Friday, April 29, 2016

Hãy gấp trang báo & tắt TV

http://youtu.be/wsEhrOg0TgM
Gửi một bài hát đến những ai đang muốn mở mắt nhìn quê hương, đón lấy quê hương với sự thật.
-------------------
HÃY GẤP TRANG BÁO & TẮT TV
Sáng tác & trình bày: TK
-------------------
Tôi đã thấy đất nước mình được gọi tên là thiên đường
Và tôi cũng thấy những bóng tối phủ vây trên từng phố phường
Và tôi thấy từng mẹ già được quay hình để gắn huân chương
Và tôi cũng thấy bao người già sống lây lất trên đường
Việt Nam (x 2) là Việt Nam
Tôi đã thấy đất nước này được gọi tên là thiên đường
Và tôi cũng thấy đất quê mình bị xâu xé từ bốn phương
Tôi đã thấy dân tộc mình có tên gọi tự do
Và tôi cũng thấy đời ngư dân ra khơi trong phiền lo
Việt Nam (x 2) là Việt Nam
Hãy gấp trang báo
Hãy tắt Tivi
Để thấy quanh ta chỉ là những trò hề
Mở mắt đi nhé
Hãy lắng tai nghe
Quê hương Việt Nam nghe sao bỗng muộn màng
Việt Nam nhìn nhau
Việt Nam nhìn mai sau
Hãy gấp trang báo
Hãy tắt Tivi
Để thấy quanh ta chỉ là những mộng mị
Mở mắt đi nhé
Hãy lắng tai nghe
Quê hương Việt Nam ôi sao bỗng muộn màng
Việt Nam nhìn nhau
Việt Nam nhìn mai sau
Tôi đã thấy đất nước mình được gọi tên là thiên đường
Và tôi cũng thấy người yêu nước tôi đang khóc trước bạo cường
Và tôi thấy kẻ thù nào đang muốn bóp chết quê hương
Và tôi cũng thấy con tin mình như thúc giục lên đường
Việt Nam (x 2) là Việt Nam

Wednesday, April 27, 2016

30/4, nói về một cuộc chiến thống nhất khác



Sau khi cá và biển chết, những con người Việt Nam đầu tiên chịu nạn bởi ánh hào quang phát triển XHCN đang bắt đầu quằn quại trên đất liền. Miền Trung giàu có biển khơi sẽ còn nhiều năm nữa nằm trong sự sợ hãi của khách du lịch toàn cầu, bởi sự chọn lựa dứt khoát giữa thép và cá tôm từ chính quyền.


41 năm sau ngày chấm dứt cuộc chiến tranh có tên gọi thống nhất Bắc Nam, vào 30/4 năm nay, nhân dân Việt Nam lại có dịp nhìn thấy một cuộc chiến "thống nhất" khác đang phủ bóng lên quê hương mình: Cuộc chiến âm thầm từ lâu mang bóng dáng của người bạn Trung Quốc.


Chưa bao giờ trên trên toàn Việt Nam, nỗi sợ hãi có tên gọi Trung Quốc đang hình thành rõ như vậy, bao gồm thực phẩm, hàng hoá, văn hoá mới, môi trường, chính trị... Khắp nơi, một cuộc chiến không tiếng súng đang diễn ra nhưng thất bại luôn thuộc về con người Việt Nam.


Mỗi lúc càng không thể chối cãi: nạn ung thư về thực phẩm tăng nhanh trong toàn dân, nền kinh tế lệ thuộc leo thang một cách ngu ngốc vào Bắc Kinh, biển và đất liền bị công khai cưỡng đoạt dần dần, người Trung Quốc di cư ồ ạt và thiếu minh bạch vào Việt Nam, biến nhiều điểm quan yếu của tổ quốc thành tô giới riêng của người Trung Quốc.

Thậm chí năm 2016, đã có những nơi chỉ buôn bán, sinh hoạt cho người Trung Quốc và dùng tiền nhân dân tệ, không tiếp người Việt. Giai đoạn mới cuộc chiến "thống nhất" đã đến.


Mới đây, từ thảm hoạ môi sinh kinh hoàng xảy ra ở Vũng Áng, nhiều người Việt vẫn nghĩ rằng Formosa Hà Tĩnh chỉ là công ty Đài Loan. Thế nhưng tiết lộ trên trang web mang tên Trần Đại Quang, tên của chủ tịch nước hiện tại ở Việt Nam, cho biết hệ thống đó hoàn toàn là Trung Quốc.


Tin cho biết, theo công văn số 1407114 của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đề đạt với chính quyền Hà Tĩnh về số lượng nhà thầu làm việc cho hệ thống này, thì trong số 28 công ty thầu, đã có đến 25 công ty Trung Quốc (không phải Đài Loan), chỉ có 3 công ty Việt Nam. Số lượng công nhân Trung Quốc cũng lên đến 10.000 người.


Bài viết trên trang web Trần Đại Quang làm một phân tích ngắn về số tiền đầu tư và cổ phần mà các công ty mang mác Đài Loan đại diện ở Vũng Áng, đã chỉ ra một khoảng trống bí mật, cho thấy các công ty vỏ bọc này sau một thời gian ra mặt đã im lặng rút dần, nhường chỗ cho "ông chủ" mới, ẩn danh, chiếm gần 50% vốn. Nguyên văn của bài viết, khẳng định rằng "Formosa Hà Tĩnh không còn là doanh nghiệp nước ngoài 100% vốn Đài Loan như đã đăng ký".


Với cái cách hết sức trịch thượng và được ưu ái kỳ lạ, hơn hẳn mọi quốc gia khác trên đất nước này, chúng ta hãy im lặng tự xét giờ đây Formosa Hà Tĩnh là ai.


Với cái cách bẻ cong được mọi thứ, đủ sức đẩy được thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Võ Tuấn Nhân bước ra đọc một thông cáo lừa dối và bệnh hoạn vào ngày 27/4, để bao che tội ác cho Formosa, chúng ta hãy im lặng tự xét giờ đây Formosa Hà Tĩnh là ai.


Câu chuyện Formosa giống như là một phần, trong chương trình chiến tranh im lặng "giải phóng" Việt Nam, bắt đầu bằng cuộc tận diệt môi sinh và con người suốt hàng trăm cây số bờ biển.


Sự kiện này chỉ là một giọt nước làm tràn ly, nhắc mọi người dân nhớ rằng từ sau 30/4 của hơn 40 năm trước, về một cuộc "giải phóng" khác từ người bạn Trung Quốc. Và họ đang thống nhất dần dần đất nước Việt bằng chiếm đóng, nạo vét tài nguyên, kiểm soát các điểm trọng yếu quốc phòng, tàn phá thiên nhiên và sức sống của một dân tộc. Dĩ nhiên, còn phải với sự tiếp tay của những kẻ buôn quê hương, bán dân tộc.


