì một bức Guernica khổng lồ. Mọi thứ giận dữ, sợ hãi và tuyệt vọng quẫy đạp chồng chéo trong đám đông mà không có được một tiếng động nào thoát ra ngoài thế giới thật.

Như cú đập điện thoại dứt khoát phản đối của chị bạn tôi, những bà mẹ và những gia đình Việt Nam đã tự mình leo khỏi bức tranh xinh đẹp quảng bá về cuộc sống Việt Nam, họ sẳn sàng hy sinh mọi thứ để tạo nên tiếng động gây sự chú ý giữa màn đen bí ẩn bao phủ khắp nơi, vì một tương lai của chính mình và những người chung quanh.

Và nếu luật pháp không đủ sức mạnh để gìn giữ đời sống xã hội, thì chính quyền tạo ra nó, hôm nay, cũng sẽ bị nhân dân đặt một dấu hỏi rằng: liệu chính quyền và luật pháp ấy nên tồn tại để làm gì?



Monday, March 13, 2017

Khi con người giữ lại





Tháng 1/1995, khi ông Võ Văn Kiệt ký văn bản số 406-Ttg, ra lệnh không được đốt pháo trên cả nước. Không những pháo trong hiện thực bị săn lùng và hủy diệt, mà ngay cả pháo trong trí tưởng cũng bị ngăn chận. Ít lâu sau đó, trong một lần đưa ca khúc Bài Ca Tết Cho Em (sáng tác: nhạc sĩ Quốc Dũng) vào chương trình sản xuất CD mùa xuân, một biên tập viên đã than thở rằng Sở Văn hóa Thông tin ở Sài Gòn nói phải sửa lại lời, vì có chữ “pháo”, nghe nhạy cảm với một loại hình sản phẩm đã bị cấm.

Những chuyện hài hước như vậy, không bao giờ thiếu trong một nền văn hóa bị kiểm duyệt theo chỉ đạo, và cũng theo tính trung thành đến bại hoại của những nhân viên kiểm duyệt tại Việt Nam, kể từ sau 1975.

Một buổi sáng, khi đọc bản tin về chuyện 5 ca khúc có từ nửa thế kỷ trước bị lại cấm lưu hành, nhiều người dân đã tỏ ý bất bình. Nhưng với giới văn nghệ đã tận mặt sống và quay quắt trong các sợi xích kiểm duyệt từ suốt nhiều năm thì lại khác. Phản ứng thường là một nụ cười mỉa, và gật gù như của một anh bạn “đến giờ này mà vẫn còn bệnh hoạn như vậy à?”

Năm ca khúc đó, bao gồm Cánh thiệp đầu xuân (tác giả Lê Dinh - Minh Kỳ), Rừng xưa, Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương). Như bao lần, những người “làm” văn hóa của Nhà nước vẫn giải thích mơ hồ, thậm chí ngớ ngẩn như dừng lưu hành để tìm tên tác giả chính xác. Một quan chức nhà nước, được báo Tuổi Trẻ dẫn lời, nói rằng ông băn khoăn vì không biết ý nghĩa lời hát “cuộc chiến” nằm trong Con đường xưa em đi, là cuộc chiến nào.

Như một đứa trẻ to lớn nhưng gồng gánh tâm hồn tự kỷ, hệ thống văn hóa xã hội chủ nghĩa của Việt Nam hiện nay loay hoay với một nỗi ám ảnh mơ hồ, và không thể hội nhập cùng cuộc sống bình thường. Đứa trẻ đó lo sợ mọi thứ - từ quá khứ đến tương lai. Đứa trẻ cố vươn vai đứng thẳng oai vệ trong đời sống, nhưng nhột nhạt thầm kín vì đêm đêm còn mắc tật đái trộm trên giường. Đứa trẻ tự cáu gắt vì chứng không thể trưởng thành của mình.

Nhạc sĩ Thanh Sơn, lúc còn sinh thời, từng ngồi buồn hiu, kể rằng một nhân viên kiểm duyệt của Sở, trẻ bằng tuổi con út của ông, ra lệnh cho ông về phải bỏ chữ “phu quân” trong một ca khúc tình yêu đồng quê của ông, chỉ vì chữ “quân” có thể ám chỉ đến quân nhân Việt Nam Cộng Hòa.

Năm ngoái, một đôi bạn trẻ viết tạp bút về Sài Gòn, chạy xin giấy phép in với một nhà xuất bản. Khi bản thảo đưa lên duyệt, một đoạn văn liên quan đến bài hát Chiếc lá cuối cùng (tác giả Tuấn Khanh sinh năm 1933) bị lưu ý là phải bỏ đi vì liên quan văn hóa trước 1975. Khi các bạn trẻ này kêu nài rằng bài hát đã được duyệt, tác giả được lưu hành… thì biên tập viên – kiểm duyệt viên bối rối, chuyển sang ý khác là “cũng phải bỏ, vì gợi ý đến nhạc sĩ Tuấn Khanh hiện nay, người đang có vấn đề”.

