Chỉ đến khi một người bạn buồn buồn, nâng ly champagne và nhắc, tôi mới giật mình nhớ rằng đã 2 năm ngày mất nhạc sĩ Phạm Duy. 2 năm thoáng qua thật nhanh. 2 năm tre đã tận, măng thì vụng dại, người Việt đã không có gì hay ho hơn trong âm nhạc, và vẫn phải lặng người khi ngồi nghe lại những bài hát của một người tự nhận mình là người hát rong bằng tiếng Việt, từ thế kỷ trước. Tưởng niệm một thiên tài, tự mình mở lại bài Xuân Ca, tôi lại thấy trong đó muôn ngàn ngậm ngùi, không chỉ cho người đã khuất mà cho một nước Việt mong manh mờ ảo.
Nhắc về Phạm Duy, có rất nhiều người thích nói về tục lụy trong đời ông, nhưng tất cả thì vẫn phải lắng nghe. Âm nhạc của Phạm Duy là tiếng lòng, là sách giáo khoa quốc túy, là câu chuyện kể đẫm gió bụi trần gian của kẻ hát rong đi qua chiến tranh và nội loạn. Và dù như thế nào, trong âm nhạc của Phạm Duy luôn văng vẳng một lời kêu gào ham muốn được sống, được chạm vào một cảm giác của cõi trần gian, khao khát yêu thương và hoan lạc với đời.
Xuân tôi ơi sức Xuân tôi còn khát khao
Dù nay, dù mai cũng như mọi ai chết trong địa cầu
Xuân muôn năm có ta Xuân còn hỡi Xuân
Thì xin, thì Xuân hãy cho tình nhân sống thêm vài lần
Câu hát về mùa xuân của Phạm Duy như hờn trách, như đau vì phải đời người phai tàn theo năm tháng khi trái tim vẫn ngùn ngụt đam mê. Nghe như có cái gì đó vọng lại từ đời mình, vọng lại từ những điều phù du yêu dấu mà chính mình đã trãi qua. Cuối những năm 90, khi làm quen và trò chuyện với ông, tôi mới nhận ra rằng sự tha thiết với cuộc sống vẫn cấu cào ông, bất kể lúc nào. Có lần, buổi xế chiều ở Việt Nam, tức đã rất khuya ở Mỹ, bất ngờ Phạm Duy gọi điện thoại về. Giọng ông thì thầm và đau đáu “Ở Việt Nam còn ai nghe nhạc tôi không?”. Tim tôi thắt lại. Tôi đã phải nói với ông rất nhiều rằng chính quyền và những quan chức dùng bộ máy kiểm duyệt như một thứ hình phạt tùng xẻo với đồng loại mình thì vẫn ráo riết thô bỉ, nhưng người dân vẫn đứng ngoài những điều đó, và họ vẫn nghe, hát mỗi ngày. Nhưng dù vậy, có lẽ ông vẫn chưa tin lắm, tự tay chép ra hàng loạt đĩa CD trên máy tính các bài hát của mình và nhờ Duy Cường mang về đưa cho tôi, dặn rằng nếu có ai muốn nghe nhạc Phạm Duy thì giúp ông, chia sẻ với họ.
Năm 2004, khi có cái lệnh quái gở về việc tất cả nghệ sĩ trên nước Việt phải thi lấy giấy chứng nhận hành nghề, Sở Văn Hóa Thông Tin ở Sài Gòn tổ chức các buổi giảng về chính trị bắt buộc tại rạp Hưng Đạo (đường Nguyễn Cư Trinh, quận 1). Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, lúc đó là quyền giám đốc Sở, đã tuyên bố đanh thép rằng có 4 cái tên được coi như xử bắn vắng mặt, ai âm mưu chơi nhạc, truyền bá sẽ bị liên lụy, đó là Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ, Việt Dzũng, Nguyệt Ánh. Thế nhưng chúng tôi vẫn chơi Đưa em tìm động hoa vàng, vẫn hát Tạ tình, và vẫn nghe Một món quà cho quê hương. Âm nhạc vượt mọi rào cản và sợ hãi, dù bị hiến tế cho những mưu đồ chính trị. Lúc đó, chúng tôi nghe chuyện Lộc Vàng ở Hà Nội đi tù vì hát nhạc vàng, và ở Sài Gòn thì chúng tôi chứng kiến những bài hát cũ trước tháng 4-75 bị gạch không thương tiếc ra khỏi các danh sách sản xuất của băng đĩa nhà nước. Cũng lúc đó, tôi nhận được những bài hát mới của nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác rồi gửi về, trong đó có những bài phổ thơ từ những bài thơ tình rất mới của nhà thơ Hoàng Hưng. Ông ký tên trên các bài hát mới với bút danh là “Y Du”, tức tách từ chữ “Duy” và nói rằng nếu tôi nếu có dịp thì cứ xuất bản, đừng ngại chuyện tác quyền. Lúc đó, cầm những bài hát mà lòng tôi buồn vô hạn. Âm nhạc cứ phải lẩn khuất, âm nhạc chạy trốn phục binh. Lời hát cứ phải cất lên trong vết cắt kẽm gai ứa máu.
Khi đó, còn đang làm việc ở báo Tuổi Trẻ, tôi hỏi ý người chủ biên của mình là nhà báo Đoàn Khắc Xuyên về việc có nên làm một bài phỏng vấn nhạc sĩ Phạm Duy hay không. Anh Xuyên trầm ngâm một hồi, rít thuốc, nói “thôi cứ làm đi, nhưng để đó, rồi sẽ đến lúc”. Tôi gửi 41 câu hỏi cho nhạc sĩ Phạm Duy với niềm hy vọng rằng một ngày nào đó, ông sẽ lên tiếng dõng dạc quan điểm của mình trên báo chí trong nước. Ấy vậy mà, 2 năm sau khi ông mất, khi xem lại những câu hỏi đó, tôi biết còn rất lâu nữa, mới “đến lúc” như tôi và người chủ biên của mình hy vọng. Ngay khi ông về nước, cười nói và bước qua những trò tuyên truyền chính trị, như cách của một người già chìu lòng bọn trẻ con ngu ngốc để được yên, ông vẫn giữ nguyên trên website của mình phần trả lời cho tôi, với sự dứt khoát “Tôi chưa bao giờ là người Cộng Sản”.
Những lần gặp hiếm hoi, khi nhạc sĩ Phạm Duy đã quyết định về sống ở Việt Nam, cho tôi một cảm giác rằng ông như đang hát phần Nắng chiều rực rỡ trong đời mình, xuôi tay và chấp nhận mọi thứ để được nằm lại ở miền quê hương tinh khiết trong trái tim ông. Con ngựa hoang tự do và mỏi mệt chỉ mong được uống nước ở dòng sông cũ và không mong gì hơn là nghe thấy âm nhạc của mình vang lên trong lòng dân tộc.