Suốt hơn 40 năm nay, người dân Việt đã "kháng chiến" âm thầm trong ý thức, kể cả với tuyệt vọng. Họ chịu đựng sự đàn áp từ những kẻ có quyền vốn muốn bắt tay, quỳ luỵ với Trung Quốc. Cuộc kháng chiến đủ hình thái, bắt đầu từ việc đặt câu hỏi thắc mắc Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan giờ ở đâu, cho đến xuống đường phản đối chống Trung Quốc giết hại ngư dân Việt, chống đồng hoá và thậm chí tự mình "kháng chiến" mỗi ngày khi bước ra ngõ, đến chợ... đều hỏi nguồn gốc món hàng có phải từ Trung Quốc hay không.


Cuộc kháng chiến để sống sót tự phát đó, nhiều lúc trở thành nghịch cảnh vì bị các quan chức, chính quyền bác bỏ, thậm chí khuyến cáo người dân hãy đầu hàng. Nhân dân bị kêu gọi hãy chấp nhận cuộc "giải phóng" mới bằng ngôn ngữ khốn nạn như thức phẩm độc nhưng ăn được, hàng lậu thối nát Trung Quốc được làm ngơ ầm ầm nhập qua biên giới, các dự án nhận đút lót luôn mời và ưu tiên cho các nhà thầu Trung Quốc xây dựng những sản phẩm tồi tệ chết người trên toàn quốc gia...


Trung Quốc, bằng cách nào đó, đã biến dân tộc Việt Nam thành một quốc gia công dân hạng hai. Bất kỳ ai khi nói về sự sai trái và tàn bạo của họ, chỉ được nói vu vơ là "người lạ", như một sự kỵ huý. Một sự trấn áp về tinh thần hiện rõ trong truyền thông nhà nước, mỗi khi muốn đề cập nhắc đến đại quốc. Sự trấn áp hiện rõ từ bảng thông cáo vừa qua của Bộ Tài nguyên & Môi trường về việc Formosa "vô can" với thảm hoạ chất thải hoá học độc hại.



Những ngày cuối tháng 4/2016, những con cá chết nằm dọc bờ biển Việt Nam như những xác người, nhắc cho hàng triệu người nhớ về một cuộc chiến từ năm 1975 đã dừng tiếng súng, nhưng rồi mở ra một cuộc chiến khác khốc liệt hơn. Cuộc chiến không có tiếng súng, chỉ có tiếng vỗ tay, hoa, hữu nghị và những mất mát lớn lao không được nhắc tên. Một cuộc chiến mà toàn dân tộc Việt, đất nước Việt đang là kẻ chiến bại.


Những con cá biển miền Trung đáng thương không có quốc hội để kêu than. Chúng chết lặng lẽ ngay trên bến bờ của hy vọng. Chúng chết ngay tại chỗ đã ngàn đời dung thân. Có khác gì những người dân nghèo ven biển, đen đủi và im lặng cầm trên tay con cá chết nhìn chúng ta như những bóng ma chết oan. Hàng triệu triệu giòi bọ đang lúc nhúc rứt rỉa các thân cá chết lúc này. Những kẻ làm ngơ thảm cảnh hay chỉ muốn cố bám víu quyền lợi Bắc Kinh, cũng đang rứt rỉa sinh lực cuối cùng của quê hương này.


Một cuộc thống nhất khác, ngay từ sau 30/4 của nhiều thập niên trước. Trên tấm bản đồ đầy những điểm đánh dấu sự có mặt của người Trung Quốc, nhân danh thịnh vượng, bạn hãy làm một đường nối tất cả, để nhận ra đó là hình thù một tấm lưới lớn. Chúng ta rồi như cá, không còn đường đến với biển khơi tự do, và chỉ còn được sống - ăn loại thức ăn nào mà họ đã chọn. Như những con cá trong lưới, nhưng chúng ta được chết trong "thống nhất" mà không được giãy giụa hay cất tiếng.


------------------------------------------

Tham khảo thêm:

http://trandaiquang.org/vung-ang-cua-dai-loan-hay-trung-quoc.html

Tuesday, April 26, 2016

Nhân dân mãi mãi là người đến sau


Tháng 4/2016, cá chết trắng dọc bờ biển Hà Tĩnh cho đến tận Thừa Thiên Huế. Suốt 3 tuần lễ dân chúng hoang mang, người đi biển chết đứng chết ngồi. Báo chí tố cáo Formosa - Khu Công nghiệp Vũng Áng do người Đài Loan - Trung Quốc đầu tư làm chủ là nơi gây ra tai họa. Thế nhưng, nhiều ngày sau khi thảm kịch lan tràn, ngày 22/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới có một cuộc họp với chính quyền tỉnh Hà Tĩnh, nhưng lại là họp kín, không cho báo chí tham dự. Đoàn công tác của Bộ này nói “luật không cho phép báo chí tham dự (?)”, nhưng đồng thời cũng nhắc là “đây là công tác kiểm tra định kỳ” nên không có gì để báo chí vào xem.

Có nhìn thấy những  bầy cá nằm chết vật vã, tràn trên bờ biển bởi các loại thuốc cực độc, mới thấy kinh hoàng. Các loại chất đầu độc biển cả đó, đều nằm trong số 45 loại hóa chất độc hại do Formosa được phép nhập về. Người hay cá cũng đều có thể là nạn nhân trong một thời gian ngắn với các loại hóa chất này. Nhưng mỉa mai là kết quả điều tra tìm thấy, thì do các chuyên gia về độc học mà  báo chí tự mời phân tích và công bố, còn đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì ngoài chuyện ngăn không cho báo chí vào lấy tin tìm hiểu, chỉ đưa ra những kết luận mơ hồ.

Người ta không biết rồi cuộc họp đó giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và chính quyền Hà Tĩnh, khu tự trị Formosa đó sẽ công bố điều gì với báo chí. Ung dung với sức mạnh về tiền bạc và thế lực kiểu Chaebol, chủ đường ống chất thải độc có thể sẽ đưa ra những bản kết luận nhòe nhoẹt với trách nhiệm không thuộc về ai. Bất chấp nguồn tài nguyên biển hàng trăm cây số của Việt Nam bị hủy diệt, môi trường sống của hàng triệu con người bị đảo lộn, đe dọa.

Người dân Việt Nam thường là người biết sau, chỉ vỡ lẽ khi hiểm nguy kề sát bên mình. Không ai ngờ rằng đường ống xả chất độc từ Formosa, là chính là hệ thống được Bộ Tài nguyên và Môi trường ký giấy cho phép và xác định là luôn kiểm tra, nhận thấy mẫu nước thải “đủ chuẩn”. Đường ống đó chạy dài ra vịnh Sơn Dương, ống có đường kính 1,2m, chiều dài 1,3km, nằm cách mặt biển 12m. Nhân dân chỉ biết về đường ống chất thải đó - ngày đêm đổ vào nguồn nước, nguồn đánh bắt của họ - ngay sau khi cá tôm vật vã, ngoi ngóp chết ngập bờ. Mọi thứ diễn ra như chuyện đã rồi.

