Tuesday, June 21, 2016

Đời làm chó, người làm báo



Một ngày 21/6 nữa đã bước qua, thêm một vạch kỷ niệm về báo chí Việt Nam thật ảm đạm. Có lẽ là lần đầu tiên trong lòng Báo chí Cách mạng, người ta nói trắng ra, việc làm nghề báo được coi như đời của chó. Và rồi thì báo giới rúng động, nói với nhau về chuyện húy kỵ chữ nghĩa, khiến người thì bị rút thẻ, người mất chỗ. Và quan trọng hơn là cả một năm dài, ngoài các đỉnh điểm trên, nghề báo không có gì tỏa sáng hơn được trên đất nước này, bao gồm cố rườm rà các câu chuyện lịch sử ẩn khuất, cá nhiễm độc, biển chết, cho đến việc tử nạn trên biển lạ thường của các sĩ quan quân đội.

Kỷ niệm nền báo chí cách mạng, người ta còn rút ra được một bài học lớn của báo chí Việt Nam: làm báo hôm nay, không phải để mở rộng biên giới của thông tin và ngôn luận. Làm báo phải học cách chuyên sâu tay nghề, rằng có viết ngàn con chữ, cũng phải luyện đủ công phu để khiển bao nhiêu ngôn từ ấy phải tự trói mình vô nghĩa, vô thanh.

Nghề báo bị ví với chó. Thậm chí được khuyên là đừng buồn nếu bị coi là chó, vì bởi dù sao cũng có sự cao quý của nó, do biết vâng lời và trung thành.

Chuyện làm báo biết vâng lời, gợi nhớ về vụ án Slansky (1952) tại Prague, thủ đô Tiệp Khắc cũ, bây giờ là Cộng hòa Czech. Đó là vụ án các nhà lãnh đạo CS Tiệp xử nhau, mà có đến 11 người bị xử treo cổ, 3 người tù chung thân. Trong số đó, Rudolf Slansky (1901-1952) là nguyên Tổng bí thư Đảng cộng sản đồng Phó chủ tịch Quốc hội. Một trong những lý do ngầm của việc thanh trừng, do ông Slanksy là một người gốc Do thái.

Cũng từ phiên tòa này, “phát minh” có một không hai của tòa án Cộng sản Tiệp đã trở thành sách giáo khoa về truyền thông thú tội trong thế giới tòa án và báo chí của Cộng sản. Tội nhân được cho thu sẳn lời thú tội vào băng nhựa, sau đó, khi ra tòa, thì băng được mở rì rì thay cho phần tội nhân tự nói (tội nhân mặt đối với quan tòa, quay lưng lại người đến dự phiên tòa với một khoảng cách xa). Nếu tội nhận có ý muốn phản cung, băng sẽ bị ngắt, tội nhân sẽ bị cho ngồi xuống với 2 công an kề bên cặp nách, kiểu như vì mệt quá hay do bị tạm ngất đi.

Nhiều thập niên liền, phương thức “nhận tội” hiện đại ấy lan rộng các phiên xử của chế độ cộng sản, được bổ sung bằng bản viết tay, video cắt xén qua thẩm vấn. Các buổi xử “công khai” ấy chỉ truyền thanh hay truyền hình qua phòng bên cạnh, chứ không cho vào xem trực tiếp, dù chỉ nhau cách một cánh cửa. Sau khi Liên Xô và cộng sản Đông âu sụp đổ, hiện còn một vài quốc gia áp dụng hình thức thô bỉ này.

Nói về chuyện này, để nhắc cho các bạn tôi nhớ rằng nhiều thập niên trước, không ít “con chó” của các triều đại cộng sản vẫn chép lại trên báo các nội dung ghi âm đẫm máu và nước mắt đó, chép lại các bản tin do công an gửi đến, và gọi đó là nghề làm báo thời sự – tường thuật. Họ vẫn được vinh danh, được thưởng không khác gì đã khó nhọc đi săn tin. Quả là không có gì so sánh sống động hơn nghề làm báo trong các triều đại cộng sản như vậy, là thời huy hoàng những loài chó săn tin và báo tin, trung thành và cao quý.

Thế còn những người làm báo tự do?  Tôi nghĩ có bổng lộc đến mấy, chắc họ cũng không nhận mình là chó. Vì chó thì phải có chủ và được cho ăn. Còn người làm báo tự làm chủ tư duy của mình, họ kiếm sống lương thiện để phục vụ cho sự thật, cho con người nói chung.

Trong Luận ngữ viết vào năm 2015 của ông Lưu Hiểu Ba: “Hôm qua chó nhà tang, hôm nay chó gác cửa”, người nhận giải Nobel Hòa bình năm 2010 này có nói về những loại chó học đòi một lý tưởng nhưng lại không có nổi một quê hương tinh thần trong đời mình, vì vậy chỉ còn cách chọn chủ để sủa hay cắn xé một ai đó theo lệnh. Nếu xui rủi mất chủ thì cũng chỉ là một loài chó lang thang hèn hạ, chứ không thể nào có được sự tự do kiêu hãnh của một con chó sói trên đồng hoang hay núi cao.

Nói chuyện chó, chợt thấy ngạc nhiên vì trùng hợp đến lễ ăn thịt chó hàng năm ở Ngọc Lâm (Quảng Tây, Trung Quốc), cũng vào cuối tháng Sáu hàng năm. Nơi đó, chó trung thành hay cao quý cũng đều bị đem làm thịt. Vì bản chất nuôi và tuyển chọn chó ở một số nơi, rốt cuộc chỉ là để mua vui và kiếm lợi cho kẻ làm chủ. Chó có được tuyển chọn và huấn luyện tốt như nào, cũng là phần để hy sinh cho mục đích cuối cùng của lễ hội. Phần ăn hôm qua, luôn bị trả giá cho hôm nay.

Chắc chắn chó thì không thể có nỗi đau như của con người, nên trong vụ án Slansky 1952, người ta chỉ thấy giá trị phục vụ chứ không thấy giá trị đạo đức truyền thông của ngành báo chí. Nói đến đây, tôi lại muốn kể với bạn rằng những ngày biểu tình của người dân đòi minh bạch lý do cá chết, có những nhà báo âm thầm xuống đường ghi nhận mọi thứ dù không được tòa soạn phái đi. Những con người đó bị thúc đẩy bởi tính đạo đức nghề nghiệp nên xông vào chỗ mà họ cũng không có quyền được đến. Họ cũng bị bắt, bị đánh, bị nhốt vào sân Hoa Lư đến tận đêm, chỉ vì muốn chia sẻ mọi hiện trạng khốn cùng của người dân. Có những nhà báo bị đuổi việc, mất chỗ làm khi cùng đứng với nhân dân. Dù có bị ví hay răn đe là phải sống như “chó”, họ cũng không thể là vậy.