Trãi qua rất nhiều năm. Kể từ lúc những bánh xích xe tăng chiến thắng của những người Cộng sản lăn trên các đường phố ở miền Nam. Có không ít những khung thước văn hóa thật mới mẻ được kẻ ra cho người dân. Từ chiếc quần ống loe bị chận cắt giữa đường, mái tóc dài nam giới bị giữ lại và buộc xén đi vô tội vạ… cho đến hôm nay, quả là một chặng đường rất dài để con người Việt Nam thấy rằng mình đang phải chạy hồng hộc trên một vòng tròn thật lớn, để cố về điểm xuất phát văn minh ban đầu của mình.

Đầu năm 2017, có tin bài hát Ly rượu mừng được trả tự do. Rất nhiều người vui mừng vì nghĩ rằng “rồi cuối cùng những điều tốt đẹp nhất cũng đã trở lại”. Có không ít những bài viết, sự hân hoan xuất hiện trên các trang mạng. Có bóp, thì phải có mở chứ!

Cảm giác này có thể so sánh với năm 1977, khi nạn đói tràn lan ở Việt Nam, bệnh ghẻ ngứa rừng hành hạ mọi gia đình. Rồi đến năm 1990, khi nhiều người bắt đầu được ăn cơm có thịt và sử dụng xà bông Hoa Kỳ gửi về từ các thùng đồ của kiều bào –  thì người Việt nam cũng đã hân hoan và hạnh phúc như vậy. Quả là có bóp, rồi phải có mở!

Và rồi, khi một ca khúc được trả tự do, thì cũng không lâu sau, có đến 5 ca khúc khác bị giam lại. Cái được và mất có vẻ đã rõ trong đời sống văn hóa bình thường của con người. Mở và bóp!

Cấm và cho / Bóp và mở trong kiểm duyệt văn hóa tại Việt Nam chưa bao giờ có một câu trả lời quang minh, hay có một thái độ chính đáng. Năm 2012, khi được hỏi về cách thức cho phép lưu hành những bài hát trước năm 1975, ông Lê Ngọc Cường - nguyên cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn từng xác nhận rằng thay vì lên danh sách những bài cần cấm, thì Cục chỉ có danh sách những bài được cho phép (khoảng hơn 1500 bài, trong số hàng chục ngàn bài hát trước 1975). Và việc bóp xiết các bài hát cũ, được khoán lớn cho Sở ở thành phố Hồ Chí Minh, vì nơi này được coi là có khả năng “biết rõ nội tình”.

Nội tình ấy, Trịnh Công Sơn, đến khi qua đời nhiều năm, vẫn chưa bao giờ được phép ấn hành chính thức và đầy đủ bộ Ca khúc Da Vàng, tập tác phẩm được coi là làm nên tên tuổi của ông.

Nội tình ấy, Nhạc sĩ Phạm Duy, từ khi giao cho công ty Phương Nam quản lý và xin phép các ca khúc của ông từ năm 2005 đến nay, chỉ khoảng 200 bài hát được cho phép. Thậm chí có những bài cấp phép rồi, lại cấm như Trường ca Con đường Cái quan và Còn chút gì để nhớ.

Không biết dựa vào luật nào, Cục chỉ cho phép một năm làm đơn xin từ 2 đến 3 lần, mỗi lần từ 7 đến 13 bài. Và nếu chiếu theo trình tự đó, di sản hơn 1000 bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy có thể phải đến năm 2050 mới được cấp phép hoàn toàn. Dĩ nhiên, đó là trong tình trạng các nhà “làm” văn hóa không trở chứng tự kỷ kinh niên.

Cũng có ý kiến cho rằng Nhà nước đang lo lắng vì không cản nổi tình trạng văn hóa trước 1975 bùng phát lại ở miền Nam và nhiều nơi khác. Khởi đầu là âm nhạc, sau đến là sách vở, lịch sử… nên đang tìm cách kìm hãm bằng cách cắt nhanh nguồn cảm hứng của dân chúng. Khởi đầu là không ít nghệ sĩ của Nhà nước được hậu thuẫn lên tiếng bài bác bolero, rồi kế đến kêu đòi một nền văn minh gameshow không có bolero... Hôm nay là thả một và nhốt năm, như tín hiệu của một mùa xuân không còn nghe tiếng pháo.