Nhân dân chỉ được biết sau, chỉ biết khi phải oan uổng gánh chịu hậu quả, một cách ngơ ngác. Kể từ năm 1989, khi Trung Quốc khởi dựng đập Tam Hiệp (Three Gorges Dam) cho đến nay, hàng chục đập nước ngăn dòng Mekong khác đã trở thành một loại vũ khí sinh thái trấn áp toàn bộ vùng Đông Dương, Thái Lan, Miến Điện. Thế nhưng người dân Việt Nam cũng chỉ nhận được những tin tức hết sức lạc quan và hời hợt của Ủy Ban Mekong Việt Nam. Và rồi khi khô hạn đến, đất đai chết, ruộng đồng chết… người dân mới bàng hoàng nhận ra mình đang ở tình cảnh gì, bị bỏ rơi thế nào.

Bà Phạm Thị Loan, Ủy viên Ủy ban tài chính và ngân sách Quốc hội tiết lộ cho biết có đến 90% các dự án tổng thầu EPC ở Việt Nam là do Trung Quốc nắm giữ, kể các các ngành quan trọng như dầu khí, hóa chất, điện, dệt kim. Có đến 30 doanh nghiệp Trung Quốc đang thực hiện các dự án hàng trọng điểm quốc gia. Rồi nhân dân chỉ là người biết sau cùng, khi đường ống Sông Đà vỡ đến lần thứ 17, do nhà thầu  Xinxing, Trung Quốc đảm nhiệm. Dự kiến, hơn 200.000 dân cư sẽ là nạn nhân trực tiếp.

Nhân dân chỉ được biết sau cùng, khi nghe tin dữ rằng mỗi người đang mang trên lưng món nợ công lịch sử, với 30 triệu đồng/người. Có những gia đình người Việt suốt cuộc đời cắm mặt làm, không đủ ăn, nay giật mình nghe tin mình cũng phải gánh nợ công cho Nhà nước. Kể cả hai đứa bé chết chìm ở Krông Pắk, tỉnh Đắc Lắc, nghèo đến mức phải chôn chung một hòm cũng không thoát khỏi. 

Nhân dân mãi mãi là người đến sau trong con đường đến ấm no, thịnh vượng, hạnh phúc. Họ được gọi tên để biết mình cùng chịu trách nhiệm vì Nhà nước khai thác bauxite cho Trung Quốc, ở Nhân Cơ lỗ đến 3000 tỷ đồng trong 6 năm mà vẫn cố làm. Người dân được thông báo muộn màng rằng hàng trăm ngàn tỉ đồng mà họ đóng cho quỹ bảo hiểm xã hội đã bị tự tiện mang đi cho vay, mất trắng cả ngàn tỉ nhưng không ai chịu trách nhiệm. Trong khi đó, một công nhân chưa đủ tiền đóng bảo hiểm xã hội, thì bị răn đe là sẽ mang đi xử lý hình sự.

Nhân dân mãi mãi là người đến sau. Và đến chỉ để nhận biết sự thiệt hại hay tai ương đang rót xuống đầu mình, xuống gia đình mình. Họ cũng chỉ biết sau cùng, rằng những nhân vật cấp cao như Tổng thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền thì vượt lên trên, thoát khỏi mọi thứ với nhà cao cửa rộng xênh xang.

Như những con cá chết oan ức trên bờ biển, chỉ biết sau cùng rằng đại dương không còn là nhà, mà chỉ còn đầy độc dược, những người dân Việt Nam cũng chỉ biết được phần đen đủi nhất được gieo về phía mình, dù chung quanh đầy lâu đài và dự án vĩ đại, như đang phát triển cho ai khác.


Nếu như có một thiên đường để đến, có lẽ người dân Việt nhỏ bé như móng tay chúng ta, mãi cũng chỉ là người đến sau. Và đường đi đến đó, chẳng thong dong gì, mà có thể thông qua những ống dẫn chất thải như của Formosa. 

Monday, April 25, 2016

Ai sẽ thề không phản bội quê hương?

Sự kiện cả bộ máy hành chính Nhà nước và các nhà lãnh đạo cấp cao Đảng Cộng sản Việt Nam lúng túng, phản ứng bất thường trong vụ nước Cộng hòa tự trị Vũng Áng lên tiếng gay gắt, vừa xác nhận việc họ hủy diệt hàng trăm cây số môi trường biển, vừa khẳng định quyền bằng giá trị thương mại của Vũng Áng, cho thấy quan điểm phản bội quê hương với tay vịn vào ngoại bang đang hình thành mạnh mẽ ở Việt Nam, lúc này, rõ ràng trong một lớp người.

Sự lúng túng trước một thảm trạng của môi trường thiên nhiên bị tàn phá và đời sống hàng triệu người dân Việt Nam từ đây đến nhiều năm nữa, bởi những người có trách nhiệm của Nhà nước đã bộc lộ một thái độ quái gở, loanh quanh chưa từng có. Cụ thể là các quan chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và chính quyền Hà Tĩnh. Họ cứ nói tránh đi hiện trạng, nói không có kiểm soát, mà mục đích rõ là phục vụ cho giới chủ đang đầy tiền và quyền, dù sự diệt vong đang diễn ra trên đất nước mình.

Không phải chỉ lúc này, khu công nghiệp Vũng Áng mới bộc lộ một quyền hạn kỳ lạ. Nhiều năm nay, khu công nghiệp được hình thành như một pháo đài nội bất xuất, ngoại bất nhập với giá thuê đất ưu ái đến rẻ mạt, đã vậy, chính quyền Hà Tĩnh hành xử như một lãnh chúa, vượt qua luật pháp Việt Nam, cho Formosa thuê đất đến 70 năm, mà đến 15 năm không cần đóng tiền.

Vùng đất mà Formosa thuê, tính ra đến 33 triệu mét vuông - diện tích lớn như Macau - nhưng được chính quyền Hà Tĩnh cho thuê chỉ 80 đồng/mét vuông, theo hồ sơ bị tiết lộ vào năm 2009.

Mặc dù năm 2014, bị Nhà nước Việt Nam bác bỏ công văn số 1405069/CV-FHS của Formosa để xin xây dựng vùng kinh tế riêng, nhưng nước Cộng hòa tự trị Formosa vẫn hình thành trên lề lối quản lý của họ, với nhiều quy định nghiêm ngặt đến mức có quyền ngăn chận cả viên chức nhà nước đi vào khu vực của họ.