21 tháng 6 năm nay, chẳng có ai vinh danh các nhà báo không ăn lương nhà nước. Nhưng nếu nhiều năm nay, không có họ, những con người làm báo tự nguyện ấy, không biết người dân sẽ sống sao với đất nước đang dẫy đầy chuyện mù mờ. Chính họ là người đã điều chỉnh mọi thứ về cái đúng. Từ chuyện giải dịch đúng “tàu lạ” thành “tàu Trung Quốc” cho đến “sai quy trình” thành “vấn nạn.” Bóc trần từ ngữ “công trình thế kỷ” thành “bê-tông cốt tre” hay “ra văn bản” rõ thành “lạm quyền.” Những nhà báo đó góp phần tố cáo những kẻ đạp trên luật pháp, minh bạch những án oan và giải cứu cả tử tù.

Biển nhiễm độc, cá chết, các loại quan tham giấu mặt bằng ngôn từ mị dân… kể cả các loại quan lớn luôn thích tuyên ngôn mà không giữ được lời đều bị đưa ra trước ánh sáng và nhân dân. Video về biển miền Trung của Nguyễn Lân Thắng có lẽ là tường trình duy nhất minh bạch hiện trạng môi trường và con người khốn cùng lúc này, trong buổi truyền thông chung bị khép chặt mọi thứ, cùng tiếng sỉ vả “với động cơ nào?.” Nhờ truyền thông tự do của con người – dành cho con người – như trang Ba Sàm hay trang Nguyễn Xuân Diện…, mà nhân dân mới biết được kẻ mang lon tướng như Phạm Xuân Thệ, cướp công đồng đội Bùi Văn Tùng, đã đạo đức giả như thế nào khi lên giọng về tình chiến hữu. Và âu cũng là dịp để người người được biết về đức phục vụ và trung thành như thế nào của ông Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, khi mau mắn rút thẻ của nhiều nhà báo như Đỗ Hùng, Mai Phan Lợi… giúp chứng minh rõ hơn những gì người ta ví von về đời làm báo ở Việt Nam.

Ngày kỷ niệm nhà báo cách mạng nghe mỗi lúc càng nhạt. Chính làng báo chí nhà nước cũng cảm thấy ngại ngùng khi tự ca hát về mình trong ngày này. Không còn cách mạng trong truyền thông. Mà chỉ còn nẹp lưng vào tường, lần mò theo định hướng, lần mò tự kiểm duyệt để không ốm đau từ các con chữ mang dấu sắc cho đến lúc tan xác.

Thật buồn cho một nền báo chí mà từ thời khai sinh, đã luôn xiển dương ý thức tự do. Buồn cho một nền truyền thông chỉ còn sứ mạng xô đẩy các phong trào cảm xúc đời sống, để tiện che chắn cho những điều mà nhân dân cần được biết, cần được nói tới. Buồn cho những nhà báo dẫu có ăn lương nhà nước nhưng trái tim trong sáng, vẫn phải lặng nghe miệng kẻ ví von mình là chó.

Hãy mơ đến một ngày mới. Tôi và bạn nhất định phải ước mơ đến, nhé. Ngày của người làm báo bình thường và chân chính chỉ muốn tận hiến cho sự thật và cho quê hương. Ngày đó chẳng có ai sẽ phải bị gọi tên là “chó”. Và dù có bị khoác áp lên mình bộ lông sặc sỡ đến đâu, họ cũng sẽ rũ sạch và đứng lên, bắt đầu lại với một sứ mạng duy nhất: chuyển tải sự thật và lẽ phải. Ngày đó, mới thật sự là của những con người làm báo.

Saturday, June 18, 2016

Từ gương mặt tử tù



Nhiều năm trước, khi nhìn ảnh ông Hàn Đức Long đứng trước vành móng ngựa (ông bị giam từ năm 2005), tôi vẫn tự hỏi người đan ông nhỏ thó, xanh xao ấy, liệu có thể là thủ phạm của một vụ hiếp dâm và giết người không? Một tấm ảnh khác vẫn ám ảnh trong đầu tôi, là cảnh ông Hàn Đức Long bị công an Bắc Giang giải đi. Chung quanh là những gương mặt công an viên lạnh lùng, ra vẻ nghiêm trọng đến hung dữ. Người đàn ông ốm yếu hai tay bị còng đó, không có một sức phản kháng nào trên mặt, dù có chống trả cũng không thể đương cự lại nỗi một người trong số đó.

Dĩ nhiên, nhìn và cảm giác là một điều rất chủ quan, không thể chứng minh gì được. Nhưng ít nhất nó cũng cho chúng ta – con người – những cảm giác bất an, dấy lên được một suy nghĩ về số phận con người. Cũng giống như với bức hình ông Huỳnh Văn Nén được giải oan, trả tự do sau 17 năm, khi trở về và nhìn ngôi nhà của mình, ông nở nụ cười nhăn nheo. Nụ cười không giống một nụ cười – nụ cười như tiếng khóc im lặng, khiến bất kỳ ai nhìn thấy cũng rùng mình cho đời người.

Công an Bắc Giang, nơi kết tội ông Hàn Đức Long, cũng là nơi lừng danh về áp đặt tội trạng bừa bãi, nhục hình bức cung trong suốt nhiều thập niên qua. Bắc Giang cũng là nơi có vụ án lừng danh kinh hãi về nỗi oan của ông Nguyễn Thanh Chấn. bên cạnh đó, không kể xiết về chuyện nhục hình, trấn áp cho ra tội như một cách báo công của nơi này, phủ chụp lên phụ nữ, nhà sư…

Thế mới biết, một nền tư pháp công chính trên đất nước này đang cần thiết biết bao. Ngày 1/7/2016 tới đây, luật về Quyền Im Lặng của công dân Việt Nam chính thức được áp dụng, ắt sẽ phải giảm thiểu được những cái chết vô cớ trong đồng công an, giảm thiểu được những nỗi đau đang giáng xuống từng gia đình, giảm thiểu được những giọt nước mắt đau căm thấu trời xanh của những người cha, người mẹ.

