Tháng 4/1975 là cột mốc thay đổi rất nhiều thứ của người miền Nam Việt Nam. Đối với giới âm nhạc, đó cũng là một giai đoạn đầy biến động nhưng ít được ghi lại,. Những biến động đó bao gồm ly tán, tuyệt vọng, cái chết và sự nhục nhằn của kiếp người từ một chế độ này, bước sang một chế độ khác.
Rất nhiều nhạc sĩ, ca sĩ của miền Nam đã tìm đường di tản, vượt biên... với hy vọng rằng rồi mình sẽ lại được sống với nghiệp dĩ của mình ở đâu đó. Thật buồn, không phải ai ra đi cũng đã toại nguyện. Nhưng với nhiều người ở lại, cuộc đời đầy những bất ngờ sau đó, có thể còn buồn bã hơn nhiều.
Một trong những nhạc sĩ ở lại trong nước sau 1975 là nhạc sĩ Hoài Linh. Ông là tác giả của vô số những bài bolero có lời lẽ đẹp và sâu sắc như Sầu tím thiệp hồng, Căn nhà màu tím, Xin tròn tuổi loạn... Vốn là trung uý ở Nha cảnh sát quốc gia, nhạc sĩ Hoài Linh cũng mang nhiều nỗi lo về chuyện chế độ mới sẽ thanh trừng mình. Ngay trong những ngày di tản, ông đã dự định cùng gia đình đưa nhau xuống tàu, thế nhưng quá tiếc nuối căn nhà kỷ niệm ở đường Trương Minh Giảng, nơi ông dành dụm qua nhiều năm mới có được, nên rồi ở lại.
Ngày thường, nhạc sĩ Hoài Linh sống rất khiêm tốn và nhã nhặn với mọi người, ít phô trương. Chính vì vậy mà trong hẻm nhà, nên ai cũng thương mến. Khi những nhóm công an khu vực đầu tiên vào Sài Gòn đi điều tra nhân thân của ông Hoài Linh, hàng xóm luôn nói đỡ cho ông, không ai khai chuyện ông là trung uý cảnh sát. Chính vì vậy mà ông Hoài Linh tránh được chuyện đi tù (hay nói theo kiểu Nhà nước Việt Nam là đi học tập cải tạo).
Vốn là một nhạc sĩ thành danh, được trọng vọng, cũng như đang sung sức làm việc, bất ngờ bị đảo lộn mọi thứ, nhạc sĩ Hoài Linh mang một tâm trạng bất đắc chí cho đến tận lúc qua đời. Sau năm 1975, nhạc sĩ Hoài Linh dành trọn tâm huyết của mình cho việc viết thánh nhạc, phục vụ cho nhà thờ. Gia đình cho biết ông cũng từ bỏ y định vượt biên khi thấy số người tuyệt mạng trên biển quá nhiều.
Một lần đón các em nhỏ đến nhà tập hát thánh ca cho nhà thờ, nhạc sĩ Hoài Linh bị công an khu vực đến yêu cầu chấm dứt "tụ tập đông người", ông buồn bực vô cùng nhưng cũng phải đành làm theo. Đầu năm 1995, ông trở bệnh nặng. Thật là ngẫu nhiên nhưng cũng đầy ý nghĩa, ngày 30-4-1995, nhạc sĩ Hoài Linh lìa đời, để lại một sự thương tiếc cho nhiều người miền Nam. Dĩ nhiên, báo chí của chế độ mới không hề đưa một dòng tin nào.
Do không đi học tập, nên nhạc sĩ Hoài Linh bị nhiều người cho rằng có thể ông là Việt Cộng nằm vùng, thế nhưng khi còn sống, nhạc sĩ Hoài Linh không bao giờ buồn đính chính. Một trường hợp khác tương tự là nhạc sĩ Anh Việt Thu. Dù nhạc sĩ Anh Việt Thu mất năm 1973, nhưng ông vẫn bị mang tiếng là Việt Cộng nằm vùng do có một người em đi tập kết theo cộng sản ở miền Bắc, cũng như có bạn là nhà thơ Thiên Hà, là Việt Cộng. Nhưng giờ thì điều đó có thể lý giải được: sau năm 1975, rất nhiều bài hát của nhạc sĩ Anh Việt Thu cũng đã không được phép lưu hành.