Dù làm ra của cải như thế nào, Formosa vẫn là người khách trên đất nước này. Khi giám đốc đối ngoại của Formosa, Chu Xuân Phàm lên tiếng thách thức mọi người về quyền tồn tại của KCN này, bất chấp hậu quả, thì mọi thứ đã đến ngưỡng báo động về sự suy đồi nhân cách của một thế hệ được đào tạo với đạo đức xã hội chủ nghĩa.

Việc nhận thức hành động càn quấy về môi trường của Formosa, làm hại đến cả con người, cần phải được cân đong với ý thức tổ quốc, dân tộc, chứ không thể với độ dày của số tiền mà hệ thống này trao tay lợi riêng. Nhượng bộ hay đánh đổi quyền lợi tổ quốc bằng lợi riêng, tên gọi đó là bán nước, mà ông Phàm chỉ là một ví dụ trên đất nước này, lúc này.

Formosa không phải lần đầu bị phanh phui các bí ẩn của họ. Tháng 3/2016, Formosa từng bị tố cáo là đã âm thầm đưa hàng trăm tấn xả thải từ công trường Formosa đưa ra khu vực dân cư lân cận gây ô nhiễm môi trường. Dù tên gọi chủ đầu tư là Đài Loan nhưng lâu nay, việc chuyển nhượng cổ phần cho ai vẫn là tuyệt mật, công nhân nào hở môi sẽ bị đuổi. Và nơi này cũng từng bị tố cáo là bí mật đưa vào Việt Nam một lượng công nhân Trung Quốc khổng lồ và không phép, được bao che bên trong.

Sự kiện chấn động quốc tế về chất thải độc vào môi trường của Formosa tại Việt Nam diễn ra gần một tháng, nhưng mọi thứ luân lý có vẻ bất lực trước kẻ ngang nhiên càn quấy. Hàng trăm ngàn trí thức xã hội chủ nghĩa, hàng ngàn các vị tiến sĩ và thậm chí cả một hệ thống Đoàn TNCS với hàng triệu người vẫn hớn hở, đều đặn giương khẩu hiệu yêu môi trường, hoàn toàn tê liệt. Sự im lặng không còn ý thức tự thân về dân tộc hay tổ quốc. Sự im lặng mang hình thái phản bội quê hương.

Bên cạnh hiện trạng đã rõ, có không ít những lời phát biểu vô trách nhiệm, có cả những kiểu "phản biện" để đánh lạc hướng dư luận, bất kể câu chuyện người thợ lặn của KCN nay đã chết với tình trạng nhiễm độc từ vùng biển có chất thải.

Cá tôm chết, con người chết, môi trường nhiễm độc vẫn không đủ sức khai sáng cho những kẻ mang lòng phản bội quê hương mình. Thậm chí quan chức Hà Tĩnh thì xui cứ tắm biển - ăn cá. Quan chức thanh tra thì ngỏ ý biển chết là có dịch, chứ không phải do chất thải. Sự bối rối và bất tín những người đang bám vào Formosa, được thể hiện rõ qua lời của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng “Nếu năng lực trong nước không đủ thì đề xuất hợp tác quốc tế. Khi đã xác định được đối tượng xả chất độc thì bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật” .

Thật khó để đi đến sự thật và cất lên tiếng nói cho nhân dân mình, một khi trái tim của mình chỉ còn lại bóng tối. Không thể tin nỗi một thảm họa lớn lao như vậy mà rất ít người có trách nhiệm lên tiếng, hoặc có thì chỉ nói dối. Sự kiện Formosa chỉ là một phép thử nhỏ về con người, đất nước Việt Nam. Nếu một mai khi đất nước bị xâm lăng, sẽ có ai là người dám cất lời thề không phản bội quê hương?

Tuesday, April 19, 2016

Những cơn biến động nhân gian


Hình ảnh hàng chục ngàn người chạy xô đẩy tranh nhau vào được khu vực đền Thượng, Phú Thọ làm lễ giỗ tổ Hùng Vương năm nay đã mang lại cho không ít người chứng kiến cảm giác sợ hãi.

Không phải sợ hãi vì sự hỗn loạn, đạp nhau có thể thiệt hại nhân mạng, mà kinh hoàng vì đó là hình ảnh của cơn biến động nhân gian, mà tín ngưỡng chỉ là một cái cớ.

Việc thờ cúng các đời huyền sử Hùng Vương như một cách ghi nhớ tổ tông, giống nòi không phải là chuyện lạ, mà đã có từ cả trăm năm nay.

Kể cả lúc chưa thống nhất đất nước, ngày giỗ tổ Hùng Vương ở miền Nam cũng là một ngày lễ trọng thị. Nhưng mãi đến năm 1995 thì ngày lễ này mới được chính thức nhìn nhận trên cả nước, vào ngày 10/3 âm lịch.

Bất ngờ vào ngày lễ năm nay, hình thức vọng bái mang hình thái tín ngưỡng dân gian này trở thành đại lễ quốc gia, tạo nên một cuộc biến động khó lường.

Nếu tĩnh tâm nhìn lại, người dân trên đất nước này đang bị dắt tay đi vào vô số những cuộc vui – biến động nhân gian như vậy.

Từ nhiều năm nay, từ các lễ hội “cấp quốc gia” cho đến các cuộc vui rầm rộ như bóng đá, con người bị hút theo. Khóc cười nghiêng ngả. Bùng phát các phong trào giành lộc, xin ấn, nhét tiền vào tay Phật, rồi gào thét theo đường bóng bất lực của đội tuyển quốc gia trong giấc mơ không tưởng như bánh vẽ, so với hiện thực.

Những người bình tĩnh lùi xa và nhìn ngó các dòng chảy biến động đó ắt hẳn luôn âu lo, không hiểu được trào lưu nào, điều gì đang xô đẩy người Việt dẫm đạp nhau, trở thành những hình dạng méo mó, kỳ lạ với cuộc sống ngày thường từng có.

Tên gọi của các loại lễ hội, giỗ cúng đâu xa lạ gì với người Việt. Tổ chức các lễ hội êm đềm và thành kính cũng không phải là một điều quá nhiêu khê với người Việt.

Hãy thử nhìn lại các lễ hội lớn ở miền Nam từ cả thế kỷ nay, như ở Bình Dương, Châu Đốc, An Giang… con số người tham dự lên đến cả trăm ngàn nhưng mọi thứ vẫn trật tự và khiêm cung.

Nhưng vài năm nay, việc cổ suý và phong trào thờ cúng lễ lạt dựng vội lên, ai ai cũng bất ngờ khi thấy thảm cảnh người người xông vào giật chậu hoa, cướp cây cảnh.