Không có thượng tôn pháp luật, không có quyền con người, thì không bao giờ có thể trông cậy vào sự thống nhất của lòng yêu nước, của sự thương tiếc con người vì bất kỳ chuyện gì. Đất nước oằn mình với bất công và vô pháp thì chỉ có thể bị phân hóa trầm trọng và chia rẽ một cách tồi tệ suy nghĩ con người trước mọi biến cố chung.

Một đất nước chịu ngang trái bởi bị đô hộ bằng tính vô pháp và không thượng tôn quyền con người, thì chính bạn và tôi cũng có thể là nạn nhân trong ngày mai. Và lúc đó, chính chúng ta cũng khó mà gìn giữ được sự trong sáng trong suy nghĩ, khó mà níu kéo được sự nhân ái trong tim mình để trung dung chia sớt với bất kỳ ai, bất kỳ chuyện gì. Mọi thứ đều có cội rễ sâu xa của nó.

Hãy sống bằng trách nhiệm của mình hôm nay, để cổ vũ cho một nền tư pháp vững mạnh, độc lập và minh bạch, sống với ý thức về con người cho mình và cho người chung quanh, thì lúc đó, Việt Nam mới có thể tồn tại chung một trái tim, chung một dòng máu.

Tôi đã bắt đầu từ hôm qua, và bạn cũng nên bắt đầu từ hôm nay. Chúng ta hãy cất tiếng nói rằng Việt Nam cần được bắt đầu lúc này, cho ngày mai.


-------------------------------------
Bài viết này, cũng như một lời cảm ơn gửi đến luật sư Ngô Ngọc Trai, người đã đứng ra nhận bào chữa (miễn phí) thành công cho ông Hàn Đức Long.

https://www.facebook.com/ngongoctrai.ngo?fref=ts

Tuesday, June 14, 2016

Quan chức đưa con đi du học: Dấu hiệu của tham nhũng





"Tiền tham nhũng có thể dùng để trả học phí cho các trường nước ngoài"

 
Một bài viết trên tờ Times of London (Anh) vừa lên tiếng trong ngày 11/06/2016, cho biết nhiều trường đại học và tư thục đang bị cáo buộc là nhận các học sinh du học đến Anh, nhưng làm ngơ hoặc im lặng về nguồn gốc của các lượng tiền lên đến hàng triệu bảng Anh, nhiều khả năng là tiền tham nhũng, tiền bẩn từ các nước khác.

 

Ngành giáo dục Anh chỉ hợp tác và đưa ra ánh sáng được 9 trường hợp trong số 382.000 báo cáo cho chính quyền, qua các đợt điều tra về rửa tiền đến từ nước ngoài, trong niên khóa 2014-2015. Các nhà hoạt động chống tham nhũng nói rằng đã có một lỗ hổng để các luồng tiền tham nhũng được "rửa" thông qua các trường trung học và cao đẳng, đại học, mà những nơi này giờ cần có nghĩa vụ báo cáo những nghi vấn cho Cơ quan tội phạm quốc gia để ngăn chặn và giám sát chặt chẽ loại tiền này.

 

Các nhà hoạt động nhằm vận động minh bạch các nguồn tiền này nói rằng hệ thống giáo dục của những quốc gia phát triển đang là điểm đến cho cá nhân tham nhũng ở nhiều nước. Việc đưa con cái đi du học đang thịnh hành, nhằm để tạo danh thơm cũng như chuyển hợp pháp tiền bạc tham nhũng, tiền bẩn qua ngã đóng học phí cho trường học và các trường cao đẳng, hiến tặng tiền cho các khoa trường đại học, hỗ trợ cho các dự án nghiên cứu.

 

Đừng ngạc nhiên khi các quốc gia nghèo khó ở Châu phi hay các nước luôn lên giọng thù ghét phương Tây hoặc chế độ tư bản như Trung Quốc, Iran, Việt Nam... thậm chí là Bắc Triều Tiên, con cái các quan chức, lãnh đạo... vẫn được âm thầm đưa đi du học ở Mỹ, Úc, Canada, Anh, Thụy Sĩ... với những chi phí lớn đi kèm như xe, nhà riêng... lên đến hàng triệu Mỹ kim. 

 

Câu hỏi đơn giản, là với mức lương tuyên bố rất cần kiệm của nhiều quan chức - cụ thể như ở Việt Nam - làm sao họ có thể cho con cái lần lượt đi du học, sắm sửa mọi tiện nghi mà chính người bản xứ lao động cật lực cũng phải ngạc nhiên. Không khó để điều tra, cái khó là làm sao luôn tỉnh táo trước những chương trình chống tham nhũng ở các quốc gia đó luôn kêu vang, mà thực chất là để trình diễn trước đám đông. 

 

Ngay ở Trung Quốc, từ các hồ sơ báo cáo về các quan chức tham nhũng đã chuyển một lượng tiền lớn ra nước ngoài, người ta thấy rằng việc muốn minh bạch không khó. Tân Hoa Xã cho hay hiện đã có hơn 4.000 quan chức tham nhũng mang theo 5 tỉ nhân dân tệ đang cùng gia đình sống ung dung ở nước ngoài như Mỹ, Canada, Úc, New Zealand... là một trong những vấn đề nhức nhối cảnh báo. Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong thế giới tham nhũng và đào thoát của quan chức chế độ độc tài.

 

Bản tin nhận định rằng, thông lệ và dễ nhận ra, các quan chức đó "thông qua tuyến du học của con cái đưa vợ con đi trước, bản thân vẫn ở trong nước tiếp tục vơ vét rồi lặng lẽ đi sau, vào thời điểm nào đó".

 

Chỉ riêng tại Anh, học phí du học đã đóng góp 7 tỷ bảng cho nền kinh tế Anh mỗi năm, trong đó 2,3 tỷ bảng là học phí và sinh hoạt cá nhân của giới du học sinh tại London. Các nhóm chống tham nhũng ở Anh con sinh hoạt phí số đó cũng lý giải phần nào chuyện giàu có bất thường của các bộ phận tuyển chọn sinh viên.

 

Hiện tại ở Anh, học sinh nước ngoài đến từ các quốc gia có vấn đề tham nhũng như Nga và Trung Quốc, đang chiếm hơn một phần ba học sinh tại các trường nội trú.

 

Những báo cáo về nạn rửa tiền tham nhũng qua du học, đang dấy lên nhiều mối quan tâm tầm quốc tế. Thậm chí, việc các trường đại học nhận các khoản đóng góp từ các nhân vật gây nhiều tranh cãi, cũng là lý do để mọi người xét lại giá trị của đồng tiền đó. Chẳng hạn như đại học Cambridge từng nhận tiền tài trợ cho chương trình nghiên cứu Ukraine từ Dmitry Firtash, người sau đó bị buộc tội hối lộ ở Mỹ. Robert Barrington, giám đốc của Cơ quan Minh bạch Quốc tế Vương quốc Anh (Transparency International UK) nói rằng ngành giáo dục hôm nay cần phải đóng một vai trò lớn hơn nữa trong việc minh bạch tài chính.