Nếu lưu ý, sẽ không ít người ngạc nhiên rằng năm 2017, khi bài hát Ly rượu mừng được trả tự do một cách hữu ý trước Tết Nguyên Đán, nhưng lại không vang lên rộn rã bằng những năm mà người dân phải tự vượt rào để hát, để nghe nó. Có lẽ người dân đã bằng lòng với sự bình thường và giá trị được trả lại, nên không ra sức níu kéo như nhiều thập niên qua.

Nhưng ngay khi danh sách 5 bài hát bị cấm được tung ra, lạ thay, đâu đâu cũng nghe người dân hát, mở lại những ca khúc này. Chuyện “cấm”, trở thành một thái độ vô vọng trước đời sống tự nhiên trong phút chốc.

Và như thế, những bài hát cấm đó, chắc chắn lại sẽ vang lên – không khác gì những ngày tháng Ly rượu mừng bị giam nhốt. Kẻ có quyền có thể phất tay phế bỏ, nhưng nhân dân sẽ mãi mãi âm thầm giữ lại trong trí nhớ và từng lời hát khe khẽ của mình, bởi lẽ năm bài hát ấy – hay hàng chục ngàn bài hát khác – không có tội tình gì.

Vì họ biết, cuối cùng tài sản lớn nhất của con người là văn hóa chứ không là cường quyền. Âm nhạc hay sách vở - tri thức và cảm xúc… sẽ còn lại mãi mãi, bền bỉ thách đố mọi thời đại mê muội của quyền hành.  


Tuesday, March 7, 2017

Xin ngã nón chào những người phụ nữ



Tháng 12/2015 khi có tin tức nhạc sĩ Việt Khang mãn hạn tù. Tôi đón nghe được trên đài phát thanh giọng nói của bà Vân, mẹ của Khang về ngày được tự do của con mình. Đó là một giọng nói gây nhiều xúc động, dễ làm người nghe nghĩ ngợi.

Bà Vân có giọng nói đặc trưng của một người phụ nữ miền Tây Việt Nam. Chân chất và hiền hậu. Bà mừng và run run nói về đứa con trai của mình, rằng bà tôn trọng những quyết định của Khang. Với hai bài hát của mình, nhạc sĩ Việt Khang phải chịu bản án 4 năm tù và 2 năm quản chế và bị coi là tội phạm nguy hiểm khi dám đặt câu hỏi với ngành công an Việt Nam rằng “Xin hỏi anh là ai? Sao bắt tôi - tôi làm điều gì sai?” Thế nhưng khi nói trên sóng radio, dẫu có chút ngập ngừng, bà vẫn nhỏ nhẹ rằng “tôi nghĩ Khang nó thấy cái gì đúng thì nó làm”.

Rất nhiều ngày sau đó, thậm chí cho đến khi gặp được bà, tôi vẫn không thể hiểu rằng sức mạnh nào trong người phụ nữ nhỏ bé và không cậy nhờ nhiều đến chữ nghĩa đó, lại có thể nói một điều hết sức giản đơn nhưng có một sức mạnh như sấm động, rằng cái đúng thuộc về trái tim và lý trí. Cái đúng vẫn y như vậy dù người đứng về phía nó có phải chịu tù đày. Cái đúng nằm trọn trong nhân dân, nằm trọn trong trái tim của người mẹ phủi chiếc áo nâu, đứng dậy và kiêu hãnh về con mình.

Nhưng trong giọng nói đó. Tôi biết bà có sợ hãi. Cũng không khác gì giọng nói và gương mặt của mẹ nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình. Khi đến vấn an bà, khi biết Bình chịu mức án 6 năm tù cùng 2 năm quản chế. Gương mặt của bà im lặng, lạnh giá như mặt hồ tháng Giêng. Khó ai biết được bên dưới làn nước ấy là nỗi buồn hay sự tức giận. Bà nắm chặt tay tôi không nói gì khi tôi hỏi về Bình. Tôi nghĩ rằmg bà đã sợ hãi và chắc là đã vừa gượng qua một cơn sốc nào đó.

Làm sao mà không sốc, khi ngôi nhà nhỏ trên đường Kỳ Đồng bị xô cửa với những người hung hãn xông vào, lục tung và mang Trần Vũ Anh Bình đi vì những bài hát của anh. Vài ngày sau, những tờ báo của nhà nước giương hàng tít lớn, đưa tin có những nhạc sĩ bị bắt giữ vì tội “chống nhà nước”.
Năm trước, khi đến chuyển quà tết cho Bình, tôi ngồi nghe chị Mỹ - chị ruột của Bình – nói một cách rắn rỏi rằng “Bình chỉ có tội yêu nước”. Mẹ của Bình, gật đầu và nhắc lại “Vâng, Bình nói nó chỉ mang tội vì yêu nước”. Giọng nói của bà hết sức tương phản với mẹ của Việt Khang, bởi đó là một giọng miền Bắc còn đậm chất thôn quê. Nhưng cả hai bà mẹ đều có chung một bí ẩn kỳ lạ: Dù sợ hãi nhưng họ không từ chối bảo vệ con mình vì chúng yêu quê hương, sống bằng danh dự và trách nhiệm trước lẽ phải.