Tôi nghe Xuân Ca và nhớ lại một câu trả lời của ông mà bật cười một mình. Phạm Duy ra đi để lại một gia tài âm nhạc cho đời Việt, để lại một tính cách tự do ngông cuồng đủ cho các cuộc tán gẫu không thể dừng. Khi tôi hỏi ông rằng có sự lý giải nào cho sự khác biệt giữa một Phạm Duy đầy triết lý với những bài ca tâm linh, thanh thoát và một Phạm Duy rất đời thường qua các bài tục ca hay không, ông trả lời rằng “Là nghệ sĩ mà tự giam mình vào những đề tài hạn chế thì chán bỏ mẹ ! Nhưng đừng tưởng rằng chỉ vì muốn thay đổi đề tài mà tôi soạn tục ca sau khi soạn tâm ca. Tục ca rất đứng đắn (seriously). Hơn nữa nó phản ảnh đúng cái thời đại mà ai cũng muốn văng tục”.
Một năm mới lại đến. Xuân ca lại văng vẳng trong trái tim người. Niềm khao khát còn đó nhưng mùa xuân thật sự của xứ Việt đang ở nơi đâu?
Kỷ niệm 2 năm, ngày mất nhạc sĩ Phạm Duy
(27-1-2013 / 27-1-2015)
-----------------------------------
Ảnh: từ internet
Thursday, January 29, 2015
Friday, January 23, 2015
Cafe cuối năm, internet
Những buổi sáng cafe ở Sài Gòn 10 năm trước cho đến nay dường như vẫn không có gì thay đổi. Vẫn ly cafe nhạt đó, những câu chuyện hỏi han nhau lệ thường, những cuộc tranh cãi vu vơ giữa người với người để chứng minh sự tồn tại như lẽ thật trên trần gian. Khác chăng là những đứa trẻ đánh giày nhiều hơn, những người già vé số tuyệt vọng hơn. Và đặc biệt lượng người trầm ngâm với điện thoại hay máy tính bảng ở mọi góc, ở mỗi giờ.
Thế giới đã khác, những tờ báo giấy mòn mỏi và chậm chập như những chuyến xe liên tỉnh không đến kịp thời gian. Con người Sài Gòn hôm nay ngồi chạm lướt vào hiện tại tức thì để nói về cuộc sống của mình, buồn phiền hay vui cười những tin tức chớp tắt từng giờ. Sài Gòn ngồi một chỗ có thể nhìn mọi nơi, nghe những chuyển động của người Việt, có thể cười cợt với những vận may hạnh phúc và cũng có thể chết lặng với những đảo điên của giống nòi.
Lại một buổi sáng như mọi buổi sáng ở Sài Gòn, anh bạn làm trong ngành toà án nói rằng từ internet, tin tức liên quan về luật pháp có thể những người quan tâm đến stress nặng. Anh bạn làm báo thì kể có lúc anh đọc tin, thấy những trái ngang đến mức bị trầm uất, ngồi hàng giờ ở nhà mà không nói tiếng nào, đến mức gia đình lo sợ.
Là người, chắc không ai quên được vụ thảm sát công dân Ngô Thanh Kiều ở Phú Yên (2014), mà thủ phạm lại là 5 công an viên do bức cung, nhục hình, bất chấp nạn nhân kêu oan. Tin tức về sự kiện này thoạt đầu, báo chí không đưa nhiều, thậm chí nương nhẹ, giấu bớt phần tội ác của các công an viên. Thế nhưng tin tức trên internet bùng nổ lên tiếng, mang đi hình ảnh những đứa trẻ đeo khăn tang, người vợ mang bức hình thi thể dập nát của chồng mình kêu oan trước những ánh mắt nhân viên an ninh trừng trừng vô hồn đe doạ. Có một bức ảnh được truyền đi trên mạng, cho thấy đứa trẻ đang hôn vào di ảnh của cha mình. Nhiều người đã bật khóc vì khoảnh khắc đó. Nhiều người như anh bạn làm ở ngành toà án hay nhà báo của tôi, và cả tôi đã nhưng nghẹt thở khi nhìn thấy. Tíc tắc của hình ảnh đó có thể theo tôi đến tận cuối đời như một lời nhắc nhở rằng xứ sở mình, người Việt mình đã oan khiên như thế nào, và may mắn thay, nếu không có internet, những điều như thế này sẽ không bao giờ chạm được vào đời thường để được sẻ chia công lý.
Tin tức trên internet như một cuộc cách mạng thầm lặng và vĩ đại đã thay đổi đất nước này, dù không phải ai cũng hân hoan đón chào nó. Trước khi có internet, mọi thứ bị kềm hãm trong truyền hình và báo giấy, trở thành một lá bài ma thuật muôn mặt với công chúng.
Những người bạn ngồi cafe gợi nhớ ngày tháng mọi thứ lệ thuộc vào các bản tin nhanh. Từ bóng đá cho đến các sự kiện thế giới như Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, chiến tranh Vùng Vịnh... Dòng người nôn nao đứng trước Thông Tấn Xã VN chờ mua vào lúc 4g chiều - những ngày tháng đó đã nói hết mọi điều. Những bản tin một chiều, bị kiểm duyệt và thậm chí bóp méo đã được nâng niu, bàn tán từng ngày. Cuộc sống trong một cái nồi đậy nắp kín vẫn luôn đau đáu ngóng chờ một giây phút nào đó để nhìn thấy bầu trời bên ngoài. Hôm nay thì mọi thứ đã thay đổi, dù cá mập có xuất hiện từng đàn theo ước hẹn trước để cắn các dây cáp quang dưới lòng biển, internet xoay tròn tìm kiếm, người ta vẫn tìm thấy đủ cách để tiếp nhận thông tin quanh mình.
Không thể nào dừng được thông tin đến với mọi người, và càng không thể che đậy hay ngăn chận. Vụ thảm sát ở Phú Yên lộ dần bộ mặt của các ác và sự thống trị như cát cứ của chính quyền địa phương, đặc biệt là ngành công an ở đó. Và cũng nhờ đó, mà người ta biết đến chân dung của một người luật sư trẻ đáng kính trọng, Võ An Đôn.
Hãy hình dung vào 10 năm trước, nếu vụ án oan này xảy ra mà không có internet, có lẽ số phận gia đình của nạn nhân Ngô Thanh Kiều sẽ nguy nan biết mấy trước sự bao che, cấu kết lộ rõ ở vùng đất đó. Và luật sư Võ An Đôn chắc cũng sẽ bị xô vào một góc tối khác, nơi công lý chỉ còn một hình hài rách rưới và cam chịu.
Có thể anh Võ An Đôn cũng có một trái tim bình thường như mọi con người khác. Anh cũng biết sợ hãi và biết mình đang đối diện với điều gì. Khi bị cáo công an Lê Minh Phát nổi giận, đạp ghế và chửi bới trước toà khi nghe án tù 6 năm của mình cho tội giết người, nhiều người đã lo sợ. Và chắc anh Võ An Đôn cũng có một tíc tắc bất an nào đó. Ai cũng hiểu hành động của viên công an giới thiệu một bộ mặt khác của Phú Yên, nơi công an là trời, là núi cao, là cát cứ trong sự sợ hãi của dân chúng. Cú đạp của viên công an chỉ là sự bày tỏ rằng vì sao có một loại công lý nào đó có thể chạm được đến họ.