Không ai có thể hình dung được đời mình và người Cộng sản từ miền Bắc đã gây ảnh hưởng như thế nào. Chẳng hạn như nhạc sĩ Lê Văn Thiện không bao giờ hình dung được người vợ không hôn thú của mình (bà Ngọc) là thành phần khủng bố ở nội đô. Bà Ngọc đem mìn hẹn giờ đến cài ở nhà hàng Liberty, đường Tự Do, để giết một vài lính Mỹ. Thế rồi bị trục trặc, chính bà cũng bị mìn giết chết tại chỗ, còn chỉ huy của bà là ông Sáu Hỏi (sau 1975 về làm quan chức ngành văn hoá ở quận 5) thì cao chạy xa bay.
Tâm trạng trầm uất và chỉ cầu mong sống để làm việc, lo cho gia đình là khuynh hướng chung của rất nhiều nhạc sĩ miền Nam đã sống trong chế độ VNCH. Nhạc sĩ Thanh Sơn, Mặc Thế Nhân, Hoàng Trang... tìm cách quy ẩn. Còn những nhạc sĩ như Lê Hựu Hà, Y Vân... thì được tuyển dụng làm cho các đoàn ca nhạc mới. Có miễn cưỡng nhưng chỉ còn đó là sinh lộ cuối cùng nên các ông đành nương theo mà sống. Lúc sinh thời, nhạc sĩ Y Vân cũng rất buồn bã sau ngày 30-4, nhất là khi một người bạn thân đi vượt biển mất tích. Ông tâm sự với vợ con rằng giờ chỉ còn biết làm để gia đình không lâm vào cảnh đói khổ mà thôi. Và có lẽ cũng do làm việc lao lực ngày đêm, năm 1992 nhạc sĩ Y Vân qua đời. Nhạc sĩ Lê Hựu Hà cũng không khác gì. Những năm ông đi trình diễn trên sân khấu, rất nhiều khán giả gửi giấy lên yêu cầu các bài hát thời ban nhạc Phượng Hoàng của ông. Thế nhưng Lê Hựu Hà đành từ chối khéo, sau đó quay vào trong với ánh mắt buồn thăm thẳm: nhiều bài hát của ông cho đến năm 2003, tức năm ông qua đời, vẫn chưa được những người Cộng sản cho phép lưu hành trở lại.
Nhiều nhạc sĩ không thích nghi được đời sống của chế độ mới nên cũng qua đời trong nghèo khổ như nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang, Trúc Phương, Thanh Bình, Châu Kỳ... Nhiều năm bị bạc đãi ở các phòng văn hoá kiểm duyệt theo chính sách thanh lọc văn hoá của chế độ cũ, hầu hết những nhạc sĩ của miền Nam Việt Nam còn bị báo chí Nhà nước ghẻ lạnh vì tuân theo các chính sách tuyên truyền của ban tuyên giáo. Trong khi đó, khác với giới biểu diễn của chế độ mới thì được tạo điều kiện để ca tụng, quảng bá lắm lúc trơ trẽn.
Khá nhiều nhạc sĩ trước 30-4 là sĩ quan phòng tâm lý chiến, là quân nhân VNCH, nên chuyện đi tù cải tạo là điều dễ hiểu. Những ngày tháng trong trại tù cải tạo Hà Tây, nhạc sĩ Vũ Thành An cũng vì đói, vì sợ đòn nên đã khuất phục, trở thành tai mắt của cán bộ quản giáo và bị anh em trong trại căm ghét. Mãi sau do quá ăn năn, ông đã xin được rửa tội đi tu theo đạo Công giáo ngay trong trại tù. Đó là lý do mà nhiều năm sau khi xuất cảnh sang Mỹ, nhạc sĩ Vũ Thành An mới quay lại với âm nhạc, dùng Đời Đá Vàng như một lời tâm tình đầy đau đớn cho cuộc sống mà ông đã trãi qua.