 

Cơ quan cho thuê nhà trong London, nằm trong vùng Kensington và Westminster nói rằng sinh viên giàu có ở nước ngoài có "nhiều tiền mua nhà hơn cả những người của công ty chúng tôi, kể cả những người đang làm trong ngành ngân hàng".

 

Nhiều năm nay, các khu người Việt giàu có, với các chủ nhân trẻ và bí ẩn đến từ Việt Nam, cũng là đề tài bàn tán ở Mỹ hay ở Úc. Thậm chí những người Việt định cư lâu năm, thành đạt kể từ khi vượt biển năm 1975 cũng phải ngạc nhiên về mức độ mua sắm, tiêu xài của những "người mới đến" này.

Saturday, June 11, 2016

Tâm thành ấy, sao lại không là Lộc cho đời?



Lúc anh Lộc ra cuốn sách Tâm Thành Lộc Đời, ảnh nhắn "Anh để cho em một cuốn ký tặng đàng hoàng, anh nghĩ có những điều em coi sẽ thích", rồi bất ngờ anh Lộc đổi giọng "tại tao biết mày quá".
Thiệt tình, hổng biết ảnh "biết" mình là như thế nào. Từ ngày tự nhiên mọc sừng, mọc đuôi, phát ngôn ăn nói bặm trợn với đời, mình trở nên ngại tiếp xúc với với rất nhiều người. Nhất là với những người đang làm ăn, đang làm việc nhà nước, và cả những người đang gặp thuận lợi với đời, vì chỉ sợ làm họ liên lụy và phiền vì mình. Người thì bảo nó chảnh, người thì bảo chắc nó bị giam lỏng rồi nên không đi đâu được. Ấy vậy mà mỗi lần gặp ảnh, câu đầu tiên của anh Lộc vẫn là "mất tích đâu vậy thằng quỷ?". Mỗi lần đổi số, ảnh cũng nhắn cho mình.
Lộc dễ hiểu, yêu ghét cứ bật ra như hơi thở thường ngày, khó giấu. Nói gì mà ảnh không thích, ảnh cười, gượng gạo, nhìn biết liền. Lộc diễn giỏi trên sân khấu, nhưng thật với cuộc đời lắm.
Tháng 5/2016, lúc dân chúng xuống đường biểu tình, thấy người bị đánh dữ. anh Lộc buồn bực quá viết status một đoạn ngắn, nhưng sao đó nhiều người vào bình luận loạn lên hết nên ảnh đóng. Có người nói bọn "phản động" làm giả để kích động chứ không phải của nghệ sĩ Thành Lộc. Nhưng mình nhìn thì mình tin, đúng là ảnh. Không bộ tịch và thẳng như tát vào mặt, Ổng chứ ai  Lúc ổng giận lên là phải biết.
Trong video mà mọi người đang chia sẻ, anh Lộc nói như tuôn hết ruột gan. Kinh nghiệm của một người có hơn 15 năm bị công an để ý, theo dõi, gửi giấy làm việc... mình biết ở phía dưới vẫn có ít nhất là một "ai đó" đang im lặng ghi lại. Rồi có thể anh Lộc sẽ không đến được những cuộc giao lưu như vậy nữa. Tự nhiên, nhớ cách ảnh hay cười hề hề "Kệ, đâu có chết".
Đúng là chúng ta không thể chết. Vì sống như mình và nói đúng như mình tồn tại là cách chứng minh mình có mặt trên cõi đời này một cách sống động nhất. Và chắc chắn là rất khác biệt với muôn vàn "nghệ sĩ, người nổi tiếng..." vẫn đang sống như là đã chết (chữ trong ngoặc kép là nhại lại lời anh Lộc nói trong video nha).
Vậy thì chúng ta, và những người khác đang nói thật, sống thật và không thỏa hiệp với cái sai, vẫn sống, dù sẽ nhọc nhằn, anh ha? Anh nói anh được đời cho Lộc, nhưng tâm thành ấy, sao lại không phải là Lộc cho đời?
Mình vẫn chưa bao giờ lầm cảm giác quý mến lâu nay dành cho anh Lộc. Giờ thì có lẽ còn nhiều hơn nữa. Giờ chắc gặp lại ảnh, mình không để ảnh nói trước, trấn áp mình nữa đâu, mình sẽ nói ngay "Nè, em biết anh quá mà!".

---------------------------------------
TB: Không biết vô phước anh Lộc đọc được mấy dòng này thì sẽ ra sao, nhưng thôi "Kệ, đâu có chết!".
---------------------------------------




Wednesday, June 8, 2016

Trên hận thù không thể gieo hạt giống tương lai





Thư cho người bạn trẻ,

Khi bạn hỏi tôi về sự kiện liên quan đến ông Bob Kerrey, tôi nghĩ mình phải trình bày dài hơn dự định.

Việc cựu quân nhân Bob Kerrey có trở thành người đứng đầu của trường ĐH Fulbright VN (FUV) hay không, hôm nay chắc đã không còn là điều quan trọng nữa rồi. Những cuộc tranh luận gay gắt từ phía chống và phía thuận, đang cho thấy một Việt Nam đang bị xâu xé bằng ý thức hệ ngay trên thân thể của mình. Những mất mát và đau thương và chính Nhà nước Việt Nam sau 1975 vẫn luôn kêu gọi hãy khép lại, mở ra một chương mới hòa bình, đang bị một nhóm người mở lại, rạch ra: Không ai không thấy đang có một cuộc nội chiến khác còn ghê sợ hơn cả cuộc chiến 20 năm Bắc-Nam Việt Nam. Vết thương chưa bao giờ lành, nhưng đó không phải là vết thương của bên ngoài mang đến, mà vết thương của tự mình cào cấu.  

Ngôn ngữ của những người chống việc ông Bob Kerrey làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác (FUV) ngày càng rộ lên, mọi cách dẫn giải, vận dụng đủ các hình tượng, thủ pháp gây ảo giác, để lôi kéo thêm những người chống lại việc một trường đại học có một đại diện mà họ không muốn. Thật ra, Chủ tịch Hội đồng tín thác tức là người chịu trách nhiệm tìm nguồn lực tài chính, không phải là nhân vật giữ vai trò điều hành hay trực tiếp giảng dạy. Việc đánh vào người có khả năng vận động tài chính cho nhà trường vào phút chót, không khác nào ngụ ý việc muốn cản trở tiến trình hình thành trường FUV tại Việt Nam.