Vụ án kết thúc, nhưng đến năm 2015, cuộc trả thù đánh với vẫn dai dẳng, khi các cơ quan tư pháp tỉnh Phú Yên liên hiệp với nhau loay hoay tìm cách rút thẻ hành nghề của luật sư Võ An Đôn. Thậm chí đòi thanh tra nơi làm việc của luật sư Đôn để "quét nhà ra rác". Nhưng may sao, câu chuyện này với các mặt phải-trái của nó đã nhiều đến mức mọi người đứng về vị luật sư cô đơn ngay trên quê mẹ của mình. Bộ mặt quyền lực cát cứ và dẫm đạp lên cả đồng loại mình bị xé toạc ra, lộ ra giòi bọ nhun nhúc trong đó. Nhưng cũng từ đó, những người biết chuyện lại thêm sự lo ngại, rằng cuộc chiến đó chưa yên, quyền lực đó vẫn sẽ âm mưu phục kích công dân tử tế của mình một ngày nào đó để kiểm soát mọi thứ.
Tôi chưa một lần gặp mặt luật sư Đôn, chỉ thấy anh qua hình ảnh. Trong sự rắn rỏi và quyết liệt của anh, dường như tôi còn nhìn thấy sự liều chết của một kẻ đánh bom, muốn phá tan các bức tường che đậy tội ác, bứt đứt những bàn tay đang nắm chặt với nhau vượt qua các giá trị luân lý và nhân tính. Hôm nay, một phần bóng tối đó bị đẩy lùi không chỉ bằng sự cao quý trong trái tim luật sư Đôn, mà còn cả truyền thông nhà nước lẫn tự do cũng lên tiếng. Internet mang đi xa câu chuyện nhức nhối đó, các câu chuyện cafe chia sẻ mạnh mẽ hơn. Sài Gòn xa Phú Yên hàng trăm cây số, nhưng rất gần bởi cùng sự căm giận cho số phận con người.
Những buổi sáng trôi qua chầm chậm, giật mình lại thấy đã cuối năm. Những câu chuyện từ internet thì dồn dập đến mức khó mà nhớ hết được, nhất là khi mảnh đất Việt Nam này sáng nào mà không đọc thấy một chuyện đáng ngậm ngùi. Trong tập cuối bộ phim Rurouni Kenshin, thầy của tay lãng khách sát thủ đã nói rằng "sao nhìn con như đang mang giùm nỗi đau cho cả đất nước này vậy." Nhìn mặt của nhiều người tiếp nhận tin tức buổi sáng cafe hôm qua và hôm nay, vẫn có thể thấy được những điều u uất đó lởn vởn chung quanh. Nhưng nếu không là vậy, hoá ra, chúng ta đã trở thành loài súc vật công cụ vô tri sao?
Tôi chép lại câu chuyện này như một thứ nhật ký, bằng một niềm hy vọng nhen nhúm. Những ghi chép này như một thứ nhật internet ghi lại sức mạnh của chính nó, ghi lại con người đã ra sao từ đó, và ghi lại một phần những câu chuyện không bao giờ được quên lãng trên đất nước này.
Đây là một lời cảm ơn thầm lặng của tôi đến luật sư Võ An Đôn và chia sẻ đến gia đình của nạn nhân Ngô Thanh Kiều. Và đây cũng là lời cảm ơn đến những ai đã từng chia sẻ câu chuyện này và biến nó thành một sức mạnh công lý của chúng ta.
Thế giới đã khác, những tờ báo giấy mòn mỏi và chậm chập như những chuyến xe liên tỉnh không đến kịp thời gian. Con người Sài Gòn hôm nay ngồi chạm lướt vào hiện tại tức thì để nói về cuộc sống của mình, buồn phiền hay vui cười những tin tức chớp tắt từng giờ. Sài Gòn ngồi một chỗ có thể nhìn mọi nơi, nghe những chuyển động của người Việt, có thể cười cợt với những vận may hạnh phúc và cũng có thể chết lặng với những đảo điên của giống nòi.
Lại một buổi sáng như mọi buổi sáng ở Sài Gòn, anh bạn làm trong ngành toà án nói rằng từ internet, tin tức liên quan về luật pháp có thể những người quan tâm đến stress nặng. Anh bạn làm báo thì kể có lúc anh đọc tin, thấy những trái ngang đến mức bị trầm uất, ngồi hàng giờ ở nhà mà không nói tiếng nào, đến mức gia đình lo sợ.
Là người, chắc không ai quên được vụ thảm sát công dân Ngô Thanh Kiều ở Phú Yên (2014), mà thủ phạm lại là 5 công an viên do bức cung, nhục hình, bất chấp nạn nhân kêu oan. Tin tức về sự kiện này thoạt đầu, báo chí không đưa nhiều, thậm chí nương nhẹ, giấu bớt phần tội ác của các công an viên. Thế nhưng tin tức trên internet bùng nổ lên tiếng, mang đi hình ảnh những đứa trẻ đeo khăn tang, người vợ mang bức hình thi thể dập nát của chồng mình kêu oan trước những ánh mắt nhân viên an ninh trừng trừng vô hồn đe doạ. Có một bức ảnh được truyền đi trên mạng, cho thấy đứa trẻ đang hôn vào di ảnh của cha mình. Nhiều người đã bật khóc vì khoảnh khắc đó. Nhiều người như anh bạn làm ở ngành toà án hay nhà báo của tôi, và cả tôi đã nhưng nghẹt thở khi nhìn thấy. Tíc tắc của hình ảnh đó có thể theo tôi đến tận cuối đời như một lời nhắc nhở rằng xứ sở mình, người Việt mình đã oan khiên như thế nào, và may mắn thay, nếu không có internet, những điều như thế này sẽ không bao giờ chạm được vào đời thường để được sẻ chia công lý.
Tin tức trên internet như một cuộc cách mạng thầm lặng và vĩ đại đã thay đổi đất nước này, dù không phải ai cũng hân hoan đón chào nó. Trước khi có internet, mọi thứ bị kềm hãm trong truyền hình và báo giấy, trở thành một lá bài ma thuật muôn mặt với công chúng.
Những người bạn ngồi cafe gợi nhớ ngày tháng mọi thứ lệ thuộc vào các bản tin nhanh. Từ bóng đá cho đến các sự kiện thế giới như Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, chiến tranh Vùng Vịnh... Dòng người nôn nao đứng trước Thông Tấn Xã VN chờ mua vào lúc 4g chiều - những ngày tháng đó đã nói hết mọi điều. Những bản tin một chiều, bị kiểm duyệt và thậm chí bóp méo đã được nâng niu, bàn tán từng ngày. Cuộc sống trong một cái nồi đậy nắp kín vẫn luôn đau đáu ngóng chờ một giây phút nào đó để nhìn thấy bầu trời bên ngoài. Hôm nay thì mọi thứ đã thay đổi, dù cá mập có xuất hiện từng đàn theo ước hẹn trước để cắn các dây cáp quang dưới lòng biển, internet xoay tròn tìm kiếm, người ta vẫn tìm thấy đủ cách để tiếp nhận thông tin quanh mình.