Nói về kết thúc trong trại tù, không thể không kể đến nhạc sĩ Minh Kỳ. Vốn là đại uý cảnh sát, nhạc sĩ Minh Kỳ cũng bị dồn vào trại cải tạo ở Biên Hoà. Bốn tháng sau ngày 30-4, khi đang ngồi ăn trong trại, cả nhóm sĩ quan của ông bị ai đó ném lựu đạn vào giữa, khiến thương vong mười mấy người. Nhạc sĩ Minh Kỳ hấp hối, đẫm máu, chỉ có lời với anh em trong trại là nhắn giùm với gia đình rằng ông đã chết, rồi sau đó xuôi tay. Không rõ mộ của ông sau này có cải táng hay không, vì khi chôn cất sơ sài, cán bộ quản giáo chỉ để bảng ghi tên người chết là Vĩnh Mỹ, tức tên thật của ông, chứ không hề biết đó là một nhạc sĩ tài hoa hàng đầu của nước Việt.
30-4-1975 là một cột mốc của nhiều điều, mà có lẽ nhiều thập niên nữa người Việt mới biết tường tận sự thật. Và có lẽ cũng nhiều năm nữa, những trang sử nhạc còn phải ghi chú thêm những điều chưa kể hết, mà vốn nỗi buồn gần nửa thế kỷ vẫn phủ tối cả quê hương.
(Ảnh từ trái quá: Nhạc sĩ Hoài Linh & Minh Kỳ)
Sunday, April 26, 2015
Tuesday, April 21, 2015
Trộm chó và mại dâm
Một người bạn nước ngoài nói với tôi rằng họ kinh hãi, không thể nào tin nổi ở Việt Nam giờ đây lại có những hình ảnh con người bị đánh đập đến chết và cột cùng với xác chó, kéo lê trên đường, để phô diễn chiến tích.
Nạn trộm chó đang hoành hành ở miền Bắc Việt Nam, và để đáp lại những vụ trộm đó, những cuộc vây đánh đến chết kẻ trộm vẫn diễn ra. Nhiều vụ còn được ghi hình lại như một sự kiện thích thú. Phần lớn công an địa phương cũng bối rối, vì rõ ràng họ không được hướng dẫn đối phó với các tình huống bạo lực đám đông như vậy, mà chính họ ắt cũng cảm thấy lo sợ khi đứng giữa đám đông rầm rập đó.
Hãy thử đặt một câu hỏi, chủ nhân của con chó đã tham gia đánh kẻ trộm được bao nhiêu lần vì tức giận, và đám đông tham gia đó đã tiếp sức cho cuộc đánh đập với lý lẽ gì, nếu không phải là một khoái cảm bạo lực của đám đông đang bùng lên khi tìm thấy một đối tượng để trút vào. Đó hoàn toàn không là câu chuyện của lẽ phải, mà là một hiện tượng xã hội mới phát sinh.
Có lẽ từ đây về sau, cái chết có lẽ là điều phải nhẩm trước cho bất kỳ một kẻ trộm (chó) nào, chứ không phải là luật pháp, ngay trên một quốc gia có đội quân công an hùng hậu, mà luật lệ thì luôn được khẳng định thực thi. Nếu từ đây, một dạng thiết chế đời sống công xã như vậy hình thành ở các miền khác, các địa phương khác, ắt sẽ còn có nhiều hơn những cái chết cho nhiều trường hợp khác nhau.
Việc bắt giữ và tự mình xét xử bằng bạo lực, nhắc con người văn minh nhớ đến IS, những kẻ khủng bố dùng cái chết để răn đe, nhớ đến những vụ hành hình, nhớ đến chuyện đấu tố trong thời cải cách ruộng đất ở miền Bắc sau 1945. Thậm chí, những hình ảnh này còn gợi nhớ đến giai đoạn xã hội được kiểm soát bằng ủy ban quân quản, chẳng hạn như sau tháng 4/1975, những thanh niên Sài Gòn bất phục bị bộ đội Bắc Việt bắt giữ và tuyên án, xử bắn ngay trung tâm thành phố. Xã hội không còn chiến tranh nhưng đang như tái hiện mọi thứ: giai đoạn mà những tập thể đi cùng với bạo lực, chỉ xử chứ không xét.