Mỗi người đều có sự không muốn rất riêng tư của mình. Có những cái không muốn dễ bộc lộ cho thấy tư cách và vụ lợi. Có những cái không muốn im lặng lùi vào hành động trong bóng tối, kể cả việc rút các bài phát biểu của ông Đinh La Thăng, bí thư thành ủy “Vượt lên thù hận, chúng ta mạnh mẽ hơn”. Có những cái không muốn rất công khai như “tôi sẽ không đem con của mình đến học ở trường của một tên sát nhân”, hay “đừng nhân danh người chết để đòi tha thứ”.

Dĩ nhiên, nhìn ở một góc khác, thật đáng sợ khi có loại phụ huynh mang con mình đến trường, khởi đầu cuộc sống thơ ngây của nó bằng cách dạy đứa trẻ biết căm ghét một người hiệu trưởng, cũng như không ai có quyền nhân danh người chết để phất ngọn cờ cơ hội về thù hận, mà sự thù hận đó không đại diện cho truyền thống nhân nghĩa và hòa ái của người Việt Nam từ ngàn năm.

Lịch sử trên sách giáo khoa của Việt Nam không có bài học rõ ràng. Ẩn dưới những con chữ khéo léo che đậy là phần lời giải tự thân của mỗi con người, mỗi gia đình. Ngoài những câu chuyện về thảm sát Thạnh Phong 1969 mà ông Bob Kerry có liên quan – luôn được tô đậm, thì các câu chuyện về chiến tranh Bắc Kinh xâm lăng 1979, Trung Quốc thảm sát ở Lão Sơn 1984, giết người và chiếm đảo Gạc Ma 1988… vẫn mù mờ như một bức tranh chuyển động theo vui buồn của người cầm quyền, dù sự kiện tươi mới nhất.

Bạo lực cách mạng trong chiến tranh và cả thời bình là điểm quan yếu cốt lõi của tư tưởng Marx-Lenin. Trong thời bình, bạo lực cách mạng là phải tạo ra một kẻ thù ngay trong ý thức để xây dựng sức mạnh của chính quyền. Và dĩ nhiên, bất chấp việc xâm lược, tấn công ngư dân Việt, phong tỏa biển… của Trung Quốc, Tập Cận Bình vẫn là được vỗ tay chào đón ở Quốc Hội Việt Nam như người bạn cao cả, và người Mỹ bị chọn trở thành kẻ thù, dù lúc này chỉ còn là kẻ thù trong tư tưởng. Thực tế cho thấy kẻ thù là một phép tính chứ không dựa vào giá trị hiện thực.

Vì thế, hôm nay người Việt bị phân hóa trong câu chuyện của Bob Kerrey cho thấy: Một lớp người đứng về quan điểm kẻ thù được chỉ định, và một lớp người sống với hiện thực. Dĩ nhiên, quyền lựa chọn ở phía nào, là tự do tối thiểu của mỗi người, tùy theo nhận thức.

Đó không phải là ngoại lệ đầu tiên, ngay trong lịch sử dân tộc, những người soạn sách giáo khoa ăn lương nhà nước cũng đã sống với bạo lực tư tưởng khi dạy cho trẻ nhỏ phải biết căm ghét ngay vua Nguyễn Ánh “cõng rắn cắn gà nhà”, mà xóa mờ giá trị thống nhất đất nước đầu tiên của ông trong lịch sử. Bạo lực tư tưởng cũng ám thị người ta phải chọn yêu bằng việc nhập tâm “tiếng đầu đời con gọi Stalin”, bất chấp đó là nhà độc tài lừng danh của thế kỷ 20.

Trên thực tế, dân tộc Việt Nam thông minh hơn mọi lời tuyên bố, phát biểu hay áp đặt trên truyền thông nhà nước mà lâu nay vẫn diễn ra. Sự im lặng của họ chứa đầy hiểu biết và chọn lựa riêng. Nếu phải cầm súng hôm nay, họ biết kẻ thù là Bắc Kinh. Nếu phải lựa chọn từ sự kiện của ông Bob Kerrey, chắc chắn người dân Việt Nam tỉnh táo sẽ không gieo hạt giống tương lai trên mảnh đất bị ghim giữ bằng thù hận – thậm chí có thể là thù hận chỉ định.

Nhưng đáng tiếc, như lâu nay, mọi lựa chọn và quyết định vẫn chưa bao giờ thực sự là của nhân dân.
Có ai đó đã nói đừng lợi dụng chuyện Bob Kerrey để khuấy động lịch sử - nhưng không có lửa làm sao có khói. Lịch sử đời của Bob Kerrey rất ngắn ngủi nhưng ông ta minh bạch về tội lỗi của mình trước hàng triệu người. Còn Lịch sử vĩ đại của chúng ta vẫn bị gói buộc bằng những sợi chỉ đỏ tư duy, chỉ bởi với một ít người. Minh bạch thì chỉ có thể tái hiện, còn che giấu mới thật sự bị khuấy động.

Vậy thì tôi và bạn, chúng ta, sẽ chọn đứng đâu trong thế giới này? Chúng ta nên sống với thù hận hay với thứ tha?

Ngoài lẽ phải và sự thật mà chúng ta suốt đời cần đeo đuổi, còn một thứ nữa giúp chúng ta vượt qua sự thấp hèn của chính mình: đó là lòng vị tha.

Nếu không có sự tha thứ, làm sao Nelson Mandela (1918-2013) có thể duy trì được quốc gia Nam Phi lớn mạnh, thoát khỏi bóng ma thù hận về chế độ aparthied suốt từ năm 1948 đến 1990? Nhân cách của một người làm chính trị lớn, đã giúp cho ông Nelson Mandela hiểu rõ rằng muốn đi tới ngày mai, chỉ có thể tha thứ để cùng nhau xây dựng, giáo dục và phát triển.

Nếu không có sự tha thứ, làm sao đất nước Miến Điện với Aung San Suu Kyi có thể trở thành một quốc gia dân chủ hòa ái sáng chói, sau khi lật đổ chế độ độc tài quân sự sau 25 năm cai trị bằng súng và nhà tù, chỉ bằng những lá phiếu (tháng 11/2015). Ý nguyện cao cả và quyết định tha thứ của nhân dân đã dẫn đến một tương lai rực rỡ cho Miến Điện. Nếu không được tha thứ, chắc chắn người cầm nắm quyền lực, tướng Min Aung Hlaing sẽ không ngại mở ra một cuộc nội chiến mới với 500.000 quân trong tay, trong một đất nước chỉ có 50 triệu dân.