Không thể nào dừng được thông tin đến với mọi người, và càng không thể che đậy hay ngăn chận. Vụ thảm sát ở Phú Yên lộ dần bộ mặt của các ác và sự thống trị như cát cứ của chính quyền địa phương, đặc biệt là ngành công an ở đó. Và cũng nhờ đó, mà người ta biết đến chân dung của một người luật sư trẻ đáng kính trọng, Võ An Đôn.
Hãy hình dung vào 10 năm trước, nếu vụ án oan này xảy ra mà không có internet, có lẽ số phận gia đình của nạn nhân Ngô Thanh Kiều sẽ nguy nan biết mấy trước sự bao che, cấu kết lộ rõ ở vùng đất đó. Và luật sư Võ An Đôn chắc cũng sẽ bị xô vào một góc tối khác, nơi công lý chỉ còn một hình hài rách rưới và cam chịu.
Có thể anh Võ An Đôn cũng có một trái tim bình thường như mọi con người khác. Anh cũng biết sợ hãi và biết mình đang đối diện với điều gì. Khi bị cáo công an Lê Minh Phát nổi giận, đạp ghế và chửi bới trước toà khi nghe án tù 6 năm của mình cho tội giết người, nhiều người đã lo sợ. Và chắc anh Võ An Đôn cũng có một tíc tắc bất an nào đó. Ai cũng hiểu hành động của viên công an giới thiệu một bộ mặt khác của Phú Yên, nơi công an là trời, là núi cao, là cát cứ trong sự sợ hãi của dân chúng. Cú đạp của viên công an chỉ là sự bày tỏ rằng vì sao có một loại công lý nào đó có thể chạm được đến họ.
Vụ án kết thúc, nhưng đến năm 2015, cuộc trả thù đánh với vẫn dai dẳng, khi các cơ quan tư pháp tỉnh Phú Yên liên hiệp với nhau loay hoay tìm cách rút thẻ hành nghề của luật sư Võ An Đôn. Thậm chí đòi thanh tra nơi làm việc của luật sư Đôn để "quét nhà ra rác". Nhưng may sao, câu chuyện này với các mặt phải-trái của nó đã nhiều đến mức mọi người đứng về vị luật sư cô đơn ngay trên quê mẹ của mình. Bộ mặt quyền lực cát cứ và dẫm đạp lên cả đồng loại mình bị xé toạc ra, lộ ra giòi bọ nhun nhúc trong đó. Nhưng cũng từ đó, những người biết chuyện lại thêm sự lo ngại, rằng cuộc chiến đó chưa yên, quyền lực đó vẫn sẽ âm mưu phục kích công dân tử tế của mình một ngày nào đó để kiểm soát mọi thứ.
Tôi chưa một lần gặp mặt luật sư Đôn, chỉ thấy anh qua hình ảnh. Trong sự rắn rỏi và quyết liệt của anh, dường như tôi còn nhìn thấy sự liều chết của một kẻ đánh bom, muốn phá tan các bức tường che đậy tội ác, bứt đứt những bàn tay đang nắm chặt với nhau vượt qua các giá trị luân lý và nhân tính. Hôm nay, một phần bóng tối đó bị đẩy lùi không chỉ bằng sự cao quý trong trái tim luật sư Đôn, mà còn cả truyền thông nhà nước lẫn tự do cũng lên tiếng. Internet mang đi xa câu chuyện nhức nhối đó, các câu chuyện cafe chia sẻ mạnh mẽ hơn. Sài Gòn xa Phú Yên hàng trăm cây số, nhưng rất gần bởi cùng sự căm giận cho số phận con người.
Những buổi sáng trôi qua chầm chậm, giật mình lại thấy đã cuối năm. Những câu chuyện từ internet thì dồn dập đến mức khó mà nhớ hết được, nhất là khi mảnh đất Việt Nam này sáng nào mà không đọc thấy một chuyện đáng ngậm ngùi. Trong tập cuối bộ phim Rurouni Kenshin, thầy của tay lãng khách sát thủ đã nói rằng "sao nhìn con như đang mang giùm nỗi đau cho cả đất nước này vậy." Nhìn mặt của nhiều người tiếp nhận tin tức buổi sáng cafe hôm qua và hôm nay, vẫn có thể thấy được những điều u uất đó lởn vởn chung quanh. Nhưng nếu không là vậy, hoá ra, chúng ta đã trở thành loài súc vật công cụ vô tri sao?
Tôi chép lại câu chuyện này như một thứ nhật ký, bằng một niềm hy vọng nhen nhúm. Những ghi chép này như một thứ nhật internet ghi lại sức mạnh của chính nó, ghi lại con người đã ra sao từ đó, và ghi lại một phần những câu chuyện không bao giờ được quên lãng trên đất nước này.
Đây là một lời cảm ơn thầm lặng của tôi đến luật sư Võ An Đôn và chia sẻ đến gia đình của nạn nhân Ngô Thanh Kiều. Và đây cũng là lời cảm ơn đến những ai đã từng chia sẻ câu chuyện này và biến nó thành một sức mạnh công lý của chúng ta.
Wednesday, January 21, 2015
Thực tế như ác mộng
Truyền hình thực tế đang đem lại điều gì cho xã hội? Câu hỏi này đang được các nhà xã hội học dấy lên, mỗi lúc một nhiều. Những cuộc vui sống động mà công nghệ giải trí mang lại cho đám đông bị đánh giá mỗi lúc đang quá đà hơn, háo hức vượt qua mọi lằn ranh về đạo đức và an toàn cho người xem cũng như người tham gia chương trình.
Bên cạnh những ý kiến bảo vệ các loại reality show (truyền hình thực tế) là điều không thể thiếu của xã hội hiện đại, đem lại cảm xúc cho đám đông hay gì gì đó, thì cũng có những ý kiến khác nói rằng mọi thứ trên truyền hình được gọi là thực tế, nhưng hoàn toàn dàn dựng giả dối, và mục đích chính chỉ là mua bán con người. Trên trang thăm dò idebate.org, ác cảm dành cho thể loại truyền hình thực tế vẫn luôn ở mức cao, dù trãi qua nhiều ngày tháng tranh luận.
Không phải ngẫu nhiên mà các tập phim Hunger Games trở thành bom tấn thu hút toàn thế giới, trong đó nữ diễn viên Jennifer Lawrence là nhân vật đã làm mọi thứ để tự mình thoát khỏi vai trò trong một chương trình truyền hình thực tế và lãnh đạo người dân đứng lên tìm về một cuộc sống thật. Nếu cuộc trình diễn đấu trường của chính quyền Panem trong phim là đỉnh cao của truyền hình thực tế, thì chẳng bao lâu nữa, công nghệ giải trí ngoài đời sẽ không ngại hy sinh đồng loại của mình để tạo không khí. Máu và cái chết có thể sẽ là mục tiêu hướng tới để mua cảm giác, bán lại cho các nhà quảng cáo.