Người người xông lên chùa rải tiền lẻ tranh mua Phật, chen nhau để móc tiền chấm máu heo, máu trâu bị chém sống để lấy hên. Lại chực chờ sẵn sàng đạp chết nhau để xin một cái ấn vô nghĩa, rồi lại có thể bán đi với giá cắt cổ. Rồi đập vào mặt nhau, đánh vỡ đầu để giật cho được cái phết may mắn…

Thật khó mà tìm một tên gọi khác cho loại cúng bái hay lễ hội như vậy, nếu không phải là những cơn biến động nhân gian có chủ đích và tràn lan.

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 8.000 lễ hội, thờ cúng tín ngưỡng dân gian, tức trung bình mỗi ngày có khoảng 20 lễ hội.

Trong đó có hàng ngàn lễ hội, cúng bái được dựng nên như những dự án kiếm tiền của chính quyền địa phương, bỏ túi riêng cho các cá nhân bí hiểm nào đó, dọc theo chiều dài đất nước.

Những lễ hội dài ngày làm lạc hậu, trì trệ đất nước và con người. Tín ngưỡng được dựng lên kéo dài làm dân tộc mê muội.

Lễ hội, thờ cúng nhộn nhịp cả nước khiến người ta quên đi những điều cần biết hơn là hưởng thụ niềm vui trên đất nước này.

Như rồi người ta quên nhanh vụ điều tra công an đánh chết dân ở Tuy Hoà, luật sư Nguyễn Văn Thắng tố cáo việc che đậy tội ác, đã tức giận đến mức tuyên bố “sẵn sàng chết chứ không thể hèn” mà chấp nhận công lý bị bẻ cong.

Nhân dân được mời vào các phong trào rộn rịp với thần linh xa xôi, tổ tiên huyền sử nhưng lãng quên đất nước đang ngồi trên lửa với nợ công quốc gia, thực phẩm nhập khẩu vào đầu độc từng gia đình và tham nhũng kinh tế.

Hàng chục ngàn người sẽ mê mải xô nhau vào nơi vái lạy trên đất liền, không nhớ rằng giờ đây là mùa ra biển của ngư dân, nhưng ít còn ai dám đi xa vì kinh hoàng khơi xa đầy kẻ ác, kể cả nơi chính quyền Trung Quốc tặng không hàng chục ngàn USD cho các tàu cá của họ áp sát Trường Sa, không cần đánh bắt.


Thế kỷ 19, khi người Pháp đang đô hộ Việt Nam, họ cũng tổ chức vô số các cuộc vui, các lễ hội như hội chợ, thi leo cột mỡ, đấu xảo, đua xe đạp vòng quanh Đông Dương…  để thu hút người dân vào cuộc vui, vào hưởng thụ mà quên tình cảnh đất nước.

Để rồi những anh hùng ái quốc như Nguyễn Thái Học chết ngậm ngùi trong tiếng vỗ tay cho tình quê hương khốc hận.

Nếu có biến động nhân gian, sao không là cơ hội cho cả nước cùng rộn rã đứng lên vạch mặt bọn quan chức tham nhũng, tố cáo “bạn vàng” đang leo cao luồn sâu vào đất nước, bá quyền trên biển Việt.

Nếu là biến động nhân gian sao không dịp là thức tỉnh các trái tim để triệu triệu người cùng dõi theo đường đi nguy nan ra khơi của ngư dân, thức tỉnh lòng tự trọng của người Việt về chuyện vì sao trên quê hương mình, nay lại nhan nhản những nơi chỉ xài tiền nhân dân tệ, chỉ tiếp người Trung Quốc mà thôi?

Thế nhưng chúng ta chỉ còn thấy những cuộc diễn tập son phấn rẻ tiền và vô bổ – như chuyện làm những cái bánh chưng hàng tấn, những tô mì khổng lồ để dâng cho ngày giỗ tổ, cho lễ lạt trong khi những đứa trẻ đói khát vẫn còn đầy ở vùng cao nguyên, những vùng khô hạn và cứu đói ngày càng dài trong danh sách.

Những cuộc biến động nhân gian vui cười không ngớt ấy như đang dẫn dắt khiến người Việt vô tâm hơn, tham lam hơn, ích kỷ hơn, và người Việt không còn biết thương người Việt.

Những cuộc biến động nhân gian trình tự đó, một ngày nào đó rồi sẽ dẫn đến một đổi thay khôn lường.


Con người rồi sẽ đứng ở những biên giới mơ hồ, vuốt mặt nhìn nhau và tự hỏi tại sao chúng ta phải trả giá cho những điều này?