Chúa Jesus dạy rằng “hãy yêu kẻ thù của mình, để mặt trời có thể mọc trên cả cái ác và điều lành, để mưa có thể xuống nơi có lẽ phải và cả nơi bị bất công”.

Đức Phật dạy “Con người tự hủy hoại mình khi nuôi dưỡng hận thù”.

Không có tha thứ, loài người không thể bước vào thế giới văn minh với bình an cho mình và cho cả người khác. Không nhân danh lý tưởng để che đậy quyền lợi cá nhân, con người mới có thể chân thành với chính mình và đồng loại. Chỉ với tuệ giác, con người mới có thể nhận ra và tự tận diệt trăm lần bản thân mình hôm qua để tái sinh ngày hôm nay. Kẻ tội đồ có thể tái sinh làm Bồ tát. Kẻ tự xưng mình là Bồ tát thì mãi mãi trầm luân.

Và trên một mảnh đất bị cài đặt bởi hận thù và tuyên ngôn trá mị, làm sao chúng ta có thể tái sinh và tìm thấy một tương lai?



Monday, June 6, 2016

Con cá, chủ nghĩa dân tộc với những lằn roi



Trong phút chốc, con cá ở Việt Nam trở thành một hình tượng mang tính cấm kỵ. Từ cuối tháng 4, khi khu công nghiệp luyện thép Formosa, Hà Tĩnh, đầu độc biển Việt Nam và quan chức các cấp của chính phủ bày tỏ một thái độ che đậy đến kỳ cùng, con cá bỗng nhiên trở nên là một thứ dễ khích động cảm giác của người dân. Vì vậy, trong danh sách của muôn vàn thứ khác bị điểm danh, con cá bị chụp ảnh, lăn tay và đánh số như một tội phạm mới mẻ.

Trong tạp chí Đẹp số tháng 6/2016, diễn viên Hứa Vĩ Văn được mời chụp ảnh với chiếc áo có hình con cá. Thế nhưng sự tinh ý trước thời cuộc của những người kiểm duyệt, họ đã biến con cá thành con ốc. Dĩ nhiên, lý do ngụy trá ấy là “cho đỡ phần nhạy cảm”.

Sự kiện này làm tôi nhớ lại xiết bao, hơn 10 năm làm báo của mình trong hệ thống truyền thông nhà nước, mà cách kiểm duyệt – hay nói đúng hơn là sự sợ hãi dẫn đến điểm trung thành hèn hạ của rất nhiều người có chức vụ, khiến đời sống luôn trở thành những diễn tiến thô bỉ qua lưỡi hái kiểm duyệt.

Nhà thơ lừng danh người Nga Yevgeny Yevtushenko, từng cay đắng nói rằng “Khi sự thật bị thay bằng im lặng, sự im lặng đó chính là lừa dối” (When truth is replaced by silence, the silence is a lie). Dù là một tài năng vượt bậc của nước Nga thời Cộng sản, nhưng kể từ khi có ý kiến minh bạch về cuộc đời, về bạn bè mình, ông bị trục xuất khỏi Viện văn học Liên bang Xô Viết vì tư tưởng “chủ nghĩa cá nhân” vào năm 1956. Trong khoảng thời gian từ 1963 đến 1965, Yevtushenko bị cấm xuất cảnh vì dám mở lời khen ngợi Boris Pasternak, cũng như vì quan điểm chính trị của ông. Tên ông cũng bị đục khỏi báo chí Nga Sô, kiểm duyệt không khác gì những con cá vô danh của Việt Nam.

Quả thật, khi người ta im lặng, hay sự im lặng được diễn đạt bằng cách nói vòng vo, hăm dọa… đó cũng chính là dấu hiệu của sự lừa dối.

Cũng như những lời cấm kỵ về nhiều thứ mà trước nay không hề có văn bản chính thức nào, con cá Việt Nam trở thành tội phạm. Mọi ngày trong thành phố, những ai mặc những chiếc áo có hình cá, vẽ lên mặt một con cá hoặc diễn đạt một hình thức nào đó, có khái niệm cá, đều bị các thành phần an ninh chìm, lực lượng áo xanh, áo cứt ngựa nhìn ngó như kẻ thù. Không ít những người trong đó bị bắt giữ, đánh đập, ép nhận tội nào đó vu vơ cho thích hợp hoàn cảnh.

Năm 2014, trong tình hình giàn khoan HD981 của Trung Quốc kéo đặt gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, phong trào in các áo thun có chữ Hoàng Sa-Trường Sa-Việt Nam hoặc No-U rộ lên trong nhiều giới, để kêu gọi sự quan tâm của mọi người. Tuy nhiên, việc mặc những chiếc áo như vậy lại trở thành cấm kỵ. Đã xảy ra nhiều vụ công an bắt người mặc phải về thay áo, bỏ áo, thậm chí có người đã từng bị nghi ngờ, chận bắt lại để xét có những chiếc áo như vậy trong giỏ không. Hôm sau, Anh H., một người quen làm báo, từng mặc chiếc áo đó đi làm. Vừa đi được một đoạn, anh bị 2 thanh niên to khỏe, ép xe chặn lại giữa đường và buộc phải cởi chiếc áo đó ra. Giằng co được một lúc, anh H. sợ trễ giờ làm nên phải quay về thay chiếc áo khác.

Một chương trình ca nhạc được dự định tổ chức để gom quỹ cho các gia đình các liệt sĩ Gạc Ma, với các bài hát đã cố làm làm nhạt nhẽo, bởi chỉ hát loanh quanh về biển, cũng bị người phụ trách kiểm duyệt ở Sở Văn hóa Thông tin Sài Gòn là Võ Trọng Nam từ chối, với lý do “nhạy cảm lắm”. Trong suốt 74 ngày giàn khoan HD981 ngạo nghễ trụ trên biển, những người tức giận với cách ngang ngược của Trung Quốc đã xuống đường phản đối. Kết quả là họ bị bắt, bị đánh, bị công an đến nhà sách nhiễu, triệu tập… với mục đích để làm giảm sự nhạy cảm – mà cần hiểu ở đây là nhạy cảm phiền lòng cho Bắc Kinh.