Mới đây, trong chương trình thực tế Điều Ước Thứ 7, phát ngày 10/1 của Đài truyền hình Việt Nam (VTV), câu chuyện "vợ chồng cô gái khiếm thị hát rong" bị lật tẩy khiến công chúng xôn xao. Cuộc đời và chuyện tình mua nước mắt được dàn dựng này đã tạo nên sự phẫn nộ ở khắp nơi. Mặc dù đã có quyết định từ Thanh tra Bộ Thông Tin & Truyền Thông xử phạt ê-kíp này, thế nhưng dư luận dường như vẫn chưa yên. Toàn bộ bức tranh lạm dụng con người và mua bán lại đã phơi bày, mà từ đây, bất kỳ ai cũng có một thêm lý do để lo ngại cho một nền văn hoá phô diễn rực rỡ và thực tế non yếu của đất nước trước con đường tương lai.
Cô gái khiếm thị Nguyễn Như Đào và anh Nguyễn Nhật Thanh được lắp ghép vào nhau, giúp tạo ra một kịch bản tình yêu cao quý để lừa người xem. Thế nhưng khi trần tình với khán giả về điều bị phát hiện, thì những người chịu trách nhiệm của VTV lại nói họ bị lừa, như những nạn nhân tội nghiệp. Sự không chân thành đó khiến khán giả có quyền lo ngại rằng họ có thể bị lừa thêm những lần nào đó trong tương lai, bởi những người thực hiện chương trình không đủ kinh nghiệm và hời hợt, như chính họ mô tả.
Truyền thông, trong sự kiểm soát kiêu ngạo và lạm dụng, có thể dẫn đến những bi kịch cho cả một xã hội chứ không riêng gì người xem hay người tham gia thực hiện chương trình. Năm 2007, một nữ diễn viên phim truyền hình của đài VTV vướng vào một scandal tình ái, sau đó, một khung giờ vàng của đài được tổ chức, gác lại các tiết mục thường kỳ, để nữ diễn viên này lên truyền hình xin lỗi khán giả câu chuyện riêng của mình, mà lẽ ra không cần phải phơi bày như một show diễn như vậy. VTV không phải là một đài tư nhân. Ngân sách từ tiền thuế từ người dân. Nhưng từ sự kiện đó, xã hội có lý do để tin rằng luôn có những ngoại lệ rất "riêng" cho những điều rất chung trong cuộc đời này.
Nhưng cũng chưa chắc những người được truyền thông "chăm chút" như vậy đã hạnh phúc, có thể họ cũng là nạn nhân của một loại truyền hình thực tế gắn nhãn mác "tình người". Nhà tâm lý học về truyền thông Oliver James đã từng tố cáo trong các nghiên cứu của mình rằng các loại truyền hình thực tế dàn xếp tình huống, luôn gây tổn hại tinh thần và tâm lý của những người tham gia. Thậm chí các reality show còn kích động các vùng thần kinh cảm nhận bằng các tình huống khiến mãi về sau, những người tham dự có thể trở thành nạn nhân, những người dễ bị thất thường cảm xúc (emotionally vulnerable people).
Mới đây, trong một chương trình truyền thanh, người ta nghe được một câu chuyện bi thương khác. Một cô gái viết thư cho đài kể chuyện tình yêu của mình, được đọc lại cho khán giả cùng nghe. Nhân viên đài truy tìm chàng trai, vốn đã chia tay với cô đó và nói trực tiếp trên đài, bằnh giọng điệu như một quan toà lương tâm, buộc phải chịu trách nhiệm cho cuộc tình này, buộc anh ta anh ta phải tuyên bố trên đài. Không có kết cục cho câu chuyện bi thương đó vì chàng trai nói mình sẽ có cách của mình trong đời sống riêng chứ không nhất thiết phải trả lời công cộng như vậy. Ngay khi chương trình kết thúc, người ta nhìn thấy trước tiên là sự bi thương cho số phận của chương trình phát thanh đó, khi bán rẻ những cuộc đời riêng người khác cho những giờ phát thanh có quảng cáo của mình. Lạm dụng và dốt nát về quyền riêng tư, đã biến chương trình đó không những trở thành bi kịch cho chính họ, mà còn làm trĩu nặng những trái tim những ai đang đau đáu lo lắng về vận mệnh văn hoá của dân tộc mình mai đây, vẫn đang bị giao nhầm chỗ, từ những điều nhỏ nhất.
Đã hơn 3 thập niên kể từ khi reality show ra đời, và cũng có quá nhiều biến đồ diễn giải cho loại hình giải trí này. Năm 1991, khi chương trình reality show hoàn chỉnh đầu tiên xuất hiện ở Hà Lan và lan tràn toàn thế giới, reality show đã trở thành một gánh xiếc khổng lồ hái ra tiền của mỗi quốc gia, mà phía sau hậu trường cũng có đủ tiếng roi, nỗi ngậm ngùi và kịch bản âm mưu. Ở ngay những quốc gia đủ tri thức và nền tảng văn hoá để kiểm soát thì mọi chuyện cũng đã bắt đầu khó khăn. Còn ở những quốc gia đang gồng mình hoàn thiện và chạy theo đồng tiền của công nghệ giải trí, thì đó là một vấn nạn âm ỉ, chỉ đợi cơ hội để bùng lên, bào mòn sự kết nối giữa người với người, phá vỡ mọi quy tắc đạo đức và nhân văn. Lúc đó, thực tế đó, cũng sẽ không khác gì những cơn ác mộng.
Wednesday, January 14, 2015
Charlie Hebdo và một góc nhìn khác
Sự kiện tờ báo Pháp châm biếm Charlie Hebdo bị những kẻ khủng bố đạo Hồi tấn công vừa qua chưa chấm dứt. Dù có vẻ như quyền tự do ngôn luận được ủng hộ, dù những kẻ gây tộc ác đã bị săn đuổi rầm rộ, nhưng câu chuyện này vẫn lại mở thêm những góc nhìn mới, đáng lo ngại.
Những nhà nghiên cứu về xã hội và tôn giáo ở Pháp và Tây Âu đang gọi tên một hiện tượng mới, Islamophobia (tạm dịch là chứng cuồng sợ/ghét đạo Hồi) đang lan tràn một cách nguy hiểm. Hôm nay, khi chúng ta chứng kiến những kẻ cầm súng hay hành động với một niềm tin kỳ quái, thì đó là quả trái được thu hoạch từ cánh đồng nhiều năm được nhồi nhét về sự cao cả, hy sinh và tận hiến. Cuồng đạo Hồi hay một triết lý nào đó bị lợi dụng cũng có thể dẫn đến một thế hệ như vậy. Chủ nghĩa phát xít của Hilter hay thuyết Khổng tử để phục vụ cho Bắc Kinh… cũng vậy, mục đích thấy rõ là đều để lạm dụng con người như nhau.