Tuesday, April 12, 2016

5 phút với sự thật

Người lữ khách Eric Weiner kể lại câu chuyện thú vị của mình. Ông mang theo nỗi sợ hãi bệnh tật đeo đẳng, du hành đến đất nước Phật giáo Bhutan, và nơi đây, ông đã nhận được một lời khuyên kỳ lạ.
Một người dân Bhutan có tên là Karma Ura khi nghe ông Eric thổ lộ về nỗi ám ảnh đau bệnh, đã nói rằng Eric hãy bắt đầu tập nghĩ về cái chết của mình “5 phút mỗi ngày”.
Tác giả của bài viết Bhutan’s dark secret to happiness gửi lên trang BBC Travel thoạt đầu không hiểu nổi, việc tại sao người ta lại phải tập sống với nỗi sợ hãi của mình thường nhật “5 phút mỗi ngày” chứ không phải là cố quên đi.
Cuối bài viết, ông ta nói mình nhận ra được một điều quan trọng, đó là đừng bao giờ để nỗi sợ hãi trấn áp mình, mà phải đối diện một cách bình thản – thậm chí là đối mặt với cái chết của mình – để được ung dung với sự thật.
Bài học “5 phút mỗi ngày” không chỉ là chuyện đối diện với sức khỏe, mà có thể nhìn thấy đó là một lời khuyên khôn ngoan để mỗi người dành ra một ít thời gian – mỗi ngày – của mình, để đối diện với chính mình, đối diện với sự thật và nhân cách của mình, trước khi rũ bỏ và trở về với cát bụi.
Năm 2014, cô gái 21 tuổi Yeonmi Park đào thoát khỏi Bắc Hàn và đến được thế giới tự do.
Nói với báo chí khắp nơi, Yeonmi Park thú nhận rằng cuộc sống của hàng triệu người sống trong chế độ độc tài như cô không có cơ hội để nhìn lại mình.
Cuộc sống của cô là chuỗi liên tiếp với sợ hãi ập đến, áp đặt từng ngày về lời thề tẩy não và trung thành, những cuộc hành quyết công khai, những vụ hãm hiếp trừng phạt kẻ “phản bội”…
Chỉ khi thoát đến một nơi khác, thức dậy và đối diện với nỗi sợ hãi của mình, cô nói điều mình khao khát là có được một nhân cách.
Câu chuyện của ông Eric Weiner và cả cô gái Yeonmi Park, nhắc tôi nhớ đến câu nói nổi tiếng của người phụ nữ vĩ đại ở đất nước Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi.
Cuộc đời của bà tràn ngập trong những vòng vây sợ hãi, mà kỳ diệu nhất là bà đã bước đi qua trên đó, nhẹ nhàng đi vào kỷ nguyên mới cùng dân tộc mình.
“Ngục tù chính là sự sợ hãi, muốn có được tự do thật sự là phải đi qua nỗi sợ hãi ngục tù ấy”, câu nói của bà đã trở thành tâm nguyện của hàng triệu người Miến Điện khao khát quê hương mình có một tương lai mới.
“5 phút mỗi ngày” đôi khi là một bài tập cần thiết với mọi người. 5 phút mỗi ngày để đối diện với sự sợ hãi của mình, tự vấn về nhân cách và chiêm nghiệm vì sao trong đời người, khuynh hướng tôn thờ sự sợ hãi, nuông chiều nó, đến mức chúng ta trở thành những kẻ hèn mọn đáng thương.
Tập nhìn lại mình có thể sẽ giúp cho chúng ta một cơ hội nhục nhã, để không biến mình thành kẻ vụ lợi, thờ ơ hay hoang dã với đồng loại của mình.
Ít phút với sự thật mỗi ngày, là cơ hội làm người, là điểm tựa nhỏ nhất để ta không rơi xuống đáy vực suy đồi.
Ít giây phút đó để con tim còn đập dồn máu nóng khi nghe các tàu đánh cá Trung Quốc ác độc bắn đạn bi sắt vào tàu cá Việt Nam, ngạo nghễ đi sâu vào biển Quảng Bình như chỗ không người.
Ít phút để tập lại sự căm giận cần thiết khi nghe người Trung Quốc vào tận Hóc Môn, TPHCM để bắt cóc trẻ em nhưng báo chí thì khẽ khàng gọi tránh đi là “người nước ngoài”, bao gồm chuyện đại diện cơ quan công an thành phố lên tiếng bác bỏ chuyện có nạn bắt cóc trẻ em.
Ít phút với sự thật, chắc sẽ giúp cho bạn và tôi suy nghĩ về đất nước vang dội những lời thề chống tham nhũng nhưng số tiền không rõ nguồn gốc ở Việt Nam đưa ra nước ngoài, trung bình 9 tỷ USD/năm, từ năm 2004 đến nay, theo tổ chức nghiên cứu Global Financial Integrity, trụ sở đặt tại Washington, Mỹ.
Vậy thì câu hỏi đơn giản của đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) về điều “diệu kỳ” của cán bộ, quan chức Việt Nam sao ai nấy đều im tiếng “Lương quan chức chỉ có thế mà sao nhà lầu, xe con, con cái du học nước nọ nước kia. Lấy ở đâu?”
Bản tin của Investvine tháng 4 này, cho biết Việt Nam sẽ dẫn đầu trong toàn khu vực, trở thành đối tác thương mại lớn nhất với Trung Quốc, dự báo lên đến 100 tỷ USD trong năm 2016.
Tất cả những cảnh báo về việc lệ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm việc nhập khẩu vô tội vạ các loại hàng hoá kém phẩm chất mà người dân bất an liên tục tố cáo… dường như không có giá trị gì trong các suy nghĩ về chính sách kinh tế.
Dành chút thời gian cho sự thật, bạn có cảm thấy cái chết?
Không phải vô lý mà thỉnh thoảng vẫn có vài bản video thu lại các diễn văn của các đại biểu Quốc hội như của ông Trương Trọng Nghĩa, Lê Văn Lai… được nhân dân giữ lại, xem lại, bàn tán trên mạng xã hội để biết sự thật về sĩ diện quốc gia trước sự bắt nạt của “bạn vàng”, về sự sống chết của đồng bào trên biển…
Sự thật là ngọn lửa âm ỉ, và luôn bùng cháy sáng rực khi được khơi gợi, rộn rã như ngày hội của lương tri.
Nhưng sự thật không phải lúc nào cũng có.
Kết thúc chuyến đi của mình, ông Eric Weiner nói rằng ông nhận ra người dân Bhutan có thể tìm thấy hạnh phúc bằng cách ung dung với sợ hãi, đối diện với sự thật – giáp mặt cuộc đời.
Mầu nhiệm thay, hạnh phúc của một dân tộc chính là đối diện với sự thật, chứ không thể là loại hạnh phúc với chỉ số được đo bằng sự hèn nhát sợ hãi với cuộc sống, vô tâm với đồng loại và tổ quốc mình.
5 phút mỗi ngày với sự thật, là một bài tập để từng người chúng ta cứu lại phần ung dung đời mình đã mất, biết đâu.

Tận thế đến từ chúng ta

Những năm gần đây, số lượng phim có đề tài về ngày tận thế của trái đất ngày càng nhiều. Đi xa hơn, là những kịch bản mô tả – như một cách nhằm hướng dẫn cách tồn tại – nơi một thế giới đã sụp đổ.

Trong Walking Dead, loạt phim truyền hình kéo dài nhiều năm về chủ đề thế giới đã tận cùng, loài người diệt vong, những vấn đề về đạo đức, nhân tâm… luôn được đặt ra rằng ở giai đoạn đã vào hỗn mang, con người có cần gìn giữ nhân tính của mình hay không, niềm tin và sự tốt đẹp có cần thiết ?

Giết người hay chấp nhận phải giết người, được coi là điều buộc phải làm khi cần thiết. Viên cảnh sát Rick đã phải chặt tay người phụ nữ mà anh yêu mến để bứt ra, tháo chạy khi cô ta (Jessie – Season 6) bị đám đông zombie vây chặt.

Nhẫn tâm để tồn tại, để được, bất chấp lý lẽ là điều phải chọn lựa dứt khoát và nhanh chóng mà trong hầu hết các bộ phim có chủ đề như vậy trong The 100, Z for Zachariah, The Survivalist…

Nếu tận thế là điều có thật, có đúng là chúng ta sẽ phải chứng kiến những nghịch cảnh đó? Chúng ta phải chấp nhận nhìn thấy sự sụp đổ của các nền pháp trị bằng bản năng thú tính, chấp nhận lọc lừa và quy lệ mới phục vụ cho bóng tối và sinh tồn bầy đàn?

Đó quả là câu hỏi mà thế giới đặt ra qua các phương tiện nghệ thuật. Và nếu bước qua giai đoạn diệt vong đó, liệu loài người có khả năng hồi phục được nhân tính và nền văn minh của mình không?

Những câu chuyện phiếm điện ảnh có lẽ còn phải bàn hàng giờ, cùng với trí tưởng tượng hết sức tự do, viễn mộng. Nhưng trong cuộc sống hàng ngày hôm nay, “tận thế” có thể được nhìn thấy bằng những câu chuyện ngang trái, giày xéo lên lẽ phải mà vẫn tồn tại một cách ung dung.