Trớ trêu thay, lòng yêu nước, chủ nghĩa dân tộc lại phải nhận những lằn roi. Trong lịch sử Việt Nam, đi qua mọi thời kỳ, việc vẫn tồn tại được quốc gia hình chữ S bên bờ Thái Bình Dương suốt hàng ngàn năm dù vô vàn lần bị xâm lược từ nhiều phía, cũng chỉ bởi người Việt có được một tài sản trân quý vô giá, đó là chủ nghĩa dân tộc. Thật đau lòng khi hôm nay, mỗi ngày lại nhìn thấy lòng yêu nước, con người với chủ nghĩa dân tộc sôi sục từ ngàn năm trước truyền lại, vẫn không từ nan để dấn thân, mỗi ngày lại nhận những lằn roi càng nặng nề thú tính hơn.

Chủ nghĩa dân tộc là hành trang không ai bị bắt phải mang vác. Nhưng nếu là người của một quốc gia, nếu không có chủ nghĩa dân tộc chảy trong dòng máu,  ắt phận người chỉ là kẻ ăn bám, trục lợi, vong bản hoặc lưu cư cho một âm mưu. Đâu ai buộc Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng. Nguyễn Thái Học… phải chọn hy sinh thân mình vì những người không quen biết, vì những bờ cõi của tổ quốc mà họ chưa hề đặt chân đến. Thậm chí, Trương Công Định còn quyết liệt tuyên bố vào năm 1862, về một chế độ đã chấp nhận đầu hàng và thuận làm kẻ dưới của ngoại bang, rằng “Triều đình không nhìn nhận chúng ta, nhưng chúng ta cứ bảo vệ Tổ quốc chúng ta”.

Chủ nghĩa dân tộc cuộn trào trong dòng máu, khiến mỗi con người chỉ cần biết yêu cuộc sống và đất nước này thôi, cũng đã lẫm liệt, vượt lên mọi thứ quan lại với bổng lộc và những lời xảo trá.
Tháng 4/2016, tôi có nhận lời thiết kế giúp cho một chiếc áo thun, giúp cho một phong trào kêu gọi ý thức tiết kiệm nước ở nông thôn miền Tây. Áo sẽ phát cho nhiều sinh viên tham gia mặc trong ngày vận động về bảo vệ nguồn nước trong tình trạng hạn, mặn. Bản logo thiết kế in áo, tôi viết khẩu hiệu “Giữ nước như người miền Tây”, sau khi đưa đi cho ban giám đốc một trường đại học duyệt, đã bị đổi lại vô cùng đơn điệu là “Hãy tiết kiệm nước”. Khi dò hỏi, tôi ngẩn người khi biết được một vị trí thức, có chức có quyền, nói rằng “nghe giữ nước có vẻ nhạy cảm quá”.

Từ Hoàng sa, Trường sa rồi đến con cá, đến nguồn nước… những gì của quê hương này cứ như đang tuột dần ra khỏi bàn tay nắm tuyệt vọng của ý thức dân tộc. Hôm nay, đến “giữ nước” mà đã là nỗi sợ hãi của người có học thuộc chính quyền, thì mai sau, dân tộc này sẽ về đâu?

Tháng 5/2016, tôi nhìn thấy trên mạng xã hội, những thanh niên khỏe mạnh được chính quyền nuôi dạy, bịt mặt, giấu mình trong đám đông và xông vào đánh đập dã man những người biểu tình, chỉ vì họ đòi minh bạch một môi trường sống của những người cách xa họ cả ngàn cây số. Những người bịt mặt đó, nghiến răng, hét vào bộ đàm “ĐM, đập chết mẹ tụi nó”.

“ĐM, đập chết mẹ tụi nó”. Mẹ của ai? Mẹ của những người yêu nước? Mẹ của những người đã thề không phản bội quê hương này cần phải bị đập chết?

Trong các lý luận về sự hình thành các nhà nước. Chủ nghĩa dân tộc là đối trọng gay gắt với chủ nghĩa cộng sản mà Karl Marx đề ra. Bản chất của thuyết Karl Marx là dựng một nhà nước từ sự phân hóa giai cấp và cai trị, không cần phân biệt gì khác. Còn Chủ nghĩa dân tộc dựa trên tinh thần quốc gia và giống nòi để hình thành nhà nước phục vụ. Hôm nay, những lằn roi đang giáng xuống ở Việt Nam, có phải là chỉ dấu của sự xung đột đến hồi khốc liệt giữa Chủ nghĩa cộng sản và Chủ nghĩa dân tộc?

Có thể những thanh niên yêu nước xuống đường hôm qua và hôm nay rồi cũng sẽ chết một ngày nào đó trong cuộc sống rất đỗi phù du này. Nhưng trước họ, những người mẹ miền Trung cũng mòn mỏi chết với bờ biển đầy chất độc ngoại bang. Cá giẫy chết. Người thoi thóp. Những lằn roi hận thù tự dàn dựng vào cá-vào đảo-vào biên giới-vào ý thức-vào người cứ quất vào lịch sử đất nước này, có phải là những cú tát như cơ hội để người người cùng sực tỉnh, rằng, nếu không có ý thức về đất nước, tổ tiên, dân tộc, như những con cá vô danh vô định, mai này rồi chúng ta sẽ trôi dạt về đâu?




Friday, June 3, 2016

Thảm sát Thiên An Môn: Bắc Kinh cố xóa ký ức, các bà mẹ thì thề sẽ bảo vệ sự thật

Ding Zilin, đồng sáng lập Phong trào các Bà Mẹ Thiên An Môn, đại diện cho các gia đình của những người đã chết trong năm 1989, qua vụ đàn áp của Bắc Kinh. Bà Zing đứng ở phía trước bàn thờ con trai Jiang Jielian, tại căn hộ của bà ở Bắc Kinh(AP Photo / Greg Baker)



(AP) – Mẹ của những người thiệt mạng trong vụ đàn áp đẫm máu phong trào dân chủ tại Thiên An Môn, Trung Quốc vào năm 1989 cho biết rằng họ đã sống qua 27 năm trong sự 'khủng bố và nghẹt thở “ của chính quyền Bắc Kinh. Những bà mẹ này tâm nguyện rằng dù vậy thì họ cũng vẫn tiếp tục sống và khơi gợi sự thật, nhất là vào lễ kỷ niệm 4-6, cuối tuần này.

Một bức thư ngỏ có chữ ký của 131 bà mẹ được nhóm Nhân quyền Hải ngoại Thông tin công bố, đã xuất hiện ở Trung Quốc. Thư cho biết gia đình của các nạn nhân đã phải khứng chịu việc sách nhiễu và đe dọa, liên tục từ nhiều năm qua từ giới an ninh, mật vụ của Trung Quốc, chỉ vì họ quyết tâm tìm kiếm công lý cho những người thân của họ.