Sự kiện 12 nhà báo bị bắn chết ngay tòa soạn của mình ở Paris, đã nhắc về vấn nạn Islamophobia đang xuất hiện ở Phương Tây. Sự kiện này cũng cho thấy một hiện trạng đau lòng là một phần của thế giới tôn giáo dị biệt đang muốn tồn tại ngoài biên giới của họ, nhưng không được chào đón. Charlie Hebdo vừa là nạn nhân của một sự kiện, nhưng cũng giới thiệu mình như một sự thật của định kiến. Và từ những uẩn khúc đó, chính là nơi tươi tốt để mầm Islamophobia nẩy nở.
Tuy vậy, điều cần được nhớ là trong nền tảng văn minh, không ai phải bị chết chỉ vì các bức tranh của mình. Và cũng không ai phải sống dưới sự sách nhiễu bởi tinh thần hay thể chất vì sự chọn lựa tín ngưỡng của mình. Trong thế giới được kêu gào cho tình đại đồng, dường như lại là sự kích thích tốt chủ nghĩa dân tộc cực đoan bùng lên. Chưa lúc nào đảng cực đoan chống người nhập cư của chính trị gia Le Pen ở nước Pháp lại được ủng hộ nhiều như vậy. Nó nhắc người ta nhớ đến việc người Trung Quốc đập phá hàng hóa Nhật bản, kể cả chó, và người Campuchia thì trục xuất người Việt, đốt cờ Việt.
Các ghi chú về Islamphobia đang tăng nhanh ở Pháp. Năm 2013 có 691 vụ án mang màu sắc Islamphobia, tăng 47% so với năm 2012, và có đến 78% nạn nhân là phụ nữ. Báo cáo cũa cảnh sát Pháp về tình trạng Islamphobia đang nhấn mạnh rằng tình hình đang ngày càng đáng báo động, đặc biệt từ năm ngoái, khi một binh sĩ người Anh bị 2 người đạo Hồi chặt đầu ngay trên đường phố để trả thù cho cộng đồng Hồi giáo quê nhà tại Iraq.
Rất nhiều quốc gia đã theo dõi sát sao các đạo luật nhằm bảo vệ màu sắc riêng về tín ngưỡng và quyền con người liên quan đến Hồi giáo tại Pháp. Nước này được coi như là cuộc thử nghiệm để tìm thấy các phản ứng nhất định.
Từ hơn 3 năm qua, Pháp đã có đạo luật cấm hiển thị công khai đức tin Hồi giáo. Mặc dù trong năm triệu người Hồi giáo sinh sống tại Pháp, chính phủ ước tính chỉ có khoảng 2.000 phụ nữ mặc Burqa hay niqab (trùm người và che mặt). Năm 2011, chính phủ Pháp cấm các công đeo mặt Hồi giáo trải. Bất cứ ai cũng mặc những hình thức Hồi giáo phục là bị phạt khoảng 120 USD, hoặc là buộc phải có những bài học thành công dân Pháp. Những người theo đạo Hồi co cụm lại, và sự bất mãn cũng bắt đầu từ đó nhiều hơn. Rất nhiều bình luận cho rằng Pháp đã làm đúng, nhưng mặt khác cho thấy một cuộc khủng hoảng bản sắc của người Pháp trong việc bảo toàn chủ nghĩa thế tục trong bề mặt xã hội của mình.
Nước Anh cũng ghi nhận trong năm 2013 có đến 500 sự kiện Islamphobia. Thụy Điển với truyền thống ôn hòa và dung nhận cũng đang được vận động cắt giảm 90% người gốc Hồi giáo tị nạn nhập cư vào nước. Thậm chí đã có đến 3 nhà thờ Hồi giáo đã bị đốt phá. Đức cũng đã bùng nổ một phong trào có tên “Không Sharia Châu Âu”. Cuộc biểu tình phản ứng với Hồi giáo cực đoan ở Dresden có đến 17.500 người cùng xuống đường. Cảnh sát Đức ghi nhận rằng rằng đã có hơn 70 cuộc tấn công chống lại các nhà thờ Hồi giáo từ năm 2012 đến 2014.
Trên khắp Tây Âu, phong trào chống người người nhập cư Hồi giáo ngày càng tăng, bày tỏ những lo ngại của họ trong nền kinh tế, sự đấu tranh của các tầng lớp trung lưu, những cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Và sự dị biệt tôn giáo cũng là vấn đề lớn.
Đó cũng chính là tiêu chí không tuyên bố mà người ta có thể nhận thấy qua tờ báo Charlie Hebdo. Những ngày qua, có đến gần 4 triệu người Pháp xuống đường phản đối việc các kẻ khủng bố đạo Hồi tấn công và bắn chết các nhà báo ngay tại bàn làm việc của họ.
Dĩ nhiên, quyền tự do ngôn luận và chống việc giết người là điểm chính. Nhưng ai cũng thấy thấp thoáng trong đó, Pháp hay Tây Âu nói chung, cũng muốn phần nào bộc lộ sự mệt mỏi của mình trước những kẻ cuồng tín dị giáo, mà trong một thế giới gần như họ phải cam chịu chung sống.
Monday, January 12, 2015
Thế kỷ kết liễu độc tài
Những ngày của đầu năm 2015, tin tức về cái chết của Fidel Castro, nhà lãnh đạo cộng sản khét tiếng của Châu Mỹ Latin đang được lan truyền khắp nơi. Có thể đó chỉ là tin đồn. Có thể ông ta đã chết nhưng đảng cộng sản Cuba đang chọn tìm một thời điểm thích hợp để công bố, như số phận của nhiều nhà lãnh đạo cộng sản khác. Cũng có thể tin đồn đó chỉ là cách phản ánh một tâm thức chán ghét của của đám đông về nhân vật này. Nhưng điều quan trọng hơn, với những gì đang diễn ra ở Cuba, thì ý nghĩa tồn tại thể chất của nhà độc tài cộng sản 88 tuổi không còn quan trọng: Trong mắt loài người văn minh, Fidel Castro kể như đã chết.
Cũng giống như nhiều lãnh tụ cộng sản háo danh khác, Fidel Castro cũng thích nhảy múa cùng những huyền thoại của mình, để ông được "sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta". Một trong những huyền thoại hay được sách vở Cuba tuyên truyền rầm rộ là ông đã phá vỡ được đến 638 vụ ám sát của CIA Mỹ tổ chức nhằm vào ông. Những vụ ám sát được công bố qua các phương thức như bỏ thuốc độc, nổ xì-gà... rất ư là 007. Với theo nhiều tài liệu phân tích của các sử gia, thì đa số là do các tổ chức Cuba phản kháng lưu vong tìm cách thực hiện. Nhưng điều đáng nói nhất, thì người dân Cuba ít được phép nhắc đến, đó là Fidel Castro đã cai trị dân tộc mình bằng máu và nước mắt hơn nửa thế kỷ.