Trong Phật giáo, việc niệm Phật là một loại gieo mầm thiện. Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ vẫn để lại di huấn cho các đệ tử của ông rằng, ngay cả không thuộc kinh kệ, việc niệm Phật thay vào cũng là một cách để ấp ủ thiện tính trong lòng mình, và “niệm” này tác động đến những hành xử đời thường. Xã hội bất an và có nhiều ức chế không thể giải tỏa trong đám đông, cũng là một cách gieo niệm sự dữ trong con người. Và chỉ cần một cơ hội, nạn nhân của họ sẽ là bất cứ ai, nhân danh lẽ phải. Nhưng cũng cần nên nhớ rằng đám đông không tự mình hung dữ, con người không tự dưng ác, mà phải xét rằng xã hội mà họ đang sống, đã điều khiển, đã gieo trồng loại mầm gì lên họ.
Việc đám đông người Việt hôm nay dã man, không chỉ riêng ở trộm chó, mà ngay các câu chuyện thường ngày trên báo chí cũng cho thấy. Đặc biệt gần đây là chuyện rêu rao người mẫu bán dâm.
Thông tin người mẫu bán dâm rộ lên, ngay sau khi có vài người đẹp đột nhiên mất tích. Đợi lúc dân chúng xôn xao thì ngành công an mới hô lên rằng chính họ đã bắt, từ những nghi vấn mại dâm. Thật mỉa mai khi rất ít tờ báo nào đặt vấn đề vì sao công an lại có thể lạm quyền bắt cóc nhiều ngày các nghi phạm trong một vụ hình sự cấp thấp như vậy, mà chỉ tập trung vào chuyện mô tả vẻ đẹp của những người mẫu và số tiền được cho là giá mua dâm.
Màu sắc hèn hạ cũng không khác gì những người đánh kẻ trộm chó, người dân không chất vấn ngành công an địa phương đã làm ăn như thế nào mà vùng đất lại rộ trộm cướp, báo chí gọi là tử tế của Nhà nước chỉ lo vật và xé toang mọi thứ che thân của những người mẫu đang bị cho là bán dâm. Đó cũng là một loại bạo lực không khác gì đánh kẻ trộm chó, nhưng bạo lực khi nhân danh luật pháp và thông tin để hành hạ phụ nử, thì còn bệnh hoạn và ghê tởm hơn.
Giá tiền và những gương mặt đáng thương của các cô gái này được trưng bày trên báo chí, không chỉ mô tả một xã hội Việt Nam đang đạo đức giả đến đáng phỉ nhổ, mà còn cho thấy lẫn khuất trong đó sự thèm khát số tiền và cuộc đời của các nạn nhân, từ biên tập biên cho đến phóng viên của các tờ báo. Xã hội Việt Nam đang tồn tại một căn bệnh chì thích tra tấn những ai không có khả năng chống lại mình, không khác đám đông hồ hởi và điên dại đấm đạp vào người trộm chó.
Cũng rất ngạc nhiên, nhiều vụ quan chức nhà nước đi mua dâm, khi bị bắt đều được che đậy, còn những cô gái làm việc bằng tấm thân của mình thì bị làm nhục, bị lãnh án. Vụ gã hiệu trưởng Sầm Đức Xương ở Hà Giang, năm 2010, cầm nắm cả một danh sách quan chức mua dâm, thì được giấu nhẹm, chỉ có các cô gái thì phải chịu búa rìu là kẻ phạm tội. Cũng chẳng ngạc nhiên gì, khi năm 2009, tờ China Daily thăm dò, cho biết dân chúng ở Trung Cộng coi trọng gái điếm còn hơn cá giới quan chức. Đơn giản vì gái điếm có làm gì, họ chỉ vay trả bằng cuộc đời của chính họ, còn bọn quan chức thì bòn rút và hút máu nhân dân. Dĩ nhiên, ai cũng biết mô hình xã hội Trung Cộng và Việt Nam cũng không khác gì mấy.
Lẽ thường, nghi phạm chỉ trở thành tội phạm từ sau lời tuyên bố của tòa án. Nhưng chỉ cần công an bắt giữ, điều tra, đột nhiên tất cả những cô gái bị nghi ngờ là mại dâm đều ngay lập tức trở thành tội phạm, bị báo chí bị treo lên, bị lột sạch và cười cợt, chỉ trích. Ở một quốc gia văn minh khác, những tờ báo hối hả dục vọng đó luôn bị khởi kiện vì sự khốn nạn, nhưng ở Việt Nam, mọi thứ được coi như là ánh sáng của công lý. Con người có thế chết ngay lập tức từ đòn đánh của chủ chó, nhưng cũng có thể chết lần mòn từ những vết cắn xé – như trường hợp các cô gái nói trên.