"Với chúng tôi, thân nhân của của các nạn nhân, sự khủng bố và trấn áp nghẹt thở từ chính quyền đến nay đã 27 năm”, lá thư viết, “công an đã cử ra những người để đối phó với chúng tôi với nhiều thủ đoạn như cắt điện, theo dõi từng người, áp đặt các cáo buộc và đe dọa.

'Tất cả những hành động này, rõ ràng đã xúc phạm đến hương hồn của những người đã chết (trong cuộc đàn áp 1989), cũng như sỉ nhục danh dự của người còn sống', lá thư ngỏ viết. Nội dung của thư ngỏ lên án Bắc Kinh về thái độ làm ngơ cho tội ác diễn ra. Các bà mẹ cáo buộc chính quyền đã phớ lờ lời thỉnh cầu từ gia đình các nạn nhân, cũng như tìm cách xóa bỏ ký ức của công chúng về phong trào dân chủ bị đàn áp đẫm máu vào tối ngày 03 và 04 Tháng Sáu, 1989, mà trong đó có hàng trăm hay có thể là hàng ngàn người đã bị giết chết.

Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn khẳng định đã làm đúng khi đưa xe tăng và quân đội và Thiên An Môn năm 1989 để dập tắt cuộc biểu tình, bị chụp mũ là nổi dậy bạo loạn nhằm chống lại luật của Đảng Cộng sản đề ra. Cho tới nay, chính quyền vẫn khước từ mọi lời kêu gọi điều tra hay chỉ là thảo luận về sự kiện này. Hầu hết những nhà lãnh đạo sinh viên đều phải tỵ nạn ở nước ngoài sau cuộc đàn áp, lệnh cấm những người này trở về vẫn còn hiệu lực.

Tuy vậy, những người mẹ, cùng với gia đình và những người ủng hộ của họ - qua nhiều năm đã trở thành một Phong trào được biết đến như hiện nay,  với cái tên Những Bà Mẹ Thiên An Môn. Phong trào này đã dần tạo ra được một lớp người hiểu biết, quan tâm và chia sẻ mục đích hành động của họ. Lá thư ngỏ cũng nhân dịp nhắc lại tình trạng an ninh mật vụ Trung Quốc tăng cường áp sát sau cái chết của Jiang Peikun, chồng của bà Ding Zilin. Người phụ nữ này là một trong những bà mẹ Thiên An Môn có hoạt động nổi bật nhất, bà Yin Min, một người trong Phong trào và đồng ký thư ngỏ cho biết như vậy.

Công an đã ngăn chận không cho bất kỳ ai trong Phong trào, cũng như những người đã cùng ký trong lá thư đến thăm bà Ding Zilin từ ngày 22 tháng 4 vừa rồi. Bà Ding Zilin là người có đứa con trai 17 tuổi Jiang Jielian đã chết trong cuộc đàn áp Thiên An Môn 1989. Là bộ mặt tiêu biểu của Phong trào, Bà Ding đã phải chịu đựng những sự cấm cản khó khăn nhất.  

“Cảm giác như một con đường dài không bao giờ có thể ngừng. Chúng tôi chỉ là tập hợp của nhiều độ tuổi mà cái chết có thể ập đến bất cứ ngày nào nhưng chúng tôi muốn nhìn thấy sự thật được hiển lộ và công lý được duy trì vào lúc chúng tôi vẫn còn đang sống”, bà Yin Min, người có đứa con trai 19 tuổi, tên là Ye Weihang, cũng đã bị giết chết trong cuộc đàn áp. “Chúng tôi tin rằng chúng tôi có nghĩa vụ và quyền phải được nói với công chúng rằng 27 năm qua, chúng tôi đã sống như thế nào, và đòi hỏi chính phủ phải có hành động”, bà Yin Min cho biết qua điện thoại.

Một bà mẹ Thiên An Môn khác, bà Zhang Xianling, cho biết bà vẫn lạc quan. “Không phải đã có những tin tức về chuyện ai đó đã sống đến 105 tuổi sao? Tôi nghĩ rằng tôi sẽ sống cho đến ngày công lý sáng tỏ”, bà Zhang, người đã mất con trai 19 tuổi của bà, tên là Wang Nan trong cuộc đàn áp 1989, nói.

Mỗi năm khi đến ngày tưởng niệm thảm sát Thiên An Môn, mọi thủ đoạn trấn áp lại xiết chặt hơn. Gia đình của các nạn nhân 1989 đều bị giam lỏng trong nhà, hoặc buộc phải đi đâu đó ra khỏi Bắc Kinh. VỚi sự kiểm soát truyền thông luôn tìm cách làm lờ đi ý nghĩa của ngày 4-6-1989, các bà mẹ bị cấm không được công khai làm lễ tưởng niệm những đứa con của mình.

Ngay cả việc tưởng niệm, tụ họp mang tính riêng tư, nhưng có ý tưởng liên quan đến các cuộc đàn áp cũng đều bị cấm. Các nhóm nhân quyền ở hải ngoại đã cho biết công an đã bắt cóc mang đi ít nhất là ba nhà hoạt động ủng hộ dân chủ, do những người tham dự một bữa ăn tối tưởng niệm trong một gia đình Bắc Kinh, trước ngày trước ngày 4-6. Mới đây, một tờ báo Hong Kong cũng cho biết có hai người đàn ông bị bắt giữ vì quảng cáo các chai rượu Trung Quốc với nhãn hiệu có gợi ý về ngày 4-6.
Bất chấp các mối đe dọa rình ập họ, các Bà Mẹ Thiên An Môn mặc nhiên viết trong bức thư, bày tỏ niềm tin rằng công lý cuối cùng cũng sẽ đến.

“Trong tâm thế của tình mẫu tử bao la, chúng tôi gửi lời đến mọi nơi, cho các thế hệ tương lai: Đừng bao giờ khuất phục trước bạo lực dã thú, hãy đối đầu với tất cả điều bạo ác bằng lòng can đảm, và rồi công lý sẽ chiến thắng”, bức thư ngỏ của các Bà Mẹ Thiên An Môn viết.



-------------------------------

Bài của Didi TANG - (gửi từ Bắc Kinh), đăng trên Washington Post (01-06-2016), tựa gốc “27 years on, Chinese moms of Tiananmen victims vow to fight”. Nguyên Không chuyển ngữ.