Không chỉ riêng ở Cuba, mà ngay ở Việt Nam, các giáo viên dạy sử cũng được nhận lệnh gia công cho các huyền thoại này. Trong một giờ dạy về lịch sử quốc tế, tôi còn nhớ mình phải học thuộc lòng rằng Cuba như chỉ sinh ra từ Fidel Castro và chủ nghĩa cộng sản. Người thầy dạy sử, mà tôi tin chắc rằng ông ta chưa bao giờ được một lần đặt chân đến Cuba, đã say mê thuyết phục những đứa học trò trung học chúng tôi rằng nơi đó là thiên đường, và Fidel là một kỳ nhân của thế gian khi cải tạo đất nước này sang hình thái xã hội chủ nghĩa.
Ở thiên đường đó, mà tôi cũng từng mơ màng trong suốt nhiều năm, có những điều thật trớ trêu. Hơn một triệu người dân Cuba không chấp nhận cộng sản, chọn cách ra đi đã hàng năm gửi về cho thân nhân của họ hơn 1 tỷ USD kiều hối, tương đương với 35% ngoại tệ thu về hàng năm của cả nước, giúp nền kinh tế này thoi thóp sống. Nơi quốc gia này, nhân viên nhà nước làm việc cho chính phủ, chỉ có được mức lương trung bình khoảng 15 USD/tháng nhưng phí điện thoại di động là 40 USD/ tháng. Tôi không có dịp gặp lại người thầy của mình để hỏi lại cảm giác của ông về những tin tức như năm 2014, người dân Cuba mới bắt đầu được đi du lịch nước ngoài mà không còn cần phải làm bản trả lời thẩm vấn nộp cho công an địa phương. Hoặc chỉ để nhìn lại ông, khi chìa cho ông bản tin chính báo chí Việt Nam đăng tải, rằng các phát minh của thế kỷ 20 như tivi màu, internet... người dân Cuba chỉ được chạm đến trong thế kỷ 21.
Năm 1961, sau một thời gian làm cách mạng lật đổ chế độ thân Mỹ của tổng thống Fulgencio Batista, Fidel Castro tuyên bố mình đi theo chủ nghĩa cộng sản, đưa đất nước này vào bóng đêm tăm tối của chế độ độc tài toàn trị. Dù được ca ngợi là thành tựu ở một vài lãnh vực như y khoa, kiểm soát tội phạm... nhưng đất nước Cuba cũng được nhắc đến về cuộc sống rên siết trong vòng vây của chế độ cộng sản. Một chế độ mà chính chủ tịch mới, ông Raul Castro đã phải thú nhận trước quốc hội vào tháng 4/2011, rằng « Hoặc là chúng ta sửa đổi, hoặc như thế là hết. Chúng ta không còn có thể đi men theo bờ vực thẳm, chúng ta sẽ chìm đắm, và cùng chìm theo ta là nỗ lực của bao nhiêu thế hệ ».
Triều đại bàn tay sắt của Fidel Castro vẫn còn được được mô tả trong bản báo cáo về nhân quyền năm 2009, qua lời của Rodolfo Bartelemí Coba, một nhà tranh đấu cho quyền con người, rằng "Chúng ta sống 24 giờ một ngày, mà vốn đã được chuẩn bị sẵn sàng để bị giam giữ". 10 ngày sau lời phát biểu này, ông Rodolfo cũng đã bị bắt đi mất tích.
Sự tàn bạo của chính quyền cộng sản Cuba, thông qua Lực Lượng Vũ Trang Cách Mạng (FAR) là đề tài kinh hoàng của những người vượt thoát khỏi Cuba. Theo hồ sơ của Hiệp hội Đồng hương Mỹ-Cuba (Cuban American National Foundation) thì từ sau khi Fidel Castro cầm quyền, đã có khoảng 12.000 đối lập chính trị bị bắn, chôn sống hoặc tra tấn đến chết. Nhưng các tài liệu ngoài tiếng Tây Ban Nha thì cho biết số lượng những nạn nhân này có thể lên đến 17.000 người, chỉ tính riêng từ năm 1959 đến 1990.
Một bản tin về chuyện ngay sau khi Mỹ bỏ cấm vận với Cuba vào 17/12/2014 vừa rồi, cũng như tin tức chủ tịch Raul Castro ký trả tự do cho 35 nhà đối lập trong danh sách 100 người được quốc tế đề nghị (8/1/2015), số người đào thoát khỏi Cuba vẫn tăng đến 117%. Dù tự do và thay đổi đang ở ngay trước mặt nhưng người dân Cuba đã không còn kiên nhẫn để chờ đợi nữa. Họ làm mọi cách để chạm vào tự do ngay khi hàng rào kẽm gai vừa lỏng lẻo chứ không còn kiên nhẫn và cam chịu để chờ đến khi hàng rào đó sụp đổ. Không thể đợi Fidel chết và chế độ cộng sản Cuba sụp đổ trên bản đồ chính trị, người dân muốn tiễn đưa ngay cơn ác mộng của đời mình bằng hành động cụ thể nhất.
Khác với các nhân vật như đại tá Gaddafi hay tổng thống Mubarak, các nhà lãnh đạo cộng sản vẫn hay lên tiếng tố cáo sự tư hữu xa hoa của chế độ phương Tây, bày tỏ cuộc sống khiêm tốn của mình. Nhưng khi mọi thứ được phơi bày, người dân mới té ngửa khi biết rằng mọi thứ đều là dối trá. Chính các nhà lãnh đạo cộng sản là kẻ tham nhũng ghê sợ nhất, xa hoa nhất trên tấm lưng còng của tổ quốc mình. Theo tiết lộ từ cuốn La Vie Cachée de Fidel Castro (tạm dịch: Cuộc đời bí ẩn của Fidel), một nhân viên cận vệ của Fidel Castro kể rằng nhà lãnh tụ này chưa bao giờ từ bỏ lối sống tiện nghi tư bản mà ông ta vẫn hay lên truyền hình nguyền rủa nó. Juan Reinaldo Sánchez, người đã làm cận vệ riêng cho Fidel trong suốt 17 năm, sau đó đào thoát qua Mỹ, tiết lộ rằng dân cả nước Cuba không thể nào hình dung nổi cuộc sống sang trọng phung phí của Fidel. Thậm chí Fidel Castro còn quy hoạch một hòn đảo nhỏ thành của riêng cho mình, đảo Cato Piedra, nằm ở phía nam của Vịnh con Heo. Juan nói rằng nơi đó được Fidel Castro xây dựng như một vườn địa đàng, đầy những trại nuôi rùa biển và cá heo.
Thế kỷ 20 và 21 đã chứng kiến nhiều cuộc kết liễu độc tài. Từ Stalin đến Mao Trạch Đông... rồi Kim Chính Nhật đến Gaddafi... giờ thì đã rất gần với Fidel Castro, nhân vật bạo chúa được khoác áo người hùng trong vai diễn của lịch sử cộng sản thế giới. Như một quy luật không thể thay đổi: bất cứ chế độc tài nào rồi cũng phải ra đi, dù đi nhanh hay đi chậm. Thế kỷ như đang kết liễu những nhà độc tài, những nhà nước độc tài núp bóng vì nhân dân, vì tổ quốc. Những người như tôi cũng có dịp để kết liễu những bài học lịch sử nhồi sọ của mình, để ghi vào đó, một trang sử mới bằng tên của những người yêu nước Cuba đã chết cho quê hương của họ được tự do.