Bạo lực nuôi dưỡng bạo lực, gieo niệm sự dữ vào con người một cách im lặng. Hôm nay đánh chết một con người vì chó, nhưng cũng có thể ngày mai, có thể một đám đông nào đó lại giết chết một con người từ bản năng động vật được nuôi dưỡng và thả rông trong chính mình. Cách thức và mỗi sự việc có thể khác nhau, nhưng cái ác chỉ có một bộ mặt, dù chó hay là người.
Wednesday, April 15, 2015
Thương quá đời nhau
Mùa dưa đầu năm nay gặp lũ bất ngờ, nhiều gia đình ở Quảng Nam trắng tay. Nhiều nơi, những thanh niên không quen biết, những nhóm người vô danh đột nhiên xuất hiện và kêu gọi mọi người chia nhau, mua dưa như một cách để cứu nạn cho nông dân. Cuộc sống vẫn còn giới thiệu những điều quý báu và lay động lòng người trước nghịch cảnh lắm khi chán chê.
Nhìn hình ảnh những người già miền Trung ôm lấy trái dưa, ngậm ngùi, rồi lại thấy những thanh niên căng biểu ngữ kêu gọi mua dưa giúp mà thương. Giá dưa lại xuống tận 1000 đồng / kg thì cả ruộng dưa nếu có bán được, e cũng chưa đủ đóng được tiền vay của ngân hàng. Mẹ già nhìn đăm đăm vào ruộng, mênh mông buồn.
Hóa ra, người Việt vẫn gượng lại để giữ một tấm lòng cho nhau, dù có lúc ai nấy đều lặng người trước cảnh giành giật miếng ăn, cướp giật của rơi của người gặp nạn. Nơi Hà Nội từng có ngày hoa bị giành giật, tranh nhau và giẫm đạp, thì cũng có một ngày người người hẹn nhau để giữ lấy từng gốc cây. Sài Gòn sầm uất chốn vui chơi ngày đêm, nhưng không thiếu quán ăn miễn phí, hay giá chỉ 2000 đồng cho kẻ khó hơn mình.
Từ khoảng 5-7 năm nay, phong trào kêu gọi mua hàng hóa để giúp người dân nghèo bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Lúc thì dưa, lúc thì hoa tết, có lúc là rau cải. Người Việt có thói quen mua không để dùng, mà mua như một động thái chia sẻ sinh tồn. Như anh bạn của tôi vẫn hay mua một vài tờ vé số, nhưng chẳng bao giờ dò. Mục đích mua chỉ là gửi một niềm lạc quan cho người khó khăn hơn mình. Thương nhau mới làm được như vậy, vì đôi khi cần dè sẻn, mua một ly nước cho mình, nhiều người vẫn phân vân.
Cách đây không lâu, một người quen trên facebook tranh luận với tôi, nói rằng trên thực tế, người Việt không thể có tình đồng bào. Nếu dựa trên khoa học, câu chuyện trăm trứng nở trăm con và nguồn gốc chuẩn tộc thuần túy, thì rõ ràng “đồng bào” là điều dường như vô nghĩa. Nhưng “đồng bào” – tên gọi và ý nghĩa duy nhất mà người Việt có trên thế giới đã là một sự kết dính tinh thần, thương lấy đời nhau qua năm tháng. Tình thương của người Việt ít màng lý luận, vì vậy ít ai chất vấn vì sao lịch sử người Việt hay song hành với huyền thoại chứ không là ghi chép cụ thể. Dù biết nỏ thần của An Dương Vương hay phép lạ của Thánh Gióng là điều bất khả. Và có lẽ trong thói quen của tình thương đó, người dân Việt cũng ít khi nào tự hỏi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tận lực như thế nào để chuyện mất mùa hay trì trệ trong nông nghiệp là chuyện thường ngày bấp bênh trên đất nước này, khác với các quốc Châu Á hôm nay?