“Tận thế” có thể nhìn thấy qua những đứa bé Syria theo đạo Công giáo bị ISIS thiêu sống và chặt đầu. Vùng đất linh thiêng ở Ấn Độ tràn ngập tội phạm hãm hiếp bởi không còn niềm tin vào tương lai, theo thuyết tận thế.

Đất nước tràn ngập tượng Phật và chùa chiền như Đài Loan thì không dám đón Phật sống Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, bởi sợ mua bán khó khăn với Trung Quốc.

Tận thế có nhiều hình dạng. Tận thế đến từ lúc con người tự hoại điều tốt đẹp nhất của mình. Tận thế đến khi chúng ta cố gắng gìn giữ sự tử tế trong mình nhưng hoàn toàn cảm thấy cô đơn và sợ hãi.

Ở một xã hội mà mọi giá trị bị đảo lộn, con người sẽ co cụm trong hang sâu của chính mình, không còn niềm tin vào bất cứ điều gì nữa. Một công an viên khi quay hình sếp của mình mở sòng bạc ngay tại trụ sở, tố cáo trên trang mạng thì sau đó bị săn đuổi và bị tuyên bố sẽ đưa ra khỏi ngành vì một tội vu vơ gì đó.

Trong khi những kẻ ăn tiền thuế của nhân dân và hủ bại rành rành thì được cấp trên doạ dẫm báo chí đưa tin, còn nói là phải tìm cho ra và đuổi khỏi ngành.

Những điều đó làm người dân Việt Nam ngẫm nghĩ về động cơ thật sự của hàng loạt các vụ rượt đuổi trường gà, chiếu bạc địa phương… nóng bỏng đến mất mạng người có mặt tại hiện trường mà dân đen không ai dám kêu la.

Từ năm 2013 –2015, ông Tô Minh Vương, giáo viên trường tiểu học Phú Long (xã Phú Long, Phú Tân, An Giang) sau khi cung cấp bằng chứng cho đồng nghiệp để tố cáo sai phạm ở trường, đã bị khai trừ Đảng và buộc thôi việc.

An Giang là một tỉnh rất nhiều học sinh nghèo, ông Vương không chịu nổi tình trạng nhà trường mượn cớ tổ chức lớp bồi dưỡng, ép học sinh đóng tiền nên lên tiếng.

Cả một hệ thống nhà trường cho đến Đảng uỷ bức ép ông Vương mọi điều, cho đến khi bị công luận soi chiếu. Mà chống tham nhũng thì đó là mệnh lệnh, kêu gọi của tổ chức Đảng mà ông Vương tham gia.

Mới đây, phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng có giới thiệu trường hợp bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết đã bị tạm giam tới 800 ngày, nhưng cho tới giờ viện KSND TPHCM không tìm được chứng cứ buộc tội. Nhưng dù không buộc tội gì, cơ quan này vẫn không trả tự do cho bà, cứ giam để đó.

Phó viện trưởng viện KSND Dương Ngọc Hải được động viên là hãy “dũng cảm” đình chỉ vụ án. Quả thật là một loại “dũng cảm” chỉ có trong điện ảnh ngày tận thế.

Đã hơn ba năm rưỡi kêu oan cho con, đôi vợ chồng già Hoàng Xuân Tiến, ở Nghệ An, nhớ lại như in chuyện họ đột nhiên đón tiếp hai chiến sĩ công an ở thành phố Vinh và huyện Nghi Lộc đến nhà, mang theo lời đề nghị nộp 25 triệu thì con trai của họ sẽ được trả tự do.

Anh Hoàng Trưng, con trai của hai người đột nhiên bị kết án cướp giật rồi công an đến nhà gạ đổi tiền lấy mạng. Nếu có một kịch bản mới về “tận thế”, người ta có thể viết về công lý bị chà đạp. Bất an chủ đích như trái bom nguyên tử có thể ập xuống duy một mái nhà, chứ không cần là diệt vong cả thế giới.

Đôi khi, chúng ta đọc những câu chuyện như vậy, nhưng lại chỉ có thể cảm thấy sự nhạt nhẽo và tầm thường của từng câu chuyện. “Chỉ là một vài câu chuyện oan ức bình thường trong xã hội mà?”, rõ là có ai đó sẽ nói như vậy.

Những bản tin, những điều ngang trái ngày một nhiều hơn, trôi qua nhanh hơn và khiến chúng ta cũng mệt mỏi và thờ ơ hơn khi tiếp nhận.

Những nỗi đau trong cuộc sống này đang co rút lại trong từng hang động nhỏ, lẩn khuất và không còn được chia sẻ nữa. Nó chỉ còn lưu lại trong ánh mắt thăm thẳm cam chịu hay giận dữ của ai đó, truyền đời. Nó lưu lại như trong lời kể thì thầm của người vừa sống sót qua bầy zombie.

Tất cả những chia sẻ của loài người thiếu niềm vui tương lai, mà chỉ là run rẩy nối kết với nhau với kinh nghiệm sinh tồn chưa bao giờ được dạy, chưa bao giờ được biết trong nhà trường hay trong một cuộc đời tử tế.

Nhưng bạn cũng có thể nhìn thấy chồng chất những mệt mỏi và thờ ơ mà chúng ta trải qua từng ngày, những cam chịu và lãng quên phận người chung quanh trong xã hội hôm nay, mặc cho lẽ phải bị giày vò, nhân tính bị hoán đổi… đó chính là những dữ liệu hấp dẫn cho những kịch bản đón chờ một loại ngày tận thế. Đôi khi không phải cho thế giới, mà dành cho chính bản thân chúng ta.

Tuesday, April 5, 2016

Khi trẻ em bị gieo mầm dối trá và bạo lực

(Ảnh:internet)