Khi tôi nói vậy, chắc bạn sẽ nói rằng “mẹ nào mà không bảo vệ con mình?” Nhưng bạn à, lịch sử thương đau của người Việt từ sau 1945 từng cho thấy rằng khi sợ hãi và thiếu tự do, người ta có thể đấu tố cha mẹ mình, thậm chí giết hại, phản bội cả dòng họ để bảo vệ bản thân mình. Chỉ mới vài ngày trước, tôi còn chứng kiến việc một đảng viên lão thành xô đứa con bệnh tật của mình ra khỏi nhà với lý do không cùng tư tưởng chính trị. Xã hội chúng ta vẫn có những điều điên rồ như vậy đó, âm ỉ trong những tiếng vỗ tay ngợi ca quốc gia hạnh phúc.

Ngày 8 tháng 3 năm nay, tôi thật hạnh phúc khi gặp lại mẹ của Trần Vũ Anh Bình. Thật khác. Bà mạnh mẽ và hoạt bát – không giống với những gì tôi từng quặn thắt chứng kiến của vài năm trước. Gương mặt ấy vẫn hằn nét khổ đau nhưng không còn sợ hãi nữa, thay vào đó là một niềm tin.

Nhưng vẫn còn những điều khác mà tôi chưa kể với các bạn, về ngày 8 tháng 3 năm nay.

Tôi được gặp người phụ nữ bí ẩn đã thản nhiên bước qua hàng rào dày đặc mật vụ, công an, trật tự đô thị, bọn côn đồ giả danh… để bước tới thắp hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo ở Sài Gòn, nhân ngày 17/2, ngày nhớ về 60.000 con người Việt Nam đã chết năm 1979 vì cuộc xâm lược của Trung Quốc. Khi tôi chào chị, một nụ cười hiền lành đáp lại với tôi. Sự mỏng manh và an nhiên đó khiến tôi liên tưởng đển những vụ đánh đập dã man, lôi kéo những người phụ nữ lên xe bus vào ngày 5/3/2017. Chắc lô nhô kẻ ác cũng sẽ không từ nan để đập nát sự hiền lành và mỏng manh ấy, dẫu tên gọi đó, là quê hương, là nước Việt.

Tôi cũng may mắn được gặp Bùi Thị Minh Hằng, Đỗ Thị Minh Hạnh… và nghe kể về chị Cấn Thị Thêu, Thúy Nga… những người phụ nữ đó tựa như những cuốn sách giáo khoa sống động về tổ quốc trong những cơn đau chuyển mình sang ngày mới. Nước Việt hôm nay có thật nhiều những cái tên phụ nữ như vậy, không còn đếm xuể nữa. Tôi sẽ không quên dạy cho con cháu mình, qua những gì được thấy từ họ: rằng đất nước tuyệt đẹp của chúng ta không những bị cầm tù bởi bọn tham nhũng, bọn phản bội và bọn trục lợi sẳn sàng tàn phá thiên nhiên, mà đất nước Việt Nam còn có hàng hàng những người phụ nữ bị cầm tù, đày đọa chỉ vì yêu công lý và yêu dân tộc này.

Thật trớ trêu. Thế kỷ này, dường như dành cho phụ nữ trên đất nước Việt. Trong đoàn người đi kiện, đi kêu oan, hay trong những cuộc tranh đấu cho môi trường, cho quyền con người… những gương mặt phụ nữ luôn ở hàng đầu. Cô đơn và kiêu hãnh, những người phụ nữ Việt sãi bước đi trong tiếng rầm rập bao vây của dùi cui và còng sắt mà không kêu đòi được vinh danh hay chia chác lợi quyền.
Thomas Campbell, nhà thơ Scotland từ thế kỷ 18 từng viết “máu của người yêu nước là hạt giống cho cây tự do” (The patriot's blood is the seed of Freedom's tree). Những hạt giống hôm nay được gieo xuống đất này, từ bàn tay của những người phụ nữ. Và bất luận chướng ngại thế nào, cây tự do rồi sẽ vươn cao. Trong niềm hổ thẹn của mình, tôi chỉ còn biết ngã mũ chào với lòng kính trọng những người phụ nữ như vậy – những người đang gieo hạt và chỉ nhìn về tương lai. Một ngày với họ có lẽ không đủ, mà phải là một chương trong lịch sử dành cho họ, về một dân tộc soi mình trước khốn cùng và mỉm cười cùng những người phụ nữ của hy vọng.