Trong ghi chép của người xưa, người Việt mình hay cười. Bài “Xét tật mình” của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, đăng trên Đông Dương Tạp Chí năm 1913, nói người Việt “Hay cũng hì, mà dở cũng hì, quấy cũng hì, phải cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang. Có kẻ bảo cười hết cả, cũng là một cách của người hiền”. Quả thật người Việt rất hiền. Nghe tin đường xa lộ mới xây bị hư hại, lộ cốt bằng tre, bằng ván ép… rồi im lặng và cười. Nghe vaccine chữa bệnh trẻ con chích vào chết ngay, lại vẫn được hô hào sử dụng, cũng đành im lặng và cười. Nghe lấp sông Đồng Nai sẽ đẩy hàng triệu người vào nghèo khó, im lặng thở dài và cười. Nghe khai thác bauxite thất bại nợ nần đến con cháu đời sau, cũng chỉ im lặng rồi cười.
Người Việt thương mình, như thương một giai cấp của mình trước chuyện thế gian quá tầm tay. Mua hàng cho dân nghèo, góp tiền, góp của cho từ thiện là những chuyện mà đâu đâu trên đất Việt cũng thấy. Tiền người Việt giúp nhau, nhiều không kể xiết – không có một ngân quỹ chính sách nào có thể sánh bằng. Thương nhau, giúp nhau từ nhà ra ngõ, từ trăm cây số đến hàng ngàn dặm. Tiền kiều hối gửi về Việt Nam năm ngoái hơn 11 tỷ USD, bằng giấc mơ phát triển của cả nhiều quốc gia trên thế giới.
Người Việt thương nhau mà thở dài, nhiều người nói mình có ra sức giúp cả đời cũng không xuể. Các quan chức bị tố tham nhũng, chỉ nhận chức chưa quá nửa đời người đã dinh thự đền đài, con cháu trở thành một giai cấp khác, thụ hưởng trên nụ cười khan và tiếng thở dài của dân mình. Người Việt thương nhau, ngó tượng đài trăm tỷ, vinh danh cho bộ mặt một chính quyền mà hàng ngàn gia đình vẫn còn đói ăn trong ngày khánh thành. Người Việt nhìn ra biển, thấy cá mà thương ngư dân trong trùng vây khốn khó, dở khóc dở cười.
Nhỉn ngó mọi nơi, và im lặng trước những điều quá tầm tay. Người Việt quay về với nhau như một giai cấp cam chịu rồi cười. Thôi thì chỉ còn biết chia nhau khốn khó. Cười, thương quá đời nhau.
Wednesday, April 1, 2015
Số 0 đến vô tận
Rất nhiều bản tin hôm nay, đặc biệt là tin giải trí, hay nói tới tiền. Dù là mang tính chê bai hay ca ngợi, tiền đang được đề cập đến như một khát vọng cháy bỏng khác thường trong xã hội cộng sản hôm nay.
Ông bạn giáo viên lâu ngày gặp lại, nói được đôi câu đã bắt sang thời sự. “Sao chuyện như vầy mà người ta có thể viết thành một bài báo?”, ông bạn chìa cho tôi xem một bản tin về người đẹp nào đó đang xách chiếc túi hàng hiệu trị giá vài ngàn USD, nội dung của một bài viết dài, cũng chỉ quanh chuyện chiếc túi đắt tiền và người đẹp sang trọng đó đã bỏ tiền mua.
Đâu chỉ có riêng bài báo đó, mà dường như cả thế giới thông tin hôm nay đang nóng bỏng nhìn ngó xem ai có nhà tiền tỷ, ai là đại gia, ai đang thất thế, ai dám tung tiền gây chú ý… những câu chuyện vô bổ, không biết để làm gì đang dẫy đầy trên báo chí, truyền hình. Cả xã hội đang phản ánh một điều đáng lo ngại trong việc kính ngưỡng sự giàu có, bất kỳ ai giàu có đều có thể thành trung tâm thông tin, thậm chí trở thành nhân vật lên bìa của một tờ báo, mà nội dung thì nhạt nhẽo.
Có tiền, những kẻ vô danh được tung hô một cách kệch cỡm. Không tiền, thì bị đẩy xuống tận bùn sâu. Mới đây chẳng bao lâu, một người kinh doanh trẻ tuổi được báo chí ca ngợi, giới thiệu dàn xe hơi đắt tiền nhất nhì Việt Nam của anh, thế rồi lúc anh kinh doanh khó khăn, lại thấy những tin tức diễu cợt không mục đích, nói rằng anh đang cùng cực vì ngồi trên món nợ 3000 tỷ.