Wednesday, January 7, 2015
Tự do và sợ hãi
Một trong những bộ phim đáng nhớ của đầu năm 2015 này, đó là chuyện kể của đạo diễn Ridley Scott về cuộc di dân của gần 400.000 người Do Thái về miền đất hứa, khao khát thoát khỏi ách nô lệ của Ai Cập. Bộ phim vẽ lại một hành trình dài của con người muốn vượt thoát sự thống trị, thoát khỏi sợ hãi để đến bến tự do. Mọi thứ được đánh đổi, chấp nhận để cái có được mơ hồ nhưng kiêu hãnh: sự tự do của bản thân mình, dân tộc mình. Bộ phim Exodus: Gods and Kings có thể làm cho bất kỳ một dân tộc nào đang bị đàn áp trên thế giới phải rơi nước mắt cùng hy vọng.
Đây lại là một siêu phẩm của Hollywood với ngân sách lên đến 140 triệu USD, tuy nhiên chỉ trong 4 tuần công chiếu, bộ phim này đã thu về hơn 60 triệu USD. Diễn viên Christian Bale tiếp tục lại chinh phục khán giả với vai diễn khắc nghiệt, diễn đạt nhân vật Moses, người khởi xướng cuộc cách mạng, dẫn dắt hàng trăm ngàn người Do Thái bước qua sợ hãi, đoàn kết và thoát khỏi sự thống trị tưởng chừng như muôn đời qua các đời Pharaoh Ai Cập. Dù ở bên cạnh Ai Cập, những con người Do Thái nhục nhằn và cam chịu không bao giờ coi biên giới đó là sự hữu nghị cần thiết hay lời cam kết chấp nhận cúi đầu. Thật khó tả cảm giác về cảnh Ramses, Pharaoh đương thời của Ai Cập ra lệnh mỗi ngày hành quyết một gia đình người Do Thái, cho đến khi nào người Do Thái tự nguyện tố giác và giao nộp Moses cho triều đình. Như mọi ví dụ về các chế độ độc tài của lịch sử chống lại loài người, Ramses muốn gieo rắc sự sợ hãi để trấn áp người dân để cai trị, gieo rắc sự khủng bố để bảo vệ quyền lực của mình. Thế nhưng, khi những người Do Thái gầy gò, mệt mỏi quay về từ buổi hành hình, người ta không nghe tiếng khóc trẻ con, tiếng than thở… mà chỉ có tiếng thì thầm “hãy giúp cho tôi vũ khí, tôi muốn chiến đấu”.
Phút giây ngắn ngủ đó, nhắc nhở muôn vạn điều. Khi vượt qua sợ hãi và nghĩ đến điều cần phải hành động cho tự do, cho tương lai, mọi dân tộc trên thế giới này đều có những biên niên sử vĩ đại. Năm 73 trước Công nguyên, gã nô lệ Spartacus người Thracia lãnh đạo đoàn chiến binh nô lệ trở thành nỗi kinh hoàng của đế chế La Mã. Năm 1258, hàng ngàn người dân nhà Trần quyết cùng thực hiện kế sách ‘thanh dã’ (vườn không nhà trống), hy sinh mọi thứ để đối đầu với 30.000 quân Mông Cổ bách chiến bách thắng của Ngột Lương Hợp Thai, để giành tự do cho quê nhà. Đâu đâu cũng vậy, khi một dân tộc cùng với những người đứng đầu không hèn hạ, không thỏa hiệp, thì không có nỗi sợ hãi nào có thể ngăn họ nghĩ đến tương lai bằng sức mạnh danh dự.
Khi đoàn người của Moses đứng trước biển biển Đỏ, sóng dữ và bao la. Đằng sau thì đoàn chiến xa của vua Ramses đang đến gần. Có những người dân đã kinh hoàng la lên “tại sao chúng ta không quay lại Ai Cập, có là nô lệ thì chúng ta cũng có cái ăn, và không bị giết”. Không có câu trả lời cho những lý luận đó. Những lý luận đã trở thành đương thời của thế kỷ 21 khi con người quen việc phủ lên sự đê hèn của mình bằng ngôn từ nhung lụa. Đạo diễn Ridley Scott đã dùng hình ảnh để trả lời tất cả. Những người đàn bà ôm con nhỏ lao thẳng vào dòng nước. Những cụ già chống gập khập khiễng bước đi. Nếu biển không cạn để gần nửa triệu người đó băng qua, họ đã chết. Lịch sử sẽ ghi lại một câu chuyện thương tâm rằng vào thời cổ đại Ai Cập, 1.300 năm trước Công nguyên, người Do Thái đã chọn cái chết chứ không chịu làm nô lệ.
Trong chuyện cổ tiếng Hebrews, Chúa đã làm phép tách biển làm đôi để người Do Thái tìm đến tự do. Nhưng trong cách kể chuyện không bị lệ thuộc vào tín ngưỡng của đạo diễn Ridley Scott, ông đã diễn đạt bằng khoa học rằng chính các vòi rồng vào thời điểm đó đã hút nước biển cạn trong một khoảng thời gian và tạo nên một sinh lộ thần kỳ cho người Do Thái trước khi quân Ai Cập ập đến. khi được hỏi về phân đoạn này, Ridley Scott nói trên tờ Esquire rằng “tín ngưỡng chính là nguồn gốc lớn nhất của sự dữ. Con người bị xâu xé bởi ý nghĩa chúa trời riêng của mình, thế nhưng trớ trêu thay thượng đế chỉ có một”. Vốn là người theo tin thuyết bất khả tri, Ridley Scott tin rằng cuộc vượt thoát đầy tính sử thi đó, duy nhất bắt nguồn từ niềm tin vào tự do và lòng quả cảm vượt qua sợ hãi của người Do Thái.
Phim Exodus: Gods and Kings không có kết thúc. Hành trình của ông Moses và những người dân Do Thái còn miệt mài. Ông ra đi khi là một dũng sĩ cho đến khi tóc bạc phơ, run rẩy trên chiếc xe về vùng đất hứa. Câu chuyện như một ẩn dụ về hành trình đến tự do của mỗi dân tộc không bao giờ có đoạn kết. Tự do là cuộc tìm kiếm không ngừng, ngay cả khi những nhà lãnh đạo lừa dối bạn rằng tự do đang ở cùng bạn. Miến Điện hay Cuba có thể khác ngày hôm qua, nhưng tự do vẫn còn ở xa xa phía trước. Tự do là con đường chứ chưa bao giờ là đích đến trên thế gian này. Tự do chỉ hiển hiện với những con người đi tim nó, chứ không thể là miếng ăn sợ hãi và nỗi nhục nhằn sống trong nô lệ ở trước bờ biển Đỏ ầm ầm sóng.