Mo Bo, một trong những người từng là Hồng vệ binh trong thời cách mạng văn hoá ở Trung Quốc đã nói rằng ông cùng rất nhiều bạn bè của mình trở thành những kẻ hoài nghi và mất hoàn toàn niềm cảm hứng với cuộc sống của mình, khi nhìn lại lịch sử và những gì mình đã tham gia.
Mo Bo đã góp tiếng nói của mình trong các hồ sơ về kinh nghiệm bạo lực tuổi thiếu niên trên tạp chí New Internationalist, sau khi đến Anh học ngành nghiên cứu về ngôn ngữ, định cư ở đó.
“Sau những gì đã diễn ra, chúng tôi rơi vào tình trạng hoài nghi, luôn hoài nghi và không còn ai có thể nói với chúng tôi về lý tưởng được nữa, vì chúng tôi sợ hãi mình sẽ rơi vào một vòng xoáy, tạo ra những điều kinh hoàng khác”, ông Mo Bo nói, những kinh nghiệm “kinh hoàng” mà ông ta nói đến là ký ức của thời niên thiếu, khi ông mới 14 tuổi.
Tài liệu trên thư viện điện tử AsianHistoryAbout cho biết vào thời Cách mạng Văn hoá ở Trung Quốc từ năm 1966 – 1976, tư tưởng của Mao Trạch Đông đã tập hợp được hàng chục triệu Hồng vệ binh trẻ tuổi, có người chỉ mới 12 tuổi.
Nhiệm vụ khởi đầu của các đứa trẻ đó là nhận lấy những quyền lực mà thầy cô, bạn bè, nhà trường phải e dè.
Từ chuyện hạch sách những người bạn cùng lứa về kỷ luật học sinh, dần dần chúng phát triển đến chuyện theo dõi quan điểm của thầy cô để tố cáo, lập thành tích.
Không khác gì những câu chuyện điện ảnh kinh dị của Hollywood về các đứa trẻ là hiện thân của quỷ, những Hồng vệ binh trẻ tuổi đó đã phấn khích tràn ra đường, đánh đập thầy cô của mình, lục soát nhà bạn bè mình, đập phá chùa chiền và các di tích cổ, cũng như góp phần vào đại nạn thảm sát hàng chục triệu người trong giai đoạn đó.
Mới đây, báo Tuổi Trẻ có đưa ý kiến của một giáo viên về chuyện nạn Cờ Đỏ trong các nhà trường.
Đây không phải là ý kiến đầu tiên được nói lên, mà lâu nay đã là những điều băn khoăn của giới phụ huynh và các nhà xã hội học, rằng việc trao cho những đứa trẻ trong cùng một môi trường công việc rình mò, theo dõi bạn bè mình và quyền lực “báo cáo” để trừng phạt có phản lại giá trị giáo dục chung hay không?
Hơn nữa, bệnh thành tích và quyền lực giả tạo đó tạo nên những ảo tưởng và sự dối trá như một thói quen cho những đứa trẻ, sẽ tạo ra những nhân cách và phẩm chất gì cho xã hội trong tương lai?
Nhưng không phải chỉ có những đứa trẻ bị trao quyền lực sớm bị tổn thương tinh thần, mà cả những đứa trẻ khác trong môi trường đó cũng bị ảnh hưởng.
Bằng cách làm thân, cầu cạnh, hoặc “lót tay” cho các thành viên đội Cờ Đỏ để không bị ghi sổ khi đi học quên mang khăn quàng, cũng tạo nên một môi trường phản giáo dục và lừa dối thầy cô.
“Không chỉ học sinh sợ thành viên trong đội Cờ Đỏ mà chính thầy cô giáo cũng không muốn làm mất lòng các em đó, bởi chúng nắm trong tay quyền sinh sát của lớp”, cô giáo Phạm Huyền, tác giả của bài viết đăng tải trên báo Tuổi Trẻ ngày 3/4/2016, với tựa đề Đội Cờ Đỏ – “ngáo ộp” trá hình ở trường học đã nói đủ hết hiện trạng của nhiều trường học hiện nay, với chỉ vài dòng chữ.
Trong tài liệu về vệ sinh học đường Việt Nam do UNICEF tài trợ từ năm 2006, có tên “Formative Hygiene Research” với nhóm nghiên cứu hỗn hợp nhiều quốc gia, cũng ghi nhận việc theo dõi các bạn học sinh có “đủ vệ sinh” trong trường hay không, được giao cho các đội Cờ Đỏ (bản tiếng Anh viết là Red Flag Team) ghi vào sổ báo cáo, và rất nhiều em học sinh rất vui mừng khi trở thành người có quyền nhận xét ấy.
Trong sách nghiên cứu về nền giáo dục Việt Nam, có tên Vietnam’s Political Process: How Education Shapes Political Decision Making(2009) của Casey Lucius, giáo sư của trường Naval War College – và từng là trợ lý dự án cho toà đại sứ Mỹ tại Việt Nam, bà cũng giới thiệu về “mô hình” khá đặc biệt về các đội Cờ Đỏ trong các trường học Việt Nam, thường được giới thiệu với tư cách “trợ giúp” cho các học sinh bạn.
Mô hình đội Cờ Đỏ này từ khi xuất hiện xuyên suốt trong cả nước vào năm 1976, đã vô hình trung vô hiệu hoá các công việc của đội ngũ thầy cô giám thị, giáo viên kỷ luật… cũng như các chức danh lớp phó kỷ luật, lớp phó học tập, lớp phó thi đua…
Và hiển nhiên biến hình thái nhóm theo dõi và kiểm tra, thậm chí quyết định giá trị của bạn cùng lứa, trở thành một cơ cấu chính trị trong một môi trường giáo dục.
Cựu thành viên Hồng vệ binh Mo Bo nói rằng thời tuổi trẻ, ông tin rằng những điều mình làm là tạo ra con người và xã hội tốt đẹp.
Cuộc gặp mặt những người bạn cùng thời, sau đó 50 năm, chỉ đem lại một cảm giác chua chát và niềm ước muốn tuyệt vọng: phải chi họ có được một cuộc sống học đường bình thường.
Điều họ mang nặng là tuổi thiếu niên của mình, họ là những kẻ bị gieo mầm dối trá và bạo lực, khiến hôm nay họ ngại ngùng với cả con cháu.
Trong sự cuồng điên và nhiệt thành của mình, các thiếu niên được trao quyền lực ấy luôn là ngọn lửa âm ỉ của nạn bùng phát bạo lực thiếu lý trí.
Lịch sử Trung Quốc ghi nhận rằng hàng triệu các di tích và văn hoá cổ quý giá của đất nước này bị tiêu diệt. Nhiều học giả và giáo sư bị đánh đập chôn sống bởi chính các học sinh và sinh viên của mình, mà ngày hôm qua họ chỉ mới làm nhiệm vụ nhỏ bé là theo dõi và ghi chú về trường học của mình.
Rất nhiều bậc cha mẹ đã khóc và nói rằng họ đã thiếu dứt khoát và tri thức để ngăn con em mình tham gia các đội học sinh được giao quyền hành động ấy.
Một khi môi trường giáo dục bị chi phối bởi những hoạt động không thuần tuý giáo dục, mà nặng về răn đe và trừng phạt, tức môi trường của trẻ em đã bị xoá mờ ranh giới của trừng giới và học đường.
Có thật sự các ngôi trường Việt Nam cần phải giao việc và quyền, khác với tôn chỉ của mình, cho các học sinh?
Ở thế kỷ 21, việc mơ ước rằng các ngôi trường trên đất nước này chỉ có giáo dục – và thuần tuý giáo dục mà thôi – có phải là một điều quá nhiêu khê?