Mới đây, một “đại gia” đeo vàng xuất hiện ở Hà Nội – cũng là đề tài báo chí giật lên, xôn xao, rồi có hẳn một tờ báo đi tận Tuyên Quang để tìm ra nhà của người giàu có đó. Bài viết giới thiệu, kính cẩn gọi nhân vật đó, nhắc đi nhắc lại là “vị đại gia”. Ngay trong từng câu chữ, người ta cũng đọc được sự thèm khát của tác giả trước cảnh giàu có một người khác.
Những điều đó, có thể chỉ là chuyện lá cải tầm phào, không đáng quan tâm, nhưng giờ đây, khi đầy dẫy trên các trang tin tức, cũng là một góc nhìn cho thấy một xu thế mê đắm vật chất. Một hiện trạng tôn thờ đồng tiền và chạy theo nó một cách vô nghĩa. Nó phản ánh cháu giết bà chỉ vì cần vài chục ngàn chơi game, con giết mẹ chỉ vì nuôi ăn tốn kém. Thậm chí với thần thánh cũng chỉ cần nhét tiền lên bàn thờ, vào tượng là sẽ mua được may mắn, phước đức.
Thế nhưng cần một lời nói đúng, chia sẻ cho hoàn cảnh của 90.000 công nhân của công ty PouYuen đang đình công thì thật khó tìm lúc này. 90.000 con người lao động chân chính hốt hoảng khi nghe tin chính sách bảo hiểm xã hội thay đổi, đã kinh hoàng ngừng việc và yêu cầu công bằng cho họ. Thế nhưng chuyện 90.000 con người tranh đấu với yêu cầu đúng của mình, vẫn bị chìm ngập và cố tình cho lãng quên trong những dòng thông tin hưởng thụ và giải trí xa rời thực tế.
Theo chính sách mới, điều luật 60 BHXH, người lao động khi không được nhận tiền bảo hiểm, ngoại trừ khi họ đến tuổi hưu. Giả như một công ty thuê công nhân chỉ trong 5 năm, sau đó đóng cửa. Những công nhân này phải đợi đến tuổi hưu của họ mới được nhận tiền BHXH, dù lúc đó, có thể họ chỉ mới 21 tuổi. Mức bảo hiểm xã hội ấy dù chỉ ở mức 300-400 ngàn, lại phải đợi đến tuổi hưu mới được nhận.
Những câu chuyện về tiền quẩn quanh đất nước này. Và như có liên đới với nhau. Khi chính sách mới về không phát tiền BHXH cho người lao động như thường lệ, cũng là lúc mà người dân nhận được tin Quỷ bảo hiểm xã hội tự nhiên không cánh mà bay 1.052 tỷ đồng. Phiên họp của quốc hội năm ngoái công bố như vậy. Thậm chí sau khi thanh tra, hồ sơ gốc chỉ thấy có 700 tỉ, còn bao nhiêu biệt dạng. Đã vậy, chỉ tính đến năm 2013, báo cáo về chi phí quản lý quỹ bảo hiểm xã hội lại cao ngất trời: 3.718 tỉ đồng.
Tiền thật lạ. Tiền quyến rũ dân đen phạm pháp, hấp dẫn quan chức tham nhũng, và tiền cũng tự biến mất, mà không lời hồi đáp. Tiền có thể biến một người công nhân cùng khổ thành người tranh đấu, và biến những công chức thành kẻ cắp.
Tiền thật thú vị, nhất là trong một quốc gia tuyên bố mình là ngọn cờ của giai cấp vô sản. Dường ít có ai phải chịu trách nhiệm về nó trong hệ thống công quyền. Chỉ có nhân dân kiệt sức đóng thuế là người ngẫm nghĩ về nó, và giống như ông bạn thầy giáo của tôi, chìa tờ báo ra, với câu hỏi không bao giờ được giải đáp, như một số 0 đi vào vô tận.
-------------------------
(Tựa đề, lấy từ tên sách của Arthur Koestler)